Văn Miếu Mao Điền (thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền, Cẩm Giàng, Hải Dương) có lịch sử lâu đời là biểu tượng truyền thống hiếu học của tỉnh Hải Dương.
Văn Miếu Mao Điền (thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) cách thành phố Hải Dương khoảng 20km về phía tây và cách thành phố Hà Nội khoảng 50km về phía đông.
Văn Miếu Mao Điền được lập từ thời Lê Sơ (1428 – 1527), chủ yếu tổ chức các kỳ thi Hương để tuyển chọn nhân tài từ số các sĩ tử ở trấn Hải Dương và vùng phía đông thành Thăng Long. Đến thời nhà Mạc, triều đình đã tổ chức cả kỳ thi Hội ở đây.
Vào năm 1535, tại đây, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đỗ trạng nguyên, thủ khoa cả ba kỳ thi Hương – Hội – Đình. Đến thời Tây Sơn, Văn Miếu được di chuyển từ Vĩnh Lại về sáp nhập với trường thi Hương và lấy tên địa phương đặt tên cho di tích nên mới có tên gọi là Văn Miếu Mao Điền.
Văn Miếu là một quần thể di tích gồm các hạng mục công trình như miếu thờ cổ, Văn miếu môn, nhà bia tiến sĩ gồm có 14 bia tiến sĩ đề danh 637 tiến sĩ nho học trấn Hải Dương, hai nhà bia cổ, gác chuông, gác trống, nhà Đông vu, Tây vu, bái đường, hậu cung, Khải thánh.
Nhà bia ghi danh tiến sĩ tại Văn miếu Mao Điền.
Lều Chõng được phục dựng ở Văn Miếu Mao Điền nơi thi cử của các sĩ tử ngày xưa.
Gác Chuông được dựng trong Văn Miếu Mao Điền.
Tại Văn Miếu, có một không gian linh thiêng, cổ kính, đó là nơi thờ Khổng Tử, thầy giáo Chu Văn An và các danh nhân Việt Nam.
Theo ông Hà Quang Thành – Trưởng Ban quản lý Di tích huyện Cẩm Giàng, để phát huy tốt các giá trị văn hoá và truyền thống hiếu học, lễ hội tại Văn Miếu Mao Điền được tổ chức 2 lần/năm vào mùa Xuân và mùa Thu với hàng nghìn du khách tham gia dâng hương tưởng nhớ các bậc danh nhân, tiên hiền của đất nước.