CÒN NON, CÒN NƯỚC HÃY CÒN THỀ XƯA.

VŨ THẾ THÀNH

Tôi nhớ hồi học lớp nhất (lớp 5 bây giờ), thầy giáo bắt học thuộc lòng bài thơ “Vịnh bức dư đồ rách” của Tản Đà. Cả lớp ê a, rồi từng thằng lên trả bài.

Hồi đó tôi có thằng bạn lối xóm, nó khoe, mẹ nó là con gái út Tản Đà. Tôi phục lắm. Thằng này bẩm sinh có máu khoác lác, nhưng chuyện nó là cháu ngoại Tản Đà là điều có thật. Nó kể tôi nghe nhiều chuyện “nội bộ” lâm li về ông ngoại nó. Thằng này có khiếu kể chuyện, tôi há hốc miệng nghe, thỉnh thoảng lại xen vào vài câu hỏi, nó lại càng cao hứng. Trong đầu thằng nhỏ 10 tuổi như tôi, nhà văn, nhà thơ là cái gì đó to lắm, trí tuệ lắm. Chẳng biết nó có thêm thắt gì không khi kể chuyện không. Mà thôi, chỉ rặt là những thứ con nít hóng chuyện, không kiểm chứng được. Nó chết lâu rồi.

Tôi bắt đầu thích thơ Tản Đà khi học lớp 11, và chỉ thích đúng một bài “Thề non nước”. Bài thơ khá dài, Hai câu mở đầu bài thơ thế này…

“…Nước non nặng một nhời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non”

Bài “Thề non nước”, theo như truyện ngắn cùng tên “Thề non nước” của Tản Đà cho biết, ông làm bài thơ này chung với cô đào Vân Anh trong một đêm hai người chén thù chén tạc. Bài thơ đề vịnh cho bức cổ họa sơn thủy – Tranh sơn thủy, nhưng chỉ có “sơn” mà không có “thủy”. Tản Đà giải thích, dưới chân núi là cả ngàn dâu. Đó là sông nước khi xưa do tang thương biến đổi thành. Cứ xem ngàn dâu là “sông nước” để làm thơ vịnh.

Tản Đà, trong vai người khách qua đêm của câu chuyện, làm 6 câu đầu. Cô đào Vân Anh làm tiếp 8 câu sau. Hôm sau người khách bỏ đi, không hẹn ngày trở lại.

Ở nhà mong ngóng, cô đào làm thêm hai câu thơ:

“Dù như sông cạn đá mòn
Còn non, còn nước hãy còn thề xưa”

Một thời gian sau, khách quay lại. Hai người lại qua đêm đối ẩm. Khách làm thêm một số câu thơ nối vào. Cô đào kết bằng hai câu thơ:

“Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước không nguôi nhời thề”

Đúng là tài tử và giai nhân cùng nhau đề vịnh cho bức tranh sơn thủy, có “sơn” mà không có “thủy”. Khách lại ra đi, không hẹn ngày trở lại. Tới đây thì kết thúc câu chuyện. Nước không còn bao giờ quay trở lại, mà Non vẫn đứng chờ.

Những đào nương ngày xưa, như cô đào Vân Anh, thuộc loại đẳng cấp, không cầm kỳ thì ít nhiều cũng thi họa, không kém gì các nàng geisha ở Nhật. Chẳng thế mà bậc phong lưu như Cao Bá Quát vẫn tìm đến chốn bình khang để làm thơ, đưa đào nương hát, mình gõ nhịp, uống rượu giải sầu.

Tản Đà dòng dõi thư hương, nhưng mẹ và chị gái của ông lại là đào nương, nên máu phong lưu tiêu xái ít nhiều cũng có trong người ông. Con đường thi cử của Tản Đà không suông sẻ, thi đâu rớt đó. Hai lần thi Hương, một lần thi vào trường Hậu bổ đều rớt. Thất chí, Tản Đà bỏ đi làm báo, viết văn, làm thơ, viết kịch, giang hồ lãng tử, đi Nam về Bắc, rượu chè be bét. Mọi thứ với ông đều chỉ là ngẫu hứng.  Làm đâu cũng thua đó, nhưng ông lại thành công trên con đường văn học.

Tản Đà là em cột chèo với Phan Khôi, ông “tình già” mà “con mắt còn có đuôi”.  Anh em ruột thịt tính khí còn khác nhau xa, huống gì cột chèo. Phan Khôi nghiêm cẩn trong viết báo, nhưng phóng khoáng về tư tưởng. Tản Đà trái lại, phóng túng trong văn thơ, nhưng về tư tưởng lại bảo thủ. Trong cuộc bút chiến với Phan Khôi về luân lý và Tống Nho, Tản Đà lên án Phan Khôi là “vu hãm tiên hiền, loạn ngôn hoặc chúng”, và đòi đưa ông anh cột chèo ra Văn Miếu quất cho vài hèo.

Có thời gian Tản Đà bị nhóm thơ mới, và giới tân học phê phán dữ dội. Ông cũng chẳng vừa. Tản Đà phản ứng với Phạm Quỳnh đầy châm biếm:  “Người mà không biết chán đời có khác gì lợn? ”. Có lẽ thân phận vượt trên “con lợn” đã tạo ra một nhà thơ Tản Đà rất người và rất đời.  

Cô đào Vân Anh có thể có thật, vì Tản Đà có máu đa tình, nhưng câu chuyện cả hai cùng nhau làm chung bài thơ “Thề non nước”, tôi ngờ là ông… phịa. Bài thơ “Thề non nước”được in lần đầu năm 1920. Câu chuyện “Thề non nước” được viết vào năm 1921, và xuất bản năm 1922 trong tập Tản Đà tùng văn. Ông “mắm muối” câu chuyện để bài thơ trở nên ly kỳ, thế thôi. Năm 1925, ông lại in bài thơ này trong tập “Thơ Tản Đà”. Đọc bài thơ “Thề non nước” mà mơ màng tới đôi tài tử giai nhân, nửa đêm đối ẩm làm thơ là rơi vào bẫy của ông nhà báo Tản Đà. Nói vậy thôi, đôi lúc cũng nên huyễn hoặc với chính mình để bay bổng cùng thơ. Tôi cũng vậy.

 “Thề non nước” là bài thơ tình lãng mạn, phải nói là tuyệt tác, trong đó Tản Đà sử dụng điệp ngữ: non nước, nước non, non non nước nước một cách điêu luyện. Một số nhà phê bình còn cao hứng cho rằng, bài thơ có tính ẩn dụ bàng bạc tình cảm yêu nước. Nếu muốn nói yêu nước thì hãy viện dẫn “Vịnh bức dư đồ rách” của ông, “Mà đến bây giờ rách tả tơi”. Tả tơi rồi đấy!

Hãy trả lại “Thề non nước” cho tâm sự của cô đào Vân Anh. Hai câu thơ, “Dù như sông cạn đá mòn, còn non, còn nước hãy còn thề xưa”, mà Vân Anh làm trong lần mong chờ đầu tiên có lẽ là hai câu thơ hay nhất trong bài. Nhưng làm sao có thể đi ngược lại bể dâu để sông nước quay về? Chỉ có cuộc bể dâu khác mới đang dày vò trái tim nàng đào nương bạc phận!  

Vũ Thế Thành

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *