Ngô Quốc Túy
Đầu thập niên 1970, ba chàng ngự lâm tiên phong Việt hóa nhạc trẻ ở Sài Gòn là Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang và Quốc Dũng. Sau này, Lê Hựu Hà và Quốc Dũng là anh em đồng hao. Người lấy ca sỹ Bảo Yến, người làm chồng ca sỹ Nhã Phương. Trong ba chàng ngự lâm, Quốc Dũng sinh sau, đi sau. Ông mất chiều 24 Tháng Chín năm 2023.
Đã tài hoa lại học hành tử tế, Quốc Dũng không chỉ sáng tác được nhiều ca khúc thuộc danh mục “top” thượng thừa mà còn là bậc thầy về phối âm-hòa khí với kỷ lục hơn 4000 bài.
Đạt thủ khoa trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn năm 16 tuổi, Quốc Dũng tiếp tục bổ túc kiến thức ở Viện Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn, cùng lúc khởi đầu cuộc chơi âm nhạc và mon men dạo quanh vòng tròn tình ái.
Mối tình phượng hồng cùng nhạc phẩm tuổi teen bỗng thành cặp chèo song sinh đưa đẩy thuyền duyên Quốc Dũng qua “12 cửa bể + 1.” Nó ký thác vào khuông nhạc đời ông như sấm Trạng Trình:
“Vì mình xa nhau nên em chưa biết mùa xuân đấy thôi.
Giọt sương vẫn rơi.
Rừng còn ngây dại mơ bóng hình ai” (Em thấy mùa xuân chưa).
Không rõ người đàn bà đến trước là Phương Mai hay Thanh Mai nhưng cả hai lệch múi tơ hồng. Quốc Dũng đành kết cỏ ngậm vành, để lại lời nhắn âm nhạc lưng lửng buồn vui : “Mai! Em đã cho anh hẹn hò. Nhưng đã cho anh đợi chờ. Để rồi không đến bao giờ”.
Những “Mai” ấy tan sương mà chưa kịp rạng ngày chỉ để lại hoàng hôn rải “Lối thu xưa” mà lướt phím hoang đàng “Đếm thầm từng bước anh đi. Em ước mình như lá thu vàng” trên nẻo đường Quốc Dũng đăng trình.
Người đàn bà đến sau trúng số độc đắc Quốc Dũng là Bảo Yến. Bảo Yến gốc Quảng Trị, cùng bản địa với ca sỹ Như Quỳnh, Quang Lê hải ngoại nhưng sinh trưởng ở Huế. Trúng số độc đắc, Bảo Yến không nhận tiền, chỉ nhận quà tặng “Bài Ca Tết Cho Em.” Không gì dịu lòng mát dạ gái Cồn Hến – Sông Hương bằng “Tết này anh cũng chẳng chơi hoa. Vì môi em cười như chứa cả vườn Xuân.”
Nhạc Quốc Dũng gặp giọng hát Bảo Yến như châu về hợp phố. Những ca khúc “Còn Mãi Nơi Đây,” “Đường Xưa,” “Hoang Vắng,” “Lối Thu Xưa,” “Ru Tôi Giấc Mộng,” “Chuyện Hợp Tan,” “Chuyện Ba Người,” “Cơn Gió Thoảng,” … như chuông gió xa khơi, rong ruổi khắp ba miền, gây nghiện hàng triệu fan hâm mộ suốt gần hai thập kỷ 1980–1990.
Bảo Yến sinh 1957, kém Quốc Dũng sáu tuổi. Cặp đôi này thuận theo vô thường, hợp rồi tan, tan rồi hợp. Tan đấy nhưng giống như nguyệt khuyết, phần khuất lấp hiện hình dần. Tròn đấy nhưng y như nguyệt rằm, đêm sau hết vành vạnh. Bảo Yến nương nhờ kinh kệ, khai thị cửa thiền để buông bỏ giải độc đắc Quốc Dũng và thoát khỏi chu kỳ đèn cù hợp rồi tan, tan rồi hợp kia, nhưng tự bà “Cởi ra rồi lại buộc vào như chơi.”
Nhạc trẻ và nhạc vàng của Quốc Dũng đều thăng hoa từ một tài năng nghĩa hiệp và lề lối làm việc nghiêm túc nên các ca khúc của ông thấm vào ngõ ngách hồn người như mưa bụi tắm gió heo may. Người nghe phải đủ tầm lắng đọng và cảm nhận mới tận hưởng hết giai điệu và ca từ trong nhạc phẩm Quốc Dũng. Ca sỹ phải hát thật giọng, không giả thanh mới khai phóng được giá trị khác biệt của ca khúc Quốc Dũng.
Quốc Dũng hai lần treo đàn, mỗi lần mười năm. Lần thứ nhất từ 1975 đến 1985. Lần thứ hai từ 2013 đến 2023. Lần một do tai nạn thời cuộc khiến tâm hồn ông suy sụp. Lần hai do tai nạn giao thông khiến thể xác ông tổn thương. 20 năm gần như chết lâm sàng nhưng tài khoản âm nhạc Quốc Dũng để lại đủ lớn để chi trả hào phóng cho các thế hệ mến mộ ông sau này.
Nghe ca khúc “Lối Thu Xưa” của Quốc Dũng vào dịp Thu phân, dù biết đã vĩnh biệt anh nhưng vẫn muốn níu kéo chút phân vân phù du vì tiếc thương người nhạc sỹ tài hoa: “Anh có còn trên lối thu xưa. Hay đã về nơi khuất nẻo xa mờ!”
Nguyễn Quốc Túy
Nguồn: Báo Người Việt