trang bạn hữu – Gs Ngô Quốc Sĩ

t

tình yêu trong lửa khói

Ngô Quốc Sĩ

          Tình yêu và chiến tranh là đề tài rất quen thuộc trong thi ca Việt Nam. Đoàn Thị Điểm với Chinh Phụ Ngâm, Lê Thương với Hòn Vọng Phu đã từng trải vào thơ nhạc tính cách bi đát của chiến tranh, nói lên thân phận hẩm hiu của người đàn bà thời chiến với bao nỗi bất hạnh chất ngất.Tính cách bi đát đó cũng đã thấm sâu trong dòng nhạc Anh Bằng, Nhật Ngân, dòng thơ Hữu Loan, Văn Nguyên Dưỡng… Riêng Phạm Tín An Ninh đã được biết đến như một nhà văn tên tuổi. Nhưng quả là bất ngờ thú vị khi bắt gặp bài thơ “O Huế” của anh, thổ lộ mối tình chân chất thơ mộng tuổi học trò, rồi kết thúc trong ngậm ngùi chua xót vì lửa khói chiến tranh.

          Vào thơ, tác giả đã tự thú nhận mình thuộc nòi tình, đã biết yêu và yêu say đắm từ tuổi mới dậy thì, khi chữ nghĩa còn nguệch ngoạc, bước chân còn ngu ngơ và tâm hồn còn giấy trắng:

                   Tôi phải lòng O, khi O còn đệ lục
                   Nón trắng, áo dài – trắng cả mùa thu
                   O đạp xe đi hồn nhiên quá đỗi
                   Cuốn hồn tôi theo vào cõi sa mù

          Cũng chẳng lấy gì làm lạ. Tôi phải lòng O không hẳn vì tôi lãng mạn, mà vì O quá gợi cảm làm tôi không trói được con tim:

                   Cũng tại vì O mà tôi biết yêu
                   Tập viết thư tình từ năm đệ ngũ
                   “Đọc thư tôi làm sao O hiểu
                   Cái nghĩa yêu đương mù mịt quá chừng”(*)

          Nhất là tại O là cô gái Huế, đa tình sầu mộng, làm bao chàng trai ngẩn ngơ điêu đứng “Học trò trong Quảng ra thi, thấy cô gái Huế chân đi rụng rời..”. Thế là dễ hiểu! Cậu học sinh đệ ngũ Võ Tánh đã “trồng cây si” trước cổng Nữ Trung Học chỉ vì tà áo dài, tha thướt, chiếc nón trắng nên thơ đã cuốn anh vào sa mù:

                   O sinh ra tận mô ngoài Huế
                   Hà cớ gì trôi dạt tới Nhatrang
                   Để một “thằng Võ Tánh” phải lang thang (**)
                   Đem cây si trồng trước sân trường Nữ

          Thật đẹp như mơ và ngây ngất như thơ, mối tình học trò thuở tóc em đuôi gà mới chớm. Nhưng oái oăm thay! Hoàn cảnh chiến tranh đã chia lìa đôi ta mỗi người một nẻo. Anh khoác áo chiến binh, gót giày lấm bụi quân hành, nay đây mai đó, còn em vẫn vùi đầu vào sách vở, nâng niu mối tình trong trắng thiên thần:

                   Khi O biết yêu thì tôi đi lính
                   Lời tỏ tình chưa nói trọn câu
                   Đời lính chiến rày đây mai đó
                   Sáng ở bưng biền – tối cuối rừng sâu

          Lúc này, những lá thư tình O gửi đã làm người chiến sĩ mềm lòng, nhưng thân trai thời chiến biết làm sao khi đất nước ngả nghiêng? Thôi đành ôm súng mà nhớ về sân trường, tưởng tuợng có người yêu còn đứng đợi dưới gốc cây bàng lá đỏ:

                   Những chiều dừng quân đọc thư O gởi
                   Quay quắt nhớ về một thuở Nha Trang
                   Sân trường xưa – con đường cũ – gốc cây bàng
                   O đứng đó chờ gã khờ đến đón

          Thế là cách ngăn! Anh tiền tuyến em hậu phương. Từ rừng núi xa xôi, anh vẫn nhớ về em trên từng bước quân hành qua những đồi sim tím, đồng cảm với Hữu Loan ngày nào:  Chiều hành quân qua những đồi sim.Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim. Tím cả chiều hoang biền biệt..”

                   Rồi mấy năm sau O trở thành người lớn
                   Tôi vẫn là thằng lính chiến ngày xưa
                   Vẫn núi rừng – vẫn sáng nắng chiều mưa
                   Vẫn da diết nhớ O qua bao mùa sim tím nở

          Nhớ thì vẫn nhớ, nhưng xa mặt mãi cũng phải cách lòng. Chắng trách em, hay trách hoàn cảnh trái ngang. Có trách là trách chính mình đã để cho con tim rung động quá sớm:

                   Còn O, trong giảng đường mô nớ
                   Chắc bận học hành nên chẳng còn nhớ đến tôi
                   Tôi âm thầm tự trách chính mình thôi
                   Ai bảo mới nhỏ xíu mà theo O trồng cây si chi rứa !

          Bi đát nhất là khi chiến tranh chấm dứt, tưởng ta sẽ gặp lại O tay bắt mặt mừng. Ngờ đâu trời chẳng chiều người và cuộc đời cũng quá bi thảm. Chúng ta đã lạc mất nhau. Em đã qua cầu, vui duyên mới. Còn anh làm kẻ bại trận, bước vô tù với bao cực hình nhục nhã, gặm nhấm hờn căm như hổ nhớ rừng.

                   Hết chiến tranh ta lạc mất nhau
                   O cùng ai đó bước qua cầu
                   Tôi bất ngờ thành người bại trận
                   Bước vào tù theo cuộc biển dâu

          Vào tù theo cuộc biển dâu, rồi ra tù, trôi giạt xứ người, mang thân phận lưu vong cũng là tiếp tục theo cuộc biển dâu. Ngày nào chinh phụ đứng cuối sông Tương mà nhớ về chinh phu từ đầu sông Tương. Tuy ngăn cách đầu nguồn cuối sông, vẫn được uống chung dòng nước như thể dòng thương: “Quân tại Tương Giang đầu, thiếp tại Tương Giang vĩ, tương cố bất tương kiến, đồng ẩm Tương Giang Thủy”. Ở đây, tác giả và người yêu đã biệt tích, cách ngăn đôi bờ đại dương, đâu được diễm phúc uống chung dòng nước! Chàng chỉ còn biết mơ về O Huế và thầm ước vu vơ:

                   Đúng hai mươi năm, tôi trôi giạt xứ người
                   Còn O lưu lạc nơi nào chẳng biết
                   NhaTrang xưa giờ trùng khơi cách biệt
                   Dưới cây bàng – có còn ai đứng đợi để về thăm ?

          Tính đến nay, đã trên 40 năm cách biệt, dò tìm mãi vẫn không một dấu tích thân quen. Tuy tìm mà không gặp, nhưng lòng ta vẫn mãi mãi bên em, em vẫn bên ta như chiếc bóng còn mãi sau khi đã vĩnh viễn mất nhau! Nếu Văn Nguyên Dưỡng luôn ôm ấp chiếc áo khinh cừu như thể ấp ủ bóng hình người yêu thuở ấy, thì Phạm Tín An Ninh cũng mãi mãi ghì siết bóng hình O Huế, càng muốn quên lại càng nhớ ray rứt:

                   Thời gian qua – đã hơn bốn mươi năm
                   Mà hình bóng O vẫn còn theo tôi mãi
                   NhaTrang ơi – xin trả lại tôi một thời thơ dại
                   Để tôi khỏi phải chạy hoài theo một bóng mây bay

          Vẫn biết chạy hoài đuổi theo một bóng mây bay là mộng tưởng, là ảo ảnh, nhưng đời là thế. Tính cách bi đát của tình yêu thời chiến là thế! Trần Quảng Nam “mười năm cách biệt tình đành quên lãng”. Phạm Tín An Ninh trên 40 năm không gặp, nhưng tình vẫn đậm đà. Hình ảnh O Huế vẫn còn canh cánh bên lòng. Tìm em như thể tìm chim! Từ Na Uy về Anaheim, Houston, rồi San Jose, tìm em trong các kỳ hội ngộ, mà O Huế vẫn biệt tăm! Không biết thời gian còn lại có ưu ái cho tác giả gặp lại người xưa để khỏi chạy hoài không? Dù sao, cũng chúc Pham Tín An Ninh một lần kỳ ngộ nhiệm mầu để ôn lại tấm chân tình trong lửa khói…

    GS Ngô Quốc Sĩ
( Đài PT Đáp Lời Sông Núi)

(*) theo ý thơ TYH

(**) học sinh trường Trung học Võ Tánh – Nha Trang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *