Ai phải “tạ tội với Hoàng Sa”?

Gió Bấc (RFA)
23.1.2024

Kỷ niệm 50 năm ngày Trung Công xâm chiếm Hoàng Sa trôi qua lặng lẽ trên hầu hết tờ báo lề đảng. Không có những trang tuyên truyền rầm rộ như 50 năm chiến thắng Đện Biên Phủ trên không hay 50 năm chiến thắng Mậu Thân với hình ảnh lễ lạc, phát biểu của lãnh đạo…

Một sự kiện nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn là “Các cựu binh Hoàng Sa và thân nhân thăm nhà trưng bày Hoàng Sa“, do tổ chức Nhịp Cầu Hoàng Sa tài trợ, cũng không được báo chí trong nước đưa tin.

Về danh nghĩa, nhà nước Việt Nam xác lập Hoàng Sa là huyện đảo, có ông Chủ tịch UBND Huyện hẳn hoi. Huyện biểu tượng, ông chủ tịch biểu tượng vì không có dân, không có đất. Công việc duy nhất của ông là biểu tượng trong sự kiện này. Nhưng trong ngày kỷ niệm đặc biệt, đoàn khách đặc biệt gồm: Năm cựu binh của VNCH tham gia trận Hải chiến bảo vệ Hoàng Sa ngày 19-1-1974 và bốn người con của những người lính VNCH đã hy sinh trong trận Hải chiến này chỉ được ông Lê Tiến Công, Giám đốc Nhà Trưng bày Hoàng Sa, đồng thời là Chánh Văn phòng UBND huyện đảo Hoàng Sa, đón tiếp.

Chừng như để hóa giải, tẩy xóa ý nghĩa của cuộc viếng thăm, báo Tuổi Trẻ có bài “Mãi nhắc nhớ Hoàng Sa của nước Việt” dài trên 1500 chữ nhưng không chữ nào nhắc đến Hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974, cũng không nhắc đến đoàn khách đặc biệt năm cựu binh VNCH và bốn hậu duệ của những tử sĩ tham gia Hải Chiến Hoàng Sa.

Bài viết nhấn mạnh: “Mỗi năm cứ đến ngày 19-1, UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) đều gặp gỡ các nhân chứng lịch sử chủ quyền quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Những nhân chứng được bài báo nêu tên đã kể chuyện câu cá bắn chim ở Hoàng Sa, ngày 19-1 cũng không nói là ngày gì! (1)

Ngày 20-1, trả lời báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao hát điệp khúc quen thuộc “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, chúng tôi có bằng chứng không thể chối cãi…”. Lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam ai cũng bận bịu trăm công nghìn việc như bao ngày khác, như là Trung Quốc chưa hề xâm chiếm Hoàng Sa và ngày đêm xây dựng quần đảo này thành căn cứ quân sự, có cảng biển, sân bay.

Lẻ loi trên Facebook có bài viết đau đớn, oặn thắt của ông Đặng Ngọc Tùng: “Tôi xin tạ tội!

”. Ông xác định: “Ngày 19/01/2024 kỷ niệm 50 năm “quần đảo Hoàng Sa” rời xa đất mẹ tổ quốc Việt Nam, nằm dưới sự quản lý tạm thời cuả “quân chiếm đóng Trung Quốc”.

Vì sao phải tạ tội? Ông Tùng kể lại, sau nhiều lần thăm bộ đội, truy điệu, tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh ở Trường Sa, “đã hình thành trong tôi ý tưởng ‘xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma’ và ‘khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa’. Tôi đã đưa ý tưởng này ra bàn trong Ban Chấp Hành Tổng Liên Đoàn Lao Động (BCH TLĐLĐVN) và được thống nhất cao”.

Năm 2015, ông Tùng trực tiếp ký tên đóng dấu, và đọc lời kêu gọi cuộc vận động “nghĩa tình Hoàng Sa, Trường sa”  kêu gọi đóng góp tiền, của xây dựng hai khu tưởng niệm. Trong thời gian ngắn đã thu được gần 300 tỷ đồng và nhiều hiện vật để xây dựng hai khu tưởng niệm trên. Chỉ riêng gia đình ông đóng góp 400 triệu đồng.

Ngày 14/3/2015 kỷ niệm 27 năm ngày mất Gạc Ma, Tổng Liên đoàn (TLĐ) tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng “khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma” tại bán đảo Cam Ranh. Khánh thành giai đoạn 1 vào ngày 15/07/2017, (chi phí xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma hết khoảng 160 tỷ đồng.

Ngày 19/01/2016 kỷ niệm 42 năm ngày Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, TLĐ đã long trọng tổ chức lễ đặt viên đá xây dựng “khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa” tại đảo Lý Sơn, thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

“Mọi công việc xây dựng đang được khẩn trương tiến hành, thì tháng 5/2016 tôi có quyết định thôi Bí thư Đảng đoàn, và thôi làm Chủ tịch TLĐ tôi đã bàn giao toàn bộ công việc cho người kế nhiệm, trong đó có việc tiếp tục xây dựng ‘khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa’.
Từ ngày tôi nghỉ hưu, rất nhiều người đã đóng góp tiền của xây dựng hai khu tưởng niệm trên cứ gọi điện thoại hỏi thăm tôi bao giờ hoàn thành? Tôi đã mấy lần kiến nghị cùng các anh lãnh đạo TLĐ đương chức là phải tiếp tục thực hiện thì các anh trả lời “chúng em đang xúc tiến làm” nhưng lúc nào xong thì chưa biết.
Kỷ niệm 50 năm ngày quần đảo Hoàng Sa rời xa đất mẹ, đáng lẽ tôi phải thực hiện xong lời hứa với tổ tiên, với những người đã nằm xuống vì biển đảo quê hương. Khi truy điệu các anh gần đảo Gạc Ma, đáng lẽ tôi phải thực hiện trọn vẹn lời căn dặn trăn trối của Ba tôi, đáng lẽ tôi phải thực hiện cho được lời hứa trước hàng triệu nhân dân yêu nước đã đóng góp tiền của kiếm được rất khó khăn của mình cho việc xây dựng ‘2 khu tưởng niệm’. Nhưng đến ngày hôm nay sau 8 năm lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ‘khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa’ vẫn chưa được thực hiện.
Trước thềm năm mới tôi xin tạ tội cùng Tổ tiên, cùng Ba tôi và các anh, xin tạ tội cùng những người dân yêu nước đã tin tưởng đóng góp tiền của công sức cho việc xây dựng 2 khu tưởng niệm này, nhưng đến ngày hôm nay ‘khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa’ vẫn chỉ là ‘viên đá đầu tiên’!
Tôi xin cúi đầu tạ tội!” (2)

Ông Đặng Ngọc Tùng tại lễ đặt viên đá đầu tiên Khu tưởng niệm Hoàng Sa

Theo từ điển mở Wikipedia, ông Đặng Ngọc Tùng là ĐBQH 3 khóa, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Phó Chủ tịch liên hiệp công đoàn thế giới, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Theo báo Lao Động, ngày 2 tháng 6 năm 2014, liên quan đến việc Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng phát biểu “Đây là bài học cho những ai còn mơ hồ về 16 chữ vàng, về 4 tốt”.

Theo báo Dân Trí, ngày 27/05/2015, Đại biểu hối thúc Luật Biểu tình khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền… (3)

Hiện nay, đường link vào các bài này đã bị lỗi 404. Điều đáng chú ý là ông Tùng đã bị cho thôi giữ chức Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động không chỉ  trong lúc xây dựng Khu Tưởng Niệm dở dang mà nhiệm kỳ Chủ Tịch của ông cũng còn đến hai năm mới hết. Người thay ông giữa dòng là “tiến sĩ chân vịt” Bùi Văn Cường, hiện nay là Tổng Thư ký Quốc Hội.

Ông Đặng Ngọc Tùng từng trả lời báo chí: “Binh sĩ ngã xuống ở Hoàng Sa hay ở Gạc Ma đều là những tấm gương hy sinh vì dân tộc. Họ đều đáng được trân trọng, thân nhân họ gặp khó khăn thì mình giúp đỡ. Góp được tiếng nói cho sự đoàn kết toàn dân tộc là đáp ứng mục tiêu xây dựng và bảo vệ tổ quốc” (4).

Theo tường thuật của báo chí thời ấy, Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa xây dựng tại núi Thới Lới, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Nhiều đồ án hết sức công phu, tâm huyết, hướng về Hoàng Sa được thiết kế và đưa ra lấy ý kiến đóng góp của người dân. Tác phẩm “Người mẹ thắp lửa” của Kiến trúc sư Trần Văn Dũng (TP HCM) được chọn mẫu để làm công trình ý nghĩa này.

Khu tưởng niệm sau khi hoàn thành sẽ là nơi để đồng bào cả nước đến thăm viếng, ngưỡng vọng, tưởng nhớ những người con đất Việt đã quên mình bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc (5).

Ba năm bị đình hoãn tức tưởi sau khi ông Tùng bị cho thôi giữ chức, năm 2019 Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam cho biết, đang hoàn tất các bước thủ tục cuối cùng để chính thức khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa tại Lý Sơn, Quảng Ngãi vào dịp lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2020 (tức từ 16.2 đến 16.3 âm lịch). Công trình cũng dự kiến hoàn tất, đưa vào hoạt động cuối năm 2020…

Năm 2022, ông Nguyễn Đình Bin, 78 tuổi, cựu Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam, viết trên Facebook cá nhân “thiết tha kiến nghị” Đảng Cộng sản cầm quyền và nhà nước “truy phong Liệt sĩ và khen thưởng xứng đáng” các quân nhân và viên chức của Việt Nam Cộng Hòa “đã hy sinh để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc” trong trận hải chiến ngày 19/1/1974.

Ông Nguyễn Đình Bin gọi những quân nhân VNCH đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa là “những người con đích thực của Dân tộc Việt Nam” và đề nghị Hà Nội áp dụng chính sách về người có công hiện hành đối với họ và thân nhân, cũng như với “tất cả sĩ quan, binh lính, viên chức khác của chính quyền VNCH và đồng bào miền Nam đã có công tham gia phục vụ cuộc chiến đấu lịch sử này”.

Ông Nguyễn Đình Bin cũng kiến nghị chính quyền cấp quốc gia “xây dựng Tượng đài xứng đáng về sự kiện lịch sử này tại thành phố Đà Nẵng”. “Làm việc này còn để khẳng định dứt khoát chủ quyền không thể tranh cãi của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa, rất cần thiết trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay”, ông Bin nhấn mạnh.

Kiến nghị của của Thứ trưởng Bin được đưa ra chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên thăm và làm lễ tưởng niệm 64 quân nhân Việt Nam hy sinh khi chống Trung Quốc đánh chiếm đá Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988.

[Ông Bin] lưu ý đến bối cảnh “nhà cầm quyền độc tài Nga đang tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược trắng trợn chống lại nước láng giềng anh em Ukraina” và “Trung Quốc […] càng ra sức diễu võ, dương oai, tiếp tục xúc tiến tham vọng độc chiếm Biển Đông”, vị cựu thứ trưởng ngoại giao cho rằng, Đảng Cộng sản và nhà nước “phải đổi mới tư duy, có những hành động quyết liệt, thể hiện quan điểm rõ ràng, bản lĩnh cần thiết” nhân kỷ niệm hai cuộc hải chiến Hoàng Sa và Gạc Ma.

Ông Bin cũng chỉ ra rằng Tượng đài Tưởng niệm Liệt sĩ Gạc ma, đã được khánh thành năm 2017 ở Khánh Hòa; và Khu Tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, bị bỏ dở từ 2016 đến nay; đều là công trình “hoàn toàn của dân, do dân”.

Nhìn rộng hơn, vị cựu Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, người cũng từng kiêm chức Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, đề nghị đảng cầm quyền và nhà nước “chấm dứt chính sách phân biệt đối xử, thực hiện chính sách xã hội hiện hành đối với cả các thương, phế binh, viên chức cũ của chính quyền VNCH và thân nhân”.

Dưới góc nhìn của ông Bin, khi thực hiện các kiến nghị nêu trên, việc làm đó “sẽ lay động mọi trái tim Việt, khơi dậy và thổi bùng nhiệt huyết yêu nước, tình nghĩa đồng bào, góp phần hòa giải, hòa hợp, hàn gắn vết thương dân tộc”.

Ông nhận định rằng, nếu làm được như vậy, người Việt ở trong cũng như ngoài nước sẽ thành một khối, đồng lòng sát cánh, đưa Việt Nam phát triển mạnh và bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời của quốc gia.

Chỉ khi nào toàn Dân với Đảng và Nhà nước trở thành một khối ý chí thống nhất thì mới thành công thật sự trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông kết luận trong bản kiến nghị của mình (7).

Gần hai năm qua, kiến nghị của ông cựu Thứ trưởng vẫn chìm trong im lặng. Công trình Khu Tưởng Niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa vẫn trì hoãn không thời hạn để ông cựu Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động phải ngậm ngùi TẠ TỘI.

Lịch sử rất công bằng, sẽ xá tội, ghi công cho ông Đặng Ngọc Tùng. Ngàn đời lịch sử sẽ không quên những ai ngăn trở việc xây Khu Tưởng Niệm Nghĩa Sĩ Hoàng Sa, xóa nhòa ý nghĩa xương máu ngày 19-1, khoét sâu hằn thù dân tộc, đớn hèn hữu nghị với giặc ngoại xâm, đàn áp người Việt yêu nước đấu tranh đòi chủ quyền dân tộc. Đó là những TỘI ĐỒ BÁN NƯỚC, BÁN DÂN.

Gió Bấc (RFA)

Chú thích:

1- https://tuoitre.vn/mai-nhac-nho-hoang-sa-cua-nuoc-viet-20240118000415623.htm

2- https://www.facebook.com/tung.dangngoc.90/posts/pfbid0eiE68pkLo7WxEkyEksu9mLLPdFn5ksZe8Z8VTj5R59Kb9R8tPh3RfCBWHWjpeWEFl

3- https://vi.wikipedia.org/wiki/Đặng Ngọc Tùng

4- https://vnexpress.net/xay-den-tuong-niem-gac-ma-la-nguyen-vong-toan-dan-2963507.html

5- https://tienphong.vn/dat-vien-da-dau-tien-xay-khu-tuong-niem-nghia-si-hoang-sa-post843242.tpo

6- https://laodong.vn/thoi-su/se-hoan-tat-xay-dung-khu-nghia-si-hoang-sa-trong-nam-2020-759601.ldo

7- https://www.voatiengviet.com/a/cuu-thu-truong-nguyen-dinh-bin-kien-nghi-xay-dung-tuong-dai-ve-vnch-bao-ve-hoang-sa/6486079.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *