trang bạn hữu – Đọc Cõi Đá Vàng – Đi tìm nhân vật Trần – (tác giả: Nguyễn Đắc Điều & Nguyễn Hoàng Lưu)

1-Giới thiệu đôi nét về Cõi Đá Vàng và tác giả – (Nguyệt Mai)

CÕI ĐÁ VÀNG

truyện dài
của Nguyễn thị Thanh Sâm
Sách dày 414 trang.
An Tiêm xuất bản tại Saigon năm 1971
Thư Ấn Quán tái bản tại Hoa Kỳ tháng 1 năm 2012
Bìa: Đinh Cường
Tủ Sách Di Sản Văn Chương Miền Nam
liên lạc: tranhoaithu@yahoo.com


Từ những comments trao đổi của Nha Trang và Phay Van để rồi Phay tìm tất cả những chi tiết liên quan đến cuốn sách “Cõi Đá Vàng” mong các bạn cùng nhau chia sẻ trong “Cõi Đá Vàng (đọc sách)”. Những tưởng cuốn sách đã đi vào hư vô không còn tìm lại được sau trận phần thư năm nào, thì may mắn thay, anh Phaolo, trong khi Google search về tin tức cuốn sách “Cõi Đá Vàng” cho một người thân, đã thấy trang blog Phay Van trong số kết quả tìm kiếm. Anh đã mượn của thư viện Cornell (Hoa Kỳ) qua trung gian của thư viện địa phương và đánh máy tặng lại cho các bạn ở trang nhà Phay Van. Nguyệt Mai đã gửi quyển ebook này cho họa sĩ Đinh Cường. Thật bất ngờ, ông cho biết ông là bạn của vợ chồng tác giả, và nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn đã lấy ngôi nhà của họ ở Đà Lạt làm bối cảnh cho truyện ngắn “Nhà có hoa mimosa vàng”. Được tin tác giả đang bị bệnh, nhà văn Trần Hoài Thư có nhã ý in lại cuốn sách để tặng tác giả hiện đang sống tại Seattle.
Nguyệt Mai muốn nói lên lời tri ân với tác giả Nguyễn thị Thanh Sâm đã viết một cuốn sách quá hay, cũng như tỏ lòng biết ơn đến nhà văn Trần Hoài Thư, anh Phaolo, họa sĩ Đinh Cường và chị Kim Nhung đã giúp cuốn sách trở lại với đời, để cho bạn đọc, nhất là lớp trẻ sinh ra sau năm 1975, được biết rằng văn chương miền Nam đã có một thời thật đẹp và thật hay như thế.

Tiểu sử tác giả:

Bà Nguyễn thị Thanh Sâm là cựu học sinh trường Trung học Đồng Khánh, Huế.

Sinh ngày 06 tháng 01 năm 1933 tại xã Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam.

Quê quán: Làng Thế Chí Tây, Huyện Phong Điền, Huế.

Chồng của nhà văn Thanh Sâm là Ông Phan văn Tốn, một sĩ quan QL VNCH, nguyên là Quận trưởng quận Khiêm Đức, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đức, sau đổi qua làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Đà Lạt, kiêm Quân Trấn Trưởng, kiêm Phó Tỉnh Trưởng Nội An Đà Lạt. Trung Tá sau được vinh thăng Đại Tá. Tử trận vì một quả mìn ở đồn “Kim Thạch”. Vì vậy, quyển sách này có tên là “Cõi Đá Vàng

2- Đọc Cõi Đá Vàng – Đi Tìm Nhân Vật Trần Trong Truyện – (Nguyễn Đắc Điều & Nguyễn Hoàng Lưu)

Viết về
NHÂN VẬT TRẦN

(Những trang sau là những trang viết về TRẦN – nhân vật chính trong Cõi Đá Vàng của Nguyễn thị Thanh Sâm qua những hồi ức, văn trích của Nguyễn Đắc Điều, Nguyễn Hoàng Lưu, Phùng Quán và Nguyễn thị Thanh Sâm.)

Đọc Cõi Đá Vàng
của Nguyễn Thị Thanh Sâm

NGUYỄN HOÀNG LƯU

[Bổ túc ngày 14 tháng 9 năm 2021]

(Dưới đây là bài viết của thân hữu Nguyễn đắc Điều. Ông là một người rất thân thiết với gia đình cố đại tá Phan văn Tốn – Nguyễn thị Thanh Sâm. Ông đã làm được một việc rất “ngoạn mục”: Đi tìm dấu vết Trần, nhân vật chính của Cõi Đá Vàng. Cuối cùng ông đã tìm được. Ông chuyển đến chúng tôi thư của tác giả Nguyễn Hoàng Lưu người nhân chứng ngày nhân vật Trần còn bằng xương bằng thịt.

Chúng tôi xin được phép đăng, trước hết là “lời người chuyển”, theo đó người chuyển (Nguyễn Đắc Điều) giải thích lý do, cũng như diễn tiến cuộc đi tìm nhân vật Trần, kế đó là bài viết qua hình thức một lá thư dài của tác giả Nguyễn Hoàng Lưu trả lời ông Nguyễn Đắc Điều, dưới tựa đề “Đọc Cõi Đá Vàng”.)

– Cõi đá vàng (chú thích 1) là tập truyện dài đầu tay và duy nhất của Nguyễn thị Thanh Sâm. Nội dung câu chuyện xoay quanh nhà thơ Hồ Vi và một số nhân vật tham gia kháng chiến tại Liên khu 4 về lòng yêu nước và ý thức hệ chính trị trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh chống Pháp để giành Độc Lập, Tự Do cho đất nước.

Tôi quen tác giNguyn thThanh Sâm qua sgii thiu ca anh Nguyn xuân Thip, Trưởng đài phát thanh Tiếng nói Quân đội Vùng 2 Chiến thut trong bui trin lãm tranh ca ha sĩ Đinh Cường và mt sthân hu khác như Trnh Cung, Trnh công Sơn, Bu Ý…vào năm 1965 ti Alliance Francaise, thĐà-Lt. Nhóm thân hu này, thường gp nhau ti nhà tác giNguyn thThanh Sâm trong nhng bui hp mt văn nghệ để nghe Khánh Ly và Trnh công Sơn hát.

– Tôi ri Đà-Lt sau Tết Mu thân 1968 để tái ngũ. Năm 1969, tôi nghe tin chng ca tác giNguyn thThanh Sâm là Trung tá Phan văn Tn tnn ti p Kim Thch gn Sui Vàng. Tôi biết Trung tá Tn tnăm 1962 khi tôi làm Trưởng ty Hành chánh và lúc đó Trung tá Tn còn là Trung úy gichc vQun trưởng qun Khiêm Đức tnh Qung Đức. Tôi được tác giNguyn thThanh Sâm cho đọc bn tho cun truyn và tôi đã góp ý vi tác ginên đặt tên cun truyn là Cõi đá vàng để ghi li địa danh nơi Trung tá Tn hy sinh (p Kim Thch).

– Năm 2008 tôi được đọc mt tp văn “Tn mn nhng ngày tháng cũ” ca tác giNguyn hoàng Lưu viết vLiên khu 4, đề cp đến mt cuc gp gỡ ở chiến khu Tha Thiên vi mt nsinh kháng chiến có tên Thanh Sâm và nhà thơ HVi, cán btrung đoàn 101. Cuc gp gcó nhiu chi tiết ăn khp vi người và vic trong Cõi đá vàng, đã thúc đẩy tôi đi kiếm cun sách mà tôi đã đọc gn na thế ktrước. Tôi đã tìm gp li cun Cõi đá vàng do Thư Ấn Quán tái bn Hoa Kvà gi cho tác giNguyn hoàng Lưu để đối chiếu, làm sáng t.

Ngược thời gian tìm kiếm nhân vật (tác giả Nguyễn thị Thanh Sâm) và tác phẩm (Cõi đá vàng) tôi đã gặp lại những người bạn cũ của tôi và Nguyễn thị Thanh Sâm, nhiều người không còn nữa (Trịnh công Sơn, Đinh Cường…), và người nữ sinh kháng chiến có tên Thanh Sâm cũng là tác giả Nguyễn thị Thanh Sâm nay đang sống với con gái Quỳnh Trân ở Seattle trong tình trạng alzheimer. Tôi đã tìm thấy nguyên mẫu trong đời thường của các nhân vật chính trong Cõi đá vàng: người con gái bị thủ tiêu bởi 3 mũi tên thuốc độc và nhân vật Trần chính là nhà thơ Hồ Vi. Nhà thơ Hồ Vi đã chết trên đường tìm tự do. Ông tử nạn vì vướng mìn du kích địa phương khi đi thăm mộ người yêu lần cuối để từ giã trước khi vào Huế (vùng Pháp chiếm đóng). Người yêu của ông chết đuối ở sông Ô Lâu, chiến khu Hòa Mỹ, và cái chết bi thảm của ông đã được nhà văn Phùng Quán ghi lại trong đoản văn “Nhà tiên tri tầm cỡ đại đội”.

Nguyễn Đắc Điều

Dưới đây là bài viết của tác giả Nguyễn hoàng Lưu.

Thư của ông Nguyễn Hoàng Lưu gửi ông Nguyễn Đắc Điều sau khi đọc Cõi Đá Vàng

Anh Điều thân,

1/- Cảm ơn anh đã công phu tìm kiếm, cho đọc cuốn truyện dài “Cõi đá vàng” của Nguyễn Thị Thanh Sâm, người con gái tôi đã gặp ở chiến khu Thừa Thiên cách đây trên 60 năm (đầu năm 1952) và Trần, nhân vật chính trong Cõi Đá Vàng.

2/- Đoạn chót bài “Ly rượu thọ” như sau :

Rừng phong xa loáng bạc nắng lung lay,
Hoa đào bay trước ngõ, hoa đào bay,
Trong hoa tuyết trắng ngần rơi lả tả,
Và xuân ấy năm ngàn quân của Mã
Đánh tan xương quân Nhật một sư đoàn
.

Hiện nay có 2 luồng ý kiến về ai là tác giả bài thơ Ly rượu thọ : Tố Hữu hay Phạm huy Thông ?

Năm 1945 tình cờ tôi được đọc bài Ly rượu thọ trong báo Bạn Đường tại nhà ông Võ thành Minh, đề tên tác giả là Tố Hữu. Bấy giờ nhà cha mẹ tôi và nhà ông Võ thành Minh ở đối diện nhau trên đường Destenay thành phố Vinh, gọi là phố Cầu Rầm; và tôi đang học lớp Nhất trường Cao xuân Dục. Tờ Bạn Đường là báo của hướng đạo, ông Võ thành Minh là huynh trưởng hướng đạo, có tên Dã Mã (Ngựa rừng). Ông sống giản dị, đạm bạc, thường cỡi chiếc xe mô tô cũ kỹ, tiếng nổ lớn, bọn con nít chúng tôi gọi là xe bình bịch. Ông là người thổi sáo bên bờ hồ Leman, Geneve lúc hội nghị Geneve 1954 chia đôi Việt nam thành hai miền Nam, Bắc; bị cọng sản giết chết trong Tết Mậu Thân ở Huế (1968). Trường Cao xuân Dục mà tôi theo học là trường Tiểu học Pháp Việt đầu tiên của thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An, thập niên 1920 được xem là cái nôi cách mạng với Trần mộng Bạch (hiệu trưởng), Trần Phú, Hà huy Tập (giáo viên)… làm thành hạt nhân của đảng Tân Việt, tiền thân của đảng Cọng sản Đông dương. Trần mộng Bạch là người soạn thảo cương lĩnh đảng Tân Việt, là linh hồn và thủ lãnh. Người Pháp xem ông là phần tử cực kỳ nguy hiểm vì khả năng và uy tín của ông trong việc kết nối các lực lượng yêu nước từ giới sỹ phu lão thành nho học (Lê Huân, Nguyễn đình Kiên…) cho đến giới trí thức trẻ tuổi tân học (Trần Phú, Hà huy Tập, Phan kiêm Huy, Ngô đức Diễn, Đào duy Anh, Đặng thái Mai, Tôn quang Phiệt, Phạm Thiều, Nguyễn thị Minh Khai, Phan đăng Lưu, Nguyễn chí Diểu, Nguyễn sĩ Sách, Lê duy Điếm…). Đa số các trí thức tân học tiểu tư sản này trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng, hình thành và phát triển đảng cọng sản Đông dương với Trần Phú Tổng bí thư đầu tiên và kế tiếp …Hà huy Tập. Trần mộng Bạch là người có tinh thần đoàn kết quốc gia, đã khởi xướng việc liên kết với Thanh niên Cách mạng đồng chí hội trên căn bản 2 đảng song song tồn tại trong mục tiêu đánh đuổi xâm lược Pháp giành độc lập, nhưng là người cương quyết không chấp nhận giải thể đảng Tân Việt để sáp nhập vào Thanh niên Cách mạng đồng chí hội (cọng sản). Bây giờ nhìn lại bối cảnh lịch sử ngày đó, chúng ta nhận rõ ông là một chiến sĩ kiên cường của chủ nghĩa dân tộc, là nhà ái quốc chân chính, và là nhà lãnh đạo sáng suốt…Vì các lẽ đó mà những nhà viết sử dưới chế độ cọng sản đã cố tình lãng quên tên tuổi của ông và vai trò lớn lao của ông trong công cuộc đấu tranh giành độc lập giải phóng dân tộc.

Tên thật của ông là Trần đình Thanh, người Hà Tịnh, bị thực dân Pháp giết chết năm 1931, lúc 29 tuổi. Sở dĩ tôi nhắc đến ông ở đây vì hầu hết mọi người ngày nay không còn biết đến ông. Trường Cao xuân Dục sau cách mạng tháng 8, 1945 đổi tên là Phạm hồng Thái và sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 thì không còn nữa.

Năm 1949 nhà xuất bản Sống Chung Sài Gòn, giám đốc Sơn Khanh phát hành tuyển tập “Thơ mùa giải phóng” có đăng bài Ly rượu thọ dưới tên tác giả Tố Hữu, các tác giả khác gồm có: Vũ anh Khanh, Nguyễn Bính, Đông Hồ… Sơn Khanh là bút hiệu của luật sư Nguyễn văn Lộc, cựu Thủ tướng Việt nam Cộng hòa (1967, 68), sau 1975 đi tù cải tạo và mất tại Pháp.

Năm 1969 nhà xuất bản Văn học Hà Nội phát hành tập thơ “Từ ấy” (thơ Tố Hữu 1937-1946), Đặng thái Mai giới thiệu, có đăng bài Ly rượu thọ. Nhưng từ sau 1969, trong thời gian Tố Hữu còn sống, toàn tập thơ Tố Hữu được tái bản nhiều lần mà không có bài Ly rượu thọ.

Trong số những người cho rằng bài Ly rượu thọ là của Phạm huy Thông có 2 nhà sử học Đinh xuân Lâm và Phan huy Lê, cả 2 đều là học trò của Phạm huy Thông lúc ở Đại học Văn khoa Hà Nội (1956). Đa số những người đọc thơ Tố Hữu và Phạm huy Thông đều có nhận xét: giọng thơ Ly rượu thọ không phải là giọng thơ Tố Hữu mà là giọng thơ “hùng tráng” của Phạm huy Thông (tác giả Tiếng địch sông Ô).

Vấn đề ai là tác giả Ly rượu thọ, Tố Hữu hay Phạm huy Thông? chỉ được đặt ra sau khi Tố Hữu chết (Tố Hữu 1920-2002) và Phạm huy Thông đã chết trước Tố Hữu trên chục năm (Phạm huy Thông 1916-1988). Trước 1955 Phạm huy Thông sống ở Pháp và Sài gòn (vùng Pháp kiểm soát). Vì hoạt động cọng sản Phạm huy Thông bị chính phủ Pháp trục xuất về Sài gòn năm 1952 và chính phủ miền Nam (Thủ tướng Ngô đình Diệm) trục xuất ra miền Bắc sau hiệp định Geneve 1954. Lúc bấy giờ Tố Hữu là ủy viên trung ương đảng phụ trách công tác văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền, nắm quyền sinh sát văn nghệ sĩ, là người chỉ đạo vụ đàn áp phong trào Nhân văn Giai phẩm mà khởi nguồn từ việc một số văn nghệ sĩ công khai chỉ trích tập thơ Việt Bắc của ông.

3/- Bài “Đường rừng”, nhạc Trần Hoàn, lời (không nhớ tên tác giả) :

… Trèo đèo Ba Rền,

Băng qua Nhà Nam!

Nhà Nam chứ không phải là Nhã Nam. Có nhiều bản sao chép là Nhã Nam, không đúng. Nhã Nam thuộc Yên Thế (Bắc Bộ) trước kia là căn cứ địa của cụ Hoàng hoa Thám chống Pháp. Nhà Nam là tên một trạm nghỉ trên đỉnh Ba Rền (Quảng Bình), tôi có nghỉ đêm tại đây khi vượt Ba Rền đầu 1952.

Anh có thể mở Google để xem toàn bài “Đường rừng” và nghe hát. Ngày đó (1949) bộ đội chúng tôi thường hát bài này nhưng có lược bỏ một số đoạn vì không thích hợp khi hát tập thể (Chú thích 2).

4/- Bấy giờ tôi là bộ đội mới giải ngũ (trường Quân chính Liên khu 4) và đang học năm cuối trường cấp 3 Huỳnh thúc Kháng (trường Khải Định-Huế di tản, hiệu trưởng đầu tiên là giáo sư Phạm đình Ái và hiện là giáo sư Hà thúc Chính, cậu ruột của người anh quen biết là luật sư Cao xuân Châu Phố). Nhân trường tạm nghỉ để các giáo sư đi tu nghiệp nên tôi dùng thời gian này đi vào Thừa Thiên liên lạc với thân nhân trong vùng tạm chiếm, xin tiếp tế và giải quyết một số công việc gia đình.

Tôi rời Đức Thọ, Hà Tĩnh Giáng sinh 1951, vào đến Thừa Thiên giáp Tết đầu năm 1952. Tôi ở Lê Xá thuộc vùng giải phóng cách Huế khoảng 10 cây số để liên lạc vào Huế. Lê Xá lúc này rất nhộn nhịp, cán bộ các loại lui tới: cán bộ Liên khu 5, cán bộ nội thành, cán bộ các cơ quan kháng chiến Thừa Thiên, bộ đội Trung đoàn 101… Một hôm có người bạn ở trường Lục quân Trần quốc Tuấn dẫn một cô gái giới thiệu là em của anh ta, hiện là “học sinh kháng chiến” đang cần chỗ ở (Chú thích 3), muốn gửi tôi giúp và săn sóc vì anh đã hết hạn phép phải trở lại Liên khu 4. Tôi nói với chủ nhà cô là em tôi và ông đồng ý cho ở lại trong nhà. Cô gái tên là Thanh Sâm, nói với tôi là quê cô ở làng Thế Chí (Phong Điền), mới học xong năm thứ 2 trung học ở Chu Lễ (Hương Khê, Hà Tịnh), trường trung học đệ nhất cấp dành cho học sinh Bình Trị Thiên…

Tôi gặp anh Hồ Vi vào một buổi sáng tại một quán nước ở Lê Xá; cuộc gặp do Thanh Sâm (quen biết trước với Hồ Vi) giới thiệu. Trước đó tôi chỉ biết anh là một nhà thơ qua bài “Gửi người chín lăm” (Chú thích 4) nói về tình chiến hữu của lính Trung đoàn 101 (chủ lực Thừa Thiên) với lính Trung đoàn 95 (chủ lực Quảng Trị), hai trung đoàn thường phối hợp trong một số trận đánh ở vùng giáp biên Quảng Trị-Thừa Thiên. Biết tôi từ khu 4 vào, câu đầu tiên anh hỏi là “ngoài nớ” (Thanh Nghệ Tịnh) có bài thơ mới nào không. Tôi đọc cho anh nghe bài “Mầu tím hoa sim”. Anh lấy giấy bút nhờ tôi chép. Anh đọc đi đọc lại và thích nhất 2 câu : “Tóc nàng xanh xanh/ Ngắn chưa đầy búi”.

Chị Ninh (tên người con gái trong Mầu tím hoa sim, chết đuối ở Nông Cống/ Thanh Hóa) có người em ruột là Lê Đỗ Khang cùng đơn vị với tôi các năm 1949, 50. “Ba người anh đi bộ đội” của chị Ninh thì về sau một người tử trận ở Điện Biên Phủ, một người khác có cấp bậc Trung tướng (Phạm hồng Cư, tên thật là Lê Đỗ Nguyên, lấy con gái ông Đặng thái Mai, em vợ Võ nguyên Giáp). Sau câu chuyện Hữu Loan và Mầu tím hoa sim, suốt thời gian còn lại anh Hồ Vi đọc thơ của anh cho tôi nghe. Đây là những bài thơ thuộc loại không được phổ biến vì lãnh đạo xem là mất lập trường, sáng tác riêng cho anh và để đọc cho vài bạn thân nghe, nhưng một số bài đã bị phát tán do sao chép, truyền miệng, lan rộng trong bộ đội mà thành phần đa số bấy giờ là tiểu tư sản, do đấy nhiều lần anh bị kiểm thảo nặng nề (Chú thích 5). Một bài thơ dài có thể xem là tiêu biểu và có lẽ được anh ưng ý nhất là bài khóc một cô gái bị đơn vị anh thủ tiêu vào những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài thơ nói lên cái chết rùng rợn, oan khuất của nạn nhân và sự đối xử man rợ của con người đối với con người, tôi không nhớ bài thơ nhưng còn nhớ rõ câu chuyện anh kể.

Đó là sau khi mặt trận Huế vỡ ít lâu (1947), các đơn vị bộ đội được tập hợp, chấn chỉnh lại; và đơn vị của anh Hồ Vi (trung đoàn 101) đã mở trận đánh lớn thắng lợi đầu tiên, tiêu diệt đồn Mỹ Chánh (phía bắc Thừa Thiên). Trong khi 2 bên nổ súng, có một người đàn bà từ trong đồn chạy ra, lao qua hàng rào kẽm gai, la lớn : “Các anh bộ đội cứu em với !”. Người đàn bà này là một cô gái còn trẻ xấp xỉ 20, nguyên là gái mại dâm ở Huế trước 1945. Sau cách mạng tháng 8 hoàn lương trở thành một cán bộ tích cực của Phụ nữ Cứu quốc thành phố, nhưng sau khi mặt trận vỡ thì chị bị bỏ lại. Sống trong vùng bị chiếm, không nơi nương tựa, không nghề nghiệp, chị phải trở về nghề cũ và sau đó lấy 1 hạ sĩ quan Pháp đóng ở đồn Mỹ Chánh. Khi bộ đội tấn công đồn chị mừng rỡ, bất chấp nguy hiểm, băng qua lửa đạn chạy về với bộ đội. Chị tình nguyện đi theo bộ đội làm bất cứ công việc gì để giúp bộ đội rảnh tay đánh giặc: nấu nướng, giặt dũ, may vá, săn sóc thương bệnh binh…Quân Pháp bấy giờ vẫn còn ở thế chủ động, các căn cứ hậu cần của bộ đội thường xuyên bị đe dọa, bộ đội trong tình trạng đói rách, thiếu thốn mọi thứ, luôn luôn phải di chuyển để tránh bị tiêu diệt. Việc đơn vị mang theo một phụ nữ trên đường hành quân trở thành một gánh nặng cùng nhiều vấn đề phức tạp nẩy sinh, nhưng buông ra thì sợ bí mật quân sự bị tiết lộ, cuối cùng bộ chỉ huy quyết định phải thủ tiêu. Vì phải tiết kiệm đạn dược và nhân thể có một số tên thuốc độc của người Thượng cung cấp mà bộ chỉ huy muốn xử dụng làm vũ khí giết giặc nên đã đem chị ra thí nghiệm. Người lính phụ trách hành quyết đã bắn 3 mũi tên thuốc độc vào bụng và ngực nhưng nạn nhân không chết; bị hoảng loạn trước sự dẫy dụa và những tiếng thét thảm thiết của nạn nhân, anh ta đã dùng dao găm đâm tới tấp vào ngực của nạn nhân để kết thúc.

Tôi hiểu anh Hồ Vi và tâm trạng cô đơn của anh. Như có lần anh hỏi đùa Phùng Quán về ý nghĩa con số 101 (một trăm lẻ một), phiên hiệu đơn vị của anh và Phùng Quán (trung đoàn 101), anh nói : con số một trăm dùng để chỉ trung đoàn, còn “lẻ một” là chỉ nhà thơ Hồ Vi. Bấy giờ Phùng Quán không hiểu, phải đợi nhiều năm sau nhà thơ Hồ Vi chết và Phùng Quán đã trở nên nhà thơ bị vùi dập trong Nhân Văn Giai Phẩm thì lúc ấy mới thấm thuốc. Anh là một người lính can đảm sẵn sàng hy sinh cho đất nước không điều kiện, đã tham dự những trận đánh đầu tiên sau ngày toàn quốc kháng chiến; là một nhà thơ tài hoa, nặng tình người, không chấp nhận tội ác chiến tranh dù bên này hay bên kia; và là con người trung thực, không chấp nhận dối trá và kềm kẹp của cọng sản. Tôi hoàn toàn thông cảm với hoàn cảnh bế tắc của anh nhưng không thể chia sẻ. Tôi cũng ở vào tâm trạng ngổn ngang của một con người trong ngõ cụt đang tìm cách vượt thoát. Tôi không thể nói thực với anh là quyết định giải ngũ của tôi vài tháng trước đây là vì cuộc sống quân đội đã làm tôi nghẹt thở, tôi không thể chấp nhận sự phân biệt đối xử dựa trên tiêu chí chính trị giữa những người lính cùng mục tiêu chiến đấu giành độc lập dân tộc, cũng như các cuộc chỉnh huấn tẩy não để buộc người lính phải tuân phục như những tên nô lệ không còn nhân cách; và việc tôi vượt Trường Sơn từ Nghệ An vào đây liên lạc với thân nhân, chỉ với mục đích duy nhất là dọn đường cho gia đình trở về vùng Pháp kiểm soát vì không thể nào sống nổi với cọng sản. Quyết định giải ngũ của tôi làm đồng đội ngạc nhiên vì tôi là sỹ quan trẻ tuổi nhất trong đơn vị, luôn luôn giữ kỷ luật và gương mẫu, được xem có nhiều triển vọng. Đây là cả một cuộc đấu tranh tư tưởng nội tâm không thể chia sẻ với bất cứ ai; mặc dầu tôi tin tưởng đã hành động đúng nhưng quyết định đó đã làm tôi đau lòng, một nỗi đau lớn: Tôi đã bỏ ngũ trong khi đồng đội tôi tiếp tục chiến đấu và kháng chiến đang đòi hỏi nhiều hy sinh. Nhưng tôi không còn một sự chọn lựa nào khác hơn. Kể từ sau chiến dịch Cao Bắc Lạng 1950, các cố vấn Trung cọng nhập Việt có mặt hầu hết các đơn vị bộ đội từ Việt Bắc tới Thanh Nghệ Tịnh và đảng cọng sản Đông Dương họp tại Tuyên Quang tháng 2 năm 1951 quyết định ra mắt công khai dưới tên đảng Lao động Việt Nam với cương lĩnh lấy tư tưởng Mao trạch Đông làm nền tảng và kim chỉ nam cho mọi hành động, cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập đã đi vào quỹ đạo cọng sản quốc tế.

Hôm đó tôi và anh chia tay nhau trong bịn rịn và không người nào nói lời hẹn gặp lại.

5/- Tháng 10/1952 tôi sửa soạn đi Việt Bắc vào trường Y-khoa thì bị công-an Liên khu 4 bắt giữ cùng một số giáo-sư trường Huỳnh-thúc-kháng – các ông Hà-thúc-Chính (cử nhân văn-chương Anh, hiệu-trưởng), Tôn-thất-Hàn (giáo-sư)….Tôi bị kết tội “gián-điệp Pháp”, các ông Hà-thúc-Chính, Tôn-thất-Hàn…bị kết tội “toan tính dinh tê” (Chú thích 5) trong kế-hoạch và tổ-chức của Pháp. Chúng tôi bị đưa ra xét xử trước Toà Án quân-sự Liên khu 4 họp tại Diễn-Châu(Nghệ-an); tại phiên xử công tố viên Hồ-đắc-Bằng (ông này có bằng cử-nhân Luật thời Pháp) nhận thấy lời khai của các bị can trước Toà và hồ sơ công-an có nhiều mâu thuẫn, không đủ yếu-tố buộc tội nên đã yêu-cầu Toà đình xử để điều-tra bổ-túc. Chúng tôi được dẫn giải trở lại trại tù. Đây là trại tù lớn nhất Liên khu 4 bấy giờ, có tên trại tù Yên-sơn thuộc vùng rừng núi Trường-sơn, phía tây huyện Thanh-chương, tỉnh Nghệ-an. Dưới thời Pháp thuộc, vùng đất này là đồn điền Ký Viễn -nơi khởi phát phong-trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930: dân làng Hạnh-Lâm (tên cũ của Yên-sơn) một đêm nổi dậy đốt phá đồn điền Ký Viễn vì bị Ký Viễn cướp ruộng đất của làng, lính Tây về đàn áp, bắn chết 2 người dân; dân các làng lân cận bất bình, tụ tập biểu bình, rải truyền đơn phản đối…Cọng-sản địa-phương chớp thời cơ, nhảy vào xách động, lãnh đạo quần chúng đẩy phong-trào lan rộng với cường độ mãnh liệt mà nguyên nhân sâu xa là đời sống nông dân, thợ thuyền vốn đã cơ cực dưới ách đô hộ thực dân, quan lại phong kiến nay lại bị tác-động nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1930) và nạn khủng bố trắng của nhà cầm quyền sau khởi nghĩa Yên-Báy thất bại 1930. Nông dân phủ, huyện của các tỉnh Nghệ-an, Hà-tĩnh đứng lên đòi bỏ sưu, giảm thuế, ruộng đất cho người cày, chống khủng bố trắng. Công nhân khu công nghiệp thị-xã Vinh-Bến-thuỷ (nhà máy diêm, nhà máy cưa, xưởng xe lửa Trường Thi) biểu tình, đình công, đòi giảm giờ làm việc, tăng lương, bồi thường cho nạn nhân Yên-Báy…Chính quyền cai trị nhiều nơi bị tan rã, tê liệt, nhiều tổng lý nộp trả ấn triện, một số tri huyện, tri phủ ban đêm bỏ nhiệm sở về tỉnh lỵ tị nạn, tri huyện Nghi-lộc (Tôn-thất-Hoàn) bị giết, tổng-đốc Nghệ-an (Hồ-đắc-Khải) xin từ chức…, chính quyền Xô Viết được thành lập tại nhiều làng, xã Nghệ-Tĩnh với khẩu hiệu “trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”. Triều đình Huế cử Thượng-thư bộ Hình Tôn-thất-Đàn làm Khâm-sai cùng đại diện của toà Khâm-sứ Trung-kỳ Bonhomme chỉ huy cuộc đàn-áp; lính lê dương, lính khố đỏ, lính tập tăng cường, lập thêm các đồn bóp; nhiều làng, xã bị đốt cháy, triệt hạ. Cao điểm của phong-trào là cuộc biểu tình ngày12/9/1930 của hơn 8,000 nông dân kéo về phủ lỵ Hưng-nguyên để đưa yêu sách, đã bị máy bay Pháp ném bom tại địa hạt làng Thái-Lão làm hơn 300 người thương vong. Từ đó phong-trào đi vào suy thoái.

Chúng tôi bị giam giữ đến tháng 10/1954 thì được lệnh phóng thích (thi- hành điều 14, điều 21 Hiệp-định Geneve ký ngày 20 tháng 7 năm 1954).

Tháng 4 năm 1955 tôi vượt tuyến vào Nam.

Năm 1956 trong khi dạy trường Kỹ Thuật Huế tôi quen linh mục Trần văn Dụ, chánh xứ Kim Long. Ông cho biết thời gian kháng chiến chống Pháp trước 1954 ông làm chánh xứ Long Hồ, vùng xôi đậu thuộc Hương Trà gần chiến khu Hòa Mỹ, anh Hồ Vi đã tiếp xúc nhờ ông thu xếp cho anh về Huế (vùng Pháp) nhưng trên đường đi anh đã tử nạn vì vướng mìn của du kích địa phương. Tôi nhớ đến Thanh Sâm, người con gái đã đưa tôi đến gặp Hồ Vi, hỏi ông có biết không; ông nói: Cô ta hiện đã lập gia đình với một anh Trung úy Bảo an. Linh mục Trần văn Dụ đã mất cách đây vài năm tại Bệnh viện Thống Nhất, Sài Gòn (Chú thích 6).

Ít lâu sau tôi vào Sài Gòn, cuộc sống xô bồ và bận rộn hàng ngày cuốn con người lao về phía trước. Cho đến hôm nay, trên 60 năm được anh nhắc đến, tôi không ngờ cô ta còn sống và đã có một thời viết văn. Tôi nhớ hôm tôi gặp Hồ Vi, Thanh Sâm chỉ im lặng nghe tôi và Hồ Vi nói chuyện. Tôi đinh ninh cô còn ít tuổi, mới học xong năm thứ hai trung học nên không xen vào câu chuyện văn chương chữ nghĩa của người lớn. Thanh Sâm ở với tôi khoảng 2 tuần cho đến khi có giao lien đưa tôi vào Huế. Ở Huế tôi không trở lại Lê Xá mà dung đường hàng không Huế-Hà Nội và đường thủy Hà Nội-Nam Định-Phát Diệm, vượt qua vùng no man’s land Phát Diệm- Tam Tổng trở lại Liên khu 4. Trong trí nhớ còn lại của tôi về Thanh Sâm: Mái tóc xõa ngang vai, cặp mắt mở lớn, chiếc kiềng vàng chạm ở cổ, ăn mặc tươm tất, thỉnh thoảng làm điệu, và luôn cho tôi cảm tưởng “ngây thơ không biết cuộc đời là chi”.

Tôi chỉ gặp Hồ Vi lần đó, không rõ về gia cảnh và bạn bè của anh. Nếu sách “Cõi đá vàng” không nhắc đến vụ cô gái bị thủ tiêu với ba mũi tên thuốc độc và nhân vật Trần chết vì vướng

mìn du kích thì tôi không nhận ra nhân vật Trần là Hồ Vi. Tên thật của anh Hồ Vi là Trần Vĩnh.

Trong cuộc đời có những người chúng ta chỉ được gặp một lần, trong một thoáng của một tình cờ nào đó nhưng đã để lại những kỷ niệm không bao giờ phai lạt, để mỗi khi nghĩ đến, lòng không khỏi bùi ngùi, thương cảm với những nỗi niềm tiếc nhớ không nguôi.

NGUYỄN HOÀNG LƯU

Lakewood, ngày 21 tháng 8 năm 2016

[Bổ túc ngày 14 tháng 9 năm 2021]

Chú thích 1 : Nguyễn hoàng Lưu là tên một người bạn của tác giả bài viết “Đọc Cõi đá vàng”; tác giả dùng tên người bạn làm bút hiệu khi viết về một số chuyện cũ lúc trẻ, để kỷ niệm người bạn thủa thiếu thời nay không còn nữa.

Tác giả bài viết sống tại Liên khu 4 trong thời kháng chiến chống Pháp 1945-1955 (gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và phân khu Bình Trị Thiên). Nguyễn hoàng Lưu là bạn thân với tác giả, cùng trường, cùng lớp, cùng đơn vị bộ đội (Việt Minh) trong các năm 1949, 1950 (Phùng Quán bấy giờ cũng thuộc đơn vị này, về sau là nhà văn liên hệ trong vụ

Nhân Văn giai phẩm)… Năm 1952 tác giả bị cọng sản cầm tù dưới tội danh “gián điệp Pháp”, đây là thời kỳ đảng cọng sản đã ra mắt công khai dưới danh xưng đảng Lao Động Việt Nam, đang chuẩn bị công cuộc cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức sẽ được phát động cuối năm 1953.

Được phóng thích do Hiệp định Geneve 7/1954, tác giả vượt tuyến vào Nam tháng 4/1955.

Năm 1965 Nguyễn hoàng Lưu là tiểu đoàn trưởng pháo binh của quân đội chính quy Bắc Việt, chỉ huy đơn vị xâm nhập miền Nam, chiến đấu tại mặt trận Dầu Tiếng, hy sinh tại đây ngày 2/9/1969. Cùng thời gian này, tác giả bài viết giữ một chức vụ quan trọng trong guồng máy chính quyền miền Nam, làm việc tại dinh Độc Lập (phủ Tổng Thống), Sài Gòn, cách Dầu Tiếng khoảng 30 cây số đường chim bay.

Chú thích 2: Nguyên bản bài hát Đường rừng tìm thấy trong Internet:

Đường dài chập chùng, băng qua ngàn sương
Ai đi qua bên đường dừng chân ghé qua đêm rừng
Đường rừng còn dài xa xa đồi mơ
Đây con sông uốn mình chờ khách qua.
Dừng mái chèo cô em lại đây
Cho tôi nhắn đôi lời hỏi về biên khu
Đây đi vô trong Nam, đây đi ra ngoài Bắc
Đường rừng xa lắc, còn đi mấy ngày
Non xanh cao bao la chạy quanh thêm gập ghềnh xa
Băng chông gai ta đi lời thơ đang còn trên môi
Sương rơi mênh mông đêm mờ mờ tối
Đàn chim tung cánh bay về.
Non xanh bao la chạy quanh thêm gập ghềnh xa
Băng chông gai ta đi lời thơ đang còn trên môi
Sương rơi mênh mông đêm mờ mờ tối. Hờ…hờ…
Trèo đèo Ba Rền, băng qua Nhà Nam
Khi đất nước đang còn chịu bao xót xa điêu tàn
Đường dù có dài, non kia dù cao
Nhưng không sao ngăn được bàn chân tiến quân.
Đường về Ba Lòng, đi vô Thừa Thiên
Qua bên kia mé rừng đường về quê hương
Ơi sông Ô yêu thương, ơi sông Hương trìu mến
Đường cùng ta tới chiến thắng.

Chú thích 3: “học sinh kháng chiến” là danh từ xử dụng trong vùng Việt-minh để chỉ những học sinh thoát ly vùng Pháp kiểm soát ra vùng kháng chiến (vùng Việt-minh kiểm soát) học tập: họ được cấp sinh hoạt phí (cấp gạo hoặc gạo quy thành tiền để sinh sống), được vào thẳng các trường công lập không qua sàng lọc, được nâng đỡ trong các kỳ thi lên lớp, tốt nghiệp, nhiều trường hợp đặc cách vào trường lớn (y-khoa)  mà không cần văn bằng Tú tài, đa số là học sinh Bình-Trị-Thiên, lớp đầu tiên có: Hoàng-thi-Thơ (tên thật là Hoàng-hữu-Ngạnh, về sau là nhạc sĩ), Trương thị Tân Nhân (về sau là nghệ-sĩ  Ưu tú), Tôn nữ Ngọc Toản ( con gái Thượng-thư Tôn-thất-Đàn, về sau là bác-sĩ, vợ Trung-tướng Cao-văn-Khánh, phó Tổng-tham-mưu quân đội Bắc Việt) v..v…

Chú thích 4: Bài “Gửi người chín lăm” của Hồ Vi có nhiều khổ, nhưng thi sĩ Phùng Quán chỉ nhớ có một khổ và ghi lại trong tạp văn “Nhà tiên tri tầm cỡ đại đội” viết năm 1994 :

“…Sông tôi anh đến cắm sào

Nương tôi anh đến xới đào lôông cây (tiếng địa phương)

…bữa hai đứa hai trời

Chừ đây trộ mặt mấy lời cho bưa” (tiếng địa phương)

Chú thích 5: “dinh tê” hay “vào tề” (từ tiếng Pháp “rentrer”: trở về, trở vào) chỉ hành-động rời bỏ vùng kháng-chiến (vùng Việt-minh kiểm soát) vào vùng Pháp chiếm đóng; về phương diện chính trị bị xem là hành-động ly khai kháng chiến, có thể bị kết tội phản động, việt gian.

Thơ Quang Dũng:

…”Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến,
         Quạnh vắng chiều sông lạnh bến tề.”

Có nhiều bản in chữ “tề” với chữ “T” viết hoa (ấn bản Hồng Lĩnh 1992), không đúng – có thể hiểu là nước Tề (Trung-hoa thời Xuân Thu); “tề” là vùng Pháp chiếm đóng (1945-1954), chữ “t” không viết hoa.
Phong trào dinh tê của giới trí thức bỏ kháng chiến về thành (vùng Pháp chiếm đóng) lan rộng với cường độ gia tăng sau khi đảng cọng-sản VN ra công-khai đầu năm 1951 dưới tên đảng Lao-động Việt-Nam.

Một khổ thơ “Người em gái Pháp nữ cứu thương” của Hồ Vi đăng trong báo Giết Giặc, mà thi sĩ Phùng Quán còn nhớ được và  ghi lại trong tạp văn “Nhà tiên tri tầm cỡ đại đội” viết năm 1994 :

“…Nhìn mái tóc bạch kim em
Ướt sũng máu và bùn
Đôi mắt Vệ quốc anh nước mắt lưng tròng
Hòa Bình tặng em một vòng hoa tím ngát
Chiến tranh tặng em một viên đạn súng trường
Ôi người em gái Pháp nữ cứu thương”

Người nữ cứu thương Pháp đã chết trong một trận công đồn của Vệ quốc quân (bộ đội Việt minh) tại Thừa thiên mà nhà thơ Hồ Vi có tham dự trận đánh. Ông đã bồng xác người nữ cứu thương khoảng 20 tuổi này đặt lên bờ ruộng, dùng chiếc áo ông đang mặc để lau bùn và máu trên mặt người chết và… ông đã khóc. Bài thơ được đăng trên báo Giết Giặc gây xúc động trong lớp lính tiểu tư sản của đơn vị nên đã bị thu hồi để tẩy xóa, và nhà thơ Hồ Vi bị kiểm thảo nặng nề vì thiếu lập trường bạn, thù.

Chú thích 6 : Chồng của tác giả Cõi đá vàng có cấp bậc sau cùng là Trung tá, Tiểu khu phó Tuyên Đức, đã chết vì lựu đạn trong lúc đi thanh sát đồn Kim Thạch của lính Thượng (những người lính Thượng bỏ đồn đi uống rượu và đã gài lựu đạn ở cổng đồn). Tác phẩm lấy tên Cõi đá vàng để tưởng nhớ địa danh Kim Thạch nơi người chồng tử nạn. Trong chiến tranh có những cái chết rất tình cờ, chồng của tác giả cũng như nhà thơ Hồ Vi, cả hai đều chết bởi bom đạn không phải của đối phương nhưng có chung nguyên nhân tận cùng là chiến tranh và sự đối kháng về ý thức hệ chính trị của những người đi tìm tự do và quyết tâm bảo vệ các giá trị nhân bản.

PHÙNG QUÁN

Nhà tiên tri tầm cỡ đại đội

LTS: Bài này, nhà thơ Phùng Quán kể về nhà thơ Hồ Vi, (tên thật là Trần Vĩnh) – người mà nhà văn Nguyễn thị Thanh Sâm đã dựng thành nhân vật chính trong tiểu thuyết Cõi Đá Vàng của Bà.

… vì vy mà có srung động bí mt ca ý nghĩ, khiến nhà bác hc trthành người thn bí, và thi sĩ thành đâng tiên tri.

(Victor Huygo – Lao động bin c).

Tôi hằng nghĩ, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi địa phương lớn nhỏ… đều sản sinh những nhà tiên tri của mình. Họ lưu lại những lời sấm ký, nhiều khi được truyền từ đời này sang đời khác, tiên đoán tương lai, số phận, những bước thăng trầm của cộng đồng. Sấm ký của họ được mã hóa thành tục ngữ, ca dao, cổ tích, huyền thoại… và đôi lúc chỉ là lời nói bất chợt.

Có những nhà tiên tri nổi danh và rất nhiều nhà tiên tri vô danh. Có những nhà tiên tri tầm cỡ thế giới, quốc gia, và rất nhiều nhà tiên tri tầm cỡ thôn xã, chòm xóm. Tuy tầm cỡ nhỏ vậy nhưng đôi khi lời sấm ký của họ cũng làm ta lạnh người…

Trung đoàn 101 chúng tôi cũng có một nhà tiên tri. Anh tên là Trần Vĩnh thư ký của đại đội trinh sát. Anh làm thơ, lấy bút hiệu là Trình Vân, sau đổi là Hồ Vi. Bài thơ Lời quê của anh có mặt trong Tuyển tập Thơ kháng chiến do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản năm 1994. Nhưng bài thơ Gửi người chín lăm của anh mới là bài thơ được cả trung đoàn truyền tụng. Trung đoàn 95 là quân chủ lực tỉnh Quảng Trị. Chiến dịch Đông Xuân năm đó, 95 bí mật hành quân vào chiến trường Thừa Thiên để phối hợp chiến đấu với 101 chúng tôi. Hồ Vi thay mặt anh em 101 viết bài thơ này, gửi các chiến hừu trung đoàn bạn, khi hay tin họ đã lòng lọng vào ém quân trên đất chiến trường nhà.

” Sông tôi anh đến cắm sào
Nương tôi anh đến xới đào lôông cây
Bữa tê hai đứa hai trời
Chừ đây chộ mặt mấy lời cho bưa”

Theo tôi, Hồ Vi là nhà thơ có biệt tài sử dụng ngôn ngữ địa phương. Nhiều tiếng địa phương thô ráp, trúc trắc, nặng chình chịch… được anh đưa vào thơ, lập tức trở nên nhuần nhuyễn, ngân nga nhạc điệu và lấp lánh ánh vàng thi ca… Như số phận của tất cả những người nổi tiếng, người yêu anh cũng nhiều mà người ghét anh cũng lắm.

Ngày đó trên tờ báo Giết giặc – tờ báo kháng chiến của tỉnh – hầu như số báo nào cũng có thơ của Hồ Vi, Hải Bằng, Tấn Hoài, văn xuôi của Nguyễn Khắc Thứ – những cây bút cự phách của Trung đoàn. Ngoài những bài thơ đăng báo, Hồ Vi  còn làm rất nhiều những bài thơ riêng tư mà anh gọi là Thơ Sổ Tay. Những bài này anh chỉ đọc cho một số bạn hữu thân thiết trong Trung đoàn “nghe chơi”. Và mỗi lần đọc xong, anh đều dặn người nghe: “Nhớ là nghe mô bỏ đó! Đừng kể lại với ai, nhất là đối với mấy “xừ” cán bộ chánh trị…”.

Hồ Vi hăm hai, còn tôi vừa tròn mười sáu. Với con mắt những người lính mười sáu tuổi chúng tôi thì các nhà thơ là những siêu nhân. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe anh Hồ Vi dặn những người nghe thơ như vậy. Tôi nói: “Em mà làm được những bài thơ hay như rứa thì em phải mang đi khoe khắp chiến khu!”. Anh nhìn tôi, miệng cười mà ánh mắt buồn thiu: ” Rứa đó em ạ. Con cá trong lờ đỏ hoe con mắt – Con cá ngoài lờ lúc lắc muốn vô…”. Ánh mắt buồn thiu và câu ca dao về con cá trong lờ, ngày đó tôi chưa hiểu nhưng đã ám ảnh suốt đời. Một đêm, trời chiến khu mưa tầm tã. Con sông Ô Lâu hiền hòa nước lũ đục ngầu dâng cao, hung dữ chảy ầm ầm tưởng chừng muốn cuốn phăng cả ngọn đồi mà lán trại đội tnnh sát chúng tôi dựng chênh vênh bên sườn dốc. Anh ngồi với tôi bên bếp lửa đốt ngay giữa lán trại, đợi mấy củ sắn lùi chín. Anh chợt hỏi tôi:

– Em có biết tại răng mà trung đoàn mình lại đặt là trung đoàn một trăm lẻ một không?

Tôi đang mải xắm nắm lật lại mấy củ sắn cho chín đều, vừa lật vừa trả lời:

– Đó là phiên hiệu… Cấp trên muốn đặt số bao nhiêu mà chẳng được. Anh hỏi chi cắc cớ.

Anh ngồi bó gối, nói với tôi, mắt không rời ngọn lửa cháy bập bùng:

– Em đừng tưởng… Người ta đặt như rứa là có ý nghĩa cả đó em ạ. Một trăm là trung đoàn, còn lẻ một tức là nhà thơ Hồ Vi đó.

Tôi bật phì cười. Câu nói tưng hửng của anh không ngờ đã ghi khắc vào trí nhớ tôi khác nào một vết bỏng sâu…

Sau khi anh chết và tôi đã lớn khôn hơn, tôi được biết những bài thơ “riêng tư” của anh không biết bằng cách nào đã lọt ra khắp trung đoàn. Rất nhiều chiến sĩ thuộc lòng, ngâm nga khe khẽ trên đường hành quân, chép tặng các “Súy Vân – Súy Kiều” ở các thôn xóm trú quân. Vì tính chất lây lan của những bài thơ riêng tư này mà thơ Hồ Vi được coi là một hiện tượng và cán bộ lãnh đạo tỉnh ngày đó đặc biệt quan tâm, đặt vấn đề cần thiết phải chặn đứng nó lại. Trong nhiều cuộc họp của tỉnh, của trung đoàn có mục phê phán thơ Hồ Vi. Thơ Hồ Vi bị cán bộ lãnh đạo, tuyên huấn lên án gay gắt. Nào là tiểu tư sản lãng mạn, mất lập trường cách mạng, đầu độc tâm hồn chiến sĩ, làm nhụt ý chí chiến đấu của quân dân Thừa Thiên…vân vân và vân vân.

Năm đó, trung đoàn chúng tôi đánh một trận phục kích lớn trên đường quốc lộ một Bắc Thừa Thiên. Ta thắng to. Đặc biệt trong trận phục kích này, có một cô nữ cứu thương người Pháp, tuổi chừng mười chín đôi mươi, trúng đạn chết nằm lẫn lộn giữa đám xác giặc. Cả người cô ướt sũng máu và bùn, nhưng vẫn đẹp như một thiên thần. Đôi mắt xanh biếc đã chết nhưng vẫn mở to, ngơ ngác nhìn lên bầu trời xa lạ vần vụ những lớp lớp mây chì… Lúc thu dọn chiến trường, không hiểu sao tất cả chúng tôi đều tránh gặp cặp mắt xanh biếc ngơ ngác của cô. Riêng Hồ Vi, anh đã bế xác cô đặt lên chỗ mặt đường khô ráo, rồi lấy vạt áo quân phục rách tả tơi, lau sạch những vết máu và bùn trên gương mặt trắng như nõn huệ và trên mái tóc màu bạch kim của cô…

Các nhà thơ nổi tiếng của tỉnh, của trung đoàn như Hải Bằng, Tuấn Hoài, Hoàng Thượng Khanh… đều làm thơ về cái chết của cô và cùng lấy đầu đề: Cô nữ cứu thương người Pháp.

Theo dư luận của chiến sĩ thì bài thơ của Hải Bằng hay nhất. Nhưng bài thơ của Hồ Vi được đăng trên báo Giết giặc. Báo vừa in xong, chưa kịp phát hành, thì bài thơ được dán chồng lên một bài văn xuôi tường thuật sự thắng lợi giòn dã của trận đánh, kết quả hùng hồn của đợt rèn cán chỉnh quân… Tuy vậy, số báo này cũng chỉ được phát hạn chế, từ cấp chính trị viên đại đội trở lên. Tôi làm liên lạc của đơn vị trinh sát. Tôi chạy vào “xê ca” 5, nơi tòa soạn báo Giết giặc đóng. Tôi chờ lúc các anh tòa soạn sơ hở, xoáy được tờ báo cấm kỵ đó, dắt luôn vào cạp quần. Tôi chạy một mạch ra thẳng bờ sông Ô Lâu, tìm một chỗ bờ sông thật khuất vắng, ngâm tờ báo xuống nước. Chờ cho hồ dán đủ thì giờ ngấm nước, tôi cầm tờ báo chui vào một bụi lau sậy rầm rì, nhẹ nhàng, cẩn thận bóc bài văn xuôi dán chồng lên bài thơ. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần bài thơ giữa tiếng gió thổi lau lách xào xạc trên đầu và tiếng con sông Ô Lâu chảy lúc khoan lúc nhặt dưới chân…

Từ hôm đó đến nay, hơn bốn mươi năm trôi qua, bài thơ chia làm nhiều khổ ngắn dài, tôi chỉ còn nhớ được một khổ:

Nhìn mái tóc bạch kim em
Uớt sũng máu và bùn
Đôi mắt Vệ Quốc anh nước mắt lưng tròng
Hòa bình tặng em một nhành hoa tím ngát
Chiến tranh tặng em một viên đạn súng trường
Ơi người em gái Pháp nữ cứu thương!

Tôi ngồi khóc lặng lẽ, nước mắt giọt ngắn giọt dài rớt xuống bài thơ ướt đẫm nước sông Ô Lâu mà tôi cầm khư khư trong tay. Và mười sáu tuổi đầu, lần đầu tiên tôi được nếm cái vị mặn chát kinh người của chiến tranh qua bài thơ của Hồ Vi.

Cùng với Hải Bằng (ngày đó anh còn lấy bút hiệu là Văn Tôn) bài thơ Cô nữ cứu thương người Pháp bị cán bộ lãnh đạo đưa ra mổ xẻ, phân tích, phê phán nặng nề. Nó được coi là điển hình của sự dao động, sự mất lập trường kháng chiến “Bây giờ thì anh ta khóc thương kẻ thù, rồi sẽ có ngày anh ta đi hẳn với kẻ thù”. Người ta đã kết luận về Hồ Vi như vậy. Họa vô đơn chí, ngoài cái tội thơ, Hồ Vi còn bị kết tội hủ hóa – một cái tội xấu xa nhất dối với những người lính chúng tôi hồi đó. Nó xấu xa đến nỗi người ta phải gọi chệch là tội “hát-đúp” để nó bớt đi cái vẻ trần trụi đê tiện.

Đầu đuôi cái tội “hát-đúp” của anh là thế này: Sống ở chiến khu, do quá thiếu thốn tình cảm gia đình, chúng tôi bày ra trò nhận anh nuôi, chị nuôi, mẹ nuôi, em nuôi… Tôi cũng có một bà mẹ nuôi và một ông anh nuôi. Hồ Vi nhận chị nuôi là chị Hoài Trinh, y tá bệnh viện chiến khu. Chị Hoài Trinh lớn hơn anh chừng ba, bốn tuổi, anh hăm hai, chị hăm sáu. Trước kia chị là hoa khôi trường nữ sinh Đồng Khánh. Tôi không còn nhớ rõ chị có đẹp thật không, chỉ nhớ là dáng người mảnh mai, gương mặt vàng võ vì đói ăn và sốt rét; cặp mắt chị to một cách kỳ dị, choán gần hết nửa khuôn mặt và mái tóc chị dài đến chấm gót. Những anh chị cùng hoạt động bí mật với chị ở nội thành Huế kể rằng: chị thường dấu truyền đơn, kíp nổ, cả lựu đạn nữa, vào búi tóc tiếp tế cho các đơn vị biệt động ở nội thành.

Nhận chị em nuôi được ít lâu, anh Hồ Vi và chị bỗng đâm ra yêu nhau. Hai người cố giấu mối tình mà chính họ cũng cảm thấy “vụng trộm”. Nhưng họ càng giấu, càng lộ. Chẳng mấy chốc cả chiến khu đều biết mối tình “bất chính” của hai chị em nuôi. Nghiêm trọng hơn, người ta đồn là “cô y tá chị nuôi đã có mang với nhà thơ em nuôi”. Cả chiến khu đổ dồn vào phê phán tội lỗi của hai người. Mấy người cán bộ chính trị, cán bộ tuyên huấn thì hằn học mỉa mai: “Cũng là do ba cái thứ thơ tiểu tư sản, mất lập trường, ơi em gái Pháp nữ cứu thương, mà ra hết!”. Chỉ riêng tụi liên lạc trinh sát con nít chúng tôi thì hoang mang, ngơ ngác. Chúng tôi không biết nên ủng hộ hay nên chống mối tình của hai người. Chúng tôi chỉ thấy thương cả hai, và tìm mọi cơ hội để tỏ với anh chị tình thương đó.

Mỗi lần chúng tôi chạy liên lạc vào các cơ quan đóng sâu trong núi, đều tạt vào bệnh viện thăm chị, ấp a ấp úng hỏi chị: “Có nhắn chi ra xê-ca-một” không?” (Xê-ca-một có nghĩa là anh Hồ Vi). Thằng Mừng hay hỏi: “Chị có hay ra sông Ô Lâu giặt áo quần không, em bưng giúp chị?”. Chị kéo cái đầu bù rối khét lẹt mùi nắng và mùi tanh trốc đầu của nó vào lòng.

Ôm rất lâu. Cặp mắt to mênh mông của chị bỗng ướt nhòe như xông phải khói cay… Tụi tôi, thằng Hiền, thằng Bồng-da-rắn, thằng Châu-sém mỗi lần về đồng bằng trinh sát, trở về chiến khu, đứa thì mang cho anh mảnh giấy trắng, cuốn vở học trò, đứa thì cái bút máy Cao lô, lọ mực Pake… để anh viết thơ. Những thứ này chúng tôi xin được của mấy chị hàng xén ở các chợ quê vùng hậu địch. Anh cất tất cả vào cái túi dệt vải đà mà chúng tôi đều biết của chị Hoài Trinh khâu tặng anh. Anh nói:

“Khi mô anh trở thành nhà thơ thiên tài như Rem-bô thì anh mới dám dùng giấy mực các em cho”.

– Rem-bô là cái ông mô rứa? Chúng tôi hỏi.

– Ông ấy người Tây, chỉ mới bằng tuổi các em mà thơ ông đã lừng danh thế giới, – anh nói.

Thằng Bồng-da-rắn bỗng đưa ra một ý kiến ngộ nghĩnh:

– Lỡ cái ông ấy cũng vô lính Lê dương qua đây đánh mình, bị quân mình bắn chết trong trận Câu Nhi – Đồng Lâm thì uổng quá anh hè?

Anh Hồ Vi xoa xoa đầu nó, cười: “Thiệt may! Ông ấy đã chết cách đây gần trăm năm rồi”.

Chúng tôi nghe lỏm các anh lớn bàn tán: trên quyết định sẽ bố trí đưa chị Hoài Trinh ra vùng tự do khu 4 để học lớp y sỹ.

Nhưng mục đích là để cách ly hai người khỏi phải dấn sâu thêm nữa “mối tình tội lỗi”. Cái tin này làm tụi con nít chúng tôi buồn lắm. Không hiểu sao chúng tôi đều có ý nghĩ: Nếu vắng chị Hoài Trinh chiến khu sẽ vắng đi một nửa. Nhưng chị chưa kịp ra khu 4 thì đã phải vĩnh viễn nằm lại dưới chân một ngọn đồi xào xạc lau sậy bên bờ sông Ô Lâu.

Chúng tôi, những người lính dãi dầu trận mạc, đã chứng kiến biết bao nhiêu cái chết, nhưng chưa có cái chết nào để lại trong ký ức một ấn tượng kinh hoàng đến như cái chết của chị.

Sáng hôm đó, chiến khu vụt hừng nắng sau suốt mười ngày mưa thối núi thối rừng. Chị Hoài Trinh từ trong núi, nách cái rổ thưa đựng áo quần dơ, bên trên đậy chiếc chiếu cá nhân và tấm m lông màu nõn chuối, đi ra sông Ô Lâu.

Ngày đó những người chiến khu chúng tôi, mỗi lần ra song giặt giũ, không mang theo chậu hoặc xô (vì không có), mà mang cái rổ thưa và một tấm ni lông. Lót ni lông vào lòng rổ rồi múc đầy nước. Cái rổ thưa liền biến thành cái chậu giặt, tắm, nhẹ nhàng biết mấy, giản tiện biết mấy Con sông Ô Lâu dâng cao, nước đục ngầu, chảy xiết. Các coọng nước dọc bờ sông dốc đứng, quay trong tiếng rền rĩ, rên xiết vì phải làm việc quá sức

Lán của đội thiếu niên trinh sát chúng tôi nằm ngay trên lối mòn xuống bến sông. Các chị ở bệnh viện, bào chế, quân lương thích ra giặt giũ ở bến sông chúng tôi vì có một tảng đá lớn, bằng phẳng từ vách núi chồm hẳn ra mặt sông. Lúc chị Hoài Trinh ngang qua lán, thằng Mừng đang ngồi trước bậu cửa học đánh vần trên tờ báo Giết giặc, hắn ngẩng lên chào chị, nói: “Khi mô chị trở vô bệnh viện, chị nhớ gọi em với, chị nghe”. “Em vô bệnh viện có việc chi?” Hắn làm mặt nhăn nhó nói: “Em bị ho… chắc là ho lao chị ạ…”. Chị cười: “Chị cho uống muỗng thuốc ho là khỏi thôi”. “Anh Tưdát nói, ho lao phải uống hai muỗng mới khỏi”. Chị lại cười: “Ừ thì chị cho uống hai muỗng”. Chẳng là chiến khu, tụi chúng tôi thèm đường quá Thằng Hòa-đen là đứa đầu tiên nghĩ ra cái mẹo giả đò mắc bệnh ho, vô bệnh viện xin uống thuốc ho. Thuốc ho cũng ngọt gần bằng đường. Hắn phải lội bốn con suối, trèo ba dốc núi mới vô thấu bệnh viện, xin được một thìa canh thuốc ho, uống tại chỗ. Hắn về khoe ầm với cả đội: “Mỗi muỗng thuốc ho cũng ngọt gần bằng nứa chén chè gạo của mụ Tào!”. Mừng hỏi: “Mi khai bệnh như răng mà các chị tin, cho mi uống thuốc?”. “Tao khai mắc bệnh ho gà. Ho gà là bệnh ho nặng nhứt!”.

Ngày hôm sau thằng Mừng chạy vô bệnh viện khai với các chị y tá hắn mắc phải bệnh ho gà rất nặng. Một chị y tá cười cười cầm chai thuốc ho rót một muỗng, bắt hắn há miệng, ngửa cổ cho uống luôn. Đúng là ngọt thật – hắn vừa ìiếm môi liếm mép ngẫm nghĩ – nhưng hơi chua chua. Chỉ tội muỗng thuốc chị rót lưng quá, hắn tị nạnh: “Thằng Hòa- đen cũng mắc bệnh ho gà như em, mà hắn khoe chị cho hắn uống cả một muỗng đầy…”. Chị y tá lại cười nói: “Tại em chưa mắc phải bệnh ho gà, em chỉ mới ho vịt. Ho vịt chỉ cần uống nửa muỗng là lành”. Mừng ấm ức chạy về đội kể lại với Tư-dát. Tư- dát ôm bụng cười ngất. Hắn liến láu nói: “Tại mi ngu. Mi phải khai là ho lao. Ho lao còn nặng gấp mấy lần ho gà. Nhất định các chị phải cho mi uống hai muỗng đầy! Chưa chừng còn cho mi thêm cả một ve đem về cho đội uống dần!”.

Sáng hôm đó, chiến khu hửng nắng. Thằng Mừng xắm nắm định lội rừng vô bệnh viện để khai mình mắc bệnh ho lao… Không ngờ lại gặp chị Hoài Trinh, hắn mừng rơn. Hai muỗng thuốc ho coi như cầm chắc. Hắn ngồi trước bậc cửa để cùng vô bệnh viện với chị. Hắn đã đánh vần hết cả tờ báo Giết giặc mà vẫn chưa thấy chị lên. Hắn thắc mắc chị giặt chi mà lâu rứa hè…Hắn gấp tờ báo, dắt cạp quần rồi đi xuống bến sông. Bến sông vắng tanh. Chỉ thấy rổ áo quần với chiếc chiếu vắt ngay miệng rổ, trên tảng đá gần mí nước. Hắn đoán chừng chị đi việc riêng, ngồi khuất sau bụi cây mô đó. Hắn kiên nhẫn đứng chờ. Chờ mãi không thấy chị bước ra, hắn liền gọi toáng lên. Chỉ có tiếng lau lách xào xạc trả lời hắn. Hắn chợt nhìn thấy tấm ni lông màu nõn chuối bị những miệng nước xoáy dưới chân tảng đá, quay tròn như chong chóng, lúc chìm xuống lúc nổi lên… Hắn lập tức hiểu ra. Như bị ma đuổi, hắn chạy ngược lên dốc bến, miệng la thất thanh: “Chị Hoài Trinh chết trôi! Chị Hoài Trinh chết trôi!”.

Chỉ mười phút sau, các anh lớn, bọn nhóc trinh sát chúng tôi đứng chen chúc trên tảng đá để rổ áo quần. Anh Hồ Vi về đồng bằng công tác hai hôm trước đó.

Chúng tôi, các anh lớn, cởi quần áo, nhảy ào xuống sông, hụp lặn, mò tìm xác chị. Chúng tôi mò tìm cho đến lúc mặt trời gần lặn, vẫn không thấy tăm hơi xác chị.. Chiều hôm sau. Thằng Bồng-da rắn đi bám đường quốc lộ trở về, hắn ở dưới đó đã ba hôm nên không biết chuyện chị Hoài Trinh chết đuối. Hắn kiếm được một cục xà bông thơm, hí hửng đem về để biếu chị. Hắn chọn quãng sông phía bờ chiến khu có một coọng nước quay để lội qua, vì quãng này đồng bào đắp thành cái đập đá để dồn sức nước vào coọng. Hắn cởi áo quần đội lên đầu, mắt chăm chú nhìn xuống dòng nước chảy xiết tìm những chỗ đá ít rêu để bám chân khỏi trượt ngã. Lội ra đến gần giữa sông, hắn chợt ngẩng lên. Miệng hắn há hốc, đứng gần như chết lặng giữa dòng nước ào ào chảy quanh người. Cái coọng nước đường kính đến sáu bảy mét, quay kẽo kẹt nặng nề, kéo từ từ dưới vực nước lên một cái đầu phụ nữ tóc ướt sũng quấn chặt vào cái gióng tre ngang. Khuôn mặt người chết trôi trắng bợt như bụng cá chết nhưng hắn vẫn nhận ngay ra chị Hoài Trinh. Coọng nước nhấc từ từ cả người chị lên khỏi mặt nước, đưa lên cao, lên cao mãi, như treo lủng lắng giữa bầu trời chiều chiến khu đầy sương mù, rồi đổ dần về phía bên kia. Hắn hét lên một tiếng thất thanh, liệng bộ áo quần rách như tổ đỉa có gói cục xà bông thơm xuống nước, bươn rẽ nước nhào tới, chụp lấy một cái gióng ngang định rị giữ coọng nước lại, không cho nó dìm tiếp chị theo đà quay… Nhưng cái coọng nước coi hắn chẳng khác nào một cái cọng đu đủ, nhẹ nhàng kẽo kẹt từ từ nhấc hắn lên khỏi mặt nước và đưa hắn lên cao. Ngợp quá hắn phải buông tay nhảy vội xuống vực sông, hắn bơi vào bờ, chạy lên trạm gác tiền tiêu của chiến khu nhờ các anh lớn tiếp cứu, rồi chạy lên lán đội trinh sát gọi chúng tôi.

Sức quay cái coọng nước mạnh khủng khiếp. Cả một tiểu đội vừa người lớn vừa con nít, bám vào các gióng ngang going dọc mới giữ nó lại được. Một anh cố hết sức gỡ tóc chị khỏi các gióng tre để lấy xác chị ra, nhưng không tài nào gỡ nổi. Mái tóc chị dài quá, quấn ngang quấn dọc như đánh đai vào coọng nưôc. Hết sách, anh phải dùng thanh mã tấu cứa, chặt đứt mái tóc đẫm nước đen như huyền của chị… Chúng tôi đào huyệt chôn chị giữa đám lau sậy xạc xào đổ dốc xuống bờ sông Ô Lâu, cùng với rổ áo quần ướt và chiếc chiếu.

Hai hôm sau, anh Hồ Vi mới từ đồng bằng công tác trở về.

Chúng tôi chạy ra đón anh ở đầu dốc núi đi vào trạm gác tiền tiêu. Chúng tôi tranh nhau kể chị Hoài Trinh chết như thế nào, mò xác chị ra sao, cảnh tượng rùng rợn coọng nước quấn chặt tóc chị xách cả người chị đưa từ từ lên trời rồi lại từ từ dìm chị xuống nước, cảnh dùng mã tấu cứa, chặt mái tóc dài của chị quấn chặt vào các gióng tre coọng nước… Chao ôi, chúng tôi ngu dại quá. Chúng tôi đâu có biết kể tỉ mỉ như vậy là chọc ngoáy vào vết thương đang xối xả máu trong lòng anh.

Chúng tôi tưởng anh sẽ khóc lịm. Nhưng thật lạ lùng, hai mắt anh ráo hoảnh! Anh đứng bất động như vụt hóa đá, cặp mắt mở trừng trừng nhìn chúng tôi, không nói, không rằng. Ánh mắt anh làm chúng tôi sợ phát run, bất giác lùi cá lại, bước dạt ra hai bên. “Chôn chị ở mô?” – anh bật hỏi, gần như thì thầm.

Chúng tôi kéo nhau chạy trước, dẫn anh ra mộ chị. Hai chân anh như bị đốn, cả người anh ngã sụp xuống bên nấm đất đắp tròn còn in rõ những dấu xẻng. Anh khoát khoát tay, nói với chúng tôi gần như van lơn: “Các em về hết cả đi! Về hết cả”. Anh ngồi cùng mộ vợ suốt cả đêm hôm đó. Rồi sau đấy, chiều nào anh cũng mang bát cơm chan nước ruốc khẩu phần của anh ra mộ, chắc là để cúng vợ trước khi ăn… Có đêm anh ngủ luôn ngoài đó không thấy về lán. Chỉ ít lâu sau, người anh rạc hẳn đi, chỉ còn mắt với răng.

Một hôm, tôi về đồng bằng công tác. Lúc trở lên chiến khu, tôi tạt vào cái miếu gọi là Miếu Cô ở đầu làng, xin ông cụ thủ từ trông coi miếu một thẻ hương. Tôi mang thẻ hương về chiến khu, lẳng lặng đặt cạnh cái mền trấn thủ của anh ở sạp nằm góc lán. Tôi đâu có ngờ cái thẻ hương này đã giết anh. Trước đó hai hôm, có tin của trinh sát, bọn địch tập trung quân chuẩn bị đánh phá chiến khu. Công binh, các đơn vị trực chiến, chôn mìn, gài lựu đạn dọc các lối mòn chuẩn bị chống giặc. Nhưng rồi có tin về bọn giặc càn ba huyện phía nam.

Công binh tháo mìn, gỡ lựu đạn, giải tỏa các lối mòn. Buổi chiều, anh Hồ Vi cầm nắm hương của tôi, đi ra mộ vợ. Trời xui đất khiến gì không biết, anh đi vào cái lối mòn vừa tháo gỡ mìn, lựu đạn. Anh vấp phải trái lựu đạn gài gỡ sót. Cả hai chân anh đều bị thương, dập nát đến đầu gối. Chắc anh khát nước vì mất quá nhiều máu, anh bò lết xuống bến sông, đúng cái bến mà chị Hoài Trinh chết đuối. Chúng tôi tìm thấy xác anh nằm vắt ngang trên tảng đá, đầu và hai vai ngập chìm trong nước. Hai tay anh bíu rất chắc vào gờ đá nên mới không tuột xuống sông.

Chúng tôi đào huyệt sát mộ chị Hoài Trinh, chôn anh, xác bọc trong tấm vải bạt áo súng. Bọn giặc tấn công chiến khu Hòa Mỹ và bao vây nhiều ngày. Chúng tôi rút vào chiến khu Dương Hòa.

Khoảng hơn một năm sau, tiểu đội tôi đi công tác ngang qua Hòa Mỹ. Các lối mòn lau lách mọc phủ kín, cao lút đầu người.

Chỉ mới hơn một năm mà vùng chiến khu cũ trở nên hoang vu đến rợn người. Chúng tôi đi dọc bờ sông Ô Lâu bạt ngàn lau trắng, vạch cỏ, rẽ gai tìm suốt buổi mà không thấy mộ hai người. Lau lách, cỏ dại đã nuốt chửng cả hai…

Từ khi tôi rời cây súng nối nghiệp anh làm thơ. Rồi vì thơ mà sa vào cảnh chìm nổi gian truân suốt ba chục năm trời. Trong ba mươi năm đó tôi thường hay bất chợt nhớ đến câu nói kỳ dị của anh Hồ Vi bên bếp lửa chiến khu năm nào: “Một trăm là trung đoàn, còn lẻ một là nhà thơ Hồ Vi đấy!”.

Thế rồi dần dần tôi mới vỡ lẽ ra, câu nói kỳ dị của anh chính là sấm ngữ về số phận của ai lỡ mang lấy nghiệp thơ vào thân.

Tôi thường kể câu chuyện trên với bằng hữu và vui miệng nói thêm: “Hồ Vi là nhà tiên tri tầm cỡ đại đội:.

Chép li bên bHTây- mùa đông năm 1994

(ngun: Internet – không rõ xut xứ đầu tiên)

NGUYỄN THỊ THANH SÂM

tri không bao gi lnh na (*)

Trần cúi xuống, khuôn mặt người đàn bà tắm đẫm ánh trăng sáng ngời lên màu sữa, những giọt nước mắt lóng lánh đọng lại trên hàng mi khép hờ của nàng. Trần đặt môi lên giòng nước mắt nóng ấm, vị mặn chát thấm lan đầu lưỡi chàng. Trong một thoáng, hình ảnh người con gái bị hành hình trong khu rừng già ngày nào với đôi mắt khép kín còn hoen ngấn lệ bỗng hiện ra trong trí chàng.

Trần lắc đầu, như muốn xua đuổi cảm giác nôn nao bất ổn xâm chiếm tâm hồn, chàng cúi xuống tìm môi Hiếu, đôi môi nồng ấm, hơi thở dịu dàng mê man của người yêu làm chìm lắng xô dạt về chốn hư vô nào đó mọi ý tưởng đau thương xa xót. Những lá cỏ rung rinh lấp loáng quanh hai người. Một cơn gió lạ bay quanh suốt ngọn đồi, lang thang bay mãi lên cao, cuốn theo những dải mây trắng trôi đi hàng hàng lớp lớp. Trăng thượng tuần cũng lang thang đi ngược chiều giữa những đám mây bay, cô đơn và lạnh lẽo.

Trần nằm ngửa nhìn mây bay ngang trời có khi bong trăng bị mây che khuất kéo lê những vệt mờ rối trên lưng đồi, thân thể Trần cũng bềnh bồng như muốn trôi đi. Chàng hỏi Hiếu ngồi yên lặng bên cạnh chàng:

– Hiếu có nhìn thấy trăng đang đi không?

Hiếu ngẩng nhìn trăng nói thật thà:

– Hồi còn bé tôi nhìn trăng bao giờ cũng thấy trăng đi, nhưng không hiểu sao lớn lên có khi tôi để ý nhìn mà không thấy trăng đi nữa, trăng cứ đứng yên giữa trời. Có lẽ ngày bé chưa biết buồn, còn đang vui nên thấy trăng đi, thấy ngày chóng qua, còn bây giờ đời đã buồn nên ngày tháng không đi, trăng cũng không đi.

Trần chép miệng thở ra:

– Ăn nói như thế làm gì mà người ta không mê.

Hiếu quay lại nhìn Trần ngẩn ngơ:

– Tôi có nói gì đâu nào?

Trần vòng tay kéo mặt Hiếu xuống sát mặt mình, hôn dài trên khuôn mặt chìm trong bóng tối.

– Hiếu có biết không? Hiếu nói những câu mà Hiếu thường không biết là mình đã nói gì, Hiếu có biết như thế đáng yêu biết chừng nào không?

Hiếu để yên cho Trần hôn mình, đoạn nàng dịu dàng gỡ tay Trần ra, ngồi thẳng lên, giọng buồn bã:

– Không, tôi không thể biết được.

Trần nghiêng mình trên cỏ may, nhìn hình dáng Hiếu ngồi yên trên sườn đồi, in lên nền trời phía sau, Hiếu ngoảnh nhìn đi chỗ khác để tránh cái nhìn nồng nàn say đắm của Trần khiến nàng xôn xao không chịu nổi, nét bán diện của nàng trong bóng trăng mờ ảo có một vẻ trẻ thơ thanh thoát lạ lùng.

Trần buột miệng nói:

– Chả trách các cụ mình ngày xưa thường bảo “nhất vợ nhì trời” cũng phải.

Hiếu ngạc nhiên:

– Tại sao Trần lại bảo vậy?

Trần cười mơ hồ trong ánh trăng:

– Chứ không phải sao, này nhé, nằm như thế này mà nhìn lên thì trời ở trên kia xa quá, vợ thì ở ngay trước mặt, thế không phải là “nhất vợ nhì trời” thì là gì nào?

Thấy Trần dùng tiếng “vợ” để chỉ mình, Hiếu xúc động nghẹn ngào, nàng ngồi yên, nước mắt nàng lại trào ra. Trần kéo nàng sát vào người chàng, quàng tay ôm chặt lấy nàng, thì thào:

– Lại khóc rồi, xấu lắm, bộ không phải là vợ anh rồi đấy ư?

Giọng Hiếu chìm trong tiếng nấc:

– Tôi sợ, tôi sợ lắm.

– Em sợ gì?

– Tôi sợ làm khổ anh.

Trần bật ngồi dậy, chàng nghiêm giọng gọi:

– Hiếu, hãy quay lại nhìn anh đây này.

Hiếu sợ hãi quay lại nhìn Trần, nước mắt trên má nàng chảy thành vệt dài sáng ướt dưới trăng.

– Việc Đảng không chấp thuận cho anh cưới em không thành vấn đề. Kể từ nay, em là vợ của anh mãi mãi, từ nay chúng mình vui buồn có nhau, sống chết có nhau. Anh có trách nhiệm lo cho em và hai đứa bé, từ nay không có sức mạnh nào có thể chia rẽ anh và em được nữa, em hiểu chưa?

Hiếu cúi đầu, khổ sở:

– Nhưng tôi biết rõ rằng họ sẽ không để yên cho chúng ta đâu, Trần ơi, phần tôi thì không sao, tôi chịu khổ đã quen đi rồi, tôi chỉ sợ cho anh, tôi sợ lắm, nếu anh có bề gì, tôi không thể nào sống nổi.

Trần vuốt ve mái tóc Hiếu, giọng chàng dỗ dành thương cảm:

– Họ không làm gì anh đâu, em đừng lo. Hiện giờ cơ quan không giao công tác cho em nữa, như thế càng hay. Từ lâu anh đã có ý không muốn cho em nhận lãnh những nhiệm vụ nguy hiểm quá đối với một người đàn bà yếu đuối và còn có con dại như em, chưa biết làm thế nào thì bây giờ họ kiếm chuyện cho em nghỉ việc, như thế cũng lại là một dịp may. Từ nay em có thể rảnh rang để lo cho anh và hai con mà thôi. Mẹ và chị có gởi cho anh ít tiền và vàng, anh chẳng dùng đến, em giữ lấy để sống qua lúc này và buôn bán gì thêm. Rồi chúng mình sẽ liệu sau, bây giờ em đừng khóc nữa, chúng mình có rất ít thì giờ được gần bên nhau như thế này, ngày mai anh lại phải đi rồi, đừng để khi anh đi xa, cứ nghĩ đến em là thấy mặt em đầm đìa nước mắt, anh buồn. Anh chỉ còn góc núi này có em thương yêu và hai bé Hiền, Hòa thơ dại. Em không thể biết được khi ở dưới kia, sát bên đồn địch, hay giữa mặt trận, hình ảnh em và hai đứa bé đã theo anh đi khắp mọi nơi như thế nào. Ừ, có thế chứ, em tươi lên như thế làm anh vui biết bao. Em không thể biết được em đẹp đến như thế nào Hiếu ạ.

Hiếu quay đi, giọng trách móc:

– Đừng nói thế, làm tôi thêm tủi, tôi mà đẹp cái nỗi gì.

– Không có người đàn bà nào xấu cả, và người đàn bà nào khi yêu cũng đẹp tuyệt vời, mà em thì yêu anh vô cùng, phải không Hiếu? Anh biết thế vì anh thấy em đẹp quá, nhất là đêm nay, tại sao em đẹp thế, hở em?

Hiếu cảm thấy nóng bừng hai má, cái nhìn nóng bỏng, giọng nói du dương của Trần như ru nàng trong một vùng khí hậu ấm áp chan hòa hạnh phúc vô biên. Bỗng dưng thẹn thùng như ngày mới lớn, nàng cuống quýt bảo Trần:

– Thôi đừng nói thế nữa, Trần kỳ cục lắm, ai lại đi yêu một người xấu xí và lớn tuổi hơn mình mà lại cứ bảo đẹp hoài. Trần hay nói nhảm lắm.

Hiếu nghiêng đầu nhìn Trần, vẻ tò mò:

– Tại sao, tại sao vậy hở Trần, tại sao lại đi yêu tôi, một người đàn bà xấu xí và lớn tuổi hơn Trần nhiều vậy?

Trần cười lớn, giọng ngạo nghễ:

– Em tưởng là em lớn hơn anh ư? Như vậy là em lầm. Để anh nhắc lại cho em nhớ kẻo em quên nhé. Ngày xưa chúng mình là Kim Đồng và Ngọc Nữ ở trên trời, hai đứa quấn quýt thương yêu nhau lắm, chạy nhảy nô đùa với nhau cả ngày. Một đêm trăng như đêm nay, hai chúng mình tò mò vén mây nhìn xuống trần gian, thấy trên một ngọn đồi bóng mây bay lướt thướt, cảnh trí thật huyền ảo, có hai người nam nữ yêu nhau ngồi dưới bóng trăng thủ thỉ với nhau những lời thật nồng nàn, tha thiết, cũng như chúng mình đêm nay vậy. Họ hôn nhau những cái hôn dài mê man tưởng như đất trời không còn nữa như thế này này. Ơ, đừng vùng vằng như thế chứ, để anh kể tiếp, thế rồi Kim Đồng Ngọc Nữ bỗng thấy động lòng trần tục, hai đứa nhìn nhau, cùng ngây ngất đọc thấy trong mắt nhau sự say đắm, ước muốn, nhìn quanh chúng thấy cảnh trời chán ngắt, buồn hiu. Hai đứa bèn rủ nhau xuống trần gian, hẹn sẽ yêu nhau làm vợ làm chồng. Nói là làm, Ngọc Nữ là con gái nên mau mắn lắm, cô bé cứ để chân trần phóng nhanh xuống trước, còn Kim Đồng là con trai nên chậm chạp, tính nết lại lo xa sợ đường trần đầy chông gai nên lo đi tìm giầy dép mang vào chân, cẩn thận rồi mới xuống sau, vì vậy Kim Đồng xuống trần chậm hơn Ngọc Nữ mười phút, thế nhưng mười phút trên trời bằng mười năm dưới trần thế. Vì thế nên khi xuống trần Kim Đồng bị sinh ra sau Ngọc Nữ mất mười năm, lạc nhau mất mấy mươi năm sau mới gặp lại nhau, bây giờ tìm gặp nhau rồi họ không bao giờ để mất nhau nữa, họ trở lại ngọn đồi tiền kiếp trong một đêm trăng để thực hiện mộng ước của họ khi ở trên trời. Em nhớ không em? Có đúng như vậy không em? Tại sao em rùng mình? Em lạnh phải không em? Ờ, sương xuống ẩm ướt cả vai em rồi đây này, chúng mình trở vào nhà em nhé, ừ sao em nhớ rõ ngọn đồi này mà đến đây làm nhà bên sườn đồi để chờ anh vậy? Cái gì xui khiến anh tìm đến đây để được gặp em? Phải có sao chứ phải không em? Chúng mình có tiền duyên với nhau mà. Em buồn vì em không được đẹp ư? Em không hiểu vì sao em không đẹp mà anh yêu ư? Bởi vì Trời giận sao em lại rủ anh xuống trần đấy, Trời thử thách xem chúng mình có yêu nhau thật không đấy. Nhưng anh nghĩ thế lại hay bởi vì chỉ có một mình Kim Đồng có thể nhận ra Ngọc Nữ mà thôi, người phàm mắt tục không ai nhìn ra được cả, như vậy chúng mình chỉ có thể là của nhau mà thôi. Ơ, anh đã ủ em trong tay anh kín như thế này mà em vẫn còn rùng mình, lại run nữa đây này, thôi để anh bế em vào nhà vậy. Có gì đâu nào, người em nhẹ quá, cứ như bế trẻ con ấy thôi. Đêm nay vợ chồng mình thức suốt đêm với nhau em nhé.

Trăng đã lặn sau đầu non kia rồi, em biết tại sao không? Trăng tủi thân đấy, vì cô đơn giữa trời, vì nhìn thấy hạnh phúc của chúng ta đó em. Biết đâu đêm nay trên trời cũng có một đôi Kim Đồng Ngọc Nữ vén mây nhìn trộm chúng mình mà mơ ước. Có lẽ bây giờ họ đang nương theo bóng trăng bay xuống trần thế rồi đó em, anh mong họ đang nắm tay nhau mà bay, đừng để lạc nhau lâu quá như chúng mình.

Em, hãy ôm anh thật chặt, như vậy đó, em có ấm không em? Thế này thì mãi mãi chúng mình sẽ không bao giờ lạnh nữa, không bao giờ lạnh nữa, phải không em?

(Cõi Đá Vàng, chương XXVI, An Tiêm xb năm 1971, Thư Ấn Quán tái bn 2012)

(*) Đề ta do tòa son mn phép tự đặt để ddàng cho vic trích đăng và làm mc lc.

NGUYỄN THỊ THANH SÂM

nhng cánh ca không chu m (*)

Dãy nhà sàn chênh vênh trên một triền núi khuất lấp những tàn cây rậm lá, bóng im che rợp cả trong những ngày đẹp trời nhất. Phía dưới có một con đường dốc thẳng đứng cheo leo dẫn xuống suối. Vào mùa mưa con đường trơn như mỡ, đi sẩy chân là có thể mất mạng như không. Mỗi buổi sáng Trần và các bạn cùng lớp chỉnh huấn phải dậy thật sớm mò mẫm xuống suối rửa mặt, phải vất vả lắm mới xuống được bờ suối nhưng khi đã đứng bên giòng suối rồi, bao giờ Trần cũng cảm thấy một nỗi yên hòa thư thái làm dịu lại tấm long se sắt của chàng trong những ngày ở đây.

Khí rừng u uất lẩn quất ven rừng hai bên bờ, hơi lam mờ đục tỏa dần xuống khe trũng, dàn trải ra khi gặp giòng suối trong veo nhìn suốt được những phiến đá xanh rêu giữa long suối. Ở đây ngẩng nhìn lên cao thấy trời xanh từng dải mây trắng bay đi, giây phút ngắn ngủi này gợi lại cho chàng going sông buổi sáng và hình ảnh người yêu trên chuyến đò ngang trên sông Hương năm nào. Những ngày ở rừng núi phân khu này hình ảnh đó trở về sâu đậm hơn bao giờ hết, vuốt ve tâm hồn rạn nứt đau thương của chàng.

“Thế mà anh chưa hề biết tên em, nếu biết được tên em nhỉ, anh sẽ gọi hoài không dứt, tiếng gọi trong tâm hồn anh sẽ vang vọng đến em dù em ở phương trời nào, ngàn trùng xa cách. Nhưng có lẽ không có tên nào xứng đáng hiển hiện được hình ảnh em nổi bật trên sông dài, nhịp cầu xa, tòa thành cổ mù sương sau lưng em, hình ảnh đầu tiên đi vào hồn anh, đôi mắt tuyệt vời, tia nhìn xuyên qua hồn người thấm thía như một nỗi xót xa, giòng tóc xõa trên sông dài, tà áo trắng dưới nắng mai. Ngày đi anh mang theo hình ảnh em trên bước đam mê lý tưởng, có ngờ đâu bây giờ em là tất cả, là tình yêu going sông xưa, tình yêu thành phố cũ, em là quê hương của tuổi trẻ vàng son. Quê hương bây giờ mịt mù hư ảo, chỉ còn dạt lại bóng áo dài tóc xõa của em, xa xôi vô cùng và cô đơn biết bao.

Chỉ mới ba năm thôi mà anh đã già rồi em ạ, anh không còn xứng đáng với em nữa, phút giây mơ tưởng về em là một ân huệ cuối cùng mà anh tự dành lấy cho riêng anh, như kẻ lưu đày mở một nẻo trời cho hồn mình tìm lại quê hương yêu dấu…”

Có người vỗ vai chàng: “Chưa tỉnh ngủ hay sao mà có vẻ bần thần vậy, hay vẫn còn bàng hoàng vì bản tự thú của đồng chí Lưu hôm qua?”

Không quay lại Trần cũng biết đó là Thủy, người bạn đồng chí cùng học khóa chỉnh huấn với chàng. Thủy là người rất dễ mến, Thủy quý chàng và gần gũi chàng nhất trong những ngày ở đây.

Trần hỏi lại:

– Thế anh nghĩ thế nào về hiện tượng của Lưu đêm qua?

Thủy chợt lạnh lùng quay đi, tỏ vẻ không muốn nhớ lại:

– Thì như anh thấy đó.

Trần cũng yên lặng, chàng dõi mắt nhìn theo một sợi rong vàng duỗi dài nổi trôi vương theo giòng nước chảy xiết, nó múa lượn nhịp nhàng, có lúc trườn mình tới trước, có lúc lùi lại như để lấy đà phóng tới, nó bảo chàng bằng một thứ giọng du dương bất tuyệt: “Này tên đãng tử mặt trắng kia, cớ chi mà u sầu, hãy xem ta đây, ta muốn đi muốn vươn tới trước, nếu ta tự do ta sẽ để giòng nước cuốn ta theo, nhưng hòn đá nhẵn thín phủ đầy rêu xanh trơn tuột này nó cầm giữ ta lại, mặc, ta cứ tỏ cho nó biết là ta muốn đi, hãy xem đây, tay ta vươn dài vẫy gọi, đàng trước kia là tương lai bí nhiệm, có tất cả những điều ta say mê ao ước, cái hòn đá ngốc nghếch lầm lì này lại cố giữ ta lại giữa những khe trũng ẩm thấp đen tối, ngày đêm nó không ngớt thì thầm với ta rằng nó giữ gìn đời sống cho ta, dù thế ta vẫn biết đằng trước kia có những gì, ở đó là lẽ sống, có trời cao sông rộng, có biển cả bao la, vậy mà ta vẫn còn mãi ở đây. Ta sẽ vẫy gọi không ngừng, ta vẫy gọi mãi mãi bởi vì đàng trước kia là ngày mai, nếu ta không đến được với nó thì nó sẽ đến với ta, bởi vì cánh tay ta mời gọi, cánh tay ta vươn mãi tới thiên thu.”

Trần đắm mình trong suy tưởng những lời nói của sợi rong vàng, bấy lâu nay chàng đã nhập cuộc, chàng đã nhận chịu bao nhiêu thử thách đắng cay, chàng đi ngang qua tất cả với nụ cười hờ hững thách đố trên môi. Chàng nhớ rõ trước kia chàng không hề biết ưu phiền, trước kia sức chàng bạt ngàn xô núi, vầng trán rộng trẻ trung của chàng lồng lộng gió đại dương bát ngát, vậy thì tại sao, tại sao bây giờ chàng ngồi đây, ưu tư tìm về một tà áo trắng người yêu như một cứu cánh, như tìm về một bóng mát lãng quên, như một Phạm Thái ngày xưa bỏ quên đời trong hồ rượu, chí lớn trong đời không bằng đôi mắt giai nhân. Tại sao giờ đây cánh tay chàng muốn buông xuôi rời rã, miệng chàng đắng ngắt vị phong trần, vầng trán rừng rực lửa địa ngục điêu linh.

Chàng cúi xuống, soi mình trên giòng suối, mặt nước phản chiếu một hình bóng xô lệch không ngừng biến đổi, khi kéo dài ra khi thu nhỏ lại, cái hình thù biến động quái đản ấy rung rinh trên nền trời xanh thẳm bình thản, hững hờ sau lưng nó. Bất giác chàng đưa tay lên vuốt mặt, chàng nhận thấy da mặt chàng khô nóng, chàng nhìn lại bàn tay, những đường gân xanh nổi lên chằng chịt, chàng ve vuốt những đường gân xanh đó, có cảm giác như đang ve vuốt một con sâu đang ẩn náu trong da thịt gặm nhấm hình hài mình. Trần hồi tưởng cái ngày chàng đặt chân lên rừng núi phân khu này, lòng chàng còn biết bao hy vọng, biết bao tin tưởng vào cuộc sống lý tưởng tốt đẹp này. Chàng đã gặp một số anh em đồng chí quen biết, họ mừng vui được gặp lại nhau, ôi những cái bắt tay đồng chí nó mạnh mẽ xiết bao, hùng tráng xiết bao; câu chuyện hàn huyên nhắc nhở những chiến dịch tưng bừng lửa đạn, ngùn ngụt đam mê, đêm đó cả bọn ngồi quanh bếp lửa, đêm tàn chuyện nở như bắp rang, Trần thấy lòng nhẹ nhàng, ngày hôm sau chàng sẽ vào gặp Hoàng Hà, một đồng chí cao cấp, chàng thấy vững bụng, chàng sẽ trình bày quan điểm của chàng và chàng tin rằng ông ta sẽ hiểu. Từ những niềm cảm thông sẽ nảy ra suối nguồn của chân lý, của sức mạnh bền bỉ vô cùng cần thiết cho cuộc chiến đấu cho Tổ quốc thân yêu. Hoàng Hà là một người đứng tuổi, thân hình bé nhỏ, khuôn mặt dài, xương xương, nước da màu đất, vàng bệt, nét mặt thoạt nhìn mờ nhạt không có gì đặc biệt nhưng vì lăn lộn hoạt động cách mạng lâu năm và được giữ liên tiếp nhiều năm những chức vụ quan trọng, tư thế chỉ huy tạo cho ông ta một giọng nói đanh thép và cái nhìn lạnh như băng. Trần đã gặp ông ta trong vài cuộc họp do ông ta điều khiển trước đây.

Trong giới kháng chiến người ta truyền rao những huyền thoại về Hoàng Hà trong thời kỳ bí mật chống Pháp, ông ta được mô tả như những nhân vật trong các truyện truyền kỳ khiến Trần thấy dĩ vãng sau lưng ông ta bao phủ một tấm màn huyền hoặc kỳ thú, mặc dầu trong những cuộc họp chàng không thấy có gì đặc biệt chứng tỏ tài năng trong những điều ông ta phát biểu. Đây là lần đầu tiên Trần được Hoàng Hà chấp nhận gọi vào gặp riêng ông ta tại chỗ làm việc của ông trong một nhà sàn làm bằng tre.

Trần đi theo chú bé liên lạc đến căn nhà sàn đó, chàng mải suy nghĩ đến những vấn đề cần phải nói đến nỗi khi ngẩng lên chàng đã thấy Hoàng Hà sừng sững trước mặt, chằm chặp nhìn chàng bằng cặp mắt băng giá. Chàng đứng nghiêm, thẳng người đưa tay chào ông ta theo lối quân nhân. Hoàng Hà nhìn chàng từ đầu đến chân, lạnh lùng khẽ gật, đoạn ông ta xoay người một cách gọn gàng đi vòng lại ngồi xuống ghế trước bàn làm việc của ông, ông chỉ một chiếc ghế, hất hàm:

– Đồng chí ngồi xuống.

Trần ngồi xuống ghế yên lặng đăm đăm nhìn lại Hoàng Hà, chàng hiểu rằng Hoàng Hà đang sử dụng cái nhìn lạnh lùng như băng vào kẻ đối diện như một lối đòn cân não, Trần mơ màng thầm nghĩ không biết mình ở đâu đây, trước mặt mình là ai thế, là đồng chí ư? Sao lại nhìn mình như thế, sao cái nhìn làm Trần mơ hồ như đã thấy ở đâu rồi, ừ phải, Trần đã thấy cái nhìn đó một lần ở sở Mật thám Huế khi chúng nó bắt Trần trong số sinh viên bị tình nghi có liên quan đến một tổ chức trá hình. Đôi mắt viên mật thám Pháp khi thẩm vấn Trần cũng giá băng như vậy, đó là đôi mắt kẻ thù, có lẽ nào giờ đây Trần lại gặp ánh mắt đó trên cái nhìn của một đồng chí mà chàng đang đặt nhiều kỳ vọng. Liệu niềm cảm thông mà Trần mong mỏi được tỏ bày có làm tan rã được băng giá trên đôi mắt kia không?

Quả vậy, bằng cái nhìn đó Hoàng Hà tỏ rõ một ý muốn chế ngự Trần ngay trong phút đầu của câu chuyện. Ông ta biết rõ thành tích đáng kể và ảnh hưởng quan trọng của Trần trong bộ đội kháng chiến; dù sao sự tự tin của ông với những mệnh lệnh mà những đồng chí thuộc cấp đều răm rắp tuân theo khiến ông luôn luôn có một thái độ uy quyền và tin rằng kẻ đối diện phải khuất phục mình một cách dễ dàng. Nhưng khi bắt gặp đôi mắt Trần nhìn thẳng vào ông với vẻ như không trông thấy gì cả, đôi mắt chàng như đang theo dõi một ý tưởng nào đó, liên tục và mãnh liệt đến nỗi ông phải nghĩ rằng nếu ông ta không lên tiếng trước thì Trần sẽ tiếp tục lặng lẽ làm một cuộc đối thoại với chính mình mà không cần biết có ai trước mặt.

Ý nghĩ đó làm Hoàng Hà nổi xung nhưng ông ráng dằn lại. Những năm lăn lóc hoạt động chính trị trong những thời kỳ căng thẳng nhất khiến ông trở thành một con người mềm dẻo tinh tế vô cùng. Ông hạ tầm mắt xuống, giọng ông êm ái một cách không ngờ:

– Đồng chí Trần, đồng chí có hiểu rõ những việc mà đồng chí đã làm không?

Thái độ thay đổi đột ngột và câu hỏi bất ngờ làm Trần lúng túng trong một giây:

– Thưa đồng chí, tôi mong mỏi được gặp đồng chí để trình bày những sự việc mà tôi nghĩ rằng đồng chí đã biết qua nhưng chưa sáng tỏ được mọi vấn đề.

– Theo đồng chí, thế nào là một vấn đề được sáng tỏ?

Hoàng Hà hỏi, vẫn giọng nói êm ru.

– Sự có mặt của tôi, cùng nhiệt tình của tôi đối với Đảng và Tổ quốc, còn nếu căn cứ vào báo cáo của Tỉnh bộ thì…

Hoàng Hà ngắt lời Trần, ông ta cúi nhìn tập tài liệu trước mặt, làm bộ hững hờ khéo léo che đậy một tia sáng rình rập vừa lóe lên trong mắt ông ta:

– Đồng chí có cho rằng Đảng có thể thiên vị và lầm lạc không?

Trần đáp không suy nghĩ, cảm thấy mình bị hụt hẫng:

– Tôi không bao giờ nghĩ như thế.

– Vậy thì việc Đảng đưa đồng chí về đây để chỉnh huấn, sửa đổi tư tưởng, hầu đi đúng con đường phục vụ cho nhân dân, việc đó có sai lầm không?

Trần nín lặng không đáp.

– Và luôn cả những nhận xét của Đảng, đồng chí có cho là không sáng suốt không?

– Đồng chí, xin hãy nghe tôi, tôi đã nguyện hiến thân tôi cho Đảng, tôi đặt trọn niềm tin vào Đảng, chính vì thế mà tôi không quản ngại tất cả những gì tôi đã làm; trên đường về đây tôi đã mong được gặp các đồng chí, mong được trình bày quan điểm của tôi với đồng chí về việc đó. Nó có một tầm quan trọng ảnh hưởng đến sự mất còn của chúng ta, tôi mong được đồng chí thông cảm và giúp đỡ cho tôi trong sứ mạng của một đảng viên, của một chiến sĩ…

– Cá nhân tôi không giúp gì cho đồng chí được, giọng Hoàng Hà chợt đanh lại, gọn và sắc. Đồng chí hãy nhớ kỹ điều này, với chủ nghĩa cao cả mà chúng ta đang theo đuổi, cá nhân không là cái gì cả, duy chỉ có cộng đồng mà thôi. Bánh xe vĩ đại sẽ nghiền nát tất cả mọi cá nhân dưới nó để làm nên lịch sử nhân loại cộng đồng. Chúng ta phải biết ơn Đảng đã cho chúng ta được sống trong những giây phút thần kỳ, không giống một thời đại nào, không giống một lịch sử nào khác, tự cổ chí kim. Chúng ta đang và sẽ tạo dựng một thế giới mới, chính chúng ta, những người Cộng sản sẽ khai nguyên những thế kỷ sắp tới, trong đó, toàn khối nhân loại chỉ là một, trong đó, đồng chí và tôi đều không đáng kể, những quan điểm riêng tư đều vô nghĩa, hèn mọn. Chúng ta đều phải quên mình để hiến dâng cho sự nghiệp vĩ đại của Đảng, phải tẩy rửa những yếu hèn tiểu tư sản, phong kiến đang bám chặt lấy đầu óc chúng ta. Chúng ta sẽ đau đớn, sẽ quằn quại rên siết để thực hiện một cuộc tái sinh, đó là cuộc tái sinh của Tổ quốc ta nói riêng và thế giới nhân loại ngày mai nói chung.

Hoàng Hà ngừng lại một giây, ông ta tự để mình lôi cuốn theo những lời nói thao thao bất tuyệt của ông, những lời nói có một ma thuật khiến đôi mắt ông quắc lên, long lanh chờn vờn như một lưỡi kiếm, ông gằn giọng, trở lại tư thế lạnh lung đanh thép cố hữu:

– Tôi có nghe nhiều về đồng chí, đồng chí đã tỏ ra là một chiến sĩ dũng cảm, một văn nghệ sĩ có chân tài, chừng đó không đủ. Hãy can đảm tự xóa mình đi, hãy từ bỏ ảo tưởng xây dựng tiếng tăm và ảnh hưởng của cá nhân mình. Đảng không chấp nhận những ý thức đó. Tuy nhiên Đảng sẽ nâng đỡ đồng chí khỏi phạm vào những sai lầm tai hại tương tự như những điều đồng chí đã làm. Đồng chí sẽ được một cơ hội để tự cứu nếu không muốn rơi vào sự hủy diệt. Trong thời gian chỉnh huấn, đồng chí phải hết lòng đào sâu suy ngẫm, phải khẩn trương thành thực sửa mình, để tỏ lòng biết ơn Đảng đã tạo nên chúng ta, đừng bao giờ lãng quên điều đó. Khoá chỉnh huấn của đồng chí sẽ khai mạc trong vòng hai hôm nữa và sẽ kết thúc trong vòng một tháng, tôi mong rằng đó là thời gian thích đáng mà đồng chí có thể đạt được thắng lợi cho tư tưởng và bản thân mình để tạo nên sự nghiệp của một chiến sĩ Bônsơ-vích hiến dâng cho Đảng.

Hoàng Hà đứng dậy, ông giơ tay lên ra hiệu câu chuyện đã kết thúc. Trần cũng đứng lên, chàng đứng nghiêm thẳng người đưa tay chào vị chỉ huy cao cấp, rồi quay lưng bước thẳng ra cửa.

Ra đến bên ngoài Trần bước đi như một cái máy, long chàng buồn bã vô hạn. Chàng vừa gõ một cánh cửa, và cánh cửa đã đóng chặt, cánh cửa từ chối không chịu mở ra.

Sau những bức tường là những cánh cửa không chịu mở.

(trích Cõi Đá Vàng – chương VII, An Tiêm xb tại Saigon năm 1971, Thư Ấn Quán tái bản 2012)

(*) Ta đề do Tòa son mn phép tự đặt để ddàng cho vic trích đăng và làm mc lc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *