Những trang viết cuối cùng của Khuất Đẩu (T.Vấn)

T.Vấn

Với tư cách một công dân, nhà văn Khuất Đẩu đã, ít nhất, không hổ thẹn là một người cầm bút.

    Từ tác phẩm đầu tiên được ký với cái tên xa lạ K.Đ. “Những Tháng Năm Cuồng Nộ”, một tác phẩm đã thực sự đem cảm giác “cuồng nộ” đến người đọc. Ông đã xác định đúng nhiệm vụ của một nhà văn: viết những trang sách khiến người đọc khi gấp sách lại biết mình phải làm gì, nên làm gì; chí ít, phải suy nghĩ về những điều gì nếu vẫn còn mang nặng trong lòng nỗi niềm “Quốc Gia hưng vong thất phu hữu trách”.

    Năm tháng trôi đi, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, nhưng nỗi buồn kẻ sĩ vẫn cứ đọng lại.

    Kết quả của những thao thức, những trăn trở ấy là một loạt những tác phẩm truyện vừa, truyện ngắn ra đời, những Lão Tiền Bối, Người Giữ Nhà Thờ Họ, Người Tử Tù, v.v… và hàng mấy chục truyện ngắn khác.
    Là nhà văn, ông phải viết, dù biết rằng, “cầm bút bây giờ còn nguy hiểm hơn cả Kinh Kha cầm con dao chủy thủ đi vào đất Tần bất trắc. Vì đất Tần lúc này không chỉ có một, mà có đến những hàng trăm hàng ngàn bạo chúa còn tàn bạo hơn cả Tần Thủy Hoàng. Biết vậy, nhưng tôi vẫn phải cầm lấy bút để viết về những tháng ngày mà thế hệ chúng tôi đã sống và đã chết, trong suốt cơn mê dài của lịch sử với những cuộc bắn giết kinh hoàng, những chia ly mất mát…” [Khuất Đẩu: Diễn từ nhận giải Đặc biệt (Đọc trong lễ Trao giải Văn Việt lần 3)].
    Nhưng năm tháng, từ lúc ông đặt bút viết “Những Tháng Năm Cuồng Nộ” đến nay vẫn còn là những năm tháng cuồng nộ. Trong những trao đổi riêng tư, nhà văn đã nhiều lần bộc bạch rằng đêm dài quá, ngồi đến rã rời cả thân xác, đến mụ mị cả đầu óc, vẫn chưa thấy ánh bình minh ló rạng. Đã có lúc ông muốn buông bỏ hết, nhưng đã trót mang cái nghiệp vào thân, nên kiếp tằm vẫn cứ phải nhả tơ.
    Thế là “Những Trang Viết Ngắn” của Khuất Đẩu ra đời. Chỉ đến lúc này người đọc mới nhìn thấy được hết những “cuồng nộ” chất chứa trong tâm thức “một công dân bình thường và tầm thường, kể lại những điều đã thấy, đã nghe, nhưng không phải để mua vui một vài trống canh, cũng không phải để khóc than, mà để chứng tỏ một điều rằng, dù nghiệt ngã cay đắng đến đâu, tôi vẫn yêu cuộc sống này và trước khi giã từ tôi muốn được nói lời cảm ơn.”
    Đó là vào năm 2015. Một loạt những bài viết ngắn về mọi điều tai nghe mắt thấy của Khuất Đẩu bắt đầu xuất hiện. Chúng được đón nhận hết sức nồng nhiệt. Bởi vì “chúng thật sự là những tác phẩm tiêu biểu của một ngòi viết sắc sảo có cái nhìn soi rọi và chuẩn xác của một người đã thông qua hết nẻo đời và mọi diễn biến xã hội được ngòi bút ấy biểu cảm một cách tinh tế . . .” (Mặc Lâm  Đài RFA).
    Cuối năm 2019, để chào mừng mình sắp bước vào ngưỡng cửa 80 năm cuộc đời, Khuất Đẩu lại trút nỗi cuồng nộ qua loạt bài: Nghĩ Vẩn Vơ, Cuối Đời. Và hơn bao giờ hết, khí phách kẻ sĩ hiển lộ qua những trang viết không một chút nào vẩn vơ dù đã ở cuối đời, dù biết mình “xác thân trông ốm yếu ho hen, nhưng tinh thần vẫn mạnh mẽ, thà làm một con chó sói lạc bầy bị săn đuổi chứ không làm một con cừu đi theo hàng.” (Khai Bút Chào 80 – Khuất Đẩu). 
    Mới đây nhất, tháng 5 năm 2023, ở tuổi xấp xỉ 84, nhà văn lại cho ra đời một loạt những bài viết ngắn. Đêm vẫn cứ dài thăm thẳm, nhưng có vẻ như nhà văn biết rằng có cuồng nộ đến đâu thì mình cũng sẽ không kịp nhìn thấy mặt trời mọc lên rực rỡ. Thế nên ông đã cho phép phần đẹp nhất, lãng mạn nhất của tâm hồn mình sống đời thực như lẽ ra nó phải được như thế từ lâu rồi, chẳng qua cũng vì nỗi niềm “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” không cho ông được sống đời mình như mong muốn. Chưa bao giờ người đọc được nhìn thấy những trang viết đẹp như thế, những trang viết dù mang nặng nỗi buồn nhưng đã thăng hoa để bay bổng lên giữa trời xanh như những cụm mây trắng, từ một tâm hồn vốn chất chứa bao nhiêu những “cuồng nộ”.

NỖI BUỒN MÂY TRẮNG
Điệu múa cuối cùng của con thiên nga?

Độc giả của nhà văn Khuất Đẩu, ai là người không chạnh lòng khi đọc những dòng này:

“…mỗi con chữ tôi gõ vào máy, có cảm giác như đang gõ vào trái tim mình. Nó bối rối, nó hồi hộp y như lúc trẻ ngồi viết thư tình. Những con chữ không phải là nốt nhạc mà sao tôi vẫn nghe nó ngân nga, có lúc lên bổng có lúc xuống trầm, lúc nặng lúc nhẹ…những âm thanh đó phải chăng là tiếng lòng?

Đã đến lúc ngừng gõ vì tiếng gõ mạnh hơn của thần chết. Trước khi ngừng hẳn xin tát cạn lòng chân thành, một lần nữa gửi đến bạn lời cảm tạ.”(Cảm Từ – Khuất Đẩu).
    Là người đồng hành cùng nhà văn Khuất Đẩu từ nhiều năm nay, cá nhân tôi (qua trang mạng T.Vấn & Bạn Hữu) vinh dự được chia sẻ cùng nhà văn biết bao những nỗi niềm. Đến hôm nay, tôi lại còn được vinh dự viết đôi điều về những trang viết cuối cùng của một kẻ sĩ, nhà văn Khuất Đẩu. Đời người ai cũng một lần đối diện với cái chết của chính mình, nhưng mấy ai đủ may mắn để nghe rõ ràng tiếng gõ cửa của thần chết với tâm thái ung dung như nhà văn Khuất Đẩu của chúng ta?
    Xin chúc mừng ông! Thưa nhà văn Khuất Đẩu, ông đã hoàn thành nhiệm vụ một nhà văn, đã sống trọn vẹn một cuộc đời kẻ sĩ. Nếu ông nghĩ đã đến lúc mình phải lên đường, xin ông cứ thanh thản lên đường. Mặt trời rồi cũng sẽ mọc, dù đêm có dài đến đâu trên quê hương chúng ta, mảnh quê hương mà ông đã yêu thương cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng.
Xin ông yên lòng nhé! Mặt trời rồi cũng sẽ mọc trên quê hương yêu dấu của chúng ta.



– T.Vấn
(1 tháng 7 năm 2023)

********************

Nhà văn Khuất Đẩu, sinh năm 1943 tại Bình Định
Trước 1975 là giáo chức, dạy Việt Văn tại Ninh Hòa – Khánh Hòa
Hiện sống cùng gia đình tại Ninh Hòa
– Khánh Hòa

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *