Tại sao tôi vào Nam một mình năm 1954? (Trần Huy Bích)

Bài nói chuyện của Gs Trần Huy Bích, chiều Chủ Nhật ngày 18.8.2024
tại Bowers Museum trong chương trình Triển Lãm và Thảo Luận
về Cải Cách Ruộng Đất ở Bắc Việt và Cuộc Di Cư năm 1954

*

Học sinh các trường miền Bắc di cư biểu tình để phản đối sự hiện diện của một phái đoàn Cộng sản Bắc Việt tại Sài gòn (cuối niên khóa 1954-55).  Hình của tác giả.

Cuối tháng 8 năm 1954, ở tuổi 18, đối diện với tình trạng đất nước chia đôi sau Hiệp định Genève (Geneva Accords 1954), trong khi toàn thể gia đình ở lại miền Bắc, một mình tôi quyết định vào Nam. Những hàng phía sau tóm lược tại sao tôi đã đi tới quyết định như thế.

Trước khi quyết định

Tôi sinh năm 1936. Năm 1945, khi Việt Minh cướp được chính quyền, tôi đã lên 9 và bắt đầu biết nhận thức về xã hội chung quanh. Năm 1954, khi đất nước chia đôi, tôi ở tuổi 18.

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, thân phụ tôi ủng hộ Việt Minh, vì nghĩ rằng họ tranh đấu cho nền độc lập của đất nước. Ông khuyến khích các con (gồm chị tôi, tôi, và hai người em) gia nhập đoàn thiếu nhi. Chúng tôi tập hát những bài đề cao lòng yêu nước, ủng hộ Việt Minh, và ca tụng ông Hồ Chí Minh (“Ai yêu bác HCM hơn chúng em nhi đồng …”). Chúng tôi đi tới các nhà khá giả trong làng, hát những bài đề cao lòng yêu nước và vận động dân chúng đóng góp trong “Tuần lễ Vàng.” Trong 5 năm đầu của cuộc chiến tranh chống Pháp (1946-1950), gia đình tôi ở vùng do Việt Minh kiểm soát (được gọi là “vùng kháng chiến”) trong các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, và tôi hoàn toàn tin tưởng vào cuộc kháng chiến ấy:

“Liên khu Ba phấp phới lá cờ hồng, quân dân đều một lòng, diệt tan phường cướp nước.”

Cũng như nhiều người dân sống trong vùng kháng chiến, chúng tôi biết có những người Việt khác sống trong các thành phố do người Pháp kiểm soát, được gọi là “vùng tạm chiếm.” Chúng tôi tin rằng họ “vô cùng cực khổ” vì bị “thực dân và tay sai bóc lột, áp bức”:

Bên kia là phía sầu u, có người dân Việt gục đầu trên đất thù
Bên đây là chốn tự do, đã được Cha già làm toàn dân ấm no.

Chúng tôi cũng được nghe trong các thành phố có những “Hội đồng An dân,” lập ra để lo cho đời sống của người dân. Báo Cứu Quốc ở vùng VM gọi đó là những “Hội đồng Ăn dân,” và những người trong Hội đồng ấy đều là “tay sai của giặc Pháp.” Chúng tôi được hướng dẫn để tin rằng họ là những “Việt gian phản quốc,” chuyên áp bức và bóc lột dân chúng. Giữa năm 1948 (khi tôi 12 tuổi), báo Cứu Quốc (ở vùng Việt Minh) cho biết Kỹ sư Nghiêm Xuân Thiện, một nhân vật trong “Hội đồng Ăn dân” ở Hà Nội đến làm lễ ở đền thờ vua Lê Thái tổ sau khi đền được tu sửa vì những tàn phá do chiến tranh gây ra. Báo này châm biếm rằng ông Thiện đã xin quẻ thẻ để biết vận mệnh tốt hay xấu, và được vua Lê cho lời thẻ như sau:

Tên này chẳng phải thiện nhân,
Chẳng phường bán nước cũng quân buôn nòi.
Bồ nhìn nhơ nhuốc khó coi
Đến đây chiêm bái chỉ bôi nhọ đền.

Trong môi trường thông tin như thế, hồi ấy tôi cũng tin rằng ông Nghiêm Xuân Thiện “không phải là thiện nhân,” mà chỉ là một tên “Việt gian bán nước.”

Đến cuối năm 1950, chiến tranh lan rộng trong vùng châu thổ sông Hồng. Lực lượng VM không còn khả năng kiểm soát nữa. Cha tôi theo chính quyền VM chạy vào Thanh Hóa, trong khi chú ruột tôi tìm cách đưa gia đình về thành phố Nam Định, đang dưới quyền kiểm soát của chính phủ Quốc gia. Giữa năm 1951, ông cùng gia đình về tới Nam Định và tôi được đi theo. Bà nội, chị ruột và hai em tôi cùng gia đình một bà cô ruột về một làng thuộc “vùng tề,” cách Nam Định khoảng 10 cây số (Pháp kiểm soát ban ngày, VM kiểm soát ban đêm), cuộc sống rất khó khăn. Bà cụ sinh ra tôi đã mất từ năm tôi lên 4 và các em tôi mới lên 2, lên 1.

Trong những năm 1951, 1952, Nam Định còn rất nhiều dấu vết của chiến tranh. Sau khoảng hai tuần lễ, chú tôi xin được việc làm, và cuộc sống dần dần ổn định. Hai em lớn con chú tôi (10 tuổi và 9 tuổi) được đi học trở lại. Tháng 9 năm 1951, tôi thi đậu vào lớp Đệ Lục (năm thứ 2 bậc Trung học, sau được gọi là lớp 7) của trường Trung học công lập Nguyễn Khuyến, rồi từ đó cũng đi học đều đặn.  

Cuộc sống ở thành phố Nam Định thoải mái, dễ chịu hơn cuộc sống ở vùng Việt Minh. Khi tới tòa Tỉnh trưởng để xin thị thực chữ ký trong bản sao giấy khai sinh cho tôi và các em con chú của tôi, nhân viên phụ trách nói chuyện một cách hòa nhã và hướng dẫn tôi một cách chu đáo, ân cần, không có thái độ hống hách khiến mình phải sợ hãi như một số viên chức tôi gặp ở vùng Việt Minh. Tôi không có cảm tưởng những viên chức của chính quyền Quốc gia ở Nam Định là những tên “Việt gian, phản quốc,” chuyên “bóc lột, đàn áp dân chúng”…  như báo chí trong vùng kháng chiến đã viết về họ.

Năm 1952, cha tôi từ vùng Việt Minh ở Thanh Hóa về thành phố Nam Định. Ông xin với chính quyền Quốc gia cho đi dạy học trở lại và được nhận sau vài tháng chờ đợi. Bà nội tôi, chị và các em tôi từ làng tề cũng tới Nam Định và cả nhà lại được đoàn tụ. Cuối niên khóa 1953-54, tôi đậu Trung học Đệ Nhất cấp. Trường Nguyễn Khuyến ở Nam Định chỉ có tới Đệ Tứ. Muốn học lên Đệ Tam, Đệ Nhị để thi Tú Tài, cần phải lên Hà Nội. Do đó gần cuối tháng 6-1954, cha tôi đưa tôi lên Hà Nội, ở tạm nhà một ông bác họ để tôi “làm quen với Hà Nội,” hầu chuẩn bị cho việc vào học chương trình Đệ Nhị cấp ở trường Chu Văn An trong niên khóa kế tiếp.

Ngày 21 tháng 7 năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được công bố, cha tôi và bác tôi đã bàn bạc rất nhiều. Tôi tự biết chưa đủ từng trải và kiến thức để hiểu rõ sự việc, chỉ kính cẩn chờ đợi để sẽ hoàn toàn vâng theo quyết định của cha.

Nam Định đã thuộc quyền kiểm soát của Việt Minh từ cuối tháng 6 trong khi Hà Nội còn dưới quyền chính phủ Quốc gia. Phương tiện giao thông bằng xe hơi không còn nữa. Giữa tháng 8-1954, cha tôi mua hai chiếc xe đạp, để hai cha con từ Hà Nội, vượt 80 cây số bằng xe đạp về Nam Định hầu đoàn tụ với và bà nội tôi cùng toàn thể gia đình. Tuy biết rằng thành phố Nam Định khi mình trở lại không còn giống Nam Định trước khi ra đi hồi cuối tháng 6, tôi hoàn toàn không suy nghĩ gì nhiều. Tôi đã sống ở vùng do VM kiểm soát từ 1946 đến hết 1950. Nay lại về sống dưới quyền họ, có sao đâu?

Khi về tới Nam Định, cha tôi và tôi vui mừng thấy bà nội, chị và các em tôi vẫn bình an. Đi tìm các bạn học cũ, tôi được biết một số bạn đã theo gia đình lên Hà Nội hay ra Hải Phòng để chuẩn bị vào Nam. Nhưng cho tới lúc ấy, số bạn tôi ở Nguyễn Khuyến chọn ở lại nhiều hơn số ra đi. Chúng tôi cũng trò chuyện với nhau về những cuộc đấu tố được nghe là rất tàn bạo và oan khốc ở các vùng thôn quê, nhưng lại tự an ủi rằng gia đình mình không thuộc thành phần phú nông hay địa chủ, “chắc sẽ không việc gì.” Tôi cũng nghĩ rằng cha tôi từng ủng hộ Việt Minh, từng làm việc với họ tới năm 1951, và sau khi về thành năm 1952, chỉ làm công việc của một nhà giáo dạy học, không có lý do để phải sợ hãi.

Tiến tới quyết định

Theo một thông cáo của chính quyền, tất các các học sinh, thanh niên của thành phố Nam Định phải tới dự một khóa huấn luyện trong 5 ngày, để được hướng dẫn về đời sống trong xã hội mới. Tôi ghi tên đi dự, thầm nghĩ “một khóa như thế cũng hợp lý, và chắc cũng có điều hữu ích đối với mình.”

Huấn luyện viên khoảng trên 30 tuổi, khuôn mặt sáng sủa, nói năng lưu loát. Phần “Nguyên nhân khiến ta thắng, địch thua” ông nêu ra giống như những khẩu hiệu, không có chiều sâu. Ông ta nhiệt thành ca ngợi “sự văn minh, tiến bộ của Liên Xô.” Điều khiến tôi giật mình là bằng một giọng rất chân thành, ông kể một câu chuyện chắc nhiều người trong chúng ta đã có dịp nghe, “Bên Liên Xô có một chiếc máy tối tân, bỏ con lợn vào đầu bên này thì chỉ một lát sau ở đầu bên kia các hộp jambon, xúc xích sẽ được tuôn ra.” Theo ông, “Sau khi ăn thử, anh cán bộ thấy thịt còn hơi non, bèn đưa vào máy cho chạy ngược trở lại. Một lát sau một con lợn như lúc chưa bị giết từ máy hớn hở chạy ra. Con lợn ấy chỉ mất một miếng thịt nhỏ ở mông, là miếng anh cán bộ đã vừa ăn thử.” Trong lúc cả phòng học xuýt xoa, trầm trồ (hay làm ra vẻ trầm trồ), “Liên Xô vĩ đại, tiến bộ quá!” thì tôi thấy… lạnh người.

Điều làm tôi kinh hoàng không phải là sự vô lý của câu chuyện (con lợn/heo sống lại từ những hộp jambon, xúc xích), mà vì câu chuyện ấy tôi đã được đọc từ hơn 2 năm trước, và khi mới đọc, không tin. Sau khi đọc xong (khoảng giữa năm 1952), tôi đã cho rằng người Mỹ bịa ra chuyện ấy để lố bịch hóa phía “xã hội chủ nghĩa.” Tôi hoàn toàn không ngờ rằng hơn 2 năm sau, chính tai mình được nghe từ một cán bộ của chế độ, một người đang huấn luyện, “giáo dục” mình, muốn mình cũng tin vào chuyện ấy như ông ta.

Trước khi vào tay Việt Minh, ở thành phố Nam Định có một phòng Thông tin Hoa Kỳ. Tại đó có một số sách báo. Có các báo tiếng Việt xuất bản ở Hà Nội hay Sài Gòn. Vài tạp chí tiếng Pháp như Paris Match, và một số sách báo tiếng Anh. Trong các sách tiếng Việt, tôi được đọc bản dịch cuốn Animal Farm của George Orwell, in ở Sài Gòn năm 1951 dưới nhan đề Cuộc Cách Mạng Trong Trại Súc Vật. Chúng tôi cũng được đọc Thế Giới Tự Do, một tạp chí tiếng Việt do sở Thông tin Hoa Kỳ ấn hành. Khoảng giữa năm 1952, ở phòng Thông tin ấy, tôi được đọc trong phần hài hước của tạp chí Thế Giới Tự Do câu chuyện những người cộng sản khoe khoang rằng ở bên Nga có chiếc máy khiến các hộp jambon, xúc xích trở lại thành con heo sống. Sau khi đọc, tôi không tin rằng trong xã hội cộng sản đã có sự huênh hoang một cách lố lăng như thế, và thầm nghĩ chắc người Mỹ đã bịa ra chuyện ấy để nói xấu, lố bịch hóa phía xã hội chủ nghĩa. Tôi “hết hồn” vì đến tháng 8 năm 1954, lại được nghe từ chính miệng một cán bộ VM đem chuyện ấy khoe khoang một cách rất chân thành. Vậy ra suốt hơn 2 năm qua, ông ta (và những người ở cấp trên ông ta) không biết rằng câu chuyện ấy đã được đưa ra giễu cợt trong một tạp chí của người Mỹ và đã được phổ biến khắp thế giới? Cho đến giờ này, tại đây, tháng 8 năm 1954, vẫn đưa ra để cố nhồi vào óc tôi cùng các học sinh, thanh niên của thành phố Nam Định? Sự dốt nát cùng chủ trương giữ những người dưới quyền cai trị trong tình trạng ngu dốt đáng kinh sợ biết là chừng nào! Trong 5 ngày huấn luyện, chúng tôi cũng được nghe một số chuyện vô lý khác nhằm mục đích đề cao “Liên Xô vĩ đại, Trung Quốc vĩ đại.” Những người tới dự khóa huấn luyện và tôi cùng giữ thái độ im lặng.

Đến buổi trưa ngày cuối cùng, viên cán bộ hướng dẫn hỏi, “Trong mấy hôm vừa qua, các bạn có thấu triệt hết những điều tôi trình bày không? Có ai thắc mắc hay muốn đóng góp ý kiến gì không?” Cả phòng học yên lặng. Ông ta hỏi lần thứ hai, “Có ai thắc mắc hay muốn góp ý gì không?” Vẫn yên lặng. Ông ta hỏi lần thứ ba.

Sau 3 năm sống với thầy và bạn trong vùng Quốc gia ở trường Nguyễn Khuyến Nam Định, đã quen với tinh thần tin cậy trong một xã hội con người thành thật và cởi mở với nhau, tôi tự nghĩ, “Người ta đã hỏi đến lần thứ ba. Cũng nên có sự cởi mở,” và giơ tay lên. Sau khi được hỏi, “Anh bạn có thắc mắc hay muốn góp ý điều gì?” tôi đứng dậy, chọn để nói điều mình tự cho là “hiền lành,” vô hại nhất: “Khi viết dàn bài trên bảng, đến hai chữ “nguyên nhân,” anh cán bộ dùng “ng.” để viết tắt chữ “nguyên.” Đến chữ “nhân,” anh đã viết ””(chữ “nhân” trong chữ Hán). Viết như thế đúng là rất nhanh, rất gọn. Nhưng có nhược điểm là phải dùng một ký hiệu không phải tiếng Việt. Thêm vào đó, chữ  ấy có nghĩa là “người” chứ không có nghĩa là “nguyên nhân.” Vậy xin anh cho phép góp ý: Không biết nếu chúng ta dùng chữ viết tắt “nh.” hay “nh^” thì có được hay không?”

Trong chương trình Trung học ở vùng Quốc gia, được áp dụng từ năm 1949, khi Bác sĩ Phan Huy Quát làm Bộ trưởng Giáo dục, chúng tôi, những người chọn ban Sinh ngữ, được học mỗi tuần một giờ chữ Hán. Một giờ mỗi tuần không nhiều, nhưng khi học tới lớp Đệ Tứ (lớp 9), chúng tôi đủ khả năng phân biệt mấy chữ “nhân” thông dụng nhất:

Nhân  人      là người
Nhân  仁       là lòng yêu thương người
Nhân  因       là nguyên nhân, nguyên cớ.

Viên cán bộ nhìn tôi một cách chăm chú, đổi sang nét mặt nghiêm nghị, rồi dằn giọng nói, “Cám ơn anh bạn đã góp ý. Tôi đi dự các khóa huấn luyện với thượng cấp. Thấy các ông viết tắt chữ “nguyên nhân” như thế thì tôi cũng viết theo. Nay anh bạn có ý kiến như thế thì tôi sẽ báo cáo lên thượng cấp để xin cấp trên nghiên cứu lại rồi cho chỉ thị về vấn đề này. À, mà anh bạn tên là gì nhỉ?” Vừa nói ông vừa rút bút và cuốn sổ nhỏ ở túi quần sau để chuẩn bị ghi tên.

Lập tức mọi con mắt trong phòng học hướng về phía tôi. Ngồi ở dãy bàn thứ hai, tôi thấy rõ những cặp mắt quay lại từ dãy bàn đầu. Đó là những cặp mắt với vẻ kinh hoàng xen lẫn ý bực bội, “Sao mày ngu dại như thế!” Những người có những cặp mắt ấy vừa lo sợ cho tôi vừa bực mình với tôi. Cho đến nay, 70 năm sau, tôi vẫn chưa quên được ánh kinh sợ trong cặp mắt của một chị có vẻ hơn tôi vài tuổi, ngồi ở bàn phía trước. Ngay khi đọc tên mình cho người cán bộ ghi, tôi đã tự nói với mình, “Không xong! Không xong rồi!”

Trên đường từ lớp huấn luyện về nhà, tôi suy nghĩ rất nhiều. Về đến nhà, tôi nói ngay với chị, “Chắc em phải vào Nam.” Tôi cũng nói như thế với bà tôi, và khi cụ giận dữ chất vấn, tôi đã nói một cách rất thành thật, “Con sợ nếu ở nhà, con cũng không làm được điều gì giúp ích cho gia đình, mà có khi còn làm liên lụy đến gia đình nữa.” Bà tôi bực giận lắm nhưng không nói gì nữa.

Khó khăn nhất là lúc phải trình bày lý do với thân phụ tôi. Ông rất buồn, nhưng cũng không phản đối một cách mạnh mẽ. Tôi lìa bà, lìa cha, lìa chị và các em, một mình từ Bắc vào Nam ở tuổi 18 trong nỗi phiền muộn của gia đình.

Với bà nội, cha và chị, cho tới nay tôi vẫn mang mặc cảm tội lỗi. Con trai tới 18 tuổi, hơi có học, chưa làm được điều gì giúp ích cho gia đình, bỏ đi xa khi đất nước và xã hội có những thay đổi quan trọng. Lúc ấy tôi chưa đủ tự tín để dám nói với cha tôi, “Con nghĩ cả nhà mình nên vào Nam.” Với gia đình tôi, đang sống ở Nam Định dưới sự kiểm soát của Việt Minh, trong đó có bà tôi gần 80 tuổi, chuyện tìm đường vào Nam quả không dễ dàng gì.

Ngay tối hôm ấy, khoảng 10 giờ, tôi ra khỏi nhà với một chiếc ba lô nhỏ đeo trên lưng, trong có ít quần áo, vật dụng cần thiết. Tôi mang theo bản “Chứng nhận tạm thời” đã đậu Trung học Đệ Nhất cấp do Hội đồng khảo thí cấp, thẻ học sinh do trường Nguyễn Khuyến cấp. Chị tôi cho ít tiền, đủ sống trong khoảng 2 tuần. Tôi có một chiếc đồng hồ đeo tay nhỏ. Đó là một tối Thứ Sáu cuối tuần lễ thứ 3 của tháng 8, nay xem lại lịch là ngày 20 tháng 8 năm 1954, đúng một tháng sau Hiệp định Genève. Nam Định cách Hà Nội 80 cây số. Tôi tự biết sẽ phải đi bộ khoảng 30 cây số tới thành phố Phủ Lý, thủ phủ của tỉnh Hà Nam. Tới đó nhiều phần sẽ có xe để đi tiếp 50 cây số còn lại đến Hà Nội. Đó là một cuộc đi trốn. Do may mắn, có lẽ vì đi trong đêm khuya, con đường từ Nam Định tới Phủ Lý không bị ngăn chặn, xét hỏi gì.

Tôi tới Phủ Lý khoảng 4 giờ sáng. Ngồi đợi ở bến phà tới 5 giờ thì được sang sông (cây cầu duy nhất đã bị phá). Tôi tìm đến bến xe, và đến 8 giờ thì có xe chở hành khách đi Hà Nội.

Hà Nội lúc ấy khá đông dân từ các nơi dồn về để sẽ xuống Hải Phòng tìm đường vào Nam. Mua một tờ báo, tôi đọc được một thông cáo, cho biết những thanh niên học sinh đi một mình hay thất lạc gia đình nên đến ghi tên ở tòa Thị Chính Hà Nội. Tới ghi tên, tôi được hướng dẫn đến một chỗ ở tạm, và được cho biết mỗi ngày cần đến tòa Thị Chính một lần để thăm tin. Nếu có tên trong danh sách được niêm yết, sẽ phải tới tòa Thị Chính trước 8 giờ sáng hôm sau để được xe đưa tới phi trường Gia Lâm.

Sau 5 ngày chờ đợi, tôi thấy có tên trong danh sách để sẽ được đi sáng hôm sau. Tôi tới tòa Thị Chính từ 7 giờ rưỡi sáng. Tới 8 giờ, được gọi tên lên xe chở tới phi trường. Khoảng 9 giờ hơn, được lên máy bay. Tới quá trưa, máy bay hạ cánh ở phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi không còn ở miền Bắc nữa và đã tới Sài Gòn. Không kể 30 cây số đi bộ trong đêm khuya từ Nam Định tới Phủ Lý, con đường vào Nam của tôi nhanh và tương đối trôi chảy hơn rất nhiều người di cư khác năm 1954.

Học sinh các trường miền Bắc di cư biểu tình để phản đối sự hiện diện của một
phái đoàn Cộng sản Bắc Việt tại Sài gòn (cuối niên khóa 1954-55). 

Sau Hiệp định Genève 1954, khoảng 1 triệu người từ miền Bắc vào miền Nam. Tôi chỉ là một trong một triệu người ấy. Theo nhiều tài liệu, đa số những người di cư là người Công giáo hoặc từng cộng tác với quân đội Pháp, sợ rằng nếu ở lại sẽ bị trả thù. Gia đình tôi không theo đạo Công giáo và không cộng tác với quân đội Pháp. Thân phụ tôi ủng hộ Việt Minh, làm việc với họ đến năm 1951, mãi 1952 mới về thành, làm công việc của một giáo viên Tiểu học. Trong môt xã hội chấp nhận tư duy độc lập, chuyện “góp ý” của tôi với viên cán bộ hướng dẫn tháng 8-1954 là một chuyện rất tầm thường, không mang ý nghĩa gì quan trọng.  Nhưng với một chế độ không cho phép có tư duy độc lập, chuyện dám “góp ý” như thế đã thay đổi hẳn một đời người.

Khi cùng cha tôi dùng xe đạp vượt 80 cây số từ Hà Nội về Nam Định, tôi đã chuẩn bị để vui vẻ làm một người dân của chế độ. Công bình mà nói, cho tới lúc đó, gia đình tôi và tôi chưa phải chịu một oan ức, bất công nào. Tới dự khóa huấn luyện, tôi thành thật muốn học hỏi hầu thích nghi với xã hội mới. Sự việc người cán bộ (và chế độ ông ta phục vụ) không hề biết rằng những điều họ đem ra khoe khoang về “sự tiến bộ kỳ diệu của Liên Xô” đã thành chuyện hài hước trong một xã hội trọng lý trí và tự do, có làm tôi chán nản, hoang mang. Nhưng cách nói hàm ý đe dọa của người cán bộ cùng phản ứng kinh hoàng của những bạn cùng dự khóa huấn luyện đã đủ cho tôi thấy không thể nào sống trong một chế độ cai trị như thế. Chuyện ấy đủ để tôi phải nén nước mắt khi từ biệt gia đình vào Nam, xa những người thân yêu, không biết đến bao giờ mới có thể gặp lại.

Tâm trạng một số học sinh, thanh niên, văn nghệ sĩ miền Bắc khi vào Nam năm 1954:

Trong tập báo của một lớp Đệ Nhất cấp trường Trung học Nguyễn Trãi (1955):

(Mượn lời “Bình Ngô đại cáo”):

 Vì họ Hồ chính sự phiền hà
  Khiến trong nước lòng người oán giận
“Mao Tụt Lông” đã thừa cơ tứ ngược
“Phạm Khô Đồng” còn cắt nước cầu vinh …

–Trong tập báo của một lớp Đệ Nhất cấp trường Trung học Chu Văn An (1955):

  Học sử đời Trịnh Nguyễn
    Em giận buồn Linh Giang,
    Mà nay dòng Bến Hải
    Đôi bờ ngăn giang san!         

    Trách người sao dại thế!
   Ôm Tàu, hại nước ta. 
   Thương triệu người áo vải
   Đau xót lìa quê cha.

–Trong tập báo của một lớp Đệ Nhị cấp trường Trung học Chu Văn An (1956):

 –Có những chàng trai qua bến sông
    Vành môi cắn chặt, mắt sôi dòng.
    Hẹn mai trở lại, mai thề lại
    Cho gió tan hờn, cho nước trong.

 –Thương nhớ hỡi những người trai tung cánh
   Từ ra đi thề lấy lại Thăng Long.

–Trong tập báo của một lớp Đệ Nhị cấp trường Nữ Trung học Trưng Vương (1956):

 –Bâng khuâng nhặt lá tàn đông rụng
   Mộng mấy lần Trưng Triệu giá voi
  Mở lối hân hoan về xứ cũ
  Theo nhau lớp lớp núi thay đồi.

  Hoa đăng bừng nở vui ngày hội
  Nắng sáng chan hòa reo ý tươi
  Bảo nhau rằng “Gái Trưng Vương đấy!
  Cung kiếm về xây lại hướng đời.”

–Tác phẩm của một số văn nghệ sĩ:

–Tạ Tỵ (1955) :

Tôi đứng bên này vĩ tuyến
Thương về năm cửa ô xưa
Quan Chưởng đêm tàn dẫn lối
Đê cao hun hút chợ Dừa
Cầu Dền mưa dầm lầy lội
Gió về đã buốt lòng chưa?
Yên Phụ đôi bờ sóng vỗ
Nhị Hà lấp lánh sao thưa
Cầu Giấy đường hoa phượng vĩ
Nhớ nhung biết mấy cho vừa …

–Hà Thượng Nhân (1955):

 Ta sẽ trở về, Việt Nam thống nhất
 Bàn tay trai xây lại nước non xưa.

–Vũ Hoàng Chương (1956):

-Sông đỏ còn loang dòng máu giặc
 Hồ xanh chưa tắt ánh gươm thần.

–Nhạc sĩ Thanh Bình  (“Lá thư về làng,” 1956):

Từ Tiền Giang, thương qua đèo Cả thương sang,
Đêm đêm nhìn vầng trăng sáng,
Thương những già hôm sớm lang thang.
Em thơ ơi! có còn học hành sớm tối?
Áo nâu tươi, gái làng còn che môi cười?
Và đàn bò còn nghe chim hót lưng đồi?
Nhớ nhung rồi thương qua lắm bé thơ ơi!

 –Nhạc sĩ Anh Bằng  (“Nỗi lòng người đi,” 1954-1967):

Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều.


 … Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi giữa giòng đời

ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi
Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ…

 –Thái Thủy (1956):

Em ơi dù cách vạn trùng
Còn sông còn núi xin đừng quên nhau.
Mặc ai chia đất, chặt cầu
Ngày về anh lấp sông sâu anh về.

*****



Trần Huy Bích
Bowers Museum Chủ Nhật 18 tháng 8, 2024

Nguồn: Tác Giả & Việt Báo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *