Chuyện đi lính … (Bửu Nguyễn)

Cuối tháng 5/1970, vợ chồng tôi từ Nam vang về Sàigòn lánh nạn “cáp duồn”.

Được hoãn dịch 18 tháng nên ngày đi làm ở L’UCIA, đêm đàn phòng trà, cuối tuần đàn đại nhạc hội do anh Duy Ngọc tổ chức tại rạp Quốc Thanh.

Tôi đã đàn cho anh Hùng Cường hát kích động nhạc với cô Mai Lệ Huyền nhiều lần.

Thấy anh mặc áo hoa rừng nên lân la hỏi “anh mặc áo lính gì vậy?”. Anh HC trợn mắt nhìn tôi một hồi rồi hỏi lại “Mầy mấy tuổi rồi mà không biết tao mặc đồ Biệt-Động-Quân? Bộ trốn quân dịch hả?”. Tôi cười, nói ảnh biết tôi là Việt kiều hồi hương, được hoản dịch 18 tháng, đến tháng 3/72 mới hết hạn. Ảnh nhìn tôi vài giây rồi dụ “vậy mầy đăng lính BĐQ đi, tao sẽ kéo mầy về ban CTCT/BĐQ ở trại Đào Bá Phước”.

Tôi thấy có lý nên khi gần hết hạn hoãn dịch, tôi ra chợ Bến Thành, tìm cái quầy tuyển mộ lính BĐQ xin ghi tên. Lúc đó tôi không biết LĐ5/BĐQ ở đâu và cũng không biết là BĐQ có nhiều LĐ ở khắp 4 Vùng chiến thuật. Về nhà khoe với vợ, em làm thinh, mặt buồn hiu. Tối đó, lần đầu tiên, em cho con ngủ chung giường. Hai đứa nằm hai bên, ôm thằng con mới 2 tháng tuổi, thì thầm tới khuya. Em lặng lẽ chuẩn bị cho tôi cái túi xách nhỏ: một bộ quần áo ủi thẳng thớm, vài cái quần lót, một cái khăn tắm, một lon Guigoz thịt chà bông và một chai dầu Nhị-thiên-đường.

Đến ngày hẹn, tôi ra chợ Bến Thành, cùng gần chục thanh niên leo lên xe GMC về hậu cứ Củ Chi làm thủ tục đi thụ huấn tại Trung tâm Dục Mỹ tuốt ngoài Nha trang. Buổi tối đầu tiên xa nhà, ngủ trên tấm chiếu trải trên sàn ván, bên cạnh cả chục thanh niên xa lạ, hai ba anh đua nhau ngáy như đang hòa tấu… nhạc tàu, tôi không thể nào ngủ được. Còn muỗi nữa… hình như máu thịt tôi ngon hơn mấy anh kia nên nó cứ nhè tay chân mặt mũi tôi… mà chích. Vậy mà cũng thiếp đi một chút.

Sáng hôm sau qua Trung tâm 3 Nhập ngũ lấy số quân, nhận quân trang trong hoạt cảnh… cười như mếu.

Quần áo rộng thùng thình, phải tìm sợi dây cột lưng quần, nếu không nó tuột xuống tới đầu gối. Rồi hớt tóc, trời ơi… mái tóc tôi nâng niu cả chục năm, bị ông thợ hớt tóc có trái tim bằng đá đẩy mấy phát tông-đơ chỉ còn 3 phân. Tếu nhất là lúc tập họp điểm danh. Vì có nhiều người trùng tên nhau nên ông hạ sĩ quan quân số gọi tên tân binh xong, nói luôn tên cha mẹ. Chúng tôi không thể nín cười khi ổng hô: Trần văn Quá, cha Chơi, mẹ Sướng. Rồi tập vào hàng, phắc, tan hàng… cho đến hết ngày hôm đó.

Hôm sau là ngày thứ Bảy, được ra vườn Vườn Tao Ngộ nghe nhạc sống. Không biết cô Tiên hỏi ai mà biết hôm đó cho thăm tân binh nên sáng sớm đã có mặt ngoài cổng với giỏ thức ăn. Hai đứa ngồi nghe nhạc như mọi người quanh sân khấu lộ thiên. Hổng dè có cô ca sĩ quen, đứng hát thấy tôi nên chạy xuống kéo lên sân khấu, yêu cầu tôi hát một bản.

Không từ chối được nên tôi giới thiệu nhạc phẩm “Lính Xa Nhà”, nói hát để tặng cô Tiên. 

Dĩ nhiên là mọi người ở đó không biết cô Tiên là ai, chỉ có mình em nhìn tôi cười mủm mỉm …

… Tôi có người yêu tuổi ngọc vừa tròn, vì chinh chiến ngược xuôi, ít về để hẹn hò. 
Nơi phố cũ bây giờ em có thường nhìn hoa rơi cuối đường rồi buồn riêng cho mình không ? 
… Xa lắm người ơi ! Kỷ niệm thật nhiều. Còn đâu tiếng cười vui, mắt nhìn thật đậm đà. Phương đó nếu bây giờ mưa gió nhiều, đường trơn chân gót nhỏ cậy nhờ ai đón đưa về ? 
… Đọc thư em hay hờn hay dỗi, trách tôi yêu tay súng hơn nàng. Vì sao yêu sa trường hiểm nguy hơn phố phường với bao chiều lang thang. 
… Thương quá là thương kỷ niệm ngọc ngà và yêu quá là yêu áo đẹp chiều hẹn hò. Nhưng thép súng đang còn say máu thù. Hẹn em khi khắp trời nở đầy hoa có tôi về….

Đầu tháng 8/72 mãn khóa huấn luyện, từ Dục Mỹ về trình diện tại trại Đào Bá Phước, nhận Sự vụ lệnh mai lên trình diện tại hậu cứ LĐ5, lúc đó vừa chuyển về cổng số 6, căn cứ Long Bình. Hỏi thăm anh HC ở đâu, ông Sĩ quan ban 1 nghiêm trang nói : “Lúc này chiến trường sôi động, tất cả Quân nhân đều phải cấm trại 100%, HC cũng vậy”.

Tôi thất vọng về nhà, trong đầu lảng vảng cảnh ghìm súng bắn nhau với Cộng quân. Đêm đó, em tắm cho tôi, em kỳ cọ, chăm chú nhìn tôi như người xa lạ. Tôi cười hỏi “bộ lạ lắm hả?”. Em gật đầu “Tôi đen hơn nhưng rắn rỏi hơn, mạnh mẽ hơn nhưng… moi muốn coi toi có bị thương chỗ nào không?”. Tôi cười ngất “moi học Quân trường chớ đâu đã ra chiến trường”. Em vẫn kỳ cọ tôi một hồi nữa mới chịu lau mình cho tôi. Hai đứa ôm nhau ngủ tới sáng bét.

Hôm sau, tôi lên hậu cứ Long Bình, trình diện chỉ huy hậu cứ lúc đó là thiếu-tá Nguyễn Văn Bếp. Thiếu-tá Bếp nhìn tôi chằm chặp hồi lâu rồi hỏi liên tục “Mầy có bằng Brevet? Mầy từng làm kế toán? Mầy từng đờn phòng trà?” Tôi đứng thẳng người trả lời “Thưa Thiếu-tá, đúng”. Ổng lại nhìn tôi một hồi nữa rồi quyết định “Được, tao cho mầy về ban 5”. Tôi nghe nhẹ người, không có anh HC, tôi cũng được về Ban 5 là ban CTCT của LĐ, đúng như hy vọng lúc ban đầu.

Ban CTCT/LĐ5 lúc đó gồm Đại-úy Thái Văn Nghiệp trưởng ban, ông Phó là trung-úy La Xuân Huệ, nhân viên gồm HS1 Tường Khắc Điện, HS Thạch Đức, một anh Hạ sĩ viết/vẽ rất đẹp (sorry, quên tên anh này vì ít khi gặp), và tôi.

Mới ở Long Bình mấy ngày thì có lệnh phải cấp tốc lên An Lộc trình diện Liên-Đoàn-Trưởng, lúc đó là Trung-tá Ngô Minh Hồng. Thời đó đâu có mobile phone, tôi viết vội vài hàng báo tin em biết. Lúc đó, ai muốn vô An Lộc phải đi trực thăng từ Long Bình hay Biên Hòa đến Lai Khê, đổi trực thăng tại Lai khê bay vô An Lộc. Đáp xuống An Lộc được hay không còn tùy tình hình, nếu cộng quân pháo kích dữ quá đành phải bay trở lại Lai khê.

Chuyến bay chúng tôi may mắn, sáng đi… xế trưa là đến An Lộc. Ngồi trên trực thăng nhìn xuống, đất nước mình đẹp quá. Những ô ruộng xanh rì, xen với những mái nhà xám xịt, những vườn cây, những khúc sông nước biếc, cho người nhìn một cảm giác thật bình yên. Khi gần tới An Lộc, dấu vết chiến tranh hiện ra. Những hố bom B52 trải dài như những đóa hoa đỏ khổng lồ, nhiều khu rừng cao su chỉ còn thân cây trơ trụi lá. Từ sân bay (Quốc lộ 13) đi bộ vài phút là tới đồn điền Xa Cam, nơi đóng quân của BCH tiền phương của LĐ5/BĐQ lúc đó, cách thị trấn An Lộc khoảng 2 cây số.

Trình diện Trung-tá LĐT. Ông này nhìn tôi rồi vui vẻ nói “cố gắng ăn cơm sấy, làm việc giỏi nghe em”.

Ở An Lộc lúc đó (từ tháng 9/72), mặc dù Cộng quân đã bị đẩy về Lộc ninh, vòng đai an ninh quanh An Lộc đều có quân mình trấn giữ, nhưng An Lộc vẫn bị pháo kích sáng chiều hầu, mỗi tuần vài lần, mỗi lần vài chục trái, trời kêu ai nấy dạ, nên tất cả quân nhân đều ăn ở dưới hầm.

Những người lính như tôi đều có hầm cá nhân, bề ngang 1 thước, dài 2 thước, sâu cạn tùy người đào nhưng ít nhất phải 1 thước. Nhìn nó như cái huyệt để chôn chính mình. Cực nhất là những tháng mưa, nước mưa đỏ lòm tràn vô hầm đến ngang đầu gối, phải kê miếng ván ngủ lên cao, ra vô phải bò.

Công việc của tôi cũng không có gì nặng nề, mỗi đêm ôm súng gác 2 tiếng, mỗi tháng nhận báo Tiền Tuyến, đồ Quân Tiếp Vụ bán lại cho Quân nhân từ LĐ đến các Tiểu-đoàn.

Vài tuần sau, HS Hồng thuộc Đại-đội Trinh sát hy sinh không mang được xác về kịp thời, phải chôn tại An Lộc. LĐ5 xin khoảng đất nhỏ trước nghĩa trang Biệt-Kích-Dù trong khuôn viên chợ An Lộc để làm nghĩa trang cho lính LĐ5. Tôi được lệnh ban đất cho bằng phẳng, làm cổng, xây tường xung quanh cao tới đầu gối và viết 2 câu thơ trước cổng nghĩa trang : 

“Mô đất lạ chôn vùi thân bách chiến. 
Máu anh hùng nhuộm thắm lá cờ Nam”.

Nhờ công tác này mà tôi được dịp đi quanh thị trấn An Lộc chụp hình, nói chuyện với những người dân đã ở lại hay mới trở về An Lộc. Được cơ hội uống cà-phê tại quán hai chị em cô… (quên tên rồi). Nghe nói hai cô này dạy cùng trường tiểu học với cô giáo Pha, tác giả hai câu thơ bất hủ: 

“An Lộc địa sử ghi chiến tích. 
Biệt-Kích-Dù vị quốc vong thân”.
 

Tôi làm một mình gần một tháng mới xong. Vừa làm vừa hát nghêu ngao vì nhớ vợ con vô cùng.

Ở Xa Cam hơn 1 tháng thì BCH/LĐ dời về trường trung học Bình Long, nằm trong thị trấn An Lộc.

Công tác vũ-như-cẩn, thêm vụ gác xác ban đêm. Khi có những Quân nhân trực thuộc LĐ hy sinh không đưa xác về Biên hòa kịp trong ngày, chúng tôi phải bắt thăm gác xác ban đêm, mỗi người hai tiếng. Được gác trước 12 giờ đêm là một may mắn. Các phiên gác từ 12 đêm – 2giờ sáng hay 2giờ sáng – 4giờ sáng… chua lắm, vì lúc đó mình hay ngủ gục.

Người gác xác đêm phải làm hai việc:

Việc thứ nhất là phải ôm súng ngồi thẳng người, thứ hai là phải coi chừng nhang, hễ nhang sắp tàn thì phải đốt nhang mới cắm vô cái lư hương bằng lon sữa bò có chút gạo, đứng thẳng người chào rồi ngồi gác tiếp.

Quí vị cứ tưởng tượng… ngồi trong đêm đen, bên cạnh những cái Poncho quấn xác người, trước mặt là mộ của hai cô nữ sinh bị pháo kích chết trước đó mấy tháng, nghe nói linh lắm… thì mình đồng da sắt cũng nghe ớn ớn. Thêm mấy ông sĩ quan tuần phiên, mấy ông này ma-le lắm… hổng biết mấy ổng rình ở đâu, mà ai vừa ngủ gục chưa kịp ngáy là đã bị nón sắt bay trúng đầu cái bốp.

Tôi may mắn, dù gác phiên nào cũng chưa bị ăn nón sắt vì tôi nghĩ… những quân nhân vừa đền nợ nước hay hơn mình, đáng kính trọng hơn mình, nên tôi ngồi gác với cái tâm tỉnh thức… luôn tỉnh táo để biết mình phải làm gì, đối phó ra sao trong những hoàn cảnh bất ngờ nhất.

Một ngày đầu năm 1973, Trung-úy Huệ cho tôi biết “đã có hiệp ước ngưng bắn 3 ngày với Cộng quân nhân dịp Tết Quý Sửu 1973. Nhân dịp này, Trung-tá LĐT muốn tổ chức một đêm văn nghệ khoản đãi các Chiến sĩ xuất sắc. Ban 5 mình phải lo mọi việc”.

Sân bóng rỗ được chọn làm nơi tổ chức. Lính các tiểu-đoàn chặt tre trúc gởi về làm hàng rào hai lớp quanh sân bóng rổ, một cái dù hoa được căng lên bên trên, một máy điện được Chinook đưa lên để có đủ điện cho ban nhạc. Các ca sĩ thuộc TĐ5CTCT được mời. Lúc đầu, có tên cô Ngọc Đan Thanh, hiện làm MC cho trung tâm Asia, nhưng vào giờ chót, cô NĐT bận công tác gì đó, bạn của cô là ca sĩ Hồng Hải đi thay.

Khi trời sập tối, ban nhạc bắt đầu chơi, nhiều cặp ra sàn nhảy, ban 5 chúng tôi phục vụ ở quầy giải khát. Nhìn mấy ông sĩ quan khiêu vũ, tôi cứ ngở như mình đang ở Sàigòn. Ban nhạc chơi khoảng 15 phút thì trái pháo kích đầu tiên của cộng quân bay qua đầu chúng tôi, tiếng pháo hú nghe rợn người, át hẳn tiếng nhạc, và nổ oành đâu đó cách chúng tôi khoảng 500m.

Tôi đoán như vậy vì lúc này tôi đã có kinh nghiệm nghe tiếng pháo kích. Ở An Lộc, ai nghe tiếng pháo là sống, ngược lại là chết. Tôi đoán 500m vì mặt đất dưới chân tôi không rung chuyển. Tôi thấy đại-tá Nguyễn Thành Chuẩn, tư lệnh mặt trận An Lộc đứng lên cùng mấy anh cận vệ ra về ngay. Ông trung-tá cố vấn Mỹ ở lại. Trung-tá Hồng ra lệnh ngưng đàn và gọi tên các chiến sĩ xuất sắc lên tặng quà.

Tôi được tặng một hộp quẹt Zippo, có khắc chữ LĐ5/BĐQ. Ở An Lộc, hộp quẹt Zippo quý lắm, quẹt là có lửa dù bất cứ tình huống nào. Sau khi nhận cái hộp quẹt, tôi xin phép đại-úy Nghiệp qua nhà ăn sĩ quan hút thuốc. Nhà ăn sĩ quan chỉ cách sân bóng rổ vài bước chân, nóc lợp bằng các vĩ sắt dùng cho trực thăng đáp, thêm mấy lớp bao cát bên trên. Bàn ăn, ghế ngồi đều dùng vĩ sắt, tương đối an toàn hơn nơi tổ chức văn nghệ.

Vừa châm điếu thuốc thì trái pháo thứ hai bay qua đầu chúng tôi, nổ oành đâu đó gần hơn trái trước vì mặt đất rung chuyển dưới chân tôi. Lại im lặng, cái im lặng rợn người. Khoảng 10 phút sau thì nghe tiếng nhạc trỗi lên, cô ca sĩ mới hát đến câu thứ hai thì.. tôi nghe tiếng rú của trái pháo thứ 3..

Nó nổ một tiếng ùm khủng khiếp, đâu đó ngay trên đầu tôi, và tiếng miểng pháo bay rào rào, như ai đó rải cát trên nóc nhà. Như một phản xạ tự nhiên, tôi lăn người nằm sát mặt đất, dưới cái bàn ăn. Hai lỗ tai tôi vo ve như tiếng muỗi kêu… rồi im phăng phắc, cái im lặng lạnh sống lưng.

Chỉ vài giây sau là nghe tiếng rên la của phụ nữ… “Má ơi ! Máu ! Máu nhiều quá !!!”.

Tôi bật dậy, rờ mình mẩy tôi, coi có bị thương nơi nào không ? Hú hồn, cám ơn Trời Phật, thân thể tôi còn nguyên vẹn. Bèn đi qua sân bóng rổ. Trên đường đi, tôi thấy HS Thạch Đức lết trên mặt đất, tôi hỏi “Đức anh có sao không?”. Đức không trả lời, mắt đã đứng tròng, miệng xùi bọt mép. Tôi la thầm trong bụng “không xong rồi” nhưng nhìn khắp người Đức không thấy máu, không thấy bị thương chỗ nào cả nên tôi chạy qua sân bóng rổ tìm hai ông xếp của tôi là Đại-úy Nghiệp và Trung-úy Huệ.

Thấy hai ông đều ngồi dựa cái hàng rào tre, hỏi có bị thương ở đâu không, hai ông đều chỉ vô háng, nhưng không thấy máu me gì cả. Trung-úy Huệ chỉ qua Đại-úy Nghiệp “mầy lo cho ổng, tao ok”. Tôi hỏi Đại-úy Nghiệp đi nổi không, ổng lắc đầu. Tôi bèn đi tìm cái băng-ca, nhờ một anh lao công giúp tôi khiên Đại-úy Nghiệp xuống Trạm xá.

Y sĩ trưởng LĐ5 lúc đó là Bác sĩ Chung, cũng là bạn thân của Đại-úy Nghiệp. Bác sĩ Chung tự tay cởi quần cho bạn, và bật đèn xem vết thương nhỏ xíu nơi háng Đại-úy Nghiệp. Vì lúc đó có cả chục quân nhân bị thương, trạm xá nhỏ xíu nên tôi ngồi chờ ngoài cổng.

Cộng quân tiếp tục pháo liên tục, tiếng nổ oành oành xung quanh tôi. Mọi người chạy vô hầm trú ẩn nhưng tôi không sợ, tôi vẫn ngồi tại cổng trạm xá, miệng lầm thầm cầu xin cho đại-úy Nghiệp tai qua nạn khỏi.

Khoảng nửa tiếng sau thì bác sĩ Chung gọi tôi vô nói nhỏ “anh Nghiệp bị miểng pháo cắt đứt động mạch chính dẫn máu về tim. Chỉ cần giải phẫu kẹp hai đầu động mạch là ok. Tiếc là ở đây, tao không có đủ dụng cụ để giải phẫu ảnh. Mầy đưa ảnh ra phi trường, tao đã xin một phi vụ đặc biệt đưa ảnh về Tổng y viện Cộng hòa. Nếu ảnh về tới Cộng hòa trước 5 giờ sáng thì ảnh sống”.

Tôi lật đật chạy tìm anh tài xế ban 4, nhờ đưa Đại-úy Nghiệp ra Quốc lộ 13. Tôi ôm súng ngồi bên băng ca, bụng thề rằng… nếu anh CS nào léng phéng đến gần chúng tôi lúc này là tôi bắn nát óc. Khoảng nửa tiếng sau thì nghe tiếng trực thăng trên bầu trời đen kịt, đồng thời đạn pháo kích của Cộng quân cũng ào ạt bay vào. Tôi kéo cái băng ca đến gần gốc hai cây cao su, hy vọng tránh được miễng pháo. Tiếng trực thăng vần vũ trên trời nhưng không ai dám đáp xuống.

Cộng quân tiếp tục pháo kích cho tới gần 5 giờ sáng. Đại-úy Nghiệp thều thào gọi tôi, đưa cái bóp và cái đồng hồ đeo tay: “Mầy đem cái này về cho vợ tao”. Tôi im lặng gật đầu. Đại-úy Nghiệp từ từ nhắm mắt, thở nhẹ vài cái sau cùng. Nhìn ông như đang ngủ. Lúc này, máu của ông đã chảy ra quanh người ông, ướt cả băng-ca. Tôi đứng thẳng người chào từ biệt ông theo lễ nghi quân cách.

Trời hừng sáng, tôi lếch thếch đi bộ về An Lộc, đầu óc trống rổng. Về tới BCH mới biết ông trung-tá cố vấn Mỹ chết tại chỗ. Ca sĩ Hồng Hải, người đi thay cô Ngọc Đan Thanh chết tại chỗ (cô NĐT có nhắc chuyện này trong một cuốn băng video Asia, hình như là Lá Thư Từ Chiến Trường). Một ca sĩ khác tên Kim chết tại chỗ. HS Thạch Đức chết tại chỗ. Đại-úy Thái văn Nghiệp hy sinh sáng hôm sau.

Nhiều người bị thương, tôi chỉ nhớ vài người: Trung-tá Ngô Minh Hồng bị miểng chém mất tiêu đầu gối, Trung-úy Huệ bị một miểng nhỏ làm sướt đầu thằng em song sinh. Gặp tôi sau này ổng nói “lúc đó tao tưởng đâu mất giống rồi”. Cái may là… sau khi trái pháo thứ hai nổ, các Sĩ quan Tiểu-đoàn đã dẫn lính mình về nơi đóng quân nên họ an toàn trên xa lộ.

Một tuần sau, tôi được đi công tác 7 ngày, để đem di vật về trao tận tay thân nhân của những người đã chết. Cho tới bây giờ, tôi không thể quên được những khuôn mặt vô hồn, những đôi mắt đứng tròng nhìn tôi trân trân khi tôi mang di vật của người thân đến trao tận tay họ.

Nói đi công tác nhưng cũng như nghỉ phép vì tôi được về nhà trong khoảng thời gian này.

Tôi về tới Sàigòn khoảng 2 giờ chiều, đi ngay đến nơi làm việc của cô Tiên. Tôi vẫn còn mặc đồ hành quân lấm lem bụi đỏ, lưng đeo cái ba-lô xơ xác… chỉ có vài hộp sữa ông Thọ, nghĩ là đem về cho con (lúc đó tôi quên là con tôi bú sữa Guigoz). Bước vào phòng em làm việc thấy có 5 người, 3 bà 2 ông. Em thấy tôi đầu tiên, liền bật dậy nhìn tôi trân trân, không nói tiếng nào. Người lên tiếng đầu tiên là chú Quỳnh … “ahhhhh, người hùng An Lộc đã về rồi”. Chú chạy đến bắt tay tôi lắc lắc “vô An Lộc mà ra được là mạng lớn lắm … chúc mừng, chúc mừng”.

Tôi xin phép cho em về sớm, và nắm tay em đi bộ về nhà. Suốt đoạn đường khoảng hơn cây số, em im lặng đi nhanh như gió, mặt ngẩng lên hãnh diện. Về đến nhà, em bắt tôi đi tắm liền. Em tắm cho tôi, em kỳ cọ những nơi đất đỏ còn lem luốt trên hai chân… em vừa kỳ cọ vừa khóc. Tôi ôm em thủ thỉ “moi về rồi đây mà”.

Tối đó, em ôm tôi cứng ngắt, xoa xoa lưng tôi thì thầm “5 tháng 14 ngày rồi đó toi”.

Thì ra, từ ngày tôi lên An Lộc, em ở nhà đếm từng ngày. Tôi ở trong cảnh sống chết chỉ cách nhau mong manh như sợi tóc, nên không nhớ ngày giờ, chỉ cầu mong được sống trở về với vợ con.

7 ngày tràn trề hạnh phúc trôi qua nhanh chóng.

Tôi trở về hậu cứ trình diện ông trưởng ban 5 mới là đại-úy Nguyễn Thanh Bình. Ổng nhìn tôi một hồi, hỏi những câu y chang như Thiếu-tá Bếp trước đây, chỉ thêm 3 chữ “mầy mạng lớn”. Ổng im lặng suy nghĩ mấy phút, rồi ban lệnh “mầy biết kế toán, mầy có Brevet, mầy mạng lớn, mấy về làm thủ quỹ QTV”. 

Từ đó, nếu tôi không được về phép thì cuối tuần em ẳm con lên hậu cứ thăm tôi.

Đầu năm 1974, LĐ5/BĐQ đổi số thành LĐ32/BĐQ. Qua năm 1975, tình hình chiến trường sôi động hẳn lên… đến tháng 3/75 thì lãnh thổ VNCH thu hẹn dần dần. Nhiều người ở hậu cứ cũng âm thầm biến mất, quân số càng ngày càng ít, tôi phải ra gác mỗi đêm tại vọng gác sau lưng kho QTV, nhìn ra đường từ Tam hiệp lên Hố Nai. Nhiều đêm ngồi gác, thấy đồng bào gồng gánh nhau từ miền Trung về Sàigòn, một thúng thường là trẻ em, thúng bên kia là tài sản ít ỏi còn sót lại. Họ thường dừng lại bên kia đường, đối diện với vọng gác, vì nơi này có đèn pha rất sáng. Nhiều người chỉ nghỉ chân cho khỏe… rồi đi tiếp. Nhiều người đi chân trần, ngồi xuống cạy những viên đá nhỏ dính dưới bàn chân, viên đá rớt xuống mặt đường, máu chảy theo. Nhiều người mệt quá, ngủ luôn trên đường. Vì an ninh, tôi có quyền mời họ đi xa cái vọng gác nhưng tôi làm thinh và dặn anh em gác trước hay sau tôi đừng đuổi đồng bào đi… tội nghiệp họ, chắc mệt quá rồi.

Lúc này, bà xã cũng không còn bồng con đến thăm tôi mỗi cuối tuần như trước. Em bận học nấu ăn. Em muốn có thêm cái nghề, biết đâu sau này…

Sáng 29/4/1975 tôi được lệnh thiêu hủy tất cả hàng còn tồn kho QTV. Tôi thấy tiếc nên xin phép cấp trên cho tôi mở kho, cho quân nhân còn ở hậu cứ lúc đó ai muốn lấy cái gì thì lấy. Xong lên xe Jeep cùng tất cả mọi người về đóng quân tại rừng cao su Thủ Đức, bên cạnh Đường Sơn Quán. Trên đường đi, tôi thấy lính mình đánh nhau với Cộng quân tại cư xá Hải quân, bên bờ sông Đồng Nai (?). Nhìn như đang coi ciné.

Sáng 30/4, tất cả được lệnh lên xe về trại Lê Văn Duyệt, Sàigòn. Tại đây, tôi nghe ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh. Chia tay các chiến hữu trong đơn vi, tôi vẫn mặc đồ BĐQ, xách cây M16 đã nạp đạn, nhét thêm một trái lựu đạn vô túi quần, vai mang ba-lô tàng tàng ra cửa trại Lê Văn Duyệt, đi bộ về hướng chợ Thái Bình.

Nhiều người chạy Honda quay lại nhìn tôi như nhìn con quái vật. Một anh can đảm dừng xe Honda lại, hỏi tôi đi về đâu, ảnh chở không lấy tiền với điều kiện… tôi bỏ cây súng. Tôi nói với ảnh “cây súng này đã theo tôi nhiều năm, nhờ nó mà tôi còn sống tới bây giờ, tôi chỉ bỏ nó khi nào tôi thấy không cần nó nữa”. 

Anh ta ngần ngừ vài giây rồi đồng ý chở tôi về chợ Thái Bình. Xuống xe, tôi móc tiền đưa anh, anh không nhận. Nhìn quanh, thấy không có bóng dáng anh VC nào, tôi quăng cây M16 vô thùng rác, đi bộ về nhà.

Nhà tôi khóa cửa kín mít, tôi kêu cửa. 

Cô Tiên ra mở cửa. Vừa thấy tôi còn mặc đồ BĐQ, em kéo tôi mạnh đến độ tôi suýt té chúi nhủi vô phòng khách. Em thở hổn hển, nói không ra hơi… “toi về rồi, toi về rồi … moi mừng quá, moi mừng quá” rồi em ôm tôi hồi lâu, xong biểu cởi đồ… đi tắm.

Thưa bà con,
Chuyện tôi đi lính chỉ có bấy nhiêu.
Tôi nay đã qua cái tuổi thất thập cổ lai hy, trí nhớ không còn bén nhạy như trước. 
Cái đáng nhớ lại không nhớ, cái nên quên thì không thể nào quên được. Kỳ cục thiệt !
Nên trong bài này, nếu có những chi tiết nào không đúng, xin vui lòng bổ túc. 
Cám ơn bà con đã đọc 3 bài “Chuyện cô Tiên” và đã góp ý với đầy ắp tình người.
Bye nha …

Buu Nguyen

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *