trang bạn hữu – Song Vũ

      No Comments on trang bạn hữu – Song Vũ

Một thời để quên

Song Vũ

Một

Năm nào cũng thế, chừng sau tết dương lịch hai ba tuần anh Long lại kêu tụi tôi tới nhà ăn tất niên. Nói tụi tôi cho có vẻ đông, nhưng từ hai ba năm nay, số bạn bè bỏ cuộc chơi giữa chừng ngày càng nhiều. Trong đám bè bạn chúng tôi, gồm tám người, chỉ riêng hai năm 14 và 15 đã giã từ vũ khí hết ba. Có điều lạ, những tay ngất ngư nhất lại cứ sống nhăn răng trong khi Hải mới tháng trước đưa tờ giấy thử máu cho mọi người xem ai cũng trầm trồ, “Tên này thọ ít nhất cũng phải hai bó nữa chứ chẳng chơi!” Đùng một cái sau ngày Giáng sinh, mọi người chưng hửng nghe tin Hải một đi không trở lại. Hải chết ở VN. Lý do sau này người nhà cho biết thật là lãng nhách: Hắn đi nhậu cùng đám bạn người nhà bên VN, hai bên không biết có hiềm khích gì từ trước không, chỉ biết chầu nhậu còn dang dở thì bên kia xông vào ẩu đả với bên Hải. Đứng xớ rớ quơ chân múa tay can ngăn thì bị ngay một chai bia đánh giữa đỉnh đầu! Hải được chở đến binh viện cấp cứu; hơn một tiếng sau, bác sĩ ra chia buồn cùng gia đình! Vợ Hải nghe tin rụng rời, ngày hôm sau được công an Sài Gòn kêu lên hỏi thêm tin tức để điều tra nhưng tay công an sau khi hỏi loanh quanh xong kết luận một câu xanh rờn: “Vụ việc này phức tạp lắm, đòi hỏi thời gian để điều tra chứ không thể có kết luận sớm được. Vả lại băng Tư Cá kèo là băng khét tiếng ở đây, chắc là hai bên phải có gì xích mích từ trước thì mới xảy ra nông nỗi này!” Vợ Hải chỉ kịp nói: “Chồng tôi là người có ăn học chứ đâu có phải là thứ lưu manh côn đồ đâu mà xích mích với xã hội đen!”Tên công an cười đểu: “Chị nói vậy thì tôi biết vậy thôi, chứ vụ việc phải làm có trình tự rốt ráo, chị cứ yên tâm chúng tôi sẽ tìm ra nguyên nhân vụ này”

Vợ Hải sau khi lo ma chay cho chồng xong trở lại San Jose. Khi gặp chúng tôi tới chia buồn, vợ Hải nói: “Cũng tại em, nghe tin cháu đích tôn của ba em cưới vợ, anh Hải bảo gởi tiền mừng cho nó là được rồi, tiền vé máy bay dồn lại cho nó còn nhiều hơn là hai vợ chồng mình về dư đám cưới.” Em lúc đầu cũng tính như vậy, kẹt cái gần 10 năm nay rồi vợ chồng em chưa về thăm hai bên họ hàng, nhân dịp cưới hỏi này các chú bác anh em đều về dự nên em năn nỉ ảnh chiều em một lần. “ Bây giờ mọi sự xảy ra như một cơn ác mộng, thậm chí em không còn tin vào cái chết của anh ấy nữa! Chúng tôi nghe vợ Hải kể chuyện mà buồn não cả ruột.

Nhớ ngày nào còn trong quân ngũ, Hải có biệt danh là Hải “húc”, cứ mục tiêu nào khó chơi là tiểu đoàn trưởng lại giao cho Hải. Tính điềm đạm lầm lì ít nói nhưng khi đã quyết định làm điều gì là làm cho bằng được. Khi sang định cư tại Cali cuối năm 1991, hai vợ chồng mang theo hai đứa con một trai một gái, ngoài mấy bộ đồ quần áo cũ, chẳng một xu ten dính túi.Hải nhờ bạn bè dạy lái xe, xin được một chiếc Celica cũ mèm chạy vật vờ suốt ngày trên xa lộ tìm kiếm công việc. Năm đó kinh tế Mỹ đang lao đao, hãng xưởng sa thải thợ thuyền hàng loạt, trong khi tuyển vào lại rất ít và điều kiện là phải có tay nghề. Cả bon tôi liên lạc báo tin cho nhau đủ mọi thứ công việc, hãng xưởng khóa học… cách kiếm ra tiền phụ vào với số tiền trợ cấp 8 tháng của chính phủ. Ngày tháng trôi vùn vụt mà công việc lại khó tìm. Cuộc sống truy bắt tương lai hun hút như chui trong đường hầm. Sau cùng đúng lúc gần hết trợ cấp, hắn cũng kiếm ra được chân đẩy xe chở đồ part tới các bàn lắp ráp trong một hãng điện tử với số lương $4.25 / giờ. Hải tính lo xa hơn, hắn sau giờ đi làm còn ghi danh một khóa học technician của một trung tâm dậy nghề người Việt tổ chức được chính phủ trợ cấp tài chính. Sau sáu tháng học hành chăm chỉ, hắn đậu và khi gặp chúng tôi, Hải khoe” Tôi có bằng cấp đàng hoàng rồi đây nè!”

Hãng Selectron cho hắn lên làm sửa chữa board hư từ các hãng gởi tới. Từ đây lương hắn được trả $8.50/giờ rồi nămsau lên 10 đồng.Vợ Hải cũng đảm đang không kém. Thời gian Hải đi tù, chị có học được nghề làm bánh giò và bánh bao. Sang bên này ngoài việc lo dọn dẹp, cơm nước trong nhà, chị xin được một chân làm bánh tại một nhà hàng fast food. Dần dần khi đầy đủ kinh nghiệm, năm năm sau đó chị đứng ra thuê tiệm và mướn người phụ giúp, chị đứng ra làm chủ tiệm. Công việc ổn định dần và hai con của Hải cũng học xong đại học cộng đồng rồi chuyển qua San Jose State University học tiếp hai năm, một đứa ra kỹ sư một đứa ra kế toán.

Từ năm 2000 trở đi, kinh tế gia đình của Hải có thể nói là vững vàng.

Đã tưởng sau cái họa tháng 4/75 cả nước đi tù, cuộc đời còn lại chút thời gian sau đó sẽ êm ả hơn, bù đắp một phần cho những người như Hải. Nào hay, ông trời hình như có đôi lúc vẫn đối xử bất công với đám chúng sinh cùng khổ của mình .

Hải với tôi có rất nhiều kỷ niệm buồn vui đời lính. Hải là trung đội trưởng xuất sắc và được tin tưởng nhất không chỉ ở đại đội mà còn có tiếng trong cả tiểu đoàn. Khi tôi rời đơn vị và sau đó chuyển ra sư đoàn 23, Hải lên nắm Đại đội trưởng rồi tiểu đoàn phó, chức vụ sau cùng là tiểu đoàn trưởng. Đi tù gần 10 năm, sang Hoa Kỳ trước tôi nửa năm. Tình cờ trong một lần đi dự Kỷ niệm ngày Quân Lực 1993 ở San Jose hai đứa gặp lại nhau. Từ đó Hải là thành viên trong đám anh em chúng tôi.

Hai

Cuộc họp hành quân bắt đầu lúc hai giờ chiều tại BCH/TRĐ. Trung tá Lộc trung đoàn trưởng sau khi nghe xong phần trình bầy của các sĩ quan quân báo và hành quân đứng lên hướng về phía chúng tôi ra chỉ thị. Ông bảo: “Như các anh đã được nghe phần tin tình báo, có thể nói khá chính xác. Để thay đổi thói quen từ trước đây, mỗi khi hành quân vùng bắc Cai Lậy, chúng ta thường di chuyển bằng xe tới quận lỵ rồi từ đó xuất phát vào vùng hành quân. Các cơ sở nằm vùng của địch sẽ đoán ra được ý định và vùng hành quân của chúng ta. Lần này, tôi quyết định ngày N, di chuyển tiểu đoàn 1 lên ngã ba Cái Bè như thể chúng ta sẽ làm ăn vùng mật khu Xuân Sơn Cẩm Sơn. Sáng ngày N+1, BCH /TRĐ sẽ di chuyển tới quận Cai Lậy và thiết lập BCH/HQ tại đây. Một hợp đoàn trực thăng 12 chiếc sẽ có mặt tại bãi đáp lúc 8giờ 30. Tiểu đoàn 1 là nỗ lực chính. Tiểu đoàn 3 sẽ có mặt tại sân bay Tân Hiệp lúc 9 giờ là lực lượng trừ bị cùng với hai đại đội trinh sát 7 và 11. Yểm trợ trực tiếp cuộc hành quân có 3 trung đội pháo binh 105 ly bố trí tại Tân Hiệp, Long Định và Cai Lậy. Ngoài ra còn có hai phi tuần khu trục stand by sẵn sàng yểm trợ khi có lệnh. Vì tính đặc biệt của cuộc hành quân nên tôi đã triệu tập các cấp chỉ huy từ đại đội trưởng trở lên để các anh biết rõ tình hình.Các anh có ai cần hỏi gì không? Nếu không có câu hỏi gì, các đơn vị có thể trở về chuẩn bị.” Trong không khí trang nghiêm của cuộc họp, tôi có linh cảm về một cuộc đụng độ lớn sẽ xảy ra. Từ nhiều lần trước đó, trong thời kỳ chỉ huy của các vị trung đoàn trưởng cũ, hầu như chỉ có tiểu đoàn trưởng lên nhận lệnh miệng rồi ghé qua ban 3 trung đoàn lấy phóng đồ hành quân và lệnh hành quân rồi trở về đơn vị họp các đại đội trưởng để phân chia nhiệm vụ là xong. Từ ngày trung tá Lộc về trung đoàn, việc điều hành có vẻ quy củ và bài bản hơn. Nhưng suy cho cùng với đám sĩ quan tác chiến chúng tôi, tháng nào cũng lặn lội, di chuyển miệt mài tìm diệt địch theo nhịp độ cứ đi ba bốn ngày về nghỉ một hai ngày rồi lại đi tiếp thì mọi thứ thủ tục trở nên có cũng tốt mà không có cũng chẳng sao!

Rạch Ba Rài bắt nguồn từ sông Mỹ Tho chảy ngược lên hướng bắc. Khi băng qua quốc lộ 4, rạch cặp theo Liên tỉnh lộ 29 tiếp tục đổ về hướng bắc chừng 5 cây số đụng Rạch Nàng Chưng. Từ đây được đào thành hai con kinh chẻ ra hai hướng khác nhau, một chảy vào Mỹ Phước Tây còn nhánh kia hướng đông bắc gặp Kinh Tổng Đốc Lộc. Điểm giao này có một xóm nhỏ tên Xóm làng Biển. Phía bắc của Kinh Sáng là cả một vùng đồng nước mênh mông thuộc Đồng Tháp Mười. Chiến trường thuộc khu chiến Tiền Giang trong mùa nước lũ rất vất vả. Các đơn vị bộ binh trong các năm 63, 64, khi hành quân khu vực này thường được xe chở tới Cai Lậy, sau đó di chuyển theo Liên tỉnh lộ 29 chừng ba cây số rồi băng đồng lội ruộng suốt cuộc hành trình về hướng Bắc hoặc hướng Đông tìm diệt địch. Cho mãi tới từ cuối năm 1964 trở đi, khi có phương tiện trực thăng để đổ bộ, các đơn vị bộ binh mới bớt mệt nhọc đi nhiều. Thông thường, địch  từ các hậu cần từ bên Căm Pu Chia sau thời gian nghỉ dưỡng quân, bổ sung vũ khí đạn dược chờ mùa mưa và nước lũ khi thời tiết hạn chế tầm quan sát của không quân chúng kéo trở về chiến trường nội địa để đánh chiếm hoặc quấy phá xóm làng, quận lỵ.

Các đơn vị thuộc sư đoàn 7 lúc đó mang tiếng là bộ binh nhưng lội nước không thua gì các đơn vị TQLC chuyên nghiệp, quần áo trận chỉ xanh từ đầu gối trở lên, hai ống quần luôn có màu vàng nhạt vì nước phèn. Suốt ngày đội nắng dầm mưa và lội nước. Những cuộc hành quân trung bình kéo dài từ hai đến ba ngày tùy  theo tình hình trận địa. Nếu có đụng độ năng có thể kéo dài thêm một hai ngày. Cuộc đời chinh chiến chai sạn cùng chiến trường đã làm cho người lính trở nên có thói quen coi cực nhọc và hiểm nguy như một trò đùa.

Ba

Tiểu đoàn trực thăng vận vào mục tiêu lúc 8 giờ sáng. Đại đội của tôi được phân công nhảy về hướng bắc của Kinh Tổng Đốc Lộc, từ ngả ba Xóm Làng Biển lục soát dọc theo kinh tiến về hướng đông để đi vào mục tiêu cuối là ngã tư Ấp Mỹ Điền. Tiểu đoàn trừ còn lại do Đại úy Trí tiểu đoàn trưởng chỉ huy hành quân song song theo phía nam của con Kinh.

Bốn chiếc trực thăng vũ trang bay vần vũ bắn dọn bãi đáp sau đó thả trái khói và hợp đoàn trực thăng chở quân nối đuôi nhau hàng dọc bay là là trên mặt nước để đơn vị chúng tôi nhảy xuống mục tiêu. Khu xóm bỏ hoang đã lâu không có dấu vết sinh hoạt. Sau khi lục soát ra tới sát bờ Kinh, tôi cho dừng quân để chờ đợi tiểu đoàn đang được trực thăng đổ quân xuống phía bên kia con kinh.

Theo kế hoạch bàn bạc từ trước, trung đội của Hải sẽ là đơn vị lục soát dọc theo Kinh, trung đội 2 của chuẩn úy Khôi sẽ đi song song cùng Hải cặp theo bìa làng. Tôi cùng trung đội súng nặng và trung đội ba đi theo sau Hải.

Cuộc đổ bộ xong lúc 8 giờ 45. Đại úy Trí tiểu đoàn trưởng ra lệnh tiến quân theo kế hoạch. Phi cơ quan sát bay vần vũ trên đầu.

Mười hai giờ, cả tiểu đoàn dừng quân tạm nghỉ và ăn trưa sau khi vượt tuyến xuất phát hơn hai cây số. Máy bay quan sát cũng rời vùng trở về Mỹ Tho đổ xăng.

Một giờ, máy bay quan sát lên vùng, tiểu đoàn được lệnh tiếp tục di chuyển. Tôi cho trung đội 3 của Thiếu úy Trung lên thay vị trí của Hải trở về sau trừ bị. Đại đội thận trọng lục soát, lác đác có những dấu hiệu hầm hố địch đào dang dở cách đó không lâu. Tôi gọi máy báo các tin tức này cho tiểu đoàn. Cùng lúc tiểu đoàn cũng cho biết có dấu đơn vị địch di chuyển về hướng nam.

Trời bắt đầu mưa lắc rắc. L19 chợt đảo nhiều vòng ở mục tiêu phụ phía nam như thể đã phát hiện ra chuyện gì. Chừng hai mươi phút sau trong hệ thống truyền tin, tôi nghe tiếng phi công quan sát báo địch đang bố trí trong các hầm hố tại khu xóm Chùa nằm kẹp giữa rạch Đường Nước và Bà Bèo. Tiểu đoàn ra lệnh dừng quân để đổi hướng, đại đội tôi được lệnh vượt Kinh Sáng trở về với tiểu đoàn.

Chiếc phi cơ quan sát đảo một vòng tròn rồi sà xuống khá thấp để liệng trái khói báo hiệu vị trí địch. Tôi theo dõi trong máy truyền tin giọng viên phi công nói chuyện với Trung úy Tự sĩ quan hành quân của tiểu đoàn. Sau đó tôi nhìn thấy màu khói đỏ tỏa lên từ một ven ruộng nằm về hướng hai giờ của trục tiến quân của tôi. Cùng lúc Đại đội 2 của Duẩn báo cáo: Đã nhìn thấy khói đỏ. Đại úy Trí ra lệnh dừng quân để sắp xếp đội hình tấn công. Tính từ vị trí chúng tôi đứng đến bìa xóm chừng khoảng gần 400 mét. Hai đại đội 2 và 3 lên thành hàng ngang. Đại đội tôi sau khi vượt sông trở thành lực lượng trừ bị cho tiểu đoàn. Trời bắt đầu mưa nặng hạt hơn. Đại úy Trí cho sĩ quan tiền sát Pháo Binh liên lạc trực tiếp với phi cơ quan sát để điều chỉnh pháo. Sau một thời gian liên lạc và chỉ điểm, trái pháo khói trắng đánh dấu mục tiêu nổ sát bìa làng. Sau hai ba lần điều chỉnh lồng khung, các đợt tác xạ hiệu quả bắt đầu.

Tiếng pháo binh bắn đi từ Nhị Quý, Nhị Bình và Cai Lậy dồn dập đổ vào mục tiêu. Bụi và khói bay mịt mù, có những mái rạ bốc cháy và những thân cậy bị phạt ngang gẫy đổ. Tiếng pháo thưa dần rồi chấm dứt, một màn khói mỏng bay che bìa làng. Đại đội tôi được lệnh bọc vòng qua phía trái mục tiêu cùng hướng với đại đội 2 để đánh vào hông địch. Tiếng đạn bay vun vút trong không gian xuyên qua màn mưa từ trong làng bắn ra và tiếng đạn dòn dã từ đủ loại vũ khí từ phía ngoài bắn vào. Chiến trường ngập ngụa khói và mùi tử khí. Đơn vị chúng tôi bị cầm chân khi còn cách bìa làng chừng hơn trăm thước. Đại úy Trí ra lệnh bám sát bờ ruộng trồng cây so đũa để chuẩn bị tấn công đợt hai.

Bốn giờ chiều. Bốn phi tuần khu trục AD6 từ Biên Hòa lên tham gia trận đánh. Những trái bom nổ được thả trước, tiếp theo là napalm. Sau hơn hai mươi phút vần vũ bắn phá, các phi tuần rời vùng. Thêm một đợt oanh kích khác…tiếp nối…..

Sáu giờ, tiểu đoàn được lệnh xung phong lần thứ hai. Lần này đại đội tôi sau khi thay thế đại đội 2 của Duẩn bám vào được tuyến phòng thủ của địch.Vì tổn thất nên đại đội 2 được lệnh dừng tại vị trí chạm địch bắn yểm trợ cho hai đại đội còn lại. Đại đội 3 cũng nhanh nhẹn tiến sát mục tiêu. Màn luân vũ chém giết truy đuổi sắp bắt đầu.

Bốn

Trời về chiều vạt nắng cuối cùng cũng chìm dần vào góc chân trời. Mưa lất phất rơi. Hai phi tuần AD6 cuối cùng cũng đã rời mục tiêu. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh các đại đội chuẩn bi vào mục tiêu sau một đợt pháo binh cuối cùng và một đợt pháo phủ màn khói. Tôi lên ngang chỗ Hải nằm và gọi máy cho Trí trung đội trưởng trung đội 2 sẵn sàng xung phong. Từ hàng cây so đũa nơi chúng tôi nằm còn cách bìa làng chừng năm chục mét. Từ đây tới ổ kháng cự của địch là một khoảng ruộng nước trắng xóa ngập ngang đầu gối trở ngại rất lớn cho đại đội. Chếch phía trái mục tiêu là căn nhà lá có hàng cây ăn trái, trước đó trung đội của Hải phát hiện có một cây trung liên bắn quét ngang đường tiến quân. Giờ đây căn nhà đã đổ xập và còn ít khói đen cháy dang dở nhưng chiếc hầm hình như vẫn còn nguyên vẹn. Hải bảo tôi; Hy vọng là đợt pháo và bom vừa qua đả diệt được ổ kháng cự này, còn nếu chưa thì cũng kẹt lắm đấy anh hai. Tôi gật đầu đồng tình và bàn với Hải, bây giờ tôi sẽ cho trung đội của Trí vào mục tiêu trước ở bên cánh phải, Hải sẽ dùng M79 bắn vào vị trí của cây súng này đồng thời trong lúc Trí vào mục tiêu, cây đại lien M60 của đại đội sẽ nhắm vào căn nhà để tiêu diệt các ổ kháng cự của địch nếu chúng còn cô thủ ở đó. Sau đó tùy theo tình hình, trung đội của Hải sẽ tiến thẳng vào căn nhà. Hải gật đầu “ OK anh hai “.

Đợt pháo cuối cùng vừa dứt, một màn khói do đạn pháo binh rải dọc theo ven bờ kinh bắt đầu và cả đơn vị chúng tôi nương theo màn khói tiến vào trong xóm.

Như dự đoán, cây trung liên im tiếng nhưng tiếng AK47 lại vang lên xé nước. Cây đại liên của trung sĩ Giới nhắm thẳng vào vị trí địch càn quét cùng 2 cây M79 của trung đội 1 tập trung vào mục tiêu có hầm địch bố trí. Những tiếng nổ chát chúa, những lằn đạn lửa tóe sáng vang dội, thỉnh thoảng một viên đạn đi thấp lao thẳng vào ruộng nước nghe một tiếng xẹt xủi bong bóng trắng xóa.

Trung đội của Trí bám được ven làng. Tôi mừng thầm và cho lệnh Trí quay hỏa lực sang phía trái tiêu diệt ổ kháng cự địch nằm ngay trước mặt chúng tôi.

Đại đội 3 của Sơn cũng vào đến bìa làng, địch có dấu hiệu bỏ vị trí “chém vè”.( tiếng lóng của Việt cộng thay cho cụm từ rút chạy ).

Tôi ra lệnh cho Hải tiến vào mục tiêu.

Loạt đạn cầu âu trước khi tháo chạy từ căn nhà nằm cách xa phía bên trái làm một binh sĩ trung đội 1 bị thương cùng với Hải. Tôi chỉ kịp chạy lên đỡ Hải để khỏi bị chết ngộp vì nước. Cả đại đội tràn vào mục tiêu. Tôi dìu Hải tới bờ đất sát bìa làng để y tá đến băng bó. Vết đạn xuyên qua hông may không chạm xương, máu thấm đỏ hông quần . Hải bình tĩnh: Anh Hai cứ để tôi ở đây được rồi.

Trời tối rất nhanh, mưa ngày càng nặng hạt hơn. Khi trung đội một lục soát căn hầm chữ A có cây súng máy, Hạ sĩ Quý lôi hai xác chết cùng cây trung liên nồi và một cây AK 47. Vì trời vừa mưa vừa tối nên trực thăng tản thương đã không thể tới được. Những người đã hy sinh và bị thương được đặt dọc theo ven kinh dưới những chiếc poncho treo tạm thành lều. Đêm đó tôi đã nằm bên cạnh Hải. Thấy Hải rên, tôi gọi tiểu đoàn xin trợ y tới để tiêm thuốc giảm đau. Chừng nửa tiếng sau Hải thiếp đi, lâu lâu tôi lại rờ trán Hải xem Hải có mệnh hệ gì không.

Không khí chiến trường vẫn còn đậm đặc mùi thuốc súng. Lâu lâu lại vang lên những rên la của một vài thương binh. Tôi nằm bên hè nhà, cả người ướt sũng nước phèn từ sáng nên cơ thể ngứa ngáy khó chịu. Mùi hăng hắc của mồ hôi và nước sình tạo nên một thứ mùi rất kỳ lạ. Chiến tranh, những trận đánh, chết chóc, sống sót…lâu dần, hình như những người lính chiến quen thuộc với trận mạc cũng chẳng còn mấy quan tâm tới điều này nữa. Sinh mạng của họ luôn được gắn chặt với hiểm nguy và gian khổ. Đối với họ, suy cho cùng đời lính chiến không phải là môt thứ nghề nghiệp mà là một định mệnh.

Trời hừng sáng. Mặt trời đỏ như máu nhô lên sau ngọn cây. Xóm Chùa xác xơ tung tóe như một bãi tha ma. Đại đội thuộc tiểu đoàn chủ lực tỉnh 514 Mỹ Tho bị xóa sổ. Tiểu đoàn chúng tôi chịu một số tổn thất, đặc biệt là đại đội 2 của Trung úy Duẩn  trong đợt xung phong đầu tiên. Duẩn bị thương nhẹ. Những thương binh và tử sĩ được gom lại trên một khu đất trống chờ trực thăng đến bốc đi.

Cách tây nam Xóm Chùa hơn hai cây số là Ấp Tân Thới. Từ Tân Thới đi bộ khoảng hơn cây số là Ấp Bắc, một địa danh đình đám thời gian khóa 17 chúng tôi ra trường. Đơn vị cộng sản tham chiến trong trận đánh này là tiểu đoàn 261 chủ lực Miền và tiểu đoàn 514 chủ lực tỉnh Mỹ Tho. Còn trận đánh hôm nay, hơn hai năm sau trận Ấp Bắc ngày ấy chúng tôi gặp lại đối thủ cũ, tiểu đoàn 514. Một đại đội của tiểu đoàn này bị chúng tôi xóa sổ.

 Sau này chúng tôi mới biết tiểu đoàn 514 còn lại đóng tại Mỹ Điền cách đó 4 cây số án binh bất động. Nếu hôm đó phi cơ quan sát không phát hiện ra dấu vết địch bố trí tại Xóm Chùa, chắc hẳn tiểu đoàn chúng tôi sẽ gặp tiểu đoàn 514 trừ một đại đội bố trí tại đây. Ấp Mỹ Điền nằm cạnh ngã tư giữa 2 con kinh xáng, Kinh Bà Bèo và Kinh Mỹ Tho.Tôi nghĩ thầm trong bụng, chiến tranh là một hỗn hợp giữa tình cờ và may mắn cộng chung lại với nhau. Chỉ có điều, những tình cờ may mắn đó luôn đem đến một kết quả thảm khốc cho bên này hoặc bên kia, giả dụ như đại đội tôi cứ tiếp tục theo trục tiến quân theo phóng đồ hành quân hôm ấy, cuộc đụng độ sẽ gay cấn hơn nhiều và chẳng hiểu kết quả sẽ ra sao. Mười giờ trưa, Tiểu đoàn 3/11 được trực thăng vận vào Mỹ Điền. Tiểu đoàn 514 trừ một đại đội đã bỏ đi trong đêm. Đồng Tháp Mười mêng mông nước không để lại dấu tích của chúng.

Năm

Tính xởi lởi và chân chất của một anh dân quê Nam bộ. ba má Lộc là chủ điền vào loại khá giả ở Vĩnh Long, vùng Vũng Liêm.Ông già có tới ba bà chính thức và hai ba bà khác không chính thức! Con cái cũng khá đông, cộng chung gần hai chục ( sở dĩ tôi không dùng con số 16 như Lộc nói vì có thể còn sót đâu đó 3 hoặc 4 mạng rải rác ở nơi khác ông từng đi qua). Lộc là con bà ba, ông ngoại Lộc vốn dĩ là tá điền của ông nội nên khi cậu Hai Thạc – tên của ba Lộc – bị vẻ đẹp mộc mạc chân chất của má Lộc thì ông nhất định cưới cho bằng được. Giòng họ nhà Nguyễn tới đời ông nội của Lộc chỉ có mình hai Thạc là con trai, tiếp sau đó bốn cô em gái, thành ra ba của Lộc gần như được khuyến khích càng nhiều con càng tốt! Đó là lý do ba của Lộc đông vợ nhiều con là vậy. Sau khi ông nội mất, Pháp trả lại độc lập cho Việt Nam, dưới chế độ của tổng thống Diệm, chế độ đa thê chấm dứt, phong tráo cộng sản nổi lên khắp nơi, ruộng đất sau khi bị trưng mua còn lại không nhiều, ba cùng má lớn, anh chị em của Lộc tỏa đi tứ hướng lập nghiệp, học hành làm ăn; chỉ còn lại hai chị em Lộc còn ở lại quê với má ruột cho tới năm 60 khi cộng sản tác oai tác quái chịu không nổi nữa, cả nhà Lộc mới rời quê ra tỉnh. Học xong trung học, cũng đúng tuổi động viên, Lộc gia nhập quân đội năm 64.

Ra trường Thủ Đức, Lộc về trung đoàn 10 sư đoàn 7. Lúc này trung đoàn đang họat động và trú quân tại Kiến hòa.

Tôi chỉ thực sự biết Lộc sau cuộc hành quân ở Đồng Tháp  tháng 8 năm 67, cả hai đứa đều bị thương nhẹ và được trực thăng chở về nằm điều trị tại quân y viện 7 tại Mỹ Tho. Hai đứa nằm chung một phòng, sát giường nhau, tôi bị thương vào đùi còn Lộc bị đạn bắn xuyên thủng bàn tay trái, văng mất ngón tay út. Nằm viện hơn 2 tuần, sau khi lành vết thương, hai đứa cùng xuất viện và được nghỉ dưỡng thương 2 tuần, tái khám. Mặc dù thời gian nằm viện không lâu, nhưng tính tình chân chất và giọng nói đặc sệt miền Nam của Lộc làm tôi có cảm tình ngay từ lúc gặp mặt. Tính hắn có hơi chút nóng nẩy, tôi còn nhớ một kỷ niệm vui. Vì vết thương của tôi bị ngấm sình và nước qua đêm không tản thương được nên vết thương bị nhiễm trùng sưng tấy. Khi về tới quân y viện, các bác sĩ hội chẩn không muốn mổ banh vết thương mà chọn giải pháp  “thông nòng” ( Có nghĩa là dùng cây kẹp nhồi băng xuyên qua vết thương rồi kéo qua kéo lại làm sạch bên trong vết đạn xuyên! ). Điều này khiến cho tôi đau đến xuất mồ hôi hột và xanh máu mặt, mỗi buổi sáng khi y tá đẩy xe tới từng phòng để chích thuốc thay băng! Có lần nhìn tôi quằn quại đau đớn khi bị “ thông nòng”, Lộc ngồi bật dậy khỏi giường lớn tiếng la viên ý tá “các anh làm ăn kiểu gì, không thấy ông ấy đau đớn toát mồ hôi kia à?  Sao không chích thuốc giảm đau hay cho ông ấy viên thuốc ngủ” Lời qua tiếng lại khiến Đại úy bác sĩ Chánh, trưởng khu phải chạy tới giải thích. Sau đó Lộc quay qua nói với tôi, “ Cũng may mà tôi bay mất ngón tay nên không chịu cảnh làm sạch vết thương như đại úy, tôi chịu đau dở lắm, còn tôi mà bị như đại úy thì chắc tôi đạp vào mặt thằng y tá có cái mặt lạnh lùng khó thương ấy coi cái đau của người khác như thể chẳng có liên quan gì tới hắn.” Tôi cười nói đùa với Lộc, nó “ thông nòng” mình chứ có phải nó tự thông đâu mà biết đau. Rồi thêm một tai nạn nữa xảy đến cho tôi, đó là sau khi chích 12 ống trụ sinh Peniciline trong 2 tuần mỗi ngày một ống, đến ống thứ 13, sau khi rút kim, tôi bất tỉnh vì sốc thuốc! Tôi chỉ kịp nghe tiếng vo vo trong đầu, mắt tôi tối xầm, ngực như đang bị đá tảng đè nghẹt thở. Tôi loáng thoáng nghe tiếng Lộc kêu, tiếng chân người chạy rầm rập nơi hành lang và khi mở mắt tôi thấy bác sĩ Chánh đứng bên cạnh giường, tôi biết tôi vừa thoát chết. Hôm xuất viện nghỉ ở nhà chờ tái khám. Khi chia tay nhau, Lộc tâm sự, tuần trước nhìn đại úy bị sốc thuốc, tôi nghĩ, nếu hôm ấy đại úy đi  luôn thì đúng là cuộc đời này trớ trêu thiệt, vào sinh ra tử không chết mà lại chết một cách lãng nhách vì tiêm thuốc.Tôi cười nói với Lộc, sống chết có số mà lo gì.

Lộc có cô bồ ở bến phà Rạch Miễu còn tôi trở về căn cứ trại Trinh sát 11, trong hai tuần nghỉ, hai đứa cũng có lần rủ nhau đi nhậu, một hôm về nhà cô bồ của Lộc trên chiếc nhà gỗ dựng trên các cây cọc đóng sát bên sông Mỹ Tho, vừa ngồi uống bia, nhậu với tôm khô củ kiệu vừa ngắm sông nước, thuyền bè qua lại trên sông, khung cảnh thanh bình quá khiến cả hai đứa mơ mộng nhiều điều.

Khi tái khám lần chót hai đứa nhậu thêm một tăng nữa rồi chia tay. Sau đó tôi thuyên chuyển khỏi sư đoàn nên hai đứa cũng chẳng có dịp gặp lại nhau.

Mãi đến khi đi tù ngoài Bắc, có một lần đi lãnh gạo tại Cẩm Nhân tôi bất ngờ gặp lại Lộc. Hai đứa mừng hết biết, hàn huyên chưa được bao nhiêu thì trại 4 của Lộc tập họp ra về. Rồi lại biệt vô âm tín; chỉ kịp mừng là trong cơn bão tố loạn lạc dầy đặc đạn reo tên bắn ấy mà còn sống sót để gặp lại nhau thôi.

Tính tôi vô tâm và lười giao tiếp. Sau ngảy mãn hạn tù cải tạo trở về tôi bỏ được hai thói quen có hại: nhậu nhẹt và hút thuốc. Nói bỏ cho sang vậy thôi chứ suốt thời gian trong tù khoai sắn còn không có mà ăn nói chi đến tù làm gì có rượu có thuốc mà nhậu mà hút! Cho tới lúc qua định cư tại đây, lại cắm đầu vào tìm việc làm, công việc bù đầu, lái xe lang thang giao hàng chạy việc cả ngày làm sao mà nhậu? vả lại phổi tôi có vết nám, từng phải điều trị suốt ba tháng trước khi lên máy bay cũng là một lý do khiến tôi sợ thuốc lá.

Năm 2010 một người bạn cùng khóa báo tin con trai cưới vợ, hai vợ chồng đến tham dự, tôi gặp lại Lộc. Lúc này hắn là sui gia với bạn của tôi. Tôi cười nói với Lộc, quả đất đúng là xoay vòng tròn phải không bạn. Kể từ đó Lộc trở thành một thành viên trong nhóm bạn thân quen của chúng tôi.

Lộc qua Mỹ trước tôi một năm, hắn chịu thương chịu khó theo bạn phụ làm nghề plumbing, dần dần hắn ghi danh vào college học luôn được bằng cấp hẳn hoi và sau đó mua xe, lên chức ông chủ chạy long rong suốt ngày ngoài đường. Trong đám anh em chúng tôi, Lộc là tay căn cơ nhất và khá giả nhất. Chúng tôi thường kêu hắn là “Lộc đại gia!” Có lần hắn bực bảo:

 Đại gia cái con khỉ, long rong cả ngày, có mối thì không cống rãnh cũng phòng vệ sinh, đại gia cái nỗi gì? Sau đó hắn lại dịu giọng ngay, nói cho vui thế thôi chứ làm nghề này lâu năm nên cũng quen mùi, bữa nào không được hít chút xú uế lại thấy nhớ; giống như ngày xưa, lâu lâu không lội ruộng lại thèm mùi nước phèn!

Sáu

Trong anh em chúng tôi, Thành là người ít nói nhất. Vốn là một sĩ quan pháo binh, trước khi đi lính là một giáo sư dạy toán trung học, Thành tính cẩn thận đến độ chúng tôi chê là chậm chạp. Bị thương khi Thành đi theo đơn vị bộ binh làm tiền sát viên rồi được chuyển về làm việc tại tiểu khu lúc anh Long làm tỉnh trưởng. Thầy giáo Thành được anh cất nhắc làm thư ký riêng. Sau ngày 30 tháng4, Thành đi tù hơn 3 năm thì được thả. Vượt biên năm 1980, qua Hoa Kỳ bỏ công sức đi học lại, tốt nghiệp computer science đi làm cho hãng HP. Anh Long thường bảo chúng tôi, anh chị quý Thành như em trai vì trong suốt thời gian lận đận khi còn ở trong nước, Thành là người thân duy nhất giúp đỡ gởi tiền nuôi anh cho tới lúc anh chị sang định cư năm 93. Có lúc anh tâm sự khi không có mặt Thành:

Cậu biết không, tính Thành hiền lành chất phác, đúng mẫu nhà giáo. Ba má của Thành cũng là nhà giáo nên từ lời ăn tiếng nói cho tới công việc lúc nào cũng cẩn thận từ tốn. Cậu ấy không thích hợp với nghề lính. Khi mình về nắm tiểu khu trưởng, cậu ấy đang làm sĩ quan huấn luyện của phòng 3. Mình coi hồ sơ thấy có bằng cử nhân toán và đã dậy học được mấy năm nên lấy về ngồi làm chánh văn phòng tỉnh trưởng cho mình. Nhiều lần có người chạy chọt, biếu xén tiền nong nhờ cậu ấy nói tốt cho họ, cậu thẳng thừng từ chối còn méc lại mình làm mình càng thêm quý. Ở với mình được gần hai năm, biết tính mình thẳng thắn cậu ấy có lần bảo “Em nghe đồn nhiều người chạy chức tỉnh trưởng mất vài chục triệu không biết thế nào.” Tôi cười trả lời: “ Tôi được ông tướng vùng cho về tiểu khu này là do tình hình chiến sự ở đây khó nhai, lợi lộc tài nguyên lại không có nhiều, nên bị chê; chứ cậu biết, tôi làm gì có tiền mà chạy với chọt. Vả lại, tính tôi cậu biết, cầm đồng tiền bất nghĩa là điều tôi không làm được. Từ ngày tôi về, chấn chỉnh lại tổ chức của tiểu khu, tình hình an ninh đã khá lên rất nhiều rồi mai mốt đây tôi chắc là sẽ khăn gói lên đường, nhường lại cho người khác. Tôi vẫn muốn trở về quân đội hơn là ở đây ngoài lo công việc còn lo đấu đá làm vừa lòng đủ mọi cấp thậm chí có cả quý vị phu nhân trung ương nữa, tôi chịu không nổi. “Năm 1972 tôi bàn giao tỉnh lại cho một vị đại tá từ Sài Gòn ra. Trước khi đi tôi biết Thành sẽ gặp khó nên tôi đưa Thành qua làm chỉ huy phó Trung Tâm Chiêu Hồi của tỉnh – là nơi ít tai nhòm ngó. Thành vui vẻ trong nhiệm vụ mới cho đến ngày đơn xin thuyên chuyển trở về ngành giáo dục được phê chuẩn vào cuối năm 1973. Tôi trở về ầu ơ ví dầu tại Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 hết phòng thanh tra đến phụ tá hành quân tiếp vận cho đến tháng 4/75. Lâu lâu về Sài gòn công tác hoặc nghỉ phép có ghé qua thăm Thành cùng gia đình, từ đó chúng tôi coi nhau anh em.

 Anh Long ngồi trầm ngâm rồi nói tiếp:

Sau tháng Tư 75, cộng sản đã làm được một việc mà trước đó không chế độ nào làm được: chúng biến mọi người làm mặt lạ với nhau. Anh chị em ruột, cha con, chồng vợ, hàng xóm láng riềng sống trong nghi kỵ ích kỷ chưa từng có. Cuộc sống khó khăn về vật chất đã đành nhưng cộng vào đó là sự khuyến khích hận thù, cổ võ cách sống rình mò, tố giác lẫn nhau đã làm cho cả một xã hội vốn dĩ xộc xệch trong chiến tranh trở thành băng hoại. Bản thân anh đã trải qua biết bao cay đắng xót xa do chính người nhà, trong họ mang tới. Anh thường kết luận:

Chúng ta tuy có những chênh lệch về tuổi tác, nhưng có chung một mẫu số là khoác áo lính trong lúc đất nước có chiến tranh. Chúng ta chiến đấu có lý tưởng và dốc hết nhiệt tình cho cuộc chiến này. Cống hiến cả tuổi thanh xuân và thậm chí cả mạng sống của mình. Rốt cuộc là gì? Khi tiếng súng chấm dứt, nhìn lại đoạn đường mình đã đi qua. Những sự thật phơi bầy ra bầy hầy tởm lợm. Những phản bội, lọc lừa trong đủ mọi ngóc ngách của cuộc sống… Cũng may là chút tình chia sẻ trong hiểm nguy giữa những người lính còn đọng lại khiến chúng ta còn một chút an ủi để sống. Đó là lý do tôi thường coi các cậu như những người bạn tâm giao, lâu lâu muốn gặp lại các bạn để thấy rằng cuộc đời dù có một dĩ vãng của một thời đáng quên, vẫn có một hiện tại nên nhớ.

Bảy

Lộc cầm lon bia lên uống một hơi rồi dõng dạc tuyên bố:

Em xin thông báo các đàn anh, ăn xong tết này, em đóng cửa tiệm và chính thức nghỉ hưu.

Thành là người lên tiếng trước:

Sao bạn đang làm ăn khấm khá quá mà nghỉ ngang xương vậy?

Lộc đủng đỉnh cắt nghĩa:

 Cả đời anh em mình vào sinh ra tử rồi sau đó là bầm dập trong tù đầy. Tiếp đến là gần hai chục năm lăn lộn kiếm sống và làm quen với cuộc sống mới. Nói tóm gọn lại là hết hai phần 3 cuộc đời là sống chẳng ra làm sao cả, phải không các anh? Thời gian còn lại theo em nghĩ cũng chỉ chục năm nữa là nhiều, nói thực với các anh, em chưa cảm nhận được ý nghĩa đích thực của cuộc đời em ra sao. Sống để mà sống, hình như mình đang sống cho người khác chứ chưa được sống cho chính mình. Giờ này con cái em đã lớn, gia đình cũng tạm gọi là ổn định, giàu có cũng chẳng đến phần mình, công danh, sự nghiệp cũng không có tên trong sổ bộ đời, thành ra thôi thì cố hưởng chút tuổi già trong bình lặng không còn ưu tư đủ mọi chuyện thiên hạ sự nữa. Mai mốt đây khi ra đi, mình cũng không ân hận nhiều vì cái tật ham hố đua chen suốt cả đời.

Thành ngồi im khá lâu sau đó mới lên tiếng:

Ông nói cũng phải, đời người luôn có những giới hạn không thể vượt được, lúc tuổi trẻ, chúng mình nghĩ và mơ mộng biết bao nhiêu chuyện, để rồi khi buông súng xuống chúng mình lại vỡ lẽ ra biết bao nhiêu cay đắng. Cuộc sống như thể cái ống lật úp lại. Mọi giá trị bị đảo ngược, thế thái nhân tình đổi thay. Cũng may mà chúng mình còn sống đến hôm nay. Nhìn về quê hương đất nước, dân tộc, suy ngẫm về thân phận của những người thân quen bạn bè…Biết bao nhiêu điều luôn làm chúng ta day dứt bồn chồn để cuối cùng nghĩ ra một điều hết sức đơn giản này: giầu sang, danh vọng hay nghèo hèn cuối cùng khi nhắm mắt xuôi tay cũng chỉ là một nắm tro than.

Anh Long ngồi dựa ngửa hẳn ra phía sau, tay xoay quanh ly rượu vang trên bàn không nói một lời. Thấy không khí bỗng dưng chùng xuống đột ngột quá, tôi lên tiếng:

Còn Thành thì sao, tính bao giờ nghỉ hưu đây?

Hắn cười, chắc cũng sắp rồi anh. Tôi chờ cho cô gái út vào đại học là về nhà đuổi gà cho vợ ngay.

Tôi hỏi: Khi nào con nhỏ vào đại học?

 Cũng sắp rồi anh, cháu đang học lớp 11, sang năm là xong trung học rồi. Vả lại tôi nghe department của tôi cũng đang rục rịch có xếp mới và tái tổ chức để giảm nhân viên nên trước sau gì thì cũng có cơ hội nghỉ ngơi thôi.

Bàn tiệc lại một lần nữa chìm vào im lặng, hình như mỗi người lại đang thả hồn mình vào những suy tư riêng.

Tôi lặng lẽ quan sát lại từng người. Anh Long lớn tuổi nhất, đàn anh trong đám chúng tôi. Một thời nổi tiếng với những chiến công trong khu chiến thuật Tiền Giang thập niên 60. Là một vị tỉnh trưởng liêm khiết và tài năng vùng Hậu Giang. Giờ đây mái tóc bạc trắng như cước. Nét uy nghiêm trang trọng của một vị chỉ huy trưởng  ngày nào từng làm tôi mến phục giờ đây là khuôn mặt mỏi mệt, trĩu nặng những suy tư. Lứa tuổi 85 của anh đã lấy mất những sắc sảo thời trai tráng. Nhìn qua Lộc rồi Thành, những người từng xông pha lửa đạn, cuộc sống của họ chỉ là sự cống hiến mà chưa kịp nhận đãi ngộ thì mất nước. Chiến tranh đã tước đi của chúng tôi cả tuổi thanh xuân nồng cháy, để lại cho chúng tôi tất cả sự cay đắng ngậm ngùi. Điều đau thương càng tăng gấp bội khi nhìn về quê hương ngày càng chìm đắm trong vòng lệ thuộc của kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, Trung cộng. Cái tội lỗi tầy đình mà cộng sản Việt Nam đã làm cho dân tộc sẽ còn nhân lên gấp bội khi họ phát động cuộc chiến xâm lăng Miền Nam, làm suy kiệt mọi khả năng đề kháng và bảo vệ đất nước, chống lại kẻ thù chung.

Tám

Chai  rượu vang thứ hai được chuyền tay nhau đổ vào ly. Tôi ra hiệu không uống nữa. Lộc và Thành chuyền tay rót đầy hai chiếc ly đã cạn. Anh Long lên tiếng:

Này, tôi hỏi thật các cậu điều này, các cậu có tin rằng đời con cái các cậu sẽ có dịp trở về quê hương mừng ngày đất nước sạch bóng cộng sản không?

Thành uống một ngụm rượu rồi bỏ chiếc ly xuống bàn, trả lời hững hờ;

Chắc là không anh ạ

Lộc gật đầu đồng tình; Em cũng nghĩ vậy.

Thấy tôi im lặng không lên tiếng, anh hỏi: còn Vũ thì sao?

Tôi bảo: Có lẽ còn lâu hơn thế anh ạ. May mắn lắm thì đời cháu đời chít anh em mình.

Anh vặn lại, cậu bi quan đến thế sao?

Tôi bảo: Mong là em đã có những cảm nhận quá bi quan về tương lai dân tộc, đất nước. Anh thử suy nghĩ về tình hình hiện tại, Thế giới trong thế quan hệ chằng chịt trắng đen bất phân, các nước mang danh cộng sản thực sự như Tàu như Nga như Bắc Hàn nó có thực sự là mô hình cộng sản của thế kỷ 20 không? Nó mang danh cộng sản nhưng là một thứ hẩu lốn trộn lộn giữa cộng sản và tư bản hoang dã dưới một thể chế phong kiến toàn trị. Các nước mang danh tư bản cũng không phân minh hơn, vì lợi nhuận của các tập đoàn tư bản, nó sẵn sàng đồng lõa với cộng sản để làm giàu, bất chấp những lý tưởng công bình bác ái, nhân quyền do chính nó rao giảng. Thế giới không còn hai phe hắc bạch đối đầu, mà là một cuộc tranh giành trong hợp tác giữa hai khối xám xịt. Khoa học kỹ thuật ngày càng tiên tiến. Sự độc ác của con người cũng tăng bén gót. Kẻ thù đa dạng hơn, nào là cộng sản, khủng bố, tôn giáo quá khích cực đoan… thứ nào cũng thuộc loại “vô ác bất tác” cả. Trong cái màn sương mù dày đặc hỗn mang ấy, mọi thứ đồng minh chỉ là tạm thời, mọi mục tiêu đều có thể thay đổi chớp nhoáng, hôm qua là bạn hôm nay thành thù. Nhìn về quê hương, suy ngẫm cung cách cai trị của đám đầu đảng cộng sản Việt Nam, chúng ta nhìn thấy một nét nổi bật, quyền lợi Đảng của chúng trên hết, dân tộc chỉ là phương tiện cho chúng nô dịch thôi.Một đất nước mà  “giầu thì chúng ghét, nghèo chúng khinh, tài giỏi thông minh chúng đem đi nhốt.”Trong khi đó Trung Cộng ngày càng mạnh hơn, thâm độc hơn. Anh thử nghĩ xem trong một tình hình như thế, chúng ta có hy vọng gì không?

 Anh ngồi im không nói. Lộc gợi ý, còn anh Long nghĩ sao?

Anh bảo, Hình như Vũ bi quan quá, đồng ý là cộng sản VN đã chọn sai một con đường khiến cho dân tộc điêu linh, đất nước chìm trong nô lệ. Cha ông chúng ta cũng đã từng chịu lệ thuộc tới gần 10 thế kỷ. Nhưng theo tôi nghĩ, chế độ nào cũng vậy, nó giống như một sinh vật, chịu quy luật hữu sinh hữu diệt. Việc sụp đổ của Miền nam chúng ta nhiều người nói là bất ngờ là không chính xác, chúng ta những người cầm súng trực tiếp chiến đấu với cộng sản, hơn ai hết, chúng ta nhìn ra sự thất bại ấy từ rất lâu trước ngày 30 tháng Tư, các cậu có đồng ý không?

 Không chờ chúng tôi trả lời, anh nói tiếp, chậm nhất cũng là từ sau khi chính phủ chúng ta chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị Paris với đám giặc cộng sản nằm vùng Miền Nam. Rõ ràng, bất cứ nhìn từ một góc độ nào đó, từ một đám giặc, chúng trở thành một thực thể ngang hàng với chúng ta. Anh bạn đồng minh của chúng ta vốn dân thực dụng và cao ngạo, quá tin vào sức mạnh quân sự của mình nên khi thấy khó nhai là buông xuôi, trong đó cũng phải cộng thêm yếu tố chỉ đạo cuộc chiến của các cấp lãnh đạo Miền Nam cũng có rất nhiều vấn đề. Nói gọn lại, chúng ta thất bại vì chúng ta không thực sự làm chủ được cuộc chiến. Những tên đầu sỏ cầm chịch khi thấy mục tiêu của mình đã đạt thì buông tay. Chúng ta chỉ là những con chốt trên bàn cờ chiến lược của chúng.

Giờ đây tình hình đã ngã ngũ, Liên xô sụp đổ năm 1991, Tầu nhẩy lên đóng vai trò thay thế. Cộng sản VN bị đàn anh Trung Quốc đánh cho tỉnh cơn mơ ngủ thế giới đại đồng, thấy rõ thân phận tay sai đánh thuê và sau đó dâng đất nước cho Tầu. Vì những quyền lợi chia chác giữa hai khối Mỹ/ Tầu, với thói ranh ma căn cốt, Tầu chịu lép vế chờ đợi thời cơ. Óc Đại Hán chẳng bao giờ bứt ra khỏi sự suy nghĩ của Tàu, cũng tương tự như sự tham lam sát phạt là đặc trưng của khối tư bản vậy. Thành ra sẽ có một lúc nào đó, một cuộc thư hùng không thể tránh khỏi giữa hai khối này. Bởi vì sinh mạng đất nước chúng ta bị cộng sản đem gắn liền vào vận mệnh của cộng sản Tàu cho nên sự tồn vong của dân tộc phụ thuộc vào sự tồn vong của Trung cộng. Ngày xưa các sử gia Việt Nam chúng ta thường dùng cụm từ “thừa cơ bên Tàu có loạn” – chắc các cậu còn nhớ – lúc đó là cơ hội dân tộc quật khởi rũ sạch bóng ma cộng sản, đất nước sẽ tự do thanh bình trở lại. Tôi không tin là đời con các cậu nhưng đời cháu là có nhiều triển vọng. Chỉ dấu của sự đụng độ ấy đang hiện ra ngày càng rõ ràng hơn với một Tập Cận Bình ngày càng độc tài tập trung mọi quyền hành vào trong tay theo kiểu Hitler và bên kia là một Trump tính ngã mạn và nhiều tham vọng không giống bất cứ tổng thống nào trong lịch sử Hoa Kỳ. Cho nên theo tôi nghĩ, sự đụng độ ấy chắc không còn bao xa.

Chúng tôi ngồi im nghe anh say sưa nói. Chờ anh nói xong, tôi nêu những suy nghĩ của mình:

Suy luận của anh rất có thể xảy ra, duy có điều này, trong cuộc xung đột ấy, cộng sản Việt Nam sẽ chọn đứng về phía nào, theo tôi nghĩ là quan trọng. Sác xuất chọn Trung cộng là rất cao, và như thế đất nước chúng ta sẽ bị xóa sổ vì tác hại của các loại vũ khí hạt nhân. Còn chọn trung lập thì sẽ ăn đạn cả hai phía Mỹ Tầu. Xu hướng chọn phía Mỹ đòi hỏi một lãnh đạo sáng suốt và được lòng dân, điều này vượt quá tầm của đám chop bu cộng sản hiện tại. Cộng sản Việt Nam đã bỏ qua biết bao vận may để “quay đầu là bờ”. Những sai lầm họ gây ra luôn được lập lại lần sau tệ hại hơn lần trước. Họ trốn tránh thực tại mà luôn sống trong ảo giác hoang tưởng do chính sự tham lam tàn bạo của bản thân họ tạo nên. Mong rằng trong tình hình dầu sôi lửa bỏng như thế, dân tộc ta sẽ có đủ hồng phúc để sản sinh ra một lãnh tụ thực sự yêu nước thương dân đưa đất nước đến bờ tự do dân chủ.

 Anh Long nghe tôi nói xong, gật gù quay lại hỏi Thành.

Thành nghĩ sao?

Thành từ tốn :Thôi thì cứ hy vọng như anh nói mà sống đi. Một cá nhân chọn sai con đường để đi sẽ không đi tới đâu hoặc có thể mất mạng. Một lãnh tụ chọn sai con đường phát triển của đất nước sẽ dẫn dân tộc tới diệt vong. Thú thật với anh, con đường mà những người cộng sản VN đưa dân tộc chui vào trong đó là con đường hầm không có lối ra. Những cuộc chiến tranh liên miên đã hủy đi khả năng đề kháng để tồn tại của dân tộc. Nhìn về quê nhà, cuộc sống ồn ào huyên náo bên ngoài che đậy sự dửng dưng chấp nhận thân phận cam chịu bên trong. Em nghĩ, chỉ trừ một phép lạ mới mong cứu thoát dân tộc ra khỏi thảm họa diệt vong. Quân hèn, tướng lo vơ vét làm giàu, lãnh tụ lo an toàn cho bản thân, gia tộc. Trong vòng 30 năm nay, đất nước kinh qua chiến tranh liên tiếp, chưa kịp nghỉ ngơi thì cộng sản lại bóc kiệt sức dân qua sưu cao thuế nặng. Đàn áp người dân bằng mọi thủ đoạn gian manh côn đồ, biến con người thành một đám cừu non để dễ dâng cho sói lang ngoại bang. Biển mất, đất mất, lòng người cũng mất, Tầu không cần đánh, Việt cộng cũng hàng. Chưa bao giờ trong lịch sử đương đại, một đất nước giầu tài nguyên và có truyền thống chống xâm lăng lại bị một nhóm bần cố vũ phu ngu si thất học kìm kẹp đến nghẹt thở như bây giờ. Cái sác xuất để có một phép lạ lật ngược tình thế như anh Vũ vừa nói thấp lắm, tuy nhiên đã gọi là phép lạ thì cái tỷ lệ ấy càng thấp, khi xẩy đến càng mầu nhiệm. Thôi thì cứ hy vọng như thế mà sống.

Tất cả chúng tôi ngồi im lặng, mỗi người đuổi theo ý nghĩ riêng tư của mình.Bữa tiệc tất niên năm nay vắng Hải càng làm cho không khí u buồn hơn.Hải là người luôn biết khuấy động không khí mỗi khi chùng xuống.

Bữa tiệc tất niên năm nay không có Hải để làm việc đó nữa.

Song Vũ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *