trang bạn hữu – nguyễn văn thà

Bài Nói Chuyện về Những Tác Phẩm của Tâm Thanh

NGUYỄN VĂN THÀ

Nhà văn Tâm Thanh

 Trong Ngày Văn Hóa Việt Nam được tổ chức tại Oslo, Na Uy,  nhà văn Nguyễn Văn Thà có bài nói chuyện về những tác phẩm của nhà văn Tâm Thanh, một cây bút xuất sắc trong văn giới của người Việt hải ngoại. Nhà văn Tâm Thanh hiện lâm trọng bệnh tại Oslo, nơi ông cư ngụ mấy mươi năm qua từ khi rời quê hương đi tị nạn. Mời quý độc giả theo dõi sau đây “Bài Nói Chuyện về Những Tác Phẩm của Tâm Thanh” do nhà văn Nguyễn Văn Thà trình bày.

Kính thưa quý vị,

Tôi được Ban Tổ Chức giao cho nhiệm vụ nói về tác phẩm của Tâm Thanh. Nói về những tác phẩm văn chương của Tâm Thanh tôi chỉ giới hạn nói về những truyện ngắn của anh và về tác phẩm nửa như hồi ký, nửa như bút ký với tựa đề Lệnh Triệu Ban Rồi. Nhưng trước khi bàn về văn chương của Tâm Thanh, tôi xin nói qua một số điểm về nghệ thuật viết truyện, và sau đó dựa vào đó để đánh giá văn chương của anh.

Thưa qúy vị,

Hoài Thanh đã viết: “Viết sao thì viết, nhưng trước hết phải văn chương cái đã.”

Nhưng văn chương là gì? Hay hỏi cho dễ hiểu: cái Dụng của Văn Chương là gì?

Nguyễn Du đã có câu trả lời, và ông có thẩm quyền để trả lời: Đó là để mua vui. Trước khi chấm dứt truyện Kiều dài 3254 câu, ông viết ở 2 câu cuối cùng:

Lời quê chắp nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh.

Dựa vào văn cảnh của hai câu thơ, người ta có cảm tưởng ông rất khiêm tốn nhà Nho, nhưng sự thật là như thế, vì chính thi sĩ cổ đại La Mã Horace, trước Nguyễn Du hơn một ngàn năm trăm năm, cũng đã nói Văn Chương là để làm cho người đọc vui và hướng dẫn họ – làm được hai việc đó một lúc thì càng tốt.

Để hướng dẫn một số chân lý về cuộc sống, cách hiệu quả nhất là kể truyện:

Ví dụ: chân lý trong lời dạy của Đức Phật: Từ Bi, Hỉ Xả: hay nói nôm na ra: Thương Người và vui vẻ bỏ qua lỗi lầm của người khác/ hay triệt để hơn như lời dạy của Đức Giê Su: “Hãy thương yêu kẻ thù”. Chân lý này được hai vị minh họa bằng chính đời sống của hai vị và được kể lại trong hành trạng Đức Phật và trong Phúc âm.

Cái chân lý trong lời dạy “hãy yêu thương kẻ thù” này cũng được diễn tả qua truyện Ở Cuối Hai Con Đường, của Phạm Tín An Ninh. Truyện nói về tình người giữa hai kẻ thù trên hai chiến tuyến: một anh quản giáo trại tù và một anh sĩ quan VNCH bị cải tạo; ai ở trại tù CS mới thấy mức độ gian ác, quỷ quyệt thế nào của những công an cai tù quản giáo, còn tù thì khổ sở khỏi nói, thế mà họ trong truyện vẫn xóa bỏ hận thù được.

Hay qua truyện Trích Tiên của Tâm Thanh về tình yêu giữa con trai một gia đình tỵ nạn Việt Nam ở Na Uy với một cô gái Bắc Kỳ cộng sản; tình yêu từ con trai xứ Việt sống ở Na Uy đã đành, mà còn từ cha mẹ anh, thuộc lớp những người Việt tị nạn từ miền Nam, những người nói chung thường đố kỵ, thậm chí dùng một số từ mang tính khinh bỉ để gọi những người bỏ nước từ miền Bắc. Những biên giới lòng.

Đọc qua hai truyện của PTAN, của Tâm Thanh người ta thấy rõ hơn cái chân lý “yêu thương kẻ thù” vì cuối cùng họ cũng là con người, cùng đồng bào Việt Nam mình cả.

Hay nói cách khác nhờ kể truyện, với các nhân vật, các chuyển biến trong tâm tư, trong hoàn cảnh trong truyện, chân lý trở thành cụ thể, sinh động trước mắt người đọc, tưởng có thể sờ mó được. Chân lý nó không còn là những khái niệm trừu tượng: Khái niệm đã trở thành thịt xương tại thế: (- Et Verbum caro factum est et habitavit in nobis -) nhờ những dụ ngôn, những câu truyện kể như thế.

Truyện không phải chỉ mua vui, tạo được sự vui vẻ, thích thú đơn thuần, hạn hẹp như khi uống một ly côca mát lạnh hay hút một điếu thuốc ngon, hay như khi đọc các loại truyện tạo cảm giác thoải mái mà người Anh gọi là feel good novel, hay những tập chuyện dâm mỏng vừa đọc vừa uống bia hút thuốc, truyện còn làm rung động được vùng tình cảm sâu lắng, khối tâm tư còn lẩn khuất trong ta“Viết truyện phải viết làm sao để truyện trở thành một lưỡi rìu đập vỡ được biển băng đông cứng trong ta.” – Frank Kafka đã nói như vậy. Hay như Chinua Achebe: “Khi chúng ta đọc truyện, chúng ta không những thấy, mà chúng ta còn đau đớn theo nhân vật trong truyện.”

Trong truyện Còn Đoá Hoa Quỳ, Tâm Thanh không dùng rìu để đập vỡ lòng băng giá của lớp người càng ngày càng thực dụng trong tình yêu, mà dùng một cây hoa quỳ nhỏ nhoi, hẩm hiu chân tường. Hoa quỳ và nàng Amelia tị nạn từ Liên Bang Xô Viết là một. Xin ghi chú: Amelia lại cũng là tên một loài hoa. Với truyện Trên Chiến Trường Xưa, PTAN đã làm cho nhiều độc giả đau đớn lẫn ngậm ngùi. Tác giả kể lại chuyến đi thăm lại chiến trường xưa Kontum 1972 mùa hè đỏ lửa nơi ông đã tham dự trận đánh kinh hoàng.

PTAN mở đầu truyện:

“Hơn ba mươi năm sau, cùng với bốn anh em trong đơn vị xưa, chúng tôi trở lại Kontum tìm thăm nơi an nghỉ của những đồng đội cũ. Trong những năm 72 và 73, đơn vị chúng tôi đã có hơn hai trăm anh em vĩnh viễn nằm lại nơi này để giữ vững miền địa đầu, cửa ngõ quan trọng nhất vào Tây Nguyên.”

Rồi anh kể về trận đánh hủy diệt đó.

Rồi kể về mối tình đơn sơ mà thủy chung giữa một nữ sinh, sau 75 là một người bán quán, với anh trung sĩ quèn trinh sát.

Phe bên kia thắng.

Mồ của những chiến hữu của tác giả bị mất dấu, mắt tăm.

Và cuối truyện:

“Sáng hôm sau, chị chủ quán, bạn gái anh Bình, mời chúng tôi ăn sáng rồi tiễn chúng tôi ra đầu cầu Dakbla. Chị đứng yên lặng không nói một lời gì. Nhìn những giọt nước mắt chảy dài trên má chị; trong lòng chúng tôi có lẽ ai nấy cũng đang giữ riêng một nỗi ngậm ngùi. Nhìn dòng sông Dakbla chảy ngược qua cầu, tôi có cảm giác như lòng mình cũng đang chảy ngược về những nơi nào đó, những chiến trường xưa, mà mãi mãi vẫn còn in bóng dáng hào hùng của bao nhiêu bè bạn, anh em – những người đồng đội cũ. Tất cả đã từng có một thời sống rất đáng sống.”

Một khi đã diễn tả qua hình ảnh cụ thể như thế, truyện không nhiều thì ít sẽ chuyển hóa, làm cho người đọc ngộ được một phần nào đó cái ý tưởng mà tác giả vô tình vô thức, hay cố ý hữu thức đưa ra để làm rường cột câu truyện.

Tóm lại có bốn cái dụng của Văn Chương, của một truyện hay: 1: mua vui; 2: chỉ dẫn; 3: đánh động tâm tư – tình cảm, 4: chuyển hóa người đọc.

Nguyễn Du chỉ cầu cho truyện mình mua vui cho người đọc, nhưng với Truyện Kiều ông đã thể hiện được bốn điều tôi vừa nêu ra.

Nhưng để làm được bốn điều trên người viết phải có những kỹ thuật, hay nói cách khác: những phương tiện. Những phương tiện đó là phương tiện gì? Văn chương vốn có nghĩa làvẻ đẹp, vẻ sáng. Ý niệm về Cái Đẹp, là Cái Mỹ là một cái gì có sẵn, cài sẵn trong con người, bất luận người đó ở đại lục nào trên thế giới, ví dụ, quan niệm thế nào là một người đàn bà đẹp chẳng hạn. Quan niệm về người đàn bà đẹp vẫn xoay quanh kích thước 3 vòng của người đàn bà và khuôn mặt, khác nhau chỉ qua màu da, quần áo, sự trang điểm vốn là những phần phụ. Cho nên không lạ gì các nhà nghiên cứu, phê bình văn chương, xin nhắc lại văn chương là vẻ đẹp vẻ sáng, ngày nay đồng ý một cách gần như những quy luật phổ quát khi viết truyện. Và những hình thức diễn đạt hoặc trong sáng, hấp dẫn hoặc tối tăm, rối rắm có chủ ý như trong một số tác phẩm ở phương Tây cũng như ở nước ta mới đây, những hình thức diễn đó chỉ là phụ như quần áo, trang sức.

Những quy luật phổ quát để có một truyện hay đó là:

1. Cái cốt truyện hay

2. Cách dùng chữ và phối hợp chữ sao cho hay và đẹp. Các câu, các đoạn, các chương sao cho sít sao, hợp lý, vừa đủ.

3. Có một tư tưởng chủ đạo thấm suốt tác phẩm.

Xin dẫn chứng 3 quy luật trên bằng truyện Kiều. Truyện Kiều:

1. Cốt truyện hay, hấp dẫn của truyện Kiều thì ai cũng biết rồi.

2. Cách dùng chữ, ví dụ khi tả sắc đẹp nàng Kiều, Nguyễn Du lựa chữ, dùng chữ như sau:

Làn thu thủy, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm, liểu hờn kém xanh

Một hai nghiêng nước nghiêng thành.

Mỹ lệ đến như thế là cùng nơi một người con gái.

Nhưng khi diễn tả anh chàng điếm đàng Mã Giám Sinh thì sắc bén đến mức điển hình:

Quá niên trạc ngoại tứ tuần,

Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.

Trước thầy sau tớ lao xao

Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang.

Ghế trên ngồi tót sỗ sàng.

Những hình ảnh như thế tới nay vẫn còn đúng để tả những anh chàng điếm đàng. Qúy vị có xem các phim xã hội đen nay cũng sẽ thấy như thế.

Còn các câu, các đoạn rất sít sao, hợp lý, vừa đủ. Xin miễn cho tôi trích dẫn ra đây, sợ quá dài.

3- Tư tưởng chủ đạo trong truyện Kiều là cái Mệnh Trời đối kháng với Tài Năng và Con Tim của người thế. Trời bắt sao phải chịu vậy, cũng na ná giáo lý Chúa Quan Phòng của Ki tô giáo, nhưng Trời bắt ta chịu số phận nhưng cũng cho Tài Năng và Trái Tim để con người có thể chủ động thoát Mệnh Trời, hay nói như Khái Hưng con người hãy cố “giữ được lòng vui, giữ linh hồn trong sạch và đem hết nghị lực ra làm việc”. Nguyễn Du viết rõ ý tướng chủ yếu của truyện Kiều như sau ở phần kết:

Ngẫm hay muôn sự tại Trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao

Nhưng đừng lo vì:

Chữ Tài, chữ Mệnh dồi dào cả hai.

Và vì:

Thiện căn ở tại lòng ta;

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.

Tâm Thanh, trong ba tập truyện ngắn, đa số các truyện đã thực hiện được những qui luật phổ quát đó. Xin đưa một truyện làm ví dụ: Truyện Con Bọ Mắt:

1. Cốt truyện: Con bọ mắt đối kháng với Vân, người vợ đẹp. Đúng là một cốt truyện hay, hấp dẫn.

2. Cách dùng chữ, phối hợp chữ và các câu ra sao để diễn tả con bọ đó. Xin mời quí vị nghe một trích đoạn:

“‘Nó’ nhỏ bằng hạt bụi mà bay thoăn thoắt, êm ru. Nếu tôi không bắt đầu để ý sự hiện diện của nó thì quả là nó … không có. Không hút máu như con muỗi ngổ ngáo. Không bu vào lon bia trên bàn như con ruồi dơ bẩn. Nhưng đã bắt đầu để ý tới nó thì không thể làm ngơ được. Nó thoắt hiện, thoắt biến, không biết từ đâu tới, không biết đi đâu. Tôi chỉ thấy được nó chớp nhoáng khi nó hiện ra trong tầm mắt, ngay trước mũi. Phòng khách nhà tôi, khi thắp đèn lên, có những mảng tối để tôn sự ấm áp của vùng sáng. Những khoảng tối đó là nơi con vật kỳ cục ẩn núp để trêu chọc tôi, làm cho nỗi khó chịu của tôi lớn dần trong chiều nay.”

Khi mức độ quấy nhiễu của con bọ mắt càng ngày càng tăng, tác giả còn gọi nó là con tinh, con yêu, con quái, con quỉ quái vân vân

Còn các câu, các đoạn thì sít sao, hợp lý, vừa đủ. Qúy vị xem truyện sẽ thấy.

3. Tư tưởng chủ đạo: Đó là: Trong cuộc sống vợ chồng xin đừng quá chú trọng những chuyện cãi vã vặt vãnh tượng trưng ở đây là con bọ mắt, mà quên đi người bạn đời yêu dấu của mình. Xin trích:

“Tôi trút nỗi bực mình về con quỉ sang Vân:

– Trồng cây trồng kiểng chi vậy không biết!

Vân ngơ ngác, nhưng vẫn nhẫn nhịn, lại gần, đứng trước mặt tôi. Những đường cong nổi bật qua làn lụa mỏng trước ánh đèn. Nhưng lúc này làn lụa mỏng trở thành một trở ngại trước mặt, khiến tôi không theo dõi được ‘con quỉ’

Tư tưởng chủ đạo như thế cũng giá trị rồi nhưng ngẫm kỹ một chút tác giả còn đưa ra một ý tưởng siêu hình Phật giáo. Đó là chớ có trụ vào, vướng vào những giả tướng, những huyễn tướng mà quên đi cái Phật tính, cái Bản Ngã đang nằm ngay trong lòng mình. Tại sao tôi có thể quả quyết như vậy, xin quý vị nghe:

“Giống như một cô bé nũng nịu, Vân thích mỗi tối tôi đọc cho nàng nghe một đoạn sách hay. Nàng thích, ví dụ tôi dịch một đoạn kịch thơ của Ibsen (cuốn sách tôi đang cầm tay tối nay) và tán rằng trong nhà thơ lớn này của Na-uy có đầy tư tưởng Phật. Nhưng tối nay chẳng có Bụt, chẳng có Ngã. Chỉ có con quái, con quỉ này.

Tác giả thả một câu thòng khơi khơi mà tài tình như vậy là để mời gọi độc giả khám phá thâm ý rường cột của tác phẩm.

Tác giả Việt Nam viết truyện ngắn ở Na Uy có 5 người: Nguyễn Thị Vinh với văn phong cổ điển Tự Lực Văn Đoàn nhưng cũng có phần sắc nét hơn trong những truyện bà viết sau này ở Na Uy; Đoàn Mai Tâm với bút pháp dung dị với những đề tài tự sự, điểm xuyết những trải nghiệm của anh ở Na Uy; Hoài Mỹ, đã nổi tiếng ở Việt Nam trước 75, với bút pháp bình thản, kiệm lời cố hữu, vẽ lại những mảnh đời, những bi kịch. Phạm Tín An Ninh, một sĩ quan QLVNCH, nổi tiếng thế giới người Việt, với những truyện ngắn chiến trường, đồng đội, về tù cải tạo với bút pháp đơn sơ mà chân thành, hào hùng mà ngậm ngùi. Với truyện Ở Cuối Hai Con Đường và truyện Trên Chiến Trường Xưa của anh, anh có thể ngang hàng với Eric Maria Remarque, tác giả viết truyện chiến tranh hay nhất của Đức.Nguyễn Văn Thà với lối viết hiện thực huyền ảo và phương pháp nhân vật nhị trùng. Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng: Tâm Thanh đã viết được nhiều truyện ngắn hay. Anh đã nâng truyện ngắn Việt Nam lên một bậc. Truyện ngắn anh có kỹ thuật cao, hóm hỉnh và đầy minh trí như thơ Nguyễn Khuyến, nhưng cũng lãng mạn một cách thâm trầm, ý vị.

Lệnh Triệu Ban Rồi

Tâm Thanh, mùa thu năm ngoái có cho ra đời cuốn Lệnh Triệu Ban Rồi – một trường hợp ung thư. Tôi cũng đã có vài lời bàn về cuốn này và đã được đăng trong giai phẩm Viết&Đọc, Xuân Giáp Ngọ 2014 và quý vị cũng có thể đọc trong trang nhà diendantheky.net. Ở đây tôi chỉ tóm tắt như sau:

1. Tôi nhận được cuốn sách khi tôi bước ra khỏi nhà đi làm, đưa luôn đến sở, và lén đọc được mươi trang. “Cảm giác đầu tiên của tôi là mình đang chạm tới cái mênh mông dễ chịu, đọc tử thư mà lòng lại thấy nhẹ nhàng.” Sau đó khi “Đọc xong tác phẩm, tôi vẫn còn cái cảm giác đầu tiên: như chạm tới cái mênh mông dễ chịu.”

2. Tâm Thanh kể một chút về bạn bè, những những mẫu nhân nhân vật anh kể có những tính cách cao đẹp của tình người, tình bạn của một lớp người nay đang sắp tiệt giống. Với những miêu tả như thế, Tâm Thanh vô tình đã tạo được bộ sưu tầm quý giá về nhân văn cho đời sau. Tả một cách chắt lọc, sắc bén, hóm hỉnh.

3. Kể lại một giai thoại văn học quan trọng về thái độ trước cái chết của cựu linh mục và là giáo sư Lê Tôn Nghiêm, một trong những cột trụ giới thiệu triết học Tây Phương vào Nam Việt Nam. Nơi chân quan tài của Thầy có tấm bảng ghi câu “Mon Dieu, la Destinée”mà chị của Tâm Thanh hiểu là: Thượng Đế của tôi, Định Mệnh, nhưng NVThà lại hiểu là“Than ôi, Định mệnh!” Hai lối hiểu khác nhau, vì chỉ khác nhau một dấu phẩy và một dấu chấm than, dẫn tới hai nhận định khác nhau về thái độ trước cái chết của giáo sư Nghiêm với cuộc đời trí thức thượng đẳng mà cũng gian truân của ông khi Cộng Sản chiếm miền Nam.

4. Tập thơ kèm trong tác phẩm LTBR có tên Vần Cuối Cho Anh của bạn đời anh: Khánh Hà gồm 23 bài. Nói lên tình khắng khít vợ chồng mà Tâm Thanh trong tác phẩm gọi là cửa vào thiên đàng và cũng nói lên một mối tình vừa văn chương vừa vợ chồng xưa nay hiếm.

Anh Tâm Thanh thân mến,

Khánh Hà có ba tập thơ với hàng trăm bài thơ giá trị, nhưng chỉ cần một bài cũng đủ tóm lại sự nghiệp làm thơ của chị. Đó là bài Tiếng Chim:

buổi chiều lắng

bóng chim vút qua

rớt lại tiếng kêu

trên hồ nước lặng

Thưa anh, anh, như kim cổ bao đời, sẽ vút qua, nhưng tiếng kêu của anh đã rớt lại cho chúng tôi, cho thế hệ mai sau, và mặt hồ chúng tôi sẽ không lặng khi lòng hồ đã may mắn nhận những tiếng kêu của con người muôn thủa vào lòng mình.

Cảm ơn qúy vị đã lắng nghe.

Cảm ơn ban tổ chức.

Oslo, 30 IV 2014, ba ngày trước ngày văn hóa Việt Nam ở Oslo, Na Uy mà Tâm Thanh sẽ không thể tham dự được vì bệnh nặng.

Nguyễn Văn Thà

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *