Nhà Văn Nguyễn Thị Hoàng Với Bài Thơ “Chi Lạ Rứa”

Hầu hết những người yêu thích văn chương Miền Nam trước năm 1975 đều biết nhà văn nữ Nguyễn Thị Hoàng, bà là một trong năm nhà văn nữ được yêu mến nhất tại Miền Nam hồi bấy giờ (bốn nhà văn còn lại là Nhã Ca, Túy Hồng, Trùng Dương và Nguyễn Thị Thụy Vũ). Nguyễn Thì Hoàng rất nổi tiếng từ khi cho đăng truyện dài Vòng Tay Học Trò trên tạp chí Bách Khoa với bút hiệu Hoàng Đông Phương và được xuất bản năm 1966. Đây là một tác phẩm làm dậy sóng dư luận hồi bấy giờ, người phản đối rất nhiều nhưng người ca ngợi sự sáng tạo trong văn học của bà cũng không ít.

Theo Phạm Chu Sa, Nguyễn Thị Hoàng là một trong những nhà văn nữ tài năng thật sự và tên tuổi đã được khẳng định ở miền Nam trước 1975. Bà có những tiểu thuyết với giọng văn trau chuốt bóng bẩy và là một trong vài tác giả có sách bán chạy nhất thời đó. “Tiểu thuyết “Vòng Tay Học Trò” của Nguyễn Thị Hoàng ra đời như một hiện tượng văn học, làm cho sinh hoạt văn học ở Saigon thời bấy giờ vốn ‘nghiêm chỉnh đạo mạo’ bỗng trở thành suồng sã – bởi tình yêu thầy trò, vốn là điều cấm kỵ trong vòng ảnh hưởng của luân lý, đạo đức Nho giáo. Những chuyện ẩn ức tình dục, những chuyện xôn xao của da thịt, trước đó thường bị che đậy, dấu giếm ‘húy kị’; nay đột nhiên được một bậc nữ lưu có học vị ‘cô giáo’ nói toạc ra một cách nhẹ nhàng, không cần mầu mè gì cả (dù không sỗ sàng trắng trợn như những cây bút nữ lưu tiếp theo sau Nguyễn Thị Hoàng). (Hồ Nam, Văn-chương làm cồn-cào da-thịt ư ?, 2012).

Vòng tay học trò” là một tác phẩm quan trọng trong văn học Miền Nam Việt Nam 1954 – 1975. Nó quan trọng không phải chỉ vì việc làm xôn xao dư luận, mà còn là vì giá trị nghệ thuật đặc biệt của nó. (Minh Thạnh, Vấn đề tiểu thuyết Vòng Tay Học Trò của nữ tác giả Nguyễn Thị Hoàng, 2010”).

Một nhà văn nữ đã tự tìm cho mình một lối đi riêng với một tiểu thuyết mà nội dung lẫn văn chương vượt qua mọi quan niệm về lễ giáo, đạo đức xã hội của Việt Nam thời bấy giờ, có thể xem Nguyễn Thị Hoàng đã mở ra một con đường mới cho lối viết hiện thực, táo bạo, không ngại đề cập đến những vấn đề húy kỵ trong cuộc sống như tình yêu vượt ra ngoài vòng lễ giáo, đề cập đến vấn đề tình dục một cách trần trụi.

Trước búa rìu của dư luận ta hãy nghe lời tác giả: “Truyện mình viết thường là truyện tình bế tắc và đi xuống. Trong đó những vai nữ bao giờ cũng khát khao đi tìm một đời sống thật của mình, nghĩa là tìm kiếm chính mình. Những nhân vật nữ lang thang bất định, và xa rời với phận sự gia đình. Chất liệu lấy từ những năm bất ổn lênh đênh trong cuộc đời đã qua của mình, đôi khi được ráp nối với những câu chuyện thời sự, cộng với một phần tưởng tượng, phóng tác, vẽ vời… rồi ráp thành chuyện. Không biết bên đàn ông thì sao, chứ cánh đàn bà thường mắc phải cái này là có những nét của nhân vật hoặc chính, hoặc phụ, thế nào cũng hắt bóng cá tính thói quen, đường nét và vóc dáng của tác giả. Riêng về Vòng Tay Học Trò, nếu bảo đó là thực thì cũng không hẳn là thực mà bảo là không thực thì… cũng chẳng phải là thế. Dư luận trộn lẫn tiểu thuyết của mình với đời sống thật. Cũng vì thế mà có những tiếng ác ý lao xao về đời sống của mình. Cho nên chỉ có cách là… phải thản nhiên.” (Nguyễn Thị Hoàng-Tự thuật)

Vậy là đã rõ, tiểu thuyết Vòng Tay Học Trò không phải được xây dựng từ hoàn toàn hư cấu mà có dấu ấn hiện thực, thấp thoáng bóng dáng của tác giả trong đó. Ở đây ta cũng cần biết thêm cuộc đởi của Nguyễn Thị Hoàng cũng có nhiều vấn đề khác biệt với quan niệm luân lý đạo đức xã hội thời bấy giờ như thế.

Bài viết này không đề cập tới văn xuôi của Nguyễn Thị Hoàng, vì chỉ với Vòng Tay Học Trò bà đã làm dậy sóng đời sống văn chương Miền Nam hồi thời bấy giờ rồi! Ở đây đề cập tới một bài thơ mà theo tôi rất chi là yểu điệu thục nữ, rất chi là đậm chất gái Huế trong từng câu chữ, đọc bài thơ này ta thấy một Nguyễn Thị Hoàng rất khác với Nguyễn Thị Hoàng của “Vòng Tay Học Trò”, của “Vào Nơi Gió Cát”, của “Tiếng Chuông Gọi Người Tình Trở Về”… Mà ở đây ta thấy một Nguyễn Thị Hoàng trong hình ảnh một cô gái Huế, nết na thùy mị, đằm thắm dịu dàng, e ấp trong tình yêu, ngại ngùng khi bày tỏ nỗi lòng thầm kín của mình. Một giọng điệu hết sức nhu mì, với một chút an thân thủ phận tự cho mình là cỏ nội hoa hèn, một đặc điểm khiêm nhường của những cô gái Huế

Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc,
Ngó chi tui đồ cỏ mọn, hoa hèn.
Nhìn chi tui hình đom đóm đêm đen,
Cho tui tủi bên ni bờ cô tịch
.”

Thế nhưng người con gái khi mà tình yêu cháy bỏng thì không còn sự e ấp thầm kín trong lòng mà dám bước qua nỗi thẹn thùng để bày tỏ nỗi lòng thầm kín của mình

Tui đã tắt nỗi ngại ngùng bẽn lẽn,
Bởi vì răng, ai biết được người hè
.”

Bởi vì răng, ai biết được chỉ có cô ấy biết , biết những thổn thức thầm kín ấp ủ trong lòng mình khát khao bày tỏ và cô ấy cũng biết tại sao phải nói ra như thế, “chi lạ rứa” không biết!

Chi lạ rứa, người cứ làm tui ngại,
Biết sông sâu hay cạn giữa tình đời?
Bên ni bờ vẫn trong trắng chơi vơi,
Mà bên nớ trầm ngâm mô có kể
.”

Và rồi trước sự hờ hững của “người ấy” cô gái ấy đã rơi lệ

Không muốn khóc, nhưng cứ từng ngấn lệ,
Đọng làn mi ấp ủ mối tâm tình
.”

Nhưng rồi cô gái ấy lại cam phận hèn mọn của mình mà thốt lên trong đau thương giọng chan hòa nước mắt

Tui biết tui là hoa dại bên đường
Không màu sắc, chi lạ rứa hè, người hí
Tui cũng muốn có một người tri kỷ
Nhưng đường đời như rứa đó, biết mần răng?

Biết mần răng?, cuối cùng thì cũng vẫn những giọt nước mắt cam phận

Tui không buồn, răng mắt mờ lệ ứa
Bởi vì răng tui có hiểu chi mô

Với lời thơ nhẹ nhàng thùy mị đậm chất Huế, Nguyễn Thị Hoàng đã khắc họa hình ảnh của một nàng con gái Huế với một tình yêu cháy bỏng, sự khát khao một sự đáp trả từ người ấy, nhưng rồi chỉ nhận được một ánh mắt hờ hững khiến cho cô nàng phải ngậm ngùi chua xót bày tỏ nỗi lòng của mình với những giọt nước mắt hờn tủi với những lời trách móc nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa sự xót xa thân phận “cỏ nội, hoa hèn”.

Mời các bạn đọc bài thơ để cùng cảm nhận.

Chi Lạ Rứa

Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc
Nhìn chi tui – đồ cỏ mọn hoa hèn
Ngó chi tui – đồ đom đóm trong đêm
Cho thêm tủi bên ni bờ cô tịch
Tui ao ước có bao giờ tuyệt đích
Tui van xin răng mà cứ làm ngơ
Rồi ngó tui, chi lạ rứa: hững hờ
Ghép yêu mến, vô duyên và trơ trẽn
Tui đã tắt nỗi ngại ngùng bẽn lẽn
Bởi vì răng? Ai biết được người hè!
Nhưng mà chiều đã rủ bóng lê thê
Ni với nớ có khi mô mà gần gũi
Chi lạ rứa! Răng cứ làm tui tủi
Tàn nhẫn chi với một đứa thương đau
Cảm tình câm nên không sắc không màu
Và vạn thuở chẳng nên tình luyến ái
Chi lạ rứa? Người cứ làm tui ngại
Biết sông sâu hay cạn giữa tình đời
Bên ni bờ vẫn trong trắng chơi vơi
Mà bên nớ trầm ngâm mô có kể
Tui không muốn khóc chi những giọt lệ
Đọng làn mi ấp ủ mối tâm tình
Bên ni bờ hoa thắm hết tươi xinh
Mà bên nớ huy hoàng và lộng lẫy
Muốn lên thuyền mặc sóng cuồng xô đẩy
Nhưng thân đau nên chẳng dám đánh liều
Đau chi mô! Có lẽ hận cô liêu…
Mà chi lạ rứa hè? Ai hiểu nổi!
Tui không điên, cũng không hề bối rối
Ngó làm chi cho tủi nhục đau thương
Tui biết tui là hoa dại bên đường
Không màu sắc, chi lạ rứa hè, người hí
Tui cũng muốn có một người tri kỷ
Nhưng đường đời như rứa đó, biết mần răng?
Tui muốn kêu, muốn gọi, muốn thưa rằng
Chờ tui với! A, cười chi lạ rứa?
Tui không buồn, răng mắt mờ lệ ứa!
Bởi vì răng tui có hiểu chi mô
Vì lòng tui là mặt nước sông hồ
Chi lạ rứa, bên ni bờ tui khóc…

(Nguyễn Thị Hoàng)

Những ngày tàn thu

Nguyễn Ngọc Luật

(Nguồn: FB. Trung Lê Văn)
Phụ Đính: Theo lời thuật lại của Đồng Môn Nguyễn Quý Thành thì Anh có dịp gặp Nguyễn Thị Hoàng khoảng cuối năm 1973 tại Bộ nội Vụ Saigon khi nhà văn này tới Sở Nhân Viên (không có hẹn trước) để hỏi về thủ tục xin cho một anh tốt nghiệp QGHC đang làm việc ở Nha Trang thuyên chuyển đi nơi khác. Anh Cho biết thêm Bà ăn mặc sang trọng, nhan sắc trên trung bình và là một người có bản lãnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *