Ngày 15 tháng 11 năm 1963, sau 4 ngày có tiếng là tham gia cuộc đảo chánh Tổng thống Ngô Đình Diệm; Tiểu Đoàn 3/11 thuộc Sư Đoàn 7 được lệnh lên xe trở về nhiệm sở.
Tôi là Đại Đội Phó Đại Đội 1 của tiểu đoàn, đại đội trưởng là Trung Úy Ngô Văn Cao, Khóa 4 Thủ Đức. Đại Đội 2 do Trung Úy Hoàng Lê Cường, Khóa 16 mới nhận bàn giao từ Đại Úy Nghiêm trước đó khoảng 2 tuần. Đại Đội 3 do Thiếu Úy Huỳnh Khánh Sơn, khóa 6 Thủ Đức là đại đội trưởng.
Mang danh là về tham dự đảo chánh, nhưng Trung Đoàn 11 chỉ đóng vai trò hỗ trợ biểu dương lực lượng chứ hoàn toàn không có “đấu sung “ với ai cả. Đơn vị của chúng tôi đóng quân kiểm soát khu vực trường Petrus Ký, Tổng Nha Cảnh Sát. Đại đội tôi bố trí trong khuôn viên của trường này.
Tôi tốt nghiệp khóa 17 VB ngày 30 tháng 3 do chính Tổng Thống Diệm chủ tọa lễ mãn khóa. Trình diện BTL/ SĐ7 vào giữa tháng 4 khi mùi thuốc súng của trận Ấp Bắc mới vừa tạm lắng. Đại Tá Bùi Đình Đạm, Tư Lệnh Sư Đoàn còn đang tất bật chỉ huy các cuộc hành quân truy kích địch trên địa bàn lãnh thổ tiểu khu Định Tường. Vì thế, 12 thiếu úy Khóa 17 chúng tôi (trong đó có thủ khoa Vĩnh Nhi) phải chờ cả tuần lễ trước khi chính thức trình diện ông để nhận nhiệm sở mới.
Đại tá Đạm, xuất thân Khóa 1 Võ Bị, người nhỏ nhắn, nói chuyện khoan thai từ tốn và trên khuôn mặt ông luôn tươi tắn, vui vẻ. Trước khi gặp ông, chúng tôi mường tượng ra một vị tư lệnh uy nghi bệ vệ cùng những lời huấn từ sắt thép cho lớp sĩ quan mới ra trường như chúng tôi. Nào ngờ khi gặp ông, với lối nói chuyện chậm rãi, rành mạch, đã khiến lòng chúng tôi ấm áp khi thấy một vị niên trưởng quan tâm đến lớp đàn em sẽ làm việc chung với mình. Ông tóm lược tình hình địch quân trong vùng, nói phác qua về trận chiến khốc liệt với đơn vị chính quy Cộng Sản lần đầu tiên quy tụ thành cấp tiểu đoàn, rồi lợi dụng tình thế tranh chấp chính trị bất ổn ở Sài Gòn mở đầu một trận đánh lớn quy mô lớn ngõ hầu tạo uy thế cho cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của (CSMTGPVN). Sau đó ông căn dặn chúng tôi phải gương mẫu trong chỉ huy đơn vị và hết lòng phục vụ cho đất nước, đồng bào. Chúng tôi ghi nhớ những lời ông ân cần dặn dò:
– “Quân đội của chúng ta còn rất non trẻ, cả trong tổ chức lẫn kinh nghiệm chiến đấu. Các thiếu úy là những sĩ quan tình nguyện và được đào tạo bài bản. Tôi hy vọng các anh sẽ là những sĩ quan nòng cốt cho quân đội sau này. Bước khởi đầu bao giờ cũng có nhiều khó khăn bỡ ngỡ, nhưng tôi tin là các anh sẽ trưởng thành mau chóng. Chỉ có điều tôi cần nhấn mạnh để các anh phải luôn nhớ, các anh là tấm gương cho thuộc cấp của mình. Binh sĩ dưới quyền các anh sẽ chiến đấu theo gương của các anh. Họ đặt niềm tin vào cấp chỉ huy của mình hay không là do các anh. Thành hay bại của một đơn vị là do cấp chỉ huy tạo ra.”
Sau đó ông cho chúng tôi biết sẽ bổ sung 12 người cho các tiểu đoàn tác chiến thuộc 3 trung đoàn trực thuộc gồm 10, 11, 12. Mỗi trung đoàn 4 sĩ quan.
Nguyễn Tiến Mão, Nghê Hữu Cung, Võ Thừa Tự, và tôi chọn Trung Đoàn 11 do Thiếu Tá Nguyễn Duy Bách là trung đoàn trưởng. Trung Đoàn 10 do Thiếu Tá Trần Văn Đắc là trung đoàn trưởng và Thiếu Tá Vũ Lộ thuộc Trung Đoàn 12. Nguyễn Tiến Mão và tôi về Tiểu Đoàn 3 do Đại Úy Huỳnh Văn Chính là tiểu đoàn trưởng. Nghê Hữu Cung và Võ Thừa Tự về Tiểu Đoàn 1 của Đại Úy Dương Hữu Trí.
Tiểu Đoàn 3 lúc đó đang hành quân vùng Đức Hòa Đức Huệ. Tôi về Đại Đội 1, còn Mão về Đại Đội 2. Chúng tôi gặp lại hai đàn anh khóa 16, Ngô Gia Tiến – Đại Đội 1 và Hoàng Lê Cường – Đại Đội 2. Tiểu Đoàn 3/11 là tiểu đoàn cuả trung đoàn được giao trách nhiệm thử súng AR15 của sư đoàn nên Đại Đội 2 của Mão còn có tên là đại đội hỏa lực do Đại Úy Nghiêm “đầu bạc “ là đại đội trưởng. Ba đại đội còn lại 1, 3, và Chỉ Huy trang bị Garant M1, tiểu liên Thompson, và Carbin, súng cối 81, 60, và đại liên 30.
Trong suốt thời gian gần 7 tháng, Tiểu Đoàn 3/11 hành quân lưu động liên tục trong vùng lãnh thổ của các Tiểu Khu Long An, Định Tường, Gò Công, Kiến Phong, Vĩnh Long, Vĩnh Bình… Thường thì hành quân chừng năm ba ngày lại kéo nhau ra các làng xóm ven tỉnh lỵ nghỉ dưỡng quân một hai ngày. Phải thú thực là với các cuộc di chuyển liên tục khi bằng xe, khi bằng tầu Hải Quân, lúc bằng phi cơ trực thăng, cuộc sống lang thang mệt mỏi vì di chuyển khiến cả lính lẫn quan đều bơ phờ, hốc hác. Có thể nói, đơn vị chẳng có ngày nào là một ngày nghỉ dưỡng quân thực sự. Lãnh thỗ phụ trách thì quá rộng, đơn vị quân đội trách nhiệm an ninh lại quá ít. Cả khu chiến Tiền Giang lúc đó chỉ có một mình SĐ7 là lực lượng chính, thỉnh thoảng vì nhu cầu hành quân, có sự tăng cường của một hai đơn vị TQLC, BĐQ, hoặc Nhảy Dù trong một thời gian ngắn.
Cho đến cuối tháng 10, Tiểu Đoàn 3/11 mới di chuyển từ Vĩnh Bình sau các cuộc hành quân tại Cầu Ngang, Cầu Kè, Long Toàn, Long Hữu trở về lại Định Tường. Nghỉ được hai ngày tại Cai Lậy, tiểu đoàn tiếp tục hành quân vùng Cổ Cò thuộc Đồng Tháp; 3 ngày sau đó kéo về Ngã Ba Thủ Thừa thuộc tỉnh Long An chờ lệnh. Hôm đó là ngày 9 tháng 11. Đại Úy Huỳnh Văn Chính về BTL/ SĐ7 họp hành quân.
Hôm sau, sáng ngày 10 chúng tôi kéo về ngã ba Phú Lâm tham gia đảo chánh! Ngày 14, các đơn vị chính của địch áp sát thành phố Mỹ Tho. Tiểu Đoàn 3/11 được lệnh lên xe khẩn cấp trở lại chiến trường. Buổi trưa cùng ngày đoàn xe dừng bánh tại ngã ba Dưỡng Điềm đổ quân. Chúng tôi tiến quân dọc theo phía Bắc của con rạch đi về hướng sông Mỹ Tho. Khi đơn vị cách tuyến xuất phát chừng 3 cây số, đại đội tôi đi đầu chạm địch.
Trận đánh với đơn vị chính quy CS thứ hai tôi gặp kể từ sau ngày ra trường. (Sau trận đánh tại Sóc Ruộng, Vĩnh Bình với Tiểu Đoàn 307 vào khoảng tháng 7.)
Địch sử dụng đủ loại vũ khí hạng nặng, phòng không, đại liên, súng cối để cầm chân đơn vị chúng tôi. Xế chiều, Đại Úy Chính, tiểu đoàn trưởng, bị thương nặng; Thiếu Úy Thuận, đại đội trưởng chỉ huy, cũng bị thương. Đại Úy Cao (mới được gắn cấp bậc đại úy sau ngày đảo chánh – không liên quan gì với vụ đảo chánh cả. Ông tốt nghiệp khóa 4 Thủ Đức và được đề nghị từ trước, nhưng chưa kịp gắn lon thì tiểu đoàn kéo về Sài Gòn nên nhân tiện trước khi lên xe đi Dưỡng Điềm, Đại Úy TĐT gắn luôn cho ông!) Đại úy Cao được chỉ định làm tiểu đoàn phó cho Đại Úy Năng lúc này được BCH/TRĐ chỉ định thay thế Đại Úy Chính và tôi được đôn lên làm Đại Đội Trưởng Đại Đội 1 tại mặt trận.
Trận chiến tiếp tục cho tới chiều. Ba bốn phi tuần khu trục AD6 từ Sài Gòn bay vần vũ oanh kích vị trí cố thủ của địch. Súng cối, phòng không địch cũng thi nhau nhả đạn vào lực lượng của ta. Nhờ những mương đào trong các vườn cây ăn trái, đại đội tôi sử dụng như những giao thông hào nên đã đẩy lui ít nhất hai lần địch quân xung phong muốn tràn qua tuyến. Đêm xuống rất nhanh, thương binh được di tản bằng đường bộ lui về phía sau ra ngã ba Quốc Lộ 4, từ đó di tản bằng xe về Quân Y Viện 7, hoặc Tổng Y Viện Cộng Hòa.
Sáng ngày 15, tiểu đoàn được lệnh tiếp tục tiến vào lục soát vị trí phòng thủ của địch. Một số xác chết địch còn nằm ngổn ngang trong các hầm cá nhân, băng bông máu me vương vãi khắp nơi. Địch tổn thất khá nặng. Phần còn lại lợi dụng đêm tối, băng theo ruộng lúa rồi lẩn trốn vào khu Đồng Tháp bao la.
Buổi chiều cùng ngày chúng tôi được lệnh lên xe trở về chùa Vĩnh Tràng, Mỹ Tho nghỉ dưỡng quân và bổ sung quân số, quân trang thiết bị.
Buổi chiếu tối, các niên trưởng Cường, Tiến, cùng Mão, và tôi rủ nhau qua cầu Mỹ Tho uống bia. Từ trong một quán ven sông, nhìn ra đường, cuộc sống diễn tiến bình thường, phẳng lặng. Tôi có cảm giác chẳng ai quan tâm tới những cuộc lộn xộn chính trị vừa mới xảy ra tại Sài Gòn, cũng chẳng ai quan tâm tới trận đánh ác liệt mà chúng tôi vừa mới trải qua cách đây hai ngày. Cuộc chiến này hình như được khoán trắng cho những người lính. Sư đoàn, những diễn biến tiếp theo sau đó, có lẽ vì lý do chính trị, ngay cả các cấp chỉ huy cao hơn trong BTL cũng thay đổi nhanh chóng. Đại tá Đạm, rồi tướng Có, rồi tướng Đổng thay phiên nhau bàn giao trong khoảng thời gian chưa tới 2 tháng.
Hai
Tháng 9/1964, Thiếu Tướng Nguyễn Bảo Trị về làm tư lệnh sư đoàn sau khi đã thay thêm ba tư lệnh, tổng cộng là 6 vị tư lệnh kể từ sau ngày đảo chánh. (Lần lượt là Bùi Đình Đạm, Nguyễn Hữu Có, Phạm văn Đổng, Bùi hữu Nhơn, Huỳnh văn Tồn, Lâm văn Phát!) Tình hình chiến sự tạm lắng. Trước đây, trực thăng UH17 – hình trái chuối – là phương tiện chủ chốt dùng để đổ quân trong trận đánh Ấp Bắc ngày nào. Vì vận tốc chậm chạp, hình thể to lớn khó xoay trở của máy bay, cộng thêm vào đó là yếu tố bất ngờ về việc trang bị vũ khí nặng, với số quân chính quy đông đảo của địch là lý do chính cho Việt Cộng tạo nên một chiến thắng để chúng tuyên truyền! Giờ đây các trực thăng này được thay thế dần bằng loại trực thăng HU1D gọn nhẹ, năng động hơn.
Khi về làm đại đội trưởng Trinh Sát 11, tôi đã có rất nhiều dịp hành quân trở lại vùng này. Thiếu Tướng Nguyễn Bảo Trị là vị tướng đầu tiên mang đến cho Sư Đoàn 7 nhiều thay đổi tích cực. Ông áp dụng tổ chức các đại đội trinh sát cho các trung đoàn bộ binh, theo kinh nghiệm khi ông còn làm tư lệnh của Sư Đoàn 22 trên Cao Nguyên. Với tính năng gọn nhẹ, linh hoạt trong điều động; chuyên dùng để trinh sát, đột kích là hai nhiệm vụ chính của các đơn vị này. Trong bảng cấp số do Bộ Tổng Tham Mưu đưa ra, các sư đoàn Bộ Binh vùng đồng bằng thời gian đó không có tổ chức này. Tướng Trị linh động cho các trung đoàn lấy các binh sĩ tinh nhuệ của các tiểu đoàn để thành lập – Mỗi tiểu đoàn chịu trách nhiệm quản trị một trung đội – Nói cách khác, ngoại trừ đại đội 7 Trinh Sát là có bảng cấp số hẳn hoi, còn lại ba đại đội 10, 11, 12 là các đại đội trinh sát “lậu”, nằm ngoài bảng cấp số.
Từ khi Tiểu Đoàn 7 Trinh Sát (gồm 4 Đại Đội 7, 10, 11, 12 TS) được “bí mật” thành lập, chiến trường khu chiến Tiền Giang trở nên sôi động hẳn. Thiếu tá Thu, phụ tá hành quân của Tướng Trị, và Thiếu Tá Lê Nguyên Bình, Trưởng Phòng 2 SĐ, những người trách nhiệm sử dụng trực tiếp tiểu đoàn này, đặt tên cho một chiến thuật mới: Đom Đóm – Diều Hâu!
Từ đó, trên chiến trường bao la trống trải của Đồng Tháp, ngay sau khi phi cơ trinh sát phát giác ra các đơn vị cộng sản di chuyển, lập tức, tùy theo tình hình, các đại đội trinh sát sẽ mau chóng lên phi cơ, trực thăng vận đổ lên đầu địch để bắt sống hoặc tiêu diệt! Các đại đội TS là những con Diều Hâu theo đúng nghĩa – lặng lờ giữa trời cao bổ xuống đầu địch, sau các đợt càn quét của phi cơ trực thăng võ trang bay kèm yểm trợ. Thanh toán chiến trường chớp nhoáng, đơn vị lại lên phi cơ trở về các phi trường dã chiến lân cận để chờ một cuộc đổ quân mới. Những hợp đoàn trực thăng chở quân bay cao trên vòm trời đêm, đằng sau mỗi chiếc phi cơ là những đốm đèn màu đỏ lập lòe như những bày đom đóm! Địch bắt đầu lo sợ khi di chuyển. Vùng mật khu Đồng Tháp không còn là chốn vườn hoang nhà trống cho chúng lộng hành!
Tháng 10 năm 1965, một trận đánh ác liệt khác tại vùng mật khu Xuân Sơn, Cẩm Sơn thuộc quận Cái Bè giữa hai Trung Đoàn 11 và 12 của Sư Đoàn 7, Tiểu Đoàn 41 BĐQ, Tiểu Đoàn ĐPQ Định Tường, Thiết đoàn 6 Kỵ Binh, Không Quân, và Giang Đoàn 21 Hải Quân tại Mỹ Tho với Trung Đoàn Đồng Tháp Cộng Sản. Trận đánh kéo dài hai ngày đêm với tổn thất nặng cho cả hai phía. Sau trận đánh, Thiếu Tướng Nguyễn Bảo Trị bàn giao sư đoàn cho đại tá Nguyễn Viết Thanh.
Ba
Tôi có thể nói ngay, Tướng Thanh là người sử dụng chiến thuật “Đom Đóm – Diều Hâu” thành công nhất trong thời gian ông làm Tư Lệnh Sư Đoàn 7. Thay vì đón đánh các đơn vị CS di chuyển lẻ tẻ trên chiến trường Đồng Tháp, ông mở rộng vùng hoạt động sang các chiến trường cận biên với Kampuchia, nơi tập trung các căn cứ tiếp liệu, bổ sung và bộ chỉ huy của cái gọi là MTGP, nơi các tỉnh ủy Long An và Định Tường trốn lánh ẩn núp.
Tướng Thanh mang đến một nét sinh hoạt mới: các cuộc họp rút kinh nghiệm sau các cuộc hành quân lớn! Các cuộc họp này được tổ chức ngay tại BTL/SĐ do các ban tham mưu SĐ cùng các đơn vị trưởng hành quân tham dự. Tướng Thanh ngồi chăm chú theo dõi diễn tiến cuộc hành quân do trung tâm hành quân SĐ thuyết trình, các cuộc điều động lực lượng của các đơn vị trưởng, kết quả trận đánh. Đến phần nhận xét phê bình, ông trình bày ý kiến của mình hoặc khen ngợi đơn vị này hoặc phê bình đơn vị kia… Cuộc họp không mang tính chỉ trích hay la hét mà một số vị chỉ huy trưởng thường làm. Ngược lại, đúng là một cuộc họp tìm ra kinh nghiệm để cuộc hành quân tương tự trong tương lai có kết quả tốt đẹp hơn.
Bốn
Giữa năm 1965, tôi bàn giao lại Đại Đội Một, Tiểu Đoàn 1/11 cho Thiếu Úy Lê Văn Ba về nhận bàn giao Đại Đội TS 11. Đại đội vừa chịu tổn thất nặng sau trận đánh ở Cái Nứa thuộc quận Kiến Đức Định Tường; Trung úy Trương văn Ba, Đại Đội Trưởng tử trận. Trung Tá Trung Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Lộc, Khóa 6 Đà Lạt, kêu tôi lên trình diện. Ông ân cần dặn dò tôi với lời hứa sẽ cho đại đội nghỉ hai tuần để bổ sung và chỉnh đốn tinh thần binh sĩ. Vị trí tạm trú của đại đội nằm sát chân cầu Long Định. Buổi trưa trời nóng như đổ lửa, tôi đi theo Thiếu Tá Trung Đoàn Phó sang nhận bàn giao đơn vị. Tổng cộng cả quan lẫn lính là 65 người (trên tổng số 81 người theo danh sách trước đó)! Thượng Sĩ Thường Vụ Tuyền cho đại đội sắp thành hàng để giao lại cho tôi. Việc đầu tiên tôi làm là gặp ngay các trung đội trưởng để tìm hiểu những nhu cầu trang thiết bị của đơn vị. Và đúng như lời hứa của Trung Tá Lộc, sau hai tuần chỉnh trang Đại Đội TS11 đã sẵn sàng tham chiến. Quân số tôi có là 90 người.
Đại đội có thêm hai chuẩn úy bổ sung về làm Đại Đội Phó và Trung Đội Trưởng Trung Đội 1 và 2. Trung Đội 3 là một thượng sĩ. Các binh sĩ được bổ sung về là những binh sĩ tình nguyện có kinh nghiệm chiến trường.
Tiểu đoàn 7 TS, lúc tôi về làm đại đội trưởng TS11 – như tôi đã trình bầy, gồm 4 đại đội trinh sát. Đại Đội 7 do trung úy Lê Hữu Cừ, Khóa 16 Võ bị là đại đội trưởng, Đại Đội 10TS do Trung Úy Phan Thái Gia, khóa 10 Thủ Đức chỉ huy, Đại Đội 11 do tôi chỉ huy, đại đội 12 do Thiếu Úy Lã văn Tiêu— người có kinh nghiệm chỉ huy từ thời làm lính commando của Pháp—người nổi danh với cái tên “Nghe súng nổ như lân thấy pháo!” (Có một chi tiết thú vị là sau khi sang định cư tại Hoa Kỳ năm 1992. Tôi gặp lại đại úy Trần Ngọc T – từng giữ chức vụ Đại Đội Trưởng Đại Đội 2, Tiểu Đoàn 2/44 khi tôi là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn này trong năm 1970. Khi gặp lại nhau tại San Jose, tôi mới biết bà xã của T chính là con gái của Đại Úy Lã Văn Tiêu, TS12 tôi vừa kể ở trên!).
Khi nào hành quân phối hợp từ 3 đại đội trở lên, Phòng Nhì Sư Đoàn cử Đại Úy Hoàng Trọng Hiền chỉ huy tổng quát.
Năm
Cuối năm 1965, Tiểu Đoàn 7 Trinh Sát tham gia trận tập kích vùng giáp ranh giữa tình Long An, Hậu Nghĩa, và Kampuchia – mật khu Sông Trăng/ Ba Thu của CS. Các đại đội luân phiên trực thăng vận vào các mục tiêu đã được Phòng Nhì Sư Đoàn nghiên cứu kỹ từ không ảnh chụp được. Ngồi trên phi cơ nhìn xuống cả cánh đồng mông mênh nước, thật khó ai có thể ngỡ được trong các bụi lùm xơ xác nằm rải rác trên các gò đất cao kia lại có thể là các hầm trú, kho tàng tiếp liệu của địch. Chỉ với 16 trực thăng chở quân và 6 trực thăng võ trang, hai đại đội ứng chiến trên sân banh Hậu Nghĩa, hai đại đội luân phiên nhảy vào các mục tiêu nghi ngờ. Từ sáng tờ mờ cho tới chiều chạng vạng, các đại đội TS luân phiên càn quét lục soát trên một phạm vi khoảng 200 cây số vuông dọc theo biên giới Việt Miên để tiêu diệt các căn cứ hậu cần và bộ chỉ huy quân sự, hành chánh của tiểu khu Long An của CS—một điều mà chỉ có chiến thuật này mới có thể làm được thay vì phải sử dụng một lực lượng hành quân hỗn hợp lớn hơn nhiều lần mới có thể đạt cùng kết quả.
Cuộc hành quân không có chạm súng lớn nhưng kết quả lại rất khả quan. Phần lớn các căn cứ hậu cần của địch bị đơn vị chúng tôi tịch thu, hoặc phá hủy. Chúng tôi cũng phát giác và tịch thu nhiều kho súng cá nhân, thuốc men, các dụng cụ y khoa, tài liệu và bắt một số tù binh. Tổn thất của đơn vị TS là không đáng kể! Khoảng 11 giờ trưa, sau đợt nhảy trực thăng đợt hai vào mục tiêu là một căn chòi nhỏ nằm chênh vệnh giữa cánh đồng nước phèn, chúng tôi lục soát một chòi vịt, bắt hai tù binh già và khám phá ra 10 cây súng phòng không 12ly8 mới tinh còn bọc giấy dầu nằm trong một đụn rơm! Tướng Thanh ngay sau khi nghe tin tôi báo cáo, đã đáp máy bay trên đỉnh gò và vào chứng kiến tận mắt đống chiến lợi phẩm của đơn vị chúng tôi. Ông nở nụ cười vui vẻ, hỏi han khích lệ chúng tôi cố gắng lục soát thật kỹ khu vực. Tướng Thanh ra lệnh cho các trực thăng khác tới chở số vũ khí và tù binh về. Còn đống đạn dược được đơn vị công binh sư đoàn tới phá hủy. Ông lên trực thăng tiếp tục điều động chỉ huy. Cứ mỗi lần có đơn vị báo cáo chiến lợi phẩm, ông lại đáp xuống tận nơi quan sát tại chỗ.
Máy bay của Tướng Thanh chỉ rời vùng khi những người lính của Tiểu Đoàn 7 TS được bốc ra hết khỏi khu vực hành quân. Đó là kỷ niệm đầu tiên của tôi với vị tư lệnh mà tôi kính mến.
Sáu
Khoảng tháng 9/1966, Sư Đoàn 7 tổ chức cuộc hành quân vào mật khu Hốt Hỏa thuộc Thạnh Phú, Kiến Hòa. Mật khu nằm sát biển. Nơi đây Cộng Sản lợi dụng vùng nước ngập mặn này làm khu an toàn cất dấu vận chuyển vũ khí và là nơi trú ẩn của tỉnh ủy Kiến Hòa. Trong một vùng rừng ngập nước, ẩn dấu dưới các lùm cây đước, cây bần um tùm xanh kín là nơi mật khu an toàn có người ở của CS. Chiều chiều khi thủy triều dâng, cả vùng ngập nước. Nếu dùng tàu của Giang Đoàn 21 Xung Phong Mỹ Tho để đổ bộ, Việt Cộng sẽ di chuyển phân tán rất nhanh. Địa thế lại còn khó khăn hơn đối với một cuộc hành quân trực thăng vận vì rừng cây không có bãi đáp cho trực thăng. Tướng Thanh đã tìm ra lời giải cho bài toán này. Dĩ nhiên đối với các lực lượng đặc nhiệm khác như Hải Kích hoặc Biệt Kích Nhảy Dù, chuyện tổ chức cuộc hành quân có thể dễ dàng hơn nhiều, nhưng đây là một đơn vị bộ binh, tổ chức một cuộc hành quân đặc biệt trên địa thế này là rất khó.
Để bảo đảm tính bí mật của cuộc hành quân, chúng tôi chỉ được triệu tập về BTL/SĐ để nghe phổ biến lệnh hành quân có hai tiếng đồng hồ trước khi ra sân bay. Thang giây và phao cứu nạn chỉ được cấp phát sau khi cả đơn vị đã có mặt trên phi trường Hồ Nước, Mỹ Tho. Được cái lính Trinh Sát mau hiểu nên qua ít thời gian hướng dẫn cách sử dụng, chúng tôi đều biết phải làm gì.
Hai Đại Đội 7 và 11 được trực thăng vận đầu tiên vào mục tiêu. Trong khi máy bay vũ trang bay vần vũ sát đọt cây để tìm kiếm địch, cũng là lúc từng người một, chúng tôi đu theo thang dây xuống các lùm cây bên dưới! Chuyện hào hứng đầu tiên là hạ sĩ mang cây đại liên M60 của Đại Đội 7 TS trong khi cùng đồng đội đu theo thang xuống thì bị một du kích vác súng bắn lũng bàn tọa. Để an toàn không ăn thêm phát đạn thứ hai, anh chàng này buông tay cho rơi tự do ngay lên đầu tên du kích! Dĩ nhiên là với sức nặng của súng ống và thân mình hộ pháp của xạ thủ, tên Cộng Sản nằm dưới chết ngay không kịp phản ứng! Đại Đội 7 lập công đầu khi phát giác ra một chòi làm việc thuộc Tỉnh Ủy Kiến Hòa của CS, lấy rất nhiều tài liệu và một số súng ống, đạn dược cùng tiêu diệt một số cán binh Cộng Sản.
Nửa tiếng sau Đại Đội Trinh Sát 11 vào vùng. Khu vực chúng tôi xuống cũng là một vùng cây đước rậm rạp không rõ ở dưới các tán lá là cái gì! May mắn hơn, hai căn chòi lá nằm ngụy trang dưới những tán lá kết chặt lại với nhau đã bị trực thăng võ trang, phát giác trước đó ít phút, đã bị bắn cháy. Khi đơn vị chúng tôi xuống tới đất, lửa khói vẫn còn nghi ngút. Cái may thứ hai đó là hai căn chòi này chỉ chứa súng tiểu liên chứ không có lựu đạn hoặc đạn cối! Nếu có thì không biết kết quả ra sao!
Buổi chiều hai đại đội còn lại 12 và 10 được đưa vào vùng hành quân. Các đại đội này cũng triệt phá rất nhiều kho súng đạn của Cộng Sản, bắt tù binh và tài liệu, trong đó có cả danh sách số cán bộ kinh tài nằm vùng của tỉnh Kiến Hòa. Kết quả sau cuộc hành quân, các cơ sở nằm vùng này đều bị triệt phá.
Chiều nắng tắt dần, nước đã lội ngang đầu gối. Chúng tôi mang phao cứu nạn màu đỏ rực cả khu rừng, bì bỏm lội và đang toan tính không biết đêm nay sẽ ngủ nghê ra sao. Lệnh trên cho biết không thể triệt thoái bằng trực thăng như thường ngày chúng tôi đã quen. Cả đơn vị leo lên cây ngồi ngủ! Trong cái vắng lặng của khu rừng đước dưới chân, tiếng sóng biển vỗ ầm ì từ xa vọng lại, một thứ âm thanh đều đều trầm buồn làm người lính rất nhớ nhà. Tất cả chìm trong im lặng, lâu lâu mới có tiếng “ùm” do một anh chàng nào ngái ngủ rơi xuống nước!
Tôi không ngủ suốt đêm hôm ấy. Suy nghĩ vẩn vơ đủ mọi thứ chuyện. Năm ấy tôi mới có đứa con đầu lòng. Tôi không biết sau này khi con tôi lớn khôn, nó có cơ hội để nhìn một đất nước đầy đau thương này có cơ hội sống trong no ấm, tự do? Nó có hiểu được những cơ cực của đời một người lính lứa tuổi cha ông như chúng tôi đang chiến đấu bảo vệ cho cuộc sống tự do no ấm của Miền Nam thân yêu? Nó có nhìn ra sự tàn độc, ngu muội của đám lãnh đạo Miền Bắc khi lùa một nửa dân tộc đi tàn sát một nửa còn lại để rồi cả dân tộc này tan hoang tàn lụi? Những ý nghĩ lan man theo con nước bắt đầu ròng lúc trời rạng sáng. Một số vùng đất cao lại hiện ra, những đường thông thủy nhỏ biến thành các con rạch chảy quanh co trong các lùm cây. Ở đây không có tiếng chim muông gà rừng nào báo hiệu một bình minh lại chiếu sáng. Chỉ có tiếng lao xao của dòng nước đang rút dần ra biển.
Trưa ngày thứ ba tàu Hải Quân cặp vị trí ấn định đón quân. Chúng tôi lên tàu cùng số vũ khí, tài liệu, đạn dược tịch thu được của địch trở ra.
Bảy
Mỗi đại đội TS được sư đoàn thưởng 30 ngàn để tổ chức liên hoan. Doanh trại của đại đội tôi gồm bốn căn, cất thành hình chữ nhật khoảng giữa là một sân bóng chuyền. Hai dẫy dành cho khu gia binh, một cho những người độc thân, và một dùng làm kho tiếp liệu của đại đội cùng ban chỉ huy đại đội.
Tôi dùng toàn bộ số tiền thưởng để mua bia, thuốc lá cùng ít khô sặt và mực khô, một ít bánh kẹo và thuốc lá để đại đội cùng uống ăn mừng chiến thắng. Tôi gọi điện thoại mời Đại Úy Hiền, Thiếu Tá Bình và nhân tiện tôi dò hỏi muốn mời luôn cả Chuẩn Tướng Thanh không biết có được không? Thiếu Tá Bình hứa sẽ nói và trả lời cho tôi biết khi có kết quả. Những tưởng khó mà có cơ hội để gặp vị tư lệnh mình kính phục. Nào ngờ một hai tiếng đồng hồ sau đó thiếu Tá Bình gọi lại cho biết Tướng Tư Lệnh nhận lời.
Bỗng dưng cái hăng hái bồng bột lúc đầu khi nảy sinh ý tưởng mới tư lệnh giờ đây trở thành nỗi lo. Tôi cầu cứu Đại Úy Hiền (vị tiểu đoàn trưởng của các đơn vị TS). Tôi kể rõ là bữa tiệc sẽ chỉ có vài thứ đồ nhậu bình dân.
– ” Đừng lo, không sao. Tướng Thanh chịu chơi lắm. Ông biết mà, đại đội trinh sát của trung đoàn có cấp số bổng lộc gì đâu mà làm lớn được. Vả lại hôm trước ông cũng đã từng đến tham dự tiệc mừng chiến thắng của Đại Đội 7 TS rồi. Không sao đâu, đừng lo.”
Trong dẫy nhà độc thân, hai hàng mỗi bên trải 5 tấm poncho sát cạnh nhau là những “mâm” tiệc. Riêng bàn quan khách có chiếc nón sắt dùng để đổ bia uống chung được thay bằng 10 chiếc ly nhựa. Đồ ăn được bày trên mười chiếc mâm nhôm đủ kiểu mượn từ khu gia binh. Đại đội tề tựu đông đủ, ngoại trừ một tiểu đội dàn chào danh dự quần áo chỉnh tề có mặt trước cổng ra vào doanh trại để đón phái đoàn.
Tướng Thanh cùng phái đoàn đi trên hai chiếc xe jeep. Xe trước là Đại Úy Hiền – Phó Phòng Nhì, Đại Úy Miêng – Trưởng Phòng Quân Báo, và Đại Úy Lê Hữu Cừ – Đại Đội Trưởng TS 7. Xe sau do Thiếu Tá Lê Nguyên Bình – Trưởng Phòng Nhì lái, Chuẩn Tướng Thanh ngồi bên cạnh. Sau ông là Thiếu Tá Xuyên – Trưởng Phòng 3 SĐ. Tôi ra đón phái đoàn tại cổng. Khi xuống xe, tôi hướng dẫn ông cùng phái đoàn đi thẳng tới “bàn tiệc”! Sau khi yên vị, tôi đại diện đại đội ngỏ lời cám ơn Chuẩn Tướng Tư Lệnh cùng phái đoàn đã đến tham dự bữa tiệc liên hoan. Sau đó Tướng Thanh nói rất vắn tắt:
– “Chúc mừng đơn vị đã góp phần chiến thắng cho cuộc hành quân vừa qua. Tôi chúc Đại Đội 11 TS sẽ tiếp tục đạt nhiều chiến công hơn nữa! “
Tôi rót bia và mời ông cùng ngồi xuống sàn xi măng để uống chung vui cùng đại đội. Tất cả phái đoàn cùng đơn vị chúng tôi vui vẻ cụng ly ăn mừng chiến thắng. Tôi nhớ rất rõ, Tướng Thanh uống chưa hết ly bia quân tiếp vụ mặt ông đã đỏ bừng. Thiếu Tá Bình nói nhỏ vào tai tôi:
-“ Ông tướng không uống được nhiều đâu, nhớ đừng có ép.“
Tôi hiểu ý không rót thêm bia vào ly của ông nữa.
Mọi người nói chuyện vui vẻ, thỉnh thoảng vị tư lệnh quay qua hỏi tôi một vài nét sinh hoạt và cuộc sống của các binh sĩ trong đơn vị. Ông cũng hỏi tôi về tinh thần chiến đấu của đại đội trong các cuộc hành quân “Đom Đóm-Diều Hâu”. Nhân cơ hội này, tôi cũng nêu lên những suy nghĩ của mình về các cuộc hành quân cấp lớn hơn với chiến thuật ” Tìm và Tiêu Diệt Địch” hiện hành.
Tôi cho rằng những cuộc di chuyển liên tục “tìm địch” thường làm tiêu hao sức lực của binh sĩ rất lớn và điều nghịch lý là chúng ta luôn ở thế bị động khi chạm địch! Địch trong thế thủ, hầm hố kiên cố, chúng ta chỉ còn trông mong nhiều vào hỏa lực áp đảo để tiêu diệt chúng. Trường hợp địch chờ cho ta tiến sát mới khai hỏa, ta sẽ trở ngại vì khoảng cách an toàn của phi pháo không cho phép; thành ra hơn hai năm làm đại đội trưởng của các tiểu đoàn, chạm địch nhiều lần mà thành quả không nhiều như hiện nay từ ngày tôi về đơn vị trinh sát này. Tướng Thanh gật gù suy nghĩ lời trình bày của tôi. Hơn nửa giờ liên hoan, tư lệnh ra dấu muốn đi xem quanh một vòng doanh trại; tôi đứng dậy mời ông đi theo tôi. Sau khi quan sát vẻ xộc xệch của các căn nhà vách gỗ lợp đã bước sang thời kỳ sắp “sập”, ông quay qua hỏi thiếu tá Bình:
– Sao không cho sửa sang doanh trại này?
Thiếu Tá Bình cho biết, doanh trại vốn là khu gia binh của một đơn vị công binh tạo tác đồn trú nhưng sau khi hoàn thành công việc của Tiểu Khu giao nên đã rút đi nơi khác. Phòng Nhì Sư Đoàn muốn gom các đại đội TS về tập trung tại Mỹ Tho để dễ bề điều động nên có hỏi mượn tiểu khu doanh trại này. Tướng Thanh nói Thiếu Tá Bình hãy liên lạc ngay với Tiểu Khu cho người sửa chữa. Trường hợp không có kinh phí thì Phòng 4 SĐ phải làm công việc này.
Sau đó phái đoàn lên xe ra về. Tôi tiếp tục trở lại cùng đại đội ăn uống liên hoan.
Tám
Thực tình đây không phải là lần gặp gỡ thân mật đầu tiên của Tướng Thanh và tôi. Tôi từng gặp ông nhiều lần trong các cuộc họp hành quân hoặc trong các cuộc họp rút kinh nghiệm sau mỗi chiến thắng hay thất bại. Vẻ điềm tĩnh, từ tốn toát ra từ cung cách cư xử, lời nói của ông luôn làm cho những ai từng làm việc dưới quyền đều quý mến và cảm phục. Ông thường dùng bữa trưa tại Câu Lạc Bộ Sĩ Quan Sư Đoàn trên một chiếc bàn vuông nhỏ, đặt trong một góc phòng. Chung quanh ông các sĩ quan khác, hoặc vãng lai, hoặc cơ hữu của BTL ngồi chung nhau ăn uống ồn ào. Bàn ăn của ông cũng chỉ gồm ba món như những sĩ quan khác: một món canh, món xào, và một món cá hoặc thịt kho mặn, không bia rượu, không thuốc lá. Tôi còn được biết, trong các cuộc hành quân lớn hay nhỏ do sư đoàn tổ chức, ông ngồi trên máy bay trực thăng chỉ huy cả ngày là thường. Trong nhiều trường hợp, bữa ăn trưa chỉ là ổ bánh mì mà cả phi hành đoàn cùng các sĩ quan tham mưu đi theo ông dùng. Đầu bếp của sư đoàn mang ra sân bay phát cho mỗi người một ổ giống nhau!
Tính giản dị, lời nói dõng dạc nhưng khoan thai, phong thái trang nghiêm nhưng không bao giờ tạo nên sự lo sợ cho người đối thoại. Ông là mẫu người lãnh đạo mẫu mực mà tôi không thể quên. Trong cuộc sống quân ngũ, tôi đã từng được phục vụ dưới nhiều cấp chỉ huy. Có những người coi đơn vị như một phương tiện để mang đến những tính toán, lợi lộc cho cá nhân; coi nhân viên dưới quyền như một thứ thuộc hạ, gia nhân. Có những người coi đơn vị như một gia đình, đồng đội như anh em, đồng chí hướng, coi quyền lợi của đơn vị trọng hơn quyền lợi riêng tư, xương máu của đồng đội cũng quý như sinh mạng của chính mình. Ông thuộc mẫu người thứ hai.
Tướng Thanh xuất thân Khóa 4 Đà lạt. Trong cuộc đời quân ngũ, ông kinh qua nhiều vai trò chỉ huy khác nhau. Ông trưởng thành trong binh nghiệp theo thứ tự từng nấc thang từ chỉ huy cấp trung đội, đến tiểu đoàn, trung đoàn, và sau đó là cấp sư đoàn, rồi quân đoàn. Cũng có một thời gian ngắn ông giữ chức vụ quản trị hành chánh; ông cũng từng làm tỉnh trưởng tỉnh Long An, quê của ông.
Ngày 2 tháng năm 1970, trong cuộc hành quân phối hợp quy mô cấp quân đoàn. Quân đoàn 4 do ông chỉ huy, huy động lực lượng cơ hữu của hai sư đoàn 18 và 21 để càn quét VC tại mât khu Mỏ Vẹt. Chiếc phi cơ chỉ huy của ông bị tai nạn do một chiếc phi cơ võ trang khác, sau khi trút hỏa lực vào địch, bay ngược trở lên đụng trúng. Cả hai chiếc phi cơ đều nổ tung. Tất cả mọi người trên hai chiếc máy bay đều tử nạn. Ngày hôm ấy tôi đang chỉ huy Tiểu Đoàn 2/44, phối hợp hành quân cùng một đơn vị Không Kỵ của Hoa Kỳ tại vùng Thiện Giáo, Phan thiết. Thực sự tôi chỉ được biết tin Tướng Thanh tử nạn, hai ngày sau khi cuộc hành quân tảo thanh chấm dứt và đơn vị tôi trở về Phan Thiết nghỉ dưỡng quân.
Cái chết của ông có lẽ là tín hiệu rõ nhất cho kết quả cuối cùng không mấy tốt đẹp của cuộc chiến tranh. Đất nước điêu linh, cuộc chiến đấu đang trong giai đoạn cam go kịch liệt. Ông là một trong những vị tướng tài ba, đức độ của quân đội đã ra đi trong lúc cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn định đoạt cuối cùng.
Tài ba trong chỉ huy, tận tụy trong công việc, thanh liêm đạo đức trong cuộc sống, ông là tấm gương sáng của một tướng lãnh để tôi hãnh diện vì từng được phục vụ dưới quyền. Tôi luôn tin rằng lịch sử Việt Nam sẽ ghi tên ông.
Chín
Giữa năm 1967, tôi bàn giao lại Đại Đội TS cho người bạn Nghê Hữu Cung, cùng khóa. Tôi Về trình diện BCH/ TRĐ để về làm Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 2/11. Niên Trưởng Nguyễn Văn Tạo, Khóa 16 cũng mới từ Trung Đoàn 12 chuyển sang nắm tiểu đoàn này trước tôi hai tuần. Cho tới cuối năm, tiểu đoàn trở thành một trong 2 tiểu đoàn chủ lực lưu động ứng chiến của SĐ đồn trú tại căn cứ Đồng Tâm, Mỹ Tho. Ở đây, tôi lại có dịp gặp gỡ các đồng môn của mình. Trong 4 đại đội có tới 3 đại đội trưởng là dân Võ Bị thuộc từ các khóa 19, 20, và 21. Chúng tôi chia ngọt sẻ bùi và coi nhau thân thiết như anh em. Trận đánh tại Hòa Đồng, Gò Công và trận đánh trong dịp tết Mậu Thân đã mang lại uy tín cho tiểu đoàn. Tiểu Đoàn Chim Ưng Cổ Nâu (vì chiếc khăn quàng cổ màu nâu) từng làm cho các đơn vị CS nể mặt.
Tháng 5 1968, tôi được SĐ cho đi học lớp Chỉ Huy Tham Mưu tại Đà lạt. Còn chưa đầy một tuần khóa học bế giảng, một buổi sáng đi ra một sạp báo gần trường, tôi đọc được tin dữ. BCH Tiểu Đoàn 2/11 bị đám cán binh CS, trà trộn theo số tân binh mới được bổ sung về tiểu đoàn, nội ứng đánh đặc công ngay trong giờ giải lao buổi tối lúc đang ngồi xem TV tại căn cứ Đồng Tâm. Tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó kiêm đại đội trưởng chỉ huy, sĩ quan hành quân, sĩ quan quân báo tiểu đoàn, sĩ quan tiếp liệu… đều tử thương vì lựu đạn của địch!
Tôi bàng hoàng không tin vào đôi mắt mình. Chiến tranh đã cướp đi bao nhiêu huynh đệ của tôi. Tôi nhớ tới Niên Trưởng Tạo, các niên đệ 19, 20, 21 đã ra đi trong lần nội tuyến ấy. Tôi thực tâm muốn được trở về lại đơn vị cũ và bức điện của trung tá Trần Tiến Khang trung đoàn trưởng càng làm tôi nôn nóng hơn. Ông viết vắn tắt. – “Hãy về bàn giao gấp tiểu đoàn sau khi mãn khóa học. Nghỉ phép tính sau! “ Cùng lúc, Chuẩn Tướng Trương Quang Ân cũng được Bộ TTM chấp thuận bổ sung 4 sĩ quan vừa tốt nghiệp trong khóa học Chỉ Huy Tham Mưu Trung Cấp về thay thế một số tiểu đoàn trưởng của Trung Đoàn 44. Tôi lại lọt vào trong danh sách này!
Mãn khóa, tôi về lại Sài Gòn và xuống thẳng Mỹ Tho xin vào gặp TMT/SĐ – Đại Tá Ngô Lê Tuệ– vốn dĩ cũng là trung đoàn trưởng cũ của Trung Đoàn 11 trước đây của tôi khi tôi còn là đại đội trưởng. Lúc này, Tướng Thanh đã về Vùng IV đảm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn IV vào cuối tháng 6 và SĐ được bàn giao lại cho Chuẩn Tướng Nguyễn Thanh Hoàng. Đại Tá Tuệ tiếp tôi trong văn phòng làm việc của ông và cho biết ông cũng đã nhận được phiếu trình xin giữ lại của Trung Đoàn 11, đề nghị SĐ can thiệp với TTM. Sư đoàn đã gởi công điện xin lưu giữ nhưng không được TTM chấp thuận. Lời cuối trước khi chia tay với tôi, ông bảo:
– Nếu còn Tướng Thanh, chắc ông có thể can thiệp được. Tướng Hoàng mới về chưa biết “toa” là ai nên cũng khó. Thôi, cứ thuận theo lệnh mà đi. Biết đâu lại là cái may không chừng.
Đại tá Tuệ là người có nét mặt như lúc nào cũng mỉm cười. Chiếc răng khểnh của ông luôn làm cho người đối diện vui theo lời nói của ông. Ông, xuất thân Khóa 5 Võ Bị, là một trong những sĩ quan đàn anh tôi mến phục.
Tôi ra trình diện BTL/SĐ23 của Tướng Trương Quang Ân, Thủ Khoa Khóa 7 Võ Bị, vào cuối tháng 8/1968. Từ đó cuộc đời binh nghiệp của tôi cuốn hút vào những trận đánh mới ác liệt ngày càng tăng. Tôi từ một Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2/44, rồi trung đoàn phó, trưởng phòng hành quân SĐ, rồi trung đoàn trưởng. Thêm một lần bị thương vào tháng 8/1972 tại Kontum, cộng với hai lần khác vào các năm 64 và 67 ở Thạnh Phú, Kiến Hòa và Đồng tháp là ba lần. Những vinh nhục, khó khăn, gian nan cực khổ của đời binh nghiệp luôn được bù trừ bằng tình đồng đội của các chiến hữu, các bạn đồng môn, đồng khóa trong các đơn vị tôi từng phục vụ.
Tôi đã trưởng thành trong binh nghiệp và hiểu biết nhiều hơn qua những gian nan thử thách của cuộc sống. Nhiều đêm trong vắng lặng, tịch mịch đơn độc, tôi tự đặt cho mình câu hỏi: Nếu được tái sinh, tôi có còn chọn lại con đường đã đi qua hay không? Câu trả lời đa phần vẫn là sẽ chọn con đường gian nan nhưng hào hùng và thấm đẫm tình chiến hữu này.
Cuộc đời con người ngắn ngủi quá. Thoắt cái mà cũng đã bước vào tuổi “cổ lai hy”. Chúng ta không ai chọn được cha mẹ mình, dân tộc mình. Đất nước có thể bỏ lại, sự nghiệp của cải danh tiếng có thể buông tay. Nhưng cái tình, cái truyền thống rất khó bứt ra khỏi tâm khảm mỗi con người. Võ Bị đối với tôi là một tình cảm thiêng liêng gắn chặt không rời. Trong vinh quang, tôi cộng chung chia sẻ cùng các niên trưởng, niên đệ của mình. Trong tù đầy, hành hạ tôi được các niên trưởng, niên đệ cưu mang, an ủi vỗ về. Quân đội là ngôi nhà lớn, trong khi Võ Bị nằm chung trong khuôn viên căn phòng gia đình nhỏ bé của tôi.
Mười
Sư Đoàn 7 là đơn vị đầu tiên tôi thực sự áp dụng những điều mình được học từ quân trường vào thực tế. Nói một cách ví von, giống như một cô gái rời nhà cha mẹ qua nhà chồng. Những ngờ nghệch bỡ ngỡ phút ban đầu khi thực sự có quyền chỉ huy một trung đội lính dưới tay. Từ đó mỗi quyết định ban ra, mỗi phản ứng sai lạc có thể lấy đi mạng người khác, hay của chính mình. Tôi thực sự trở thành một con ốc nhỏ trong guồng máy chiến tranh khổng lồ. Có lẽ vì điều đó cho nên tới bây giờ mỗi lần hồi tưởng, Sư Đoàn 7 vẫn là đơn vị mang nhiều kỷ niệm khó quên trong tôi. Đơn vị sau đó là Sư Đoàn 23 cho tôi không biết bao nhiêu kinh nghiệm khác trong các trận mạc gay cấn khốc liệt hơn nhiều lần. Chắc vì tôi đã trưởng thành hơn, dầy dạn hơn nên những cảm xúc cho dù có mới mẻ cũng đã khó tạo nên trong tôi những kỷ niệm sâu sắc, không thể nào quên như đã từng có trong đơn vị cũ.
Bây giờ là tháng 6. Ngày Quân Lực năm nay tiếp theo sau ngày Father Day. Một đội quân từng chiến đấu hào hùng đương đầu với CS xâm lăng giờ đây đã không còn. Nhưng truyền thống và sự nhục vinh của nó vẫn còn đọng lại trong đầu những người lính trẻ ngày nào. Kẻ chiến bại luôn là kẻ cô đơn. Tôi luôn cố gắng giữ gìn sự cô đơn đó trong thành tín rằng mình đã chọn và đi đúng con đường đáng chọn khi quốc gia lâm nguy. Giờ đây, hồi tưởng lại những kỷ niệm xưa cũ, tôi vẫn thấy tự hào về con đường mình đã chọn, về ngôi trường Mẹ mà tôi đã được xuất thân. Tôi vẫn thấy sự ấm áp trong mỗi lần gặp gỡ những đồng môn, đồng khóa của mình.
Trên chiến trường, tiếng xưng hô “niên trưởng “ của một đàn em tốt nghiệp sau mình gợi lên biết bao nhiêu tình đồng đội, tương tự như khi bản thân gặp một đàn anh, khóa trước. Cấp bực, chức vụ có thể mất vì sự lầm lẫn trên chiến trường hoặc trong cung cách cư xử; nhưng anh em thì còn mãi vì nó được gắn với nhau bằng cái tình, về một ràng buộc vô hình có tên là Truyền Thống Võ Bị. Khi sợi dây đó đứt, tình sẽ nhạt phai và chấm dứt. Chàng sĩ quan Võ Bị sẽ không còn gì để tự hào với chính bản thân và cho con cháu mình nữa. Đó là lý do tại sao trong ngày Quân Lực năm nay, tôi thấy buồn hơn bao giờ khi đọc được những bài viết nhằm lăng mạ cá nhân giữa những đồng môn của tôi tràn đầy trên nhiều diễn đàn, qua các email của khóa forward lại.
Tôi thực sự không đoán biết được sự kiện phân hóa này sẽ dẫn tới đâu, nhưng tôi biết chắc, từ nay, sau lần giông bão này chúng ta sẽ chẳng còn gì ngoài sự bẽ bàng, chán nản khi gặp nhau. Thua một trận chiến là một thất bại, nhưng tự mình triệt tiêu tinh thần chiến đấu của mình là một thảm bại. Những người thất bại có thể đứng lên tìm lại chiến thắng từ nơi mình ngã xuống, nhưng những người thảm bại thì không bao giờ, bởi vì họ đã chết thực sự rồi. Rất mong là chúng ta sẽ mau sớm hiểu ra ý nghĩa thực sự của câu phương châm trên huy hiệu chúng ta đã mang trong suốt thời SVSQ: Tự thắng để chỉ huy.