TRƯƠNG CÔNG HẢI
Ánh hào quang của đức Phật là năng lượng Trí Huệ phát ra từ thân tâm của đấng Giác Ngộ. Trên thực tế, năng lượng là vô sắc. Quang ảnh được thị hiện trong ánh nhìn của Đạo Chúng, khi họ tôn kính Người. Như cách nói của một triết gia, vẻ đẹp của người con gái không phải ở đôi má hồng, mà trong ánh mắt nhìn của kẻ tình si. Một trong ba Tam Bảo, Tăng luôn ở thế chủ động, bởi Tăng tu theo Pháp, hành Pháp và dùng Pháp làm thuyền Bát Nhã qua sông đến nơi bờ Giác, tự giải thoát cho mình và thuyết Pháp để hoá độ chúng sanh ra khỏi bến Mê. Pháp trở thành một công cụ của Tăng, nếu ở trong tay vị chân tu thì công cụ đó dùng để chấn hưng Đạo Pháp, hoá độ muôn loài. Nếu Pháp rơi vào tay những vị Tăng Ngã Mạn, biến thái thì nó là một phương tiện dùng để thu vén vật chất cá nhân, tạo cho mình một thương hiệu hào nhoáng, Pháp bị lái theo chiều hướng mê tín để dễ bề trục lợi và để được mê tín đồ tôn kính. Bản chất của sự hào nhoáng khác xa với Hào Quang.
Hào nhoáng đưa anh tới bến MÊ
Hào Quang chuyển anh về bờ GIÁC.
Bước chân Hành Giả của Thầy Minh Tuệ được Đạo Chúng ngưỡng mộ vì Thầy đã chứng minh được tâm thái buông bỏ sau sáu năm trải nghiệm hạnh Đầu Đà. Thầy đã lấy trọn niềm tin trong lòng Đạo Chúng. Thầy như là một viên Ngọc rơi vào đêm tối của Đạo Pháp, do số vị Tăng ngã mạn đã gây ra .
Tất nhiên, một viên ngọc mà ở chỗ càng tối thì nó lại càng tỏa sáng. Nhưng sự ngưỡng mộ ánh sáng này của Đạo Chúng đã vô tình tạo nên tình huống gây trở ngại cho Thầy trên bước đường tu tập. Từng ngày, xuất hiện thêm nhiều người tự động đi theo Thầy, họ nhân danh là những đồng tu tự phát. Ai dám chắc trong đám này không lẫn lộn các hạnh đầu đỏ đầu đen. Nếu không muốn nói thêm có hạnh đầu bò. Nhìn chung là ô hợp, không đúng tính cách, thiếu sự trang nghiêm của một đoàn Tăng Đạo Hạnh. Cũng từ lòng ngưỡng mộ, hiện tượng
của Thầy đã bị đẩy thêm một bước thành phong trào quần chúng, rồi dâng lên thành cao trào. Mỗi bước đi đều bị vây kín, gây nhiều trở ngại. Có người say nắng, có người đột quỵ dẫn đến tử vong. Chưa kể sự bất tiện cho sinh hoạt cá nhân, khi không có tiện nghi nơi nghĩa địa. Với Thầy, đây là một sự tỏa sáng không hề mong đợi. Bước đi của Thầy sẽ về đâu và được gì cho việc tu tập. Nhìn từ nhiều góc độ, việc Thầy mất dấu vết sau một đêm là điều cần thiết và hợp lý cho cá nhân Thầy, và cả về mặt xã hội. Hãy xem đó như là một cơ duyên giải nghiệp. Điều nữa, nếu tiếp tục đi thì việc an ninh cá nhân Thầy có khả năng không ổn, vì hình ảnh cao đẹp của Thầy vô tình chạm đến một thế lực khác, vốn từ lâu đã làm chủ cuộc chơi.
Đố ai đảm bảo được điều chi. Trong gần sáu năm qua, với Thầy, không gian là vô định, thời gian là vô chung, trời là nhà, nghĩa trang là nơi ăn ngủ. Bản lĩnh Tâm Pháp của Thầy đã được chứng minh, nay do hoàn cảnh mà thay đổi cách tu cho phù hợp với sinh hoạt xã hội, âu cũng là một sự tùy duyên. Vả lại, việc thu xếp và ghé mắt tới Thầy, coi như là một sự hiện thân của Long Thần Hộ Pháp, Thầy được hổ trợ an ninh trên đường tu tập. Hạnh tu mới sẽ giúp Thầy yên tâm tu tập, mong ước có một ngày Thầy được ngồi dưới:
“Cội Bồ Đề ôm bóng
Tịch lặng giữa mù sương
Lòng không mưa không nắng
Vạn Pháp bừng hư không.” (*)
Đạo chúng nhớ Thầy, khi xem lại hình ảnh cũ, lòng sao khỏi thấy xót xa. Ngày lại ngày, chiếc bóng Tảo Phấn
Y lầm lũi, độc hành trên nẻo đường ngàn dặm chỉ để chứng nghiệm một điều, dẫu biết rằng về với Tánh Không, nhưng làm sao để đi về bên ấy, đó là một Tâm vấn:
“ Ai về bên ấy cho tôi hỏi
Ở cõi Thiên Thu có Niết Bàn?
Dấu chân trên nước
Còn hay mất ?
Dưới cội…
Nghìn thu một Quán Không !”(*)
Tâm gieo thì duyên khởi, một cái kết đẹp đã đến với Thầy, chắc Đạo Chúng cũng yên lòng về việc Thầy ngưng hành bộ cước, chọn chùa quy ẩn, nhằm có điều kiện học Pháp, tập Đạo.
Thế là hiện tượng Minh Tuệ đã được khép lại sau bức màn nhung sân khấu cuộc đời. Tiếng hát Đạo Ca về Thầy đã nhẹ nhàng rơi vào một quãng lặng trầm trong khúc nhạc hành tu . A Di Đà Phật!
TRƯƠNG CÔNG HẢI
2024
(*) Thơ Nguyễn Thụy Sơn- Bài: Tánh Không.