Người cựu tù Phạm Tín An Ninh ra mắt sách: Ở Cuối Hai Con Ðường

Nguyên Huy/Người Việt

Ở cuối hai con đường, dù là những đoạn đường gian lao, khổ ải nhưng vẫn là nơi gặp được tình người để từ đó người ta có thể yêu thương nhau mà cùng chung xây dựng hạnh phúc. Ðó là suy nghĩ và mong mỏi của người cựu tù Phạm Tín An Ninh khi ông viết tập truyện ngắn đầu tay “Ở Cuối Hai Con Ðường”.Tập truyện ngắn này vừa được tác giả và gia đình từ Vương Quốc Na Uy tới cho ra mắt tại phòng sinh hoạt của nhật báo Viễn Ðông vào chiều hôm Thứ Bảy 26 tháng 7 vừa qua.

Khoảng ba trăm đồng hương trong đó nhiều người từng là độc giả của ông đã đến tham gia buổi ra mắt sách này khiến phòng sinh hoạt không còn một chỗ trống. Nhiều người đã phải đứng trong suốt buổi, kể cả phía ngoài hội trường.

Lý do khiến cuộc ra mắt sách này được đông đồng hương đến theo một số người tham dự cho biết thì “cuốn sách này tác giả đã thể hiện được cái tình người đối với nhau dù trong những hoàn cảnh khó khăn khắc nghiệt mà chế độ Cộng Sản đã áp đặt lên người dân Việt. Một lý do khác cũng khiến đồng hương đến đông là vì tác giả đã xin được cống hiến toàn số tiền bán sách cho Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ VNCH”.

Ba giáo sư uy tín trong cộng đồng người Việt hải ngoại là cựu Thứ Trưởng Giáo Dục VNCH Nguyễn Thanh Liêm, Tiến Sĩ Trần Huy Bích và Giáo Sư Lưu Trung Khảo đã nhận đến giới thiệu phân tích, đóng góp ý kiến về cuốn sách này.

Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm xin “chỉ đề cập đến vài khía cạnh về nghệ thuật viết của một nhà văn mới”. Giáo sư Liêm rất đồng ý với nhiều độc giả đã viết trên các mạng thông tin rằng “sự sáng tạo của Pham Tín An Ninh thật đầy nhân bản tính”. Theo Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm thì Phạm Tín An Ninh đã là một tiểu thuyết gia thành công vì ông đã phản ảnh được những sự kiện hiện đại trong một giai đoạn lịch sử quá đau thương của dân tộc. Hầu hết các truyện của tác giả viết đều là những chuyện thật mà ông được chứng kiến, phải trải qua. Truyện của ông khá là ly kỳ và hấp dẫn chứng tỏ ông là người đã sống nhiều cộng với óc tưởng tượng phong phú nên đã đạt được nghệ thuật lôi cuốn hấp dẫn người đọc. Ở trong hầu hết những truyện ngắn của ông, vẫn theo Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, truyện nào tác giả cũng nuôi dưỡng được cái tinh thần nhân bản nên có thể kết luận rằng “ở cuối hai con đường người ta có thể gặp nhau để cùng nhau xây dựng”.

Với Giáo Sư Lưu Trung Khảo thì giáo sư đã chọn hai truyện “Thằng Bé Ðánh Giày Người Nghĩa Lộ” và truyện “Người Bán Sách Trên Bãi Biển Nha Trang” để phân tích nghệ thuật dàn trải cái tinh thần nhân bản, bác ái của tác giả. Nghệ thuật ấy ở chỗ nhân vật phản diện trong các truyện rất hiếm mà truyện nào thì cũng bàng bạc sự nhân ái của những nhân vật hiện ra trong truyện. Ðiều kỳ thú là ai đọc cũng có thể tìm thấy phần nào mình trong đó. Theo Giáo Sư Lưu Trung Khảo thì tác giả không chỉ là người nhân ái mà còn là người hết sức nhạy cảm. Tác giả viết ra “để giải tỏa những băn khoăn trăn trở của mình, để trao gởi một thông điệp cho các thế hệ sau rằng chỉ có cái tình con người mới là cái tồn tại trong cuộc sống này”.

Ðến Giáo Sư Trần Huy Bích, một nhà mô phạm nổi tiếng về công việc nghiên cứu văn học của mình đã đưa ra ba nhận xét qua tác phẩm này, một là tác giả là một con người nhân hậu, tình nghĩa, hai là tác giả có tinh thần lo cho người khác trước khi lo cho bản thân và ba là sự bao dung, tinh thần lạc quan không thù hận nên cả cuốn sách tác giả đã không tả ra những cái ác dù cái ác nó cứ ẩn tàng suốt trong các truyện.

Sau chót, tác giả Phạm Tín An Ninh đã lên xin cảm ơn đồng hương độc giả và nhất là những cá nhân, cơ quan tổ chức đã hỗ trợ tác giả trong cuộc ra mắt sách này như Nghị Viên Dina Nguyễn, như nhật báo Viễn Ðông, đài phát thanh Little Saigon Radio, thân hữu và đồng ngũ… Trong lời phát biểu này, tác giả Phạm Tín An Ninh cũng đã bầy tỏ cái nguyện vọng của mình là được góp một phần nhỏ trong việc xoa dịu nỗi đau của anh em thương phế binh từng một thời là đồng ngũ chiến đấu. Ðồng thời cũng là để bầy tỏ một tâm nguyện. Ông nói: “Tôi viết là để vinh danh những người đàn bà, những người vợ lính, những thương phế binh để cho con cháu biết đến cái lý do sự có mặt của mình tại những miền đất không phải là quê hương của mình. Tôi viết cũng là trách nhiệm của mình với quê hương, với dân tộc. Tôi không có ý định làm nhà văn, tôi không làm văn mà cuốn sách này chỉ là một nhật ký của một người lính ghi lại quá khứ chập chùng oan khiên. Tất cả những chuyện tôi kể lại đây đều là từ sự thật, dù có chút hư cấu. Ðiều tâm nguyện nữa của tôi là mong anh em đồng đội chúng ta biết yêu thương nhau mà đừng chia rẽ nữa. Chúng ta đã mất hết tất cả chỉ còn lại chút tình người, xin hãy gìn giữ lấy…”.

Nói đoạn tác giả đã chuyển tất cả số tiền bán sách trong dịp này được hơn 7 ngàn Mỹ kim cho bà Hạnh Nhơn, chủ tịch Hội H.O. cứu trợ TPB & Quả Phụ VNCH.

Tập truyện “Ở Cuối Hai Con Ðường” của Phạm Tín An Ninh gồm 19 truyện ngắn đều phát xuất ra từ một sự thật diễn ra hầu như quá quen thuộc với những con người Việt Nam trong giai đoạn lịch sử đau thương từ ngày Cộng Sản cưỡng chiếm được thêm miền Nam Việt Nam. Những sự thực éo le, ngang trái, oan khiên… ấy của người dân Việt đã hầu như quá quen thuộc đến độ người ta đã không còn chú ý tới coi như lịm chết trong nỗi đau chung, nhưng hễ có ai động đến, nhắc nhở là chúng ta lại cùng nhau khó mà nguôi ngoai khắc khoải, hận thù. Nhưng với Phạm Tín An Ninh, ông đã nhắc đến không một hận thù nào mà chỉ đan xen chằng chịt tình người vào những sự thật oan khiên trùng điệp cho con người Việt Nam từ khi nước Việt Nam có “Bác Hồ, có Ðảng”để thức tỉnh mọi người nhất là với những lớp trẻ còn quá thơ ngây trong trắng.

(NH)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *