Sự ra đi của hai vị Tướng Tư Lệnh

Phạm Tín An Ninh

Ngày đầu tháng 3/2015, trong không khí ảm đạm của cơn mưa xuân, đông đảo những người lính già, đủ mọi quân binh chủng, có mặt tại nhà quàn nghĩa trang Peek Family trong thành phố Westminster (California), để chào tiễn biệt vị Niên trưởng- vị Chỉ huy trưởng – vị Tư Lệnh – ngày trước. Nổi lên giữa màu đen tang lễ, là những bộ quân phục trắng với bê rê đỏ của Thiếu Sinh Quân, worsted màu vàng trang trọng của những SVSQ Trường VBQGVN và những Kỵ Binh Thiết Giáp với mũ nồi đen.
Bên quan tài, cũng có lá cờ Tướng với một sao trắng trên nền đỏ, đứng hai bên không phải là những sĩ quan đồng cấp mà hầu hết là những niên đệ, đàn em, uy nghiêm trong thế thao diễn nghỉ. Một buổi lễ phủ kỳ khá trang trọng, dù không đủ lễ nghi quân cách, không có ban quân nhạc với tiếng kèn khai quân hiệu thuở nào, nhưng đủ để thể hiện được lòng kính trọng đối với một vị tướng đã có nhiều công trạng với đất nước.
Tang lễ của cựu Tướng Lý Tòng Bá, người đã chọn binh nghiệp từ thời niên thiếu ở trường Thiếu Sinh Quân, tốt nghiệp thủ khoa từ Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, sau này trở thành Chỉ HuyTrưởng Thiết Giáp Binh và cuối cùng là Tư Lệnh Sư Đoàn Bộ Binh, mà có thời được nhiều người biết đến với danh hiệu “Người hùng Kontum” khi ông là Tư Lệnh Sư Đoàn 23BB, đánh thắng các sư đoàn nổi tiếng của Cộng quân, giữ vững thành phố Kontum, địa đầu Tây Nguyên trong suốt “Mùa Hè Đỏ Lửa”1972.
Đến trước linh cửu, đứng nghiêm đưa tay lên chào ông lần cuối, ngoài danh nghĩa là một người lính, tôi còn là một thuộc cấp của ông tại Sư Đoàn này. Đã có mặt tại chiến trường Kontum trong suốt trận chiến, và thường có cơ hội gặp ông. Cả những lúc bị ông la rầy hay được ông khen thưởng.
Cũng như tôi, có lẽ những người lính có mặt trong tang lễ hôm nay, chào kính và tiễn biệt ông, trong cái tình “huynh đệ”, với lòng kính trọng dành cho một người anh, một ông thầy khả kính hơn là một thuộc cấp đối với một ông tướng. Bởi cái khoảng cách “quân giai” ấy trên thực tế đã không còn tồn tại. Có thể có một số không mấy đồng tình với ông về đôi điều ông làm, ông tuyên bố, hay đứng chung với nhân vật này nhân vật khác trong vài tổ chức sau ngày ông sang Mỹ, hay một vài tấm ảnh do Cộng sản giàn dựng, nhằm tuyên truyền bôi nhọ ông, nhưng chắc chắn tất cả đều kính trọng ông từng là một tướng lãnh VNCH, đã ghi nhiều chiến công trong cuộc chiến chống Cộng sản bảo vệ miền Nam Việt Nam. Nhiều người còn dành cho ông sự thương cảm, bởi ông là vị tướng không bỏ rơi thuộc cấp, chiến đấu tới giờ phút cuối cùng, bị địch quân bắt sống ngay trước giờ thứ 25 cuộc chiến, bị tù đày nghiệt ngã đến 13 năm, và nằm xuống khi không còn chút uy quyền hay ân sủng nào của quân đội hay quốc gia.
Trong cái không khí trang trọng thấm đẫm tình huynh đệ ấy, tự dưng tôi thấy lòng xúc động lẫn chút ngậm ngùi, khi liên tưởng tới sự ra đi và tang lễ của một vị Tướng Tư Lệnh khác, có nhiều điều giống ông, chỉ khác là vị tướng kia đã chết tại chiến trường khi miền Nam còn có quân lực và chính quyền. Và tang lễ của ông tất nhiên được tổ chức rất uy nghi trang trọng, với đầy đủ lễ nghi dành cho một tướng lãnh. Điều đặc biệt hơn, phu nhân của ông, nguyên là một nữ sĩ quan trong binh chủng Nhảy Dù, đã chết cùng ông, nên tang lễ đã được cử hành chung.
Trong hơn mười năm cuối cùng của miền Nam, cũng là thời gian tôi phục vụ tại Sư Đoàn 23BB, có hai vị Tư Lệnh nổi danh, đã tạo nên hai chiến thắng lẫy lừng: Tết Mậu Thân 1968 và Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Đó là Tướng Trương Quang Ân và Tướng Lý Tòng Bá. Hai vị có nhiều điểm giống nhau trong lúc khởi đầu, nhưng kết thúc khác nhau ở cuối cuộc đời binh nghiệp.
Cả hai đều xuất thân từ nhữngThiếu Sinh Quân ưu tú và sau đó là Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Một trùng hợp đặc biệt lý thú khác, cả hai vị đều tốt nghiệp thủ khoa. Tướng Trương Quang Ân tốt nghiệp thủ khoa Khóa 7 (Ngô Quyền) và Tướng Lý Tòng Bá thủ khoa Khóa 6 (Đinh Bộ Lĩnh).
TướngTrương Quang Ân chọn binh chủng Nhảy Dù, ông đã đạt nhiều thành tích nổi bật trong học tập, chỉ huy và chiến trận. Ngoài vị trí thủ khoa từ trường VBLQĐL, ông còn đậu thủ khoa tất cả các khóa tham mưu mà ông theo học, trong nước cũng như quốc tế, (đặc biệt đầu năm 1965, thủ khoa Khóa Chỉ Huy &Tham Mưu Cao Cấp tại trường Fort Leavenworth, Kansas – Hoa Kỳ, mà khóa sinh hầu hết là sĩ quan từ các quốc gia đồng minh, kể cả Mỹ). Ông đã tạo nhiều chiến công hiển hách từ khi còn nắm giữ các chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng (TĐ8), Chiến Đoàn Trưởng (CĐ2) Nhảy Dù. Với những thành tích ấy, ông đã vượt qua người niên trưởng Thủ Khoa Khóa 6 cũng rất tài ba, nhận chức Tư Lệnh Sư Đoàn 23 BB vào ngày 24/11/1966 và được thăng cấp đặc cách Chuẩn Tướng vào ngày 19/6/1968, trước niên trưởng Lý Tòng Bá của mình đúng bốn năm.

Trong trận Mậu Thân, vào khoảng 1 giờ 30 sáng ngày mồng một Tết, Cộng quân bất ngờ tấn công vào thành phố Ban Mê Thuột ( nơi đặt bản doanh BTL/SĐ23BB), với toàn bộ Trung Đoàn 33 được tăng cường 2 Tiểu Đoàn 301 và 401 cơ động tỉnh cùng 4 đại đội địa phương. Địch quân đã xâm nhập vào một số khu vực hành chánh và trại gia binh. Tư lệnh Sư Đoàn Trương Quang Ân điều động hai Tiểu Đoàn 1, 2 và Đại Đội Trinh Sát của Trung Đoàn 45 đang hành quân bên ngoài, bất thần đánh từ sau lưng địch và làm vòng đai bao vây. Ông cũng trực tiếp điều động hai chi đoàn của Thiết Đoàn 8 Kỵ Binh phản công từ bên trong, tạo địch quân trong thế gọng kềm. Lực lượng địch bị chia cắt và tiêu diệt gần như toàn bộ. Xe của ông bị bắn cháy phía sau, nhưng ông rất bình tĩnh và can đảm, nhảy xuống xe thoát nạn, tiếp tục điều quân và tạo nên chiến thắng vẻ vang. Ban Mê Thuột hoàn toàn được giải tỏa, Trung đoàn 33 và các đơn vị địa phương, du kích của địch bị đánh tan tác, để lại 924 xác trên trận địa và 143 bị bắt sống.
Cũng trong thời điểm ấy, tại Bình Thuận, một tỉnh cũng nằm trong lãnh thổ trách nhiệm của Khu 23 Chiến Thuật mà ông kiêm nhiệm Tư lệnh, Trung Đoàn 44 BB đang hành quân tại khu Vĩnh Hảo, Tuy Phong, cách thị xã Phan Thiết hơn 100 cây số, nhận lệnh trực tiếp từ Tướng Vĩnh Lộc, Tư Lệnh Quân Đoàn II, di chuyển khẩn cấp vào giải vây thành phố Phan Thiết, bị Cộng quân tấn công và đã xâm nhập một số cơ sở. Trung Đoàn 44 và Chi Đoàn 4/8 TK tăng phái đã chiến đấu rất dũng cảm trong một vị thế cam go, bất lợi, cuối cùng đã đánh bật các đơn vị Cộng quân ra khỏi thành phố. Sau đó Tiểu Đoàn 3/44 và Chi Đoàn 4/8 TK được một đại đội bộ binh tùng thiết, chia làm 2 cánh truy kích và tiêu diệt một số lớn địch quân trên đường rút lui, tháo chạy. Giao các vùng tái chiểm lại cho TK Bình Thuận, BCH/Trung Đoàn 44 di chuyển về Trinh Tường, ngoại ô thành phố, chuẩn bị trở về vùng hành quân cũ.
Nhưng ba tuần sau, Cộng quân lại điều động một số lực lượng khác từ các tỉnh Bình Tuy, Ninh Thuận, tấn công đợt thứ nhì vào thành phố Phan Thiết. Lần này, chúng tung các toán đặc công tinh nhuệ đánh thẳng vào tòa tỉnh và chiếm lao xá bằng mọi giá, nhằm giải thoát những tù binh CS bị giam giữ, mặc dù trước đó Tiểu Khu Bình Thuận đã nhanh chóng chuyển số tù binh nguy hiểm đến một địa điểm an toàn khác.
Trong tình hình nguy ngập, vị Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng, Trung Tá Nguyễn Khắc Tuân, vì một lý do nào đó bay lên BTL Quân Đoàn (Pleiku) chưa về kịp. Chỉ có Thiếu Tá Trần Văn Chà, Tiểu Khu Phó (nguyên là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3/45) có mặt tại Tiểu Khu. Tướng Trương Quang Ân (khi ấy còn Đại Tá) vừa tạm xong trận chiến Ban Mê Thuột, liền bay xuống Phan Thiết. Khi biết vị Tỉnh Trưởng /Tiểu Khu Trưởng không có mặt, ông tuyên bố tạm thời kiêm nhiệm chức vụ Tiểu Khu Trưởng Bình Thuận kể từ giờ phút ấy, và tức khắc trực tiếp chỉ huy cuộc phản công. Đích thân ông đã ban kế hoạch, điều quân, và hướng dẫn một đại đội của Tiều Đoàn 3/44, chia từng toán nhỏ, trang bị nhiều lựu đạn tấn công và hơi cay, đánh từ nhiều hướng vào khu vực lao xá (nằm không xa tòa tinh) do sơ hở của một đơn vị bố phòng thuộc TK/ Bình Thuận, bị Cộng quân xâm nhập, thả một số tù binh.
Một trận chiến thật cam go, nhưng dưới sự điều động trực tiếp của ông, chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ sau, quân ta đã đánh bật Cộng quân ra ngoài và tiêu diệt toàn bộ các toán đặc công cố thủ trong bờ thành lao xá. Cùng lúc ấy, Tiểu Đoàn 3/44 của Thiếu Tá Mai Lang Luông cũng đánh đuổi địch quân ra khỏi khu vực trường Thánh Tâm, lực lượng Cảnh sát phòng thủ mặt hướng Đông, dưới sự chỉ huy của Thiếu Tá Hồ Đức Nhị, một vị trưởng ty gan dạ và mưu lược, cũng đánh bật lực lượng địch cuối cùng ra khỏi vòng đai thành phố. Tiểu Đoàn 4/44 của Thiếu Tá Vũ Công Khanh truy kích tiêu diệt những tên địch cuối cùng trên đường tháo chạy. Ngay sau khi trận chiến vừa kết thúc, Tư Lệnh Trương Quang Ân, đã quyết định thăng cấp tại mặt trận và gắn lon trung tá cho Thiếu Tá Võ Khâm, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 44BB, do chính ông bổ nhiệm.
Với tài năng lãnh đạo, chỉ huy và tạo nên các chiến thắng lẫy lừng, ông được thăng cấp đặc cách lên Chuẩn tướng vào ngày Quân Lực 19.6.68.

(Tướng Trương Quang Ân)

Ngày 8.9.1968, ông cùng phu nhân bay lên Quảng Đức để thăm viếng và ủy lạo binh sĩ. Lúc 10 giờ 30 sáng, sau khi rời khỏi tiền đồn Đức Lập, chiếc trực thăng H-34 chở vợ chồng ông và tùy tùng bị rớt. Ông bà đã hy sinh cùng với Đại tá Cố Vấn Trưởng, hai phi công và các sĩ quan Việt- Mỹ tháp tùng.
Ông nổi tiêng là một vị tướng nghiêm khắc, nhưng rất cương trực, thanh liêm. Khi ông và phu nhân hy sinh, ngôi nhà nhỏ của ông bà trong cư xá Lê Đại Hành, chỉ vừa đủ chỗ cho 2 chiếc quan tài, và theo báo chí, trong sổ tiết kiệm vỏn vẹn có 50.000 đồng.
Sáng ngày 10/9/1968, tang lễ của ông và phu nhân được cử hành vô cùng trọng thể, với sự hiện diện đông đủ của các cấp lãnh đạo chính quyền và quân đội: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Phó TT Nguyễn Cao Kỳ, Thủ Tướng Trần Văn Hương, Đại Tướng Cao Văn Viên, Đại Tướng Creigton W. Abrams, Tổng Tư Lênh Quân Lực Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, các vị Chủ Tịch Thượng và Hạ Viện, cùng rất nhiều tổng, bộ trưởng và tướng lãnh. Ông được truy thăng Thiếu Tướng và truy tặng Đệ Tam Đẳng BQHC kèm anh dũng bội tinh với nhành dương liễu. Phu nhân ông cũng được truy tặng Đệ Ngũ Đẳng BQHC. Luân phiên túc trực hai bên quan tài của ông là các vị thiếu tướng, chuẩn tướng và đại tá, hai bên quan tài của bà là những sĩ quan nữ quân nhân. Đám tang được dẫn đầu bởi hai toán dàn chào danh dự của binh chủng Nhảy Dù, đứng trên xe trong tư thế bắt súng chào, đông đảo đại diện các quân binh chủng và nhiều tướng lãnh tháp tùng. Dù phải di chuyển dưới cơn mưa tầm tã, đám tang vẫn giữ sự uy nghiêm và đúng lễ nghi quân cách. Ông bà được an táng tại Nghĩa Trang Mạc Đỉnh Chi, Sài gòn (khi ấy chưa có Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa)
Cuối tháng 1 năm 1972, Đại Tá Lý Tòng Bá về nắm chức Tư Lệnh Sư Đoàn 23 BB, thay thế Chuẩn Tướng Võ Văn Cảnh. Tướng Cảnh là người ở Sư Đoàn khá lâu và đóng góp nhiều chiến công cho đại đơn vị này. Từ chức vụ Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 45, và sau đó là Tư Lệnh Phó Sư Đoàn, ông đã được đề bạt vào chức vụ Tư Lệnh thay thế Tướng Trương Quang Ân tử nạn.
Khi Đại Tá Lý Tòng Bá về Sư Đoàn, nhiều nguồn dư luận đã làm một số sĩ quan mất thiện cảm nơi ông. Nhiều người nghĩ rằng ông là “người”của John Paul Vann, một người dân sự (trung tá đã giải ngũ) nhưng lại làm Cố Vấn Trưởng cho Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn II/QK2. Ông ta có tài, gan dạ, liều lĩnh, nhưng bản tánh nóng nảy bốc đồng và khá kênh kiệu, nhiều người không thích. Báo chí gọi ông là “phù thủy mắt xanh”, và cho biết là ông đã đề nghị (sau đó là áp lực) Trung Tướng Ngô Dzu,Tư lệnh Quân Đoàn, phải thay thế hai vị Tư Lệnh Sư Đoàn. Đồng thời đề bạt Đại Tá Lê Minh Đảo thay thế Chuẩn Tướng Võ Văn Cảnh trong chức vụ TL/SĐ23BB và Đại Tá Lý Tòng Bá thay thế Thiếu Tướng Lê Ngọc Triển, trong chức vụ TL/SĐ22BB. Riêng Đại Tá Lý Tòng Bá còn được báo chí cho biết là em bà con với người vợ Việt Nam của John Paul Vann. Điều này đã xôn xao trên báo chí và gây khó khăn không ít cho Tướng Ngô Dzu. Cuối cùng, với sự đồng tình của TT Nguyễn Văn Thiệu và Đại Tướng Cao Văn Viên, Tướng Ngô Dzu đã chấp nhận thay thế hai vị Tư Lệnh Sư Đoàn, nhưng chỉ có Đại Tá Lý Tòng Bá nhận Sư Đoàn 23BB. Riêng Sư Đoàn 22BB, Đại Tá Lê Đức Đạt, Tư lệnh Phó lên thay tướng Triển. Đại Tá Đạt là niên trưởng (Khóa 5 – Hoàng Diệu) của Tướng Bá từ trường Võ Bị và cùng Khóa Cao Cấp Thiết Giáp tại trường Saumur, Pháp năm 1955). Tướng Bá cũng đã từng làm việc dưới quyền (cấp phó) của Đại Tá Lê Đức Đạt khi hai ông còn ở Trung Đoàn 2 TG và TTHL Cơ Giới Bảo An/ Vũng Tàu. Vì lý do tế nhị này, nên ông cũng không muốn nhận Sư Đoàn 22BB, khi Đại Tá Đạt đang là Tư Lệnh Phó.
Vào khoảng 2 giờ sáng ngày 24/4/72, chỉ gần hai tháng sau ngày nhận chức Tư Lệnh, Đại Tá Đạt hy sinh tại chiến trường Tân Cảnh, khi BTL/SĐ22BB bị đại quân CS tràn ngập bằng chiến xa T-54 và đặc công sau những trận địa pháo nặng nề và sử dụng hỏa tiễn Sagger AT-3 để làm tê liệt các chiến xa và sức chiến đấu của lực lượng trú phòng. Dư luận trong đơn vị cũng như báo chí cho rằng Đại Tá Đạt bị John Paul Vann ganh ghét và không yểm trợ B-52 cho Sư Đoàn 22BB, khi luôn tìm cách bác bỏ tin tức có sự xuất hiện chiến xa địch do BTL/SĐ22BB báo cáo lên Quân Đoàn, nên đã mang đến sự thất bại nặng nề cùng cái chết oan khuất của vị tư lệnh.
Khi thấy tình hình vô vọng, Đại Tá Kaplan, Cố vấn trưởng Sư Đoàn, đã liên lạc khẩn cấp yêu cầu Cố vấn trưởng Quân Đoàn bay lên cứu ông và toán cố vấn. Khoảng 4 giờ sáng, ông John Paul Vann đích thân lái trực thăng trinh sát OH-58 Kiowa đáp xuống một bãi đáp rất nhỏ bên cạnh bãi mìn để bốc Đại tá Kaplan và các quân nhân trong toán Cố Vấn Mỹ.Trước khi trực thăng đáp xuống, Đại Tá Kaplan đã đến báo cho Đại Tá Lê Đức Đạt và yêu cầu ông cùng lên trực thăng ứng cứu của ông John Paul Vann nhưng Đại Tá Đạt đã từ chối. Vị Tư lệnh SĐ 22 BB đã biết rõ tình hình rất bi đát, nhưng ông vẫn không yêu cầu Trung Tướng Ngô Dzu cho trực thăng bay lên cứu. Ông ra lệnh cho tất cả các quân nhân còn lại trong căn cứ tìm cách thoát ra ngoài trước khi trời sáng. Khi bắt tay vĩnh biệt Đại Tá Tôn Thất Hùng và các sĩ quan, ông nói với mọi người: “Là Tư lệnh, tôi phải ở lại với Tân Cảnh” (theo lời kể của Đại Tá Hùng sau khi sống sót trở về, nhờ những người Thượng cứu giúp). Người ta đã hỏi nhau, nếu Đại Tá Lý Tòng Bá nhận chức vụ Tư Lệnh SĐ 22BB, liệu cục diện có đổi thay? Sư Đoàn 22 có phải thảm bại để Đại Tá Lê Đức Đạt đã hy sinh oan uổng?
Sau khi SĐ22BB bị thảm bại ở Tân Cảnh, Sư Đoàn 23 BB của Đại Tá Lý Tòng Bá nhận lệnh di chuyển khẩn cấp lên Kontum để kịp thời ngăn chặn một lực lượng địch hùng hậu (cấp quân đoàn) của Mặt Trận B3 do Tướng CS Hoàng Minh Thảo chỉ huy, tràn xuống trong ý đồ chiếm lấy Kontum và làm chủ Tây Nguyên. Lúc này việc di chuyển trên Quốc Lộ 14 từ Pleiku lên Kontum đã rất khó khăn vì Cộng quân đã dùng một tiểu đoàn đặt những cái chốt rất kiên cố trên đỉnh núi Chu Pao với rất nhiều ổ súng đại liên, đại bác 75 ly, hỏa tiển chống chiến xa và phòng không. Đại Tá Bá đến Kontum với Trung Đoàn 45, Trung Đoàn 53, và một chi đoàn chiến xa M-41 thuộc Thiết Đoàn 8/KB. Khi đoàn quân của Trung Đoàn 45 bị nghẻn lại ở Chu Pao, bị thiệt hại mà không thể nào tiến lên được. với sở trường và kinh nghiệm của một sĩ quan Thiết Giáp kỳ cựu, Đại Tá Bá đã sử dụng Chi Đoàn 1/8 Chiến Xa (M-41), được một đại đội của Tiểu Đoàn 4/45 tùng thiết, theo vết xe be leo lên đỉnh núi để bất thần tiêu diệt đè bẹp các chốt kháng cự của Cộng quân, ngay sau khi hai chiếc trực thăng võ trang của Phi Đoàn Thần Tượng 215, chỉ huy bởi Trung Úy Vĩnh Hiếu, rất thông minh và gan dạ, bay sát mục tiêu, sử dụng hỏa tiễn đầu nổ đinh (fletchettes), tác xạ chính xác vào các chốt kiên cố trong các hầm núi đá, hổ trợ hữu hiệu cho quân bạn. Một trận chiến khó tưởng tượng nhưng đã thành công với sự chỉ huy tài ba và gan dạ của anh Chi Đoàn Trưởng trẻ tuổi, Đại Úy Lê Quang Vinh.
Đến Kontum, việc đầu tiên là ông yêu cầu được hoàn trả các đơn vị tăng phái gồm Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù, Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân và một số đơn vị còn lại của Sư Đoàn 22BB, để được lấy lại Trung Đoàn 44 BB, đang hành quân ở An Khê, do Quân Đoàn sử dụng làm lực lượng trừ bị và bảo vệ BTL/Quân Đoàn. Theo ông, Trung Đoàn 44 là đơn vị thiện chiến nhất của Sư Đoàn, và với những đơn vị cơ hữu sẽ dễ dàng cho ông hơn về mặt chỉ huy. Hơn nữa các đơn vị tăng phái, dù thuộc các binh chủng thiện chiến, nhưng đã quá mệt mỏi và tinh thần giao động sau sự kiện Tân Cảnh và Căn cứ Charlie. Ngay từ quyết định đầu tiên này đã là một quyết định rất sáng suốt của vị Tư Lệnh Chiến Trường. Vì chỉ sau 24 tiếng đồng hồ được không vận xuống Kontum để trám vào tuyến phòng thủ Tây Bắc, cách thị xã Kontum 4 cây số, thay thế cho Liên Đoàn 6 BĐQ và một đơn vị của SĐ22BB, lúc gần 5 giờ sáng ngày 15.5.72, Trung Đoàn 44 BB đã mở đầu bằng một chiến thắng thật lẫy lừng, đánh bại lực lượng của Sư Đoàn 320 CS cùng một tiểu đoàn xe tăng T-54, từ Tân Cảnh tràn xuống tấn công trực diện vào tuyến phòng thủ của Trung Đoàn. Năm xe tăng bị bắn cháy, hai chiếc bị bắt sống với tên đại đội trưởng. Địch tháo chạy ngược về hướng Bắc, bị các oanh tạc cơ thuộc Phi Đoàn 530-Thái Dương (Pleiku) và sau đó là B-52 dội bom tiêu diệt. Sau trận này, địch quân bị loại khỏi vòng chiến hai Trung Đoàn 48 và 64 thuộc Sư Đoàn 320 và 15 chiến xa T-54 của Trung Đoàn 2 TG.
Ngay sáng hôm ấy, khi khói lửa chưa tan, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Toàn, vừa mới nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn II thay Tướng Ngô Dzu, bay lên Kontum và cùng Đại Tá Lý Tòng Bá, dùng chiến xa M-113 di chuyển đến tận trận địa, mừng chiến thắng, khen ngợi Trung Đoàn 44BB và gắn lon đại tá cho Trung Tá Trần Quang Tiến, Trung Đoàn Trưởng. Bốn anh tiểu đoàn trưởng cũng được lệnh vinh thăng mỗi người một cấp,
Đúng một tuần lễ, sau chiến thắng đầu tiên, vào ngày 21/5/72, toàn bộ Trung Đoàn 44 được điều về “dưỡng quân” trong vòng đai thành phố, cũng là tuyến phòng thủ cho BTL/Sư Đoàn. BCH/Trung Đoàn đóng trong thành Dakpha, nằm ngay phía sau và chỉ cách Bệnh Viện 2 Dã Chiến một lớp hàng rào phòng thủ, (phi trường Kontum nằm hướng nam khoảng 600 mét), được bảo vệ bởi Đại Đội 44 Trinh Sát, cũng là lực lượng trừ bị. Tiểu Đoàn 3 và 4/44 phòng thủ vòng đai phía Đông, bên cánh phải BCH/Trung Đoàn. Riêng hai Tiều Đoàn 1 và 2/44 do Thiếu Tá Ngô Văn Xuân, Trung Đoàn Phó chỉ huy, phòng thủ vòng đai phía Nam, bên bờ sông Dakbla. Nhưng chỉ hai ngày sau, theo yêu cầu của John Paul Vann, Cố Vấn QĐ, Đại Tá Bá ra lệnh cho Thiếu Tá Xuân cùng hai Tiểu Đoàn 1 và 2/44, tổ chức thành một chiến đoàn đặc nhiệm, trang bị súng cá nhân và lựu đạn, tham dự một cuộc hành quân hậu địch, mà chính cá nhân ông cũng thấy quá mạo hiểm. Sau khi B-52 đánh 2 box vào khuya hôm ấy, Chiến Đoàn Đặc Nhiệm được trực thăng vận đổ xuống phía Bắc, sau lưng phòng tuyến địch từ 10-15km. để bất ngờ mở một cuộc càn quét địch từ Bắc xuống Nam, lấy QL-14 làm chuẩn hướng về Kontum.
Nhờ kế hoạch đánh lừa địch cùng với kinh nghiệm tuyệt vời của các phi công thuộc Phi Đoàn Lạc Long 229, cuộc đổ quân an toàn và hoàn tất lúc 9 giờ sáng. Nhưng ngay sau khi rời bãi đáp, lực lượng ta liên tiếp đụng độ các toán hậu cần, thông tin liên lạc của địch. Bọn chúng đang gánh cơm đi tiếp tế và giăng giây điện thoại. Đến khoảng 12 giờ trưa, khi còn cách thị xã Kontum khoảng 10 cây số, sau khi nhìn thấy khói lửa ngộp trời ở hướng thành phố cùng tiếng pháo nổ dồn dập không dứt, Thiếu Tá Xuân nhận lệnh của Đại Tá Bá, bằng mọi cách, ngay cả việc phải đạp trên đầu địch, để đưa lực lượng trở về BTL gấp.
Những trận đánh tốc chiến xảy ra, phải đạp qua phòng tuyến hung hiểm của địch nằm đối diện với Trung Đoàn 45. Cuối cùng như một phép màu, Chiến Đoàn đã có mặt tại Kontum sau 4 tiếng đồng hồ, chỉ có một thiếu úy và 13 binh sĩ hy sinh, 5 thương binh đã mang về được. Đại Tá Bá ra đón đơn vị tại tuyến phòng thủ với nỗi vui mừng và xúc động. Tiểu Đoàn 1/44 được giữ lại phòng thủ BTL/SĐ, Tiểu Đoàn 2/44 về lại tuyến phòng thủ bên kia bờ sông, khu vực Phương Hòa. Thiếu Tá Xuân trở về BCH Trung Đoàn. Ngày hôm ấy, Cộng quân đã pháo kích liên tục vào thành phố hơn hai ngàn quả đạn pháo đủ loại. Căn cứ BTL/SĐ bị hư hại nặng nề, nhưng rất may, chỉ có một hạ sĩ quan chết và vài binh sĩ bị thương.
Sáng ngày 23.5, Tướng Hoàng Minh Thảo tung hai Sư Đoàn 2 và 10 cùng một đại đội chiến xa gồm T-54 và T-59 tấn công vào phòng tuyến phía Đông thị xã. Lần này Hoàng Minh Thảo áp dụng chiến thuật “nở hoa” với kinh nghiệm từ trận đánh Tân Cảnh, mà chúng vừa thu được kết quả ngoài sự mong đợi. Không đụng vào các tuyến đầu mà tìm cách thâm nhập đánh sâu vào vào đầu não của ta, Bộ Tư lệnh Sư Đoàn. Chúng chọn một tiểu đoàn của Sư Đoàn 3 Sao vàng được tăng cường một Đại Đội Chiến Xa gồm các xe tăng T-54 và T-59, làm nỗ lực chính xâm nhập vào Bệnh Viện 2 Dã Chiến (đã di tản thương binh), nằm phía trước cách thành Dakpha chỉ một hàng rào phòng thủ, nơi đặt BCH Trung Đoàn 44. Thành Dakpha nguyên là bản doanh của BTL/Biệt Khu 24 nên chúng tưởng lầm Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23BB đang đóng ở đây. Một lần nữa Trung Đoàn 44BB chứng tỏ sự dũng cảm và thiện chiến của mình. Khi đợt tiền pháo vừa dứt, ba chiếc xe tăng T-54 đầu tiên ủi vào lớp hàng rào phòng thủ để tấn công vào BCH Trung Đoàn, chỉ cách hàng rào chừng 50 mét, Đại Đội 44Trinh Sát của Trung úy Đoàn Quang Mạnh (Đại Đội Phó tạm thay thế Đại Úy Phan Công Minh vừa bị thương còn nằm trong quân y viện) dùng M-72 chống tăng và XM-202 lân tinh chống biển người đồng loạt trực xạ vào toán xe tăng và bộ binh địch. Địch hốt hoảng bỏ chạy, hai chiếc tăng bị bắn cháy, trong đó có xe chỉ huy của tên đại đội trưởng. Lục trong xác chết của tên này (Đại úy Vinh), trước ngực có đeo một chiếc túi bằng da đựng bản đồ, một quyển sổ nhật ký và một lá cờ đỏ sao vàng có thêu bốn chữ “Đơn Vị Anh Hùng”. Sau đó, Phòng 2 Sư Đoàn xác nhận chính tên này đã chỉ huy đại đội chiến xa đánh chiếm căn cứ Tân Cảnh của Sư Đoàn 22BB mới đây. Đại Đội 44 Trinh Sát chia từng toán nhỏ, tìm cách vượt qua hàng rào phòng thủ, men theo các vách nhà bệnh viện để tiệu diệt các xe tăng địch còn lại và hướng dẫn phi cơ oanh tạc. Tất cả tăng và bộ binh địch đều bị tiêu diệt.
Đại Tá Lý Tòng Bá có mặt tại BCH/ Trung Đoàn khi chiến trận còn đang tiếp diễn khốc liệt. Ông đựợc Đại Tá Tiến, Trung Đoàn trưởng trao cho tập sổ tay và lá cờ của tên Đại Đội trưởng xe tăng CS. Ông đến bắt tay khen thưởng, ôm Trung Úy Mạnh và một số chiến sĩ Trinh Sát, rút tiền trong túi ra tặng những chiến sĩ vừa bắn hạ xe tăng địch. Thái độ của ông đã làm nức lòng thuộc cấp.
Một đơn vị khác của địch xâm nhập vào trại Ngọc Hồi, khu gia binh và hậu cứ của Thiết Giáp, đánh vào sườn phải BCH /Trung Đoàn, bị Tiểu Đoàn 3/44 của Thiếu tá Hồ Đắc Tùng đánh bật ra ngoài, sau đó hướng dẫn phi pháo tiêu diệt. Pháo Đội Pháo Binh 155ly trú đóng phía sau BCH/Trung Đoàn đã phải hạ tất cả nòng súng trực xạ liên tục, tiêu diệt địch quân từng đợt dàn hàng ngang tấn công trước mặt. Một đại đội địch chiếm được kho quân tiếp vụ và dành nhau ăn những hộp trái cây ngọt. Do đang đói nên hầu hết bị say, bị lính quân y thuộc Đại Đội Quân Y của Y sĩ Đại úy Nguyễn Văn Oánh bắt sống, một số đông đưa tay đầu hàng, xin được hồi chánh.
Một lực lượng địch hùng hậu khác đánh vào thành phố và chiếm được Tòa Giám Mục Kontum. Tiểu Đoàn 4/44 của Thiếu tá Võ Anh Tài và sau đó Tiểu Đoàn 2/44 của Thiếu tá Nguyễn Xuân Phán, được đích thân Đại Tá Lý Tòng Bá chỉ định tăng cường bao vây, giải tỏa khu vực, không xử dụng phi pháo, bằng mọi cách phải chiếm lại khu nhà thờ và Tòa Giám Mục trong tình trạng không bị hư hại. Trận chiến khá cam go này kéo dài gần hai ngày, cuối cùng Tiểu Đoàn 2 và 4/44 đã tiêu diệt những tên địch cuối cùng và chiếm lại Tòa Giám Mục.
Ngày 30.5.72, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đến Kontum mừng chiến thắng. Khi trực thăng của ông vừa đáp xuống BTL trong căn cứ B-12, Cộng quân đã “dàn chào” bằng mấy loạt pháo kích. Ông tươi cười bình tĩnh, từ chối khi Đại Tá Bùi Hữu Khiêm TMT/ SĐ đưa cho ông chiếc áo giáp. Tổng thống đã tuyên dương công trạng Sư Đoàn 23 BB, gắn sao Chuẩn tướng thăng cấp đặc cách tại măt trận cho Tư Lệnh Lý Tòng Bá, và cấp bậc thiếu tá cho Chi Đoàn Trưởng Chiến Xa 1/8 KB. Đây chỉ là tượng trưng, sau đó còn nhiều quân nhân có công khác được thăng cấp đặc cách, trong đó có Thiếu Tá Ngô Văn Xuân, Trung Đoàn Phó Trung Đoàn 44BB, là người chỉ huy trực tiếp hai cuộc phản công và cuộc đánh hậu địch rất ngoạn mục. Trong cuộc tổng kết thành tích Mùa Hè 1972, Sư Đoàn 23 BB được Bộ TTM xếp hạng nhất (trước Sư Đoàn 1 BB: hạng 2, và Sư Đoàn Nhảy Dù: hạng 3) với phần thưởng 8.600.000- đồng. Thành tích tạo chiến thắng lớn, nhưng thiệt hại nhẹ nhất về cả nhân mạng lẫn phần đất bảo vệ.

(Tướng Lý Tòng Bá)

Chiến thắng vẻ vang này tất nhiên thuộc công trạng tất cả chiến binh các cấp của Sư Đoàn 23BB, đặc biệt là Trung Đoàn 44BB, Chi Đoàn 1/8 Thiết Kỵ, và các đơn vị Không Quân yểm trợ (gồm các Phi đoàn trực thăng Lạc Long 229, Sơn Dương 235. Thần Tượng 215, Phi Đoàn khu trục Thái Dương 530 và các Phi đoàn quan sát Sao Mai 114, Bắc Đẩu 118). Tuy nhiên B-52 của Hoa Kỳ đã góp phần không nhỏ trong trong việc tiêu diệt phần lớn lực lượng địch tham chiến hoặc đang ẩn nấp làm trừ bị. Nói một cách công bình hơn, một Sư Đoàn 23 BB (không đủ Thiết Đoàn Kỵ Binh và các Tiểu Đoàn Pháo Binh cơ hữu) không thể đánh thắng và làm tê liệt 3 Sư Đoàn của Cộng quân, (được tăng cường 1 trung đoàn đặc công, 2 trung đoàn pháo, 1 trung đoàn xe tăng và 6 tiểu đoàn phòng không), nếu không có các đơn vị Không Quân VNCH và đặc biệt B-52 của Hoa Kỳ.
Với công trạng này, vị Tư Lệnh Sư Đoàn 23BB kiêm Tư Lệnh Mặt Trận Kontum, Lý Tòng Bá, rất xứng đáng để được vinh danh, được báo chí và dân chúng gọi là “Người Hùng Kontum”
Một nhân vật rất quan trọng khác có tính cách quyết định chiến thắng Kontum, phải kể ông John Paul Vann, Cố Vấn Trưởng Quân Đoàn II. Ông luôn có mặt bên cạnh TL Lý Tòng Bá, đặc biệt vào những thời điểm cam go nguy hiểm nhất. Ông thường xuyên bay từ Pleiku lên ngủ đêm ở BTL/SĐ. Ngoài việc gây tin tưởng cho Tướng Bá cũng như quân sĩ, ông còn bàn thảo tỷ mỷ các kế hoạch phòng thủ, phản công và đặc biệt đáp ứng những yêu cầu của Tướng Bá, dành quyền ưu tiên sử dụng tối đa B-52 cho mặt trận Kontum.
Mặc dù Tướng Lý Tòng Bá luôn minh định ông không phải là người “nhà”của John Paul Vann. Giữa ông và ông Vann chỉ quen biết và tôn trọng nhau từ khi ông Vann là Trung Tá Cố Vấn cho Sư Đoàn 7BB, thời Tướng Huỳnh Văn Cao là Tư Lệnh, và khi ấy ông Bá là Đại Đội trưởng ĐĐ7 Cơ Giới M113. sau đó là Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 2 Thiết Giáp thống thuộc Sư Đoàn này, (mặc dù trước đó ông Bá rất bất bình John Paul Vann về việc nhận xét và tuyên bố sai lạc trên báo chí Mỹ về Trận Ấp Bắc, mà ĐĐ 7-M113 của ông đã rất anh dũng chiến đấu, đạt nhiều thắng lợi thay vì thất bại như ông Vann và vài ký giả người Mỹ khác đã rêu rao tạo cho CS có cớ để tuyên truyền. Sau này John Paul Vann đã nhận ra sai lầm và nhiều lần xin lỗi ông Bá).
Tuy nhiên, qua nhiều sự kiện, người ta thấy ông Vann đã đối xử rất đặc biệt với Tướng Lý Tòng Bá. Khi nhận chức vụ Tư lệnh Sư Đoàn 23 BB, ông Bá không thích người Cố Vấn Mỹ, Đại Tá Robert Kellar. Vann liền thay thế Đại tá Kellar bằng Đại Tá John Truby, nhưng Đại Tá Lý Tòng Bá muốn người làm Cố Vấn cho mình phải là Đại Tá R.M.Rhotenberry, người đã từng làm cố vấn bên cạnh ông vào những năm 65-66, khi ông làm Tỉnh trưởng/Tiểu Khu trưởng Bình Dương, mà ông rất tâm đắc. Đại Tá Rhotenberry mãn nhiệm kỳ phục vụ tại Việt Nam và về Mỹ đã lâu, vậy mà John Paul Vann tìm mọi cách đưa ông trở lại Việt Nam để làm Cố Vấn cho Đại Tá Lý Tòng Bá. Ông nhận lệnh lên đường khần cấp và đến Kontum chỉ 5 ngày trước cuộc tổng tấn công của quân Cộng Sản.
Cũng vì giữ lời hẹn ở lại đêm tại Kontum với Tướng Bá, vào buổi chiều sắp tối ngày 9.6.72, từ BTL/QĐ II (thành Pleime-Pleiku) ông Vann tự lái trực thăng bay lên Kontum, nhưng khi còn cách Kontum 10 phút bay, gần khu vực Chu Pao, máy báy bị (bắn?) rớt. Ông đã chết với 2 quân nhân tùy tùng.
Ông là vị dân sự duy nhất được cử làm Cố Vấn Quân Đoàn. Người Mỹ gọi ông là ông tướng dân sự (civil general), những sĩ quan Mỹ dưới quyền ông và một số sĩ quan Việt Nam vẫn gọi ông là “Sir General!”
Sư Đoàn 23 BB có hai vị tư lệnh nổi danh vì đã tạo những chiến thằng vẻ vang nhất. Tuy nhiên với tình hình chiến tranh ngày một leo thang (sau khi Cộng Sản lợi dụng việc Mỹ rút quân về nước và cắt giảm tối đa mọi viện trợ quân sự cho VNCH, đã ngày đêm xua đại quân và chiến xa các loại vào chiến trường miền Nam), chiến thắng Kontum của Tướng Lý Tòng Bá, có tính lớn lao, nổi tiếng hơn là những chiến thắng trước đó của Sư Đoàn thời Tướng Trương Quang Ân làm tư lệnh.
Tướng Trương Quang Ân đã hy sinh tại chiến trường vào tháng 8/1968. Cuộc đời và cái chết của ông đã tạo nhiều huyền thoại, được mọi người hết lòng ngưỡng mộ. Đám tang của ông được cử hành vô cùng trọng thể. Có thể nói là một trong số đám tang trọng thể nhất trong hàng tướng lãnh tử trận.
Tướng Lý Tòng Bá thì không bị chết, nhưng bị bắt tại chiến trường, ngay trước giờ thứ 25 của cuộc chiến, khi ông đang làm Tư Lệnh Sư Đoàn 25 BB. Điều đáng buồn hơn là ông bị bắt bởi một đám du kích. Tướng Bá không rời đơn vị, không bỏ rơi đồng đội, chiến đấu tới giờ phút cuối cùng khi nhiều thượng cấp của ông đã đào tẩu. Ông bị tù đày, sĩ nhục, khốn khổ hơn 13 năm và sau đó sang Mỹ theo diện HO, để bắt đầu cuộc sống tha phương lưu lạc, với bao điều nhiễu nhương cay đắng.
Không có đủ từ ngữ tốt đẹp để nói lên lòng kính trọng và ngưỡng mộ đối với những vị tướng lãnh và những người lính đã tự sát trước giờ nước mất nhà tan. Không có gì cao cả hơn khi lấy cái chết để chứng minh trung liệt với tiền nhân và tổ quốc. Nhưng có những trường hợp mà sự sống sót cũng là một can đảm không kém, cũng rất đáng được kính phục. Cái sống của những vị anh hùng chưa kịp chết hoặc không thể chọn cái chết bởi còn ràng buộc bao trách nhiệm thiêng liêng khác, để rồi bị giết như Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Đại Tá Đặng Phương Thành, Trung Tá Võ Vàng…, hoặc bị tù đày, khốn khổ và cả việc nhục mạ phỉ báng, không chỉ của địch mà của cả một số cá biệt, những đồng đội, những người cùng chiến tuyến, chỉ vì đôi điều bất như ý, bởi một con người thì không phải là thánh nhân để được sự vẹn toàn.
Xin cám ơn những cựu Thiếu Sinh Quân, những cựu SVSQ Võ Bị, những chiến hữu Thiết Giáp cùng tất cả mọi người đã đứng ra tổ chức và tham dự phủ kỳ, tang lễ cho Tướng Lý Tòng Bá. Với những lễ nghi tượng trưng, nhưng là niềm vinh dự cuối cùng, rất xứng đáng, dành cho cá nhân ông và cho cả gia đình.
Xin đứng nghiêm chào vĩnh biệt. Xin Tướng Tư Lệnh của chúng tôi yên nghỉ. Những trách móc giận hờn của Tướng Quân đối với một vài cấp lãnh đạo, chỉ huy “bất tài, thối nát”, những ngày tháng nhục nhằn dâu biển, cùng dư âm của bom đạn chiến trường sẽ vĩnh viễn không còn theo Tướng quân về cõi vô cùng .

                 Phạm Tín An Ninh
(một người lính Sư Đoàn 23BB)

2 thoughts on “Sự ra đi của hai vị Tướng Tư Lệnh

  1. Trường Sơn Lê Xuân Nhị

    Cám ơn nhà văn PTAN về bài viết của hai vị tư lệnh thật là hay và cảm động. Tôi sinh ra và lớn lên ở Ban Mê Thuột, nơi đặt bộ tư lệnh của sư đoàn 23 bộ binh, nên có rất nhiều kỹ niệm với sư đoàn con Ó lừng danh này. Nhiều bạn bè tôi là con cái của những người quân nhân trong sư đoàn này. Có một vài đứa đi học, bỗng dưng thấy chít khăn tang. Hỏi ra mới biết, bố nó vừa bị tử trận. Sau này đi lính, về phi đoàn 114, tôi bay bao vùng hầu như hằng ngày cho sư đoàn 23 và 22 bộ binh, bắt đầu từ mùa hè đỏ lửa 72, cho đến tháng 3 năm 75. Thằng em ruột của tôi, trung sĩ nhất Lê Xuân Bích, trung đoàn 45/23 bộ binh đã bỏ mình tại chiến trường này năm 1972. Anh PTAN đã kể lại rất tỉ mỉ và chính xác những gì đã xảy ra những ngày đỏ lửa kinh hoàng đó.
    Nói về hai vị tướng, thật là những gương can đảm, anh hùng. Nhưng tôi nghĩ tướng Ân may mắn hơn tướng Bá. Ông sống như một vị tuóng, và ra đi như một vị thần, (Sinh Vi Tướng, Tử Vi Thần), lúc nào cũng oai phong lẫm liệt. Riêng tướng Bá thì kết cục bi thương hơn, bị bắt làm tù binh, rồi đi ở tù CS.
    Xin kính cẩn đốt một nén hương lòng để tưởng nhớ và ghi ơn hai vị tướng lãnh lừng danh của QLVNCH.
    Trường Sơn Lê Xuân Nhị

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *