THẮNG VINH QUANG MÀ BẠI CŨNG ANH HÙNG!

Phạm Hiền Mây

******

I. LÊ TẤT ĐIỀU, CAO TẦN, KIỀU PHONG

Cao Tần là bút hiệu khi làm thơ của nhà văn Lê Tất Điều. Còn khi viết báo, ông lấy tên là Kiều Phong. Ngoài viết văn, làm thơ, ông còn đi dạy học. Ông từng nhận giải thưởng của trung tâm văn bút trước năm 1975 với thể loại tiểu thuyết. Sau biến cố bảy mươi lăm, ông di tản.

Thơ ông viết không nhiều nhưng ra tấm ra món. Từng bài, từng bài, đều trọn vẹn và hay, thậm chí xuất sắc. Cao Tần có một giọng thơ rất riêng, độc đáo, không giông giống, không na ná với bất kỳ ai, nên khi thơ ông vừa xuất hiện, là lập tức, làm xôn xao cộng đồng người di tản Việt Nam tại hải ngoại.

Nhà phê bình văn học Đặng Tiến thì cho rằng, bút pháp Cao Tần khéo léo, già dặn, nắm vững quy luật của ngôn ngữ, giàu kinh nghiệm diễn đạt và sành tâm lý, nên lay động được tâm hồn người đọc.

Đặng Tiến mà nhận xét về tác giả và tác phẩm thì chẳng bao giờ trật. Tôi chỉ muốn bổ sung thêm một ý, tài đến mấy, giỏi đến mấy, lão luyện đến mấy, lành nghề đến mấy, nhưng trong chuyện làm thơ, nếu không có sự chân thực, tức là, nhân vật thơ là chính mình chớ không ai một ai khác, vì thơ không thể nói giùm ai, càng không thể nói giúp cho ai, chỉ có thể là do chính mình cảm ra, nhận ra, thì thơ lúc ấy mới có hồn có vía, thơ lúc ấy mới có nhịp đập của con tim.

Cao Tần có cái đó. Cái gọi là chân thực. Là tình huống mà chính ông đã rơi vào. Là tâm trạng mà chính ông đã trải qua. Thơ Cao Tần rất thực. Cái thực ấy cộng với bút pháp châm biếm, mỉa mai rất đặc thù của ông, nên cảm xúc từ thơ của ông, mới khiến cho người đọc, rơi lệ trong chua chát, rơi lệ trong cay đắng.

Và cả tủi buồn xiết bao!

******

II. CAO TẦN, NỔI BẬT TRONG KÍN TIẾNG VÀ LẶNG LẼ, LÀ HIỆN TƯỢNG CỦA THƠ CA HẢI NGOẠI – ĐỘC ĐÁO, LẠ LÙNG, THÚ VỊ

Sau 1975, tại hải ngoại, bùng lên, rộ nở, bát ngát, đầy gió đầy hương, đầy hoa đầy lá, cả khi sương mai lẫn bóng xế của tà chiều, buổi nào cũng tràn trề rực rỡ sắc màu của văn chương, hay nói đúng hơn, tràn trề những tuyệt tác văn chương.

Bởi vì, những người đứng đầu, tài giỏi của giới văn chương miền Nam, không cách này thì cách kia, họ cũng tìm đường đi hết. Người còn ở lại, không phải bởi họ dở hay họ không tài, nhưng vì lẽ này lẽ kia, họ không đi được, đành ở lại, hoặc họ chọn con đường ở lại vì một lý do riêng nào đó.

Đúng như thế, nở rộ và óng ả đủ sắc màu, tươi mới và hùng mạnh, là mô tả rất thực về văn chương hải ngoại khi ấy. Lực lượng thì đông đảo, tài năng lại đương độ. Nhưng rồi cũng chỉ bừng sáng trong vòng hai mươi năm. Rồi thì, theo quy luật, người đi buổi thuở đầu xanh, dần đầu bạc, mỗi năm, đều có những mất mát, tiễn đưa.

Cao Tần trong số đó, xuất hiện bất ngờ ở thời điểm đó, nổi bật trong kín tiếng và lặng lẽ, đã trở thành một hiện tượng của mảng thơ ca hải ngoại, độc đáo, lạ lùng, và, vô cùng thú vị.

******

III. NẶNG TRĨU NGHÌN CÂN NHỚ NƯỚC NON

Giọng thơ Cao Tần hào sảng nhưng không giấu được nỗi chán nản mênh mông. Mới ngày nào, vị thế là vậy, trong phút chốc, trở thành kẻ lỡ vận, sa cơ. Thơ ông, sống động và thực, Đọc đến đâu, ký ức bi thương, ai oán, đau khổ tột cùng, như vừa mới hôm qua bỗng lần lượt quay về, hiện diện đến đó:

Chốn Tạm Dung

Nhà tôi ở toòng teng đỉnh đồi
Buổi mai đi làm thấy đời xuống dốc
Sau lưng sương ngập cao lưng trời
Trước mặt thông sầu reo đáy vực
Bắt đầu ngày bằng một chút vui
Hát nghêu ngao trong lòng xe rỗng tuếch
Bài ca quen bỗng chợt quên lời
Chút kỷ niệm còn lại mất khơi khơi
Tiếng Việt trong ta ngày mỗi héo
Hồn Việt trong ta ngày mỗi khô
Dốc mở như đời ta trước mặt
Sương kín như đời ta hôm xưa
Giang hồ một túi bài ca cũ
Hát nhảm cho qua nốt tuổi già
Qua những bình minh còn ngái ngủ
Còn như chưa lạc mất quê ta
Giữa đỉnh sương mù thông đáy vực
Ngược xuôi ngơ ngẩn một linh hồn
Còng lưng gánh nốt đời lưu lạc
Nặng trĩu nghìn cân nhớ nước non

(05.1977)

Phải nói là hay thiệt, hay lắm chớ không phải hay vừa. Nhà mà toòng teng ở đỉnh đồi, nó chơi vơi, lạnh lẽo, lẻ loi, vắng vẻ, nên đương nhiên là rất buồn.

Sớm mai mỗi ngày, đi làm, cảm ra đời mình, hệt như hành trình của chiếc xe đang lao xuống dốc. Ngó lại sau lưng, chỉ thấy sương, sương ngập trời cao. Còn trước mặt là lũ thông sầu reo, giữa hun hút đáy sâu vực thẳm.

Đời, không chỉ buồn, không chỉ rầu, không chỉ đơn côi, mà còn là cheo leo, hiểm trở, ngặt nghèo: Nhà tôi ở toòng teng đỉnh đồi / Buổi mai đi làm thấy đời xuống dốc / Sau lưng sương ngập cao lưng trời / Trước mặt thông sầu reo đáy vực.

Đường đi làm xa, nên tự mình lảm nhảm hát cho đỡ cô quạnh. Nào có ai nghe, ngoài mình với cái xe rỗng trống. Nỗi buồn ở đâu bỗng ập ngang, khiến quên mất tiêu lời hát, dẫu ca khúc kỷ niệm ấy, đó giờ, vẫn luôn thuộc làu làu.

Mới vừa nhớ ra, thì cái quên đã làm mất khơi khơi, kỷ niệm: Bắt đầu ngày bằng một chút vui / Hát nghêu ngao trong lòng xe rỗng tuếch / Bài ca quen bỗng chợt quên lời / Chút kỷ niệm còm lại mất khơi khơi.

Hơi thơ ngông nghênh, tưng tưng, bất cần, mà nghe ra, sao như mang mang một trời sầu nhớ. Nhớ đủ thứ, lúc này. Nhớ từ cái tiếng nước nhà nhớ đi. Rồi nghĩ vẩn vơ, lỡ mà cái tiếng nước nhà, nó như cái cây, bứng nó đi trồng nơi khác, liệu, nó sống thêm được bao lâu? Tâm hồn Việt, tiếng nói Việt, liệu, còn thêm được bao lâu?

Dốc trước mặt vẫn đổ mênh mang. Sương sau lưng vẫn ngập đầy bốn phía: Tiếng Việt trong ta ngày mỗi héo / Hồn Việt trong ta ngày mỗi khô / Dốc mở như đời ta trước mặt / Sương kín như đời ta hôm xưa.

Có lo mấy cũng vậy thôi. Đã ra đến cảnh như thế này thì, hát nhảm cho qua nốt tuổi già, qua bình minh, qua chiều xế. Túi giang hồ hành hiệp đây, còn chút bài ca, xem như, tạm là, chưa vùi quên cố xứ: Giang hồ một túi bài ca cũ / Hát nhảm cho qua nốt tuổi già / Qua những bình minh còn ngái ngủ / Còn như chưa lạc mất quê ta.

Bài thơ thiệt hay, thiệt buồn, và đầy chất thơ. Đọc thơ Cao Tần, chợt hiểu thêm tình người tình nước, chợt hiểu thêm, với người phải xa xứ, quê nhà như da như thịt, quê nhà như máu như xương, tách ra, làm sao sống: Giữa đỉnh sương mù thông đáy vực / Ngược xuôi ngơ ngẩn một linh hồn / Còng lưng gánh nốt đời lưu lạc / Nặng trĩu nghìn cân nhớ nước non.

******

IV. NHỮNG CHỐN HẸN NGHÌN NĂM KHÔNG TRỞ LẠI

Mới mười lăm tuổi, Lê Tất Điều tức nhà thơ Cao Tần, đã bắt đầu viết truyện gởi cho báo Ngôn Luận. Trước khi làm thơ với bút danh Cao Tần, Lê Tất Điều, từng đã là một nhà văn nổi tiếng, từng đã là một ký giả tên tuổi.

Thơ Cao Tần có nhiều ý tưởng độc đáo làm bất ngờ người đọc, ví dụ như bài Kho Tàng dưới đây:

Kho Tàng

Chàng cù lần có cái túi nhỏ
Suốt bốn mùa giấu giếm như điên
Anh em sùng, nghĩ thằng này chơi khó
Thủ cẳng tí tiền, len lén tiêu riêng
Hết chuyện chơi, một chiều đông lạnh cóng
Đè thằng em ra cướp túi coi chơi
Gác trọ rung rinh như thuyền biển động
Thằng em kêu như sắp sửa xong đời
Miệng túi đổ kho tàng rơi tung tóe
Một lạng vàng trong giấy gói đơn sơ
Một đứa hét:”Vàng này thằng em bé
Không mại đi, mày tính để đem thờ?”
“Sư chúng mày, vàng đem theo bốn cục
Ông bán ba, bắt gọn mấy trăm đô
Còn cục này tàn đời ông cóc bán
Lúc lên đường, bà cụ giúi tay cho”
Một chiếc khăn tay cũ xì, cũ xịt
Màu nâu già thêu mấy chữ xanh xanh
“Giẻ rách gì đây hở thằng chết tiệt?”
“Khăn vợ trao ngày khóac áo nhà binh”
Đáy túi nhỏ thì đầy danh thiếp cũ
Những tên người tên tỉnh đã xa xưa
Những dòng vội ghi hẹn hò gặp gỡ
Những đường quen không trở lại bao giờ
Trả túi thằng em, cả bầy bỗng xệ
Cù lần xấu hổ chửi như ca
Cái túi nhỏ tưởng đầy lòng ti tiện
Hóa đem theo muôn vạn mảnh quê nhà
Cù lần dọa đêm nay đâm chết hết
Ôi ví dầu chú mở được tim anh
Chú cũng thấy một kho tàng thắm thiết
Với khăn tay nhàu nát chữ thêu xanh
Với danh thiếp những tên đường đã đổi
Những số nhà chớp mắt đã tang thương
Những chốn hẹn nghìn năm không trở lại
Những tên đời tơi tả khắp quê hương

(10.1977)

Kể chuyện, kể chuyện bằng thơ, thì xa xưa, có Nguyễn Du. Gần hơn chút nữa, thì Nguyễn Đình Chiểu. Hiện đại hơn, thì Phạm Thiên Thư. Cao Tần cũng kể chuyện nhưng lối kể chuyện của ông, không lê thê dông dài, như mấy ông tôi vừa kể, mà rất sống động, rất cuốn hút, rất hấp dẫn, rất có duyên: Chàng cù lần có cái túi nhỏ / Suốt bốn mùa giấu giếm như điên / Anh em sùng, nghĩ thằng này chơi khó / Thủ cẳng tí tiền, len lén tiêu riêng / Hết chuyện chơi, một chiều đông lạnh cóng / Đè thằng em ra cướp túi coi chơi / Gác trọ rung rinh như thuyền biển động / Thằng em kêu như sắp sửa xong đời.

Kịch tính mà rất thiệt thà. Không một chữ, không một từ nào trong thơ sử dụng biện pháp nói quá lên, hay phóng đại. Không phải là vẽ ra những hình ảnh, mà chính xác hơn, Cao Tần đang quay một khúc phim tình cảm xã hội, tình cảnh của những người đang sống đời ly hương, lưu vong xứ lạ: Miệng túi đổ kho tàng rơi tung tóe / Một lạng vàng trong giấy gói đơn sơ / Một đứa hét:”Vàng này thằng em bé / Không mại đi, mày tính để đem thờ?” / “Sư chúng mày, vàng đem theo bốn cục / Ông bán ba, bắt gọn mấy trăm đô / Còn cục này tàn đời ông cóc bán / Lúc lên đường, bà cụ giúi tay cho”.

Đã ai làm gì đâu mà rơi nước mắt. Đã ai nói chi đâu mà lệ ứa vành mi. Toàn kỷ niệm xưa, mẹ già, cố xứ. Và cả vợ con, còn mù mịt chốn quê nhà. Tất cả đã xa rồi, xa lắm rồi. Mà đường về thăm thì mông mênh. Biết có chờ được nhau không. Biết lúc tìm đến, người còn không? Và còn không, tên đường, tên ngõ: Một chiếc khăn tay cũ xì, cũ xịt / Màu nâu già thêu mấy chữ xanh xanh / “Giẻ rách gì đây hở thằng chết tiệt?” / “Khăn vợ trao ngày khóac áo nhà binh” / Đáy túi nhỏ thì đầy danh thiếp cũ / Những tên người tên tỉnh đã xa xưa / Những dòng vội ghi hẹn hò gặp gỡ / Những đường quen không trở lại bao giờ.

Năm, bảy anh em, trọ chung cái phòng, đông đúc thế mà vẫn thấy bơ vơ, vẫn thấy lẻ loi, vẫn thấy một mình đơn chiếc. Chỉ có ai từng ở trong cảnh, thì mới hiểu được mà thôi. Xa quê hương, xa xóm làng, xa thân thương, xa gắn bó, là khổ đau, là nhọc nhằn như thế đó: Trả túi thằng em, cả bầy bỗng xệ / Cù lần xấu hổ chửi như ca / Cái túi nhỏ tưởng đầy lòng ti tiện / Hóa đem theo muôn vạn mảnh quê nhà / Cù lần dọa đêm nay đâm chết hết / Ôi ví dầu chú mở được tim anh / Chú cũng thấy một kho tàng thắm thiết / Với khăn tay nhàu nát chữ thêu xanh.

Người thì sống có trăm năm, mà nửa đời hơn rồi, mà gần cạn đời rồi, vẫn xa xôi, muôn trùng cách trở. Giả như trời cho thêm ngàn năm nữa, thì có kịp về không: Với danh thiếp những tên đường đã đổi / Những số nhà chớp mắt đã tang thương / Những chốn hẹn nghìn năm không trở lại / Những tên đời tơi tả khắp quê hương.

******

V. TA LÀM GÌ CHO HẾT NỬA ĐỜI SAU?

Giọng thơ tự trào, tự giễu cợt mình, kết hợp với tánh cách thẳng băng, ngang tàng, ngạo nghễ, nghĩa khí, cốt cách của một nhà báo chuyên viết mục chính luận mang tên Kiều Phong, đã khiến cho thơ của Cao Tần trở nên lạ lẫm và cuốn hút:

Ta Làm Gì Cho Hết Nửa Đời Sau?

Dăm thằng khùng họp nhau làm chuyện lớn
Gánh sơn hà toan chất thử lên vai
Chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn
Dọn tinh thần: cưa nhẹ đỡ ba chai
Rừng đất khách bạt ngàn màu áo trận
Xong hiệp đầu mây núi cũng bâng khuâng
Hào khí bốc đủ mười thành chất ngất
Chuyện vá trời coi đã nhẹ như không
Một tráng sĩ vung ly cười ngạo mạn
Nửa đời xưa ta trấn thủ lưu đồn
Nay đất khách kéo lê đời rất nản
Ta tính sẽ về vượt suối trèo non
Sẽ có lúc rừng sâu bừng chuyển động
Những hùm thiêng cựa móng thét rung trời
Và sông núi sẽ vươn mình trỗi dậy
Và cờ bay trên đất nước xinh tươi
Một tráng sĩ vô êm chừng sáu cối
Thần tự do giờ đứng ở nơi nào?
Ta muốn đến leo lên làm đuốc mới
Tự đốt mình cho lửa sáng xem sao
Thần tự do giơ hoài cây đuốc lạnh
Ta tiếc gì năm chục ký xương da
Sẽ làm đuốc soi tìm trong đáy biển
Những oan hồn ai bỏ giữa bao la
Bình minh tới một thằng bừng tỉnh giấc
Thấy chiến trường la liệt xác anh em
Năm tráng sĩ bị mười chai quất gục
Đời tha hương coi bộ vẫn êm đềm
Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng uất hận gối lên nhau
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới
Ta làm gì cho hết nửa đời sau?

(03. 1977)

Bài thơ, chỉ là lời tếu táo, viết cho vui, đọc lúc rầu cho đỡ sầu thôi. Đó là một bữa nhậu: Dăm thằng khùng họp nhau làm chuyện lớn / Gánh sơn hà toan chất thử lên vai / Chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn / Dọn tinh thần: cưa nhẹ đỡ ba chai.

Tếu táo nhưng cũng là rất thật. Mỗi người bây giờ cũng đã mấy chai rồi. Đầu óc phừng phừng, đã bắt đầu thấy màu xanh của núi rừng chính là màu áo trận ngày nao. Ngay cả chuyện vá trời, thấy cũng nhẹ bỗng, nhẹ tênh: Rừng đất khách bạt ngàn màu áo trận / Xong hiệp đầu mây núi cũng bâng khuâng / Hào khí bốc đủ mười thành chất ngất / Chuyện vá trời coi đã nhẹ như không.

Say rồi, lãng mạn một chút có sao đâu. Kiểu anh hùng lãng mạn ấy mà, chàng trai, nam nhi nào mà chẳng. Tây Tiến của Quang Dũng đó thôi. Rồi Tống Biệt Hành của Thâm Tâm nữa: Một tráng sĩ vung ly cười ngạo mạn / Nửa đời xưa ta trấn thủ lưu đồn / Nay đất khách kéo lê đời rất nản / Ta tính sẽ về vượt suối trèo non / Sẽ có lúc rừng sâu bừng chuyển động / Những hùm thiêng cựa móng thét rung trời / Và sông núi sẽ vươn mình trỗi dậy / Và cờ bay trên đất nước xinh tươi.

Ngẫm phận người ly hương. Buồn. Ngẫm đời trai bó buộc. Rầu. Chí lớn như Kinh Kha, sông Dịch đâu, để ta qua Tần hành thích. Sông Dịch không thấy, chỉ thấy mỗi tượng thần Tự Do, lặng lẽ, làm thinh: Một tráng sĩ vô êm chừng sáu cối / Thần tự do giờ đứng ở nơi nào? / Ta muốn đến leo lên làm đuốc mới / Tự đốt mình cho lửa sáng xem sao / Thần tự do giơ hoài cây đuốc lạnh / Ta tiếc gì năm chục ký xương da / Sẽ làm đuốc soi tìm trong đáy biển / Những oan hồn ai bỏ giữa bao la.

Cơn mơ nào cũng rồi thức. Trận say nào cũng rồi tỉnh. Bừng giấc, vẫn cuộc sống ấy, vẫn đời sống ấy, ngày qua ngày của đời ly hương, nào ai muốn chọn: Bình minh tới một thằng bừng tỉnh giấc / Thấy chiến trường la liệt xác anh em / Năm tráng sĩ bị mười chai quất gục / Đời tha hương coi bộ vẫn êm đềm.

Vô tình mà giọng thơ của Cao Tần, lúc này, nơi đoạn kết này, lại nhắc tôi về những ngày đọc thơ của Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương. Có một cái gì như sự đồng cảm, giữa họ, với nhau. Những chí hướng, những mộng lớn lao chỉ mãi mãi nằm phơi trên trang giấy. Nỗi niềm này, biết ai, mới thấu hiểu giùm đây: Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi / Những hào hùng uất hận gối lên nhau / Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới / Ta làm gì cho hết nửa đời sau?

Ta làm gì cho hết nửa đời sau?

******

VI. THẮNG VINH QUANG MÀ BẠI CŨNG ANH HÙNG

Trong bài Hát Ngao Trên Tuyết, Cao Tần có viết bốn câu, mà khi đọc lên, tôi cảm được âm vang hào sảng, đầy bi tráng của Nguyễn Bá Trác trong Hồ Trường, cảm được cái ảm đạm, u uất, buồn mênh mang của Thâm Tâm trong Tống Biệt Hành:

Sông dài! Sông dài! Ta đi chẳng hết
Thân trượng phu, hừ, mục trong áo cơm?
Núi cao! Núi cao! Ta về không đến
Chí trượng phu, hừ, chôn trong giá băng?

(02/1978)

Tiểu luận gia Đặng Tiến từng có một bài nhận định rất hay về Cao Tần và thơ của ông. Tựa bài viết vừa ngộ nghĩnh, lạ lùng mà lại vừa vô cùng hấp dẫn: Tính Uy-Mua Và Nghệ Thuật Trong Thơ Cao Tần.

Xuống dưới, ông giải thích nhan đề như sau, uy-mua là phiên âm chữ Pháp, humour, tôi tìm không ra từ Việt tương đương, đại khái như là hóm hỉnh, dí dỏm, hài hước, phúng thế, tếu.

Đặng Tiến nói thêm, uy-mua là hóm. Uy-mua hiểu rộng ra là vượt lên trên những không may, tai họa, bi kịch, không những lấy được khoảng cách, độ lùi, mà còn vượt lên trên. Uy-mua là mình tự giễu mình, với giọng đùa cợt chớ không chua cay. Hay nói cho đại ngôn hơn một chút, thì uy-mua là hòa giải với số mệnh.

Anh Đặng Tiến nói rất đúng, Cao Tần đã tự hòa giải với số mệnh mình:

Nếu mai mốt bỗng đổi đời lần nữa
Ông anh hùng ông cứu được quê hương
Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo
Lùa cả nước vào học tập yêu thương
Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp
Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm
Bồ bịch hết, không đứa nào là ngụy
Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng.

(03.1977 – Mai Mốt Anh Về)

Kết bài giới thiệu về thơ Cao Tần, Đặng Tiến buông một câu cảm thán khiến tôi đọc mà bật cười. Ông nói, câu thơ Cao Tần ba mươi năm rồi, tôi đọc vẫn chưa thông.

Rồi tiếp, tôi viết xong, đọc lại bản thảo, mới nhận ra điều sơ đẳng, bút hiệu Cao Tần cũng là uy-mua (hóm hỉnh, dí dỏm).

Giá mà bây giờ có phép màu để Đặng Tiến sống lại, tôi sẽ nói với ông thế này, làm sao, làm sao mà ai đó có thể, tự vỗ ngực mà xưng rằng, tôi đọc được vị thơ của người này, tôi hiểu được tất cả về thơ người kia.

Không thể nào đâu, anh Đặng Tiến ơi.

Bởi vì, ngay cả Cao Tần, cũng chưa chắc ông ấy đã hiểu hết được chính mình, nữa là nhà phê bình văn học Đặng Tiến, nữa là tôi, kẻ hậu sinh, đương hoàn tất nốt những dòng cuối cùng về nhà thơ độc đáo Cao Tần, hôm nay.

Sài Gòn 01.05.2025

Phạm Hiền Mây

(Nguồn : FB Pham Hien May)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *