TRƯỜNG LASAN BÁ NINH NHATRANG  (Đặng Châu Long)

Đôi lời giới thiệu


Tác giả Đăng Châu Long là cựu học sinh Trường La San Bá Ninh Nha Trang (trước 1970), một ngội trường đặc biệt nằm trong hệ thống giáo dục do các Frères Dòng La Salle sáng lập, là ngôi trường trung học mẫu mực trên tất cả mọi phương diện. Ngoài thành tích đỗ đạt cao trong các kỳ thi, học sinh còn được trau dồi toàn diện trên mọi lãnh vực để trở thành những con người hữu dụng, gương mẫu, trong một xã hội văn minh, với châm ngộn “Nhân Bản – Dân Tộc và Khai Phóng”.
Bài viết cũng thể hiện tinh hoa của nền Giáo Dục Học Đường tại Miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Cám ơn tác giả và xin được hân hạnh giới thiệu đến bạn đọc.

Cám ơn học đường và sinh hoạt cộng đồng
đã góp phần hình thành nhân cách sống cho tôi!

đặngchâulong

1-

Tôi vào trường Bá Ninh với sự tự tin sẽ dễ dàng nhập học nhờ lá thơ của Sư Huynh Georges Mai Văn Hùng. Trường đã nhập học được hai tháng. Bước vào trường trong im ắng, dù đang giờ học, mường tượng như đang là ngày nghỉ. Tôi vào trình Sư Huynh Casimir Phan văn Chức, Hiệu trưởng, lá thơ của Sư Huynh Georges và toàn bộ hồ sơ học bạ. Frère đọc xong, suy nghĩ một lát rồi nói: Niên khóa này đã tuyển xong hai tháng rồi, nhưng trường hợp của con để Frère tính. Mèn ơi, hồ sơ tôi hai năm Thất Lục chỉ vài tháng xếp hạng 2,3., còn thì toàn số 1, lại có thơ của Frère Georges gởi nữa, không biết Frère Casimir có nể tình chút chút chăng.

Frère Casimir cho gọi Frère giám học. Một Frère trung niên mang kính bước vào, mặt có vẻ lạnh lạnh, sau này mới biết là Frère Alexandre Lê văn Ánh.Frère Hiệu trưởng nói với Frère Alexandre cái gì đó rồi giao tôi cho Frère dẫn đi.Frère dẫn tôi đến khu nhà gần cổng trường, có 2 phòng nhỏ, bảo tôi ngồi chờ. Một lát sau Frère đưa 2 tờ giấy trắng và 2 đề bài , một Toán, một Lý, bảo tôi làm. Đúng là mấy ông Frères La Salle. Tận tín thư bất như vô độc thư, Than ôi.Nửa tiếng sau khi tôi làm xong hai bài kiểm tra, Frère Hiệu trưởng mới thông báo đồng ý nhận tôi vào học bắt đầu từ ngày mai. Frère Alexandre dặn dò tôi một số thủ tục và nội quy trường trước khi cho về. Hú hồn, mọi việc cuối cùng cũng êm xuôi.

Ấn tượng đầu tiên đó giúp tôi hiểu rằng trường Lasan Bá Ninh chẳng dễ dãi chút nào đối với việc nhận một học sinh.Bắt đầu hôm nay tôi được học trong môi trường danh giá nhất trong hệ thống các trường Dòng, Dòng Giáo dục La Salle. Đến đây tôi cũng muốn mở ngoặc một chút để giải thích vài hàng về hệ thống giáo dục này. Dòng La Salle được thành lập năm 1685 bởi Thánh Jean Baptiste de la Salle (1651-1719) Ngài thụ phong Linh mục năm 1678 và bắt đầu sự nghiệp giáo dục thanh thiếu niên từ đó, nhưng mãi đến 1685 dòng La Salle mới chính thức được thành lập.Tháng 12-1690 Henri l’Heureux, một sư huynh của dòng qua đời khi sắp được thụ phong linh mục. Thánh La Salle coi đó là ý Chúa nên quyết định sẽ không có linh mục trong Dòng La Salle. Từ đó, Dòng La Salle là dòng Anh Em Hèn Mọn, toàn tâm lo giáo dục Thanh Thiếu Niên. Công Đồng chung Vatican II cho phép các Sư Huynh được thụ phong linh mục, nhưng Dòng La Salle từ chối để giữ di huấn của Thánh La Salle. Một trong nhiều nguyên tắc sư phạm của Thánh La Salle mà nay vẫn còn nguyên giá trị:
To avoid frequent punishments, which are a source of great disorder in a school, it is necessary to note well that silence, restraint, and watchfulness on the part of the teacher that establish and maintain good order in a class, and not harshness and blows. A constant effort must be made to act with skill and ingenuity in order to keep the pupils in order while making almost no use of punishments. (Reisner, 1935, trang 169)
Ðể tránh việc phải trừng phạt liên miên, vì đó là một nguồn tạo nên sự lộn xộn lớn trong trường học, ta cần phải nhớ là chính sự im lặng, sự tự chế, và sự chăm chú của người thày giáo mới tạo ra và duy trì được trật tự trong lớp, chứ không phải là sự khắc nghiệt hay đánh đấm. Thày giáo phải luôn luôn cố gắng để hành động một cách tài tình và khéo léo để học trò giữ kỷ luật mà không cần phải dùng đến hình phạt.

Trường La Salle Bénilde (Bá Ninh) nơi tôi học, bắt đầu thành lập ngày 30-7-1954 do kiến trúc sư J.Masson vẽ kiểu. Bắt đầu nhận học sinh từ 01-9-1954. Lúc ấy, dạy theo chương trình Pháp.Hiệu trưởng đầu tiên là Sư Huynh Henry Hòa. Sư Huynh Alexandre Ánh lúc ấy còn thi hành nghĩa vụ quân sự và ở Biệt thự Sablons của công đoàn La Salle, Frère chính thức về trường năm 1962 . Sư Huynh Gonzague về làm Phó Hiệu Trưởng từ năm 1957, và cũng chính Frère đã đặt tên việt hóa là Bá Ninh cho trường.Sư Huynh Francois Loan về trường năm 1958, Frère Philbert năm 1959, Frère Severin năm 1962, Frère Barthelemy và Théophile năm 1966, Frère Pierre Hiếu và Ninh Nguyên năm 1967 và các Frères Emily, Vân Hà, Prosper, Martial chưa rõ về năm nào.Tôi được xếp vào lớp Đệ Ngũ 1, sinh ngữ chính là Pháp văn, phụ là Anh Văn, Frère Martial là Sư huynh hướng dẫn lớp, Trưởng lớp là Nguyễn Đức Tú, biệt danh Tú Bà, để phân biệt với Tú Ông là Trần Quốc Tú. Frère Martial vui tính, nhưng trong học tập rất nghiêm. Trong tủ lớp bao giờ cũng có một bó cây roi và một túi lớn bong bóng, Cây roi để đe mấy tay cứng đầu, túi bong bóng phát cho kẻ có thành tích, nói vậy thôi chứ Frère hiếm khi phải dùng đến đả cẩu bỗng.Bàn dưới cùng là mấy tay có thành tích của lớp. Một buổi chiều giờ của Frère Martial, ở bàn dưới quậy gì đó, Frère bắt gặp, nhưng gần hết giờ, nên dời xử chuyện đó vào sáng mai là giờ Giáo lý, cũng Frère phụ trách.Sáng hôm sau, Frère vào lớp, cả lớp đứng lên, Frère mới vừa làm dấu thánh giá, chợt nhìn xuống bàn cuối, 5 ông tướng: Xuân, Phong, Bé, Phúc tề thiên và Tú ông với 5 đầu cạo trọc lông lốc, frere tức cười quá, bỏ qua không nhắc tới phạt chuyện hôm qua, chắc thấy tụi nó sám hối cũng đủ rồi.Vào năm đó, tôi ngồi cùng bàn với Quý Điền, một người bạn củng trầm tỉnh như tôi. Điền có em là Quý Minh củng học chung trường. Cha của Điền là ông Bảo Trọng, làm việc ở Nha Cảnh Sát Trung Nguyên Trung Phần. Mỗi khi rỗi rảnh, hai chung tôi thường ra ngồi dưới tán cây dương bãi biển trước trường, khi thì đọc sách , khi thì tán gẫu. Chúng tôi thường trao đổi nhau những quyển truyện Pháp Bibliothèque rose, hoặc vert. Cuối năm Đệ Ngũ, ba Điền đổi lên Đà Lạt. Ngày chia tay thật buồn, tôi mang hai quyển sưu tầm tem của tôi lâu nay, tặng cho em Quý Minh. Chấm dứt giai đoạn sưu tập.Thày giáo dạy môn Việt văn của chúng tôi là Thày Châu Hải Kỳ, bạn văn thơ của Võ Hồng, Quách Tấn, Cung Giũ Nguyên. Thày nhỏ người , da ngăm đen, nghiêm nghị, truyền đạt môn văn cho chúng tôi với nhiệt tâm thường hằng. Năm đó, thày dạy chúng tôi làm Đường thi. Thày phỏng theo đề Rắn đầu biếng học của Lê Quý Đôn mà ra đề Học trò ngỗ ngược. Khi trả bài, thày phê bài tôi tuy ý không mới nhưng chặc chẽ, vế đối chỉnh, tôi chỉ còn nhớ hai câu Thực của bài tập Đường thi đó:Cha kêu cút mất không nghe dạMẹ gọi câm ngay chẳng thấy ơiĐó là lần làm Đường thi đầu tiên trong đời tôiChúng tôi học toán với thày Ngô văn Sung, mà thày sung thiệt, chẳng đứa nào dám hó hé với thày, phải chịu khó học thôi, Frère Francois dạy Pháp văn. Vô phúc cho trò nào biếng nhác sẽ bị Frère lên lớp thật lâu, mà hình như lúc nào cũng có kèm câu nô lệ muôn năm, nghe hãi quá, phải lo học thôi. Những tháng của năm Đệ Ngũ tôi chỉ chuyên lo học, chiều thứ tư và thứ bảy lại đến trường tập thể thao, văn nghệ. Nguyên tắc của trường là đào tạo toàn vẹn cho học sinh, từ văn nghệ, thể thao đến tri thức, đối nhân xử thế.Thể thao gần như là môn chính trong chương trình học. Sáng có nửa giờ, từ 11g đến 11g30, chiều từ 4g30 đến 5g00. Trường có 5 sân basket, 6 sân bóng chuyền, 5 bàn pingpong, 1 sân bóng đá. Hàng tháng trường phát sẵn lịch từng sân cho các lớp. Ngày nào lớp không có sân thì đổi bằng môn ballon militaire, hoặc ra biển chơi Water polo. Nhờ vậy chẳng sáng chiều nào chúng tôi không rèn luyện thể chất. Với truyền thống thể thao đó, ở Khánh Hòa, bao giờ Bá Ninh cũng là trường dẫn đầu cả tỉnh, ngay cả gia chánh nữa, năm 1968 chúng tôi đoạt hết các giải trong trại Đoàn kết liên trường Khánh Hòa tổ chức tại Cồn Dê. Năm 1962 trường La Salle Taberd phải nhường chức vô địch bóng rổ lại cho Bá Ninh ngay tại sân Taberd. Riêng ở tỉnh Khánh Hòa, chỉ có một đối thủ bóng rổ là có thể ngang ngửa với Bá Ninh là Trường Tàu Khải Minh.Về Văn nghệ thì rộn ràng ngay từ đầu niên khóa, các Frères đã chuẩn bị lên lịch : kịch dài, hợp ca cho ngày tềt sắp đến. Nào chọn lựa các bè bass, tenor, chọn diễn viên kịch… tất cả cứ tập dợt mãi đến ngày văn nghệ bằng những giờ ngoài chương trình hoặc sau giờ học tùy theo sắp xếp của Frères phụ trách văn nghệ. Những năm tôi học thì Frère Thadée phụ trách, sau đến lượt Frère Pierre Hiếu, hay còn được gọi là Frère Trung Hiền. Frère Alphonse thường là đạo diễn cho những vở kịch dài chủ đạo, vì Frère khéo trong xảo thuật sân khấu. Tôi vẫn còn ấn tượng với cảnh ó ma lai rút ruột trong vở Huyền Trân Công chúa năm đó. Giữa khung cảnh mờ mờ ảo ảo dưới ánh đèn đỏ ma quái, những chùm ruột và những chíếc đầu rũ rượi ma quái di chuyển qua lại sân khấu.Những năm trước, khi còn Frère Amedee Minh , trường còn có cả một dàn nhạc Violon mấy chục cái, frere đi rồi, ban nhạc cũng lắng xuống, thời chúng tôi chỉ còn mỗi lớp được trang bị một piano để tập nhạc mà thôi.Hết niên học, tôi đươc chọn nhận giải lớn nhất lớp, giải Hạnh Kiểm, bởi giải này kết hợp cả Học lực và Đạo đứcTrong dịp hè niên khóa 1965-1966,trường Bá Ninh nhờ việc cho mướn biệt thự Aux Sablons, số 28 Duy Tân (trường ở sát kề, số 26 Duy Tân) nhà trường có thêm tài chánh đủ để xây dựng thêm hai lớp bằng cách kéo dài thêm nhà nguyện mà sư huynh Thomas Hyacinthe đã xây cất. Nền móng của hai lớp học này được xây để trong tương lai đủ khả năng chịu đựng thêm hai tầng nữa nếu nhà trường có ý định cơi thêm lầu. Nhà xe nằm kế bên nhà bếp được sửa chữa và kéo dài ra thêm 5m. Nhờ đó phòng ngủ mới của sư huynh Hiệu trưởng sẽ được nới rộng và khang trang hơn. Một căn nhà gác nhỏ được xây dựng phía cổng quay ra đường Nguyễn Tri Phương. Đó là nơi tôi gặp Frere Casimir và frere Alexandre ngày đầu tiên vào trường Các phòng học cạnh phòng thí nghiệm và phòng các sư huynh thêm sáng sủa nhờ được cải thiện tốt hơn. Các công tác tu bổ, sửa chữa này được thực hiện trong các tháng nghỉ hè, tháng bảy và tám, và chi phí cho công tác lên đến 850 000 đồng.Năm 1966 Trường chuẩn bị mừng lễ đệ nhất bách chu niên về sự hiện diện của các sư huynh La San tại Việt Nam, Không khí thật rộn ràng, Lớp Đệ tứ 1 của chúng tôi được phân công làm xe hoa chính cho lễ. Chủ đề xe hoa là Thánh Gioan Lasan và thanh thíếu niên. Nguyễn văn Lòng được Frère Francois cử làm Thánh Lasan, thêm mấy lóc nhóc lớp Đệ Thất nhỏ con ngồi chung quanh phụ họa. Mấy cái “tượng” này thì khỏe, chỉ việc ngồi bất động theo sự sắp xếp của Frères. Chỉ chúng tôi mới mệt. Bởi xe hoa kêt hợp bởi hai chiếc xe đạp, phần khung sườn phải kết hợp sao cho vừa chắc chắn chịu đựơc 5 người ngồi lên, vừa phải không vướng guidon để lái xe đi đúng hướng. Cuối cùng các “kỹ sư độ” cũng nghiên cứu thành công, chỉ phiền một nỗi là chủ nhân hai xe đạp đó phải đi ké bạn trong suốt thời gian xe mình được nâng cấp thành xe hoa cho ngày lễ.Các lớp khác cũng rộn lên, lớp thì lo tập xếp Kim Tự Tháp, lớp lo tập dợt Cỗ xe La mã, lớp lo văn nghệ, thật vui.Dự định ngày 3-12-1966 sẽ tổ chức trọn ngày. Không may ngày đó mưa suốt, trường phải dời lại ngày 18-12-1966. Trong dịp này, các trường Công giáo tại thành phố Nha Trang – các trường La San, trường của dòng Giu-se, trường của các nữ tu Bác Ái, của các nữ tu dòng Đức Bà Truyền giáo … luôn quan tâm hổ trợ công tác tổ chức, đó cũng là bước đầu cho một cộng tác chặc chẽ những năm về sau.Dù bận rộn lo chuẩn bị lễ Đệ Bách chu niên, nhưng bây giờ cũng đã vào mùa Giáng sinh nên cứ theo thông lệ, các lớp trang hoàng phòng ốc, hang đá để tạo ấn tượng cao nhất cho lớp mình. Thày Vui cũng đã hòan thành paneau hình Thánh Lasan đặt ngay cạnh sân cờ, vị trí trung tâm của buổi lễ. Frère Thadée lúc nào đôi má cũng hồng hào như….con gái, lăn xăn cùng ca đoàn tập tới tập lui các bài hợp ca Hòn Vọng Phu, Đà Lạt sương mờ… Frère Casimir, thong thả tới lui cười tủm tỉm, chắc Frère cũng chờ đợi từng ngày như chúng tôi. Chỉ Frère Alexandre là có vẻ bận rộn nhất, vừa giải quyết những chuyện thường ngày của trường, vừa chạy ngược xuôi để cung ứng nhu cầu của buổi lễ. Dù sao Frère cũng là người đa hiệu, tốt nghiệp trường Đại Học Politechnique của Pháp.

2- 

Năm 1966 cũng là năm đầu tiên miễn thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, Bằng được cấp theo kết quả học của 4 năm Thất Lục Ngũ Tứ. Vậy là tôi đỡ lo trong năm nay. Năm này nhờ ít bận tâm thi cử nên tôi cũng hoạt động nhiều hơn. Tôi bắt đầu tham gia Thanh Sinh Công, giúp Frère Alexandre lo micro, ampli chuẩn bị sẵn cho Frère Hiệu Trưởng nói trong giờ chào cờ, giúp Frère Francois trong việc gìn giữ tủ sách lớp. Phần lớn là sách Hạnh các Thánh, Học làm người, kỹ thuật trong sinh hoạt cộng đồng…trong lớp Đệ Tứ 1 tôi phụ trách toàn bộ những sinh hoạt chung, nhờ vậy tôi cũng có được thêm một số kiến thức bổ sung trong các lãnh vực nầy. Tôi quên nói, dù là trường dòng của Công giáo nhưng thực tế chỉ có khoảng hơn 10% là học sinh công giáo thôi. Nhưng tôi chưa từng thấy bất kỳ một khác biệt nào trong cách đối xử hàng ngày, trong học tập cũng như trong sinh hoạt, năng lực là điều kiện tiên quyết trong các sinh hoạt. Tôi là một minh chứng. Bao giờ các Frères cũng cho tôi đủ điều kiện để tự khẳng định mình.Năm này tôi được học với Thày Nguyễn Thế Thoại về Việt Văn. Thày là một nhân sĩ thâm nho. Mỗi bài học về truyện Kiều là một khám phá mới cho chúng tôi, nhờ những phân tích của thày, chúng tôi nhìn được nhiều ẩn chứa sau những điển tích, nghệ thuật chiết tự.. Con của thày, Thày Nguyễn Thế Thụy cũng dạy Anh văn trong trường giai đoạn này. Một ấn tượng trong năm nay, Frère Ninh Nguyên dạy Lý Hóa, ngày nào lớp hơi lộn xộn là Frère thuyết giáo dài hơi cho chúng tôi, nhìều khi không còn kịp kiểm tra bài, tụi tôi cũng có đôi chút lợi dụng điểm này, làm bộ nhốn nháo cho Frère la rầy, để bớt làm bài kiểm tra hàng tuần. Thứ ba học trò mà.
Hàng tháng trường đều đặn có một đêm văn nghệ do các lớp trong trường tự sắp xếp lịch diễn các tiết mục của lớp. Có khi không chuẩn bị kịp tiết mục, thì tôi lại nhờ vào tài độc diễn của Hà Trung Nghị, anh của Hà Trung Tín học cùng trường. Chỉ cần tôi chuẩn bị cho Nghị vài món dụng cụ là đủ cho Nghị lên một vở kịch ngắn vui cho cả trường.Ngoài văn nghệ, Bá ninh còn có Ciné club, chuyên tổ chức chiếu phim hàng tháng miễn phí cho cả trường, cũng phát hành vé để dễ kiểm soát .Giữa trường Bá Ninh và College Francais cạnh bên thường có mối quan hệ trong hoạt động văn hóa, nên hay trao đổi giấy mời trong các dịp đó.Cuối niên khóa 1966-1967, trước khi trao giải thưởng cuối năm, Frère Francois dẫn tôi vào phòng chứa đầy tặng phẩm như tự điển , sách vở.., cho phép tôi lựa trước quyển tự điển ưng ý. Frère nói để khỏi trùng với những quyển tôi được nhận những năm trước. Tôi chọn quyển Petit Larousse Illustré năm 1966. Ai có thể quan tâm học sinh mình hơn các Frères của tôi?.@Mỗi ngày như mọi ngày, trường mở cổng hướng đường Nguyễn Tri Phương vào lúc 6g30. Chúng tôi ai nấy kiểm tra lại áo quần trước khi bước vào cổng trường. Frère Alphonse đứng đối diện hướng vào cổng, chắp tay sau lưng im lặng ngắm học sinh, thỉnh thoảng ngoắc một cậu vào, có khi do áo xốc xếch, có khi do không mang giày có quai hậu…7 giờ đúng cổng trường khép lại, chỉ mở lại 15 phút sau, Học sinh nào vào sau phải thông qua giấy phép của Frère Giám Học. Trường hợp nghỉ học phải có sự trực tiếp xin của phụ huynh, không qua đơn từ. Thật ra trường có thể dễ hơn, hoặc khó hơn tùy trường hợp. Trong quá trình học, sự liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh rất chặc, nên trường dư sức hiểu học sinh mình tâm tính như thế nào để có những biện pháp thích hợp. Như trường hợp M Đ K học sau tôi 2 lớp , hình như là một học sinh cá biệt nhất trường. Lúc nào K đi học cũng có một quyển sổ liên lạc riêng để xin từng chữ ký của thày hoặc Frère của từng tiết học. Sau này gặp lại K, cùng làm chung một chỗ K nói : Hồi đó cũng bực mình lắm, rồi cũng quen. Đến khi có con rồi mới biết ơn các Frères đã khổ công với mình thế nào.

Năm Đệ Tam là năm khởi sắc của tôi. Năm đó chúng tôi coi như là năm hưởng nhàn, vì không bận tâm việc thi cử, dù chương trình học lại có tính căn bản cho các năm sắp đến. Năm nay cũng là năm chúng tôi bắt đầu học thêm sinh ngữ 2 là Anh Văn. Mới học Anh Văn, nhưng chúng tôi phải học với toàn những người nước ngoài. Mới đầu là Soeur Jeanne, Soeur tu dòng vào đời nên không mặc áo dòng. Soeur được trường bố trí ở Biệt thự Aux Sablons của trường, mỗi ngày Soeur chỉ việc đi vài chục mét là tới lớp.Soeur nói tiếng Pháp, cũng may, chúng tôi đã học tiếng Pháp được 4 năm nên tạm thích nghi. Được vài tháng, không biết có phải vì…oải chúng tôi chăng, Soeur không dạy nữa, thay vào là Thày Tony người Newzealand, ông này trẻ lắm, nghe nói là dân thiện nguyện, có người yêu cũng là thiện nguyện, hai người như mèo chuột đuổi bắt, nghe nói người yêu đến Việt nam, thày cũng đến, nhưng vừa đến nơi thì..nàng cũng vừa đi nước khác, thày phải chờ phục vụ một thời gian nữa mới đi tiếp được. Mệt một nỗi là Thày Tony chỉ biết tiếng Anh nên thày trò chúng tôi mõi cả tay trong giai đoạn đầu, tới hồi tạm thông cảm thì bắt đầu khắn khít, thày thường theo chúng tôi học thêm tiếng Việt. Đôi khi mấy đứa trong lớp dạy tào lao thí dụ như: Đẹp trai là Cù lần lửa, Thày học để rồi vài hôm sau vào càm ràm “thày” tiếng Việt của mình, kết cuộc hai bên cười trừ là xong.
Năm nay Frère Gonzague làm Hướng Dẫn lớp. Chúng tôi quí Frère vì tính đạo đức của Frère và chăm lo học sinh mình hết lòng. Frère dạy Giáo Lý và Pháp văn. Giờ Pháp văn chỉ được nói bằng tiếng Pháp, từ đọc kinh cho đến xin ra đi toilet. Giờ giáo lý Frère cũng cho những mẫu chuyện nhỏ bằng tiếng Pháp và chúng tôi phải học thuộc lòng. Những mẫu chuyện đó thường là những cung cách ứng xử trong cuộc sống, hoặc những bài luân lý về giá trị tiền bạc, tình bạn, tính biển lận… không dính dáng gì đến tôn giáo. Học thuộc xong, Frère cho chúng tôi làm luận văn về các đề tài đó, sau đó đưa ra lớp tranh luận. Tôi còn nhớ lúc Frère Gonzague ra đề nói về tính thiệt thà, tôi làm bài so sánh thiệt thà và chữ cù lần, và khen những người cù lần đó. Khi phát bài, Frère lấy riêng bài tôi ra đọc cho cả lớp và khen tôi biết phân tích. Hoàng Như Phổ làm trưởng lớp, tôi làm lớp phó phụ trách học tập. Chính việc này đã làm tôi bỏ khá nhiều thời gian cho nó, tôi bắt đầu chủ biên một tờ báo tuần cho lớp. Tuần nào ít bài thì tôi bao hết, ngó vậy nhưng cũng vui lắm, tôi vẫn còn nhớ hoài bài Đệ tam u hồn cốc của Hoàng Như Phổ, nói về những hoạt động của lớp theo phong cách võ hiệp. Buổi trưa, sau giờ học đôi khi là giờ học thêm, do chính các học sinh cùng lớp kèm nhau để giảng lại chính bài giảng của thày trong ngày để các học sinh hiểu hơn.Chỉ trừ trường hợp cá biệt quá mới tới tay các Frères, lúc đó phải đến trường vào ngày nghỉ để học dưới sự giám sát của các Frères, hồi đó gọi là giờ consigne, đứa nào bị vào danh sách consigne thì….lúa đờiThường chúng tôi vẫn theo phương pháp các Frères dạy: Học và chăm chú nghe giảng tại lớp là đã tiếp thu bài học đươc 80% rồi. Khi thày gọi lên trả bài, chúng tôi không nhất thiết đọc đúng theo bài, miễn diễn giải sao chứng tỏ mình thông suốt bài là được. Còn Thày Nguyễn Cư thì dạy cho chúng tôi cách thu gọn bài theo phương pháp sử dụng các tấm fiches. Một bài sử địa của thày mỗi học sinh phải làm dàn bài tóm tắt chi tiết, thày chấm các tấm fiches đó, thày bảo khi chúng tôi cố công thu gọn bài học thì chúng tôi đã nắm bắt được ý nghĩa của bài đó rồi. Thày cũng có trí nhớ rất tốt. Vào lớp chỉ với viên phấn, thày vẽ thật nhanh bản đồ thế giới, vừa vẽ thày vừa giảng, vừa ghi những số liệu ngày tháng kèm theo, chưa bao giờ tôi thấy thày mang theo gì khi dạy học.Thày Nguyễn văn Bá dạy Toán cho chúng tôi cũng có những điều đáng nhớ. Bắt đầu vào lớp đến khi hết giờ là những hoạt động không nghỉ của thày, ngoại trừ những lúc chúng tôi làm bài kiểm tra. Thày có thói quen hút thuốc Ruby, nhưng chỉ trong giờ giải lao, khi chuông vào lớp thì thày cũng vừa rít hơi cuối cùng nên Từ hòa Khánh đặt chết danh thày là…Ruby rít . Thày cũng ngán đám học trò này lắm, có hôm trời lạnh, thày mặc ngoài chiếc áo ấm mới tinh. Vừa vào lớp đám học trò đã trầm trồ khen quá mức , làm hôm sau thày hết dám mặc. Thày vốn không muốn ai khen.Những hoạt động bên ngoài lớp học lại chính là những kỷ niệm sâu sắc với tôi. Năm nay tôi thường xuyên trợ giúp Frère Giám Học Alexandre hơn vào mỗi sáng. Bước vào cổng là tôi chạy thẳng vào phòng frere để cùng Nguyễn Hạnh lo chuẩn bị micro, ampli cho Frère Hiệu Trưởng. Năm nay Frère Alexandre cũng mở thêm một club Văn Hóa Xã Hội để lo những hoạt động chung của trường, tôi được Frère giao phụ trách club này. Tuy diện tích club nhỏ, chỉ khoảng 25m2, nhưng cũng đủ cho những ước mơ của học sinh chúng tôi được bay xa hơn. Từ club này, chúng tôi đã vận động thành lập ban nhạc rock đầu tiên của trường lấy tên là Blue Sea (do Frère Alexandre đặt) với tay bass Hàng Trọng,leader kiêm solo Thanh Nam…, thành lập thư viện cho club, thu mua sách học cũ cuối năm để bán lại giá rẻ cho học sinh niên khóa mới, tổ chức văn nghệ mỗi cuối tháng, phát hành báo Bá Ninh hàng tháng với sự đóng góp trang trí của thày Vui, người có nét vẽ dí dỏm như Vivi của báo Tuổi Hoa. Những lúc các trường công giáo khác trong tỉnh tổ chức văn nghệ, như Thánh Tâm. Vinh Sơn… Club đều sẵn sàng qua hổ trợ. Nhóm chúng tôi thường xem phòng Frère Giám Học như bản doanh, vì Frère luôn giám sát, cố vấn , hổ trợ cho mọi lãnh vực hoạt động của club, kể cả tổ chức du ngoạn dã trại hoặc ra chơi các đảo Hòn Tre, Bãi Trũ…chỉ cần một cái nhấc téléphone của Frère Alexandre thì mọi phương tiện vận chuyển sẽ sẵn sàng phục vụ miễn phí, vì Frère rất giỏi ngoại giao. Tuần nào không tổ chức chung cho Trừơng thì nhóm chúng tôi lại cùng Frère đạp xe đi đủ nơi, có khi về nhà Frère ở Cồn Dê, Ngọc Thảo. Frère cứ gọi chúng tôi là mấy thằng chí tử, mãi rồi chúng tôi cũng xem như nhóm mình là nhóm chí tử của Frère, vui thôi, Frère mắng yêu đó mà. Vị Sư Huynh hoạt động tích cực ở lãnh vực thể thao phải nói đến Frère Vân Hà. Chiều nào Frère cũng có mặt trên sân basket, tranh tài, chen lấn tích cực cùng các học sinh. Tuy chúng tôi chưa học Frère giờ nào, nhưng hoạt động thể thao đủ để thày trò chúng tôi hiểu nhau, kể cả những trò chơi xấu của từng thành viên khác lớp. Nhờ trường hoạt động duy nhất một thời biểu, cộng thêm những sinh hoạt chung đa dạng nên gần như chúng tôi dù khác lớp nhau, cũng đều biết đến nhau, nên nếu nói đến bạn của thời gian học đó , thật chẳng làm sao đếm hết.

Năm này tôi vẫn tiếp tục hoạt động trong Thanh Sinh Công, nhưng rộng hơn, năm nay tôi phụ trách Trưởng ban Kỷ thuật của Thanh Sinh Công Khánh Hòa, nhờ vậy nên dịp nghỉ lễ khoảng tháng 10, tôi, Hoàng Như Phổ cùng Trần Xuân Minh có dịp lên Đà Lạt bằng máy bay dự Đại Hội Miền của Thanh Sinh Công toàn Miền Trung tổ chức tại Biệt Thự Thánh Tâm của các Linh Mục dòng Jesuite. Chỉ một tuần nhưng ấn tượng thật sâu đậm, làm sao quên những đêm trại tĩnh tâm, những buổi hội thảo sôi nổi,ngày sinh hoạt chung bên Lăng Nguyễn Hũu Hào, những đêm thức trắng làm báo. Đến mãi tận bây giờ tôi vẫn hình dung được hình dáng cha Gagnon người Pháp, nói tiếng Việt sõi hơn người Việt, và tài hùng biện của Cha Gagnon chưa ai hơn nổi. Cha đã đăng đàn thì người nghe chỉ say sưa im lặng lắng nghe. It năm sau, nghe tin Cha Gagnon mất vì tai nạn ngay trước Nhà Thờ Đức Bà, thật đáng tiếc không còn được nghe những bài giảng của Cha.

Chiến tranh vẫn ồn ào ẩn hiện, nhưng chúng tôi đang có những thời khắc êm đềm cùng cơ hội quí báu học tập cùng những người freres đầy nhiệt huyết và tài năng. Cám ơn Bá Ninh, đã cho tôi quên đi không khí hận thù của cuộc chiến tương tàn.

3-

Tháng 8.67, niên khóa mới chính thức bắt đầu. Nhưng trong suốt giai đoạn hè, hầu như ngày nào trường cũng tấp nập học sinh tụ về , có thể để cùng tranh tài trên các sân bóng, có thể cùng nhau du ngoạn một thắng tích nào đó, và với chúng tôi vẫn có những hoạt động thường xuyên ở club để nhận những bộ sách giáo khoa cũ chuẩn bị cho mùa học sắp đến. Hồi những năm lớp Thất Lục Ngũ, các Frères thường khuyến khích học sinh tham gia sinh hoạt vào những ngày nghỉ trong khuôn viên trường, bằng những phiếu Bon Point, ghi nhận như một đóng góp trong học tập. Đôi lúc những phiếu đó được đổi bằng những quả bong bóng, những viên kẹo, nhưng đó không phải là điều quan trọng. Quan trọng là chúng tôi đang được hướng vào một mối quan hệ cộng đồng, cùng vui, cùng buồn, cùng đóng góp công sức để có một cộng đồng ngày càng nhân bản hơn trong cách giao tiếp hàng ngày. Năm nay, trường sẽ vắng Frère Prosper, Frère Elysée, và Frère Alphonse. Tạm biệt Frère Alphonse, người đã gắn bó với học sinh toàn trường trong công tác như một giám thị hành lang, ngoài công việc giảng dạy xuất sắc của frere. Những năm trước khi tôi về, báo chí còn nhắc đến chiếc máy bay được lắp ráp bởi một học sinh thông qua sự hướng dẫn , động viên của Frère Alphonse. Đối với nhiều học sinh thời đó, nhắc đến Frère Alphonse, cũng là nhắc đến những bàn baby foot mà Frère trông nom, chăm sóc, vì hầu như chẳng trò nào chưa thử vào chơi banh lắc ở khu vực preau vào những giờ giải lao cả.Lớp chúng tôi được Frère Pierre Hiếu làm Hướng Dẫn, Frère dạy chúng tôi Lý Hóa và Giáo Lý, và cũng phụ trách văn nghệ cho trường , nên rất nhiều hoạt động của chúng tôi có sự tiếp sức của Frère. Năm này cũng là năm Trường Bá Ninh sẽ mừng lễ tôn phong Hiển Thánh (Saint) cho Chân Phước (Bienheureux)Bá Ninh, quan thầy của trường được ấn định vào ngày 13 và 14 tháng giêng 1968. Chương trình dự định sẽ có một thánh lễ do Đức Giám Mục Nha Trang là Đức cha Francois Xavier Nguyễn văn Thuận (một cựu học sinh trường La Salle Pellerin Huế) làm chủ tế và một buổi trình diễn văn nghệ với sự tham gia của tất cả các trường trung học Công giáo trong tỉnh nhà. Mới vào năm học, không khí đã rộn ràng. Lớp chúng tôi được chọn lấy 2 bè Bass và Ténor cho hợp ca Mẹ Việt Nam, Trường Thánh Tâm được phân nhóm bè Soprano. Soeur Paulina đệm Piano, Frère Pierre Hiếu làm Chef de choeur. Bình thường, chúng tôi tập tại lớp, nhưng mỗi cuối tuần , hai trường lại họp toàn ca đoàn để tập trên sân khấu trường Bá Ninh.

Mỗi dịp tổng dượt, là dịp lũ học sinh trường dòng bày trò nghịch ngầm cố hữu . Frère Pierre Hiếu mới vừa chuẩn bị giơ que chỉ huy lên thì Nghĩa giơ tay lên chỉ sau lưng frere, nơi Soeur Paulina đang đệm nói : Thưa Frère, Soeur hỏi Frère gì kìa. Frère quay lại, chẳng thấy gì, biết là đám quỉ học trò đang trổ ngón, cười xòa, tiếp tục, học trò trường dòng ưa quậy ngầm, nhưng không ác ý, vui thôi mà. Mùa văn nghệ năm này thật ra cũng chẳng vui trọn vẹn. Cũng một lần tập chung như vậy, đã có chuyện không vui xảy đến. Ngày đó, như mọi hôm, tôi điểm danh lại các bè, thấy bè tenor thiếu Trần Kim Hùng, là người ngồi cạnh tôi trong lớp, vắng mặt. Tôi báo lại cho Frère. Hôm đó Frère quên mang theo tập nhạc nên bảo tôi vào phòng Frère mang đến. Khi đến chỗ, tôi dở tập nhạc ra đặt lên giá, vừa dở trang đầu tiên thì thấy hình Hùng nằm một góc, tôi nghĩ vui: sao Frère biết Hùng vắng mà để riêng có mình Hùng trong tập nhạc. Rồi cũng xong một buổi tập, trở về lớp, chúng tôi hay tin Hùng đã chết do chất nổ ở đầu cầu Xóm Bóng. Thật bàng hoàng vì Hùng là một học sinh hiền lành, ít nói. Tìm hiểu ra mới biết Hùng là đặc công cho phe bên kia, trong lúc cố mang chất nổ đến cầu Xóm Bóng thì bị nổ bất ngờ. Sao vậy Hùng ?Tôi nhớ lại và thương Frère Gonzague hơn. Chuyện của Hùng nổ ra, gia đình đâu dám đứng ra nhận xác. Lại cũng frere Gonzague như người mẹ, phải đứng ra cưu mang. Frère dẫn theo vài học sinh cùng lớp, đi chiếc xe lam cà tàng nhận xác Hùng với danh nghĩa học sinh trường mang về chôn cất. Lớp chúng tôi cùng vào nhà nguyện của trường để cầu nguyện cho người bạn vắn số. Mỗi chúng ta đều có riêng thân phận trong cuộc chiến tranh này, yên ngủ nghe Hùng.

Rồi giòng sống vẫn chảy. Ngày lễ mừng phong Hiển Thánh cho Chân Phước Bénilde thật tưng bừng. Các trường Vinh Sơn, Thánh Tâm cùng đại diện các Sơ Tập Sinh trên Đồi La Salle lần lượt tới. Chiều hôm qua, chúng tôi đã mang những bục giảng các lớp gần đó ghép lại để chuẩn bị thánh lễ Misa hôm sau. Sáng nay lại phải kiểm tra lần cuối để chắc mọi việc đâu vào đấy, dù sao cũng là chủ nhà, và hôm nay còn có sự chủ tế của Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận với danh nghĩa cựu học sinh La Salle.Sau buổi Thánh lễ là văn nghệ liên trường. Thành công như mong đợi. Các nữ sinh trường Thánh Tâm cứ trầm trồ khen các tiết mục của các sơ tập sinh Đồi Lasan, xúi em tôi là Hồng Oanh nhờ tôi hỏi giúp “nhân thân” các bạn ấy. Tôi tức cười quá, ai đời học trường dòng mà còn nỡ phá đường tu của người bạn mình bao giờ. Tôi chỉ trả lời lững lơ là để coi thử. Vậy mà sau này cũng có thư nhờ tôi chuyển. Tôi cũng chuyển . nhưng vào tay của Lê Minh Hải, biệt danh Hải đui (vì cận thị) cùng lớp, Hải trả lời qua lại sao sao đó, nghe nói cũng có thời gian lãng mạn lắm. Nghe vậy thôi chứ tôi không ưa xen vào chuyện người khác, nhưng cũng mừng vì không nghe lời đám ma nữ phá hoại đường tu của các “chuẩn Frère”.

Niên khóa 1967-68 là một năm học đầy biến động, nhưng cũng là một năm tích cực trong hoạt động của trường La Salle Bá Ninh.Ngoài ngày lễ lớn nhân phong Thánh Bénilde. Trường còn tổ chức nhiều hoạt động khác như: mở khóa học taekwondo cho học sinh toàn trường thu hút khá đông học sinh tham dự. Hai võ sư đầu tiên của trường là Võ sư Sơn từ 81 Biệt kích và Võ sư Cải, dến từ Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nhatrang. Lớp võ sinh được học chu đáo với sự hổ trợ của các võ sư Hàn Quốc thuộc đơn vị Song Mo Kwan Đồng Đế. Một năm sau, đã có nhiều võ sinh mang Huyền đai nhất đẳng. Ban đầu tôi cũng tham gia, nhưng ít tháng sau phải bỏ dỡ vì không đủ thời gian để theo học. Hệ thống 3 lớp Lục Ngũ cũ được sử dụng cho những hoạt động khác như, Phòng võ thuật Nhu Đạo, Triển Lãm. Đôi khi còn được tháo hẳn vách carton isorelle để biến thành phòng thuyết trình, nghe nhạc, từ những nhạc sĩ như Lê Uyên Phương, Vũ Thành An về hát. Riêng sân khấu lớn của trường ở khu vực préau còn là nơi thuyết trình vào mỗi sáng thứ tư cho các học sinh đệ nhị cấp tham dự. Nơi đây chúng tôi lần lượt được nghe các văn sĩ, tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế, học giả về nói chuyện, tôi vẫn nhớ những buổi thuyết trình đầy sôi nổi của Thi sĩ Quách Tấn, nhà báo Chu Tử thời ấy.Có một lần vào ngày 8-5, Frère Casimir đã gợi ý cho tôi được thuyết trình trước anh em trong trường về ý nghĩa ngày Lễ Quốc tế Hồng Thập Tự với danh nghĩa là thư ký của Đoàn Thanh Niên Hồng thập Tự Khánh Hòa mà tôi đang tham gia lúc ấy. Việc này đã cho tôi thấy sự quan tâm của trường đối với các hoạt động cộng đồng như thế nào. Frere Casimir rất thường xuyên thăm hỏi tôi những hoạt động của Hồng Thập Tự, và những kỳ công tác cứu trợ đột ngột của Đoàn , nếu Frère không sẵn lòng cho phép tôi nghỉ để tham gia thì tôi chưa thể hòan tất được hết vai trò mình với Thanh niên HTT lúc ấy. Chính bản thân Frère Casimir cũng tự mình góp phần bằng bài thuyết trình Thanh Niên và Tình Yêu tại trụ sở số 2 Yersin của Hội HTT Khánh Hòa, và cả một chương trình Câu chuyện Thanh Niên hàng tuần trên Đài Truyền Thanh Khánh Hòa bấy giờ.

Song song hoạt động văn hóa, năm nay Frère Alexandre còn ưu tiên cho việc phát hành một đặc san của trường lấy tên là Cát Biển, Năm ngoái chúng tôi thỉnh thoảng cũng làm báo trường, nhưng chỉ dạng quay ronéo thôi. Frere nhờ bên nhóm Song moo kwan Hàn Quốc in giúp phụ bản, còn phần bìa và ruột báo thì đặt nhà in Mai Cảnh đường Trần Quí Cáp làm. Tôi mừng lắm, vì đây còn là dịp tôi tích lũy thêm kinh nghiệm trong lãnh vực này. Tôi và anh Lê Anh Dũng lớp Đệ Nhất cùng chăm sóc tờ báo. Tôi không lo lắm về bài vở, vì tôi có thể chuyển một số bài trong tờ báo lớp Nhị B của tôi vào – Nói thêm về tờ báo lớp năm nay, chúng tôi đặt tên là ÊTRE nghĩa là TO BE tiếng Anh lại là TWO B = NHỊ B , tuần nào cũng có 1 số phát hành.Tuy có lu bu thêm một chút vì ngày nào cũng phải thu xếp qua nhà in một chút để chờ lấy bản vỗ và ngồi sửa morasse ngay tại chỗ. Hôm nào có Dũng thì tôi khỏe một chút. Năm đó là năm Mậu Thân, truyện ngắn của tôi là truyện Năm Khỉ kể chuyện cái minijupe ở xứ Monkey. Đại khái nói về một công chúa khỉ đua đòi, hay nổi loạn, làm dáng bằng cách cạo lông chỉ chừa một ít như cái minijupe , sự việc dẫn đến nội chiến giữa 2 phe bảo thủ và cấp tiến, sẽ trầm trọng nếu vua khỉ không kịp thời ra tay. Thật ra cũng là chuyện vui thôi, nếu năm đó không phải là năm minijupe thịnh hành, và nếu tôi không viết câu kết “ Bây giờ nhiều cô khoái mặc minijupe nhưng đâu.biêt mode này đã xưa rồi…khỉ ạ” Báo hại khi tôi mang báo Cát Biển vào các trường nữ mời mua, họ cũng mua nhưng cứ hỏi tác giả bài báo cho bằng được. Chắc để….chửi. Năm 2000, gặp lại các bạn nhỏ lớp hơn của trường cùng làm trong Công Ty, anh Tô Ngọc Chương vẫn nhớ vụ scandale bất đắc dĩ này.

Mọi cuộc vui chắc sẽ tròn vẹn hơn nếu không có biến cố Tết Mậu Thân. Tuy Khánh Hòa mau chóng vãn hồi trật tự, và chiến sự không làm suy suyển trường Bá Ninh chút nào, nhưng những tin báo về những thiệt hại của các trường trong hệ thống Lasan như Lasan Mỹ Tho, Lasan Ban Mê Thuột bị hư hỏng, hay đau buồn hơn là chuyện 2 sư huynh bị thảm sát ở Lasan Nghĩa Thục Phú Vang…làm chúng tôi cũng buồn lây. Năm này theo lệnh chính quyền, mãi ngày 1 tháng 3 trường mới dạy lại.

Sau biến cố Mậu Thân, tôi già dặn lên trong cách suy nghĩ. Hướng đến công tác xã hội nhiều hơn, tích cực hơn. Tôi không còn hứng thú đọc truyện, thay vào đó là những quyển triết lý của Nietzche, Nikos Kazanzaki hay của Phạm Công Thiện mà tôi đã từng xem qua từ năm Đệ Tứ, hay họa hoằn lắm chỉ có thể đọc Solzenitsin, Remarque, Hemingway, Gheorghiu mà thôi. Vào học lại, dường như ai cũng có vẻ suy tư hơn, ít đùa nghịch hơn, nhưng cũng gần nhau hơn. Ừ mà không khí chiến tranh đang tràn về thành phố, học một năm nữa chắc gì gặp lại nhau, quân trường chực chờ sẵn rồi. Ai sẽ còn sống sót để hàn huyên chuyện ngày thơ.

Gần hết niên khóa, chúng tôi phải trải qua một kỳ thi Tú Tài thử. Ai có trải qua mới thấy, thà thi thiệt đỡ… run hơn. . Lớp Đệ Nhị khoảng 45 đứa. Chữ B sau lớp Đệ Nhị chỉ để xác định ban B thôi. Cái Hội trường mênh mông sát phòng Frère Hiệu Trưởng và Frère Giám Học được đặt 45 bàn, mỗi đứa một bàn. Khoảng cách mỗi bàn là một thước. Bình thường hai đứa một bàn đã thong thả rồi, hôm nay ngồi thênh thang bỗng nghe lạnh lạnh.Vào chỗ, nhận giấy thi, phổ biến nội qui xong, đích thân Frère Hiệu Trưởng phát đề thi. Chúng tôi cắm cúi làm trong im lặng, thỉnh thoảng nhìn quanh thấy trên sân khấu, Frère Pierre Hiếu ngồi trên cao ngó xuống, mà bằng….ống dòm nữa. Rõ thật nặng mùi thuốc súng. Frère Gonzague, Frère Alexandre thì lượn qua lượn lại các bàn. May mấy ông nhà nước không bắt chước các Frères, nếu không thì tỷ lệ đậu của sĩ tử chắc chỉ còn 10% là quí lắm rồi. Hai ngày kiên trì thi dưới sự kềm kẹp tích cực. Mấy ngày sau có kết quả, 6 đứa đậu. Trong đó chỉ 2 bình thứ. Các Frères thông báo kết quả kèm theo vô vàn lời cảnh giác. Chúng tôi cũng ái ngại, lo gạo thêm thôi, ngày thi gần kề rồi. Năm thi đó, chúng tôi đậu 36/44 học sinh, tỷ lệ chung của Khánh Hòa là 25%. Đạt thành quả chỉ thua năm 1963 của trường 42/44 học sinh , Hú vía, các Frères thật giỏi hù. Các ơn các Frères


4-

Kỳ tựu trường này, Bá Ninh đã có thêm 9 lớp mới nằm trong dãy nhà lầu 2 tầng quay mặt ra biển. Các lớp học rộng rãi, thoáng mát và sáng sủa. Các lớp mới nhằm thay thế các lớp cũ thiếu không khí và thiếu ánh sáng, sẽ được sửa chữa tiếp theo để diện mạo trường ngày càng tiện nghi hơn sau quá trình mười một năm hoạt động. Năm nay đích thân Frère Giám Học Alexandre sẽ hướng dẫn và dạy Lý cho lớp.Sư Huynh Bề trên Casimir dạy Triết, Thày Nguyễn Quảng Tuân dạy Sử Địa. Như vậy chúng tôi được thêm nhiều thày giỏi dẫn dắt chương trình học vào năm cuối khóa này. Ngoài Frère Alexandre xuất thân Đại Học Politechnique của Pháp, Frère Casimir là tiến sĩ Triết Học, còn thày Nguyễn Quảng Tuân là nhà nghiên cứu Sử học, tác giả nhiều sách giáo khoa và nghiên cứu. Nhiều thay đổi trong chương trình lớp 12 năm này. Chúng tôi phải chuẩn bị để thích nghi với chương trình thi trắc nghiệm cuối khóa, chương trình toán cũng giới thiệu thêm một số cơ bản về Tân toán học.Về Triết, vì là Ban Toán nên chúng tôi chỉ phải học hai môn Luận Lý và Đạo Đức. Sau chương trình Giáo Lý dạy tổng quát về tất cả các tôn giáo ở lớp Đệ Nhị, năm nay chúng tôi không có giờ Giáo Lý chính thức. Các sinh hoạt cộng đồng vẫn diễn ra như những niên khóa khác, có khác chăng là chúng tôi tự chủ hơn, các Frères chỉ đóng vai trò cố vấn, hướng dẫn và giúp đỡ chúng tôi thực hiện những dự định .Cũng trong năm nay, có diễn ra một cuộc thi văn chương toàn tỉnh cho Đệ Nhị Cấp. Tôi còn nhớ, có một buổi sáng Frère Casimir cho gọi tôi ra gặp frère ngoài sân chơi. Frère đi bách bộ cùng tôi và vào thẳng vấn đề. Hiện Frère đang phân vân trong việc chọn tôi hay Vĩnh Nhường để đại diện trường đi thi. Lý do Frère phân vân là phong cách làm luận văn của tôi và Vĩnh Nhường là hai cách khác nhau. Nếu Vĩnh Nhường làm theo bài bản, có dẫn chứng từng nhân vật nổi tiếng để khẳng định thêm luận chứng trong bài luận của mình, thì tôi lại hoàn toàn không, tôi chỉ dựa vào lập luận của mình để chứng minh vấn đề. Frère nói rất muốn đưa tôi nhưng nếu xét khía cạnh nào đó, trong làm văn cũng phải có khuôn khổ của nó. Và Frère mong bài văn để chọn học sinh đại diện sắp đến , tôi sẽ tuân thủ theo khuôn mẫu đó. Tôi cứng đầu lắm, tuy vẫn tuân phục và quí Frère, tôi cho rằng nếu tôi chỉ dựa vào câu nói của người này người nọ thì có 2 việc tôi không muốn: thứ nhất, điều đó chứng tỏ khả năng lập luận mình không đủ thuyết phục nên phải dựa vào người khác. Thứ hai, tôi có thể dối lừa Frère bằng cách gán một câu nói nào đó cho một nhân vật nào đó, nào ai tự hào mình đọc và nhớ hết từng câu nói của từng nhân vật do người khác dẫn chứng đâu.Tôi đã cảm ơn Frère và có nói là con không muốn đánh mất mình. Sau đó Vĩnh Nhường được đại diện đi. Mọi việc có lẽ cũng chấm hết tại đây nếu năm đó em kề của tôi là Hồng Oanh, học lớp Đệ Tam, đại diện cho Trường Thánh Tâm đi thi.Tôi và em tôi thường có một mối quan hệ trong văn chương, em lâu lâu cũng viết bài cho báo của tôi với bút danh Hồng Đặng Minh Lê, nên thường nói chuyện với tôi trong lãnh vực đó. Em Oanh tham khảo tôi về khả năng đề thi văn toàn tỉnh sắp đến, tôi chỉ nói, trong tình thế chiến tranh hiện nay, có thể họ sẽ ra đề có tương quan giữa học sinh và chiến tranh, Đề thi năm đó là Thanh niên trong hiện tình đất nước. Em tôi đoạt giải nhì năm đó. Có lẽ do nguồn tin các Soeurs bên Thánh Tâm, và Frère cũng biết tôi có em đang học bên Thánh Tâm, nên sáng hôm sau, giờ Triết của Frère Casimir, Frère gọi tôi lên bàn, tôi cầm vở lên, nhưng Frère không hỏi bài gì, chỉ hỏi: nghe nói em con đậu nhì thi văn phải không, Frère tiếc không cho hai anh em con cùng thi để xem đứa nào hơn. Tôi cám ơn Frère đã luôn bận tâm trong mọi giải quyết liên quan đến từng học sinh. Và frère cũng dư biết là tôi không chút bận tâm về chuyện đó, tôi chỉ thích là người thực hiện trong bóng tối, hư danh chẳng là điều cần thiết với tôi. Cuộc sống mình còn phải chịu sự định đoạt của chiến tranh, nhiêu đó cũng mệt mõi lắm rồi, hãy nhìn và xây dựng môi trường mình sống thôi. Frère Gonzague vẫn dạy Pháp văn cho chúng tôi. Tôi làm Trưởng Lớp nên Frère cũng thường gặp tôi và chỉ dạy nghệ thuật sống. Frère nói Trưởng lớp Đệ Nhất trong trường, cũng là Trưởng trường, nên giải quyết vấn đề gì cũng phải nhớ đến điều đó để không vì lợi ích một lớp mà quên cả trường. Năm học cuối cùng, với chúng tôi có lẽ là năm học trầm lặng nhất, dù vẫn có những sinh hoạt thường kỳ, nhưng không khí chiến tranh và những chực chờ của một tương lai không nhuốm màu tươi sáng, khiến chúng tôi chỉ học để trả nợ kiếp học trò chứ ít có những sôi nổi như những năm trước.

Sau khi chúng tôi ra trường, Sư Huynh Alexandre lên Đồi La Salle làm Bề trên, được vài năm Frère chuyển về làm Hiệu trưởng La Salle Kỹ thuật Cần Thơ, Sau 1975 tôi lại có duyên vào Tổ Hợp Chế Biến Gỗ Khánh Xương của ông Nguyễn Hưng, ba của bạn Nguyễn Hạnh, Nguyễn Hoàng. Nơi đây tôi gặp lại Frère Alexandre, với chức danh Trưởng Xưởng, hai thày trò làm cùng nhau được khoảng gần một năm trước khi Frère vượt biển đi Pháp. Tại Pháp, Frère tiếp tục hiến dâng cho giáo dục trong dòng La Salle , đoạt đươc giải Khoa Học Kỹ Thuật của Pháp, làm Bề trên Phụ tá Giám Tỉnh một thời gian, sau đó Frère xin Tỉnh Dòng cho qua New Caledonnie làm Hiệu Trưởng một trường hẻo lánh dạy cho dân bản xứ. Khoảng năm 1988, chúng tôi họp mặt nhân dịp Frère về thăm nhà, năm đó Frère vẫn trẻ như lúc gặp lần cuối năm 1977. Cuộc đời của Frère là cả một thể nghiệm dấn thân, luôn sống thật với ngay chính bản thân mình và hòa đồng cùng mọi lớp tuổi thiếu niên. Frère luôn là tấm gương mỗi khi tôi cảm thấy tuyệt vọng vì cuộc sống không lối thoát một thời. Frère Casimir sau về lại Sai gon, tiếp tục sự nghiệp giáo dục. Cuối đời Frère về nghỉ dưỡng hưu tại La Salle Mai Thôn, Thanh Đa. Bình Thạnh, Sài Gòn. Frère an nghỉ trong ơn Chúa ngày 30-11-2008, hưởng thọ 88 tuổi, mặc áo dòng La Salle 60 năm. Frère là tấm gương đạo đức, thận trọng trong từng công việc hàng ngày, luôn nghĩ đến việc hoàn thiện môi trường giáo dục và biết trân trọng từng tính cách mỗi học sinh. Frère luôn là người tiên phong cho một nền giáo dục tiến bộ. Frère Gonzague, ngày ra đi sang Mỹ chỉ mang theo một quyển sổ ghi chú riêng về mỗi học sinh từng lớp, từng thời kỳ Frère đã dạy. Đó là gia tài quí giá nhất trong suốt 60 năm dạy học của frere. Frère nói để khi frere già, trí nhớ kém đi, nhìn chữ và hình còn biết những học trò thân yêu của mình. Khi qua Hoa Kỳ, Frère vẫn làm việc giáo dục trong Dòng Lasan, với nhiệm vụ giám thị hành lang. Năm 1981, khi Xuân Minh viết thơ cho Frère báo tin tôi đã được tha về, Frère mùng lắm và Frère viết, Frère dở sổ nhìn lại hình của tôi, phía dưới tấm hình frère có ghi chữ Honorable. Frère vẫn có thói quen cô đặc tính cách của từng học trò cũ của mình bằng chỉ một từ. Cũng năm đó Frère qua đời. Gia đình Frère tại Chợ Mới, Nhatrang nhận từ Vatican một cây Thánh Giá vàng, ghi nhận thành quả sau 60 năm đóng góp cho nền giáo dục La Salle. Hàng năm các cựu học sinh vẫn đều đặn qui tụ về Nhà thờ Chợ Mới để tưởng niệm Frère, như một người cha, một người suốt đời vun đắp gieo trồng từng mầm tốt cho lứa thanh thiếu niên. Cám ơn đời đã cho tôi được học hỏi trong môi trường quá tốt của Dòng La Salle. Ước gì con cháu tôi sau này cũng có điều kiện như tôi để thấu hiểu ý nghĩa hai chữ thày trò như thế nào, và hiểu giáo dục không chỉ là học trên giấy mà thôi.

Năm 1985, một dịp tôi đi xe lửa về Nhatrang, trên đường đi, có một người khách ngồi cạnh tôi hỏi chuyện bâng quơ, khi biết tôi học ở Nhatrang, anh bỗng hỏi có phải tôi học Bá Ninh không. Tôi hỏi sao anh biết. Anh nói “tại phong cách nói chuyện của anh tôi thấy nhiều qua các học sinh ở trường này”. Các Frères đã chăm sóc chúng tôi kỹ như vậy đó. Nhớ quá trường La Salle Bá Ninh ơi.

ĐẶNG CHÂU LONG

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *