Xe đò dừng lại đổ thêm xăng khi sắp vào Thị trấn. Con đường nhựa ngoằn ngoèo quanh co qua mấy ngọn đồi trước khi đổ dốc vào trung tâm Huyện lỵ. Nắng tháng Chạp dát vàng trên các ngọn cây, đồi cỏ trong buổi chiều tà. Mấy chiếc xe bục bịch ngược chiều nặng nề leo dốc như muốn ì ra vì mệt. Tôi cũng thấy thân thể mỏi nhừ vì nửa ngày trời ngồi bí rị trên chuyến xe đi từ Thành phố về…
Thị trấn núi hiền lành hiện ra trước mắt tôi với nhiều đổi khác. Bến xe nằm sát ngay chợ Trung tâm, chung quanh là các hiệu buôn, tiệm vàng, quầy tạp hóa đông đúc người qua lại. Nơi này xưa kia là bãi ruộng khô ăn nước trời một vụ. Rồi nhà cửa hiện ra san sát và thẳng băng theo các con đường ngang dọc như bàn cờ. Cảnh vật đối với tôi mới mẽ và lạ lẫm như thể tôi chưa hề sống tại đây trong một khoảng thời gian dài cách đây đã hơn hai mươi lăm năm. Cũng phải thôi! Hai mươi lăm năm, một phần tư thế kỷ chưa hẳn là khoảng thời gian thật dài so với một đời người nhưng cũng khá đủ cho mọi sự đổi thay, người ta vẫn hay nói “Thương hải tang điền” mà… Và nếu không có việc xác nhận hồ sơ để làm thủ tục bảo hiểm chuẩn bị cho việc về hưu sớm thì có lẽ tôi cũng chẳng có dịp nào quay về chốn cũ…
Tôi đi dọc con đường lượn theo chân đồi, nơi cuối đường là ngôi trường Trung học nằm nấp sau những tán cây cổ thụ. Con đường này trước đây tôi vẫn thường hay đi lại, bây giờ cũng đổi khác. Thảm bê tông nhựa thay thế cho con đường đất đỏ gập ghềnh những ổ chuột ngập nước trong mùa mưa và bụi mù những ngày nắng. Tôi dừng lại và ngồi dưới gốc cây da to trước cổng trường. Gốc cây như gồ ghề và xù xì hơn nhiều so với trước đây, trên mình chi chít những dấu vết nghịch phá của lũ học trò. Một khoảng trời xa lắc trong ký ức tôi chợt hiện ra…
Học xong Sư phạm năm bảy chín tôi được phân công về dạy tại Huyện miền núi này. Cầm quyết định trên tay tôi do dự và băn khoăn mãi. Má tôi nói, thôi bỏ dạy ở lại phố bán buôn ngoài chợ với mẹ. Ba tôi thì trầm ngâm chẳng nói gì, thỉnh thoảng lại tặc lưỡi và khẽ khàng trách cứ ngành giáo dục quá khắc khe khi phân nhiệm con gái ông về công tác miền núi, rồi nói tôi muốn sao thì muốn, tùy. Sau một tuần lang thang khắp phố phường gặm nhấm nỗi cô đơn đến cùng cực, nhìn lũ em nheo nhóc, thêm cám cảnh phố thị nghèo nàn của những năm đầu sau “giải phóng”, tôi quyết định lên đường. Và thế là tôi đã đến đây, lòng không hề nghĩ rằng mình sẽ gắn bó với vùng đất này suốt năm năm sau đó.
Cũng chẳng có gì đáng nói về những ngày tôi dạy học ở ngôi trường này. Vui buồn là qui luật bất biến của đời sống và tôi cũng đã có đủ những niềm vui, nỗi buồn, sự bực tức và kể cả nhiều cảm tình thú vị. Người ta thường hay có thói quen cứ gắn kết cho kỷ niệm những điều vui để xuýt xoa mỗi lần hồi tưởng hay nhớ lại. Tôi cho đó là sự cường điệu màu mè. Tính mày ngang bướng và giống đàn ông. Mẹ tôi vẫn thường hay nói về tôi như vậy dù thật ra trong đời tôi đã gặp phải kha khá đàn ông… còn tệ hơn tôi nhiều.
Mới đầu tôi chẳng hiểu từ lúc nào và tại sao lũ học trò của tôi gọi anh ta là “Chú kinh tế mới”. Anh ta còn khá trẻ và nếu chịu khó nhìn kỷ thì thấy cũng… đẹp trai, dù bộ râu mép lởm chởm cùng cái đầu bù xù làm anh ta thêm tối tăm bên cạnh nước da rám đen vì dang nắng. Hỏi ra mới biết cách trường tôi dạy gần mười cây số có một vùng kinh tế mới, nơi tập trung sinh sống của nhiều Sĩ quan chế độ VNCH sau khi đã mãn hạn tập trung cải tạo. Ban đầu tôi chỉ đứng xa nhìn, thấy anh ta cười cười nói nói gì đó với mấy đứa học trò. Những lúc ấy tôi cảm thấy thật khó chịu.
Công việc của “Chú kinh tế mới” cũng đơn giản và hay hay: bơm mực bút bi và bán một số học cụ như compa, thước kẻ, bút máy… Nhưng có lẽ điểm hấp dẫn đối với bọn trẻ là được khắc tên miễn phí. Một cây thép nhọn đơn giản cày trên mặt bút thoáng chốc bỗng là Trần Thị X, Nguyễn Văn Y với những đường cong mềm mại và đều tăm tắp. Thoa một lượt phấn trắng lên nữa là xong, cây bút, cây thước in rõ tên chủ sở hữu đầy “ấn tượng”. Trong những dịp lễ tết hay chuẩn bị nghỉ hè thì thay vì những cái tên là những dòng chữ lưu niệm, những lời chúc tặng, chia tay… Tôi lại “di ứng” một lần nữa với anh ta bởi tôi rất ghét màu mè, “đồng bóng”. Trước giờ tôi vẫn nghĩ hình như những lời chúc tụng hoa mỹ có vẻ gì đó không thật. Chẳng hạn như ngày Tết chúc nhau An khang, Thịnh vượng, phát tài phát lộc trong khi ngày thường chả yêu quí gì nhau, nếu không muốn nói là ghét nhau. Hình như bản chất con người là rất thích nghe những lời lẽ tâng bốc cho vừa lòng mình, dù đôi khi vẫn biết đó là những lời dối trá. Và như vậy thì thật là tệ hại!
Thường những lần xong giờ dạy giữa buổi học, tôi lững thững đi bộ về khu nội trú Giáo viên, ngang qua gốc cây da nơi có chiếc xe đạp với “quầy hàng lưu động” của anh ta và liếc nhìn vào. Có lúc thấy anh ta đang sắp xếp lại những thứ đồ đạc lỉnh kỉnh, có lúc thấy anh ta chạm chạm khắc khắc, có lúc lại thấy anh ta ngồi buồn thiu dưới gốc cây, mắt nhìn đi đâu đó, chả thấy anh ta mời chào, chọc ghẹo, hay thậm chí để mắt tới mình. Càng tốt. Mới đầu tôi nghĩ vậy nhưng mấy lần sau tự nhiên hơi bực. Một đứa con gái “trí thức” và dễ nhìn lại mang cái mác Thành phố như tôi – biểu hiện qua cách ăn mặc nè – lẽ nào không hề gây sự chú ý gì nơi một gã đàn ông?… Thôi kệ, tôi tự nhủ. Tri ngã dã bất tri ngã dã… Nhưng kệ gì thì kệ, vẫn có một chút ấm ức chạy dọc suốt từ bụng tôi lên tới cổ…
Mùa Xuân năm đó trường tổ chức cho các lớp thi báo tường. Yêu cầu phải đầy đủ các thể loại Văn thơ nhạc họa. Văn thơ và tranh vẽ phải là những sáng tác mới của các em, riêng nhạc được phép sưu tầm các bài hát quen thuộc và điểm chấm được tính vào việc chép đúng, đều và đẹp các nốt và lời ca của bản nhạc. Tôi được phân công vào ban giám khảo chấm phần hình thức. Thật lạ! Các nhạc phẩm đều được các em chép đều, đẹp và vô cùng cân đối. Các nốt nhạc hoặc to, hoặc nhỏ, hoặc nghiêng, hoặc đứng đều thẳng băng và giống nhau như đúc. Có vẻ như có cái gì đó không bình thường ở đây. Bởi vì trong hai mươi tờ báo của hai mươi lớp chỉ có mười tờ có những bản nhạc đẹp, mười tờ kia nốt nhạc vụng về, méo mó và đầy lỗi. Không thể có sự chênh lệch trong cái khéo tay của lũ học trò cùng trang lứa được. Nhưng dù sao đi nữa cũng phải chấm, cho điểm, bình chọn và trao giải cho kịp ngày các em nghỉ Tết. Tôi tạm gác lại chuyện này để chuẩn bị về nhà ăn Tết với gia đình.
Mồng sáu là ngày các em đi học lại. Nhưng chỉ là qui ước vậy thôi chứ ở thôn quê người ta hay kéo dài thêm niềm vui của ba ngày Tết. Cũng là điều hợp lý bởi quanh năm đầu tắt mặt tối bán lưng cho trời bán mặt cho đất để có được ba ngày Xuân thì quả là hơi ít. Chơi thêm cho đến hết rằm vậy. Bởi vậy thầy trò chúng tôi chỉ dạy và học kiểu cầm chừng, dành thêm thời gian đến chúc Tết phụ huynh và các Giáo viên người bản xứ.
Và qua trò chuyện với các em tôi được biết thêm một điều thú vị là những bản nhạc trên báo tường hôm trước được kẻ thật đều và đẹp kia đều do một tay “Chú kinh tế mới” làm ra. Tôi ngạc nhiên, tò mò và có ý mong gặp lại anh ta… Nhưng rồi mãi đến gần nghỉ hè tôi mới được gặp lại vì anh ta đi vắng từ trước Tết cho đến tháng Tư. Hôm ấy lấy cớ cần khắc một dòng chữ trên chiếc bút máy làm quà cho nhỏ em trong dịp nghỉ hè, tôi tìm tới gốc cây da. Trong lúc anh ta chăm chú khắc chữ tôi gợi chuyện:
– Anh làm việc này lâu chưa?
– Ý cô hỏi việc gì?
– Thì bán dụng cụ học sinh và khắc chữ nè.
– À, cũng gần hai năm nay rồi.
– Anh có làm nghề gì khác nữa không?
– Có chớ. Nghề chính của tôi là làm rẫy mà. Đây chỉ là công việc làm thêm, trước cho vui, sau là kiếm thêm chút đỉnh để bồi dưỡng thịt cá cho ông bà già.
– Anh vẫn còn ở với cha mẹ à? – Tôi tò mò.
– Chớ sao, nếu không thì tôi ở với ai bây giờ.
Tôi hơi bối rối: – À không, ý tôi là…
– Ờ, tôi hiểu rồi. Tôi chưa có gia đình riêng. Còn trẻ mà cô. – Anh ta thoáng nhìn tôi mỉm cười.
– Vậy chắc nhà anh đông người lắm hả? Nếu không thì anh đâu phải đi làm thêm để… – tôi loay hoay tìm chữ để diễn đạt – cải thiện đời sống?
Anh ta cười hì hì:
– Nhà chỉ có ông bà già với tôi thôi. Tôi cũng có mấy anh chị nhưng họ đã có gia đình riêng cả rồi.
Máu tò mò con gái trong tôi lại nổi lên:
– Từ Tết tới giờ anh đi đâu mà không thấy tới đây “chơi” với mấy đứa học trò?
– À, sau tết tôi kẹt thu hoạch mía. Xong cây mía lại làm đất chuẩn bị cho mấy đám lúa thổ để sau mồng Năm tháng năm là xuống giống.
Tôi vờ khen:
– Anh giỏi thiệt đó. Anh còn biết việc gì nữa không?
Anh thật thà:
– Giỏi gì đâu cô. Chỉ là cuộc đời dạy cho thôi mà. Tôi cũng biết nghề mộc nữa đó. Nghề này học được trong tù, à quên, trong trại cải tạo…
Anh ta mở hộp lấy viên phấn trắng bôi lên hàng chữ vừa khắc, lấy khăn lau qua một lượt, những lớp bụi bên ngoài biến mất còn lại hàng chữ trắng nổi lên trên nền xanh của cây bút.
Anh cầm bút đưa tôi:
– Đây, bút của cô. Tôi không lấy tiền công đâu. Khắc dùm cô chút thôi. Lần sau có cần giúp gì cứ nói, cô đừng ngại.
Không biết nói gì nữa tôi đành phải chào rồi đi. Vẫn chưa có cơ hội để hỏi về những nốt nhạc. Tôi cứ băn khoăn hoài. Tính tôi trước giờ như vậy. Hễ muốn điều gì là phải làm hay tìm hiểu cho bằng được mới thôi. Thật ra tôi không phải là đứa hiếu kỳ hoặc có nhiều đòi hỏi. Tôi chỉ có mỗi cái tật (ưu hay khuyết đây?) rằng đã làm việc gì thì phải làm cho đến cùng, đã hiểu biết gì thì phải hiểu cho tường tận, cho đến khi thỏa mãn thì thôi. Má tôi vẫn thường hay nói tính mày đa mang, rồi không sướng đâu con ạ. Tôi không tin.
Cuối năm học, một phụ huynh tặng tôi súc gỗ hương đủ để đóng một cái table de nuit hoặc một cái bàn trang điểm nho nhỏ. Tôi chợt nghĩ đến anh ta và cho mời anh đến. Xem xét hồi lâu anh nói:
– Đóng cái table de nuit phải mất ba ngày công đó cô.
Tôi nói: – Được thôi, anh sắp xếp công việc giúp tôi ba ngày được không?
– Tôi có thể chở súc gỗ này về đóng tại nhà cũng được.
Tôi suy nghĩ một lát. Tôi muốn xem anh ta làm, và sâu xa hơn là tôi muốn nói chuyện với anh:
– Không phải mất công vậy đâu, anh cứ làm việc tại đây đi. Sáng lên, chiều về, đồng ý chớ? Buổi trưa tôi sẽ nấu cơm cho anh ăn.
Anh cười cười:
– Không phiền vậy đâu. Nếu cô muốn tôi sẽ mang đồ nghề lên đây làm cho cô cũng được. Còn chuyện ăn uống tôi tự lo được thôi.
Trong ba ngày sau đó, ngoài giờ lên lớp tôi thường ngồi xem anh làm việc. Súc gỗ được mang ra Lâm trường xẻ thành nhiều khúc đoạn. Cái thì để làm khung, làm đế. Mặt ván có những đường vân đẹp được chọn làm mặt và cánh tủ. Vừa cưa cưa đục đục anh vừa nói chuyện với tôi. Thì ra anh nguyên là Sinh viên trường Mỹ thuật Sài Gòn, bị Động viên đi lính năm bảy hai. Sau bảy lăm bị cải tạo năm năm vì là Sĩ quan Thủy quân Lục chiến. Sau khi được thả về cả nhà anh phải đi Kinh tế mới vì thuộc diện cần tập trung quản lý. Mấy vụ này tôi chẳng lạ gì vì tôi sống và lớn lên ở miền Nam, và dù ba má tôi chỉ là người buôn bán nhưng bà con họ hàng không thiếu gì người tham gia bộ máy Chính quyền trước đây nay phải long đong lận đận.
Tôi chợt hỏi một câu lãng nhách:
– Anh có buồn không?
Anh cười:
– Buồn gì chớ? Chỉ hơi áy náy là vì mình mà cha mẹ già phải chịu khổ lây. Nên mọi việc tôi cố làm đây chỉ là để báo đáp phần nào cho cha mẹ thôi.
Tôi lại tiếp tục “lãng nhách” bằng mấy câu kiểu an ủi vụng về. Anh cười to, nói:
– Trời, tôi đã nói là tôi có buồn gì đâu. Sao cô lại phải an ủi tôi làm gì. Tụi tôi là dân “Cư an tư nguy” mà.
Tôi ráng gồng mình, vận dụng trí nhớ xem cái “Cư an tư nguy” này hồi xưa mình có học ở đâu chưa nhưng chịu, chả nhớ là đã nghe bao giờ. Biết là hơi quê nhưng tôi vẫn hỏi:
– À, cái “Cư An Tư Nguy” mà anh vừa nói là…?
Nhìn thấy vẻ ngượng nghịu trên mặt tôi, anh vội nói:
– Ờ, câu này cũng xưa rồi, nay không còn ai dùng nữa nên cô chưa nghe đó…
Tôi cảm thấy mặt mình đỏ lên vì xấu hổ nhưng cố trấn tĩnh lại, chuyển qua hỏi về mấy bản nhạc trong báo tường của học sinh hôm tết. Anh nói:
– Có gì đâu. Thấy tụi nhỏ chép nhạc vất vả quá nên tôi kẻ dùm tụi nó cho nhanh.
– Nhưng sao hình nốt trong mỗi bài không giống nhau, dù nhìn kỹ vẫn biết là do một người viết ra?
– Tôi kẻ nhạc theo nội dung bài hát. Nếu là hành ca, nốt nhạc phải cao, nhọn, nốt móc phải sắc bén như gươm đao, hình nốt phải to, khỏe. Nếu là tình ca, nốt nhạc phải hơi nghiêng về phía trước như những lời thì thầm trò chuyện với nhau, nốt móc phải hơi gầy, bụng thon, hình nốt ô van vừa phải. Nếu là bài ca về trường lớp, về thầy cô, nốt nhạc phải đứng đắn, trang trọng, nốt móc phải bầu bĩnh, hình nốt hơi tròn… Còn nếu là bài hát nói về tuổi học trò hồn nhiên nghịch ngợm thì nốt nhạc phải hơi nghiêng về phía sau, nốt móc ngắn và nhỏ, hình nốt dẹp, vân vân. Nói tóm lại để kẻ một bản nhạc mình phải nắm được cái hồn của nó…
Nhìn tôi mở to mắt ngạc nhiên anh cười:
– Có bài hát nào cô thích cứ đưa vở đây, tôi sẽ kẻ nhạc giúp cho cô…
Tôi còn có dịp trò chuyện với anh nhiều lần sau đó. Lúc thì nhờ anh kẻ hộ một nhạc phẩm mới của Trịnh Công Sơn, một bài hát cũ của Văn Cao, lúc thì chỉ tán chuyện vu vơ về âm nhạc và hội họa. Cuối năm học ấy mãn nhiệm, tôi thuyên chuyển về phố.
Trước ngày tôi về anh mang đến tặng tôi một tượng gỗ nhỏ chỉ bằng gang tay. Đó là chân dung tôi với khuôn mặt và mái tóc ương bướng nhìn không lẫn đi đâu được. Anh nói gia đình anh cũng sắp sửa chuyển đi và chúc tôi gặp mọi điều may mắn… Bận rộn với nhiệm sở mới nên tôi cũng quên, ít khi nhớ hoặc nghĩ về anh và những nốt nhạc. Chỉ thỉnh thoảng những lúc ngồi nhìn bức tượng nhỏ tôi lại nghĩ về anh ta chút đỉnh rồi thôi…
Một vài người đàn ông đã đến với tôi. Hôn hít, vuốt ve nhau một cách nhạt nhẽo rồi chia tay. Mẹ tôi phàn nàn nói tôi là đứa tàng tàng. Năm tháng trôi qua, cuộc sống cũ kỹ với những va chạm nhỏ mọn mãi rồi cũng làm tôi tuyệt vọng. Tôi đã nghĩ lựa chọn công việc “dạy học” thì mình sẽ được bình yên nhưng hóa ra trật lất. Ở đây đi tìm cái “liêm sĩ” cũng mệt nhoài! Bây giờ thì tôi đã hiểu cái “Cư An Tư Nguy” mà một người đàn ông đã từng nói với tôi nhiều năm về trước. Tôi chợt nhận ra rằng phải có cái tâm lớn thật sự người đàn ông kia mới thể hiện chân thật cuộc sống qua từng nốt nhạc hay tác phẩm nào đó của mình. Thảo nào anh ta đã sống lạc quan và yêu đời như vậy! Không biết bây giờ anh ấy ở đâu, làm gì? Còn ở trong nước hay đã đi ra ngoài nước? Nhưng dù ở đâu và làm gì đi nữa tôi vẫn xác tín rằng anh không bao giờ là một người bất hạnh…