Cố Đại tá Võ Khâm – Người ở lại Bu-Prang
(Để tưởng niệm Cố Đại Tá Võ-Khâm)
Phạm Tín An Ninh
Tôi gặp Trung Tá Võ Khâm lần cuối cùng vào buổi trưa thứ bảy, ngày 3 tháng 11 năm 1973. Một ngày mà tôi không thể nào quên, cho dù thời gian đã qua khá lâu và cuộc đời trải qua biết bao nhiêu dâu biển.
Hôm ấy, được tin tôi về phép sau một thời gian dài ở chiến trường Kontum, từ Nha Trang ông lái xe ra Ninh Hòa thăm vợ chồng tôi, cho quà các cháu và rủ bọn tôi ra ăn trưa tại quán Thái Thị Trực. Đây là quán nem có thương hiệu nổi danh từ rất lâu, không chỉ ở thị trấn Ninh Hòa mà khắp cả tỉnh. Cùng đi với ông hôm ấy có anh Trần Hữu Dũng. Anh Dũng nguyên là giáo sư trung học ở Nha Trang, động viên vào Khóa 16 Thủ Đức, lúc ở đơn vị tôi anh giữ chức vụ Đại đội trưởng Đại đội Chỉ Huy Công Vụ, sau này được điều động về làm Phụ Tá Trưởng Phòng Nhất Sư Đoàn. Anh vừa được thuyên chuyển về Tiểu Khu Khánh Hòa hơn ba tháng trước, nơi Trung Tá Khâm đang làm Tiểu Khu Phó. Đang ăn, bất ngờ có vợ chồng Trần Ngọc Thăng đến tìm tôi. Thăng là bạn cùng khóa Thủ Đức và sau này cũng về đơn vị tôi. Khi ấy Thăng cũng vừa bàn giao nhiệm vụ tiểu đoàn trưởng để chuyển sang trung đoàn khác và đang nghỉ phép cưới vợ. Cả bốn thầy trò hôm ấy đều rất vui mừng, bởi trước kia chúng tôi đều có thời phục vụ dưới quyền Trung Tá Võ Khâm, trong thời gian gần ba năm (11/1966 – 7/1968) khi ông là Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 44BB, một trong những trung đoàn thiện chiến và lập nhiều chiến công cho Quân Đoàn II/ QK2. Riêng tôi, đã từng có khá nhiều kỷ niệm đặc biệt với ông.
Tháng 3 năm 1965 ra trường, tôi được bổ nhậm về Tiểu Đoàn 3/44, môt đơn vị trực thuộc Sư Đoàn 23 BB, có bản doanh tại Ban Mê Thuôt, nhưng riêng tiểu đoàn lúc ấy được chọn làm đơn vị trừ bị, hành quân lưu động trong khắp lãnh thổ Vùng 2 Chiến Thuật, dưới sự điều động trực tiếp của Quân Đoàn. Liên tiếp mấy năm theo đơn vị, liên tục hành quân gần như khắp mọi nơi. Có khi buổi sáng còn ở núi rừng Quảng Đức, buổi chiều đã có mặt ở bờ biển Tuy Hòa, Phan Thiết. Thời gian này, sĩ quan không đủ, nên sau khi lên thiếu úy vài tháng, tôi được lên nắm đại đội. Ngày Quân Lực 19.6 năm 1967, may mắn được thăng cấp trung úy (nhiệm chức) và sau một lần bị thương ở chân trái trong trận phản phục kích tại Ngã ba Dak-Song, Quảng Đức, xuất viện, tôi được chỉ định sang làm Đại Đội Trưởng Đại Đội Chủ Huy Yểm Trợ, mấy tháng sau lại được chỉ định kiêm nhiệm Trưởng Ban 3 TĐ, thay thế Trung Úy Đặng Trung Đức vừa nhận lệnh thuyên chuyển về giữ chức vụ Trưởng Ban 3/Trung Đoàn thay Đại Úy Mai Lang Luông ra làm tiểu đoàn trưởng. Anh Đặng Trung Đức tốt nghiệp Khóa 19 Võ Bị Đà Lạt và là người bạn rất thân thiết với tôi bởi truớc đó, cả hai cùng làm trung đội trưởng trong một đại đội, mà anh đại đội trưởng là niên trưởng Khóa 16 VB của Đức. Và sau khi Đức lên nắm đại đội, tôi làm đại đội phó cho anh.
Thời gian này, Đại Tá Trương Quang Ân vừa về nhậm chức Tư Lệnh Sư Đoàn 23 BB. Ông là vị sĩ quan nổi tiếng từ Binh Chủng Nhảy Dù, gốc Thiếu Sinh Quân, từng tốt nghiệp thủ khoa hầu hết tất cả các khóa học tại những quân trường nổi tiếng: Khóa Thiếu Sinh Quân, Khóa 7 Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt và hai khóa Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, tại Đà Lạt, sau đó tại Leavenworth Hoa Kỳ. Ông có tiếng tài ba, liêm khiết nhưng cũng rất nghiêm khắc, đặc biệt đối với những sĩ quan dưới quyền. Làm việc với ông, dù ở phương vị nào, thường bị phạt dễ hơn là được khen thưởng, Ông cân nhắc rất kỹ lưỡng mỗi khi đề bạt hay thăng cấp một sĩ quan, ngay cả việc đề nghị huy chương.
Đại Tá Trương Quang Ân về nhận chức Tư Lệnh Sư Đoàn 23 BB vào ngày 24.11.1966 thay thế Thiếu Tướng Nguyễn Văn Mạnh đi làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV/ Vùng 4 CT. Ngay trong buổi họp đầu tiên, với sự có mặt của tất các sĩ quan thống thuộc Sư Đoàn, từ cấp đại đội trưởng trở lên, ông công khai tuyên bố cách chức Trung Tá Bùi Th. H. (Trung đoàn trưởng của tôi thời điểm ấy), vì đã có nhiều sai phạm trong thời gian làm trung đoàn trưởng, đặc biệt vừa mới có hành vi hối lộ, khi nhờ người mang (biếu) cho ông tân tư lệnh một bao thư tiền. Sự kiện trong buổi gặp đầu tiên này đã tạo nên một không khí khá nặng nề, căn thẳng trong Sư Đoàn. Riêng anh em ở Trung Đoàn 44 thì rất vui mừng, vì trong mấy năm làm trung đoàn trưởng, ông Trung Tá Bùi Th. H. này đã chia phe kết cánh, phá nát trung đoàn.
Người được chọn để thay thế chức vụ Trung Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Võ Khâm, vừa mới về Sư Đoàn và đang giữ chức vụ Trưởng Khối CTCT/ SĐ. Lúc ấy, mọi người đều nghĩ rằng, ông Tư Lệnh đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, khi đưa ra quyết định này. Trước khi về sư đoàn, Thiếu tá Khâm từng là Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Quảng Ngãi. Giữ chức vụ này hơn hai năm, trong lúc quan lộ đang lên, được các thượng cấp hài lòng, thì ông xin từ chức. (Sau này ông cho chúng tôi biết, vì Quảng Ngãi là quê hương ông, nơi có cha mẹ và thân tộc họ hàng sinh sống, ông không muốn làm ảnh hưởng đến họ, và ngược lại cũng không muốn bị họ làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ của mình, Hơn nữa ở vùng này, tinh thần đảng phái cũng khá phức tạp, luôn đè nặng trên trách nhiệm của ông, nên ông xin từ chức sớm. Và từ đó ông luôn tránh những chức vụ có liên quan tới hành chánh, mặc dù đã nhiều lần được thượng cấp hỏi ý kiến).
Thiếu Tá Khâm về nhận nhiệm vụ khi bản doanh Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn đồn trú tại Tháp Chàm (Ninh Thuận), một tiểu đoàn tăng phái cho TK Ninh Thuận, một tiểu đoàn biệt phái dài hạn cho TK Lâm Đồng, đang hành quân tại Di-Linh, hai tiểu đoàn còn lại đang hành quân dài hạn tại Phan Thiết, dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Trung Đoàn. Trong đó có Tiểu Đoàn 3/44 của tôi và Tiểu Đoàn 4/44 vừa mới được thành lập xong hơn một tháng trước từ Dục Mỹ trở về.Thời gian này tình hình tỉnh Bình Thuận khá mất an ninh, đặc biệt tại Mật Khu Lê Hồng Phong, một cứ địa lâu đời của Cộng quân khá rộng lớn, kéo dài từ bờ biển đến rừng núi, có lợi thế cho địch quân xâm nhập, ém quân và cất giấu vũ khí. Đặc biệt một quãng đường khá dài gần 40 cây số cùa Quốc Lộ số 1 và đường Hỏa Xa nằm trong khu vực, gây gián đoạn lưu thông không những cho tỉnh mà còn cho cả nước.
Trung Đoàn đặt Bộ Chỉ Huy Hành Quân tại căn cứ Bình An, nằm bên Tỉnh lộ 8, giữa Phan Thiết – Thiện Giáo. Phía trên, khoảng năm cây số, tiếp giáp vùng núi, có căn cứ Virgina của quân đội Hoa Kỳ, đồn trú cấp đại đội cùng một pháo đội Pháo Binh.
Một ngày sau khi tiểu đoàn vừa chấm dứt cuộc hành quân tảo thanh bốn ngày trong Mật Khu Lê Hồng Phong, kéo về nghỉ quân dọc theo Quốc lộ, trong khu vực Mara, vào buổi trưa, tôi được anh âm thoại viên cho biết có Trung Úy Đức, Ban 3 Trung Đoàn muốn gặp tôi ở đầu máy. Đức báo cho tôi biết ông Trung Đoàn Trưởng đang trên đường đến thăm tiểu đoàn bằng trực thăng H-34. Đức bảo tôi lo an ninh bãi đáp và bảo ông tiểu đoàn trưởng chuẩn bị đón và thuyết trình. Anh còn nói thêm là anh không đi theo mà chỉ có Trung úy Minh Ban 2, Trung sĩ Kim Nữ Quân Nhân và một âm thoại viên mang máy tháp tùng. Cũng không có cố vấn Mỹ, vì anh cố vấn của trung đoàn và của cả tiểu đoàn đã về họp ở MACV.
Tiểu Đoàn tôi giống như tình trạng các tiểu đoàn khác, trong mấy năm qua không có tiểu đoàn phó. Tiểu đoàn trưởng lúc ấy là Thiếu Tá Nguyễn Văn X., xuất thân từ hàng hạ sĩ quan trong quân đội Pháp. Nghe nói ông khá thâm niên, cả cấp bậc thiếu tá lẫn chức vụ tiểu đoàn trưởng, nên rất bất mãn vì không được thăng cấp hay giữ một chức vụ cao hơn, thường hay lầm lì, gắt gỏng, do đó cũng thường bị thuyên chuyển đi khắp Sư Đoàn. Không biết có phải vì lý do đó, hay giữa hai ông có điều gì không vui, mà khi mới nghe tôi báo tin, ông liền bảo: “Chú mày lo tiếp đón và thuyết trình cho ‘thằng chả’, bảo tôi đang lên cơn sốt rét.” Tôi vừa ngạc nhiên, ngỡ ngàng vừa bực dọc, lo lắng.
Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn trú đóng trong một ngôi nhà ngói bỏ hoang, nằm trơ trọi bên cạnh Quốc lộ, bị sập mất một phần mái, phải dùng mấy tấm poncho che đỡ mưa nắng. Nơi đón thượng cấp chỉ là một khoảng nền nhà loang lổ, một tấm bản đồ treo trên giá xếp và mấy cái ghế được đóng bằng thùng đạn Pháo Binh. Đang gọi báo tin cho các anh đại đội trưởng, nghe tiếng trực thăng, tôi vội kéo anh sĩ quan Ban 2 và anh sĩ quan Truyền tin ra đám đất trống phía trước Quốc Lộ, thả trái khói màu đánh dấu bãi đáp.
Khi bước xuống, thấy ba đứa tôi đứng nghiêm chào, Thiếu Tá Trung Đoàn Trưởng hỏi:
– Ông tiểu đoàn trưởng của các anh đâu?
– Dạ, thưa Thiếu Tá, ông tiểu đoàn trưởng đang bất ngờ bị lên cơ sốt rét.
Tôi trả lời và nhìn thấy nét mặt ông sa sầm lại.
Tôi mời ông vào Bộ Chỉ Huy để nghe thuyết trình tình hình và phối trí lực lượng, nhưng khi vừa bước vào căn nhà, nhìn thấy ông tiểu đoàn trưởng đắp tấm poncho-light nằm dài trên ghế bố, nghiêng mặt quay vào vách, ông khựng lại, hỏi tôi một câu cộc lốc:
– Ông làm chức vụ gì ở đây?
Tôi đứng nghiêm:
– Thưa Thiếu Tá, tôi là Trưởng ban 3 kiêm Đại Đội trưởng Đại Đội Chỉ Huy!
Ông xua tay bảo tôi không cần phải thuyết trình mà đưa ông ra thăm đại đội. Ông theo tôi đến Ban Quân Y, Truyền Tin và dừng lại khá lâu ở Khẩu đội súng cối 81 và Đại bác SKZ 57 ly. Kiểm tra sơ qua các khẩu súng và hầm đạn, ông quay sang nghiêm mặt hỏi tôi một loạt các câu hỏi: khẩu đội có bao nhiêu người, súng nặng bao nhiêu, một quả đạn nặng bao nhiêu, cấp số đạn có bao nhiêu quả, bắn xa bao nhiêu??? Có câu tôi trả lời được, nhiều câu tôi im lặng vì mù tịt, các anh khẩu đội trưởng vừa lên tiếng nhắc bị ông quát, đứng im.
Có lẽ vì “giận cá chém thớt” nên ông lớn tiếng xài xể tôi một trận ngay trước mặt lính tráng thuộc cấp. Tính tôi xưa nay vốn chịu đựng và lễ phép với cấp chỉ huy nên chỉ ngậm môi đứng im chịu trận. Nhưng khi nghe ông nói “chỉ huy mà như ông thì chỉ có giết lính!” thì sự chịu đựng của tôi đã quá mức. Tôi “bùng nổ”, nhưng vẫn đứng trong thế nghiêm:
-Tôi xin không đồng ý với cách lãnh đạo chỉ huy của Thiếu tá. Là một cấp chỉ huy đâu cần thiết phải biết tường tận các chi tiết nhỏ nhặt như thế, bởi còn có các trưởng ban, các khẩu đội trưởng chuyên môn. Chẳng lẽ là Đại Đội Trưởng Đại Đội Chỉ Huy tôi cũng phải biết bên ban Quân Y có các loại thuốc gì, sử dụng ra sao. Việc đó có anh sĩ quan Trợ Y lo. Hơn nữa dù sao tôi cũng là một cấp chỉ huy trực tiếp với lính, nếu có sai phạm điều gì xin Thiếu tá cứ phạt tôi vài chục ngày trọng cấm hay cách chức tôi, chứ không thể mạt sát tôi trước hàng quân, như thế làm sao tôi còn tư cách để chỉ huy họ được. Tôi xin từ chức và xin Thiếu tá cho tôi giữ bất cứ nhiệm vụ nào khác, hay thuyên chuyển đến bất cứ đơn vị nào cũng được.
Ông khựng lại im lặng giây lát rồi bảo cô Trung sĩ Nữ Quân Nhân ghi tên và số quân của tôi rồi đi thẳng ra phi cơ. Tôi vẫn tháp tùng ông ra bãi đáp và đứng nghiêm chào ông khi máy bay cất cánh.
Ngay tối hôm ấy, Ban Truyền Tin nhận sư vụ điện của Trung Đoàn, yêu cầu tôi bàn giao nhiệm vụ và theo phương tiện sớm nhất về trinh diện Trung Đoàn Trưởng. Khi nghe ông Tiểu Đoàn Trưởng báo lại, tôi bảo “chắc vụ này là tôi phải gánh cho Thiếu Tá đây!”.
(Nhưng rồi sau đó không lâu ông Tiểu Đoàn Trưởng cũng nhận lệnh về trình diện Sư Đoàn. Không biết ông thuyên chuyển đi đâu, mà từ ngày ấy, cả trung đoàn không ai còn dịp liên lạc hay biết gì về ông, hơn nữa ông cũng chẳng thân thiết với ai)
Hai hôm sau tôi theo chuyến tiếp tế, về BCH Trung Đoàn xin trình diện, nhưng ông Trung Đoàn Trưởng không tiếp. Tôi xuống Ban 3 ngồi phụ việc với anh Đức và ăn ngủ chung một bunker với anh. Mấy lần gặp ông, tôi đứng nghiêm chào, nhưng ông vẫn im lặng tránh sang nơi khác. Anh Đức bảo tôi yên chí, vì tính ông trung đoàn trưởng hơi nóng, bốc đồng và hờn dỗi vậy thôi, chứ tốt và thương anh em lắm. Đúng một tuần sau, một buổi chiều khi biết ông vui vẻ và đang ăn cơm, anh Đức bảo tôi cứ đến gõ của xin gặp. Gõ cửa ba lần, ông mới mở, tay vẫn cầm bát cơm và đôi đũa, trợn mắt nhìn tôi, hỏi: “Ông lại muốn gì nữa đây?” Tôi đứng nghiêm thưa:
– Xin Thiếu Tá giao công việc cho tôi làm, bất cứ việc gì cũng được, nếu không thì xin trả tôi ra lại tiểu đoàn, vì tôi là sĩ quan, ăn lương quân đội. Thi hành lệnh Thiếu Tá tôi về đây đã đúng một tuần rồi mà không được giao nhiệm vụ gì, tôi thấy như mình đang ăn gian lương của quân đội!
Ông bảo anh lính nấu ăn riêng của ông mang lên thêm một cái bát, đôi đũa, rồi tự tay bới cơm vào bát, bảo tôi ngồi xuông dùng cơm. Tôi từ chối. Ông trợn mắt bảo: “ông lại không tuân lệnh tôi nữa phải không?” Tôi đành ngồi xuống phía đối diện, ngập ngừng cầm đũa. Cơm rất ngon nhưng tôi nuốt không trôi. Ăn xong, ông rót một ly whisky, bảo: “cái này thì tôi mời ông.” Lúc này tôi mới thấy ông nhoẻn miệng cười, bảo tôi ở lại đây chơi và nói chuyện với ông, rồi nhỏ giọng:
-Mấy ngày nay, tôi giả bộ làm nghiêm không thèm tiếp để xem ông có năn nỉ hay quậy phá gì không, nhưng mà ông ngon lành lắm. Tôi chịu!
Rồi ông đổi cách xưng hô:
-Thực ra tôi cũng hơi bực mình do thái độ vô kỷ luật và mất lịch sự của tay Thiếu tá X. (tiểu đoàn trưởng), nhưng sau đó nghĩ lại tôi thấy mình nóng, la chú mày hơi quá, sau đó thấy tôi nghiệp và quí chú, vì chú tỏ ra khẳng khái và nói năng cũng chí lý. Tôi thích những người thẳng thắn như vậy, chứ cứ cúi đầu gọi dạ bảo vâng thì tôi chán lắm! Thôi, chú ở lại đây làm việc với tôi, kể từ nay mình xem như anh em.
Ông bảo tôi cứ tạm phụ làm việc với anh Đức, phụ trách ở Trung Tâm Hành Quân, lo thêm việc bay tiếp tế, sắp xếp trực thăng vận và các cuộc di chuyển. Đi họp hành với các Tiểu Khu hay Sư Đoàn ông luôn gọi tôi theo. Ông còn bảo tôi sang ăn cơm với ông và dọn đến phòng của ông ở cho vui, vì phòng còn rộng, nhưng tôi tìm cách từ chối, bảo thích ở với anh Đức, bởi là bạn thân từ lúc mới ra trường, mấy năm ở cùng một đại đội.
Sau trận Mậu Thân, Trung Đoàn tạo chiến thắng lớn, tiêu diệt gần như toàn bộ lực lượng địch, giải tỏa thành phố Phan Thiết, đặc biệt khu lao xá nằm sát tòa tỉnh từng bị Cộng quân chiếm đóng, Thiếu Tá Võ Khâm được đặc cách thăng cấp trung tá tại mặt trận, nhân dịp này ông cũng được nhận một huy chương ngôi sao bạc của Quân đội Hoa Kỳ. Buổi lễ trao gắn cấp bậc và huy chương được tổ chức trang trọng tại Tòa Hành Chánh Tỉnh Bình Thuận dưới sự chủ tọa của Đại Tá Tư Lệnh Trương Quang Ân, Đại Tá Cố Vấn Trưởng Sư Đoàn và có cả Tướng Peers, Tư Lệnh Các Lực Lương Hoa Kỳ Tại Cam Ranh.
Sau đó, Trung Đoàn chỉ để lại khu vực núi Tà Dôn một tiểu đoàn, các đơn vị còn lại, kể cả Chi Đoàn 4/8 TQV tăng phái, cùng Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn di chuyển về Sông Mao, tiếp nhận doanh trai của Sư Đoàn 5 BB để lại. Tuy nhiên toàn bộ hậu cứ vẫn còn ở Tháp Chàm, vì chưa đủ phương tiện và an ninh lộ trình để chuyển về Sông Mao. Doanh trại mang tên “Trại Lý Thưởng Kiệt” bây giờ chính thức là bản doanh của Trung Đoàn 44BB. Một doanh trại khá rộng lớn, khu MACV, cư xá sĩ quan còn khá mới và đẹp, đặc biệt tư thất dành cho Trung Đoàn Trưởng là một villa mới, rộng rãi và nhiều phòng ốc, nằm không xa và có cửa bên hông để bước sang Trung Tâm Hành Quân.
Khi khu tư thất vừa được chỉnh trang và sắp xếp đầy đủ tiện nghi cần thiết, ông kéo tôi về ở với ông, giao cho tôi một phòng nhỏ phía sau. Đúng lúc bà xã tôi từ Ninh Hòa vào thăm (lúc này đang mang thai đứa con đầu lòng), ông bảo tôi lấy xe của ông đi đón và nhường cho tôi phòng ngủ của ông, vì có cái giường ngủ khá rộng và trong phòng đầy đủ tiện nghi hơn, ông cũng cho anh tài xế chở anh đầu bếp đi chợ Phan Rí mua nhiều tôm cá tươi về đãi vợ chồng tôi. Ông gần gũi thân tình, xem vợ chồng tôi như là em út trong nhà. Ở chơi với bọn tôi hai hôm, tiệc tùng vui vẻ, rồi ông chia tay về Đà Lạt, nhân được nghỉ phép năm ngày. Vợ con ông sống ở Đà Lạt và rất hiếm khi đến đơn vị gặp ông.
Trung tá Khâm xuất thân từ một dòng dõi thế giá ở Quảng Ngãi. Ông từng theo học tại đại học Hà Nội và nghe nói có Cử nhân văn chương Pháp, nói tiếng Pháp và tiếng Anh rất lưu loát. Ngoài cái dáng trí thức, ông còn là một sĩ quan phong độ và có tiếng khiêu vũ đẹp và điêu luyện trong sư đoàn. Nhiều nữ sinh, cô giáo, kể cả một số “bà chủ” doanh gia “mết” ông, nhưng ông chỉ “văn nghệ” cho vui, chứ luôn trung thành với bà xã, hơn nữa bà cũng từng là giai nhân một thời ở xứ Hoa Anh Đào- Đà Lạt. Trong một dịp hành quân tại Đà Lạt, ông có kéo tôi đến nhà dùng cơm. Vợ ông dáng dấp quí phái, luôn vui vẻ bặt thiệp. Khi ấy ông bà có bốn con nhỏ, cháu nào cũng xinh xắn dễ thương.
Cùng lúc thành lập đại đội trinh sát, Trung Đoàn nhận thêm một tiểu đoàn Pháo Binh 105 ly và được tăng phái dài hạn một đại đội Công Binh để chỉnh trang doanh trại, sửa sang phi trường, thiết lập hệ thống phòng thủ, các kho đạn, kho xăng, kể kể kho xăng JP4 cho trực thăng Hoa Kỳ. Các tiểu đoàn tăng phái dài hạn cho TK Lâm Đồng, Ninh Thuận đều nhận lệnh trở về doanh trại Sông Mao để được tái trang bị và bổ sung quân số, tái huấn luyện tại chỗ. Lúc này Trung Đoàn đảm đang rất nhiều công việc, ông bảo tôi sang làm Trưởng Ban 4 Trung Đoàn thay thế một vị đại úy Khóa 6 Thủ Đức có lệnh giải ngũ. Ông cũng giao cho tôi trách nhiệm lập kế hoạch và xin phương tiện, phối họp lo việc an ninh lộ trình để di chuyển toàn bộ hậu cứ từ Tháp Chàm về Sông Mao. Sau khi sắp xếp hậu cứ xong, tôi tiếp tục theo ông trong các cuộc hành quân.
***
Tháng 5-1968, Trung Đoàn được tăng phái Thiết Đoàn 8 Kỵ Binh do Trung tá Nguyễn Xuân Hường chỉ huy từ Ban Mê Thuột di chuyển xuống Sông Mao, tăng cường thêm một Đại Đội Công Binh của Quân Đoàn, thành lập Chiến Đoàn Đặc Nhiệm nhằm giải tỏa toàn bộ Mật Khu Lê Hồng Phong, phát quang cây cối và thiết lập những con đường ngang dọc nhằm chia cắt mật khu để dễ quan sát và kiểm soát. Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn Đặc Nhiệm đặt tại khu vực Long Hoa, trong một bunker lớn được Công Binh thiết lập.
Vào một ngày nghỉ quân để tu bổ các xe M-113, cơ giới Công Binh và nhận tái tiếp tế, tất cả sĩ quan cơ hữu và tăng phái có lệnh tập trung tại Trung Tâm Hành Quân (khá lớn) để chờ đón vị Tư Lệnh Sư Đoàn. Thói quen của ông Tư Lệnh, thường không cho biết trước chính xác thời điểm ông đến, đích thân ông hay sĩ quan tháp tùng chỉ gọi khi trực thăng sắp đáp. Hôm ấy không biết máy móc trục trặc điều gì mà ông gọi mấy lần vẫn không nghe âm thoại viên trả lời. Khi nghe tiếng trực thăng đảo mấy vòng. biết ông Tư Lệnh, nên Trung úy Đức tung trái khói màu đánh dấu bãi đáp và báo Trung Tá Khâm và Trung Tá Hường ra đón Tư Lệnh. Đại Tá Trương Quang Ân bước vào phòng họp với thái độ rất giận dữ, rảo mắt hỏi “ông nào là sĩ quan Truyền Tin?” Trung úy Nguyễn Văn Muôn đứng lên trình diện. Ông Tư Lệnh nghiêm nét mặt, ra lệnh một vị đại úy tháp tùng (Đại úy Dương Đức Sơ, Phụ Tá Phòng 1 Sư Đoàn) dùng trực thăng C&C của ông đưa Trung úy Muôn vào giam ở QCTP Phan Thiết. Không khí căn thẳng, nặng nề. Bất ngờ Trung Tá Khâm đưa tay về hướng Đại úy Sơ, nói lớn trong sự bực dọc:
-Anh không được đưa Trung úy Muôn của tôi đi đâu cả. Anh ta không có tội tình nặng nề gì đến phải bị giam như thế. Nếu có giam thì xin giam tôi đây, vì tôi là cấp chỉ huy ở đây, là người chịu trách nhiệm trước Đại Tá Tư Lệnh, chứ không phải là trung úy Muôn.
Rồi ông quay sang, đứng nghiêm nhìn thẳng vào Đại Tá Tư Lệnh:
– Xin lỗi Đại Tá, kể từ giờ phút này, tôi xin được từ chức Trung Đoàn Trưởng, xin Đại tá đề cử người thay thế.
Không khí nặng nề, ngột ngạt. Mọi người vẫn đứng im tại chỗ. Đại tá Tư Lênh quá bất ngờ, trố mắt, giận xanh mặt, không nói một lời nào, rời khỏi TTHQ lên trực thăng bay đi.
Dù không biết việc làm của ông Trung Đoàn Trưởng đúng hay sai ở mức độ nào, nhưng hầu hết sĩ quan có mặt hôm ấy đều lộ vẻ cảm kích và thán phục thái độ cương trực cùng với lòng yêu thương, chở che thuộc cấp của ông, đặc biệt trước một vị Tư Lệnh nổi tiếng nghiêm khắc như Đại tá Trương Quang Ân. (Có lẽ trong cuộc đời chỉ huy, ông chưa bao giờ nghĩ sẽ gặp phản ứng của một sĩ quan dưới quyền như thế.)
Hai tuần sau, Trung Tá Khâm có lệnh bàn giao Trung Đoàn cho Trung Tá Nguyễn Bá Thịnh, từ Trường Võ Bị Đà Lạt thuyên chuyển về. Hai người cũng đã từng quen biết, và gia đình Trung Tá Thịnh cũng sống ở Đà Lạt.
Trung Tá Khâm về BTL Sư Đoàn, tạm thời đảm nhận chức vụ Tham Mưu Trưởng, thay thế Trung tá Châu Văn Tiên theo học Khóa CHTM Cao Cấp. Sau đó vài tháng, ông xin thuyên chuyển về Quân Đoàn III, và làm Chỉ Huy Trưởng một TTHL của Quân Đoàn tại Long Hải – Phước Tuy, Vũng Tàu (không phải TTHL Vạn Kiếp).
***
Khoảng giữa năm 1971, trong một chuyến công tác tại quận Ninh Hòa, ông bất ngờ ghé thăm bà xã tôi, cho quà các cháu và cho biết là ông vửa được thuyên chuyển về Nha Trang, làm Tiểu khu Phó TK Khánh Hòa, Ông bảo nhắn cho tôi biết và khi nào có dịp về Nha Trang nhớ đến gặp ông. Mấy tháng sau, tôi về Nha Trang, ghé vào Tiểu Khu tìm ông. Ông mừng lắm, bảo tôi theo ông về Giảng Hotel (còn có tên Khách sạn Thanh Hà), một khách sạn lớn nằm cạnh bờ biển Nha Trang, đưa tôi lên căn phòng lớn ở tầng ba. Phòng có hai giường đôi và đầy đủ tiện nghi, có cả cái bếp nhỏ. Ông bảo mặc dù được ông Tỉnh trưởng Lý Bá Phẩm cấp cho một căn cư xá nhỏ nằm cạnh Tiểu Khu, nhưng ông xin nhường lại cho người khác, thuê dài hạn căn phòng trong khách sạn này sống cho thoải mái, hơn nữa thỉnh thoảng còn đón bà xã từ Đà Lạt xuống chơi. Ông cũng quen thân với Tướng Nguyễn Ngọc Oánh, CHT/ TTHL Không Quân , nên khi nào có đông đủ các con xuống thăm, ông được Tướng Oánh cho mượn Phòng Khách của Không Quân nằm trong Trại Long Vân, kế phi trường Nha Trang, rộng rãi và nhiều tiện nghi hơn để các cháu được thoải mái. Ông còn cho biết ông chủ Giảng Hotel vốn là bạn vong niên nên giá cả cũng rất phải chăng. Ông đi tìm đưa cho tôi mấy cái chìa khóa, bảo cứ giữ lấy, khi nào có dịp về Nha Trang cứ ghé lại đây ở chơi với ông. Tôi từ chối, bảo tình hình chiến trường Cao nguyên coi bộ bắt đầu sôi động, thế nào Trung Đoàn cũng phải di chuyển lên đó. tôi khó có dịp về lại đây.
Trong lúc dùng cơm trong restaurant ở tầng dưới khách sạn, ông tâm sự:
-Tình hình lúc này ngày càng bất lợi cho miền Nam, sau trận Hạ Lào Lam Sơn- 719, báo chí Mỹ đua nhau nói xấu miền Nam thậm tệ, có dấu hiệu Mỹ rút quân bỏ rơi VNCH. Đáng buồn là mấy ông lớn cứ vẫn chia phe kết nhóm, không tập trung sức lực để giữ nước, một số thì tham nhũng, trong lúc anh em binh sĩ ngày càng khổ cực, chết chóc nhiều hơn ngoài chiến trường. Moa nản quá, mấy lần xin được giải ngũ về Đà Lạt kinh doanh với bà xã mà không được. Đang tính xin chuyển về một nơi nào ở Đà Lạt thì Đại Tá Phẩm lại xin đích danh moa về đây. Anh Phẩm cũng từng là bạn thân lúc trước.
Khi chia tay, ông nắm vai tôi dặn dò:
-Chú mày ở sư đoàn lâu quá rồi, tình hình này sẽ không khá đâu, xin thuyên chuyển về đây ở với moa cho vui, có khó khăn gì cứ cho moa biết.
Tôi gật đầu hứa với ông, mặc dù trong lòng chưa hề tính tới điều này.
***
Mãi từ ngày ấy cho đến ngày 3.11.1973, tôi mới có cơ hội được gặp lại ông, khi từ Nha Trang ông lái xe chở theo anh Trần Hữu Dũng ra Ninh Hòa thăm vợ chồng tôi và rủ đi ăn trưa tại quán nem Thái Thị Trực. Khi chia tay, ông bảo tôi sáng ngày mai, Chủ Nhật, đưa vợ con vào Nha Trang ở chơi với ông vài hôm. Ông còn móc túi lấy xâu chìa khóa, tách ra một chìa đưa cho tôi, bảo là chìa khóa căn phòng của ông trên Giảng Hotel, khi nào đưa vợ con vào cứ việc tới đó mà ở. Ông sẽ ngủ đêm trong văn phòng, bởi những ngày trực hay cấm trại ông vẫn ngủ trong đó.
Tôi cầm lấy chìa khóa, nhưng hẹn là đến chiều thứ hai bọn tôi mới có thể vào Nha trang với ông được, vì sáng mai, Chủ Nhật, tôi đã có hẹn phải đưa mấy cháu về quê thăm thân phụ tôi. Lâu lắm rồi, tôi cũng chưa về phép thăm ông. Trước khi bước lên xe, ông và cả anh Dũng siết tay tôi thật chặt, nhắc cùng gặp lại vào chiều thứ hai.
Không ngờ đó lại là cái siết tay cuối cùng.
Chiều thư hai, vợ chồng tôi cùng mấy đứa con đến Nha Trang với lòng hăm hở. Vào Tiểu Khu, tìm đến văn phòng ông thì thấy đóng cửa. Tôi đến văn phòng Tham Mưu Trưởng, nằm bên cạnh, gặp trung Tá Ngô Quý Hùng, mà tôi đã có dịp nói chuyện với ông vai lần trước đó. Tôi tròn mắt thẫn thờ khi Trung tá Hùng cho biết là Trung Tá Võ Khâm bị mất tích tại Bu-Prang, Quảng Đức vào tối hôm qua. Tôi ngạc nhiên tột cùng. Nước mắt bỗng trào ra, chân như muốn khụy xuống. Tôi bảo với Trung Tá Hùng là tôi mới gặp ông ấy trưa hôm qua khi ông ra thăm vợ chồng tôi ở Ninh Hòa. Trung tá Hùng giải thích trong niềm xúc động:
-Quả thật là mỗi con người có cái số. Đúng ra là Trung Tá Khâm không có nhiệm vụ phải lên Quảng Đức, nhưng trước đây hơn một tuần, tình hình tại Quảng Đức bất ngờ sôi động, trong lúc các đơn vị chủ lực bị kẹt ở Kontum và Pleiku, nên Quân Đoàn mới lệnh cho Tiểu khu Khánh Hòa thành lập gấp một Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật, đem theo hai tiểu đoàn điạ phương quân và đại đội trinh sát của Tiểu Khu tăng cường cho Quảng Đức, hỗ trợ cho mặt trận Đức Lập. Lên trên đó được năm ngày, thì Tướng Toàn đến thị sát, khiển trách Trung tá Ph., Chỉ huy trưởng BCH/ Chiến Thuật, chê ông này không có khả năng và kinh nghiệm tác chiến, vì mấy năm chỉ ngồi ở các Ùy Ban Liên Hiệp Quân Sự Bốn Bên. Tướng Toàn nêu đích danh Trung Tá Võ Khâm, khi gọi điện thoại chỉ thị Đại tá Phẩm đưa ông lên thay thế gấp. Sáng sớm Chủ Nhật, hôm qua, Trung Tá Võ Khâm bay lên Quảng Đức bằng trực thăng, chưa kịp chỉnh đốn xong hệ thống phòng thủ, thì ngay buổi tối, cả một trung đoàn CS có cả chiến xa T-54 tấn công tràn ngập ngọn đồi tại Bu-Prang nơi BCH Chiến Thuật trú đóng, sau khi bắn hàng ngàn quả pháo đủ loại vào căn cứ. Sau gần nửa tiếng đồng hồ cầm cự, vì quân trú phòng quá ít, lực lượng tiếp viện không thể đến kịp, hầu hết sĩ quan đều bị chết hay bị bắt, trong số đó có Trung Tá Võ Khâm, Trung Tá Huỳnh Trung Quận, Đại Úy Trần hữu Dũng… (Trung Tá Huỳnh Trung Quân nguyên là CHT/ Trung Tâm YTTV/ TK Kontum và Đại úy Trần Hữu Dũng nguyên là Phụ Tá Phòng 1/ SĐ 23BB, cả hai vừa mới thuyên chuyển về TK/ Khánh Hòa và tháp tùng Trung Tá Khâm lên Quảng Đức).
Trung Tá Hùng biết tôi là em út và rất thân quen với Trung Tá Khâm nên cho biết bà Võ Khâm đã được báo tin và đang trên đường từ Đà Lạt xuống đây, ông có hẹn sẽ đón bà, bảo tôi ngồi chờ. Gặp lại bà trong tình huống này, tôi chỉ biết cúi đầu chào rồi ngậm ngùi ngồi nghe bà nói chuyện với Trung Tá Hùng. Sau khi nghe tường trình sự việc, bà khóc ngất, gục xuống bàn. Trung Tá Hùng mời bà và tôi cùng đi dùng cơm tối, nhưng tôi chối từ, vì trong lòng đang có quá nhiều cảm xúc. Nhớ tới cái chìa khóa phòng mà Trung Tá Khâm đã ưu ái đưa cho tôi hôm thứ bảy tại Ninh Hòa, tôi lấy ra và đưa lại cho bà. Bà bảo sẽ ở lại Nha trang vài hôm để chờ theo dõi tin tức của ông. Tuy nhiên, Trung Tá Hùng nói nhỏ cho tôi biết, theo lời kể của một số binh sĩ thoát ra được, Trung Tá Khâm đã chết ngay từ những cơn mưa pháo, trước khi chiến xa tấn công tràn ngập căn cứ.
Tôi rất đau buồn vì đã vĩnh viễn mất đi một vị đàn anh khả kính, một cấp chỉ huy cương trực, luôn sống hết mình với thuộc cấp. Riêng với tôi, ông xem như một người em. Có với tôi rất nhiều kỷ niệm. Tôi không bao giờ quên ông, quên những ngày làm việc dưới quyền, bên cạnh ông, cùng hình ảnh hiền lành và cử chỉ thân tình ông đã đối với vợ chồng tôi, đặc biệt trong lần cuối cùng tại quán nem Ninh Hòa, chỉ trước một ngày ông hy sinh.
Sau 1975, trong những ngày tù tội khốn cùng tại các trại tù tận vùng Việt Bắc, tôi bất ngờ gặp lại anh Huỳnh Trung Quận tại Trại 6 Nghĩa Lộ. (Anh bị bắt trong trận Bu-Prang cùng một số sĩ quan khác.) Tôi còn nhớ mang máng lời kể của anh về trận đánh tại căn cứ Bu-Prang ngày ấy. Khi căn hầm BCH bị ngập khói cay và bị sập một phần do pháo CS bắn vào, Trung Tá Võ Khâm đã chạy ra, chui vào gầm chiếc xe truyền tin phía trước, và ngay sau đó chiếc xe này bị pháo thiêu hủy, anh nghĩ rằng ông không kịp thoát ra và tử thương ngay tại đó. Có thể bọn chúng đã đào hố chôn các tử thi ở một chỗ nào đó, cũng có thể xác Trung Tá Khâm đã bị thiêu hủy. Chúng tôi đều nhắc tới ông với lòng tiếc thương, xúc động, nhưng rồi thầm nghĩ, có thể việc hy sinh bất ngờ của ông, dù có làm đau lòng cho gia đình, con cháu, nhưng biêt đâu lại có ý nghĩa, vinh quang cao cả hơn là nếu ông vẫn còn sống để phải nhận nỗi khốn khổ nhục nhằn như chúng tôi cùng những bạn bè của ông hôm nay?
Sau khi ở tù ra, tôi bất ngờ gặp lại người bạn học cũ ở Nha Trang, anh Trương Tiến Ích, nguyên là trung úy Trợ Y của BCH / Chiến Thuật Khánh Hòa, dưới quyền của Trung Tá Khâm, khi tham dự trận đánh Bu-Prang năm ấy. Ích bị bắt. Một ngày sau, khi bị trói tay dẫn đi cùng một số tù binh khác trên một triền núi thì bị phi cơ thả bom. Lợi dụng lúc bọn VC náo loạn, tìm chỗ ẩn nấp, Ích lăn xuống núi chui trốn trong một hang đá, cà giây trói vào cạnh đá cho đứt để tháo ra, rồi đến tối, nhìn sao Bắc Đẩu tìm hướng đi, mãi hơn năm ngày sau mới về đến được Đức Lập. Anh kể lại trận đánh và trường hợp Trung Tá Khâm tử trận cũng trùng hợp như lời của anh Huỳnh Trung Quận trong trại tù số 6.
***
Mới đây, bất ngờ có dịp liên lạc với các cháu, con của Trung Tá Khâm, tôi rất cảm động khi biết là phu nhân của ông cũng đã qua đời từ lâu, và sau 1975 bà cùng các cháu đã từng trải qua một thời lầm than cơ cực, Bây giờ mấy cháu lớn vẫn sống ở Đà Lạt, cháu trai út, sinh ra sau khi bố không còn, nên được bà cô mang về quê nội chăm sóc từ nhỏ, lớn lên trong ngôi nhà từ đường ở Quảng Ngãi, sau này khi lập gia đình thì chuyển về sống ở Phan Rang để gần các anh chị, còn hai cháu khác đang ở Mỹ. Dù qua nhiều thăng trầm, nhưng cuộc sống của tất cả các cháu đều được hoàn mỹ, các cháu nhỏ nội ngoại thì đều học hành thành đạt. Tôi mừng thầm và nghĩ phần lớn có lẽ nhờ vào đức độ của Ông Bà. Trông tấm ảnh các cháu gởi cho, tôi thấy phảng phất hình ảnh của Ông Bà ngày trước, cháu nào cũng khôi ngô, xinh đẹp, và có đậm nét nhân hậu, dễ thương.
Chính các cháu đã gợi lại ký ức giúp tôi ngồi viết lại những dòng này, dù rất muộn màng nhưng với đầy cảm xúc. Và qua tâm tình, các cháu cho biết, khi còn bé thì bố đã mất và mẹ cũng qua đời sớm, nên các cháu hoàn toàn không biết gì về bố mình ngày xưa, đặc biệt là đời quân ngũ cũng như cả cái chết của ông. Đó là lý do để tôi ngồi viết tỉ mỉ bài viết khá dông dài này.
Xin nguyện cầu, ở một cõi xa xăm nào đó, Ông Bà vẫn mãi nắm tay bên nhau trong niềm hạnh phúc vĩnh hằng. Nơi đó sẽ không còn chiến tranh, thù hận và chia ly, đau khổ. Cầu mong các con cháu của ông – một cấp chỉ huy đã hết lòng yêu thương đồng đội, một chiến sĩ đã chiến đấu và hy sinh trong nghiệt ngã, vùi thây tại chiến trường – được ơn trên ban cho nhiều ơn phước.
Cầu nguyện linh hồn Ông luôn sống mãi cùng hồn thiêng sông núi.
Phạm Tín An Ninh
(tháng 10. 2021)
Bài viết trung thực, không dùng lời dối trá, tô điểm hay khoa trương về lợi ích chính trị. Sự thật không bị bóp méo. Bài viết thật tuyệt vời về ý nghĩa và bản chất của người lính VNCH. Kính chúc tác giả Phạm Tín An Ninh nhiều sức khỏe và vạn sự bình an. God bless you all the ways
Cháu cám ơn Bác rất rất nhiều!
Dạ xin hỏi có lẽ anh (chị) là con của Trung tá Võ Khâm?
Một cấp chỉ huy tư cách, trí thức, dám từ bỏ các chức tước, lợi danh để bảo vệ danh dự và trách nhiêm, Bản lĩnh, cương trực trước thượng cấp để bênh vực che chở cho thuộc cấp. Cuối cùng đã hy sinh trong đau đớn, vợ con không có được nầm mồ. Không còn sự hy sinh nào cao cả hơn!
Xin được nghiêng mình ngưỡng mộ ông và càu chúc cho gia đình con cháu ông được hưởng phú đức của ông cũng như được chở che bởi hồn thiêng sông núi.
Cám ơn tác giả đã viết một thiên hồi ky rât trung thực và cảm động.
Thanks Anh. Năm 1971/tháng 5 tôi có ghé thăm Bộ Chỉ Huy Trung đoàn 44 BB đóng tại Sông Mao,lúc ấy do Một sỉ quan tốt nghiệp khoá 17 VB Đà Lạt là Trung Đoàn trưởng (tôi quên mất tên và cấp bậc).Sau đó Trung Đoàn chuyển lên Kontum. Tôi rất kính phục các sĩ quan và binh sĩ của Trung Đoàn.
Cám ơn bài viết của Anh.
Cám ơn anh Sương – Có lẽ anh muốn nhắc tới Trung Tá Ngô Văn Xuân, Khóa 17 VBQGVN? Nhưng vào tháng 5/1971, anh ấy đang còn là Trung Đoàn Phó, đến tháng 8/1972 anh ấy mới lên làm Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 44BB.
Kính chúc anh cùng gia đình luôn được an khang!
Xin được nghiêng mình trước vong linh của Cố Đại Tá Võ Khâm, và xin chia buồn cùng gia đình, các anh chị con cháu của Ông
Tác giả viết rất chính xác về Trung Tá Võ Khâm. Cá nhân tôi từng làm việc với ông một thời gian ở Bộ Tư Lệnh SĐ23BB, Ông là một người bộc trực, thẳng thắn, trong sạch và luôn bênh vực thuộc cấp. Có lẽ vì vậy mà ông khó thăng tiến. Cùng thời Tr. Tá Võ Khâm làm Trung đoàn trưởng Tr. Đoàn 44, thì Tr. Tá Võ Văn Cảnh làm Trung đoàn trường Tr.Đoàn 45 trong cùng Sư Đòan , nhưng đến 1974 ông Cảnh đã mang cấp Thiếu tướng,
Xin đốt một nén hương muộn để tưởng nhớ Ông.
Nguời CS đã gây nên một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, cuối cùng cũng chỉ để lại những mất mát khổ đau cho rất nhiều gia đình của cả hai miền Nam- Bắc, tổn hại biết bao nhân tài và tài nguyên của đất nước. Nếu thật sự có tình yêu thương dân tộc và xây dựng quốc gia, sao không làm như Đông Đức và Tây Đức, đập bỏ bức tường Bá Linh ô nhục để có một nước Đức giàu mạnh như hôm nay. Không có một người Đức nào đã phải chết trong suốt thời kỳ phân chia Đông-Tây. Cái chủ nghĩa mà người CSVN tôn thờ đó, đã bị cáo chung từ lâu rồi, chỉ còn Tàu vẫn cố ôm lấy với cái mộng làm bá chủ toàn cầu. Nhưng nhất định sẽ thất bại, vì đó là một chế độ phi nhân, đi ngược lại quy trình tiến hóa của nhân loại. Thật đáng buồn cho dân tộc Việt Nam khi những kẻ cầm quyền cứ vẫn bám lấy, để rồi chỉ quẩn quanh không tìm ra lối thoát!
Cái chết đau đớn của Đại Tá Võ Khâm cũng như rất nhiều cái chết của những chiến sĩ hai miền, mãi mãi sẽ được ghi trong lịch sử dân tộc như là một chứng tích sai lầm, tàn ác của chế độ CS và những người tôn thờ nó!
Xin cầu nguyện cho vong linh họ được siêu thoát và thành kính chia buồn cùng gia quyến
Anh PTAN ơi,
Bài anh viết hay quá. Tôi không dám đọc mau, sợ hết. Và đọc đi đọc lại hai ba lần, sống lại từng giai đoạn truân chuyên với anh, với anh hùng Đại Tá Võ Khâm. Cám ơn anh đã viết lại một bài viết quá hay, hy vọng con cái của Đại Tá Khâm sẽ hãnh diện khi đọc bài viết về sự oai dũng của cha mình ngày xưa.
Không hiểu nhờ bí quyết nào mà anh nhớ rõ từng ngày tháng, tên tuổi của những nhân vật trong bài. Tôi phải học anh chuyện này.
Một lần nữa, cám ơn anh PTAN.
Trường Sơn Lê Xuân Nhị
Năm 1970 anh Nguyễn văn Muôn về làm trưởng ban truyên-tin Truong-đoàn 53 BB tại Di-linh, lúc đó tôi làm ĐĐT 53/TS, anh có kể chuyện anh chuẩn-bị vào đồn QC và hành-động đáng kính của Trung-tá Võ Khâm. Trái lệnh thượng-cấp là sai. nhưng hành-động của Trung-tá Võ Khâm lúc ấy là hành-động dũng-cảm của một cấp lãnh-đạo và chỉ-huy của một võ tướng.
Sáng hôm sau Buprang thất-thủ, tiểu-đoàn 2 của anh Lai và tiểu-đoàn 3 của tôi được trưc-thăng vận vào tái chiếm. Tuần sau thì huỷ lệnh tái chiếm, tôi và anh Lai lui quân về Quảng-đức. Riêng tiểu-đoàn tôi được tăng-phái cho tiểu-khu Quảng-đức hơn 6 tháng. Năm 1973 trên đường từ Kontum về phép, ngang Ninh-hoà tôi vào nhà anh Muôn tâm-sự tới 11 giờ đêm mới lái xe về Phan-rang.
Tôi ở Trung-đoàn 53 từ tết Mậu Thân đến ngày bị bắt 11/3/75. Có một điều rất lạ là tất-cả những sỉ-quan trong sư-đoàn và các trung-đoàn anh gặp và quen thân thì tôi cũng quen thân, nhưng tôi lại chưa một lần gặp anh.
Bây giờ hưu hạ, tôi có thì-giờ đọc tất-cả chuyện của anh, không phải một lần mà nhiều lần. Tôi chuyển bài của anh đến những người bạn trong và ngoài nước. Những người mọt sách của thế-hệ mình đều kính-phục văn tài và nhân-cách của anh trong từng câu chuyện. Một bạn ở Úc Châu nói thay cho chúng tôi khi giới-thiệu anh trong lần phát-hành sách của anh để tăng cho thương-phế-binh của mình còn ở Việt-nam. Kính chúc anh chị và gia-đình bình-an và đầy phước-hạnh.
Bài viết hay đến độ không thể dừng nửa chừng mà phải đọc đến dòng cuối cùng. Kính trọng nhân cách cao quý và sự chính trực của Trung tá Võ Khâm.
Trận đánh căn cứ Yếu khu Bù Bông (Bu Prang, Bạch Phong) tới nay 04/11/2024 tròn 51 năm. Tôi xin được bổ sung bài viết chút chi tiết:
1. Hình minh hoạ căn cứ Bu Prang trong bài là căn cứ Cam Bu Prang cũ sát biên giới có dạng tam giác. Yếu khu Bù Bông trong trận ngày 04/11/1973 ở gần bon Bu Boong (Đắk Buk So, Tuy Đức, Đắk Nông ngày nay). Căn cứ hình vuông.
2. Lực lượng đánh trận bên kia có 2 đơn vị tham chiến: 2 tiểu đoàn đặc công d13 và d14 của trung đoàn 429, 1 tiểu đoàn (thiếu) bộ binh của trung đoàn bộ binh 205. Do địa hình và thời tiết sương mù nên đặc công đột nhập thành công5/7 mũi. Đặc công đánh bộc phá, thủ pháo bịt các cửa hầm, công sự. Bên VNCH vẫn cho là bị pháo kích nên bị bất ngờ khi bộ binh e205 xuất hiện, áp sát làm chủ chiến trường.
Không có bất cứ trái pháo nào, vết xe tăng nào của bên kia trong trận đánh này
3. Trên căn cứ khói lửa mù mịt, kho đạn nổ. Nhiều binh sĩ, sĩ quan VNCH đào thoát ra khỏi hàng rào kẽm gai ra ngoài. Thậm chí hôm sau họ vẫn có thể từ hầm ngầm, hầm nửa nổi nửa chìm chạy khỏi căn cứ. Bởi cả căn cứ bên kia chỉ để lại 1 tiểu đội bộ binh giữ chốt. Sự thật ko một ai bên kia dám xuống hầm. Đã có người xuống và ăn đạn của quân VNCH.
4. Anh Võ Khâm(R.I.P anh) cùng người liên lạc thoát ra ngoài cách căn cứ chừng 4km về phía Kiến Đức nhưng không đi ngay theo lộ 14 cũ về Kiến Đức mà ẩn ở bìa rừng. Tôi cho rằng anh ấy ko có thông tin chiến sự đang diễn ra. Khi đó từ Bù Bông về Kiến Đức ko có lực lượng bên kia. Từ Bù Bông về Ngã ba Tuy Đức thì rất nhiều. Anh Võ Khâm mất vì bị anh trung đội trưởng trinh sát k21 e205 đi trinh sát bắt gặp và nổ súng.
5. Ngày 04/12/1973 bên kia tấn công Chi khu Kiến Đức. Con lộ từ Bù Bông đi Kiến Đức do bên kia kiểm soát. Bên kia bổ sung 2 tiểu đoàn tân binh từ Bắc vô. Đoàn đi B phiên hiệu 2004 và 2033. Tân binh đi trên lộ. Họ được nghe và nhìn nơi anh Võ Khâm nằm xuống.
Tôi ở bên kia chỉ vì sinh ra ở miền Bắc. Tôi là lính bộ binh e205 trược tiếp tham gia đánh trận này. Tôi là người may mắn được sống đến ngày nay và đọc bài anh Phạm Tín An Ninh viết về trận mình có tham gia.
Tôi được biết 11 người con của anh Võ Khâm sau 30/4/1975 ra sao. Chúng muốn biết ba mình nằm xuống như tế nào? Ở đâu? Tôi viết dài vì vậy.
Xin cám ơn chú Mai Chấn Hòa đã cho biết thêm nhiều dữ kiện chính xác về trận chiến Pu Brang mà Chú đã từng tham dự, và về cái chết của Trung Tá Võ Khâm. Đặc biệt rất cảm kích khi biết Chú đã tìm mọi cách liên lạc với các cháu (con của Cố Đại Tá Võ Khâm) để nói rõ về cái chết của Ông và hướng dẫn các cháu về vị trí chính xác mà thân phụ các cháu đã nằm xuống.
Trận chiến ấy đã hơn 50 năm, nhưng nghĩa cữ của một người từng đứng ở phía bên kia như Chú, rất đáng được trân trọng!
JACQUELINE DA LAT