UYÊN DI
Trong những lúc gần đây vì có điều kiện thời gian, tôi đã đọc được nhiều sách theo thể hồi ký. Những quyển sách đọc qua, như khung cửa sổ giúp mình hiểu được rỏ hơn về cách suy nghĩ, tâm tư, thấy được chút nào về bản sắc, văn hóa dân tộc gốc của người viết.
Cách đây khoảng 5 tuần trước, tôi được anh Châu Xuân Hùng giới thiệu quyển Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân (RKGMX) của tác giả Phạm Tín An Ninh (PTAN). Anh CXH nói đọc đi rồi giúp anh giới thiệu quyển sách này trong kỳ ra mắt tập truyện RKGMX. Tôi ngặc nhiên lắm, bởi vì thường thì những nhân vật quan trọng có liên quan đến lãnh vực văn chương mới được hân hạnh làm công việc này. Tôi hỏi, thì anh CXH nói: “Tôi muốn một người ở thế hệ thứ 2 đọc để nhận xét quyển sách này theo cái nhìn của một thế hệ trẻ, lớn lên ở đây”.
Xin cảm ơn anh CXH đã tin tưởng và giao cho tôi công việc đặc biệt và quan trọng này!
Tôi lớn lên trong giai đoạn đất nước đã chấm dứt chiến tranh. Lúc còn bé vẫn hay nghe bà ngoại kể những mẫu chuyện chạy giặc của gia đình bà. Ông ngoại đi lính chống Pháp bị bỏ tù. Cuộc sống thời loạn lạc ra sao? Tôi cũng đã từng được theo mẹ cùng anh em vượt những chặng đường xa để thăm ba trong trại tù học tập cải tạo. Sau này lớn lên đến Úc thì được nghe ba kể vài mẫu chuyện về cuộc sống trong tù ra sao. Không có thứ tự lớp lang gì hết!
Đọc Tales From a Mountain City của tác giả Quỳnh Đào để thấy được thay đổi và ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản tác động đến từng góc độ rất nhỏ của cuộc sống người dân khi thành phố Đà Lạt, tỉnh Pleiku bị mất vào tay quân đội cộng sản.
Đọc RKGMX để thấu hiểu phần nào tinh thần chiến đấu, sự ngậm ngùi của người lính VNCH khi phải thua trận, để mất căn cứ điểm quan trọng của tuyến đầu trận chiến Cao Nguyên vào những ngày tháng 3/ 1975.
Đọc RKGMX thế hệ trẻ thấy được cái bi tráng của chiến tranh, sự tang thương, loạn lạc trên khắp mọi miền đất nước, cuối cùng là sự vong thân…. Vậy, điều gì còn đọng lại?
Hầu hết các câu chuyện của ông, người đọc đều nhận thấy trong khói lửa mịt mù của chiến trận, đứng giữa tranh giới của sự sống chết, cái chất anh hùng của những người lính hoàn toàn xuất phát từ tình thương đồng đội, sự sống còn của kẻ khác.
Chuyện Người Lính Trinh Sát, tác giả đã được biết người lính ấy “…hy sinh khi tình nguyện xông vào diệt ổ đại liên cản đường, để cả đại đội tiến lên. Anh đã gục ngã ngay trên nắp hầm địch cùng lúc tiêu diệt toàn bộ tổ đại liên của địch…anh chết không toàn thây...”. Nơi sinh quán của anh: Làng Long Giang – Xã Long Hoa – Bình Thuận.
Những Cánh Én Của Mùa Đông, tác giả đã kể lại phi vụ cứu thương binh trên triền đồi Võ Định của ông đại úy Trung, đọc đến đoạn ông đại úy láy chiếc trực thăng “bò” lên căn cứ mà địch không hề hay biết cho đến khi ông bất ngờ đáp xuống và cùng với một vài người khác kiên quyết đem hơn 10 người thương binh ra phi cơ giữa những lằn đạn của đối thủ. Người đọc có cảm tưởng như đang coi film Mission impossible (David Koepp, Steven Zaillian, Bruce Geller) hay những phi vụ của James Bond.
Trong Những Cánh Đại Bàng Qua Cơn Bảo Lửa, tác giả PTAN viết về tâm tình của những người lính già hội ngộ tại Cali qua cuộc họp mặt được đặt tên “Bảy Mươi Tuổi Đời, Năm Mươi Tuổi Lính”. Hai mươi tuổi họ đã gia nhập quân ngũ, cái tuổi chưa được sống trọn vẹn với đời sống sinh viên, chưa được hưởng hết cái hương vị ngọt ngào của tình yêu mà phải lên đường gia nhập vào cuộc sinh tử của đời lính. Đặc biệt trong phần hồi ký này tác giả đã ghi lại rỏ ràng tên tuổi, nơi hy sinh của những người bạn cũ đã từng đi lính với ông như các vị; Thiếu Úy Phan Tất Trí, Đặng Ngọc Khiết, Đại Tá Võ Toàn, Trung Tá Huỳnh Văn Lượm V,v..Có lẽ tác giả không muốn sự hy sinh của những người lính này rồi sẽ bị lãng quên theo những thế hệ con em? Man mác trong phần hồi ký này người đọc sẽ nhận ra tâm trạng ưu tư, mất mát của những người lính già trót thua cuộc nay phải sống đời lưu vong nhưng không vì vậy mà họ tự oán than. Họ gặp nhau như lời tác giả trần tình:”…Xếp mảnh tàn y giữ lấy cho mình một chút hào khí ngày xưa, dư âm của một thời ngang dọc, sống chết cùng đồng đội anh em, để tạm quên bớt phần nào đau đớn từ những vết thương không lành được trong lòng…”
Suốt trong tập truyện RKGMX độc giả sẽ không đọc được những lý giải, phân bua tại sao người lính VNCH bị thua trận. Độc giả sẽ không đọc được những lời văn huênh hoang kể lại những chiến tích hào hùng. Ngược lại người đọc sẽ nhận thấy sự mất mát đau lòng đều xảy ra cho hai bên Cộng Sản và VNCH, đặc biệt câu chuyện Người Lính Trinh Sát đã để lại trong tôi một chất đắng khó tả. Người cha đi lính du kích của quân đội Cộng Sản, đã bị quân đội của tác giả tiêu diệt và hơn bảy năm sau người con trai đã anh dũng hy sinh để mở đường tiến quân cho quân đội VNCH. Chỉ còn lại người mẹ trơn trọi và cuộc chiến vẫn ngày càng ác liệt hơn.
Có lẽ viết về lính mà không viết về tình yêu thì người lính không còn vẻ đẹp rất đàn ông nữa, nên trong các truyện theo thể hồi ký của ông, tác giả PTAN đã cho người đọc thấy được cái chất lãng mạn cao độ của người Việt. Những thiếu nữ trẻ tình nguyện theo chồng di cư vào thành phố Pleiku nơi cận kề lửa đạn để có cơ hội được gặp mặt chồng, chăm sóc, băng bó vết thương cho chồng sau những cuộc hành quân. Những người chồng cầm súng đánh giặc mà tận cùng trong tâm hồn của họ là tình yêu dành cho vợ con, có bao nhiêu anh hùng trong giờ phút cận kề cái chết, hoặc biết mình sẽ ở lại với anh em để chiến đấu tới viên đạn cuối cùng, đã khẩn khoản nhờ những anh em chiến sĩ ở đơn vị khác, tìm kiếm liên lạc và giúp vợ con mình thoát khỏi vùng tử địa? Hình ảnh bi tráng nhất trong các bài viết của ông phải nhắc đến người lính vừa chỉ huy quân đội chiến đấu, vừa địu đứa con trai 4 tuổi sau lưng, vừa bảo vệ người vợ trẻ với đứa con gái nhỏ trong một cuộc rút quân tháo chạy gần vùng Phú Bổn.
Cuộc sống hiện đại đổi thay với tốc độ chống mặt, người phụ nữ thời nay không tránh được câu hỏi điều gì đã khiến những tình yêu thời chinh chiến xa xưa gắn bó, keo sơn, đẹp và lãng mạn đến vậy? Điều này người đọc nếu ở thế hệ sinh ra vừa qua thời chinh chiến có thể đã là nhân chứng cho những tình yêu bền vững của chính cha mẹ mình. Có bao nhiêu người cha đã bị đày đọa mười mấy năm trong ngục tù cộng sản? Có bao nhiêu người mẹ đã làm thân cò lặn lọi bờ ao vừa nuôi con ăn học, vừa nuôi chồng trong những trại tù xa xôi? Có bao nhiêu cặp vợ chồng vừa thoát khỏi trại tù cộng sản lại biền biệt tăm hơi trên đường vượt biên tìm tự do cho cháu con đời sau. Cuối cùng nếu may mắn, họ vẫn gặp nhau và nối lại cuộc đời từ những chuổi ngày dài chờ đợi đầy những mất mát đau thương.
Làm một bài toán cộng đơn giản cũng thấy được ông PTAN đã trải nghiệm đời sống quá nhiều theo những thay đổi của lịch sử VN thời cận đại. Ông đã sống những năm tháng tuổi thơ thanh bình, ông viết…” Tôi càng lớn thì bom đạn càng khốc liệt, cũng như bao thanh niên khác tôi trở thành người lính trực tiếp tham gia cuộc chiến chống giữ làng mạc, quê nhà. Rồi cuộc chiến kết thúc trong tức tưởi ngỡ ngàng...” Thế rồi ông và đồng bạn phải nếm trải sự trả thù trong các trại giam, bị gạt bỏ và phải sống bên lề của xã hội ngay tại trên quê hương của mình như là hậu trả thù của chế độ cộng sản dành cho những người lính không có cùng chung quan điểm nhân sinh quan với họ. Cuối cùng ông phải bỏ nước ra đi để mong tìm một tương lai khá hơn cho con cháu. Thế hệ của những người sinh vào những năm cuối của chiến tranh đang là nhân chứng cho những gì nhà văn PTAN đã viết trong các câu chuyện của ông. Tuy sinh ra muộn màng nhưng tôi là một trong những người nhân chứng ấy!
Qua các truyện ngắn RKGMX, Cô Gái Quá Giang Đêm Mùng Một Tết, Chuyện Cái Nón Lá, thế hệ nhân chứng của chúng tôi dể dàng thấy mình qua những hình ảnh của người con trai lạc mẹ, mất cha để trở thành con người của núi rừng Cao Nguyên, người con gái có người cha đã hy sinh trên chiến trường, có người mẹ đã bị chết do bom đạn ở hậu phương, bản thân cô lưu lạc trên xứ người vì năm 3 tuổi cô được Cơ Quan Bảo Trợ Nhi Đồng LHQ đưa dến nước Na Uy để từ đó làm con nuôi của cặp vợ chồng người bản xứ giống như chiến dịch Baby Lift xảy ra tại Úc Châu. Cô gái nọ hằng mong ước một ngày được trở về tìm lại cuội nguồn tông tích, cha mẹ, nhưng cô đã qua đời vì căn bệnh trở lại do mảnh đạn còn sót nằm sâu trong tim từ thời chiến tranh. Nhóm người trẻ còn lại may mắn hơn, được sống ngay trên quê hương, được cắp sách đến trường thì tương lai của họ ra sao với những phong cách đồi trụy của các bậc làm thầy? Ông đã viết: “ Trong lịch sử dân tộc ta, dường như chưa có thời kỳ nào số phận của người con gái, phụ nữ VN lại bi thương, rẻ rúng như bây giờ.”. Thực ra, không cần đợi đến nhà văn PTAN viết lên những giòng ưu tư từ lương tâm của một người VN, nếu có theo dõi tin tức VN chúng ta cũng đã đọc được những bản tin quá đau lòng liên quan đến sự tuột dốc của giá trị tinh thần, nhân bản của người VN tại trên đất nước VN. Xã hội VN ra sao mà người trẻ VN lại phải cất tiếng ca giọng buồn khẩn thiết: “Việt Nam tôi ơi, thời gian quá nửa đời người, và tôi đã tỏ tường rồi…”
Lúc còn đi dạy tiếng Việt trưa Chúa Nhật tại trường Vinh Sơn Liêm vùng Flemington, trong khi trao đổi, một em học sinh đã hỏi tôi ; “ Tại sao cha mẹ con phải sống ở Úc?” Tôi hỏi em: “Vậy em có hỏi cha mẹ câu này chưa và cha mẹ trả lời ra sao?”, em nói “Cha con bảo mình không sống ở VN được!” và ngập ngừng một lúc em hỏi tôi; “Mình không sống ở VN được, vậy tại sao mình về VN để đi holiday được?”
Thế hệ con cháu của chúng ta sẽ đặt câu hỏi vì sao ta hiện hữu ở ngoài quê hương gốc? Mỗi người là một câu chuyện, mỗi câu chuyện của chúng ta gắn liền với quê hương đất nước. Tập truyện ngắn RKGMX như là một nhịp cầu giúp cho thế hệ chúng tôi hiểu rỏ hơn những người cha chú đi trước. Nếu bạn được may mắn như tôi có nghe ông bà kể lại những câu chuyện không đầu đuôi của họ trong thời chiến tranh, thì bằng giọng văn đơn giản nhưng sống động nhà văn PTAN đã cho chúng ta thấy rỏ nét, từng mặt của chiến tranh, của ly loạn và đằng sau những câu chuyện ấy, điều gì còn đọng lại khi bạn đọc đến trang cuối? Có lẽ chính bạn mới trả lời được câu hỏi này, bởi vì những gì bạn nhận thấy được trong quyển sách này chẳng qua đã có sẳn trong lòng bạn tự bao giờ!
Uyên Di
Melbourne tháng 09/ 2012