Từ Mai Trần Huy Bích
Với nhiều người mến mộ, nhà văn Phạm Tín An Ninh thường nói: ông không phải là một nhà văn. Thực ra, từ những ngày thơ ấu ở làng Phú Hội, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, qua những ngày đi học ở Nha Trang, Sàigòn, những ngày trong quân ngũ như hầu hết thanh niên Việt ở cùng tuổi, cùng thời, cho tới những năm bị kẻ chiến thắng đầy đọa trong các trại khổ sai mang danh trại “cải tạo,” ông chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ cầm bút để viết truyện. Chỉ sau khi “trải qua một cuộc bể dâu,” khi cuộc sống đã tạm ổn định trong cảnh lưu lạc, cách quê hương nửa vòng trái đất, nhất là trong những lúc thật buồn, ông mới dành được chút thời giờ ngồi viết lại những kỷ niệm cũ để giải tỏa bớt phần nào những u ẩn trong tâm tư. Ông cho biết hầu hết các bài viết, truyện ngắn của ông đều bắt nguồn từ những sự kiện có thật trong cuộc đời của chính ông, của gia đình, họ hàng, và những bạn bè thân.
Phạm Tín An Ninh nhận định về việc ông được mến mộ một cách rất khiêm nhượng. Theo ông, ở thế hệ chúng ta, ai cũng phải trải qua nhiều mất mát, thăng trầm. Vì thế khi đọc ông, hầu hết độc giả đều thấy sự đồng cảm, và do đó, đã dành cảm mến cho tác giả. Ông được coi như đã “viết hộ,” “nói ra hộ” nhiều người không có cơ hội cầm bút, hoặc năng khiếu vận dụng ngòi bút.
Có người cho rằng cảnh ngộ của cá nhân và đất nước đã khiến Phạm Tín An Ninh thành công như một nhà văn: sự sụp đổ của miền Nam năm 1975 với những đau thương, ngang trái ông đã phải trải qua hay chứng kiến. Tuy không ai muốn đón nhận, đau khổ trong cuộc đời vẫn là những đóng góp giá trị cho văn chương. Cuộc đời nhà thơ Đỗ Phủ với những cảnh trong xã hội chung quanh khi biến loạn An Lộc Sơn xảy ra đã là một dẫn chứng cụ thể. Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San cũng cho rằng những từng trải trong cuộc sống khiến văn chương thêm già dặn và phong phú: “Văn phi sơn thủy vô kỳ khí, Nhân bất phong sương vị lão tài” (Không có “núi” và “nước,” văn không có khí lạ, không trải qua sương gió, người chưa có khả năng già dặn). Chính những thương đau, tủi nhục xảy tới cho bản thân, gia đình, bạn hữu cùng bao người quen biết sau những tan tác năm 1975 đã giúp Phạm Tín An Ninh chất liệu để hoàn tất hầu hết các truyện ngắn của ông, nhất là “Chiếc nhẫn cưới,” “Đà lạt trời mưa,” “Ba dòng nước mắt,” “Người bán sách trên bãi biển Nha Trang” … Cũng công bình mà nói, không nhiều người viết có được những cơ duyên hữu ích cho việc xây dựng truyện như ông. Gặp được một quản giáo có tình người và lương tâm như Thượng úy Nguyễn Văn Thà trong một trại “học tập cải tạo” đã là một may mắn hiếm có. Nhưng sau đó, lại gặp trên đất Na uy con của một nhân vật từng giữ địa vị cao của chế độ Hà nội để có thể nhắn tin, tìm cách giúp ông Thà đã bị “phục viên” về sống ở Nghệ Tĩnh, cộng thêm mối giao tình với một Đại tá Ba Lan, người đang giữ trọng trách trong ngành Cảnh sát nước này, để nhờ đó có thể giúp hai người con ông Thà đang lưu lạc trên đất Ba Lan một cách thực tiễn, thì quả là những hạnh ngộ đặc biệt. “Ở cuối hai con đường” đã không thể thành công như chúng ta đã thấy nếu tác giả không có những cơ duyên đặc biệt ấy.
Trên một khía cạnh khác, dù có nhiều từng trải, nhưng nếu người trải qua cảnh ngộ không có một cái “tâm” đồng cảm thì câu chuyện chưa chắc được lưu ý đúng mức để có thể viết ra. Cho dù có được viết, đôi khi cũng chỉ thành những chuyện kể kém sâu sắc. Từ nhỏ, ai trong chúng ta không có ít nhiều liên hệ đáng ghi nhớ với họ hàng, bè bạn, không chứng kiến một số cảnh đau khổ? Từ sau 1975, bao nhiêu người trải qua hoặc thấy tận mắt những oan trái, thương đau. Nhưng số lượng tác phẩm chan chứa tình cảm, có thể khiến người đọc xúc động vẫn chưa xuất hiện nhiều. Phạm Tín An Ninh quả có nhiều từng trải và cơ duyên để thành một nhà văn, nhưng yếu tố chính khiến ông trở nên một nhà văn được chúng ta quý mến không chỉ ở những ưu điểm ấy.
Một đặc điểm nổi bật trong hầu hết các truyện của Phạm Tín An Ninh là chan chứa tình cảm và tình người. Khi kể lại những đau khổ, bất công bản thân mình phải gánh chịu, ông viết rất bình thản, nhẹ nhàng. Nhưng khi kể lại những đau khổ, bất công người khác phải gánh chịu, hoặc khi kể lại những hi sinh của người khác, ông tha thiết và chân thành. Nói chung, tác phẩm của ông là tác phẩm của tình người, với niềm trắc ẩn, sự cảm thông, lòng hi sinh và thương yêu.
Qua Phạm Tín An Ninh, những người Việt không hề quen biết trước, chỉ cần chút “đồng cảnh,” cũng đủ để thương nhau. Chúng ta hãy đọc một đoạn trong bức thư người con bà Vương Chu Khánh Hà (một bà cụ gốc Hà nội, “cái thời còn một Hà nội thanh lịch,” gửi cho tác giả, một tù “cải tạo” cũ) ở cuối truyện “Thằng bé đánh giày người Nghĩa Lộ”:
“Không ngờ chỉ có mấy ngày ngắn ngủi rất xa xưa, mà mãi đến nay Anh vẫn còn nhớ đến mẹ con em. Riêng em thì gần như đã quên chuyện ấy nếu không có Anh nhắc lại hôm nay.
Giờ em mới nhớ lại, sau khi các anh rời khỏi nhà em, mẹ em khóc mất mấy hôm. Bà bảo phần thì tội nghiệp các anh, phần thì nghĩ tới số phận oan khiên của gia đình em vào những ngày Đảng vừa lên nắm chánh quyền. Bà bảo các anh và gia đình chúng em cũng cùng gánh chung số phận.”
Sau khi cho biết bé Khiêm đã qua đời (đứa bé từ quê hương Nghĩa Lộ ngoài Bắc đã phải vào tận Sàgòn đánh giày kiếm sống và được tác giả tặng tiền giúp đỡ sau khi phát hiện là cháu một ân nhân cũ), người cha của cháu viết cho tác giả như sau:
“Bây giờ cháu cũng đang nằm bên cạnh ông bà nội và cô út của nó, chắc cháu cũng được ấm lòng nơi chín suối. Chúng em tin là cháu sẽ mãi mãi theo phù hộ cho Anh trong những ngày Anh xa quê, lưu lạc xứ người.”
Chúng ta hãy đọc một đoạn trong “Những điều mơ ước,” viết về cuộc đời của Cô Út, người cô ruột không lập gia đình, đã chăm sóc và yêu thương tác giả từ sau khi mất mẹ ở tuổi lên 2:
“Ngày mãn phép, tôi trở lại đơn vị, Cô giặt ủi mấy bộ áo quần của tôi xếp vào túi xách, kèm theo một gói xôi đậu xanh để ăn dọc đường. Ngồi trên xe đò, khi lấy gói xôi ra ăn, tôi thấy có một cái túi nhỏ may bằng vải, mở ra mới biết, một xấp tiền mới tinh xếp ngay ngắn trong đó. Nhớ tới Cô, nước mắt tôi cứ trào ra.”
Và đây là tình cảm giữa hai cô cháu khi tác giả phải bỏ nước ra đi:
“Khi tính chuyện vượt biển, tôi tâm sự xin Cô cùng đi với chúng tôi. ‘Dù trôi nổi ở đâu, có Cô bên cạnh là con mãn nguyện rồi.’ Nhưng Cô bảo Cô đã già, không muốn rời bỏ quê hương, hơn nữa còn phải trông coi ngôi nhà từ đường và mồ mả ông bà, không để cho hương tàn khói lạnh…
“Mấy ngày sau, tôi thấy Cô xuống tóc và ăn chay trường. Đêm nào cũng quì trước bàn thờ. Tôi biết là Cô đang cầu nguyện cho tôi đi đến bến bờ. Hôm tiễn biệt, Cô nắm chặt tay tôi: ‘Xin ông bà và cha mẹ con phù hộ cho vợ chồng con và mấy đứa nhỏ,’ rồi im lặng nhìn tôi với hai hàng nước mắt.”
Theo Phạm Tín An Ninh, người Việt Nam sẽ có đủ khả năng để tỉnh một cơn ác mộng, nhận ra những sai trái, và biết thương yêu nhau. Chúng ta hãy đọc một đoạn trong bức thư ông nhận được từ Thượng úy Nguyễn Văn Thà trong truyện “Ở cuối hai con đường”:
“Hơn ba năm nay, tôi bị ốm nặng, nằm liệt giường. Nhờ chị em cháu Hà gởi tiền về nuôi tôi và cả gia đình, tôi mới còn sống được đến hôm nay. Biết trốn lại Ba Lan, không có giấy tờ, hai cháu sẽ khó khăn ghê lắm, nhưng vẫn còn hơn là về lại bên này. Có làm suốt ngày cũng chẳng đủ ăn. May mà nhờ các anh hết lòng giúp hai cháu. Cái ơn này biết khi nào chúng tôi mới trả được cho các anh đây.
“Tôi biết mình không còn sống bao lâu. Cuối đời một con người, tôi nghiệm rõ được một điều: chỉ có cái tình con người với nhau mới thực sự quí giá và tồn tại mãi với thời gian. Những chế độ này, chủ nghĩa nọ, cuối cùng cũng chỉ là những đám mây đen bay trên đầu. Đôi khi che ta được chút nắng, nhưng nhiều lúc đã trút bao cơn mưa lũ xuống để làm khốn khổ cả nhân gian.”
Cùng với Phạm Tín An Ninh, chúng ta ước mong những điều Thượng úy Thà nhận thức được trước khi hấp hối cũng sẽ là nhận thức chung của đa số người Việt:
“Không ngờ lá thư đầu tiên này cũng là lá thư cuối cùng chúng tôi nhận được từ anh Thà. Anh đã qua đời sau đó không lâu. Nghe cháu Hà kể lại, khi hấp hối, anh bảo vợ anh mang mấy cái huy chương anh được cấp trong thời chiến tranh, đào lỗ chôn xuống phía sau nhà. Anh thầm thì: ‘Xin hãy chôn chặt hộ tôi cái quá khứ đau thương và lầm lỡ đó. Chính nó đã gây biết bao chia lìa, tang tóc, và thù hận giữa những anh em cùng một mẹ, không biết sẽ kéo dài cho đến bao giờ?'”
Tuy được xây dựng trên những dữ kiện có thật, nhiều truyện của Phạm Tín An Ninh được dàn xếp rất khéo. Dùng yếu tố bất ngờ, ông đã tạo cho người đọc nhiều ngạc nhiên thích thú. Trong “Đà lạt trời mưa,” sau khi để ta thất vọng, có phần bực bội, vì “ca sĩ Hà Anh” trong buổi họp mặt của Hội Đồng Hương Đà Lạt ở California năm 2000, tuy nét mặt vẫn thế, không còn là Hà Nhất Anh đầy tình nghĩa xuất hiện ở Đà Lạt trước kia. Yếu tố then chốt (hai chị em Nhất Anh, Nhị Anh giống hệt nhau) chỉ được đưa ra ở hai trang cuối để câu chuyện được kết thúc một cách thỏa đáng, rất đẹp, và “có hậu.”
Trong “Người bán sách trên bãi biển Nha Trang,” tác giả về thăm quê lần thứ hai sau hơn 16 năm từ ngày vượt biển ra đi. Mục đích tìm mộ cô em gái để có thể cải táng cạnh mộ thân phụ và thân mẫu trong nghĩa trang gia tộc ở quê trong chuyến về năm trước chưa thành công. Do mối thiện cảm đặc biệt với một người bán sách dạo nhã nhặn, trọng tư cách, nhưng tàn tật đã gặp trong chuyến về trước, ông để ý tìm tung tích người ấy. Khi biết tin anh ta đã mất, lòng ông thắt lại vì thương cảm, nhờ người đưa ra mộ để “thắp cho anh nén hương.” Sau khi đứng trước mộ thắp hương và nguyện cầu, ông bước sang thắp thêm ba nén hương ở mộ bên cạnh (được cho biết là mộ của “cô em gái anh Bá,” người bán sách). Nhân tò mò bước lên xem tấm ảnh trên mộ bia, ông lặng người bàng hoàng vì “cô em gái” người bán sách này chính là cô em ruột của ông, người ông đang cố tìm mộ để có thể cải táng về nghĩa trang gia tộc. Sự việc được giải thích một cách thật cảm động sau khi tác giả có trong tay cuốn nhật ký của anh Bá. Qua nhật ký, ông được biết rằng anh, một Trung úy phi công ưu tú của miền Nam trước, chính là người yêu chung thủy và tình nghĩa của em gái ông mà vì đời sống trong quân ngũ trước 1975, ông chưa có dịp gặp mặt. Chính anh đã dành dụm tiền xây lại ngôi mộ của cô, và đã mua phần đất bên cạnh, dành trước cho mình.
Tác giả dùng những hàng sau đây để kết thúc câu chuyện bất ngờ đầy cảm động này:
“Tôi không còn ý định dời ngôi mộ em tôi về bên cạnh cha mẹ tôi. Tôi về quê, quỳ trước mộ cha mẹ để xin phép được xây lại hai ngôi mộ của em tôi và Bá chung trong một vòng thành. Không ai có quyền chia rẽ họ thêm một lần nữa, dù bây giờ chỉ còn là một thế giới vô hình.”
Để thuật truyện, Phạm Tín An Ninh dùng một lối hành văn tự nhiên, giản dị. Nhưng điều này không ngăn được nhiều đoạn lời rất đẹp trong các tác phẩm của ông. Trong “Tiểu Thơ,” truyện ngắn về mối tình đầu tiên trong đời, tác giả cho biết nhân một chuyến từ Na uy sang Mỹ năm 1989, vợ chồng ông tới thăm gia đình một người anh họ ở Sacramento, California. Cùng vợ chồng ông anh đến thăm một ngôi chùa sư nữ để chuẩn bị làm lễ cầu siêu cho người cháu (con ông anh) vừa qua đời, tác giả được sư bà cho biết có nhiều ni cô gốc Nha Trang cũng đang tu tại chùa. Trong bữa cơm chay do nhà chùa khoản đãi, khi được giới thiệu, tác giả đứng dậy chắp tay trước ngực, để giật mình chợt thấy “một đôi mắt thật to, tròn xoe, của một ni cô ở phía cuối bàn.” Sau khi viết thêm, “Ni cô cũng vừa nhìn tôi rồi cúi xuống,” và, “Trên thế gian này, chỉ có ‘Tiểu Thơ’ mới có đôi mắt ấy mà thôi,” tác giả kết thúc truyện như sau:
“Tôi từ giã Sư Bà, trong lúc mắt nhìn quanh như muốn tìm kiếm một điều gì. Nhưng tất cả chỉ có im lặng, ngoài tiếng chuông chùa ngân nga như chẳng bao giờ muốn tan đi trong không gian bao la vô tận.
“Tôi bước ra khỏi cổng chùa. Chùa nằm trên một khu đất bằng phẳng, nhưng sao tôi có cảm giác như mình đang lững thững bước xuống chân đồi. Tôi hình dung đến Ngọc vừa chia tay ‘chú tiểu’ Lan lần cuối cùng ở chùa Long Giáng trong Hồn Bướm Mơ Tiên của nhà văn Khái Hưng, mà ngày xưa ‘Tiểu Thơ’ đã bắt tôi phải kể đi kể lại bao nhiêu lần.”
Truyện “Người bán sách trên bãi biển Nha Trang” vừa tóm lược ở trên đã được kết như sau:
“Cũng như lần trước, ngày cuối cùng, tôi thuê xích lô đi một vòng dọc theo con đường Duy Tân cũ. Con đường đẹp nhất của Nha-Trang. Những cơ sở công quyền, những dinh thự của cán bộ bây giờ được dựng lên nguy nga đồ sộ. Nhìn lá cờ màu đỏ trên mấy nóc nhà, bỗng dưng tôi lạnh toát cả người. Chẳng lẽ những thay đổi ‘to lớn’ ấy phải xây trên máu xương, trên những đớn đau, chia lìa thảm khốc của bao nhiêu thế hệ đã từng một thời góp sức tạo nên cái thành phố hiền hòa thơ mộng này. Bỗng chốc, tôi không còn nhìn thấy thành phố Nha-Trang đâu nữa. Trước mắt tôi bây giờ chỉ còn là một bãi tha ma, dài ra, vô tận. Tôi nghe trong gió văng vẳng tiếng đàn dạo bài ‘Nha-Trang,’ mà ngày xưa đài phát thanh Nha-Trang dùng làm nhạc hiệu mở đầu…”
Để hiểu thêm Phạm Tín An Ninh, thiết nghĩ chúng ta hãy cùng đọc đoạn cuối của “Dòng sông tuổi thơ,” thiên truyện ông viết để ghi dấu ngày giỗ lần thứ 30 của thân phụ ông, một nhà giáo, nhưng cũng bị bắt vào trại “cải tạo” sau biến cố 1975, và đã tạ thế hai năm sau đó, tháng 6 năm 1977:
“Sau này, lần lượt đám con cháu tụi tôi ra tù, tơi tả, mỗi thằng một cảnh long đong. Một vài đứa bị đưa về quản chế tại nơi sinh quán. Bọn tôi lại gặp nhau trên con sông Gốc ngày xưa, nhưng không phải tắm sông hay nô đùa, mà ‘lao động để vinh quang,’ đào đất, đắp đê, làm thủy lợi, dưới sự hò hét của mấy vị nông dân vừa lên nắm chính quyền. Giờ giải lao, bọn tôi gặp nhau, không ai dám nói ‘chuyện linh tinh,’ mà chỉ nhắc lại chuyện thằng cháu chết đuối ngày xưa cũng ở nơi này.
“Rồi mấy ông tù cải tạo lần lượt vượt biên, ra đi theo diện H.O., tha hương lưu lạc bốn phương trời. Mấy ông anh em nông dân bên quê nhà, bây giờ không còn làm chủ một tấc đất, mà được ‘làm chủ tập thể,’ nghèo lại nghèo hơn. Vài năm sau, mấy ông anh em từ hải ngoại về thăm, chung tiền cất nhà từ đường, xây mồ mả ông bà, chú bác, anh em, cho dù đã chết cho bên này hoặc bên kia, và giúp vốn cho mấy ông anh em nông dân đi tìm sinh kế khác. Kẻ mua đìa nuôi tôm, người trồng cây điều hoặc chạy xe ôm.
“Mười lăm năm sau, lần đầu tiên tôi về thăm quê. Một ông anh họ mà lúc nhỏ đánh bi, đẽo vụ hay nhất trong bọn, rủ tôi ra đìa tôm, xem ông làm ăn nhờ tiền của mấy thằng anh em gốc ‘ngụy’ chúng tôi góp cho làm vốn. Anh ghé cái quán nhỏ đầu làng mua một xách bia SaiGon, bảo đem ra đìa nướng tôm, hai thằng nhậu lai rai, rồi kể lại chuyện xưa chơi.
“Không ngờ cái đìa tôm của anh nằm ngay trên con sông Gốc, đúng cái nơi mà thằng cháu họ chết đuối khi đi tắm sông cùng với cả đám bọn tôi năm mươi năm trước. Con sông Gốc không còn nữa. Người ta đã ngăn bằng một cái đập phía trên. Phần dưới đập chỉ còn là những cái đìa tôm, loang lổ đất.
Tôi đứng yên lặng trên bờ đìa, hồi tưởng dòng sông năm xưa và những đổi thay của cả một dòng họ. Xa xa nơi cuối cùng con sông, sóng biển vẫn rì rào…”
Ít lâu sau khi đọc “Ở cuối hai con đường” từ một địa chỉ trên Net, người viết những dòng này có cơ duyên được biết tác giả, đúng lúc ông đang viết “Dòng sông tuổi thơ.” Khi được Phạm Tín An Ninh cho biết ông đang cùng một số thân hữu thu góp các truyện đăng rải rác trên Net cùng một số truyện mới viết để in thành một tập, tôi hân hoan tán thành. Những dòng này được viết trong tinh thần “tằm trả nghĩa dâu,” ghi lại chút tình thanh khí, chút duyên trong văn chương giữa người đọc truyện với tác giả, một người bạn tôi vô cùng quý mến vì đức khiêm nhượng. Rất ao ước sẽ có thể hữu ích phần nào với những vị chưa có hoàn cảnh biết nhiều về Phạm Tín An Ninh.
Hoa kỳ, ngày 8 tháng 4 năm 2008.