Cổ Thành
(tặng Phạm Tín An Ninh)
Tôi ngạc nhiên vô cùng khi nhận được một phong thư lạ, giấy Việt Nam, tem và nhật ấn Ba-lan. Thư không đề ngày tháng, không ký tên. Nhưng khi tôi bắt đầu đọc thì từng chữ, từng giòng sáng ngời kỷ niệm. Và tôi bàng hoàng chất ngất khi đọc tới giòng cuối cùng “Tái bút: J’habite la Citadelle” (em đang ở Cổ Thành).
Thuở đó, Nha Trang. Từ mùa hè, tôi thấy tâm hồn và thân thể tôi có nhiều thay đổi… bạo. Tôi bắt đầu thấy rạo rực bâng khuâng và thích nhìn trộm các nữ sinh cùng lớp. Ngày tựu trường (tôi học trường Văn Hóa) thấy một số học chung đệ ngũ như Bạch Yến, Ánh Mai, Bích Tùng v.v. đã vào cùng lớp, tôi thấy ‘yên bụng’. Nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu một người, mà không rõ rệt là ai, tất nhiên không phải mấy thằng khỉ khọt Bổn, Cường, Ngạn, Trương. Cho tới khi thầy giám thị đưa một đứa con gái tóc bom-bê vào, thì tôi biết đứa con gái tôi cảm thấy thiêu thiếu cả tuần nay chính là con này- Phương Thi. Tôi cũng thấy mới qua ba tháng hè mà nó đã thay đổi nhiều, có cái gì khác … con trai. Dáng đi sao đâm ra yểu điệu thế kia? Áo của nó giặt thuốc gì mà sạch thế? Và làn da kia, ba tháng hè nắng nôi mà cứ trắng như trứng gà bóc! Và ôi, đôi mắt khi nó thoáng nhìn tôi… tôi thấy lòng bay bổng lên! Những dấu hiệu đó, hồi học lớp đệ ngũ, tôi đâu có thấy. Ngay cái hôm chia tay đi nghỉ hè, nó bao tôi ăn chè trước cổng trường và tôi quẹt mồm hẹn “năm tới mình sẽ học chung?” nó nói “ai biết được sang năm?” nó vẫn chỉ là một “thằng” bạn xinh xắn, dịu dàng, cùng tôi ganh đua học giỏi.
Thầy giám thị hội ý với thầy Ph., rồi bảo tôi ngồi xích vô (tôi ngồi đầu bàn đầu) và nói với Phương Thi:
– Ngồi tạm chỗ này.
Phương Thi rón rén ngồi xuống. Tôi nghe mát rượi bên cạnh, mà lòng thì nóng ran. Cái thời tiết bên nắng bên mưa kỳ lạ này làm tôi rùng mình, và tôi nghe một mùi hương ngọt ngào, nhưng nồng nàn át cả mùi phấn bảng, mùi gỗ ẩm từ bàn ghế, và mùi khét nắng của bọn con trai. Đó không phải là mùi nước hoa của các cô giáo. Đó là mùi thơm tự nhiên của lúa non, mùi nước dừa. Tôi “chịu trận” với mùi hương đó, và vài tiếng cười khọt khẹt của mấy thằng cốt đột đằng sau cho tới hết giờ học, không một chữ vào đầu. Chuông ra chơi reo, tôi mới dám quay sang mỉm cười với Phương Thi. Phương Thi mỉm cười lại. Nụ cười tươi sáng, dịu dàng, nhưng khi soi vào đáy đôi mắt ân cần đó, tôi đoán ngay là nụ cười của tôi chắc rất méo mó, khó coi. Phương Thi nói khẽ:
– Ph…ú…!
Giọng của nó cũng khác, trong hơn, mềm hơn, nhiều gió hơn trong âm ‘ph’. Và chính cái giọng này vừa gọi tên tôi đấy! Từ đó tôi không bao giờ gọi Phương Thi là ‘nó’ hay ‘con’ nữa, dù giữa mấy đứa con trai ngổ ngáo hay… trong đầu. Trong đầu tôi, Phương Thi trở thành ‘nàng’, ‘nàng Thơ’, gọi tắt là Thi. Cũng chả có gì là lạ, ngay từ đệ ngũ hai chúng tôi đã thi nhau viết văn, sưu tập thơ.
Hôm sau thầy Nhơn, giáo sư hướng dẫn, xếp chỗ lại và ‘trả’ Thi về bên con gái, cũng đầu bàn đầu như tôi. Qua tết Trung thu, sau giờ hình học, giờ chơi vào, tôi thấy trên bảng có hàng chữ ‘THI đối xứng PHÚ’. Lúc đó tôi không dám nhìn Thi, không biết phản ứng của Thi ra sao. Phần tôi, tôi chỉ cảm thấy khoái chí. Hôm khác có đứa kém… hình học phẳng hơn, còn viết thẳng ‘Phú & Thi’ mà cố ý vẽ dấu ‘&’ thành hình trái tim. Tôi đoán là thằng Bổn, nhưng lờ đi.
Ngồi đầu bàn có cái lợi là khi Thi lên trả bài, đứng trên bục quay xuống, tôi được tự do ngắm hai bàn tay với những ngón nhỏ trắng trong có móng phơn phớt hồng cắt ngắn, đan vào nhau, buông trước bụng, tuồng như Thi đang hứng chùm ánh sáng từ cửa sổ chiếu vào. Khi xếp hàng vào lớp, trai một bên, gái một bên, tôi luôn luôn đi song song Thi. Một sáng gió biển thổi vào, áo dài của Thi quyện sang, tôi cứ ngửa mặt lên mà cám ơn Trời.
– Phú không lo sóng hàng, cứ ngửa mặt nhìn cái gì trên trời vậy, Phú?
Nghe Phương Thi nhắc, tôi cúi xuống, gằm mặt đi như kẻ có tội. Tôi giẫm tụt xăng đan của thằng đi trước. Tới giữa lớp Thi nói nhỏ trước khi “chia tay”, con trai sang bên tả, con gái sang bên hữu:
– Phú hôm nay lạ.
Tuần sau, giờ Pháp văn, cô Linh bắt thực tập đàm thoại. Cô ra câu hỏi:
– Nhà bạn ở đâu? và hỏi ai dịch được.
Có bạn giơ tay trả lời:
– Où est votre maison?
Cô cười, phê:
– Dịch như thế không sai văn phạm, nhưng trong tiếng Việt khi người ta hỏi ‘nhà bạn ở đâu?’ người ta không có ý hỏi cái nhà của anh nằm ở đâu, mà người ta muốn hỏi… Cô chưa nói hết câu, tôi láu táu giơ tay:
– … ‘bạn ở đâu?’, ‘où habitez-vous?’
Cô khen:
– Très bien!
Rồi cô tóm ngay tôi và bảo Phương Thi đứng lên, để tập đối thoại. Có nhiều tiếng cười khúc khích đằng sau. Tự nhiên tôi thấy Thi đỏ mặt. Thi vốn e thẹn, hay đỏ mặt, nhưng hai tai đỏ mọng như một cánh hoa hồng và hai má hồng lên như đánh phấn, thì đây là lần đầu tiên. Lúc đó tôi mới để ý trên mặt của Thi có một chỗ không đỏ mà trắng ra, đó là cái sẹo nhỏ ở trên mi mắt trái. Và lúc đó tôi mới biết cái gì làm cho nụ cười của Thi hóm hỉnh, thông minh khác thường. Cô Linh bày ra một hoàn cảnh cho cuộc nói chuyện là hai người mới quen nhau, chào hỏi sơ và hỏi chỗ ở, xa gần, để mẩu đối thoại có những câu mới học. Chúng tôi nói bằng tiếng Pháp, đại khái:
– Chào Phương Thi.
– Chào Phú.
– Nhà bạn ở đâu?
– Tôi ở trên Cổ Thành.
– Cổ Thành ở đâu?
– Ở cách Nha Trang 10 km về phía bắc.
Không hiểu tại sao mẩu đối thoại đó in mãi trong đầu tôi như bóng một lâu đài, một “cổ thành” mà hồi đó tôi nhắc cho Thi dịch là “la Citadelle”. Thày sử dạy thành Diên Khánh do chúa Nguyễn Phúc Ánh xây từ thế kỷ 17, và lần lượt các ông Nguyễn Văn Thành và Võ Tánh trấn thủ. Riêng đối với tôi, nó có một lịch sử khác, đầy những cổ tích mà bao giờ vai chính cũng là một nàng công chúa, và bao giờ nàng công chúa cũng là … Phương Thi. Phương Thi với cái sẹo ở trên mi mắt trái. Hình ảnh Cổ Thành càng hợp với nhận xét ngây ngô của tôi lúc đó rằng con đường vàng những hoa muồng kia phải là nơi ở của người quí phái, không công chức cao cấp cũng sĩ quan hoặc nhà giầu, hoặc ít nhất trong nhà phải có một người con gái đẹp! Nhà Phương Thi vừa có bố làm trưởng ga Tháp Chàm, vừa có một người con gái xinh đẹp. Hai đứa chúng tôi học ngang nhau, nhất là môn Việt văn. Tôi còn đặc biệt giỏi Pháp văn và toán, nên được dịp giúp Thi. Mỗi lần tôi cho Thi mượn sách vở, Thi trả lại đều ép một bông hoa. Thỉnh thoảng chúng tôi sang nhà nhau làm bài. Tôi thấy lòng lâng lâng kỳ diệu những buổi tối từ ngôi nhà có hàng rào râm bụt ra về, đi trên con đường thơm nức dạ lan, và trên trời sao sáng vằng vặc. Xa xa tiếng sóng biển rì rào. Có lần chúng tôi đi dạo ngoài bãi biển, qua những lùm cây dương được cắt xén thành vòm rợm bóng mát, tôi ao ước được ngồi trong đó để cùng Phương Thi học bài, học mọi thứ trên trời dưới đất. Nhưng chưa bao giờ tôi dám nói ra với Thi ước mơ đó.
Cuối năm nhà trường tổ chức trại hè ngoài đảo. Ai có lều thì mang đi, còn thiếu thì bên Trung tâm Huấn luyện Hải quân cho mượn. Tầu hải quân chở chúng tôi ra một hải đảo ngoài khơi Cầu Đá, đẹp tuyệt vời. Ban ngày tắm biển, đá banh trên bãi cát, ăn cua, sò dưới bóng dừa; tối xuống đốt lửa trại, vui chơi, ca hát. Những lúc thấy Phương Thi trên bãi cát trắng, trong bộ đồ tắm màu nước biển xậm, tôi cứ lo một cơn sóng lớn cuốn Thi đi. Nhưng giờ tập họp điểm danh trước khi đi ngủ, tôi thấy Thi đứng ngay hàng đầu song song với tôi, có thể chạm tay nhau được, tôi yên tâm. Trước khi về lều, chúng tôi đứng lại hỏi bâng quơ vài câu, mà tôi thấy lòng rào rạt hạnh phúc. Tôi nâng bàn tay Thi, đặt vào con ốc mượn hồn bắt được hồi chiều. Đi được mươi bước, tôi nghe Thi thét lên:
– Eo ơi!
Tôi quay lại thấy Thi đang phủi tay lia lịa, tôi hỏi
– Cái gì thế, Thi?
– Nó cắn.
Tôi hiểu ra, cười:
– À, con cua trong vỏ ốc muốn chui ra. Nó nhỏ và nhát lắm, Thi đừng sợ. Nhưng Thi có đau không?
– Không sao.
Thi trả lời, rồi hấp tấp quay đi theo kịp bọn con gái cùng lớp. Có tiếng cười khúc khích.
Tôi trở về khu trại con trai, nằm trong lều nghe gió vi vu bên ngoài mát rượi và tiếng sóng biển vỗ về, nhưng tôi không ngủ được, cứ nghĩ không biết hồi chiều Thi ra sao. Thi con nhà giầu, không biết tranh giành, rồi ai lấy phần cơm cho Thi? Khuya vắng, tôi nghe thằng Bổn nằm bên cạnh trở mình hoài, biết nó cũng không ngủ được, tôi khều, nói khẽ:
– Mình ra ngoài chơi?
Nó nhổm dậy liền. Ánh trăng tràn ngập trên biển, trên bãi cát trắng tinh. Chúng tôi đuổi theo những con còng giương mắt lấp lánh chạy lao xao. Chúng tôi chạy dưới mé nước cho lân tinh vỡ dưới chân thành muôn vàn châu ngọc. Giá có bao nhiêu châu ngọc thật, tôi cũng tặng hết cho Phương Thi. Chúng tôi nằm trên cát nhìn trời, đếm sao. Khi thấy một ngôi sao sa, tôi ước “Ước gì tôi trở thành An Tiêm và cùng với Thi bị đày trên đảo này!”. Giờ này chắc Thi đã ngủ. Đứa nào nằm cạnh Thi trong lều? Một bông hoa, khi thấm nước biển sẽ thơm mùi gì? Lúa non hay muối mặn? Tôi ngồi dậy, nhìn về khu lều con gái.
Bỗng mây từ chân trời kéo lên, che khuất trăng. Chúng tôi đang định về lều ngủ thì nghe tiếng đàn hát xa xa. Tôi và thằng Bổn lần mò đi về phía cái lều phát ra tiếng du dương giữa đêm khuya. Tôi dòm vào, thấy khoảng chục đứa, cả trai lẫn gái đang nghêu ngao hát quanh ngọn nến leo lét, ánh sáng chỉ đủ soi hình thù người, không đủ thấy mặt nhau. Tôi và Bổn len lén chui vào, ngồi ké vòng ngoài. Tôi ngồi xuống cát, đằng sau một đứa tóc ngắn để bảo đảm là con trai. Thằng này không hát, chỉ ngồi nhịp nhịp cái đầu, nên tôi cũng không có hứng cất giọng vịt đực mới bể của tôi làm chi. Một đứa ôm cây đàn từng tưng cho mấy đứa hát đơn ca, song ca, hợp ca. Hát chán, chúng bỏ chuyện ma ra kể. Đúng lúc một thằng kể chuyện ma biển thì trời đổ mưa. Tôi chả quan tâm tới ma quỉ gì, chỉ nghỉ vẩn vơ một điều: ngồi dưới lều vải trong đêm mưa là một trong những cái thú lớn trên đời. Nhưng nếu trong lều thiếu một người thì sự thiếu thốn đó cũng rất lớn. Tôi thấy thiếu thốn vô cùng… Bỗng cửa lều mở tung, hai đứa con trai ướt như chuột chui vô trú mưa. Gió lùa làm tắt phụt ngọn nến. Cả lều chìm trong màn đêm đẫm hơi nước.
Một đứa rú lên:
– Ma! Ma biển!
Thế là cả đám hô ‘ma biển’ inh ỏi. Tiếng kêu, một phần là do khiếp sợ thực, một phần là để dọa nhau, phần lớn là tự nhát mình để tăng cảm giác được che chở giữa đám đông. Bỗng một tiếng sấm nổ ầm trên trời. Tôi ôm chầm lấy thằng ngồi trước. Và tôi phát hiện cái thân thể trong vòng tay tôi sao mà nó mềm mụp và thơm tho thế? Không xương xẩu và khét lẹt như mấy đứa con trai khác. Một cảm giác êm dịu, ngây ngất, làm cánh tay tôi tê dại, không thể buông ra được. Không biết thời gian trôi qua bao lâu, cho tới khi một đứa trong bọn bật diêm quẹt lên, thắp đèn, ánh sáng tỏa khắp lều, và một đứa ngồi gần tri hô lên:
– Con Thi! Thằng Phú!
Tôi bị bắt quả tang đang ôm Phương Thi trong vòng tay. Lúc đó tôi mới tỉnh hồn và buông tay. Và tôi cũng để ý lúc đó Phương Thi mới khẽ cựa mình để thoát ra. Tôi và Thi cùng mắc cỡ, chạy ù ra, đứa nào về lều đứa đó.
Đêm tôi nằm mơ nắm tay Phương Thi chạy trên bãi cát trắng, thỉnh thoảng sóng biển ập vào, tôi lại giang tay ôm Phương Thi. Tôi bị thằng Bổn thúc cùi chỏ đánh thức và xô ra mấy lần. May quá, thức dậy, nó không nhớ gì. Tôi làm mặt thản nhiên chơi đùa với Thi nhiều hơn hôm trước. Hình như chúng nó vui quá, quên chuyện ‘ma biển’ đêm qua, không nghĩ tới việc trêu chọc chúng tôi. Chúng tôi đùa sóng chán, rồi lên xây lâu đài cát. Hai ngày trại đó là hai ngày thần tiên nhất trong chuỗi ngày thần tiên thời niên thiếu của tôi. Nhưng cũng là những ngày vô tư cuối cùng. Chúng tôi bịn rịn chia tay nhau đi nghỉ hè. Thi đưa lưu bút cho tôi viết sau cùng, với một bông phượng vĩ đỏ thắm ép trong, tôi thấy mắt Thi long lanh ướt. Tôi viết cho Thi một bài thơ… ngây, trong đó tôi còn nhớ đã dám nhét vào hai câu bạo tàn canh:
Thi đâu biết những đêm mờ ảo tưởng
Mà yêu thương là cồn cát đìu hiu
Thật là một mùa hè dài đằng đẵng và… đìu hiu! Và nhớ ơi là nhớ! Giá cứ đừng xảy ra vụ “ma biển”, tôi đã đạp xe lên nhà thăm Phương Thi, bây giờ tôi ngại ngùng như ai cũng biết lòng mình, mà đang kỳ hè, không có bài vở, lấy cớ gì để thăm? Ba bốn lần tôi nhủ lòng mình “đâu có gì, bạn học mà”, và đạp xe lên Thành, nhưng mới đến ngã ba Phú Vinh, là trống ngực đã đập loạn xạ, tôi đành quành ra bãi biển. Tôi ngồi trên gốc cây dừa già nhìn ra sóng nước mênh mông. Tôi nhái một câu thơ cô Pháp văn dạy và thầm nói “Sóng vỗ mãi một nhịp, chỉ nghe gọi Phương Thi”. Ôi! Tôi nhớ cái đêm mưa trên hải đảo!
Tôi nảy ra một ý tưởng: nếu Phương Thi có chút nhớ tôi như tôi nhớ Thi , chắc sẽ có lúc ra bãi biển nhìn sóng đổ và cát trắng lung linh trong nắng. Vì thế tôi sẽ chờ đợi ngoài bãi biển hoài hoài. Bố tôi cũng dễ (tôi mồ côi mẹ lúc năm tuổi), trong năm bắt học, nhưng hè cho chơi thả dàn. Chú tôi lại mới thưởng tôi một cặp kính mát không quân, học sinh sắp lên đệ tam đeo rất oai. Tôi cứ đeo kính mát mà ngồi thừ trên gốc dừa… cô liêu, nhiều tuần lễ. Cảm giác không hẹn mà chờ là một cảm giác lạ lùng. Nó giống như đứa bé phụng phịu đuổi theo cầu vồng. Người ấy như ở đâu đó, thật gần, như nghe được hơi thở, mà cũng thật xa, như cố ý làm ngơ. Tôi càng quyết chí chờ hoài, cho tới khi Phương Thi phải động lòng mà xuất hiện. Chỉ cần được gặp Phương Thi một lần, tình cờ, trên bãi biển, là tôi thỏa lòng rồi. Nhưng chờ hoài chờ mãi mà người không tới. Tôi đánh bạo lên Thành tìm, thì hỡi ơi! Gia đình Phương Thi đã dọn đi rồi. Đi đâu không ai biết. Tại sao, cũng không. Tôi thẫn thờ leo lên xe lửa vào Tháp Chàm nơi bố Thi làm trưởng ga. Đã có ông trưởng ga khác rồi.
Tôi không nhớ bao lâu thì hết buồn về mối tình đầu ấy. Chỉ biết tôi cô đơn sang Võ Tánh học tiếp, đậu tú tài xong, vào lính. Dù. Có lúc tôi đóng ở Phan Thiết. Một hôm có phái đoàn học sinh đi ủy lạo chiến sĩ tới đơn vị tôi. Trong buổi họp mặt, tôi “chấm” một cô nữ sinh lớp đệ nhất nổi bật lên vì đôi mắt to đẹp tuyệt trần và mái tóc cột đuôi ngựa, tiếng hát mềm như tơ. Tiếng hát đó lại toát ra từ một đôi môi hồng, mỗi lần hát tới chữ ‘yêu’ thì chúm lại thành hình một trái tim. Xong phần văn nghệ, tôi lên sân khấu, thay mặt anh em cám ơn các giáo sư và học sinh, và xin tặng phái đoàn một cái mũ đỏ. Tôi xin phái đoàn cử người lên nhận mũ. Tôi không thể nào ngờ có sự tình cờ lạ lùng là phái đoàn nhà trường bàn nhau thế nào mà cử người đẹp tóc đuôi ngựa lên. Tôi đã… phải lòng ngay khi đội chiếc mũ lên cho nàng và nàng đưa tay chào kiểu nhà binh. Trong phần tiếp xúc sau đó, nàng viết tên Thục trong lòng mũ của tôi. Sau điều tra ra thì được biết Thục là con gái ông giáo sư đồng nghiệp với ba tôi. Khi tôi nghỉ phép về thăm ông già, làm bộ tình cờ nhắc tới giáo sư Tuân, thì ông già tinh ý cười ầm lên và nói “Đúng là duyên số!”. Thì ra Thục chính là cô gái mà bố tôi định chọn cho tôi, mà cứ mỗi lần ông thu xếp cho tôi đi ‘coi’ thì tôi kiếm cớ thoái thác, có lần lái xe gần tới nhà người đẹp tôi còn ‘đào ngũ’. “Lần này là tự mày dẫn xác tới đấy nhá”, bố tôi đùa. Tôi và Thục yêu nhau tha thiết và hai năm sau đám cưới. Được ba đứa con (cháu đầu có một cái sẹo trên mí mắt phải, xinh đẹp vô ngần) thì cộng sản vào, tôi đi tù 7 năm. Ở tù ra, tới bến xe Nha Trang, tôi thấy cảnh cũ mà lòng hoang mang như đang đứng nơi đâu chứ không phải quê hương mình. Lòng khô cằn mà nước mắt cứ tuôn ra, không thấy đường đi. Lúc đó có một chiếc xích-lô trờ tới, tiếng người hỏi:
– Về đâu đây, ông học tập?
Tôi lau màng nước mắt, nhìn ông xích-lô và cả hai cùng sững sờ nhận ra nhau, cùng chỉ vào mặt nhau:
– Thằng Phú!
– Thằng Bổn!
‘Bổn răng vàng’ chê tôi già đi khoảng 20 năm. Tôi nói nó nhe răng ra cho tôi coi.
– Cái răng vàng đâu rồi?
– Bán rồi. Vàng 18 của người ta đấy!
– Mày già 100 năm.
Bổn bỏ tôi lên xích-lô chở đi ăn phở. Đó là tô phở ngon nhất trong đời tôi. Bổn biết tôi nóng lòng gặp vợ con, mà chắc nó cũng phải đi đạp xe tiếp, gỡ lại tiền hai tô phở và hai ly cà phê, nên không hỏi han nhiều, giục tôi lên xe, chở ra bến xe đi Ninh Hòa, giúi vào túi tôi hết mớ tiền còn lại. Nó ngất nghểu bỏ đi, tôi đứng lại, nước mắt lại tuôn ra. Lần này là nước mắt cảm động – Nha Trang có tàn tạ, vẫn là đất của con người. Chắc Ninh Hòa, nơi vợ con tôi đang ở và không ngờ tôi về hôm nay, cũng còn.
Tôi đi thẳng vào căn nhà trống hoang xuống bếp, thấy một người đàn bà ngồi chè bè bó rau muống, tôi gọi:
– Thục!
Nàng giật mình quay lại, nhưng không đứng lên nổi, một tay chống đất, một tay run run chỉ vào tôi như ma:
– Anh!?.. Anh?! Anh về… từ đâu?
Tôi đau lòng mà phải bật cười:
– Tất nhiên không phải từ cõi chết. Anh còn sống đây, Thục!
Thục lúc đó mới khóc òa, đứng lên, nhảy ôm lấy tôi. Tôi lảo đảo muốn té (lúc đó tôi cân còn có 36 kg). Thục giúp tôi gượng lại xong, cúi xuống, đỏ mặt, đưa tay che một miếng rách trên đầu gối, nói:
– Chờ em lát!
Trong lúc nàng khập khiễng đi vào phòng ngủ thay quần, tôi thấy eo nàng vẫn còn thon, nhưng quần có một miếng rách khác ở hông. Tôi thấm thía câu thơ Chinh Phụ Ngâm “Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai”. Mảnh hở trắng tinh khiết trên hông và dáng đi lúng túng ngượng ngùng đó, ôi sao đẹp thế! Nàng thay đồ xong, cắp nón đi tìm các con tôi lúc đó đang bán rau muống ngoài chợ.
Hạnh phúc trùng phùng với vợ con chưa đầy, tôi đã phải nghe chi tiết về cái chết của bố tôi. Thục kể: sau khi tôi đi trình diện trên một tháng mà không về như thông cáo, bố tôi cứ rủ bố vợ uống rượu đế và bàn về văn thơ…Tây. Các ông say, ngâm thơ bằng tiếng Pháp oang oang. Cả hai ông bị bắt về tội hội họp bí mật, bàn chuyện bí mật, bằng tiếng bí mật. Bố vợ tôi không chịu được tra tấn, tự nhận có tham gia Đại Việt, đi ‘cải tạo’, lúc tôi được tha, ông vẫn còn ở Việt Bắc. Bố tôi bướng, không chịu nhận tội, bị bỏ thuốc độc chết.
*
Ba mươi năm sau Phương Thi tới bằng một lá thư không đề ngày tháng, không ghi nơi chốn, không ký tên, không cho địa chỉ. Cơ hồ một cánh bướm bay về từ thiên thai. Tôi biết chắc đó là Phương Thi nhờ câu “J’habite la Citadelle” trong phần tái bút.
Cứ vài tuần tôi lại được thêm một lá thư. Dù bì thư đóng dấu Prag, Vienna, Moskva hay Budapest … trong thư nơi viết luôn luôn là “Cổ Thành”. Mỗi lần nhận được thư, tôi đều đưa cho Thục coi. Chúng tôi bàn với nhau và không hiểu dụng ý của Phương Thi là gì, và bây giờ nàng là ai? Tại sao nàng biết địa chỉ tôi, biết tôi có vợ con, biết tôi làm gì? Nàng viết thư mà không chờ hồi âm, tại sao? Nàng là người thua chạy như tôi, hay là một bánh xe trong guồng máy mới? Các nơi nàng qua là những thành phố Đông Âu; điều này làm tôi nghi nàng là một cán bộ cao cấp của chính quyền Việt Nam cộng sản, trên đường công tác, ví dụ công tác kiều vận? Nhưng nội dung thư không có tí màu sắc chính trị nào, kể cả những chữ ‘khắc phục’, ‘tranh thủ’ hay ‘chủ yếu’ nàng cũng miễn cho tôi. Ngược với những người say men chinh phục, lấy tên một phù sinh hãnh thời khoác lên một thành phố trăm năm, Phương Thi gọi tất cả những nơi nàng đi qua bằng tên quen ‘Cổ Thành’. Và nàng kể những truyện mong manh, chóng qua, không có gì là ‘đời đời’, ‘bất diệt’. Nàng kể nhiều điều tôi đã biết, và cả những điều tôi chưa biết, ví dụ “thành phố này cũng có những con chim sẻ tíu tít truy bài nhau dưới bóng thùy dương”. Nhiều khi nàng hỏi một câu bâng quơ “sinh vật nhỏ bé trên bãi cát đó, gọi là ốc mượn hồn hay tôm mượn nhà?”
Tôi không biết. Tôi không biết tôi là con ốc muợn hồn hay con tôm mượn nhà. Tôi không biết điều đó từ lâu rồi, ngay từ khi tôi đi trình diện tù và bị tước quyền công dân trên quê hương, chứ không phải từ khi tôi sống lưu vong.
Tôi làm việc tại Bưu điện trung ương, có cái thú là thỉnh thoảng lên lầu 20 nhìn ra vịnh Oslo. Xa xa tòa cổ thành Akershus màu nâu tuyệt đẹp, xây từ thời hậu Viking, khoảng thế kỷ 14. Nếu đứng từ bến tầu sẽ thấy bóng của nó soi xuống đáy nước trong. Một đồng nghiệp người Na-uy, biết tâm sự hoài hương của tôi, khi anh sang làm việc cho sở Văn Hóa, vẫn tiếp tục liên lạc, và có tin tức hay sinh hoạt gì liên quan tới Việt Nam đều cho tôi biết. Một hôm tôi nhận được thư của Sở Văn hóa Thị xã gởi về sở mời đi coi rối nước từ Việt Nam. Trong tập chương trình đính kèm, tôi chú ý tới tấm hình một phụ nữ đứng tuổi với lời chú “Biên đạo Hoài Trang”. Tôi chú ý vì trong dáng đài các có cái gì quen thuộc. Tôi nhìn lâu lắm, cho tới khi thấy trong nụ cười hóm hỉnh hiện ra cái sẹo, rất nhỏ, rất mờ ở trên mi mắt trái. Tôi nhận ra Phương Thi với nụ cười ngày xưa. Buổi tối lên giường, tôi đưa tập chương trình cho Thục coi:
– Em biết ai đây không?
Nàng dòm hình và lời chú, hỏi lại:
– Hoài Trang là ai vậy, anh?
Tôi nói:
– Phương Thi đó!
Thục chồm lên người tôi, giằng lấy tấm hình:
– Nàng đây hả? Ngắm nghía chán, Thục hỏi: Anh nhận ra được nàng, giỏi thật. Thế là hình bóng nàng đã in sâu trong tâm khảm anh rồi! Còn đẹp lắm chứ.
– Đẹp hay không, không biết, nhưng lúc đầu anh không thể hình dung được người đàn bà này chính là cô bé Phương Thi xưa. Chỉ vì chắp nối những lá thư bí mật từ mấy tháng nay, và tờ quảng cáo chương trình múa rối Hà Nội… mà anh ghép được hai khuôn mặt của quá khứ với hiện tại thôi.
Tôi đã không nói thật với vợ chi tiết quyết định làm tôi nhận ra Phương Thi – cái sẹo duyên. Nàng thở dài:
– Chẳng phải một mình ‘nàng’ già đi. Bây giờ gặp ‘chàng’ trong rạp hát, chưa chắc ‘nàng’ nhận ra. Thục tắt đèn, nói tiếp: Anh dặn hai vé, cho em đi coi ké với.
Thú thực, tôi rất muốn đi. Nửa vì tò mò, nửa vì nỗi xao xuyến khó tả, nhưng tôi làm như vô tình:
– Nếu em thích thì mình đi.
Tôi mỉm cười trong bóng tối với ý nghĩ đêm nay mình có thể mơ về thời học trò, nhưng hy vọng không gọi tên Phương Thi ầm ĩ lên. Nhưng đêm toàn là ác mộng. Tôi mơ thấy một bà già khoảng 70 tuổi mặt mày sắt máu, dứ dứ bàn tay nói : “Con vợ nó quỳ lạy tui xin tha mẹng, nhưng thằng ngụy không lạy, tui béng bỏa nó”. Ngón tay trỏ của bà cứng còi, xương xẩu, giựt giựt điệu bộ bóp cò súng. “Béng! Béng!”. Tôi thấy mũi súng chĩa vào chính tôi và người đang van xin tha mạng là Thục, và bà già là… Phương Thi! Tôi vùng vẫn ra khỏi giấc mơ.
– Anh mơ gì mà khóc ú ớ vậy? Thục lay tôi và sờ trán, sờ ngực tôi. Chết! Sao tim anh đập dữ tợn thế này?
– Anh bị ác mộng.
– Anh thấy gì?
Tôi kể cho Thục nghe cơn mộng dữ. Thục nghe xong cười nhẹ, tiếng ngái ngủ:
– Tưởng gì. Hôm qua anh coi phóng sự truyền hình về Việt Nam trên NRK, có cái bà “mẹ cách mạng” khoe việc bà giết một người lính Việt Nam Cộng Hòa. Bà thuật lại câu chuyện xảy ra 30 năm trước với ánh mắt và giọng nói nhiệt tình. Anh tưởng tượng ra Phương Thi là có tội với nàng lắm.
– Mơ mà… Thôi, em ngủ đi.
Nói thế, nhưng tôi cảm thấy có tội với Phương Thi thật. Đồng thời tôi thắc mắc tại sao người đàn bà nằm bên tôi bình tĩnh và có vẻ sáng suốt như vậy, ngay lúc vừa thức giấc nửa đêm, và ngay sau những việc tôi cho là rất “éo le” về Phương Thi.
– Em không ghen à?
Câu hỏi buột ra khỏi cửa miệng tôi mới thấy nó u mê tới mức nào. Đó là tại đêm tối. Đêm mùa đông tại Bắc Âu! Tôi chờ lời cay đắng của vợ, nhưng nàng chỉ trở mình quay mặt đi, nói:
– Để cho em ngủ. Anh cũng ngủ đi.
Tôi muốn ngủ mà đầu óc cứ nghĩ. Càng sâu về đêm, người ta càng nghĩ nhiều và nghĩ… quẩn. Tôi muốn đè những ý nghĩ vẩn vơ xuống, chúng càng cợn lên qua những tiếng thỏ dài, những trở mình.
Còn Thục một lúc đã thở đều. Sợ lại trăn trở làm phiền vợ, tôi nhẹ nhàng ra phòng khách tìm đọc kỹ lại các lá thư của Thi. Tôi chỉ thấy sống dậy một Nha Trang với Diên Khánh, Hòn Khói, Cầu Bóng, Tháp Bà, đường Duy Tân, trường Võ Tánh, Văn Hóa… của thuở xưa, cùng tiếng sóng thiên thu. Trong lá thư sau cùng, nàng không cho biết sẽ lưu diễn Oslo (có bao giờ nàng nói nàng làm gì đâu, và tại sao bỏ đi không giã từ đâu), chỉ nhắc buổi đi “coi xi-nê hải tặc Viking tại rạp Tân Quang”. Nàng định nói “ai ngờ có ngày hai đứa học trò của Nha Trang cùng đứng trên giang sơn Viking” chứ gì? Xếp lại chồng thư, cuối cùng, và một lần nữa, tôi hiểu người nghệ sĩ sắp tới Oslo này, đối với tôi là cô bé Phương Thi, chứ không phải bà Hoài Trang. Gần bốn tháng nay, qua bao nhiêu thủ đô, bao nhiêu cổ thành tráng lệ, hùng vĩ trên thế giới, từ Moskva, tới Stockholm, nàng chỉ ghi hai chữ “Cổ Thành” – cái cổ thành Diên Khánh khiêm nhượng của Thi-Phú niên thiếu. Lòng tôi rưng rưng khi biết rằng trên cõi đời này có lẽ chỉ có một người chia sẻ với Thi hình bóng một cổ thành thần tiên kia. Người đó là tôi. Nhưng nàng không muốn tôi viết thư lại. Nàng chỉ muốn kể về quá khứ với một chứng nhân trầm lặng. Sự trầm lặng nuôi nấng, vỗ về. Tôi trở vào giường, ngủ thiếp đi trong tiếng sóng rạt rào và tiếng thùy dương vi vu. Và một nỗi tiếc nuối.
Tôi mất ngủ, nhưng trí óc về sáng tỉnh táo ra. Sáng dậy tôi pha sữa cà-phê cho Thục, và nói liền:
– Phương Thi chỉ muốn tìm lại Cổ Thành.
Thục thích sữa cà-phê do tôi pha, món duy nhất trên đời tôi được “hầu” vợ. Nàng bụm hai bàn tay để uống cả khói thơm, rồi nói:
– Khiếp! Thế ra cả đêm anh cứ nghĩ tới Phương Thi?
Tôi thành thật nói “Phải”, rồi đi lấy tập chương trình, ngồi đối diện vợ trong cái bàn con trong bếp. Một con quạ bay vụt qua cửa sổ đóng khung một khoảng trời mờ đục, tuyết đang rơi, có lẽ suốt đêm, đã trắng xóa con sông Nitelva. Ngoài vườn, ba cây dương liễu tôi trồng cho ba đứa con gái phủ tuyết trắng. Hai cây tùng cho hai đứa con trai ngoài cổng cũng vậy. Tôi kể lại cho Thục nghe lý do tại sao tôi kết luận Phương Thi chỉ đi tìm Cổ Thành, chứ không phải đi tìm Phú. Nàng hỏi:
– Thế sao Phương Thi không về Nha Trang mà tìm Cổ Thành?
Tôi đáp:
– Cổ Thành của anh và Phương Thi không còn trên đời này nữa. Chỉ còn chút vết tích trong lòng hai đứa trẻ.
Vì thế, để giữ mãi Cổ Thành còn đó cho tôi và Phương Thi, và một chút gì thiêng liêng cho hai đứa trẻ, tôi quyết định không đi coi rối nước. Nhưng tôi không nói với Thục quyết định này, nàng cứ đinh ninh tôi đã trả lời nhận hai chỗ và chờ ngày đi. Thời gian lưu diễn của đoàn văn công đã qua, hai hôm sau tôi nhận được một tấm thiệp chụp Cổ thành Akershusfestning, nằm soi bóng trên vịnh Oslo. U trầm. Tôi bùi ngùi đọc mặt sau: con dấu bưu điện: ‘phi trường Gardemoen, ngày: 20.01.19… ‘ Ngoài ra không có chữ viết nào. Những phân vuông giấy trắng trên tấm thiệp trải ra như mặt sông phủ tuyết mênh mông ngoài kia.
Tuyệt! Cám ơn tác giả và PTAN.