Khóc một người vừa nằm xuống hay khóc cho những ai đã đi về bên kia quê hương hơn nửa thế kỷ qua? (Nguyễn-Khoa Thái Anh)

(Nhà báo Nguyễn Qui Đức)

25-1-2024

Nguyễn-Khoa Thái Anh

Hồi hương được gần 20 năm nay, sống và qua đời hồi cuối tháng 11 ở Hà Nội nơi anh yêu dấu, nhưng chẳng mấy người ở Việt Nam, ngay cả ở Hà Nội được biết đến Nguyễn Quí Đức, một nhà văn, nhà báo, dịch giả và phát thanh viên, tên tuổi nổi cồn với báo chí và truyền thông Mỹ và Tây phương.

Hôm thứ Bảy, 20 tây tháng Giêng, 2024, đài truyền hình và phát thanh KQED ở vùng Vịnh San Francisco đã tổ chức một buổi họp mặt thân mật và trọng thể, mời nhiều người mặt mũi trong ngành truyền thông, cùng với bạn bè, những người thân, những người hâm mộ đến để tưởng nhớ và chia sẻ nhiều điều về anh. Vì cũng chính nơi đây, KQED, anh Nguyễn Quí Đức đã làm việc và khai phóng Chương trình phát thanh Pacific Time từ năm 2000 cho đến 2006, trước khi anh từ bỏ tất cả để đưa người mẹ cao tuổi về Hà Nội sống với mình.

Cách đây gần một thế kỷ, ông ngoại anh, cụ Nguyễn-Khoa Toàn, quan chức Nam triều (tỉnh trưởng Thừa Thiên) chuyển ra Bắc đảm nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thông tin ở Hà nội – và cũng chính nơi đây, ông đã gặp mẹ người viết, một nàng Kiều của Hà Nội, danh hiệu Giáng Kiều(*), một thời vang bóng. Thời gian này bà đến xin ông giấy phép để xuất bản tuần báo Tribune de la Femme (báo Phụ nữ Diễn đàn sau này). Không lâu sau ông thành hôn với mẹ của tác giả để 5 năm sau Hà nội nhớ bóng dáng một nàng tiên (mượn ca từ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn) khi họ vào Nam trước năm Hiệp định Genève chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17.
Năm 1949 ông cũng mời con rể ông là Nguyễn văn Đãi, cha của Nguyễn Quí Đức ra làm Đổng lý văn phòng cho ông tại Hà Nội, thành phố ngàn năm văn vật, một thời vang bóng và tao nhã nơi bố mẹ Nguyễn Quí Đức thụ hưởng những năm hôn phối hạnh phúc. Không ngờ ba phần tư (3/4) thế kỷ sau, cậu quý tử Nguyễn Quí Đức đã về Hà Nội mở một phòng trà có tên gọi là TaDioTo (Ta Đi Ôtô) ở Hà nội, nơi hội tụ của nhiều tao nhân mặc khách, trên văn đàn cũng như trên chính trường, từ các nhà ngoại giao cũng như các chính khách Tây phương cho đến nhiều văn nhân nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ và kịch sĩ, họ đã đến thăm anh, Tadioto, và Hà Nội, gián tiếp mang lại tiếng tăm cho Hà thành.

Không biết bao nhiêu người khi nghe tên Nguyễn Quí Đức sẽ được biết cha anh, bút hiệu Hoàng Liên, đã bị Cộng sản bắt năm 1968 ở Huế và giải về miền Bắc, giam hãm ông suốt 12 năm trời, trong đó có 9 năm biệt giam. Tội của ông: làm việc cho chính thể Việt Nam Cộng hòa.

Hôm thứ Bảy, trong buổi tưởng niệm Nguyễn Quí Đức ở KQED, chúng tôi nghe những thước phim, những đoạn ghi âm, khi anh được hỏi: cha anh đã bị cầm tù 12 năm, anh vẫn về Hà Nội sống? Anh nghĩ gì? Đức trả lời: Nếu cha tôi không oán hận Hà Nội thì mắc gì tôi phải ấm ức? Đức cũng thú nhận trước đây anh chỉ biết đến Hà Nội như một thời vang bóng qua sách vở, qua văn thơ và đó có lẽ cũng là lý do thúc đẩy anh về Hà Nội. Không hiểu qua những năm tháng sau cùng ở Hà Nội, Đức nghĩ gì về “lớp người đổi mới khác xưa” (Đoàn Chuẩn: Gởi người em gái miền Nam). Sau đây, xin phác họa sơ qua về chân dung Nguyễn Quí Đức.

“Tuần này cậu yêu ai?”

“Cái chi?” Bị chơi một cú bất ngờ, tôi lắp bắp. “Nói chi lạ hề?”

“Tuần ni cậu yêu ai?” Đức lặp lại lời trêu chọc của mình một cách tỉnh bơ, khiến đám bạn thân và những người thân thích bật cười khi họ ở gần bên. Thành thực mà nói, đến bây giờ tôi cũng chưa khẳng định được ai là người đa tình hơn. Tôi muốn hỏi: “Đức đang yêu ai?” Yêu ai không ở lại mà lại ra đi sớm rứa Đức?” “Đức, es tu entrain de mourir d’aimer?”

Xin thú thật, mặc dù Nguyễn Quí Đức là cháu nhưng đương sự chính là 1 phiên bản mà tôi mong muốn, một người mà tôi luôn ngưỡng mộ. Chúng tôi mến nể và tôn trọng nhau không ít, vẫn thích cạnh tranh ngầm như kiểu anh em ruột thịt tranh đua với nhau một cách nhẹ nhàng hơn, nhưng đó là một mối tương quan phải thừa nhận là không cân xứng, vì lúc nào Đức cũng dẫn đầu, về thanh danh cũng như thành tích.

Khi Dương Thu Hương xuất hiện tại Thư viện chính của thành phố New York (ngày 30 tháng 4 năm 2006), trong một buổi trò chuyện với nhà văn Robert Stone và một tác giả người Pháp, ô. Antoine Audouard, người điều hành buổi nói chuyện, tên tôi nằm trong danh sách thông dịch viên nhưng rốt cuộc Đức đã được chọn.

Có lẽ vì thương hại hoặc vì tử tế, khi Dương Thu Hương tự cho mình là “giặc,” bị lúng túng nhất thời trên sân khấu, Đức liếc mắt xuống hàng ghế khán giả thứ hai nơi tôi đang ngồi:

“Cậu Thái, ‘giặc’ tiếng Anh gọi là gì?” Tất nhiên, ‘rebel’ là “giặc” hoặc người nổi loạn.

Nhưng không giống James Dean, Đức không bao giờ là kẻ nổi loạn không có chính nghĩa, anh đã vạch ra con đường của mình từ rất sớm, có lẽ không cần kịch bản, nhưng là kẻ nổi loạn theo đúng nghĩa của nó, Đức đã đạt được nhiều thành tích hơn dựa theo phong cách mà một người lập kế hoạch cẩn thận thích chọn lối đi nhưng vẫn có thể sẽ thất bại trong cuộc sống có nhiều cạm bẫy.

Một kẻ nổi loạn, một kẻ lập dị sở hữu nhiều khôn khéo của một nhà ngoại giao giỏi, một bản chất tự nhiên mà Đức có thể được thừa hưởng từ ông ngoại, vị Đại sứ đầu tiên của Việt Nam thời lập quốc. Theo thuyết truyền thống, không nhất thiết đến từ cả hai dòng máu của Đức, một đặc tính phải đạo có lẽ đã hun đúc ở anh một lòng dũng cảm không hề nao núng để thúc đẩy Đức vào những nơi mà kể cả những người can trường cũng cảm thấy chùn bước, nhưng có lẽ mọi người Việt Nam đều có thể khẳng định rằng mình dòng giống con Rồng cháu Tiên từ hàng chục nghìn năm bất khuất của tổ tiên đã khiến họ trở thành những kẻ sĩ thức thời.

Cách đây khoảng 20 năm, Đức từng nói với tôi: “Nhà là nơi ta treo mũ”, chưa dứt lời, Đức vội kết luận: “nhà là nơi ta được sống thoải mái.” Một con người 2 đất nước, Hoa Kỳ và Việt Nam, Đức chọn về quê hương sống và đánh giá cho tiêu chí lý tưởng của Mỹ và niềm hy vọng (vẫn là hy vọng và mong ước sau 24 năm sau) của Việt Nam, một lưỡng tính sẽ mang lại hữu ích cho một người Việt-Mỹ trong cuộc sống.
Nhớ khi kể chuyện thi vào quốc tịch Mỹ, bà phỏng vấn văn phòng nhập tịch hỏi Nguyễn Quí Đức nhiều câu để thẩm định mức hiểu biết của anh về Hoa Kỳ.
“Ai là người thêu lá cờ Mỹ thời mới lập quốc?” (Betsy Ross)

Bí quá Đức xỏ tay vào túi quần jean, nhận ra là quần bò có nhãn hiệu Calvin Klein, anh nói:

“Calvin Klein thêu lá cở Mỹ đầu tiên, ông ta thiết kế đủ thứ thời trang mà. Đúng là Clavin Klein rồi.”

Bà phỏng vấn phá lên cười ha hả. “You’re good! Very good! Very smart and charming! You passed. Anh giỏi quá, Rất giỏi. Thật thông minh và có duyên. Đậu rồi!”

Trong một chuyến xe từ Los Angeles về vùng Vịnh San Francisco, hai cậu cháu tranh luận sôi nổi về đất nước và con người ngót 3 tiếng đồng hồ. Đề tài chính xoay quanh chuyện người ta sẽ làm gì được cho quê hương, sự lợi hại của việc dấn thân và vai trò của người Việt nước ngoài khi họ có thể tạm bỏ, hoặc giả gác qua một bên chuyện bất cập của chính trị. Chúng tôi đồng ý trên những ý tưởng chính, nhưng có những quan điểm bất đồng so với vai trò của mỗi người.

“Cậu nên về VN sống và dạy học giúp cho học sinh, sinh viên Việt Nam. Như vậy cuộc sống cậu sẽ thú vị, nhiều ý nghĩa hơn.” Thú thật có một năm sabbatical (dạy học lâu năm ở Mỹ, giáo viên được hưởng một năm bồi dưỡng và họ có thể sống ở nước ngoài làm một việc gì ưa thích). Tôi cũng hăm hở làm chuyện này trong nhiều tháng nhưng bị một cú lừa không được thù lao, dù đã cống hiến giáo trình, dịch thuật sách vở Anh văn nhưng rồi chỉ mang lại lợi ích cho những kẻ đầu sỏ nhiều hơn là sinh viên học sinh phải trả học phí cao.

Một chuyện không chối cãi được đối với nhiều người Việt – nhất là những người đã ra đi – họ đều mong muốn cho Việt Nam được phát triển, tiến bộ, và thật sự độc lập (thoát Trung) khi mọi người đều được tôn trọng, bình đẳng trên pháp luật cũng như trên thực tế. Ai cũng muốn đóng góp cho đất nước nhưng nhà nước có nghe họ, có thật sự cho họ có tiếng nói không?

Bề mặt, Đức đã về Hà Nội sống và cho Hà Nội là nhà, nhưng tôi không rõ Đức trải nghiệm thế nào về câu hỏi trên, vì trước khi ra đi về miền miên viễn, 3 tháng trước khi lâm bệnh và qua đời tuy có về vùng Vịnh San Francisco ở vài tuần,  Đức không có thì giờ nói chuyện xa vời hơn với cậu của mình vì đi chung với bạn gái.

Cuối cùng, tất cả những trái tim mà Đức đã chinh phục được, kể cả quả tim tôi, chúng có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng trái tim vô bờ bến của anh đã chết vì quá yêu Hà Nội, yêu Việt Nam không? “Đức, es tu entrain de mourir d’aimer?/ Đức, có phải Đức chết vì yêu không?”

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

Vì chúng ta – cả người Mỹ lẫn người Việt – yêu anh quá đỗi cũng như bằng tất cả khối óc hay con tim, Nguyễn Quí Đức đã yêu Hà Nội, yêu quê hương nhưng rốt cuộc quả tim anh – như nhiều quả tim khác – xưa cũng như nay – cũng không đủ lớn để lấp đi những hố sâu thẳm – to hơn những hố bom chiến tranh – trên quê hương?

N.K.T.A.

Tháng Giêng 2024

(*) Tác giả từng cho biết câu thơ của Quang Dũng: Đêm mơ Hà Nội giáng kiều thơm thì “giáng kiều” nói đây chính là tên riêng chỉ thân mẫu của ông, một hoa khôi lừng lẫy của Hà thành thuở trước 1945. Bà Giáng Kiều mất ở Mỹ trong năm đại dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội nhất mà người chú thích câu này được tin rất buồn vì vào năm 2012 đã có may mắn được chiêm ngưỡng chân dung và hầu chuyện qua điện thoại, những tưởng sẽ còn có dịp hạnh ngộ (Chú thích của NHC).

(nguồn: Bauxite,.n)

-Tin từ báo Người Việt

Bài đọc thêm: (trả lời phỏng vấn 30.4.2011)

Nhân ngày 30 tháng Tư – Nhà văn Nguyễn Quí Đức: “Chúng ta đã chậm mất hai thế hệ để hòa giải”

30/04/2011
Đăng Ninh

Nhà văn Nguyễn Quí Đức

Ông Nguyễn Quí Đức cho rằng muốn hòa giải với người thì trước hết phải hòa giải với chính mình.

Nhà văn Nguyễn Quí Đức là người đã giúp rất nhiều nhà văn Việt Nam chuyển ngữ và giới thiệu các tác phẩm của mình ra thế giới bên ngoài. Mặc dù đi nhiều, viết nhiều, nhưng ông xuất bản rất ít. Ông đã sang Mỹ sinh sống từ sau năm 1975. Trước đó, cha ông, một công chức miền Nam bị bắt trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 và bị giam tù 12 năm. Năm 1989 ông trở về Việt Nam lần đầu tiên và tới năm 2006 thì về ở hẳn để mở quán café Tadioto trên phố Triệu Việt Vương, Hà Nội.

Bay Vút: Thưa ông, dưới góc nhìn của một người lưu vong sau khi trở về Việt Nam, ông nhìn vấn đề ‘mâu thuẫn dân tộc’ như thế nào?

Nguyễn Quí Đức: “Còn tùy là nói chuyện với ai và ở thế hệ nào. Mỗi thế hệ có sự khác nhau về tầm nhìn, sự hiểu biết về câu chuyện. Có thế hệ bị ảnh hưởng bởi cuộc sống thời chiến, bị va chạm với những hình ảnh và âm thanh họ nghe và thấy được nên họ có suy nghĩ khác. Nếu như đang sống trong thời chiến, một người thấy phi cơ ném bom xuống làng mình thì chắc chắn tư duy người này sẽ bị ảnh hưởng.

Thế hệ lớn lên sau này không phải sống trong hoàn cảnh chiến tranh nên họ có cái nhìn bình tĩnh và mềm mỏng hơn. Bây giờ, rất ít người tò mò về quá khứ, về chiến tranh, vì người ta cũng mệt khi nghe chuyện này. Hậu chiến, đời sống cơm áo, gạo tiền, là đủ mệt rồi. Nhưng những người lưu vong sau 30/4 vẫn cảm thấy vương vấn về chuyện ấy, bởi vì nó vẫn chưa được nói ra một cách thỏa đáng.

Thoạt đầu những người sang Úc, Pháp, hay Mỹ cách đây mấy chục năm chưa có một chỗ đứng vững vàng, nên họ cần một cái định nghĩa: ‘Tôi là ai’. Lúc đó, để trả lời câu hỏi này thì đấy chính là cái quá khứ của chiến tranh, những mất mát, những tranh đấu mà họ đã từng trải qua. Và họ cho rằng đấy là điều quan trọng nhất trong con người của họ. Vì ra nước ngoài họ là một con người khác, phải sống cuộc sống và tiếp thu một nền văn hóa khác. Họ mất hẳn quá khứ đồng thời họ cũng bị bứng khỏi cái gốc rễ cội nguồn.

Sau này, khi họ tạo dựng được cuộc sống, tiếp nhận được nhiều thông tin thì câu chuyện nó cũng có khác đi. Và khi những người trực tiếp tham chiến già đi, đến gần cái tuổi gần đất xa trời thì họ suy nghĩ khác. Cái quan trọng đối với họ bây giờ là về lại nơi họ đã sinh ra, lớn lên. Một số muốn trở về để chết trên mảnh đất quê hương.

Mâu thuẫn khó khăn nhất của Việt kiều là ở trong nước vẫn không công nhận cái thể chế miền Nam là một chính phủ. Chính quyền hiện nay có thể không còn gọi họ là “ngụy” nữa nhưng đồng thời cũng không gọi là ‘Chính phủ miền Nam’. Thực ra, những người này vẫn có những thể chế, những niềm tin và lý tưởng, chứ họ không phải là những người chạy theo Mỹ, để bị gọi là ‘phản quốc’.

Có nhiều người miền Bắc nói với tôi rằng người lính VNCH là những người phản bội Tổ quốc. Khi nghe như vậy tôi cũng không biết giải thích gì với họ. Do đó, cũng khó mà nói chuyện. Những người trẻ tuổi hơn thì nói họ mệt chiến tranh lắm rồi, họ muốn ô tô, vật chất và của cải, họ muốn tương lai. Đấy là sự khác biệt rất lớn: những người nước ngoài về thì muốn tìm quá khứ, nguồn gốc, còn người ở trong nước thì muốn hướng tới tương lai giàu có, vinh quang”.

Bay Vút: Hòa bình lập lại, có thể thấy số phận những người lính VNCH rất cơ cực và phải nói là bi đát. Nhưng cho tới tận thời điểm này, tình hình cũng vẫn vậy, nhất là về mặt tinh thần. Mỗi năm vào các dịp kỷ niệm chiến thắng này kia, có lẽ họ sẽ rất buồn khi xem tivi hay đọc những bài báo viết về dịp 30/4?

Nguyễn Quí Đức: “Tôi nhìn nhận chuyện này ở một phạm vi rộng hơn và ở dưới góc độ văn hóa. Nếu tôi là người chiến thắng và nếu tôi là người tự trọng, tôi tự biết tôi là ai thì tôi chẳng cần phải chê bai người khác, hạ bệ người khác để tôi được hay ho hơn. Cái tâm lý miệt thị một người khác chính là cái tâm lý muốn tự đề cao mình lên, trong khi bản chất của sự việc thì chẳng cần phải thế”.

Bay Vút: Có cảm giác phía bên này vẫn coi phía bên kia là những đứa con “hư” của dân tộc, nhưng các cụ ta có câu “con hư thì vẫn là con của mẹ”. Có lẽ chúng ta cần có cái nhìn nhân ái và bao dung hơn nữa, ông có thấy vậy không?

Nguyễn Quí Đức: “Tất nhiên là có. Chúng ta cần có thời gian để sự việc tự nó lắng xuống và qua đi, để có sự độ lượng. Bất cứ chính quyền nào cũng vậy, để bảo vệ chỗ đứng của mình, thì phải tự đề cao mình lên và đặt ra cái chỗ đứng thấp kém cho một người khác. Nhưng nếu họ vững tâm hơn, và nếu họ có cái lý chính đáng thì họ sẽ không cần cái đấy nữa.

Còn với người dân hằng ngày thì cái nỗi đau của ông bộ đội miền Bắc cũng giống nỗi đau của người mẹ miền Nam mất con. Chúng ta đã quên rằng đấy là nỗi đau chung. Về vấn đề này nói theo tinh thần nhà Phật hay Thiên Chúa giáo thì bao giờ cũng cần cái sự độ lượng, mà độ lượng thì bây giờ đúng là cái xa xỉ. Tôi nghĩ phải mất thêm một thời gian nữa thì chuyện này mới có thể êm xuôi”.

Bay Vút: Bài học từ Đông Đức và Tây Đức năm 1989 khi bức tường Berlin sụp đổ, người dân hai miền đã ôm chầm lấy nhau và họ coi nhau là người Đức chứ không còn Đông hay Tây. Nhưng một số chính trị gia Tây Đức lại không coi như vậy mà vẫn có những quan ngại và định kiến về phía bên kia. Do vậy, tiến trình hòa giải dân tộc đã bị chậm mất một, hai thế hệ. Việt Nam dường như cũng đã mắc phải sai lầm đó, và chúng ta đã chậm mấy thế hệ và liệu còn phải chậm mấy thế hệ nữa thưa ông?

Nguyễn Quí Đức: “Đấy là điều đáng tiếc. Theo tôi thấy thì Việt Nam đã chậm mất hai thế hệ và có lẽ tình trạng này sẽ còn kéo dài thêm. Có một số dấu hiệu đang thay đổi, và tôi nghĩ đến một lúc nào đó vấn đề hòa giải sẽ tự mất đi. Bây giờ thế hệ trẻ trong nước ít người quan tâm đến chiến tranh hay mâu thuẫn, còn thế hệ người Việt trẻ ở nước ngoài thì vì được sống trong một môi trường giáo dục, văn hóa khác nên họ cũng không quan tâm đến nó. Những người lính già rồi cũng sẽ chết đi. Khi già thì họ sẽ có cái nhìn trầm tĩnh hơn. Những bức xúc đau khổ về những người cần hòa giải sẽ được nhìn nhận bình tĩnh hơn.

Tôi chỉ mong Nhà nước tự tin hơn, can đảm hơn để chấp nhận mọi thứ. Bây giờ Việt kiều về đây giúp tài chính, kỹ thuật. Nhưng cùng lúc đó ông ấy lại mang về những niềm tin, ý tưởng về dân chủ của cái xã hội khác. Đất nước có đủ niềm tin cho người ta có tiếng nói hay không? Do đó rất dễ hiểu là những người Việt kiều hoạt động trong lĩnh vực văn hóa là những người không được Nhà nước tin tưởng nhiều lắm.

Như tôi đây, khi trở về nước tôi đâu có xin visa làm báo chí được. Do đó vấn đề ở đây là: mình yêu đất nước nhưng đất nước có yêu mình không. Nhưng tôi không vì thế mà chống đối. Tôi về tạo dựng công ăn việc làm với quán café này, mang một cái thái độ ứng xử với mọi người khác nhau. Nhưng sau một thời gian sống ở đây thì tôi cảm thấy con người không còn cái tinh thần cộng đồng như trước nữa. Mọi người mệt nhọc quá. Họ chỉ muốn vật chất, giành giật nhau, chạy xe lỡ va quệt là đánh nhau.

Nhưng tôi lại thấy có những mâu thuẫn khác phát sinh. Ví dụ những người trẻ bây giờ được đi ra ngoài du học, tiếp nhận những ý tưởng mới và khi trở lại họ có được áp dụng và chấp nhận hay không? Đó lại là một chuyện khác. Đấy không còn là khác biệt vì chiến tranh, mà đấy là vấn đề liên quan tới tư tưởng của thể chế.

Lấy bài học từ chiến tranh, tôi cho rằng với những người như thế thì khi họ về nước họ có làm được gì hay không, có áp dụng được gì hay không. Hay là vì sống trong một môi trường đầy cạm bẫy như ở Việt Nam thì họ có trở nên ‘hư hỏng’ hay không. Tôi gặp những người ở độ tuổi 30 sau khi đi học ở nước ngoài về bị bất đắc chí, họ chán nản. Ở tuổi 30 họ chẳng còn cái lý tưởng nào để sống và làm việc. Một số ít thì lập nghiệp chính bằng sự quen biết, tiền bạc”.

Bay Vút: Quá khứ là một điều không dễ gì quên, đặc biệt với bối cảnh chiến tranh ở Việt Nam giữa hai miền Nam – Bắc. Nhưng khi hòa bình lập lại, điều quan trọng là cách những người còn sống hành xử với nhau thế nào với nhau, đối xử ra sao với những người đã khuất. Theo ông, thế nào là cách hành xử có văn minh và hòa hợp với nhau nhất?

Nguyễn Quí Đức: “Tôi nghĩ cách hành xử văn minh nhất chính là im lặng. Tôi đặt ngược câu hỏi lại là nếu người miền Nam thắng cuộc thì người miền Nam viết sử như thế nào về người miền Bắc? Có tắm máu, có độ lượng, có thù hằn ai không? Tôi nghĩ là sẽ có, tệ hại hơn hay không thì chưa biết.

Ngày trước tôi đi làm phóng sự về một lính Mỹ giết một người lính Việt Cộng [quê] ở Thái Bình. Về sau người này tìm lại được hài cốt và mang trả lại cho gia đình người đã khuất. Trên đường đi làm phóng sự, khi tôi ngồi trên xe thì có ông lính người Bắc nói thao thao bất tuyệt về người lính miền Nam và cho rằng lính miền Nam rất man rợ, độc ác. Tôi ngồi nghe và lặng im chẳng nói gì vì chẳng biết nói gì lúc này cả. Về sau có người về kể lại với cái ông lính người Bắc ấy câu chuyện về gia đình tôi. Sau khi nghe ra, ông ấy gửi lời nhắn mời tôi về nói chuyện với thái độ rất nhã nhặn và hài hòa.

Mỗi năm không biết bao nhiêu chương trình trên các đài truyền hình nói về các trận chiến này, trận chiến kia. Các chương trình vẫn đều nói cùng một giọng điệu, vẫn một kiểu nói rằng con người miền Nam là con người xấu xa, tàn ác… Tại sao người trong nước là người thắng cuộc, thường dễ tha thứ cho người ta hơn, lại không làm được điều ấy?

Như bố tôi đi tù 12 năm, giờ tôi hận thù thì cũng chẳng đòi được 12 năm ấy. Cái gì qua rồi thì đã qua rồi. Đòi hỏi hòa giải nằm ở chính mình trước, đường hai chiều bắt đầu từ một chiều”.

Đ.N.

Nguồn: Bayvut.com

1 thought on “Khóc một người vừa nằm xuống hay khóc cho những ai đã đi về bên kia quê hương hơn nửa thế kỷ qua? (Nguyễn-Khoa Thái Anh)

  1. Yên Sơn

    Một nén hương lòng gửi người đi.
    Một người cố thêu dệt mộng, nhưng rất tiếc mộng đã không thành trước khi nhắm mắt bước hẳn vào cõi mơ.
    NKTA, bài viết hay lắm.
    YS

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *