Thi sĩ Nguyên Sa (1932 – 1998) còn có bút danh là Hư Trúc, tên thật là Trần Bích Lan. Ông là giáo sư Triết học ở nhiều trường trung học, là hiệu trưởng trường tư thục, là ký giả kiêm nhà xuất bản sách giáo khoa, tiểu thuyết, tạp chí thuở Sài-Gòn thịnh trị. Ngoài ra, ông được yêu chuộng, nhắc nhở nhiều bởi những vần thơ ngập tràn yêu đương, mộng mị được chấp cánh bởi những nhạc sĩ tài hoa như Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Anh Bằng, Song Ngọc và Ngô Thụy Miên.
Xuất thân từ dòng dõi quan lại dưới triều nhà Nguyễn và có dịp đi du học ở Pháp từ rất sớm nên ông đã mở lòng với thiên nhiên, học hỏi được nhiều điều văn minh, mới mẻ nơi xứ người và đưa vào văn thơ những hình ảnh lãng mạn, khó quên. Cuộc sống ở nơi xa đã tạo nên nguồn cảm hứng cho những thi phẩm như “Mai tôi đi”, “Paris có gì lạ không em”, “Tiễn đưa”, v.v..
Từ cuối thập niên 50, những dòng thơ mới mẻ của Nguyên Sa, mà đa số được sáng tác theo thể thơ tự do đã xuất hiện trên báo chí, tạp chí văn chương ở Sài-Gòn và tạo ra một nguồn cảm hứng, say mê cho giới sinh viên, học sinh cũng như những tâm hồn yêu chuộng thơ văn, không kể tuổi tác.
Hình ảnh Paris lãng mạn đã làm cho một góc trời Sài-Gòn cũng dịu mát dù nơi đây không có sông Seine, thiếu hẳn sương mù và chỉ có hai mùa mưa nắng. Những người yêu nhau, hẹn nhau, chờ nhau và trao cho nhau những lời thề non hẹn biển .. “Paris có gì lạ không em Mai anh về giữa bến sông Seine Anh về giữa một dòng sông trắng Là áo sương mù hay áo em Em có đứng ở bên bờ sông Làm ơn che khuất nửa vầng trăng Anh về có nương theo dòng nước Anh sẽ tìm em trong bóng trăng” (Paris có gì lạ không em)
Lứa tuổi học trò chợt yêu màu hoa tím, thấy tiết trời đổi thay cũng nghe lòng se sắt buồn rồi mộng mơ ra ngoài khung cửa lớp. Họ chép vào vở những bài thơ tình thắm thiết, chuyền tay nhau đọc, nói với nhau bằng ngôn ngữ lai láng thi ca và gửi trao cho nhau nỗi thương niềm nhớ qua những lá thư tình với bao nét nũng nịu, giận hờn .. “Không có anh lấy ai đưa em đi học về Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp đọc Ai lau mắt khi em ngồi khóc Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa” (Cần thiết)
Thơ Nguyên Sa chuyên chở những hè đường, góc phố ở Paris, mùa thu lãng mạn với lá vàng rơi ngập lối. Thơ Nguyên Sa cũng vấn vương một chút Hà-Nội với màu áo lụa Hà-Đông đài các, kiêu sa và luôn cả nắng mưa ấm áp của Sài-Gòn một thuở .. “Nắng Sài-Gòn anh đi mà chợt mát Bởi vì em mặc áo lụa Hà-Đông Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng” (Áo lụa Hà-Đông)
Thơ Nguyên Sa được in thành tập, thành sách, được phổ biến dưới nhiều hình thức và được thăng hoa khi được các nhạc sĩ tên tuổi phổ thành nhạc, nhất là với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã “nghe những rung động thầm kín nhất của tuổi trẻ mình” trong hồn thơ Nguyên Sa nên tìm đến ý nhạc thật gần mỗi khi tiếng thơ buồn vọng lại. Nguyên Sa và Ngô Thụy Miên là sự cảm thông và đồng điệu của hai tâm hồn yêu nghệ thuật.
Từ ý thơ của bài “Tháng sáu trời mưa” của Nguyên Sa mà hai nhạc phẩm “Tình khúc tháng sáu” và “Tháng sáu trời mưa” của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên (*) đã ra đời khiến cho những người yêu nhau cứ bâng khuâng và nhớ hoài buổi chiều mưa tháng sáu. Thành ngữ “trời mưa tháng sáu” cũng báo tin mùa mưa sắp về trên miền đất cũ dù đã muôn trùng cách biệt.
Sau “Áo lụa Hà-Đông và “Paris có gì lạ không em, nhạc phẩm “Tuổi mười ba” được chào đời từ ý thơ hồn nhiên, lời thơ trong sáng. Nắng mưa, thương nhớ, đợi chờ khiến cho cậu trò nhỏ yêu màu hoa, mến màu lá và pha mực tím cho vừa màu thương nhớ .. “Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương Tôi thay mực cho vừa màu áo tím” (Tuổi mười ba)
Với báo chí, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã có lần tâm sự: “Tôi chỉ là một trong hàng triệu người yêu quí thơ ông, một người may mắn có thể gửi lời biết ơn dòng thơ tuyệt vời của ông qua những nốt nhạc giản dị, chân tình .. Và từ đó, Áo lụa Hà-Đông, Paris có gì lạ không em, Tuổi mười ba đã trở thành một phần đời nhạc Ngô Thụy Miên”
Trong bài thơ “Paris” của Nguyên Sa có câu “Mai tôi đi chắc Paris sẽ buồn, Paris sẽ nhìn theo” và khi nhạc sĩ Ngô Thụy Miên bước chân xa xứ, xa Sài-Gòn thì Sài-Gòn đã buồn và Sài-Gòn đã nhìn theo. Những con đường, những góc phố hay những hàng quán thân quen của Sài-Gòn ngày nào, màu áo lụa Hà-Đông, màu vàng của hoa cúc hay màu sân trường xanh lá thắm là kỷ niệm của một thời và mãi mãi.