Lá thư Na-Uy – Tôi dự buổi ra mắt tập truyện “Ở cuối hai con đường”

Hoài Mỹ/ Nhật Báo Viễn Đônư

Tôi dự buổi ra mắt tập truyện “Ở cuối hai con đường”

Phạm Tín An Ninh định cư ở thủ đô Oslo, tôi ở cố đô Bergen, cách xa nhau 500 cây số, 50 phút “bay” hay 6-7 tiếng lái xe qua các con đường đồi núi ngoằn ngoèo. Khoảng giữa tháng 6, chúng tôi đã điện đàm với nhau, hẹn kỳ này qua Mỹ nhất định sẽ “cùng ngồi uống café ở Bolsa để lai rai chuyện đời”. Nhưng rồi “mộng không thành” – dù “mộng” này “bình thường”. Phạm Tín An Ninh thì bận bịu tíu tít với chương trình ra mắt sách. Trong khi đó tôi đi “giang hồ vặt”, khi ở San Jose, lúc sang tận Mễ vi vút. Thú thật tôi cũng rất áy náy khi đáng lý phải tiếp tay bạn bè, hỗ trợ “đồng hương” trong dịp trọng đại này trên “đất khách quê người”. Vậy mà tôi chỉ… ham vui. Đáng trách! Đáng trách!

Tuy nhiên chiều thứ bảy, 26.07.2008, khi tới phòng sinh hoạt của nhật báo Viễn Đông (nơi đây cách nay 2 năm tôi cũng đã “ra mắt” tuyển tập Thiếu Phụ Điên. Na Uy “có duyên” với Viễn Đông thế đấy!) để dự buổi ra mắt tập truyện Ở Cuối Hai Con Đường, tôi nhận thấy Phạm Tín An Ninh được nhiều người giúp đỡ quá, nào những bạn lính, bạn tù, nào các đồng môn Ninh Hòa, đồng hương Nha Trang… Ai cũng nhiệt tình và “rành nghề”. Cảm động hết sức! Tôi nghĩ (để “chạy tội”) nếu mình có lăng xăng xía vào, chắc chỉ làm vướng chân, vuớng cẳng thiên hạ, hẳn sẽ bị mời “đi chỗ khác chơi”. Lương tâm tôi lúc đó mới ngưng… rúc rỉa!

Thưa quí độc giả, nói chẳng phải để khoe, Na Uy tuy xa xôi, đồng bào mình tị nạn cộng sản tương đối ít (gần 18.000 người) nhưng số “cây viết” đã có tác phẩm xuất bản kể ra cũng… không đến nỗi tệ, như bà Nguyễn Thị Vinh và phu quân Nguyễn Hữu Nhật, các anh Dương Kiền, Tâm Thanh, Nguyễn Văn Thà và kẻ hèn này. Nay thêm Phạm Tín An Ninh. Tuy “sinh sau đẻ muộn”, nhưng nếu so sánh về mặt thành công, sự nổi tiếng rộng lớn và nhanh chóng, và về nhiều phương diện khác – kể cà về lòng bác ái, Phạm Tín An Ninh quả thật đã đi “đôi hia bẩy dậm”. Anh “ra quân” lần đầu là “đại thắng” ngay. Anh “tung chưởng” cú thứ nhất, đã chiếm cứ đỉnh cao văn nghiệp liền!

Những lần tôi qua Mỹ du lịch trước đây, khi biết tôi ở Na Uy, nhiều người ưa hỏi tôi câu này: “Phạm Tín An Ninh… thế nào?”- Tôi hiểu người ta vì “khoái”, vì “chịu” tác phẩm nên cũng muốn biết luôn con người thực tế của tác giả. Trong đầu óc họ, tôi đoán, hình ảnh Phạm Tín An Ninh phải là một người hùng hay một siêu nhân.  Phạm Tín An Ninh là một người mang bản tính khiêm tốn, nhã nhặn. Tuy đã từng sống trong nhà binh, mang lon sĩ quan VNCH, là ngục sĩ trong trại tù Việt cộng, nhưng anh “hiền ru”. Ở Na Uy, Phạm Tín An Ninh có nhiều bạn hữu, được hầu hết người Việt quí mến, người địa phương kính nể. Anh yêu quí người, đã đành; anh thương cả loài vật. Chẳng thế mà anh đã viết rất cảm động như sau trong truyện Những Đàn Chim Thiên Di: “Mỗi người (Na Uy) đều nắm chặt tay tôi và nói lời cầu nguyện bằng an cho những con chim trane di xứ… Suốt cả đêm tôi không hề chợp mắt. Không phải tôi nghĩ đến những con chim trane, mà nghĩ đến thân phận của chính mình cùng những người đồng hương đang lưu lạc khắp năm châu. Ngược lại với loài chim trane thiên di, bay về nam tìm nắng ấm, chúng tôi đã phải bỏ quê hương bốn mùa nắng ấm để đi tìm tự do và tình người ở những vùng băng tuyết xa xăm. Những mùa đông kéo dài, trong cái lạnh lẽo, mới thấy thấm thía tận cùng nỗi cô đơn xa xứ”.

Đấy, cũng bởi “chan chứa tình cảm và tình người” như Từ Mai Trần Huy Bích đã nhận định, Phạm Tín An Ninh đã tặng “tổng số tiền bán sách và gây quỹ hôm nay cho Hội Tương Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa”.

Ở Na Uy, Phạm Tín An Ninh thường khiêm nhượng từ chối giữ “chức nọ chức kia” trong các hội đoàn, nhưng anh luôn luôn có mặt trong tất cả sinh hoạt chung, “lao động” thật sự trong mọi công tác đoàn thể, dấn thân trong bất cứ tổ chức nào của cộng đồng người Việt, đúng như giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đã mô tả về tác giả Ở Cuối Hai Con Đường: “Buồn với cái buồn của mọi người; vui sau cái vui của đồng bào”. Chính nhà văn Tâm Thanh, một “đồng cư” ở Na Uy cũng minh xác trong bài Đọc Phạm Tín An Ninh (in ở đầu tập truyện Ở Cuối Hai Con Đường): “Phạm Tín An Ninh là một người sống thiết tha, và viết chân thành. Văn anh trở thành một dòng chảy hồn nhiên bắt nguồn từ đời sống và song song với đời sống” – tóm lại: “Anh Ninh sống thế nào viết thế nấy”.

Tới đây tôi cảm thấy thừa thãi nếu bây giờ tôi lại nêu những đặc điểm trong các truyện của Phạm Tín An Ninh, nào “tác phẩm của anh là tác phẩm của tình yêu người, với niềm trắc ẩn, sự cảm thông, lòng hi sinh và thương yêu”, và “tấm lòng nhân hậu của tác giả trước sau không hề đổi dời” (giáo sư Trần Huy Bích), nào trong Ở Cuối Hai Con Đường, “nhân nghĩa vẫn thắng bạo tàn – cái chiến thắng âm ỉ trong lòng người” (Quan Dương), nào “văn tức là người, “Le style, c’est l’homme”. Phạm Tín An Ninh là một người chân chất nên văn của ông giản dị, trong sáng, vì thế dễ đánh động lòng người” (giáo sư Lưu Trung Khảo)… Những người đọc Phạm Tín An Ninh gần như ai cũng đồng ý về những nhận định chính xác ấy. Tuy nhiên tôi cũng xin mạn phép trình bày thêm chút đỉnh nữa một vài ý kiến thô thiển của mình:

Trước 1975, vào giai đoạn sội động nhất của cuộc chiến ở miền Nam, chúng ta đặc biệt có nhà văn quân đội Phan Nhật Nam. Ông đã thành công và được ca ngợi qua các tác phẩm phóng sự chiến trường. Nay ở hải ngoại, chúng ta lại có một nhà văn quân đội khác, cũng thành công và cũng được ngưỡng mộ. Đó là Phạm Tín An Ninh. Dĩ nhiên hai tác giả này có những đặc điểm khác nhau. Sự khác biệt này bởi nhiều nguyên nhân, có thể vì bản tính tuy cả hai đều là những người yêu nước, thương đồng đội, xót xa đồng bào – và cũng rất có thể vì cầm bút vào hai thời điểm khác nhau; người trong cuộc chiến, người sau cuộc chiến tuy cả hai đều lấy chiến tranh làm bối cảnh, lấy nạn nhân của chiến tranh làm “phương tiện”, lấy “nhân hậu thắng bạo tàn” làm “cứu cánh”. Nhưng ở Phan Nhật Nam, văn chương của ông hừng hực bốc lửa, nổ vang tựa trái phá, mang sức tiến quân vũ bão. Đọc Phan Nhật Nam, người ta không thể ngồi hay nằm mà đọc, nhưng đứng bật dạy, gầm lên, nóng ran toàn thân… Ngược lại, với Phạm Tín An Ninh, độc giả “đọc dễ chảy nước mắt” (Tâm Thanh), đọc trong thể lặng người, đọc rồi trăn trở, ngẩn ngơ, suy gẫm. “Ông viết rất bình thản, nhẹ nhàng” (Trần Huy Bích). Tuy nhiên như đã nhận định ở trên, cả hai nhà văn quân đội này đều sử dụng khôn khéo, tài tình văn chương của mình làm thứ “chiến thuật chiến lược” để đánh phá cứ điểm cuối cùng của kẻ thù dân tộc Việt Nam, tổ quốc Việt Nam.

Cũng hôm đó, không kể chị Thức, “người vợ chung tình” của Phạm Tín An Ninh và bốn “đứa con đã trưởng thành” của anh trong buổi ra mắt sách, chỉ duy nhất mình tôi đến từ vuơng quốc Na Uy. Nhưng bàng bạc trong hơn hai tiếng đồng hồ ở phòng sinh hoạt Viễn Đông, hình ảnh một xã hội Na Uy hiền hòa ẩn hiện không ngừng qua các bài phát biểu, nhận định sâu sắc và phong phú của các giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, Lưu Trung Khảo, Trần Huy Bích. Đặc biệt hơn cả là hai bài thơ của thi sĩ “đồng cư” Cung Vĩnh Viễn sáng tác tặng Phạm Tín An Ninh nhân dịp này đã được cô Phi Loan và MC Nguyễn Đình Cường diễn ngâm với tiếng sáo tuyệt vời của nghệ sĩ Ngọc Nôi.

Sau hết, chúng tôi muốn tâm tình thêm rằng, tuy Phạm Tín An Ninh thường xác nhận là anh viết không phải để thành một nhà văn, nhưng “chỉ muốn dịu bớt, vơi đi những gì đè nặng mãi trong lòng mình”, nhưng dù muốn dù không, tác phẩm Ở Cuối Hai Con Đường cũng đã “làm” anh thành nhà văn tên tuổi rồi. Tuy nhiên vấn đề, theo thiển ý, không phải danh vọng, chức tước nhưng chính là việc mình làm trọn hay không trách nhiệm cầm bút của mình. Phạm Tín An Ninh đã chu toàn phần lớn trọng trách này và hứa hẹn thâu đạt trọn vẹn thành quả. Đúng như “đồng cư” Tâm Thanh của chúng tôi đã viết: “Phạm Tín An Ninh không bao giờ dập tắt ngọn nến cuối cùng – NIỀM TIN”. Niềm tin của độc giả, của mọi người thương quí anh, mong đợi anh, tin cậy nơi anh. Và đó cũng là lời cầu chúc chúng tôi muốn gửi đến anh nhân dịp đứa con tinh thần đầu lòng của anh – Ở Cuối Hai Con Đường – chào đời!

Hoài Mỹ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *