Tuổi trẻ Khánh Hòa thành công tại Hoa Kỳ – niềm hãnh diện cho đồng hương,

Hai bác sĩ người Mỹ gốc Việt nổi tiếng tại Hoa Kỳ , đều sinh ra và lớn lên ở Ninh Hòa, Khánh Hòa, vượt biển đến Mỹ sau 1975.

1.-

NGUYỄN XUÂN NAM
một trong những bác sĩ giỏi nhất nước Mỹ

Bác sĩ Nguyễn Xuân Nam chuyên khoa về giải phẫu trẻ em vừa được trường đại học Harvard bình chọn là một trong những bác sĩ giỏi nhất nước Mỹ. Mời quý vị theo dõi câu chuyện về bác sĩ tài danh này qua phần trình bày của Hà Vũ.

Sinh trưởng tại thôn Bá Hà nằm gần vịnh Hòn Khói thuộc tỉnh Khánh Hòa trong một gia đình làm nghề chài lưới, bác sĩ Nguyễn Xuân Nam có một thời niên thiếu sống trong thiếu thốn, cực nhọc. Mẹ mất sớm khi ông vừa mới lên 4 tuổi, sống với cha và người mẹ kế, bác sĩ Nguyễn Xuân Nam phải vừa đi bán bánh vừa đi học để giúp cha và mẹ kế nuôi dạy 8 anh chị em ruột và anh em cùng cha khác mẹ với mình.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Nam nhớ lại thời niên thiếu của ông.

“Tôi mới vừa lên 10 tuổi, lúc đó vừa đi học, sáng dậy sớm phải lo chăm sóc mấy em bé để cho bà kế mẫu tôi làm những món ăn để đi bán kiếm tiền về nuôi sống gia đình. Bà làm xong rồi tôi đi học, trước khi vào lớp độ một tiếng đồng hồ tôi đến trạm xe lam bán những thức ăn như xôi, bánh. Bán xong đến lúc đi học nhờ người láng giềng mang nồi niêu đem về nhà.”

Dù rằng cho con đi học là mong muốn của cha mẹ nhưng vì hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn nên học đến hết bậc tiểu học ông phải bỏ học để đi biển đánh cá trợ giúp gia đình. Hơn nữa cha ông bị thương trong chiến tranh, sau đó lại bị tai nạn phải nằm bệnh viện trong nhiều tháng nên miếng cơm manh áo là mối ưu tư lớn nhất của gia đình ông. Bác sĩ Nam kể lại.

“Đi làm nghề biển rất khó khăn, tương lai không có cho nên lúc nào cũng cố gắng để cho con đi học. Vào lúc tôi học hết lớp 5 thì Ba tôi bị Việt Cộng bắn trọng thương nằm trong nhà thương một thời gian rất là lâu. Lúc đó tôi mới vừa lên 10 tuổi. Bố tôi mới vừa xuất viện lại bị tai nạn một lần thứ hai nữa phải nằm lại nhà thương hơi lâu.

Lúc đó gia đình rất là khổ sở nên tôi nói với Bố tôi là ông muốn tôi đi học nhưng trường hợp này tôi không thể đi học được cho nên lúc đó tôi bỏ học đi làm nghề biển sinh sống và giúp gia đình. Không bao nhiêu lâu nữa thì Việt Nam mất nước. Bố tôi là thôn trưởng làng Bá Hạ nên về sau khi Cộng Sản về thì ông cũng bị bắt giam giữ và đi cải tạo gần cả năm trời nên vấn đề học hành của tôi xa vời quá. Tôi vẫn tiếp tục đi làm nghề biển để nuôi sống bản thân và gia đình.”

Đến tháng 4 năm 1978, lúc 19 tuổi, bác sĩ Nam vượt biên sang đến trại tị nạn Palawan, Philippines, sau đó được chuyển sang trại tị nạn tại Manila và khai tuổi nhỏ lại để có thể tiếp tục học Trung học tại Mỹ sau này.

Tháng 11 năm 1978, bác sĩ Nam được bảo trợ định cư tại thành phố Lincohn, bang Nebraska. Tại đây bác sĩ Nam theo học trung học tại trường Norris. Đối với một học sinh chỉ biết được chút ít tiếng Anh trong thời gian ở trại tị nạn Philippines thì học trung học tại Mỹ là một điều thật khó khăn nếu không có quyết tâm thì không thể nào vượt qua nổi. Bác sĩ Nam cho biết.

“Hai năm đầu tiên rất là khó, nhiều khi tôi muốn bỏ học đi làm để giúp gia đình nhưng nghĩ lại thấy mình nghỉ học sớm quá thì về sau thấy ân hận. Do đó tôi vừa đi học, vừa đi làm để kiếm tiền thêm nuôi sống gia đình. Sau đó thì bắt đầu thông thạo Anh ngữ và phần nào có thể nói cho họ hiểu được. Lúc đầu tiên cũng khó khăn nhưng sau rồi tiến bộ rất là đẹp bởi vì nó cũng gợi thêm tia hy vọng của mình.”

Theo lời kể lại của Cha và những người láng giềng thân thuộc thì Mẹ và chị của bác sĩ Nam mất sớm vì những căn bệnh rất tầm thường nhưng lúc đó gia đình không có khả năng và phương tiện để chữa trị nên bác sĩ Nam có ước nguyện trở thành bác sĩ để giúp người. Do đó trong thời gian học trung học, ông đã tiếp xúc với các cố vấn của nhà trường để nhờ hướng dẫn làm thế nào để trở thành bác sĩ.

“Tôi cũng lên nói với những counselor của trường trung học là hồi xưa nhà tôi có nhiều người chết bởi vì không được may mắn, không có y tế, không có thuốc men để cứu sống họ được. Bởi vậy tôi có ước nguyện là nếu có thể đi học ngành y ra bác sĩ để trong tương lai có thể về lại giúp những người trong xóm của tôi. Do đó tôi được hướng dẫn nên làm những việc gì đó. Sau đó tôi xin vào học trường đại học rồi từ đó xin đơn vào trường y khoa. Dần dần mình cũng cố gắng, nỗ lực trong học hành, không đam mê chuyện này chuyện kia. Cũng may mắn tôi mới được như ngày hôm nay.”

Do đó sau khi tốt nghiệp trung học, bác sĩ Nguyễn Xuân Nam, sau hai năm học chuyển tiếp tại trường đại học Nebraska thuộc thành phố Lincohn đã ghi danh học môn toán và hóa trường đại học Creighton, thành phố Omaha, bang Nebraska.

Tốt nghiệp cử nhân toán học và hóa học năm 1987, bác sĩ Nguyễn Xuân Quang là một trong 105 sinh viên được nhận vào ngành y trường Y khoa thuộc đại học Creighton, Nebraska trong hàng ngàn sinh viên nộp đơn.

Sau khi tốt nghiệp y khoa bác sĩ vào năm 1991, bác sĩ Nguyễn Xuân Nam học thêm về phẫu thuật tổng quát và phẫu thuật nội soi cũng tại trường đại học Creighton từ năm 1991 đến 1994.

Trong thời gian từ 1994 đến 1997, bác sĩ Nguyễn Xuân Nam tiếp tục trau dồi về phẫu thuật tổng quát tại trường đại học New Mexico tại Albuquerque, bang New Mexico. Tiếp đến trong hai năm 1997-1999, bác sĩ Nam theo học chương trình chuyên ngành phẫu thuật nội soi trẻ em tại bệnh viện trẻ em thuộc trường đại học Pittsburgh, bang Pensylvania.

Bác sĩ Nam giải thích về nguyên nhân khiến ông đi theo chuyên ngành giải phẫu trẻ em.

“Hoàn cảnh của tôi chứng kiến chị và em qua đời. Tôi chỉ ao ước có được dịp nào giúp trẻ em lớn lên. Nghĩ lại tôi thích chữa bệnh những đứa trẻ tại vì những chứng bị của nó không phải là những bệnh tự nó gây nên mà là những bệnh bẩm sinh. Hơn nữa tôi rất ưa thích những đứa bé. Tôi muốn đi học thẩm mỹ viện để chữa cho những em bị sứt môi, bị sứt hàm ếch. Nhưng nghĩ cho cùng lại thì mình phải làm thẩm mỹ viện mới đi qua những khía cạnh đó được. Còn những đòi hỏi để điều trị tổng quát những đứa bé không phải qua những việc đó nên tôi mới đeo đuổi theo ngành này.”

Bác sĩ Nguyễn Xuân Nam đã giữ nhiều chức vụ quan trọng tại trung tâm y khoa trường đại học Irvine, California như là trưởng khoa giải phẫu trẻ em, đồng Chủ tịch Khoa Ung bứơu Nhi, Giám đốc Khoa phẫu hạn chế can thiệp… Hiện nay ông làm việc tại bệnh viện Nhi đồng Los Angeles và một số bệnh viện khác thuộc miền Nam California. Ông cũng có nhiều bài viết có giá trị được đang trên các tạp chí về y học Hoa Kỳ và được các chuyên viên y tế trường Y khoa thuộc Đại học Harvard bình chọn là một trong những bác sĩ giỏi nhất nước Mỹ.

Được hỏi nguyên nhân nào khiến ông thành công, bác sĩ Nam cho biết:

“Nguyên bản thân tôi tôi biết, tôi không giỏi, không thông minh nhưng có sự cố gắng rất nhiệt tình. Tôi có ngày hôm nay vì tôi rất chăm chú, rất cố gắng. Nếu ngày hôm nay tiếng nói tôi có thể giúp được, có thể kích động các trẻ em nên người. Tôi nghĩ là giới trẻ, một là phải nên cố gắng. Cho dù có lúc mình thấy bất lực và không có hy vọng, mình vẫn cố gắng để vượt qua. Tại vì mình không cố gắng thì về sau mình không biết khả năng của mình đến đâu. Điều quan trọng nhất là mình nên nghe lời khuyên nhủ của những người lớn, những người trải qua nhiều kinh nghiệm thì những lời dạy dỗ đó lúc nào cũng mang sự tốt đẹp.”

Bác sĩ Nguyễn Xuân Nam nói thêm là trong thời gian học y khoa ông phải làm việc bán thời gian mỗi tuần 20 tiếng đồng hồ để có tiền trang trải chi phí ăn học cũng như giúp đỡ gia đình ở Việt Nam. Tuy nhiên điều quan trọng giúp ông thành công là Cha ông không đòi hỏi ông phải gởi tiền về nhiều, mà chỉ khuyến khích ông cố gắng học hành để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hà Vũ (VOA)
14.1.2010

Câu chuyện của Bác sĩ Nguyễn Xuân Nam,Trưởng khoa Ngoại – Bệnh viện Nhi Los Angeles (Mỹ)Viên ngọc quý của phẫu thuật nhi quốc tế!

Trước khi gặp anh, tôi chỉ được nghe dân ngoại khoa đồn rằng, đó là một người Mỹ gốc Việt và là một “hàng khủng” có tiếng trong làng ngoại nhi thế giới. Điều đó khiến tôi tò mò và thật bất ngờ trong lần đầu gặp mặt anh xuất hiện với dáng vẻ rất ấn tượng: đầu húi cua, kính cận, da rám nắng, quần jean, áo pull, cùng một nụ cười hiền khô… Người đàn ông có vẻ ngoài phóng khoáng ấy chính bác sĩ Nguyễn Xuân Nam, Trưởng khoa Ngoại – Bệnh viện Nhi Los Angeles (Mỹ).

Nổi tiếng cả ở sự giản dị

Lần đầu tiên, Bệnh viện Nhi trung ương đăng cai tổ chức Hội nghị khoa học ngoại nhi Đông Nam Á lần thứ 4 với đông đảo những anh tài của các nước ASEAN và thế giới. Tất nhiên, một người không thể thiếu đó là BS Nguyễn Xuân Nam, tên thân mật đồng nghiệp thường gọi là Nam Nguyễn. Sau màn chào hỏi với những đồng nghiệp Á, Âu… anh bảo tôi: “Bây giờ anh đi thăm bệnh nhân với tôi luôn nhé? Chiều nay tôi sẽ mổ trình diễn 2 ca bệnh cho các chuyên gia xem”. Hai ca Bệnh viện Nhi dành cho BS Nam bị chứng phình đại tràng bẩm sinh dạng phức tạp. Chỉ định phẫu thuật là biện pháp duy nhất cứu sống bệnh nhân, nhưng phẫu thuật như thế nào để đạt kết quả tốt nhất mới là điều đáng bàn. Dù đang khóc ngằn ngặt trên tay mẹ, nhưng cậu bé 4 tháng tuổi trở nên ngoan ngoãn và nhoẻn miệng cười đáp lại BS Nam khi anh khéo léo dỗ dành để khám cho cháu bé.

Tại Hội trường J của Bệnh viện Nhi trung ương, ca phẫu thuật do BS Nam chủ trì được truyền hình trực tiếp từ phòng mổ. Các thao tác xử trí của anh như có ma thuật thu hút sự chăm chú của các chuyên gia, rất nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau trên mỗi khuôn mặt: họ mở to mắt, cau mày… rồi quay sang nhìn nhau gật gù tâm đắc. Sang ngày hôm sau, tôi không biết BS Nam tận hưởng sự rảnh rang của mình như thế nào, chỉ biết ngay khi ban tổ chức giới thiệu anh lên trình bày các nghiên cứu khoa học mới của mình về nội soi nhi khoa đã được cả hội trường Sông Hồng II – Khách sạn Sheraton nhiệt liệt tán thưởng. Khác với cách nói chuyện hồn nhiên, đôi khi rất ngẫu hứng, lúc trình bày nghiên cứu khoa học anh lại rất sắc sảo và logic, các chứng cứ sát thực, chặt chẽ, dễ hiểu, hình ảnh sinh động. Cả hội trường im phắc lắng nghe và rồi từng tràng pháo tay vỡ òa không dứt khi bài giảng kết thúc.

Tôi nói rằng khi viết bài sẽ gọi anh là “siêu bác sĩ”, anh bảo:“Anh nên dành nhiều lời khen cho các bác sĩ Việt Nam. Ở Mỹ, tôi có mọi điều kiện tốt nhất để làm việc, ở nhà mình còn nhiều thiếu thốn nhưng họ đã làm việc thật tuyệt vời. Sau vài năm trở lại Bệnh viện Nhi thấy trình độ của các bác sĩ tiến bộ rất nhiều. Nhất là GS Nguyễn Thanh Liêm, tôi quen từ những hội nghị khoa học quốc tế, nhiều nghiên cứu của ông đã làm tôi bất ngờ và cảm phục..”. Con người tài năng ấy không chỉ có sự khiêm tốn mà còn có một lối sống vô cùng giản dị. Tôi hỏi có phải anh vẫn đi làm bằng chiếc xe ô tô cũ kỹ không? Câu trả lời là: thì nó vẫn đi được mà, sao lại phải bỏ đi.

Tuổi thơ giông bão…

Ít ai biết rằng BS Nguyễn Xuân Nam đã từng trải qua một “tuổi thơ dữ dội”. Gia đình anh vốn làm nghề đánh cá ở Hòn Khói – Nha Trang – Khánh Hòa. Lời ru của mẹ và tiếng sóng biển rì rào đã vỗ về anh lớn lên. Mỗi buổi sáng, cậu bé Nam lại tíu tít dậy sớm theo mẹ ra biển ngồi gác bình minh đón cha trở về. Nhưng điều ngọt ngào ấy đã tắt lịm khi anh lên 4 tuổi thì người mẹ qua đời. Thương cuộc sống côi cút của 3 cha con anh, một người phụ nữ tốt bụng đã chấp nhận làm mẹ của anh. Phải vật lộn nuôi gia đình với 8 đứa con thực sự quá sức với cha mẹ. Vì thế lên lớp 6, nhà nghèo khó, cậu học trò sáng dạ Nguyễn Xuân Nam đã phải nghỉ học để cùng cha lênh đênh trên biển đánh cá nuôi sống gia đình. Nhưng rồi hạnh phúc giản dị của gia đình nghèo khó ấy cũng chẳng được bao lâu, bệnh tật lại lần lượt cướp đi của anh mẹ kế và hai đứa em. Trong trái tim đau khổ lúc bấy giờ của anh bỗng cháy lên ước mơ trở thành một bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo.

Tuổi thơ nghèo khó đong đầy nỗi đau, những năm tháng sống trên biển lúc yên bình, lúc gào thét của giông bão đã rèn cho anh nghị lực phi thường, thân hình vạm vỡ của người thủy thủ và một tâm hồn khoáng đạt. Anh bảo đến tận bây giờ những giấc mơ vẫn đưa anh trở về ngày xưa, có những khi choàng dậy giật mình vì được gặp mẹ, được để chân trần chạy theo mẹ trên cát như ngày nào, dù hình ảnh thật chập chờn, mơ hồ…

Khát vọng bất tận…

Chàng trai của Hòn Khói đặt chân lên đất Mỹ xa lạ khi anh 19 tuổi, trách nhiệm của Nam lúc này là lao động nuôi sống gia đình. Dù khó khăn, Nguyễn Xuân Nam vẫn quyết tâm xin theo học tiếp phổ thông tại thành phố Lincoln. Lúc đó anh chỉ mong rằng mình học làm sao nói được tiếng Anh, cố gắng tốt nghiệp trung học kiếm một việc làm ổn định để nuôi các em ăn học chứ không có mong ước gì hơn. Để có tiền ăn học, Nguyễn Xuân Nam đã phải làm rất nhiều công việc, làm ở hiệu bánh mì, làm gia sư, làm lao công trong trường với đủ thứ công việc cực nhọc trong cái lạnh giá của mùa đông Nebraska. Năm 1983, anh tốt nghiệp trung học tại trường Norris High School với số điểm xuất sắc.

Con đường học bắt đầu mở ra trước mắt Nam, anh quyết tâm thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ nhưng đây lại chính là ngành học khó nhất ở Mỹ. Để có thể học y, bất kỳ ai cũng phải có bằng đại học. Với khả năng của mình, anh tốt nghiệp cử nhân Toán và Hóa ở Đại học Creighton, TP.Omaha, bang Nebraska một cách dễ dàng, rồi tiếp tục trải qua 4 năm bác sĩ y khoa tại trường y của đại học Creighton. Trong quá trình học y, ngoại khoa cuốn hút anh kỳ lạ và cảm thấy đây là thế giới anh có thể phát huy nhiều nhất khả năng của mình vì thế anh học tiếp 6 năm phẫu thuật tổng quát tại đây và Đại học New Mexico. Anh tiếp tục vượt qua hàng trăm bác sĩ đã tốt nghiệp ngoại tổng quát để trở thành một trong 27 học viên toàn Bắc Mỹ lúc bấy giờ đỗ vào chuyên ngành ngoại nhi tại Đại học Pittsburgh, bang Pennsylvania. Anh bảo, có một thứ anh không phải học, không phải thi chỉ cần rất chân thành mà có được đó là tình yêu của cô bác sĩ gây mê, vợ anh. Người cho anh một mái ấm gia đình thực sự và niềm an ủi lớn trong cuộc đời.

Từ khi bước chân vào đại học đến lúc tốt nghiệp chương trình ngoại nhi, BS Nam đã trải qua 16 năm học tập liên tục. Năm 1999, BS Nguyễn Xuân Nam được Đại học California, Irvine mời về làm Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi, tham gia giảng dạy tại trường Đại học nổi tiếng ở miền nam California này đồng thời là Trưởng khoa Ngoại – Bệnh viện Nhi Los Angeles. Giờ đây cái tên Nguyễn Xuân Nam đã trở nên nổi tiếng trong giới ngoại nhi bởi nhiều công trình nghiên cứu, nhiều bài giảng, nhiều giải thưởng và cả cách thuyết giảng hấp dẫn của anh. BS Nam cũng là một trong những người đi đầu về nội soi ổ bụng, thành công mới nhất của anh là mổ nội soi chỉ qua một lỗ thay bằng ba lỗ như trước đây. Anh mong muốn chuyển giao sớm kỹ thuật này đến tất cả các đồng nghiệp trên thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam.

Bệnh viện Nhi Đồng Đại học California, Irvine

Từ một cậu bé mồ côi trở thành một chuyên gia xuất sắc thế giới về ngoại khoa là một chặng đường gian khổ nhưng đáng khâm phục của BS Nguyễn Xuân Nam. Với chàng trai Hòn Khói phóng khoáng như biển ấy những khát vọng về cuộc sống, về khoa học là bất tận.

Lê Hảo (Báo Sức Khỏe & Đời Sống)
02.01,2010

*****

2.-

PHẠM MAI SĨ
một bác sĩ gốc Việt tỵ nạn CS lừng danh thế giới

 (THANH PHONG/Viễn Đông)  

“Nghĩ lại, nếu những năm 75, không có chính sách di dân cởi mở, không có người dân Mỹ, không có Nhà Thờ Mỹ và Trường Đại Học Mỹ giúp thì không biết 12 sinh viên nghèo, không người thân như chúng tôi đã làm được gì trên đất nước này. 

bs phammaisi 1
Bác sĩ Phạm Mai Sĩ (Lebanon Valley College News)

LITTLE SAIGON – Vừa rồi trên trang mạng Phụng Sự Xã Hội có đăng tải bài viết về một bác sĩ gốc Việt tài ba – bác sĩ tị nạn CS lừng danh thế giới. Nhận thấy đây là tin vui và niềm hãnh diện chung cho cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản, đồng thời cũng là tấm gương cho các bạn trẻ Việt Nam, chúng tôi đã xin phép và được sự đồng ý của tác giả, Viễn Đông tóm tắt cuộc đời và thành công của vị bác sĩ tài ba gốc Việt mang tên Phạm Mai Sĩ:

Phạm Mai Sĩ quê ở thị xã Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Trước ngày 30.4.1975, Phạm Mai Sĩ có người bạn tên là NL cùng là sinh viên năm thứ hai Đại Học Saigon, còn NL quê ở Bình Định. Khi Saigon thất thủ cả hai cùng di tản khỏi thủ đô miền Nam Việt Nam đến trại tỵ nạn Indian Town Gap và thân nhau và sau có thêm người bạn tên Tuấn.

Sau bốn năm miệt mài học tập, cả ba được trường Lebanon Valley College cấp học bổng toàn phần, Phạm Mai Sĩ theo ngành Y Khoa, NL và Tuấn theo học Hóa Học. Mùa Hè năm 1979, Sĩ được Đại Học Pittsburgh nhận vào học Y lúc anh đang sống vất vả, loay hoay, không việc làm không có tiền đi học. NL ra trường trước Sĩ một năm, đi làm và để dành được chút tiền, anh mượn thêm của bạn bè, tất cả được $15,000 gửi hết cho Sĩ.

Nửa năm sau, tháng 1, 1980 Sĩ không còn tiền để tiếp tục học, NL cũng bất lực. May mắn lúc đó ở Pittsburgh có một bà triệu phú, chồng mới qua đời để lại một gia tài khổng lồ muốn cấp học bổng cho sinh viên Y Khoa. Nhà trường liên lạc nhờ bà giúp cho trường hợp của Sĩ. Bà ân nhân này đồng ý trả hết các chi phí học cho Sĩ những năm còn lại với điều kiện không được nêu tên bà là ai và kết quả học phải xuất sắc.
Bà cũng hỏi Sĩ xem còn nợ ai không? Và Sĩ cho biết NL đã vay mượn cho Sĩ 15 ngàn Mỹ kim, bà trả luôn cho Sĩ món nợ ấy, và ông quyết tâm học thật giỏi để đền ơn hai ân nhân, và ơn trường. Tốt nghiệp Y Khoa hạng xuất sắc, bác sĩ Phạm Mai Sĩ quyết định sang Phi Châu thực tập.
Từ châu Phi, ông gửi thư và hình về cho NL và nói: “Tao mổ tim như mổ gà.” Mỗi ngày ông mổ cho hàng chục bệnh nhân nên càng ngày càng có nhiều kinh nghiệm với các ca mổ khó. Sau đó, ông đi mổ tim khắp nơi kể cả Việt Nam.

bs phammaisi 2

Bác sĩ Phạm Mai Sĩ (TP chụp lại)

Tại tiểu bang Pennsylvania, có ông Robert Casey là Thống Đốc bị mổ tim nhiều lần nhưng chỉ được vài năm lại hỏng. Bác sĩ Phạm Mai Sĩ quyết định mổ tim cho ông Casey. Đúng lúc đó có một thanh niên bị chết vì tai nạn xe hơi. Bác sĩ Phạm Mai Sĩ hội ý với nhóm 12 bác sĩ khác đề nghị thay tất cả các bộ phận khác cho ông Casey vì nó đã hư hết rồi.

Các bác sĩ kia ngăn cản, nhưng ông vẫn liều làm một cuộc cách mạng y khoa. Ca mổ dài 36 giờ liền với 12 bác sĩ thượng thặng cùng làm với bác sĩ Phạm Mai Sĩ. Khi hồi tỉnh, mở mắt ra, Thống Đốc Casey nói, “Anh là Chúa Cứu Thế giúp tôi sinh lại lần nữa.”

Còn bác sĩ Phạm Sĩ Mai thì thở phào vì biết đã làm nên lịch sử.
Sau đó, để tạ ơn người đã cứu mình, Thống Đốc Casey hỏi, bây giờ anh cần gì tôi có thể giúp anh.”
Bác sĩ Sĩ kể với ông Casey việc muốn bảo lãnh gia đình từ Ninh Hòa qua Mỹ nhưng đang bị trục trặc giấy tờ. Thế là vài tháng sau, gia đình ông gồm 10 người đã đến Hoa Kỳ trên một chuyến bay từ Việt Nam.
Còn ông Thống Đốc Robert Casey sống khỏe mạnh thêm 10 năm nữa mới qua đời vì tuổi già. Nhờ sang Mỹ, mấy người em trai, gái của bác sĩ Sĩ đều học hành đến nơi đến chốn, có người trở thành Tiến Sĩ, người làm Giám Đốc công ty. Riêng bố mẹ ông vì tuổi già không chịu nổi cái lạnh tại Pittsburgh nên đã về Little Saigon, Nam Cali sinh sống.

Còn Bác sĩ Phạm Mai Sĩ là Trưởng Khoa mổ tim của Pittsburgh University và Maryland University và hiện là Giám Đốc Bệnh Viện Tim tại Jacksonville Florida.

NL, một người bạn của bác sĩ Phạm Mai Sĩ không muốn nêu rõ tên của mình vì sợ hiểu lầm là làm ơn kể ơn. Tuy nhiên chính NL vào năm 1990 cũng bị mổ tim do một nữ bác sĩ ở Singapore University, cô này là học trò của bác sĩ Sĩ và khi mổ cho NL gặp sự cố, may nhờ BS Sĩ điều khiển từ Pittsburgh chỉ dạy cho cô học trò nên đã sửa sai và giúp NL có quả tim mới khỏe mạnh sống được 28 năm nay.

Ngoài bác sĩ Phạm Mai Sĩ, cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản chúng ta cũng hãnh diện có rất nhiều bác sĩ tài giỏi, nổi danh thế giới như các bác sĩ Nguyễn Đỗ Duy (chuyên khoa thông tim), bác sĩ Daniel Trương Dũng, một bác sĩ và là một nhà bác học sáng chế rất nhiều máy móc trị bệnh được khắp nơi trên thế giới thán phục mà chúng tôi đã có hai lần phỏng vấn ông đăng trên nhật báo Viễn Đông mấy năm trước đây.
Qua những trường hợp đặc biệt này, NL cho biết cảm nghĩ của mình, “Nghĩ lại, nếu những năm 75, không có chính sách di dân cởi mở, không có người dân Mỹ, không có Nhà Thờ Mỹ và Trường Đại Học Mỹ giúp thì không biết 12 sinh viên nghèo, không người thân như chúng tôi đã làm được gì trên đất nước này. Và nếu không có may mắn rời khỏi Việt Nam những ngày cuối tháng 4/1975 thì chắc chắn người như Phạm Sĩ cũng là một bác sĩ trong một bệnh viện nào đó nếu may mắn được thành Bác Sĩ. Và tôi, chắc là một giáo làng với nghề gõ đầu trẻ, hút thuốc lào, uống rượu đế và làm thơ hận đời.”

Thanh Phong

*******

Vẻ Vang Dân Việt- Bác sĩ gốc Việt tài ba Phạm Mai Sĩ

NL

Rất vui được đọc bài viết về người Bác Sĩ tài ba Phạm Sĩ (tên thật là Phạm Mai Sĩ), mà Sĩ lại là người bạn rất thân của mình. Câu chuyện về Sĩ mình cũng đã có kể cho nhiều bạn bè nghe rồi. Nay đọc bài báo thấy cần xin kể lại.

Bắt đầu từ tháng 6 năm 75, NL và Sĩ, những người con lưu lạc không gia đình đang học hành dở dang từ VN, sống tị nạn trong trại Indian Town Gap. Hai đứa được chọn trong số hàng ngàn sinh viên tị nạn thời ấy, cấp học bỗng toàn phần và tiếp tục đi học lại vào tháng 9 tại trường Lebanon Valley College, cách trại tị nạn chừng 5 dặm. Sĩ, nguyên là SV năm thứ 2 trường Dược Saigon còn NL thì năm thứ 3 trường Khoa Học, Giáo Dục tại Dalat. Hai đứa và một người bạn tên Tuấn cùng theo nghành Pre Med, nhưng sau 1 năm NL và Tuấn bỏ qua học Hóa Học và Sĩ vẫn tiếp tục nghành Y. Sẽ không có một Bác Sĩ mổ tim nổi danh thế giới sau này nếu không có câu chuyện thật kỳ lạ như thế này:

https://baomai.blogspot.com/
Mai Sĩ và bạn bè tại Lebanon Valley College

Mùa hè năm 1979, Sĩ nghe tin mình được ĐH Pittsburgh nhận vào học Y lúc đang sống vất vả , loay hoay, thất nghiệp ở Colorado, nhưng không có tiền đi học. NL thì ra trường trước Sĩ một năm, đi làm và có để dành chút đỉnh. NL gọi cho bạn nói: “Mày làm sao mượn tiền, mua vé may bay đến được Pitts, tao sẽ cố gắng chuyển tiền đến đó cho”. Gom góp hết tiền đi làm để dành và mượn thêm của bạn bè, được 15 ngàn đô gởi hết cho Sĩ, và thế là chàng SV người Việt, gốc Ninh Hòa, được nhận vào học trong khóa mùa Thu. Nửa năm sau, tháng 1, 1980, thì không còn tiền để học tiếp khóa sau, sắp phải bỏ học, mình thì bất lực không giúp tiếp cho bạn được nữa (thời đó kinh tế Mỹ rất khó khăn, vay tiền mua nhà phải trả lãi trên 10% và SV không dễ vay tiền đi học nếu không có ai đó bảo lãnh vay giúp). 

https://baomai.blogspot.com/

May mắn lúc đó tại Pittsburgh có một bà triệu phú, chồng mới mất, để lại một gia tài đồ sộ, muốn cấp học bỗng cho SV Trường Y. Nhà trường nhờ bà giúp cho hoàn cảnh của Sĩ, bà đồng ý trả cho chi phí tiền học hết những năm học còn lại với hai điều kiện: không được cho Sĩ biết bà là ai, và Sĩ phải có kết qủa học thật xuất sắc. Bà còn gởi thư hỏi Sĩ là đã mượn tiền ai để học.

Thế là một hôm NL nhận lại đủ số tiền đã giúp bạn còn thêm một ít tiền lời do bà gởi đến trả thay cho bạn Sĩ. Sĩ mang ơn trời biển, ráng học thật giỏi và quyết theo nghành mổ tim để về các nước kém phát triển giúp đỡ. Với những sinh viên Y Khoa giỏi, thường họ xin thực tập tại các bệnh viện lớn, nổi tiếng để có chỗ dựa cho tương lai. Sĩ quyết định xin qua các nước Châu Phi thực tập. Hình ảnh thời này Sĩ gởi về cho NL xem là những tấm hình chụp chung với thổ dân nghèo, với mái tranh dột nát, đám cây khoai mì khô khốc và những bữa cơm, không có cơm, thật đạm bạc. Sĩ vui vẻ giúp họ và ở đây bệnh nhân nhiều vô số cần giúp đỡ, Sĩ nói ” tao mổ tim như mổ gà”, mỗi ngày giúp mổ cho hàng chục bệnh nhân. Nhờ làm việc này mỗi ngày nên thông thạo và thực tập rất nhiều ca mổ khó, bác sĩ tim trẻ tuổi đã rành nghề khi chưa tốt nghiệp. Nhớ ơn người Mỹ đã giúp mình, Sĩ làm thiện nguyện giúp mổ tim cho trẻ em khắp thế giới, trong đó có VN.

https://baomai.blogspot.com/

Câu chuyện trong bài báo viết dưới đây có nói một chút về việc Sĩ làm nên tên tuổi khi mổ và thay gần hết lục phủ ngũ tạng ông cựu Thống Đốc Casey của PA, bố của đương kim thượng nghị sĩ dân chủ liên bang Casey. Số là ông thống đốc đã thay tim rất nhiều lần nhưng được vài năm lại hỏng. Khi Sĩ làm trưởng nhóm chuẩn bị thay tim cho ông thì có một thanh niên chết vì tai nạn xe hơi. Sĩ quyết định không chỉ thay tim, mà thay tất cả các bộ phận khác trong lồng ngực ông thống đốc, lấy từ người quá cố, một việc làm chưa ai làm trước đó, nhưng Sĩ quyết định làm. Anh nói: “tất cả các bộ phận khác của ông TĐ cũng đã hư, nếu chỉ có thay tim thì sẽ không sống được lâu, cũng phí, nên phải làm liều”. Dù cho tất cả các bác sĩ tim khác ngăn cản, Sĩ vẫn quyết định làm cách mạng y khoa, và thế là ca mổ dài hơn 36 giờ liền, có 12 Bác Sĩ giải phẩu tim thượng thặng cùng làm, Sĩ đã thành công, mà ông TĐ lúc tỉnh lại đã nắm tay Sĩ nói:

https://baomai.blogspot.com/

“Anh là Chúa cứu thế, giúp tôi sinh lại lần nữa”. Ông TĐ sống mạnh khỏe hơn 10 năm sau với trái tim của người thanh niên vắn số, rồi mới qua đời vì già.

https://baomai.blogspot.com/
Thồng đốc Casey

Nhớ lại chuyện cũ, Sĩ nói: “khi ông Casey mở mắt ra sau mấy ngày hôn mê, tôi cũng như người chết đi sống lại. Sau mấy ngày nằm cạnh để theo dõi bệnh nhân từng giờ, mình thở phào vì mình biết là đã làm nên lịch sử trong nghành y khoa”. Khi tỉnh táo, ông TĐ có hỏi Sĩ:

“Bạn cần bất cứ điều gì tôi sẽ giúp, nếu giúp được”. Và Sĩ đã kể với ông về việc muốn bảo lãnh gia đình từ Ninh Hòa qua Mỹ mà đang bị trục trặc giấy tờ. Thế là một ngày đẹp trời vài tháng sau, trên một chiếc máy bay, một gia đình nhà quê nghèo khổ có cha mẹ và một bầy em trai gái 10 người, đáp xuống phi trường gần Pittsburgs để đoàn tụ với người con trai xuất chúng, đã xa nhau gần 20 năm, của họ. 

Nhà của Cha Mẹ Sĩ tôi không lạ. Những năm làm việc tại Á Châu, lâu lâu về VN làm việc và về Qui Nhơn thăm nhà. Trên đường từ Saigon ra Trung, tôi đều ghé Ninh Hòa, một thành phố biển  nghèo xơ xác, phía Bắc Nha Trang, để thăm, gởi lời nhắn của người con xa xứ và giúp cho họ chút tiền. Lần đầu thấy có xe hơi ghé nhà, bà con xóm biển lại  xem như trẩy hội. Tôi gởi cho họ tiền đô la, số tiền đầu tiên Sĩ có được từ lương Bác Sĩ, và dặn vào Nha Trang đổi ra tiền Việt. Thời đó $4000 đô là  một gia tài quá lớn đối với họ. Tôi còn nói con trai họ, bạn rất thân của tôi, đã thành tài nơi xứ người. Nhưng họ không thể hiểu là anh ta nổi tiếng đến mức nào.

https://baomai.blogspot.com/

Bây giờ, những người em trai gái của Sĩ cũng rất thành công ở Mỹ. Có vài em lấy bằng Tiến Sĩ và có em mở công ty làm ăn khấm khá. Cha Mẹ Sĩ đã già, bỏ Pittsburgh vì qúa lạnh về sống vùng Bolsa cho gần người Việt. Sĩ là trưởng khoa mổ tim của Pittsburgh U., Miami U., Maryland U. , và giờ đang là giám đốc bệnh viện Tim tại Jacksonville, Florida.

https://baomai.blogspot.com/

Cá nhân tôi, nếu không có người bạn thân tài giỏi này thì chắc cũng không còn ngồi đây viết những giòng chữ này. Năm 90, khi đưa gia đình qua Á Châu làm việc tại Singapore, tôi đã sống với một trái tim có vần đề bẩm sinh, (có lỗ làm máu đen máu đỏ hòa vào nhau) từ bé (có lẽ vì yêu nhiều qúa chăng?) nhưng vì sợ không dám mổ nên trì hoãn. Sĩ nói nếu ông không mổ trước 40t thì sẽ chết sớm, và dĩ nhiên là tôi yêu đời muốn sống với trái tim khỏe. Mùa Giáng Sinh năm 90 tôi được mổ bởi một cô Bác Sĩ, học trò xuất sắc của Sĩ, tại Singapore U. Và nếu không có Sĩ điều khiển từ Pittsburgh, ca mỗ tim tôi gặp sự cố, và chính Sĩ đã chỉ dạy cho cô học trò sửa sai, và hơn 28 n��m qua tôi được sống với trái tim khỏe, đầy máu đỏ (nhiệt huyết).

https://baomai.blogspot.com/

Nghĩ lại, tất cả những gì xảy trên trên đời đều có lý do mà nhà Phật gọi là Duyên. Tôi tin ở số phận, tin “ở hiền gặp lành” và sống bằng tất cả tấm lòng “ai giúp mình thì mình phải giúp lại” kẻ khác. Kỷ niệm 20 năm (1975-1995) anh em chúng tôi, 12 sinh viên tị nạn đầu tiên trên nước Mỹ được học bỗng đại học, đã về lại trường cũ thăm thầy cô để cảm ơn trường . Chúng tôi chung góp một số tiền lớn, bỏ nhà băng lấy tiền lời, mỗi năm nhờ trường cho học bỗng các sinh viên nghèo cần giúp đỡ như chúng tôi 20 trước. Trong số 12 sinh viên thời ấy, tất cả sau này đều đã học đến tận cùng những gì cần học ở Mỹ. Họ là những Giám Đốc Bệnh Viện, Chủ Tịch nhà Băng, Công ty lớn. Họ là những nhà khoa học, giáo sư, nhà nghiên cứu, ngoại giao…và cũng đóng góp nhiều cho đất nước này. Phạm Mai Sĩ là một trường hợp điển hình.

https://baomai.blogspot.com/

Nghĩ lại, nếu những năm 75, không có chính sách di dân cởi mở, không có người dân Mỹ, Nhà Thờ Mỹ và Trường Đại Học Mỹ giúp…thì không biết 12 người sinh viên nghèo, không người thân như chúng tôi, đã làm được gì trên đất nước này. Và nếu không có may mắn rời khỏi VN những ngày cuối tháng 4/75 thì chắc chắn người như Phạm Sĩ cũng là một bác sĩ trong một bệnh viện nào đó nếu may mắn được thành Bác Sĩ. Và tôi, chắc là một giáo làng, với nghề gõ đầu trẻ, hút thuốc Lào, uống rượu đế và làm thơ hận đời…

Video:

http://www.lvc.edu/news/detail s/world-renowned-surgeon-comes -home

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *