Sinh năm 1917, và mất năm 1950, sau một cơn bạo bệnh giữa đường rừng, Thâm Tâm qua đời, lúc ông chỉ mới vừa ba mươi ba tuổi.
Quá trẻ, và quá nổi tiếng với Tống Biệt Hành, một bài thơ viết về cuộc tiễn biệt với thể hành, thể thơ cổ phong của Trung Hoa.
Thể hành viết không dễ, người viết, ngoài tài thơ, còn phải có một tâm hồn tự do và phóng túng, thì mới đem lại thành công cho bài thơ được viết.
Ngoài Tống Biệt Hành, Thâm Tâm còn ba bài thơ khác, cũng được xem là đáng kể, đó là Trả Lời Của Người Yêu, Màu Máu Ti Gôn, Dang Dở.
Ba bài này, công bằng mà nói, nó không tròn trịa, xuất sắc và gây được tiếng vang như Tống Biệt Hành, nhưng nó lại dính tới một vụ án văn chương thời ấy, TTKh, nên nó làm xôn xao dư luận mãi cho đến tận nhiều chục năm sau.
******
II. VỤ ÁN TTKh LỪNG DANH MỘT THỜI
TTKh là một tác giả nổi tiếng và bí ẩn. Chỉ với ba bài thơ (tôi không tính bài Đan Áo Cho Chồng, bởi vì bài này, ngay từ khi đăng lên báo năm 1937, đã bị hồ nghi là giả, tức là xét về “hơi” thơ, “điệu” thơ, “giọng” thơ, người ta không cho rằng nó đồng nhất với hơi, với điệu, với giọng thơ TTKh), TTKh đã làm xao xuyến, day dứt hàng triệu triệu con tim của độc giả thời bấy giờ.
Và cho đến tận cả hôm nay.
Người ta tìm, tìm mãi. Sau bao nhiêu năm, vẫn không ra được TTKh, người ta chuyển sang, đồ rằng, cho rằng, gán ghép rằng, TTKh chính là Thâm Tâm, rồi thì là ông Nguyễn Bính, rồi thì là nhà văn Thanh Châu, thậm chí, là em gái nhà thơ Tế Hanh tên Trần Thị Khánh. Loạn xạ cả lên.
Nhà báo lừng danh Nguyễn Vỹ, thì quả quyết, chính tai ông nghe, từ miệng của Thâm Tâm, trong một lần say, tâm sự, tui chính là TTKh.
Khốn nỗi, Thâm Tâm thì mất rồi, mà nói độc giả phải tin là Nguyễn Vỹ không gian dối, và Thâm Tâm thì không đùa trong cơn say, thì nói thiệt, khó chớ chẳng dễ đâu. Ngay cả bây giờ, người nói, người thuật lại một câu chuyện abc gì đó, có là một vị tổng thống hay là một vị chức sắc của tôn giáo đi nữa, mà chỉ nói khơi khơi, không có chứng cớ, thì, cũng khó mà thuyết phục lắm.
Huống hồ, mời các bạn đọc bài dưới đây của Thâm Tâm, xem giọng thơ này có phải là giọng thơ TTKh mà chúng ta đã từng đọc không.
Trả Lời Của Người Yêu
(Trả lời TTKh)
Các anh hãy chuốc thật say Cho tôi những cốc rượu đầy rồi im Giờ hình như quá nửa đêm Lòng đau đau lại cái tin cuối mùa Hơi đàn buồn tựa trời mưa Các anh tắt nốt âm thừa đi thôi Giờ hình như đã tối rồi Bánh xe đã nghiến, đã rời rã đi Hồn tôi lờ mờ sương khuya Hờ rung tôi viết bài thơ trả lời Vâng, tôi vẫn biết có người Một đêm cố tưởng rằng tôi là chồng Để hôm sau khóc trong lòng Vâng, tôi vẫn biết cánh đồng thời gian Hôm qua rụng hết lá vàng Và tôi lỡ chuyến chiều tàn về không Tiếng xe trong vết bụi hồng Nàng đi thuở ấy nhưng trong khói mờ Tiếng xe trong xác pháo xưa Nàng đi có mấy bài thơ trở về Tiếng xe mở lối vu quy Hay là tiếng cắt nàng chia cuộc đời Miệng chồng Khánh gắn trên môi Hình anh mắt Khánh sáng ngời còn mơ Đàn xưa từ chia đường tơ Sao tôi không biết hững hờ nàng đan Kéo dài một chiếc áo lam Tơ càng đứt mối, nàng càng kéo giay Nàng còn gỡ mãi trên tay Thì tơ duyên mới đã thay hẳn màu Chung hai thứ tóc đôi đầu Bao giờ đan nổi những câu ân tình Khánh ơi, còn hỏi gì anh Lá rơi đã hết màu xanh màu vàng Chỉ kêu những tiếng thu tàn Tình ta đã chết anh càng muốn xa Chiều tan chiều tắt chiều tà Ngày mai ngày mốt vẫn là ngày nay Em quên mất lối chim bay Và em sẽ chán trông mây trông mờ Đoàn viên từng phút từng giờ Sống yên lặng thế ông chờ gì hơn Từng năm từng đứa con son Mím môi vá kín vết thương lại lành Khánh đi còn hỏi gì anh Ái tình đã vỡ, ái tình lại nghiêng Em về đan nốt tơ duyên Vào tà áo mới đừng tìm mối xưa Bao nhiêu hạt lệ còn thừa Dành ngày sau khóc những giờ vị vong Bao nhiêu những cánh hoa lòng Hãy dâng cho trọn nghĩa chồng hồn cha Nhắc làm chi chuyện đôi ta Bản năng anh đã phong ba dập vùi Hãy vui lên các anh ơi Nàng đi tôi gọi hồn tôi trở về Tâm hồn lạnh nhạt đê mê Tiếng mùa lá chết đã xê dịch chiều Giờ hình như gió thổi nhiều Những loài hoa máu đã gieo nốt đời Tâm hồn nghệ sĩ nổi trôi Sá chi cái đẹp dưới trời mong manh Sá chi những chuyện tâm tình Lòng đau đem chứa trong bình rượu cay.
******
III. TTKh KHÔNG THỂ LÀ THÂM TÂM
Nếu như giọng thơ TTKh trong Hai Sắc Hoa Tigon là một giọng thơ buồn mênh mang mà vẫn rất nền nã, đoan trang, mệnh phụ; lãng mạn mà vẫn rất kiêu kỳ, đằm thắm, giữ ý giữ tứ, thì ta lại nhận ra, giọng thơ bài Trả Lời Của Người Yêu của Thâm Tâm dường như khá cáu kỉnh: Cho tôi những cốc rượu đầy rồi im / Các anh tắt nốt âm thừa đi thôi.
Không chỉ thế, giọng của Thâm Tâm còn khá là thô và thiếu tinh tế, như: Một đêm cố tưởng rằng tôi là chồng / Miệng chồng Khánh gắn trên môi / Hình anh mắt Khánh sáng ngời còn mơ.
Nếu TTKh uyển ngữ bao nhiêu khi dùng từ “người ấy” để gọi tình yêu cũ, thì Thâm Tâm lại sỗ sàng, toạc ra, không cần che giấu: Khánh ơi, còn hỏi gì anh.
Những lời khuyên của Thâm Tâm gượng gạo, vang to như lời kêu gọi, chớ không phải là giọng thủ thỉ, van lơn, lưu luyến, vấn vương trọn đời trọn kiếp như giọng thơ của TTKh: Hãy dâng cho trọn nghĩa chồng hồn cha / Nhắc làm chi chuyện đôi ta / Bản năng anh đã phong ba dập vùi.
Rồi thì rất dài dòng, con cà con kê, con dê con ngỗng, mà ý tình chẳng chuyên chở được bao nhiêu: Tình ta đã chết anh càng muốn xa / Chiều tan chiều tắt chiều tà / Ngày mai ngày mốt vẫn là ngày nay.
Cố ý nói lời bội bạc cho dễ dứt tình, nhưng những lời ấy, nó cứ như thế nào ấy, nếu không muốn nói là rất bình thường, và nhất là, khác xa lắm với giọng thơ của TTKh. Dù ý thức là sẽ không đi đến đâu nhưng TTKh vẫn trân trọng, tôn thờ suốt đời mối tình đầu tiên ấy, chớ không rẻ rúng và bạc bẽo như thế này: Tâm hồn nghệ sĩ nổi trôi / Sá chi cái đẹp dưới trời mong manh / Sá chi những chuyện tâm tình.
Khó mà thuyết phục được tôi, TTKh chính là Thâm Tâm.
******
IV. TTKh MÃI MÃI LÀ VỤ ÁN CHÔN VÙI DƯỚI LÒNG MỘ CỔ
Nếu tác giả TTKh trong Bài Thơ Thứ Nhất, có những câu thơ thật xuất sắc như: Những cô áo đỏ sang nhà khác / Gió hỡi làm sao lạnh rất nhiều, thì trong toàn bài Màu Máu Ti Gôn của Thâm Tâm, người đọc lại không thể kiếm ra được một câu nào hay tương tợ như thế:
Màu Máu Ti Gôn
(Gửi TTKh)
Người ta trả lại cánh hoa tàn Thôi thế duyên tình cũng dở dang Màu máu ti gôn đà biến sắc Tim người yêu cũ phủ màu tang K hỡi, người yêu của tôi ơi Nào ngờ em giết chết một đời Dưới mồ đau khổ anh ghi nhớ Hình ảnh em hoài mãi thế thôi Quên làm sao được thuở ban đầu Một cánh ti gôn dạ khắc sâu Một cánh hoa xưa màu hy vọng Nay còn dư ảnh trái tim đau Anh biết làm sao được hỡi trời Dứt tình bao nỡ nhớ không thôi Thôi em hãy giữ cành hoa úa Kỷ niệm ngàn năm một cuộc đời.
Cũng trong Bài Thơ Thứ Nhất, TTKh lấy nước mắt một cách dễ dàng của người đọc, chỉ với hai câu: Cho tôi ép nốt dòng dư lệ / Rỏ xuống thành thơ khóc chút duyên.
Ngược lại, đọc bài Màu Máu Ti Gôn của Thâm Tâm, ta vẫn cứ nghe lời thơ vang dội bên tai, chớ không thầm thì, không nhỏ nhẹ, không nín nhịn, không chịu đựng, như khi ta đọc TTKh: K hỡi, người yêu của tôi ơi.
Tìm không ra bí mật thì cứ để nó tiếp tục bí mật như vậy, xem ra còn hay hơn là cố gán ghép một cách khiên cưỡng, chỉ tạo cho người đọc một sự khó chịu vì cảm thấy vô lý.
Đọc thơ thôi, cũng nhận ra, TTKh và Thâm Tâm, không thể là một người!
******
V. GIỌNG THƠ TTKh VÀ THÂM TÂM KHÁC XA NHAU MỘT TRỜI MỘT VỰC
Tiếp tục như thế, Bài Thơ Cuối Cùng mà TTKh viết khiến người đọc không thể không quặn thắt lòng đau: Là giết đời nhau đấy, biết không / Dưới giàn hoa máu tiếng mưa rung.
Và cũng rất nữ tính nữa: Mưa buồn mưa hắt trong lòng ướt / Sợ quá đi, anh “có một người”.
Trong khi đó, bài thơ thứ ba mà Thâm Tâm viết để gởi cho TTKh, mời các bạn đọc thử, dưới đây, xem hai giọng thơ có phải chỉ là một người không:
Dang Dở
(Tặng TTKh)
Khi biết lòng anh như đã chết Mây thôi hồng và lá cũng thôi xanh Màu hoa tươi cũng héo ở trên cành Và vũ trụ thảy một màu đen tối Anh cố giữ lòng anh không bối rối Để mơ màng tưởng nhớ phút giây xưa Em cùng anh sánh gót dưới bóng dừa Một đêm trăng sáng trên đường đá đỏ Em nói những gì anh còn nhớ rõ Nhưng làm sao ai hiểu tại làm sao Chim muốn bay cũng chẳng giữ được nào Tình đã chết có mong gì sống lại Anh không trách chi em điều ngang trái Anh không buồn số kiếp quá mong manh Có gì đâu khi bướm muốn xa cành Anh cứ tiếc cái gì xưa đã chết Nhưng anh biết cái gì xưa đã chết Anh càng buồn càng muốn kết thành thơ Mộng đang xanh mộng hóa bơ phờ Đây bài thơ chót kính dâng tặng bạn Và thành chúc đời em luôn tươi sáng Như mộng kiều đầm ấm tuổi xuân xanh Như hương trinh bát ngát ý dịu lành Hòa nhạc mới triều dâng tơ hạnh phúc Cuộc ly biệt ngờ đâu vừa đúng lúc Lòng bâng khuâng, bối rối trước khúc quanh Đi không đành mà ở cũng không đành Muôn chim Việt hãy về thành Nam cũ Chiều nay lạnh có nhiều sương rơi quá Nhưng lòng anh đã bình thản lại rồi Hết đau buồn và cảm thấy sục sôi Niềm uất hận của một thời lạc lối Lấy nghệ thuật làm trò hề múa rối Đem tài hoa cung phụng sóng mắt huyền Để khẩn cầu xin một nụ cười duyên Nàng kiều nữ chốn lầu hoa thầm kín Trong khi ấy thanh niên không bịn rịn Giã gia đình, trường học để ra đi Họa xâm lăng đe dọa ở biên thùy Kèn gọi lính giục lòng trai cứu quốc Thôi em nhé từ đây anh cất bước Em yên lòng vui hưởng cuộc đời vui Đừng buồn thương nhớ tiếc hoặc ngậm ngùi Muôn việc thảy đều do nơi số kiếp.
Với bài Dang Dở này của Thâm Tâm, đôi chỗ, tôi có cảm giác như người làm thơ rất vụng về, bởi những ý cứ lập đi lập lại, quẩn quanh, không thoát ra được: Có gì đâu khi bướm muốn xa cành / Anh cứ tiếc cái gì xưa đã chết / Nhưng anh biết cái gì xưa đã chết.
Và, khô, khô khan. Cả lạc quẻ nữa, nghĩa là, chẳng dính dấp, chẳng liên quan, nó lạ, nó lạc ra khỏi dòng cảm xúc. Đang tình tình ái ái, đang chia chia biệt biệt, buồn muốn chết, thì phang một cái khiến tỉnh cả người: Đây bài thơ chót kính dâng tặng bạn(!).
Cứ như là đồng chí nói với đồng chí. Cứ như là đang nói trước vong linh: Đây bài thơ chót kính dâng tặng bạn.
Chưa hết: Muôn chim Việt hãy về thành Nam cũ, nghe thiệt là sao sao luôn ấy, nó không giống một bài thơ tình chút nào. Và đỉnh điểm của loạn xạ này, không xuyên suốt này, không thứ tự này, là bốn đoạn sau cùng, toàn các từ mang màu sắc căm thù và chiến đấu: sục sôi, uất hận, lạc lối, trò hề, giã, ra đi. Và:
Họa xâm lăng đe dọa ở biên thùy Kèn gọi lính giục lòng trai cứu quốc Thôi em nhé từ đây anh cất bước Em yên lòng vui hưởng cuộc đời vui Đừng buồn thương nhớ tiếc hoặc ngậm ngùi Muôn việc thảy đều do nơi số kiếp.
Nghĩa là, hai giọng thơ TTKh và Thâm Tâm rất chênh lệch và khác biệt. Không chỉ khác biệt giữa giọng nam và giọng nữ, khác biệt giữa khô khan và dịu dàng, đằm thắm – thì chữ thơ, ý thơ, kết cấu thơ, mạch thơ, hình ảnh thơ, nhạc điệu thơ – rõ ràng, các bài của TTKh, vẫn dường như cao hơn Thâm Tâm một bậc.
******
VI. TỐNG BIỆT HÀNH, MỘT BÀI HÀNH BẤT TUYỆT
Nếu Vũ Đình Liên chỉ cần một bài thơ Ông Đồ, Huyền Kiêu chỉ cần một bài Tình Sầu, Hữu Loan chỉ cần một bài Màu Tím Hoa Sim, Minh Đức Hoài Trinh chỉ cần một bài Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Vũ Hữu Định chỉ cần một bài Còn Chút Gì Để Nhớ, Phạm Văn Bình chỉ cần một bài Chuyện Tình Buồn, là đã đủ để nổi tiếng, đã đủ để lưu danh lịch sử, thì, Thâm Tâm cũng y hệt thế, ông chỉ cần một bài Tống Biệt Hành thôi, là hàng nhiều trăm năm sẽ nhớ mãi ông rồi.
Tống Biệt Hành
Đưa người, ta không đưa qua sông Sao có tiếng sóng ở trong lòng? Bóng chiều không thắm không vàng vọt Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong? Đưa người, ta chỉ đưa người ấy Một giã gia đình, một dửng dưng… – Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ Chí nhớn chưa về bàn tay không Thì không bao giờ nói trở lại! Ba năm mẹ già cũng đừng mong! Ta biết người buồn chiều hôm trước Bây giờ mùa hạ sen nở nốt Một chị, hai chị cũng như sen Khuyên nốt em trai dòng lệ sót. Ta biết người buồn sáng hôm nay Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực! Mẹ thà coi như chiếc lá bay Chị thà coi như là hạt bụi Em thà coi như ly rượu say.
(1940 – Thâm Tâm dừng ở đây)
Mây thu đầu núi, giá lên trăng Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm Ly khách ven trời nghe muốn khóc Tiếng đời xô động tiếng hồn câm
(1968 – thêm vào bởi Hoài Thanh Hoài Chân)
Những bài thơ hay, những vần thơ trác tuyệt, xưa nay, vẫn luôn có nhiều dị bản. Điều đó không lạ. Nên xin phép, không tranh biện ở đây.
Thậm chí, có rất rất nhiều tranh cãi chung quanh bài thơ, rất rất nhiều lời đồn này đoán nọ. Ăn theo sự nổi tiếng cũng có, mà cái tính hay cãi, phải cãi cho đến cùng, ngay cả khi, những sự việc ấy mình không hề rõ, không hề có chứng cớ, cũng có luôn.
******
1. CÓ MẤY TUYẾN NHÂN VẬT TRONG GIÃ BIỆT HÀNH
Người ta, tức người đời sau, tức bạn đọc, tức người làm công việc văn chương, tức người dạy học, đến bây giờ đây, vẫn cứ tranh cãi nhau mãi về cái chuyện, Tống Biệt Hành ấy mà, có mấy nhân vật ở trỏng, hai hay một.
Một người, nghĩa là, tác giả đưa tiễn chính tác giả.
Hai người, thì cũng nhiều giả thiết, tác giả đưa tiễn bạn trai của tác giả đi, hay bạn gái đưa tiễn tác giả đi, hay mẹ, hay chị, hay em, đưa tiễn tác giả đi.
Riêng tôi thấy, xưng là ta, thì khó thể là phụ nữ, nên tôi loại, bạn gái, vợ, mẹ, chị, em ở tuyến nhân vật thứ nhất.
Thế rồi, tôi lại đọc được đâu đó, có một giáo sư tên Tô Cao Hoan, ông nói rằng, từ khi ông mười tuổi, ông đã chép tay bài thơ này, và, ông nói, “ngươi” chớ không phải là “người”, nên cái việc giả định, bài thơ chỉ duy nhất một người, ta – ngươi, tác giả độc thoại với chính mình, càng làm tôi thấy tính hợp lý của nó, nhiều hơn mọi giả định khác.
Hóa thân làm hai, ta – ngươi, để làm gì? Thì để cho người ở lại hiểu rằng, ông không là kẻ cay độc, tàn nhẫn, khinh bạc tình cảm ruột thịt, gia đình, người yêu. Ông dứt áo ra đi, cũng chỉ vì làm trai chí tại bốn phương.
Chớ thiệt tình, hòn tên mũi đạn nó đâu có mắt, sắp dấn thân vào nơi sinh tử khó nói trước, cũng nao núng, cũng buồn bã, cũng muộn sầu lắm, chớ chẳng phải không.
******
2. ĐƯA NGƯỜI, TA KHÔNG ĐƯA QUA SÔNG / SAO CÓ TIẾNG SÓNG Ở TRONG LÒNG?
Nói đến Thâm Tâm là nói đến Tống Biệt Hành. Nói đến Tống Biệt Hành, chỉ cần nhớ, chỉ cần với hai câu thơ mở đầu bài thơ, là đủ: Đưa người, ta không đưa qua sông / Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Một nỗi buồn, ngay từ đầu, ào ào xô lại, chẳng biết từ đâu, từ sóng sông, từ gió sông, hay từ chính bởi lòng người đang bời bời rối ren cơn dạ.
Và cái cách xưng hô, ta-người, rất vẻ lạnh lùng bên ngoài, mà bên trong thì ruột gan, đau còn hơn dao cắt.
Những câu hỏi cứ tới tấp, người đã trả lời kịp đâu mà sao ta cứ dồn cứ dập mãi vậy: Bóng chiều không thắm không vàng vọt / Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Màu chiều, màu hoàng hôn là cái màu buồn nhứt trong một ngày. Không tiễn không đưa, chỉ cần đứng ở bến sông thôi, một mình, với gió hắt hiu, với ngàn lá rụng, với mênh mông dòng sông, với xôn xao sóng dậy, với lạnh lẽo chiều buông, là cũng đủ buồn lắm rồi.
Chớ nói chi đến, mình tiễn mình đi!
Không dưng mà tôi nhớ đến bài Chiến Sĩ Vô Danh của Phạm Duy, với những câu như, lạnh lùng theo trống dồn, trên khu đồi hoang, in trong chiều buông. Thì Thâm Tâm, có khác gì đâu, cũng ra biên khu trong một chiều sương âm u, chen khói mù và rừng trầm thì phai sắc, tàn canh: Đưa người, ta chỉ đưa người ấy / Một giã gia đình, một dửng dưng.
Phân thân trong hai vai, ta-người, là để hợp lúc này đây. Ta đưa chính ta, chớ còn ai vào đây nữa. Ta đưa chính ta, một kẻ giã biệt gia đình trong điệu dáng, rất dửng dưng.
******
3. BA NĂM MẸ GIÀ CŨNG ĐỪNG MONG
Tống Biệt Hành mang hơi hướm bi hùng của một chiều tiễn biệt xưa, khi Cao Tiệm Ly tiễn Kinh Kha qua sông Dịch sang Tần để hành thích vua Tần. Mười phần đi là đủ mười phần thọ nạn. Làm sao mà không buồn. Làm sao mà không sầu. Làm sao mà không dùng dằng chân bước: – Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ / Chí nhớn chưa về bàn tay không / Thì không bao giờ nói trở lại! / Ba năm mẹ già cũng đừng mong!
Bi hùng và bi tráng.
Đi và mang theo lời thề: Chí nhớn chưa về bàn tay không / Thì không bao giờ nói trở lại! / Ba năm mẹ già cũng đừng mong!
Dứt áo. Lạnh lùng dứt áo. Ba năm ư? Có ba mươi năm, thì cũng xin đừng mong chuyện người về, xin đừng trông chờ chuyện người quay trở lại.
******
4. TA BIẾT NGƯỜI BUỒN CHIỀU HÔM TRƯỚC
Đang từ những bi hùng, bi tráng đến nghẹn lời, tác giả bỗng dịu giọng hơn: Ta biết người buồn chiều hôm trước / Bây giờ mùa hạ sen nở nốt / Một chị, hai chị cũng như sen / Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.
Buồn cũng đã từ vài hôm trước. Nhìn sen kìa, sen đang mùa nở nốt, giống các chị của mình, đã lần lượt đến tuổi cập kê. Nghĩ đến em, thơ dại. Cảnh nhà mới ảm đạm làm sao. Thì thôi, hãy bảo ban nhau, dỗ dành nhau, nương tựa nhau, mà chăm sóc mẹ già giùm.
******
5. NGƯỜI ĐI, Ừ NHỈ NGƯỜI ĐI THỰC
Cũng từ giáo sư Cao Tô Hoan, ông nhớ trong bản chép tay của ông, chỗ – em thà coi như ly rượu say – thì, chữ say, là chữ cay. Rượu cay.
Thôi thì giờ, cũng chẳng ai làm chứng, thậm chí, nét chữ của người mất, đời sau, vẫn có thể giả được, thì căng thẳng với nhau mà làm chi, rượu say hay rượu cay.
Cá nhân tôi, thì tôi thấy, rượu cay, thơ hơn, mô tả thực hơn. Giờ này mà còn say gì nữa, chỉ toàn là cay đắng, xốn xang, đau thắt cả ruột gan mà thôi.
Và em, cũng trong câu này – em thà coi như ly rượu say – không phải là cậu em trai. Tôi đồ rằng, đoán rằng, em đây là người em gái, thương mến và sẽ rất nhớ nhung.
Mình đi thật à. Ừ, đi thật. Còn mẹ thì sao, mẹ lá bay. Chị thì sao, là hạt bụi. Và em, chén rượu cay: Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực! / Mẹ thà coi như chiếc lá bay / Chị thà coi như là hạt bụi / Em thà coi như ly rượu say.
Tôi sẽ không phân tích phần thêm vào, phần bổ sung của hai ông Hoài Thanh Hoài Chân trong tuyển tập Thi Nhân Việt Nam. Bởi vì, đây là phần lược đi rồi của tác giả, khi mang đăng, mà mình còn lôi nó vào làm chi.
Khi lược bỏ, tác giả, hẳn có lý do.
******
VII. TỐNG BIỆT HÀNH – ÁNG THƠ TUYỆT ĐẸP
Nhà văn Vũ Bằng gọi Thâm Tâm là, nhà phù thủy hô sóng vào lòng và gọi hoàng hôn lên mắt.
Với hơi thơ cổ kính, với giọng thơ ly biệt xốn xang mà vẫn lưu được cái khoáng đạt của hải hồ và lòng trai chí lớn, biết bỏ sang, biết tạm gác lại một bên, chuyện gia đình và tình cảm riêng tư – Tống Biệt Hành là một áng thi tuyệt đẹp bởi nét bi tráng của cuộc tiễn biệt người đi, không mong ngày trở lại, của, không chỉ Thâm Tâm, mà còn của cả dòng văn học trước 1945.
Khó có bài thơ nào có thể so sánh được với Tống Biệt Hành của Thâm Tâm.
Cho đến bây giờ đây, trong những cuộc chia ly đầy nước mắt, hàng triệu triệu người vẫn muốn mượn hai câu trong Tống Biệt Hành để thay cho lời muốn nói, cho dạ muốn tỏ bày:
Đưa người, ta không đưa sang sông Sao có tiếng sóng ở trong lòng?