trang bạn hữu = Xuất xứ của câu ” Ngô Đồng Nhất Diệp Lạc…” (Từ Mai Trần Huy Bích)

          Ngô đồng nhất diệp lạc
          Thiên hạ cộng tri thu.

Trong văn chương Trung Hoa quả có hai câu ấy, nhưng chữ thứ 3 trong câu 2 có  chút khác biệt, như sau:

梧桐一葉落,
天下知秋。

Ngô đồng nhất diệp lạc,
Thiên hạ tận tri thu

(Một lá ngô đồng rụng,
Tất cả thiên hạ đều biết là mùa thu).

Xin được trình bày chi tiết hơn phía sau.

Người Trung Hoa ý thức được sự việc “thấy lá rụng, biết là tới cuối năm” từ rất lâu:

1) Trong cuốn Hoài Nam Tử  淮南子,do Hoài Nam vương Lưu An 劉 安 tập hợp một số học giả để biên soạn vào đầu đời Hán, có câu:

見一葉落,而知歲之將暮
Kiến nhất diệp lạc, nhi tri tuế chi tương mộ
(Thấy một chiếc lá rụng, biết là đã đến cuối năm).

(Trong cuốn này, chưa nói rõ là lá cây ngô đồng, và chưa nêu danh hiệu mùa thu).

2) Trong bộ sách Thái Bình Ngự Lãm 太平御覽, được biên soạn vào đầu đời Tống, ở quyển số 24, có câu:

一葉落而知天下秋”
Nhất diệp lạc nhi tri thiên hạ thu
(Một chiếc lá rụng mà biết là trời sang thu).

(Trong sách này đã nêu đích danh mùa thu, nhưng vẫn chỉ nói “chiếc lá” một cách tổng quát).

3) Trong cuốn Mi Sơn Văn Tập 眉山文集 của Đường Canh 唐庚 đời Tống có chép hai câu thơ của một tác giả (không nêu rõ danh hiệu) sống vào đời Đường:

山僧不解數甲子
一葉落知天下秋
Sơn tăng bất giải sổ Giáp Tý
Nhất diệp lạc tri thiên hạ thu.

(Nhà sư sống trên núi không phân biệt đã mấy lần Giáp, Tý [mấy lần đổi qua năm khác][Nhưng thấy] một chiếc lá rụng, biết là trời đã sang thu).

(Ở đây đã nêu đích danh mùa thu, nhưng vẫn nói “chiếc lá” một cách tổng quát).Mãi sang đời Nguyên, tới cuốn Mộng Lương Lục 夢梁録   của Ngô Tự Mục 呉自牧, danh hiệu “lá ngô đồng” mới xuất hiện:

梧桐一葉落
天下盡知秋

Ngô đồng nhất diệp lạc,
Thiên hạ tận tri thu.

(Một lá ngô đồng rụng,
Tất cả thiên hạ đều biết là mùa thu)

5) Tới cuốn Quần Phương Phổ  群芳譜 của Vương Tượng Tấn 王象晋           (1561-1653) đời Minh, chúng ta thấy có những câu sau:

梧桐一葉落,天下盡知秋。
梧桐一葉生,天下新春再。
Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ tận tri thu.
Ngô đồng nhất diệp sinh, Thiên hạ tân xuân tái.

(Một lá ngô đồng rụng, tất cả thiên hạ đều biết là mùa thu
Một lá ngô đồng nảy sinh, tất cả thiên hạ biết là mùa xuân mới trở lại).

Xin được gửi một trang khác trong cuốn Quần Phương Phổ.
Câu “Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ tận tri thu” được đóng trong  khung màu đỏ:

Nói tóm lại, trong khi ở Việt Nam, nhiều vị tiền bối nói:

Ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu
(Một lá ngô đồng rụng, thiên hạ cùng biết là mùa thu)

thì người Trung Hoa lại quen với câu:

Ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ tận tri thu
(….….. tất cả thiên hạ đều biết là mùa thu)

Ý trong câu Trung Hoa mạnh hơn, ý trong câu được truyền tụng ở Việt Nam thân thiết, hiền hòa hơn.

Có lẽ câu ở Trung Hoa có trước. Tiền nhân ta chịu ảnh hưởng, nhưng khi lưu truyền lại có đổi đi đôi chút. Không rõ chỉ là một chuyện “tam sao thất bổn” thông thường, hay đó là do dụng ý của tiền nhân.

Khi dùng từ có gốc Hán, người Việt không hoàn toàn giống người Trung Hoa. Chẳng hạn trong khi người Trung Hoa gọi các tu sĩ Công giáo là “thần phụ” (神父, shénfù, vị cha về phương diện linh thiêng) thì người Việt gọi các vị là “linh mục,” vị chăn dắt phần linh hồn. Trong khi người Trung Hoa gọi các giáo sĩ đạo Tin Lành là “Tân giáo mục sư” (新教牧師, Xīnjiào mùshī), thì người Việt gọi các vì là “mục sư Tin Lành.” Có thể tiền nhân ta có dụng ý không muốn hoàn toàn chạy theo người Trung Hoa.

(trích)

Trần Huy Bích

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *