Giao Chỉ – Vũ Văn Lộc (San Jose)
Trong đời sống của chúng ta, tìm được văn chương tử tế có lẽ cũng khá vất vả. Nếu không đánh phá, tấn công, đấu tranh mãnh liệt thì cũng nói nặng nói nhẹ, tiếng bấc tiếng chì. Và lịch sự lắm thì cũng ca cẩm phàn nàn. Đôi khi tác giả viết văn chỉ tử tế với mình còn xem ra thiên hạ chẳng có ai tử tế. Văn chương của Phạm Tín An Ninh không đi vào những con đường gai góc đó. Chuyện của ông toàn là chuyện tử tế và may mắn. Thậm chí khi đi tù cải tạo thì gặp cả quản giáo cũng tử tế. Tác giả kể chuyện đi lính, hành quân, trận mạc dù ác liệt đến đâu cũng dữ dội vừa phải. Từ quê hương miền duyên hải ông An Ninh lấy vợ Ninh Hòa, mối tình rất êm đẹp ôn hòa, không trắc trở, không ngang trái. Cuộc đời cứ phẳng lặng như bãi cát trắng miền Thùy Dương. Chinh chiến, tù đày, vượt biên, tàu cứu, định cư cho đến lúc về già tất cả cuộc đời dàn trãi trên nhiều bài tạp bút với bao nhiêu tao ngộ tình cờ. Tất cả đều toát ra văn phong của một ngòi bút tử tế và hết sức lạc quan. Thậm chí cho đến những chuyện tang tóc chung sự, những cái chết cũng chung hậu ngọt ngào. Chuyện của ông là chuyện đời thường nhưng sao tràn ngập những tình cờ hạnh ngộ. Nhiều đến nỗi dù có thật hay tưởng như thật mà độc giả cũng vẫn có thể đặt dấu hỏi. Trên đời này quả thật có nhiều sự ngẫu nhiên huyền diệu như thế chăng.
Với lối văn kể chuyện, có đầu có đuôi, bình dị và lôi cuốn, phần lớn tác giả đã thuyết phục được độc giả đây là câu chuyện thật mắt thấy tai nghe đấy nhé.
Dù có một số độc giả khó tính vẫn thắc mắc nhưng có thể sẽ suy nghĩ khác, 90% là sự thật, còn lại 10% tác giả đóng vai thượng đế sắp xếp cho câu chuyện trở thành Đêm Màu Hồng. Khi câu chuyện sự thật đã xảy ra đẹp đẽ, ta có thể để nguyên văn. Nhưng nếu đoạn kết không được toàn bích, là tác giả, ta có toàn quyền sửa lại một chút. Chàng gặp lại nàng, ở hiền gặp lành, hiểu lầm giải tỏa và ngay cả người ra đi cũng yên giấc nghìn thu hay ngậm cười nơi chín suối. Vì vậy mới gọi là văn chương tử tế. Cuộc đời vốn đã lắm nỗi đau thương, hành hạ nhau làm gì bằng những thứ văn chương độc ác.
Khoảng 5 năm về trước, những truyện ngắn của tác giả Phạm Tín An Ninh từ Na Uy lần lượt phóng lên thế giới ảo và mau chóng được các độc giả chuyển đến cho nhau với lời giới thiệu rất nồng hậu. Xem ra ai cũng cảm thấy đây là câu chuyện của chính mình hay là chuyện của người hàng xóm. Gần gũi thân cận nhưng không kém phần nhiêu khê rắc rối. Có những chuyện tình éo le, như thoại kịch Kim Cương trên sân khấu Sài Gòn thủa trước. Có những chuyện như tâm sự của người chiến binh, người tù cải tạo và thuyền nhân lênh đênh trên bể khổ. Và cũng có nhiều chuyện tình rất đôn hậu. Truyện kể như thật mà cũng có truyện như giấc mơ. Thế giới ảo đã đón chào Phạm Tín An Ninh rất nhiệt tình. Đồng thời cũng có phần cảm thông với tác giả đang cô đơn ở xứ Na Uy trên miền Bắc Âu lạnh lẽo.
Thật ra, cuộc đời tác giả cũng không thực sự cô đơn. Sau bao nhiêu gian truân của kiếp người, tác giả tên họ thật là Phạm Tín An Ninh của xứ Vạn Giã, Nha Trang bây giờ đang có cuộc sống rất ổn định, ấm cúng và an toàn. Lập nghiệp cùng vợ con tại Na Uy, nhưng con cái lại định cư tại Cali và Pháp quốc. Mùa lạnh ông bà qua Cali tìm nắng ấm. Khi tối trời thì đến thăm Kinh Thành Ánh Sáng ở Paris.
Vì viết văn tử tế nên ông là người tử tế, đi đến đâu cũng có bạn bè, nào là bạn học suốt dọc miền duyên hải quân khu 2, bạn lính trên cao nguyên, bạn tù ở miền Bắc và bạn vượt biên ở bốn phương trời. Bây giờ trong số các nhà văn viết muộn mà nổi tiếng sớm ta có Phạm Tín An Ninh. Nếu không tính đến cuốn sách chúng tôi giới thiệu vừa mới in xong tại San Jose thì ông lại là một nhà văn chưa có tác phẩm. Có phải không? Vì vậy tác giả thật sự có vẻ ngại ngùng khi được gọi là nhà văn.
Bây giờ lại được gọi là Người Viết Văn Tử Tế thì e rằng ông Phạm Tín An Ninh hết sức quản ngại. Vì vậy nên chúng tôi không đi xa vào tác phẩm. Xin để quí vị độc giả tự khám phá xem “Văn Chương Tử Tế” như thế nào? Dù sao, chắc chắn với tác phẩm đầu tay như thế này, tác giả sẽ là người may mắn. Đi đến đâu cũng sẽ gặp toàn bạn bè và độc giả tử tế.
Tác giả và độc giả chúng ta ai cũng đã trải qua thời kỳ học trò, rồi khoác áo chiến binh, tù đày, thuyền nhân, tị nạn và lưu vong. Tử tế được với nhau được lúc nào hay lúc đó. Sau cùng rồi ai cũng “Ở cuối hai con đường”. Đó là tên của tác phẩm, do tác giả tự xuất bản và in tại San Jose.
GIAO CHỈ – VŨ VĂN LỘC (San Jose)