trang bạn hữu – tản mạn từ rêu phong ký ức (Bùi Thanh Cảnh)

BÙI THANH CẢNH

=========
Đôi dòng giới thiệu: Tác giả Bùi Thanh Cảnh là đồng môn huynh trưởng (1950 -1953), một trong những học sinh đầu tiên của Collège de Nhatrang (tiền thân của Trường Trung học Võ Tánh – Nhatrang) Ngôi trường công lập nổi tiềng ở miền Duyên Hải Trung Phần, nơi đã từng đào tạo nhiều thế hệ nhân tài cho đất nước, và đã bị mất tên sau ngày 30.4.1975)
========

Đêm nay có một ông già cố vận dụng cái trí nhớ cằn cỗi của mình để chép lại vài ba kỷ niệm của hơn 60 năm về trước, của cái thời tôi mới chập chửng bước chân vào ngưỡng cửa của trường Trung học Nha Trang. Tôi cố gắng viết lại một cách trung thực những kỷ niệm vui với anh em cùng lớp, nhưng cũng có thể vì thời gian trải qua quá lâu nên những điều tôi nhớ chưa hẳn đã hoàn toàn đúng, vậy nếu có những lỗi lầm ngoài ý muốn, mong các bạn vui lòng cho tôi hai chữ “đại xá”!

Tôi còn nhớ ngày đầu tiên nhập học của niên khóa 1949-50, chúng tôi tụ họp trên sân trường Nam Tiểu học Nha Trang ở đường Hàn Thuyên vì lúc đó trường Trung học chưa cất nên lớp của anh em chúng tôi và hai lớp đàn anh phải học tạm nơi đây. Danh sách học sinh được tuyển chọn chung cho các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận để vào học năm Đệ nhất niên (tương đương lớp 6) chỉ vỏn vẹn có 32 trò được đánh máy trên một tờ giấy và được đóng đinh ở gốc cây bàng nơi sân trường chứ làm gì có bảng niêm yết như sau này! Chúng tôi tụ họp thành từng nhóm nhỏ để trò chuyện với nhau và thỉnh thoảng đến nhìn lại bảng danh sách. Theo đó chúng tôi được biết trường Phan Thiết đậu được 2 người là anh Trương Tiến Huân và Phan Chí Hoan. Trường Tháp Chàm đậu được một người là anh Dương Tấn Thi (người Chàm). Trường Phan Rang tương đối khá hơn nên đậu được 8 người, trong đó có tôi, Phạm Hữu Thạnh, Huỳnh Gia Chinh, Nguyễn văn Dư và… số còn lại là học sinh Nha Trang.

Viết đến đây tôi lại nhớ đến hai thầy: Lâm Xuân Tích và Tôn Thất Ái Huyên ở trường Phan Rang đã tận tâm dạy dỗ chúng tôi. Ngày đó tôi chỉ lả một đứa trẻ mồ côi cha. Cha tôi qua đời trong một cái chết thảm khốc. Hai mẹ con tôi dắt nhau từ bỏ một làng quê xa xôi để về thị xã Phan Rang trú ngụ tại nhà một ông cậu người Tàu. Mẹ tôi ngày ngày gánh một gánh hàng xén ra bán ở chợ Phan Rang còn tôi thì đi giúp việc cho một tiệm buôn cho người ta sai vặt để kiếm cơm. Nhưng rồi một ngày kia thầy Tích tìm đến nhà gặp mẹ tôi để thuyết phục bà cho tôi đi học lại. Thầy Tích biết gia đình tôi vì trước kia thầy là bạn học với chị tôi. Vậy là tôi từ giã cuộc đời “ở đợ” để được làm quen lại với sách vở bút mực! Thầy cho tôi vào học lớp của thầy (Thầy dạy “lớp Nhì nhỏ ” ở trường Nam Tiểu Học Phan Rang), một ân huệ rất lớn vì không dễ gì mà bỗng dưng lại được vào trường tỉnh! Thuở đó con đường học vấn sao quá chật hẹp, hoc sinh mới độ mười tuổi đời, với đôi bàn chân nhỏ bé đã phải cố gắng đua chen vì hình như mỗi làng mỗi quận chỉ có một trường sơ học. Các học sinh bắt đầu vào học lớp Năm, lớp Tư, lớp Ba rồi tụ họp về tỉnh để thi bằng Sơ học Yếu lược. Đứa nào đậu được bằng này và muốn học nữa thì phải qua kỳ thi “còng-cua” (concours d’ admission ?) rất gay go vì cả tỉnh chỉ chọn độ vài chục trò để vào học lớp Nhì trường tỉnh! Tôi còn nhớ ngày tôi chuẩn bị thi bằng Sơ học Yếu lược,tôi phải cầm lá đơn xin thi mà tôi đã nắn nót viết theo mẫu của thầy ra ngoài đình làng cho ông Lý trưởng ký tên và đóng dấu ý chừng để xác nhận tôi là công dân gương mẫu trong làng ! Tôi đưa đơn cho ông Lý trưởng. Sau khi đọc qua ông ta vội đi tìm một miếng vải để lau con dấu cho thật sạch rồi sau khi nhận con dấu vào hộp mực, ông ta trịnh trọng để cái đơn của tôi lên mặt bàn, đặt con dấu thật ngay ngắn lên trên rồi dùng cả hai tay ấn mạnh xuống! Sau đó ông ta và vài ông khác đem cái đơn của tôi ra ngoài sáng để cùng nhìn vào và cùng gật gù nói với nhau “Con dấu in rõ lắm, thằng này chắc nó đậu!” Mà kỳ thi đó tôi đậu thật, chắc một phần cũng nhờ con dấu in quá rõ trên cái đơn xin thi của tôi. Nhưng rồi sau đó tôi chưa kịp thi “còng-cua” vào trường tỉnh thì chiến tranh trở nên khốc liệt, gia đình tôi phải tản cư về miền quê.

Tôi học với thầy Tích ở “lớp Nhì nhỏ” chỉ độ vài ba tháng là đến kỳ hè. Năm sau khitôi nhập học thầy chuyển lên dạy “lớp Nhì lớn” và thầy cũng cho tôi lên lớp để được học với thầy. Tôi nhớ có đôi lần ngày chủ nhật thầy kêu tôi đến nhà thầy chơi. Hai thầy trò xách gàu ra giếng múc nước tắm và thầy đã kỳ cọ cho đứa hoc trò “ở dơ” quá độ vì thật ra lúc đó tôi nào biết cục xà phòng là gì! Trong lớp thầy bắt học trò phải mang dép chứ không được đi chân trần. Vậy là tôi phải mua một đôi guốc. Khi đi học tôi cặp nó vào nách, đến sân trường tôi mang nó vào để lóc cóc đi vào lớp! Nhờ sự tận tâm chỉ dạy của thầy và nhờ ít nhiều cố gắng của tôi nên sau đó việc học hành tôi cũng theo kịp các học sinh cùng lớp. Khi tôi lên lớp Nhất thì thầy Tôn Thất Ái Huyên dạy chúng tôi. Hình như lúc đó thầy Ái Huyên mới ra trường Sư phạm nên thầy dạy rất hăng say. Bài vở trong lớp phần lớn thầy phải giảng dạy bằng tiếng Pháp ngoại trừ vài giờ Việt văn và sử-địa. Vui nhất là thầy thường bắt học trò phải làm “toán chạy”. Thầy đọc một đề toán rồi học trò phải cố gắng làm thật mau và chạy lên thầy nộp đáp số. Thầy chỉ cho điểm 5 người đầu làm đúng. Thầy còn bắt học trò lần lượt lên ngồi trên bàn thầy để tập thuyết trình với những đề tài ngắn trích trong sách báovà bắt học sinh tập viết bích báo vào những tờ giấy học trò rồi đem dán lên vách cho cả trường cùng đọc. Học với thầy không khí trong lớp luôn luôn vui nhộn,học trò không ngồi yên ngáp ruồi đề nghe thầy giảng bài. Chẳng biết hai thầy bây giờ ra sao? Đêm nay có một học sinh ngồi nhớ đến hai thầy với những ngày vui cũ của mái trường xưa!

Những học sinh Phan Rang chúng tôi lần đầu tiên đến Nha Trang không khỏi bỡ ngỡ vì mọi chuyện đều lạ lùng. Ngay trên bảng danh sách niêm yết, khi đọc đến tên “Công Tằng Tôn Nữ Tri Chỉ”, chúng tôi ngơ ngác hỏi nhau và đoán chừng hắn không phải là người Việt Nam vì thuở đó chúng tôi nào biết hoàng tộc, hoàng phái là gì! Thằng Phạm Hữu Thạnh, bạn tôi, đoán mò chắc hắn là người Nùng vì nó nói họ Nông và họ Công gần giống nhau. Tôi liếc nhìn đám con gái rồi trả lời Thạnh “Chắc không phải là người Nùng đâu vì tao thấy tụi nó nước da đứa nào cũng trắng hết chứ không đen như người Nùng. Chắc nó là người Thái trắng! Cứ như vậy trong suốt quãng đời ở Trung học Đệ nhất cấp, chúng tôi một lũ học trò ngu ngơ ngờ nghệch. Ngoài việc học ở trường, chuyện đời sống bên ngoài chúng tôi chẳng có một tí kinh nghiệm nào, chỉ cố tìm hiểu bằng cách đoán mò!

Những ngày đầu vào lớp học, các thầy cô thường điểm danh học sinh. Sau khi nghe đọc tên chúng tôi phải hô to “Present!” rồi đứng lên cho thầy cô nhìn mặt. Khi bà Samarcelli lần đầu vào lớp điểm danh chúng tôi im phăng phắc vì đứa nào cũng cố gắng ráng nghe một bà đầm đọc tên Việt Nam của mình nhưng khi bà ta đọc tới cái tên “Tàu Ô” là chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau. Bà ta phải lập lại hai ba lần rồi mới thấy trò Thảo đứng lên hô “Present”. Chúng tôi cười ồ và cô Thảo nhà mình phải mang cái tên Tàu Ô từ đấy! Còn Dương Tấn Thi thì phải mang tên anh Woòng chỉ vì giờ Việt văn thầy Đặng Văn Tế cho chúng tôi học bài “Chí làm trai” bắt đầu bằng những câu “Vòng trời đất dọc ngang ngang dọ. Nợ tang bồng vay trả trả vay!” Khi Thi lên trả bài, thật tội nghiệp vì Thi là người Chàm, chỉ biết tiếng Chàm và tiếng Pháp nên Thi ê a “Woòng trời đất dzọc ngang, ngang dzọc!” Vậy là lớp chúng tôi lại có thêm một chàng học sinh tên là anh Woòng!

Lê Đình Phước và Đỗ Hữu Trang được xem như là bậc đàn anh trong lớp. Phước thì chơi saxophone còn Trang thì ca hát luôn miệng. Hai tay nầy biết được nhiều chuyện ngoài đời và thường trong giờ nghỉ hay kêu chúng tôi lại đề kể. Chúng thường bắt đầu bằng câu “Tụi mày biết không?” “Biết gì?” và bắt đầu kể đủ thứ chuyện. Chúng tôi chỉ biết ngồi yên lắng nghe và cảm phục hai đứa nó vô cùng.

Các thầy trong lớp thì thầy Nguyễn Hữu Dưỡng trẻ trung và gần gũi với chúng tôi nhất. Thầy dạy môn lý-hóa. Thỉnh thoảng cao hứng thầy hát hoặc đem vĩ cầm vào lớp kéo cho tụi này nghe. Thầy là người ơn của tôi. Tôi còn nhớ khi từ giã Phan Rang ra Nha Trang học mẹ tôi cố gắng chạy tiền nhưng chỉ có được 400 đồng, vừa đủ cho tiền mua sách vở và tiền ăn của tôi trong 4 tháng! Tôi nhẩm tính trong bụng chẳng lẽ mình chỉ học 4 tháng rồi khăn gói về lại quê nhà nhưng rồi thầy Dưỡng tìm cách xin học bổng cho tôi và thêm hai bà chị tôi thỉnh thoảng cho một ít tiền nên tôi cũng cố gắng kéo dài hết niên học. Khi tôi lên Đệ nhị niên thì thầy Dưỡng lại tìm cho tôi một chỗ dạy kèm trẻ để có cơm ăn. Tôi mang ơn thầy và mang ơn ông bà Hồng Hữu đã đem tôi về nuôi, coi tôi như con cháu trong nhà nên từ đó tôi khỏi còn lo chi phí trong việc học hành. Ở đời có những người làm ơn mà không cần nghĩ đến sự đền đáp và cũng có những người như tôi, sao chỉ nghĩ đến sự đáp đền khi đã quá muộn, khi người ơn của mình đã không còn nữa!

Có nhiều cựu học sinh đã nói “Được học với thầy Cung Giũ Nguyên là một hân hạnh.” Thầy là một học giả. Thầy viết nhiều sách tiếng Pháp và thầy gần như là giáo sư chính của lớp chúng tôi. Thầy dạy Việt văn còn Pháp văn thì năm đầu bà Samarcelli dạy nhưng mấy năm sau chính thầy cũng dạy luôn môn nầy. Mãi đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ vài câu của bài “Le pelican” mà thầy bắt học thuộc lòng với câu mở đầu: “Quelquefois le souci que ta jeunesse endure. Laisse là s’élargir cette sainte blessure.” Rồi thầy bắt học luôn bài dịch “Ngày xanh kia dẫu lẻ loi. Vết thương kia nặng cũng coi là thường…” Thưa thầy, chúng con trót sinh ra vào thời ly loạn, có nhiều vết thương quá nặng, làm sao chúng con có thể coi thường cho được! Lại nhiều khi thầy ra những đề bài làm chúng tôi lúng túng chẳng biết phải viết thế nào. Như có lần vào giờ Việt văn thầy bảo “Trò hãy viết những gì mà trò thấy kỳ cục nhất trong đời trò. Viết những gì mà trò dấu kín không muốn cho ai biết.” Chúng tôi thật sự lúng túng. Lần đó chẳng biết viết gì để nộp bài cho thầy. Chẳng lẽ chúng tôi lại nói “Thưa thầy, con để ý đến con nhỏ này hay con yêu con nhỏ kia!” Thôi thì chúng tôi chỉ viết bậy bạ cho có đề nộp bài cho thầy. Và đến khi thầy chấm bài và hô điểm để thầy ghi vào sổ tôi để ý thấy bài của các nam sinh phần lớn bài nào thầy cũng ghi hai chữ “Tầm thường” và cho 5 điểm. Trái lại bài của các nữ sinh, chẳng biết tụi nó viết gì trong đó mà được tới 7 hay 8 điểm! Lại có một lần thầy phát cho mỗi trò một tờ giấy quay ronéo trong đó, dọc theo chiều dài của tờ giấy thầy vẽ một bức tường cao tới đầu chia tờ giấy ra làm hai phần bằng nhau. Phần bên trong bức tường thì cỏ cao tới bụng vì không ngưới săn sóc. Phần bên ngoài thì bằng phẳng và cỏ được cắt sạch. Bức tường đó, một đầu có cái cổng ở tận cùng bên trái còn tận cùng bên phải của bức tường, nơi phần đất bằng phẳng bên ngoài thì là một sân banh. Thầy bảo khi trò chơi banh, nếu rủi trái banh đó lọt vào bên trong bức tường nằm lấp trong đám cỏ cao ngay giữa miếng đất thì trò hãy dùng những dấu chấm để vẽ con đường trò đi lượm trái banh! Tôi còn nhớ tôi vẽ con đường từ sân banh chạy thẳng đến bức tường, tôi leo lên đứng trên tường để xác định vị trí trái banh nhưng rồi thay vì chạy thẳng tới lượm trái banh tôi lẩn thẩn leo xuống trở lại, chạy tới cái cổng và dùng lối cổng chạy vào lượm trái banh! Phải chăng điều đó nói lên cái tánh do dự nhút nhát của tôi, làm việc gì cũng không đi thẳng một mạch tới đích mà phí thời giờ chạy vòng vo tam quốc bên ngoài! Bài đó chúng tôi nộp cho thầy rồi thầy im luôn, chẳng cho chúng tôi một lời phê nào!Thầy Võ Thành Điểm vừa dạy vẽ lại vừa làm giám thị. Tánh thầy hiền hòa nhưng đôi khi thầy làm mặt dữ cho học sinh sợ thầy nên nhiều lúc thầy vừa phùng mang trợn má rồi lại cười hề hề.Có một lần chúng tôi ngồi trong lớp học đang cười giỡn với nhau vì chưa có thầy nào đến dạy thì thầy Điểm bước vào. Thầy nạt chúng tôi vài tiếng bảo im rồi thầy chép miệng lắc đầu và nói với chúng tôi: “Tụi mày biết không, Thầy Nguyên vừa ‘chơi’ tao một cú đau quá.” Rồi thầy kể: “Thầy Nguyên đang dạy trong lớp kế bên. Thấy tao đi ngang qua, thầy kêu tao vô rồi hỏi bâng quơ ‘Bữa nay nghỉ hè chưa hở thầy?’ Tao vô tình đâu có biết. Tưởng ông già lẩm cẩm quên ngày tháng nên tao trả lời ổng ‘Chưa mà thầy. Còn tới 5 ngày nữa. Bộ thầy quên rồi sao?’ Vậy là ổng ‘sửa lưng’ tao. Ổng nói: ‘Ủa, chưa nghỉ hè mà sao thầy để tụi nhỏ ngoài sân làm ồn quá vậy?’ Thầy Điểm chép miệng: “Tao buồn quá. Vừa chạy đuổi tụi nhỏ rồi vô đây. Tụi mày đừng làm ồn mà tao lại bị xài xể nữa bây giờ!”
Thầy Bửu Cân dạy môn vạn vật. Thầy mang cặp kính cận rất dày. Mỗi lần muốn nhìn mặt một học sinh nào ở xa là thầy kéo cặp kính xuống sống mũi, trợn mắt lên để nhìn cho rõ. Thầy luôn mắng học trò bằng hai tiếng “Đồ ngu”. Chúng tôi nghe thét rồi quen tai nên hôm nào không bị thầy mắng là chúng tôi thấy như thiếu một cái gì! Có lần thầy dạy về “bào tử”. Thầy bảo bào tử giống như cái bánh bao vậy, rồi thầy hỏi “Tụi mi có ăn bánh bao lần nào chưa, đồ ngu!” Lại một lần khác, tôi chẳng còn nhớ thầy dạy gì nhưng thầy lại nói đến cái trứng vịt lộn. Thầy bảo “Tụi mi có ăn trứng vịt lộn bao giờ chưa?” Rồi thầy dặn, nếu có ăn trứng lộn thì phài bỏ cả cái trứng vào miệng nhai luôn một lần nó mới ngon chứ đừng cắn hoặc múc ra từng miếng. “Tụi mi có biết không, đồ ngu!”Thưa thầy, thầy dạy tụi con rất nhiều, nhưng con xin thú thật với thầy, bây giờ mỗi lần nhớ tới ông thầy kính yêu của tụi con, con chỉ nhớ cái bánh bao và cái trứng vịt lộn! Bánh bao thì con đã thưởng thức khá nhiều, kể cả loại bánh bao đặc biệt chứ còn trứng vịt lộn ăn theo kiểu thầy nói thì con sợ mắc nghẹn nên chưa dám thử lần nào!

Viết về những chàng trai ở tuổi mười lăm mười bảy của thời bấy giờ, những chàng trai đang sống ở cái tuổi mới biết mộng mơ, cái tuổi “chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì” như một thi sĩ nào đã viết, mà nếu không kể một vài chuyện tình thơ dại thì thật là thiếu sót! Thuở ấy chúng tôi phần lớn đứa nào cũng tìm cho nhau một đối tượng để mà thương nhớ vẩn vơ, để oang oang kể cho nhau nghe về người mình thích, nhưng lại không bao giờ dám hé răng với người đẹp của mình! Chắc “Tàu Ô” không bao giờ có thể ngờ rằng thuở đó chính cái tà áo dài màu xám tro mà các ni cô thường mặc, cái áo mà mỗi lần Tàu Ô mặc vào thì con người trông suôn đuột như cây cột đình lại hớp hồn một bạn học cùng lớp! Phạm Xuân thì mê con Chin, một cô bé người Hoa ở đường Phan Bội Châu. Tiệm của cô bé này bán toàn là nồi niêu xoong chảo nên mỗi lần muốn ghé thăm người đẹp chàng Xuân nhà ta vào đứng xớ rớ chẳng biết hỏi mua món gì! Lê Đình Phước thì đã có lần khoe với tôi “Tao có con em bà con người Huế đẹp lắm mày ơi!” Rồi nó chép miệng “Bà con làm chi mà ác vậy trời!” Hải Nhạn chỉ học trường Nha Trang một năm rồi đi trường khác nên ngày nhập học năm sau vắng bóng Hải Nhạn làm chàng Nha nhà ta trông buồn xo, mà tôi cũng không khỏi ngẩn ngơ! Nhớ lại bài thơ ngu ngơ của tuổi học trò: “Hải Nhạn là chim của biển trời. Xin đừng luyến tiếc hỡi ai ơi!”. Nhưng có lẽ trái tim tôi lúc đó cũng có nhiều ngăn, mỗi ngăn chứa hình bóng của một người đep. Tôi lại thích một tà áo dài màu tím, nhưng chỉ đứng xa xa để nhìn chứ có bao giờ dám bước lại gần. Tôi nhớ có lần tôi chỉ cho Nha tà áo đó và nói với nó: “Nha ơi, mày ngó cái tà áo tím tha thướt kia kìa, đẹp làm sao!” Không ngờ Nha lại hét to lên: “Thằng Cảnh tím mặt! Thằng Cảnh tím mặt!”, làm tôi ngượng ngùng không biết giấu cái mặt mình nơi đâu! Tà áo tím đó là của L. một nữ sinh học cách chúng tôi hai lớp! Trong lớp tôi có lẽ Lê Văn Tòng là đứa quen với nhiều bạn gái nên tôi thường năn nỉ nó: “Tòng ơi, đi đâu mày nhớ cho tao đi với, dù đi chỉ để ngồi chầu rìa bên cạnh.” Thỉnh thoảng tụi nó nói cười với nhau thì tôi chỉ biết cười hùa theomà thôi. Nhưng bên cạnh những chuyện tình vui vui đó cũng có một lần tôi thật sự biết “thất tình” là gì! Định mệnh đã cho tôi gặp B.Y. một cô bé người Bắc rất xinh, con của một chủ tiệm vàng, trong lúc tôi chỉ là một học sinh áo rách. Chúng tôi quen nhau, thỉnh thoảng ngồi nói chuyện vu vơ với nhau nhưng thật sự chúng tôi chưa bao giờ dám cầm tay nhau. Rồi bỗng một hôm, trên căn gác vắng, B.Y đến tìm tôi và lần đầu tiên Y ngồi dựa đầu vào vai tôi còn tôi thì ngồi chết cứng, chỉ đôi lần đưa bàn tay run rẩy của mình vuốt nhẹ trên má Y! Đó là những cử chỉ thân mật nhất mà chúng tôi đã có với nhau và tôi cũng không ngờ đó là một đặc ân mà Y đã tặng tôi trước khi quyết định xa tôi vì sau lần đó Y không còn bao giờ đến thăm tôi nữa. Còn tôi thì như một người sực tỉnh, tôi cúi xuống nhìn lại thân phận mình, tôi thấy mình đã cố nắm bắt một vật quá tầm tay nên đành lặng lẽ buông tay. Tôi không bao giờ tìm cách gặp lại Y. Chúng tôi vĩnh viễn xa nhau từ đó! Hơn 60 năm qua, hơn một lần tôi nghĩ về Y. Hơn một lần tôi hỏi thăm bạn bè nhưng Y vẫn bặt tăm. Tôi nghĩ rằng Y đã vĩnh viễn nằm xuống nên hôm nay với nén hương lòng tôi muốn gởi đến Y một lời cám ơn, người đã cho một chàng trai mới lớn biết thế nào là mật ngọt và cả vị đắng của tình yêu!

Năm 1953, chúng tôi học những ngày cuối ở trường Võ Tánh. Tôi lơ là chẳng thiết gì đến việc học hành vì lúc đó tôi buồn đủ chuyện. Tôi biết chắc là chẳng bao giờ mình còn có dịp vui với sách đèn và bạn bè. Tôi không thể đi học nữa vì khả năng tài chánh không cho phép nên không thể xin hoãn dịch vì lý do học vấn. Con đường duy nhất mà tôi phải bước vào là trại nhập ngũ vì năm đó tôi vừa đúng 20 tuổi và lệnh Tổng động viên cũng vừa đến với tôi. Kỳ thi Trung học Đệ nhất cấp cuối năm, lúc vào vấn đáp tôi lại gặp thầy Bửu Cân. Tôi còn nhớ thầy bảo tôi vẽ cái lỗ tai và cho thầy biết tiếng nói nó chuyền từ tai vào óc như thế nào? Tôi cũng vẽ 3 phần tai: tai ngoài với vành tai, tai giữa với màng nhĩ còn tai trong thì tôi quên mất tiêu, tôi vẽ những cục tròn tròn méo méo phần lớn theo trí tưởng tượng. Cuối cùng rồi tôi cũng vẽ giây thần kinh đưa tiếng nói lên óc! Thầy nói cám ơn và tôi chào thầy. Kính thưa thầy. Đó là lần cuối cùng con được gặp thầy. Con vừa đi ra vừa nghe thầy lẩm bẩm trong miệng hai tiếng “Đồ ngu!” như thầy đã từng mắng tụi con. Con muốn quay trở lại xin thầy mắng thêm con là “Đồ mê gái” để cho đáng đời con! Năm đó tôi may mắn được đậu hạng chót trên bảng danh sách chỉ vỏn vẹn có 8 học sinh trúng tuyển!

Tháng 11 năm 1953, ngày nhập ngũ đã đến. Tôi và Lê Đình Phước được ông hiến binh đội mũ đỏ đưa vào trường Thủ Đức. Lúc xe lửa nghỉ ở ga Tháp Chàm, lòng tôi nôn nóng vì tôi biết mẹ tôi đang hớt hải len lỏi qua các toa xe để tìm gặp và tiễn chân đứa con thân yêu của mình nhưng tôi không thể chạy đi tìm mẹ vì ông hiến binh đang ngồi trông chừng chúng tôi. Rồi mẹ tôi cũng tìm gặp được tôi. Hai mẹ con chỉ đủ thời giờ cầm tay nhau, dặn dò vài câu trước khi tiếng còi thét lên. Mẹ tôi lại phải quay về Phan Rang để ngày ngày gánh hàng ra chợ bán và đêm đêm một bóng lẻ loi nằm tưởng nhớ đến đứa con trai duy nhất của mình. Còn tôi, cũng như các chàng trai trẻ của thế hệ chúng tôi và nhiều thế hệ tiếp nối, đã bị cuốn hút vào guồng máy chiến tranh, chúng tôi đã học cầm súng, học cách bắn giết nhau, học những bài học về hận thù!

Tôi sống ở Mỹ hơn 20 năm với kiếp công nhân của một nhà máy rồi mới có dịp về thăm lại quê nhà, về để đốt một nén hương trên nấm mồ của mẹ, về để tìm thăm lại cảnh cũ người xưa. Nhưng rồi khi về tất cả đều trở thành quá xa lạ đối với tôi. Bạn bè không còn được mấy người, phố phường rộn rịp không còn vẻ thanh bình và yên tĩnh như xưa, người người chen lấn nhau, đường sá đổi tên… nên tôi đi lạc giữa quê hương mình! Ngôi trường cũ vẫn còn đó nhưng giờ thì nó lạnh lùng nhìn tôi. Tôi cũng ngơ ngác nhìn lại nó! Trên chuyến máy bay quay trở về Mỹ tôi đã thầm ao ước phải chi mình đừng về, thà rằng cứ mãi ôm ấp những kỷ niệm xưa, những hình bóng cũ cho tới ngày nhắm mắt buông tay thì có lẽ còn hay hơn! Nhưng phải thành thật mà nói khi ở Việt Nam, dù tôi không đi uống “bia ôm”, không vào các tiệm hớt tóc thanh nữ để gội đầu mỗi ngày vài ba lần đến nỗi gần tróc da đầu nhưng rồi tôi cũng quen với một cô bé mà khi tôi từ giã để về Mỹ thì cô bé đó đã nói với tôi “Bao giờ rảnh rỗi chú nhớ về Việt Nam chơi. Cháu sẽ lại làm hướng dẫn viên du lịch đưa chú đi thăm Huế, vịnh Hạ Long, Sapa, Thái Lan… Chú phải nhớ rằng ở Việt Nam có một đứa cháu đang mong chờ chú.” Thì ra tôi cũng chỉ là một ông già Việt kiều mắc dịch như bao nhiêu ông già khác.

Những bạn bè thân thiết nhất của tôi, những người đã từng sống đời quân ngũ với tôi như Lê Đình Phước, Lê Văn Tòng, Phạm Xuân… tất cả đều đã vĩnh viễn ra đi. Vài người còn lại trong thế hệ chúng tôi hiện giờ như những ngọn đèn cạn dầu đang cố cháy leo lét chỉ độ vài ba năm nữa. Cái thời chúng tôi tự nguyện làm những viên đá lót đường để con cháu mình bước trên đó tìm đến một đời sống tốt đẹp hơn thì cũng đã qua khá lâu rồi. Bây giờ chính những viên đá lót đường đó cũng đã trở thành những vật thừa, đáng được cất vào kho phế thải, cũng như chúng tôi đáng được cất vào viện dưỡng lão! Hình như chúng tôi cũng không còn gì để mà luyến tiếc xót xa. Nhiều đêm lẩn thẩn nằm nghĩ lại tôi thấy tội nghiệp cho trái tim của tôi. Nó đã bơm máu suốt gần 80 năm nay không ngừng nghỉ để nuôi sống cơ thể mình nhưng tôi luôn luôn đối xử không tốt với nó. Khi còn trẻ tôi đã từng bóp nghẹt nó, không cho nó được thổn thức với những mối tình thơ dại. Khi còn chiến tranh tôi đã từng cầu nguyện nếu thượng đế không thể cho tôi trở về với một hình hài nguyên vẹn thì thà là một viên đạn xé nát tim tôi chứ tôi không muốn làm người tàn tật để làm khổ gia đình. Giờ đây, trong những ngày cuối của cuộc đời này, tôi lại ao ước một ngày nào đó nếu tôi không còn đủ sức đi đứng dễ dàng thì một cơn đau tim trong giấc ngủ sẽ đến với tôi để tôi có thể bình thản nhắm mắt buông tay, vĩnh viễn đi vào giấc ngủ cuối đời!

Bùi Thanh Cảnh
2012

Nguồn: Đặc San Võ Tánh 2013

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *