PHIẾM LUẬN VỀ TIẾNG PHÚ LANG SA
1. Mấy bữa ni, vào tháng Năm, 2021, đọc trên các báo Mỹ (Newsweek, Washington Examiner…) và Pháp (Le Journal du Dimanche) thấy có tin đăng tải rằng, tại nước Pháp, thầy và cô giáo trong một số trường học ‒ vốn cấp tiến, chủ trương bình đẳng nam nữ, bảo vệ nữ quyền ‒ đã muốn có một giới tính trung lập (genre neutre) cho danh từ Tây nói chung, và văn phạm Tây nói riêng.
Chuyện này nghe quen quen, vì phong trào “chuyển giới tính” cho ngôn ngữ đã manh nha bắt đầu từ một, hai năm trước ở Pháp, nhưng không quyết liệt như vào thời điểm này. Tuy nhiên, nó cũng làm tiện nhân nhớ lại một chuyện xảy ra tại Mỹ, 5 tháng trước đó ‒ liên quan tới anh chàng dân biểu (D-Missouri) Emanuel Cleaver, một cựu mục sư nhà thờ United Methodist, và cựu thị trưởng Kansas City, một anh đương kim DemoK-Rat thuộc loại khùng hết thuốc chữa, vào ngày January 5, 2021 vừa qua, sau khi kết thúc bài diễn văn đọc trước Hạ Viện Mỹ bằng chữ A-men, và một A-women rất nhảm nhí, lố bịch, đã làm trò cười cho cả bàn dân thiên hạ. Khiến một anh chàng trong giới truyền thông Mỹ phải nói đùa rằng khi nhắc đến mì gói Ra-men thì Xin ông chớ quên mì Ra-women đấynhé.
Tiện nhân gọi anh dân biểu kiêm mục sư K-Rat Cleaver này là một anh khùng hết thuốc chữa chỉ vì anh ta đã không nhớ rằng Amen là tiếng Hébreu (Hebrew) được dùng để kết thúc câu kinh Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, và Hồi giáo, có nghĩa “Let it be so” trong tiếng Anh, “Ainsi soit-il” trong tiếng Pháp, và “Xin được như vậy” trong tiếng Việt, mà chẳng mắc mớ gì đến đàn ông, đàn bà, và giới lại đực, lại cái.
2. Trở lại chuyện giới tính trung lập trong tiếng Pháp. Ai cũng biết rằng tiếng của dân Gaulois ‒tên gọi cũ của dân Phú Lang Sa, bởi chữ Gallus, khi nước Pháp, tức La Gaule, Gallia, còn là thuộc địa của đế quốc Rome, mà gallus chỉ con gà trống (cho nên trên áo của các cầu thủ đá banh luôn in hình con gà cồ) ‒ có nguồn gốc từ tiếng Latin. Và tiếng Latin, khác với hầu hết các thứ tiếng trên thế giới, có ba giống: đực, masculin, như puer (con trai, boy), cái, féminin, như puella (con gái, girl) và trung tính, neutre, như corpus (thân thể, body), carmen (bài hát, song), tempus (thời gian, time), vulnus (vết thương, wound ) etc… được ấn định vĩnh viễn cho mỗi một danh từ (lôi theo các tĩnh từ và đại danh từ đi cặp với nó) phải được chia (déclinaison / declension) theo luật mẹo dành cho cái giống đó. Còn tiếng Pháp, tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của Latin, tự ngàn xưa, chỉ có hai giống, masculin (le, un) và féminin (la, une), không có neutre ‒ được thay bằng le, un hay la, une tùy trường hợp (le corps, la chanson, le temps, la blessure).
Còn nhớ, khi dạy Pháp văn và Latin tại trường Eastern Washington University, ở Cheney, trong một lớp Pháp, tiện nhân đã bị một cô sinh viên Mỹ, vốn ưa théc méc, bất ngờ hỏi một câu ngang xương, không dính líu tới bài học: “Monsieur, tại sao verge (dương vật) của đàn ông mà lại ở féminin, la verge?” Tiện nhân bèn trả lời, một cách vắn tắt, “bởi vì nó có xuất xứ từ tiếng Latin virga, ở féminin (trong khi penis cùng nghĩa lại ở neutre). Tại sao? Tôi không biết”. Cô chưa chịu, bèn hỏi tiếp: “Thế tại sao vagin (âm vật) của đàn bà lại ở masculin, le vagin?” Đến câu hỏi này, tiện nhân thấy mình sắp lâm vào thế bí, không viện dẫn Latin được nữa, vì vagin trong tiếng Latin là vagina, cũng ở féminin, thì bỗng nhiên một nam sinh viên nhảy ra làm Lê Lai cứu chúa: “Thưa thầy, vì tụi em không biết Latin, nên chưa rõ sự cắt nghĩa của thầy dựa trên ba genders của Latin. Nhưng, em nghĩ một cách đơn giản rằng, trong tiếng Pháp, con verge dành cho đàn bà, cho nên nó phải ở giống féminin, còn cái vagin dành cho đàn ông, cho nên nó phải masculin. Chỉ thế thôi!” Cả lớp ồ lên cười. Cũng may, chuyện này xảy ra vào năm 1991. Chứ nếu bây giờ, khi phong trào đồng tính luyến ái và hôn nhân đồng tính nở rộ, bay cao như diều gặp gió, và được các ông, các bà Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ công nhận và cổ súy, vào ngày 26/6/2015, và mới đây được Giáo Hoàng Francis OK, thì trả lời theo kiểu này, anh sinh viên nọ có ngày bị no đòn.
3. Danh từ (nom) hay đại danh từ (pronom) Pháp, ta biết, chỉ có hai giống đực và cái (il, elle), không có trung tính, khác với Latin (ille, illa, illud), hay Anh ngữ (he, she, it). Ngoại trừ một trường hợp: ce, là một pronom démonstratif neutre, đồng nghĩa với cela, trong những câu như: c’est vrai, ce n’est pas vrai, ce peut / doit être vrai, ce nous fut une grande joie etc… Cho nên các nhà cải tổ và thầy cô giáo cấp tiến Tây muốn hạn chế những danh từ sặc mùi “nam phiệt” (macho), luôn luôn ở masculin, mặc dù trong đám chỉ có một đàn ông, bằng cách viết thêm vô những chữ đó hai dấu chấm, kẹp một chữ e (tượng trưng cho genre féminin) ở giữa (mid-point). Ví dụ: les dirigeants (“những người lãnh đạo”, chỉ ở masculin, mặc dù trong số có một, hay hai, ba phụ nữ, cũng không tính).Hay trong một đám bạn, les amis (“những bạn bè” dù chỉ cómột ông và cả trăm bà, cũng là masculin ‒điều có vẻ bất công cho phụ nữ). Cho nên họ đề nghị, trong những trường hợp này, phải viết les dirigeant.e.s và les ami.e.s kiểu nước đôi, trung tính, thay vì không dám giỡn mặt với văn phạm để viết riêng lẻ cho dirigeantes và amies, đều là féminin.
Chưa kể phải thay đổi, hoặc bỏ hẳn, các danh từ. Ví dụ, không sử dụng nữa những chữ như oncle (chú, bác, cậu, masculin), tante (cô, dì, féminin), cousin (anh, em bà con, masculin), cousine (chị, em bà con, féminin), trong đó giống đực và giống cái, theo họ, được phô bày quá lộ liễu, mà có thể thay bằng những chữ tổng quát, trống trơn, ba phải, phi giới tính, như mes proches parents (những bà con gần của tôi), chẳng hạn. Còn bồ bịch, nam thì có copain, petit ami, nữ có copine, petite amie, trong thời đại đực, cái hỗn tạp homosexuels này,được gọi tuốt luốt là partenaire (người cộng tác, có nghĩa ngủ chung giường, ở đây), kể cả chồng, vợ, thì tạm an toàn xa lộ. Khác với trong tiếng Anh, chữ spouse, dùng để chỉ chồng hay vợ, tiếng Pháp không có chữ chung cho hai giống, mà phải dịch riêng là époux (chồng) hoặc épouse (vợ). Tiếng Việt dịch là “người phối ngẫu”, áp dụng cho vợ, hay chồng, cũng tạm OK, và siblings (con cái), gồm cả trai lẫn gái, không cần kể ra đứa nào nam đứa nào nữ, làm chi cho mệt óc.
4. Mới nêu ra sơ sơ mấy cái rắc rối lẻ tẻ đó thôi mà các ông, bà Tây bình thường đã nhảy dựng lên, xua tay, lắc đầu, la inh ỏi: “Mais non, non, non, merci. C’est impossible!” Nói chi các ông thần giữ chùa trong L’Académie française (Hàn Lâm Viện Pháp) và chính quyền Macron, gồm Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer. Tất cả đều lên tiếng phản đối kịch liệt việc đề nghị cải tổ, ít nhiều có dính líu đến chính trị này. Có những kẻ, nhất là mấy anh Fake News Tây, chơi trò đổ thừa cho dân Mỹ (Ah, mais ces Ricains!) chuyên cổ động cho phong trào nam nữ bình quyền, để làm chi cho phiền phức như rứa? Dân Pháp (gồm Tây Thiệt và Tây Giấy), vốn tự hào về ngôn ngữ của họ, cho nó là số một trên đời. Chuyện đó đúng sai, chưa bàn đến. Nhưng dưới cái nhìn cá nhân, chủ quan, tiện nhân nghĩ rằng người Pháp ít kỳ thị ai về màu da, sắc tộc, tôn giáo, chức vụ xã hội, bằng cấp v.v… cho bằng việc “nói tiếng của Molière” (một kiểu nói văn hoa, “la langue de Molière”, tức tiếng Pháp) mà họ rất hãnh diện: nói, hay viết, sai văn phạm, sai chánh tả, nói không đúng accent Tây, là xin mời ngài đi chỗ khác chơi. Cách đây mấy năm, tiện nhân đã có viết một bài về sự kỳ thị của người Pháp rồi. Nay xin lặp lại một chút xíu đó thôi. Nói chung, họ không muốn ai đụng đến ngôn ngữ tuyệt vời (quả thật như vậy) của họ. Không muốn ai đề nghị này nọ, ngoại trừ các cụ trong Viện Hàn Lâm, vì đó là nhiệm vụ của các cụ.
5. Họ viện cớ rằng, tiếng Pháp chỉ có hai giống đực và giống cái mà thôi, vốn đã khó học rồi, nay còn bày thêm giống trung lập (genre neutre), bắt chước Latin làm chi nữa, hả trời, bằng cách thêm hai dấu chấm kẹp một chữ e ở giữa để biến một danh từ thuộc giống đực trở thành giống cái, đúng ra vừa đực vừa cái, tức trung tính, voilà, thì càng khó hơn, càng rắc rối thêm. Như vậy, càng giết chết tiếng Tây, và không còn ai muốn học nó nữa.
Portland, 23 /11/2021
Hiệu đính, viết lại 29 /12/2023
NLGO