Tác phẩm đầu tay của Phạm Tín An Ninh (bài viết của Trần Việt Hải)

Tôi muốn kể lại buổi ra mắt tập truyện “Ở Cuối Hai Con Đường” của tác giả Phạm Tín An Ninh, anh đến từ Vương Quốc Na Uy, được diễn ra vào một ngày nắng đẹp ấm áp của khí hậu và của tình người California dành cho tác giả. Vào một ngày cuối tuần (Thứ Bảy 26 tháng 7, năm 2008) để nghe những hàn huyên văn chương, những tâm tình văn học, tôi nghĩ nhiều người đã thật sự hài lòng với tác giả và tác phẩm, dù là buổi lễ khách đến chỉ lắng nghe văn chương thuần túy, không văn nghệ ca hát, và không ẩm thực mời gọi dạ dầy. Sự thành công vì cá tính độc đáo của tác giả đối với tha nhân và cũng vì khuynh hướng văn phong của anh. Đứng trên khía cạnh văn hóa xã hội thì đây là buổi ra mắt đã đạt được hậu thuẫn rất khá bởi đồng hương. Số tài chánh yễm trợ cho anh em Thương Phế Binh khả quan, giới truyền thông, báo chí, và văn học đã đáp ứng lại tác phẩm này khá nồng nhiệt. Những tiểu truyện trong tác phẩm mang giá trị nhân bản, văn chương của lòng vị tha, nhân ái như bao nhiêu bài nhận định về ngòi bút của tác giả Phạm Tín An Ninh.

Tôi xin đan cử như bài nói chuyện tiêu biểu hôm ra mắt sách của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm về tác phẩm này. GS Liêm cho biết như sau:

“Tác phẩm ra mắt hôm nay của anh gồm 16 truyện ngắn, trong đó một số chuyện mang chủ đề về xã hội văn hóa tốt đẹp cùng con người đạo đức của Miền Nam tự do trước năm 1975, và ảnh hưởng tai hại của nền văn hóa xấu xa và con người tồi tệ của cộng sản sau ngày quân Bắc Việt giải phóng Miền này. Dưới chủ đề đó anh đã khéo léo đem vào tiểu thuyết của anh những bức tranh sống động để cụ thể hóa tình cảnh bi đát của người dân vùng tự do trước đây. Chị Ngà trong câu chuyện “Sắt Son”, cô Vân trong câu chuyện “Tiểu Thơ”, cô Hồng trong câu chuyện “Chiếc Nhẫn”… không thể không bắt buộc người đôc phải nghĩ đến cuộc đời vui tươi hạnh phúc của họ hồi trước 1975, và xã hội đạo đức cũng như văn hóa tốt đẹp của Miền Nam tự do hồi đó. Nhưng ít lâu sau ngày cộng sản giải phóng Miền Nam, người độc thấy gì ở con người của chị Ngà, của cô Vân, của cô Hồng?. Họ chỉ còn là những mảnh đời tiều tụy, khổ sở, sống vất vưởng trong một thứ xã hội văn hóa suy đồi, xấu xa cùng cực. Nhiều hình ảnh cụ thể khác của xã hội và con người Miền Nam tự do trước và sau 1975 trong tiểu thuyết của Phạm Tín An Ninh cũng đều là những hình ảnh thật, có giá trị lịch sử không thể chối cải. Sự dối trá, ác độc, vô nhân tính của con người cộng sản như tên Phú chồng chị Ngà, như ông Hồng Hương cha cô Hồng, cảnh bị tù đày, bị hành hạ khổ sở của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, cảnh khốn cùng của người dân dưới chế độ độc tài toàn trị của cộng sản, tất cả những hình ảnh lịch sử đó đều có trong tác phẩm mặc dù nó được ghi lại một cách khéo léo với lời văn lịch sự, hòa nhả chớ không bằng những lời thóa mạ nặng nề. Sứ mạng cao cả của tiểu thuyết gia là làm sống mãi một cách linh động những dấu vết của cuộc sống thực của một giai đoạn lịch sử nào đó mà chính tác giả đã từng sống qua, hay đã từng là chứng nhân. Tiểu thuyết gia là sử gia của thời hiện tại (Le romancier est un historien du present) như một nhà văn Pháp đã nói. Những tiểu thuyết nổi tiếng đều ít nhiều phản ảnh trung thực lịch sử của thời đại của tác giả. Ở địa hạt này Phạm Tín An Ninh là một tiểu thuyết gia thành công. Tiểu thuyết của anh cung ứng cho người đọc hiện nay và về sau hình ảnh trung thực của con người và xã hội Miền Nam trước và sau ngày cộng sản xăm chiếm miền này.”

Sách này dầy khoảng 280 trang, gồm 16 bài viết như sau:

1/ Nợ đời chưa trả

2/ Trời đất bao la

3/ Sắt son

4/ Ở cuối hai con đường

5/ Tiểu thư

6/ Người bán sách trên bãi biển Nha Trang

7/ Những đàn chim thiên di

8/ Dòng sông tuổi thơ

9/ Những điều mơ ước

10/ Người con gái Phú Hoa

11/ Thằng bé đánh giày người Nghĩa Lộ

12/ Đà Lạt trời mưa

13/ Chuyện một người bạn học

14/ Ba dòng nước mắt

15/ Chiếc nhẫn

16/ Chiến trường xưa

Phạm Tín An Ninh

Tác giả Phạm Tín An Ninh là một sĩ quan tác chiến của sư đoàn 23, tôi nghe tiếp lời của GS Liêm:

“Tuy có phản ảnh những sự kiện lịch sử hiện đại nhưng nhà viết tiểu thuyết không dẩm chân lên công việc của một sử gia. Sử học là một khoa học, trong khi tiểu thuyết là một nghệ thuật. Sử học cần bộ óc suy luận chính chắn. Tiểu thuyết đòi hỏi phải có hư cấu, phải có sự tham dự rất nhiều của óc tưởng tượng của nhà văn. Sự thật lịch sử chỉ cung ứng cái khung để câu chuyện tưởng tượng được thành hình, và người viết tiểu thuyết có thành công hay không là nhờ ở óc tưởng tượng sáng tạo phong phú của tác giả. Trong “Trời Đất Bao La” chẳng hạn, chuyện tác giả từng là sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa là chuyện thật. Tác giả từng đóng quân ở Quảng Đức, gần Đà Lạt có thể là chuyện thật. Việc tác giả mướn xe chở cả gia đình đi chơi vòng quanh Âu Châu sau thời gian định cư ở Na uy có thể là chuyện thật, Xe bị nằm đường cũng có thể là chuyện thật. Có người đến giúp khi xe bi hư dọc đường cũng có thể là chuyện thật. Nhưng gặp người giúp mình là người có gốc gác Việt Nam lại hết sức tử tế là chuyện rất hiếm có, và sau cùng khi biết rõ thì người giúp mình không ai khác hơn là một hậu duệ của người yêu cũ của tác giả thì thật hết sức ly kỳ. Đây mới là một bất ngờ hứng thú, tưởng chừng như một cơn mơ hay một phép lạ nào. Nhất là khi tác giả tình cờ thấy trong album của chủ nhà hình ảnh của cô con gái có máy tóc cắt ngắn giống ca sĩ Sylvie Vartan mà tác giả đã từng yêu thương thuở nào trong mấy ngày ngắn ngủi ở trong rừng Đà Lạt. Từ đó câu chuyện trỡ nên thơ mộng, lãng mạn, mà óc tưởng tượng phong phú của tác giả đã biến thành tiểu thuyết hết sức ly kỳ, hấp dẫn. Đành rằng tác giả đã sống nhiều, đã từng trãi nhiều hoàn cảnh sống đặc biệt nên mới có thể viết được những chuyện ly kỳ trong tác phẩm như người xưa đã bảo “nhân bất phong sương vị lão tài” nhưng chỉ kinh nghiệm sống nhiều cũng chưa đủ, phải chính óc tưởng tượng phong phú của tác giả nữa mới giúp sáng tạo được những câu chuyện ly kỳ hấp dẫn như vậy. Những khám phá bất ngờ trong những gặp gỡ may mắn ở phần sau của các câu chuyện để từ đó gợi lại trong ký ức tác giả những mẫu chuyện tình thơ mộng, lãng mạn, đó cũng là kỹ thuật kết cấu thường thấy trên màn bạc hay trong một số tiểu thuyết Đông Tây. Những may mắn bất ngờ làm câu chuyện trỡ nên ly kỳ, rất để lôi cuốn sự chú ý theo dõi một cách thích thú của khán giả. Phạm Tín An Ninh rất thành công trong cách tạo dựng các câu chuyện ly kỳ như thế, một mặt nhờ ở óc tưởng tượng sáng tạo bén nhạy và mặt khác nhờ ở cuộc sống từng trãi phong sương trong đời vậy.”

Câu chuyện được chú ý nhiều nhất phải nói là “Ở Cuối Hai Con Đường”, chính nó là chuyện thật và cũng là đề tựa cho sách. GS Liêm phân tích bài viết này:

““Ở Cuối Hai Con Đường” là câu chuyện chính của tác phẩm. Đề tài chính ở đây là bản chất “Thiện” của con người, bản tính bẩm sinh, vượt lên trên những bài học của xã hội. “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện, tánh tương cận, tập tương viễn” theo nho gia, cũng như “l’homme est né bon, la société le déprave” theo J.J Rousseau. Con người sơ sinh có bản tính tốt và chỉ trỡ nên xấu khi bị xã hội/văn hóa làm cho nó trỡ nên xầu. Xã hội cộng sản xấu, giáo dục của cộng sản phi nhân bản, hạ thấp giá trị con người, cho nên con người cộng sản xấu vì bị văn hóa xã hội cộng sản làm biến mất tính thiện bẩm sinh. Bản tính tốt bẩm sinh của con người giúp người ta cảm thông với đồng loại, tôn trọng người khác như trọng chính mình, giúp dở người khác như giúp đỡ chính mình. Tinh thần nhân bản được chú trọng và đề cao. Tinh thần đó được xã hội văn hóa và nền giáo dục nhân bản, khai phóng của Việt Nam Cộng Hòa trước kia phát huy, nuôi dưỡng. Người lính Việt Nam Cộng Hòa, những y sĩ trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã cứu sống người lính cộng sản Nguyễn Văn Thà. Họ là những người đã hành xử theo tinh thần nhân bản, họ còn gần với bản chất “thiện”bẩm sinh, không bị che lấp bởi những bài học nhồi sọ của một thứ đảng phái phi nhân nào. Được cảm hóa bởi văn hóa nhân bản, anh Thà trỡ về với bản chất “thiện” bẩm sinh của anh. Anh đã hành xử rất người đối với những tù nhân dưới quyền quản giáo của anh. Anh đã lột xác, vứt bỏ cái lớp cộng sản để trỡ thành người thật sự với cái “thiện” bẩm sinh của con người. Còn mang chất cộng sản là còn hận thù, còn trả thù, còn đối xử nhau bằng đòn thù (như ông Hồng Hương trong chuyện Chiếc Nhẫn chẳng hạn). Vứt bỏ được chất cộng sản, trỡ về với bản chật “thiện” bẩm sinh, người ta không còn hận thù, không còn trọng ta, khinh người, không còn chà đạp trên nhân phẩm kẻ khác. Trỡ về bản chất tốt bẩm sinh, người ta có thể sống hòa bình với nhau trong tinh thần nhân bản, tương thân, tương trợ, góp phần xây dựng hạnh phúc chung cho nhân loại. Cách hành xử tốt đẹp của quản giáo Thà đưa đến sự biết ơn, sự đền đáp lại, cũng bằng tình người của những tù nhân cựu sĩ quan quân lực VNCH. Những người này đã tận tình giúp đỡ con anh trong những ngày chúng bị lưu lạc khổ sở nơi xứ người. Tinh thần nhân bản, tánh “thiện” bẩm sinh của con người là những đức tính cơ bản cần được phát huy để làm cho cuộc sống của con người trên cõi đời này thêm ý nghĩa. Đó là cái thông điệp của câu chuyện “Ở Cuối Hai Con Đường”. Phạm Tín An Ninh không giảng đạo, không viết một bài học đao đưc luân lý nào trong tác phẩm của anh. Anh cũng không triết lý dài dòng. Anh chỉ đẻ ra một câu chuyện khá đặc biệt, khá ly kỳ, lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối. Và câu chuyện của anh mang đến cho độc giả một thông điệp đầy nhân bản tính: con người trên hết, hãy đối xử với nhau bằng tình người. Được hấp thụ nền giáo dục nhân bản, được trưởng thành trong xã hội văn hóa nhân bản của Miền Nam tự do, và được định cư tại Na Uy nơi mà người dân và chánh quyền đã bảo trợ, giúp đỡ người tỵ nạn một cách hết sức lịch sự, hết sức nhân đạo, bằng tất cả tình người, tác giả đã nuôi dưỡng trong tâm một triết lý sống đầy tình người, vô cùng nhân bản. Anh đã thể hiện triết lý nhân bản đó trong tác phẩm của anh.”

Tôi nhớ nhiều người trong hội trường đã đồng ý với phần kết luận của GS Liêm:

“Người cộng sản có thể trỡ về với bản chất thiện bẩm sinh của con người như quản giáo Thà được không? “Ở cuối hai con đường” người ta có gặp nhau, bắt tay nhau, hòa hợp nhau, đối xử nhau như anh em, như ruột thịt để cùng góp sức phát triển đất nước không? Trong câu chuyện “Những Đàn Chim Thiên Di”, Phạm Tín An Ninh đã ngậm ngùi kết thúc bằng câu hỏi: “Biết đến khi nào chính quyền ở quê nhà thật lòng xem những người ra đi là “khúc ruột ngàn dặm”, là “một bộ phận không thể tách rời”, để biết yêu thương lo lắng và mong ước đón họ trỡ về…”. Câu hỏi đến giờ phút này không có câu giải đáp. Phạm Tín An Ninh là nhà văn, anh không có bổn phận tìm ra giải đáp. Khoa học gia nghiên cứu, cắt nghĩa, khám phá và xác định những định luật chi phối các hiện tượng thiên nhiên, sử gia tìm ra và nói lên sự thật lịch sử, chính trị gia tìm giải đáp cho những bài toán chính trị nhưng nhà văn thì chỉ gợi ý, chỉ đặt câu hỏi, và với những câu hỏi trên Phạm Tín An Ninh đã làm tròn nhiệm vụ một nhà văn đối với lịch sử và dân tộc vậy.”

Đây là một quyển sách hay một tác phẩm đầu tiên của Phạm Tín An Ninh, một tác phẩm đã đưa tên tuổi anh đi xa hơn sự mong đợi. Sự thành công của anh cũng dễ hiểu như GS Liêm nhận xét, hay một nhà văn khác là Tâm Thanh đã viết như sau:

“Anh Ninh sống thế nào viết thế nấy. Nhờ đó, mỗi câu chuyện, dù rất lạ lùng, ẩn hiện bóng dáng quen thuộc của chính người đọc. Nhiều hình ảnh đẹp khó tìm thấy trên đời (như quản giáo Nguyễn Văn Thà trong truyện ruột Ở Cuối Hai Con Đường), không cần tác giả cam đoan có thật, ta vẫn muốn tin là có thật, để đời đáng sống hơn. Đọc Phạm Tín An Ninh ta có cảm tưởng như những mảnh đời phiêu bạt tha thiết gọi nhau, sum họp trong lòng mình. Chuyện vinh nhục đời lính, chuyện đắng cay tù cải tạo, chuyện HO ở tuổi tri thiên mệnh… từ trên 30 năm nay đã hàng ngàn người kể, đến nỗi sắp thành nhàm chán, bỗng Phạm Tín An Ninh xuất hiện, khai quật những di tích mới”.

Tôi nghĩ nhà văn Tâm Thanh muốn nói đến chuyện của tác giả Phạm Tín An Ninh chất chứa nhiều nghịch cảnh, đọc dễ xúc động đến chảy nước mắt, nhưng người đọc có thể yên tâm mà đọc, vì trong mọi nghịch cảnh, kể cả thảm cảnh thù hận và tình yêu tan vỡ, Phạm Tín An Ninh không bao giờ dập tắt ngọn nến cuối cùng là niềm tin và thiện tính. Điều đã đưa tác giả đến thành công.

Tôi được dịp hỏi tác giả cho cảm nghĩ về tác phẩm đầu tiên này của anh, anh gói ghém ý tưởng lại bởi vì anh muốn viết để chia sẻ với những đồng đội yêu thương của anh, những người lính can trường, khi xông pha ngoài chiến trận với con tim bao dung nhân hậu, nhưng rồi chính họ và gia đình họ lại là nạn nhân nhận lãnh mọi hệ lụy đớn đau nhất từ một cuộc chiến bất công và bất hạnh của một giai đoạn lịch sữ đã sang trang. Những kết quả u buồn, oan nghiệt sau thời chiến.

Anh cũng muốn ghi nhận lại để các thế hệ hậu sinh có thể hiểu được phần nào những hy sinh, những mất mát của thế hệ đi trước, và tại sao người Việt Nam phải chịu cảnh sống lưu vong.

Sau cùng, điều mà Phạm Tín An Ninh trăn trở là cái trách nhiệm của những nhân chứng của thời cuộc, hãy ghi lại một thời kỳ thê lương, khốn khổ nhất của quê hương và dân tộc Việt Nam mà bản thân anh đã từng trải qua, và chứng kiến tận mắt.

Và đó là nhà văn Phạm Tín An Ninh và tác phẩm đầu tay “Ở Cuối Hai Con Đường”.

Tuesday, 29 July 2008,

Trần Việt Hải

Article Source: http://www.viet.no/content/view/2287/87/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *