Năm 2023, chúng ta lại chia tay nhiều nhân vật lớn. Sự ra đi của họ chẳng khác gì sự trôi qua của một thời đại mà ảnh hưởng của họ từng hiện diện trong đời sống chính trị và văn hóa qua nhiều thập niên. Ngoài một số nhân vật chính trị như Henry Kissinger, Daniel Ellsberg, đệ nhất phu nhân Rosalynn Carter…, còn là nhà làm phim William Friedkin, các ngôi sao điện ảnh và âm nhạc như David Crosby, Gordon Lightfoot, Jimmy Buffett, Richard Roundtree, Lisa Marie Presley…
Với người Việt, sự ra đi của nhân vật với tầm vóc lớn như nhà văn Nguyễn Đình Toàn, cũng như nhiều người ở thế hệ ông, đã đồng nghĩa với việc biến mất dần nền văn hóa rực rỡ một thời – văn hóa VNCH, nơi tự do sáng tạo được tôn vinh và nơi mà sự nhân văn tử tế từng giúp hình thành nên một giá trị văn hóa sống đẹp đẽ lộng lẫy.
Nhắc lại họ, một lần nữa, như một nén nhang tưởng nhớ, như một tấm lòng thành kính dành cho những cuộc đời vượt thời gian. Họ, dù đi xa, vẫn luôn bên chúng ta và di sản họ để lại là bất tử.
Jeff Beck, 78 tuổi
Nổi tiếng vào những năm 1960 với tư cách thành viên Yardbirds, đưa ban nhạc này trở thành nhóm tiên phong trong dòng nhạc rock-and-roll trước khi khẳng định mình là một nghệ sĩ solo có sức ảnh hưởng, Jeff Beck được đánh giá là một trong những nghệ sĩ guitar vĩ đại nhất lịch sử. Beck có thể chơi hard rock, heavy metal, jazz fusion, blues, funk, nhạc điện tử và thậm chí raga Ấn Độ. Beck được trao tám giải Grammy và hai lần được vinh danh vào Đại sảnh Danh vọng Rock & Roll, lần đầu tiên với tư cách thành viên Yardbirds vào năm 1992 và sau đó là nghệ sĩ solo vào năm 2009.
Gina Lollobrigida, 95 tuổi
Công nghiệp điện ảnh Ý sau Thế chiến thứ hai luôn cạnh tranh dữ dội với Hollywood để giành vị trí một trong những nơi xuất cảng phim hàng đầu thế giới. Những tác phẩm bất hủ như “Rome, Open City” của Roberto Rossellini và “Bicycle Thieves” của Vittorio De Sica là những kiệt tác của chủ nghĩa tân hiện thực. Tuy nhiên, khi đánh giá sức mạnh của điện ảnh Ý vào năm 1954, tạp chí TIME đã không đưa Rossellini hay De Sica lên trang bìa. Thay vào đó, là cô đào lẳng Gina Lollobrigida, người đại diện cho một cuộc phiêu lưu màn bạc dẫn đến một cuộc nổi loạn chống lại chủ nghĩa hiện thực mới.
Tài tử Humphrey Bogart từng nói sức quyến rũ của Gina Lollobrigida khiến “Marilyn Monroe chỉ trông như (cô đào nhí) Shirley Temple”. Với nhà phê bình phim Bosley Crowther của tờ The New York Times, Gina Lollobrigida là “ngôi sao Ý nguyên bản”. Cùng Brigitte Bardot và Anita Ekberg, Gina Lollobrigida nằm trong số mỹ nhân màn bạc của lịch sử điện ảnh châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.
David Crosby, 81 tuổi
Với những thanh niên Sài Gòn thập niên 1970, có lẽ không ai không biết David Crosby, ca sĩ kiêm nhạc sĩ, người giúp định hình phong cách thế hệ Woodstock với tư cách thành viên chủ chốt của các ban nhạc The Byrds rồi nhóm bộ ba Crosby, Stills & Nash những năm 1960 và 1970. Là thành viên The Byrds – nhóm từng được coi là đối trọng của Mỹ với The Beatles giữa những năm 1960 – và sau đó là với Stephen Stills và Graham Nash (có khi xuất hiện thêm Neil Young), David Crosby đã bán được hàng triệu album và trình bày những ca khúc tượng trưng cho kỷ nguyên hòa bình, tình yêu thời văn hóa hippie: “Mr. Tambourine Man,” “Turn! Turn! Turn!”, “Eight Miles High,” (với The Byrds); “Carry On,” (với Stills, Nash and Young)…
Vào thời điểm Jimi Hendrix, Janis Joplin, Doors và Rolling Stones biến rock thành loại nhạc “đập phá” với những âm thanh cuồng nộ ầm ầm, Crosby và các thành viên ban nhạc của ông (Crosby, Stills & Nash) chuyển sang thể loại nhẹ nhàng hơn, lấy cảm hứng từ nhạc dân gian, với guitar thùng. Nhà báo âm nhạc Paul Evans viết trong cuốn “The Rolling Stone Album Guide”: Crosby, Stills & Nash “đã nắm bắt được tinh thần của khoảnh khắc đỉnh cao cuối cùng của nước Mỹ thập niên 1960”.
Tina Turner, 83 tuổi
Là một trong những ca sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20, với năng lượng đốt cháy sân khấu bằng giọng hát thô mộc và điệu nhảy điên cuồng, Tina Turner đã bán được hơn 100 triệu đĩa, giành được tám Grammy. Bà là thần tượng của nhiều thế hệ nghệ sĩ, từ Mick Jagger đến Beyoncé đến Cardi B. Trong suốt nhiều thập niên, ca khúc lẫy lừng năm 1984 “What’s Love Got to Do With It” của bà dường như chưa bao giờ biến mất…
Tony Bennett, 96 tuổi
Có thể nói Tony Bennett là một tượng đài khổng lồ. Rất ít nghệ sĩ giải trí ở bất kỳ lĩnh vực nào có một sự nghiệp đáng chú ý và bền bỉ như Tony Bennett. Ông có bản hit bán chạy đầu tiên vào năm 1951 – “Because of You”, sau đó tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng vào hơn 60 năm sau, khi ông cùng hợp tác với ngôi sao pop thế hệ đàn em Lady Gaga. Album của Tony Bennett có mặt trên bảng xếp hạng trong mọi thập niên từ những năm 1950 đến những năm 2020.
Ông đã là một ngôi sao lớn trước khi hậu bối Elvis Presley ghi âm bài hát đầu tiên của mình; và ông vẫn cầm micro trên những sân khấu lớn nhất thế giới trong kỷ nguyên của Lady Gaga, Katy Perry và Jay-Z. Giành được tổng cộng 20 giải Grammy, từng biểu diễn cho mọi tổng thống từ Dwight D. Eisenhower đến Barack Obama, “Tony Bennett là nghệ sĩ vĩ đại với sự nghiệp ca hát vĩ đại suốt 60 năm qua,” John Edward Hasse, nhà sử học âm nhạc, người từng phụ trách về âm nhạc Mỹ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hoa Kỳ thuộc Viện Smithsonian, nói.
Những nhân vật âm nhạc đáng chú ý ra đi trong năm 2023 còn phải kể đến Sinead O’Connor, 56 tuổi; Jimmy Buffett, 76 tuổi…
____________________
Với Việt Nam, như đã nói, 2023 chứng kiến nhiều sự ra đi của những nhân vật mà cái bóng khổng lồ của họ đã phủ qua nhiều thế hệ.
Nguyễn Đình Toàn, 87 tuổi
Trong bài viết về sự ra đi của nhà văn Nguyễn Đình Toàn, nhạc sĩ Tuấn Khanh viết:
“Trong cái chớp mắt của cõi nhân gian, lại bàng hoàng nhận ra một cái tên quen thuộc nữa đã ra đi. Nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã rời bỏ nơi trần thế… Nhà thơ Du Tử Lê từng gọi ông là một nghệ sĩ như người tình không chân dung của người yêu nhạc, vì người nghe mê say cách ông trình bày một ca khúc, diễn đạt một ý niệm, mô tả về hình ảnh như du vào mộng, mở cửa vào khu vườn bí mật của mỗi tối thứ Năm, chương trình nhạc chủ đề…
Và rồi khi hay tin ông mất ở miền Nam Cali, mới chợt nhận ra rằng ông là người đã tạo ra khu vườn bí mật, cũ kỹ mà nao lòng, xa xôi mà rộng lớn vô cùng trong thời đại của chúng ta – những người miền Nam với mãi mãi văn hoá miền Nam. Nhưng hụt hẫng biết bao, là ông – cây cổ thụ to lớn, thâm sâu nhất trong khu vườn bí mật của ký ức của chúng ta, đã vẫy tay lìa bỏ địa đàng”.
Và trong bài viết trên Saigon Nhỏ ngày 11 Tháng Năm 2022, nhà văn Phan Nhật Nam viết về Nguyễn Đình Toàn:
“Vâng, mỗi Người Việt/Mỗi Người Việt Miền Nam cần thắp sáng cho nhau một ngọn đèn để hy vọng, để vượt sống 47 năm sau lần miền Nam sụp vỡ, Sài Gòn mất tên. Sài Gòn ơi! Bản thân người viết cũng như bao nhiêu người Sài Gòn vẫn còn nguyên Mối Đau. Sài Gòn ơi, Ta mất Người như người đã mất tên. Như dòng sông nước quẩn quanh buồn. Như người đi cách mặt xa lòng. Sài Gòn! Ta mất người như người đã mất tên. Như mộ bia đá lạnh hương nguyền. Như trời sâu đã bỏ đất sầu. Cám ơn Nguyễn Đình Toàn. Cám ơn Người Viết Ca Từ Nguyễn Đình Toàn”.
Thành Được, 89 tuổi
Từng được mệnh danh “ông vua không ngai” trong làng cải lương miền Nam, Thành Được nổi danh cùng các nghệ sĩ cải lương kỳ cựu như Năm Châu, Út Trà Ôn, Phùng Há, Thanh Nga, Út Bạch Lan… Cách hát vọng cổ của ông quyến rũ đê mê, khiến bao thế hệ khán giả say đắm. Cùng Hữu Phước và Hùng Cường, Thành Được tạo thành một bộ ba nổi tiếng sân khấu cải lương Sài Gòn nói riêng và lịch sử cải lương Việt Nam nói chung.
Tùng Lâm, 89 tuổi
Tùng Lâm được coi là biểu tượng cuối cùng cho thời đại danh hài đầu tiên của Việt Nam, tung hoành trên sân khấu và điện ảnh, được biết tới ở nhiều nước Đông Nam Á lúc bấy giờ, và cũng là biểu tượng ghi dấu đến tận hôm nay ở trong nước.
Nghệ sĩ Tùng Lâm tên thật là Lâm Ngươn Phẩm, sinh năm 1934 tại Đồng Nai. Ông bắt đầu sự nghiệp bằng việc hát tân nhạc, từng cùng nhạc sĩ Lam Phương và diễn viên Vân Hùng lập nhóm. Họ nổi tiếng với các ca khúc: Khúc ca ngày mùa, Nhạc rừng khuya (Lam Phương), Ô mê ly (Văn Phụng), Đoàn lữ nhạc (Đỗ Nhuận), Thiên thai (Văn Cao). Sau này, ông chuyển sang hài kịch.
Tùng Lâm từng được báo Sân Khấu Kịch Trường xếp vào hàng “thất hài đế Sài Gòn” gồm: Xuân Phát, Thanh Việt, Phi Thoàn, Khả Năng, La Thoại Tân, Tùng Lâm, Thanh Hoài. Năm 1961, sau tiểu phẩm hài Tâm sự hai anh phu xe diễn cùng Xuân Phát, Tùng Lâm được báo chí đặt biệt danh “Tiểu quái kiệt”. Lúc bấy giờ làng giải trí Sài Gòn chỉ có ba “quái kiệt” là Trần Văn Trạch (em giáo sư Trần Văn Khê), Bảy Xê và Ba Vân. Cùng La Thoại Tân, Khả Năng và Thanh Việt, Tùng Lâm đã “đại náo màn bạc” khi xuất hiện trong Tứ quái Sài Gòn – bộ phim hài gây tiếng vang vào những ngày Sài Gòn sắp mất (1974).
Quốc Dũng, 72 tuổi
Là một trong những nhân tài đặc biệt của thế hệ vàng nhạc trẻ miền Nam Việt Nam, Quốc Dũng không nhận mình là người nổi tiếng. Ông nói, danh vọng đến với ông là số mệnh, vì có nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ tài hoa hơn ông, nhưng họ không nổi tiếng. “Không phải được danh tiếng là có tất cả”, ông nói, khi điểm lại sự nghiệp của mình từ năm 17 tuổi, lúc làm giới văn nghệ Sài Gòn ngỡ ngàng với ca khúc Em đã thấy mùa xuân chưa.
Nói về sự ra đi của nhạc sĩ Quốc Dũng, nhà thơ Trần Tiến Dũng viết: “Chắc người sáng tác không phải để tìm kiếm sự chia sẻ mà như chỉ là dọn mình gánh chịu. Vậy gánh chịu điều gì? Có lẽ là gánh chịu trọn vẹn suốt nguồn tình yêu trong sáng của tuổi trẻ của một thời Tự Do vẫn đang không chịu ngủ yên hoặc chết đi, mà tuôn chảy réo gọi mãi trong cảm xúc của đời người nghệ sĩ giữa cuộc thế chuyên chế trầm luân.”
Diệp Lang, 82 tuổi
Diệp Lang là một trong những tên tuổi đồ sộ nhất nền nghệ thuật cải lương Việt Nam. Giọng hát của ông đặc biệt đến mức không lẫn vào đâu được. Nhắc đến Diệp Lang, giới mộ điệu cải lương nhớ đến các vai hội đồng Thăng (Đời cô Lựu), hội đồng Dư (Tiếng hò sông Hậu) mà ông từng diễn. Nhiều vở ông tham gia cũng để lại dấu ấn đậm như Tô Ánh Nguyệt, Lan và Điệp, Nửa đời hương phấn, Tiếng sóng Rạch Gầm, Tâm sự Ngọc Hân,… Ngoài lĩnh vực chính là cải lương, ông còn tham gia vào nhiều bộ môn nghệ thuật như: thoại kịch, điện ảnh, đạo diễn.
Những năm cuối đời, Diệp Lang mắc bệnh Parkinson, lúc nhớ, lúc quên. Tuy nhiên, khi nhắc đến các vở diễn của mình, ông đều nhớ rõ từng lời ca. “Nhiều đêm anh Diệp Lang ngủ nằm chiêm bao thấy mình trên sân khấu rồi lại ca vu vơ, có khi đứng dậy múa hát. Cũng có lúc ảnh ca lớn khiến cả nhà giật mình. Thật sự niềm đam mê đã ăn vô máu rồi, anh Diệp Lang nhớ nghề lắm. Chắc vì anh xa nghề lâu quá nên nhớ, nhưng đành chịu vì hoàn cảnh gia đình thôi”, người vợ Diệp Lang từng chia sẻ với báo chí.
Ngoài những nhân vật trên, những người đã ra đi trong năm 2023 còn có nhạc sĩ Xuân Tiên (1921); nhạc sĩ Đan Thọ (1924); nghệ sĩ kịch và cải lương Thiên Kim (1934); nghệ sĩ cải lương Vũ Linh (1958), nhà phê bình văn học Đặng Tiến (1940), nhà báo Ngọc Hoài Phương (1941), nhạc sĩ Ngọc Chánh (1937) …
________________________
Nhân vật xuất chúng không thể không nhắc là Thầy Tuệ Sỹ. Viết về sự ra đi của Thầy Tuệ Sỹ, nhà văn Trần Trung Đạo viết:
Không một bậc cao tăng thạc đức nào thật sự ra đi. Hành trạng của quý ngài vẫn in dấu sâu đậm trong lòng Dân Tộc và Đạo Pháp. Tác phẩm của các ngài viết, những lời dặn dò của các ngài sẽ còn mãi mãi. Tiếng dương cầm vẫn réo rắt vọng theo dòng Suối Từ Bi. Đời người “như sương mai, như ánh chớp, mây chiều” như Hòa thượng viết trong thơ nhưng ngọn lửa tin yêu và hy vọng không bao giờ tắt cho đến khi nào dân tộc Việt Nam còn tồn tại trên mặt đất này.
_______________