80 tuổi nhưng hoàn toàn minh mẫn, bà có thể kể lại từng chi tiết những sự kiện quá khứ như thể thời gian không thể tàn phá ký ức bà, từ chuyện người chồng – giáo sư Nguyễn Văn Bông, Viện trưởng Viện Quốc gia Hành chánh VNCH, bị ám sát tại Sài Gòn cách đây gần tròn 50 năm (tháng 11-1971) đến những hoạt động xã hội-chính trị tích cực sau khi đến Mỹ. Bà là Jackie Bong-Wright – một chứng nhân lịch sử chiến tranh Việt Nam mà không chỉ cá nhân bà mà cả gia đình bà cũng là một phần trong đó. Buổi nói chuyện với bà những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021 không chỉ khơi gợi hình ảnh và dữ liệu lịch sử mà còn cho thấy nghị lực đáng nể của một mẫu phụ nữ Việt Nam hiếm gặp: rất “Tây” trong tư duy nhưng rất “Ta” trong triết lý sống đậm đặc truyền thống Á Đông.
Bà – tên Việt Nam là Lê Thị Thu Vân – thích miêu tả mình như một cánh bướm đầy màu sắc, bay nơi này nơi kia, nhặt nhạnh những mẫu văn hóa và mang đến sự hài hòa ở bất cứ nơi nào mình có mặt. Khó có thể kể hết những đóng góp của Jackie Bong-Wright cho cộng đồng người Việt trong suốt bốn thập niên kể từ khi bà đến Mỹ. Cũng khó có thể tưởng tượng một phụ nữ gầy nhỏ – hệt như ngoại hình nhỏ gầy của Đệ nhất phu nhân Nancy Reagan, người mà bà từng được mời gặp trực tiếp trong Tòa Bạch Ốc – lại ẩn tiềm nhiều năng lượng như vậy. Triết lý sống của bà là niềm tin. Niềm tin giúp bà vượt qua nhiều biến động từng đánh gục mình mà niềm tin cũng giúp dân tộc vượt qua nhiều thăng trầm. Bà định nghĩa thành công không phải là việc lên đến đỉnh nhanh và cao như thế nào mà là khả năng bật dậy cao và nhanh như thế nào khi ta rơi chạm đáy. Những sự kiện nào đáng kể nhất để minh họa cho sự “bật dậy” khi bị rơi xuống đáy mà bà có thể kể lại – tôi hỏi…
Lần thứ nhất là sự kiện ám sát Giáo sư Nguyễn Văn Bông, khi bà sống với ông vỏn vẹn sáu năm, có ba mặt con, và lúc đó bà chỉ hơn 30 tuổi. Cái chết bi thảm của chồng đã làm gục ngã bà hoàn toàn. Trong nhiều ngày, bà nằm nhẹp gần như bất động. Khóc nhiều đến mức mắt sưng húp không thể đọc chữ. Bà không biết nên oán giận ai. Chị ruột của bà đã tập kết ra Bắc “đi theo cộng sản”; trong khi hai người anh/em trai của bà khoác áo lính VNCH và chồng bà chọn con đường chính trị đối lập với bộ máy đang cai trị VNCH của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Bà bỏ ăn và mất ngủ suốt nhiều ngày. Người nhà đưa bà vào Chợ Lớn gặp một ông thầy thuốc Tàu. Bà bắt đầu ngủ được. Quan trọng hơn, bà bắt đầu nghĩ đến các con. Chúng sẽ ra sao nếu thiếu bà? Ba đứa con nhỏ là động lực để bà bật dậy. Nhớ lại hình ảnh người chồng đầy ý chí, nỗ lực vươn lên từ hoàn cảnh cực kỳ nghèo khổ và học miệt mài để cuối cùng trở thành một giáo sư luật lừng lẫy, bà tự nhủ bà phải cứng rắn và mạnh mẽ đứng lên để không phụ lòng chồng. Hai tháng sau, bà bỏ việc dạy Pháp văn và làm việc cho Trung tâm Văn hóa Việt Mỹ (thuộc Cơ quan dịch vụ thông tin Hoa Kỳ – U.S. Information Services) với vị trí giám đốc.
Bà tổ chức các buổi thuyết trình, hội nghị, chương trình hòa nhạc, triển lãm, dạy nghề… Tiếp đó, bà vận động các chiến dịch vì nữ quyền. Bà thậm chí thực hiện một cuộc “cách mạng” chưa từng có ở miền Nam: vận động Quốc hội VNCH thông qua luật kế hoạch hóa gia đình, bất luận báo chí lên án gay gắt vì nghĩ rằng bà cổ xúy phá thai trong khi thật ra bà vận động ngừa thai. Bà trở thành một trong phụ nữ sáng chói nhất xã hội lẫn chính trường VNCH giai đoạn đó dù bà không hề là chính khách và có tham vọng chính trị. Bà bật dậy mạnh đến mức được báo chí Mỹ thường xuyên nhắc đến, với vai trò và sự xuất hiện liên tục của bà trong xã hội miền Nam. Năm 1972, bà được mời ăn trưa với Phu nhân Thống đốc California Nancy Reagan (người sau này là Đệ nhất phu nhân Tổng thống Mỹ) tại Sài Gòn. Năm 1973, tờ New York Times phỏng vấn bà. Trong cùng năm, bà dự một hội nghị Liên Hiệp Quốc về phụ nữ…
Lần thứ hai bà “bounce back” là khi đến Mỹ năm 1975. Nếu năm 1971 bà chỉ mất chồng thì năm 1975 bà mất tất cả. Bà không biết phải làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng như thế nào. Xin việc nơi nào cũng bị từ chối. Xuất thân từ gia đình cực giàu, sống nhung lụa như tiểu thư, học trường Pháp ngữ ở Đà Lạt; rồi du học Pháp, Anh và sau đó Mỹ, bà có bằng cử nhân Pháp nhưng không có bằng… đánh máy và gần như không có kỹ năng chuyên môn nào khác ngoài trình độ ngoại ngữ và ngoại giao. Bà thấy mình vô dụng. Bà khóc cho sự “bất tài” của mình. Một lần nữa, bà lại nghĩ đến các con. Bà không thể gục ngã để con bà bơ vơ nơi xứ lạ. Bà bật dậy.
Với sự giúp đỡ của cựu Đại sứ Mỹ tại VNCH Ellsworth Bunker, bà dần hòa nhập vào cuộc sống mới. Bà đi làm ở Lacaze Gardner School tại Washington DC. Lúc này, làn sóng tỵ nạn người Việt đến Mỹ bắt đầu tăng. Bà lao vào việc giúp đỡ họ. Bà cùng Hội Phụ Nữ Thái Bình Dương Á Mỹ (Asian Pacific American Women) vận động Quốc Hội Mỹ giúp người tỵ nạn tái định cư. Bà còn thành lập tổ chức phi lợi nhuận Dịch Vụ Xã Hội Tỵ Nạn Đông Dương (Indochinese Refugees Social Services- IRSS) để mở nhà tạm trú, tổ chức lớp dạy nghề cho những người Việt chân ướt chân ráo mới sang… Sau khi mọi việc tạm ổn và cảm thấy ít nhiều chu toàn nghĩa vụ xã hội, bà ghi danh vào Đại học Georgetown, nơi bà học với Tiến sĩ Madeline Albright, người sau này là Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong Nội các Bill Clinton. Hai năm sau, năm 1984, bà lấy bằng cao học (master) về bang giao quốc tế…
Lần thứ ba bà bật dậy, chính xác hơn là bà có thêm động lực và niềm tin để bật dậy, là cuộc tình với ông Lacy Wright, một viên chức ngoại giao Hoa Kỳ. “Nhờ anh ấy, tôi lấy lại hy vọng. Anh ấy kéo tôi ra khỏi những cơn trầm cảm. Anh ấy yêu thương và chiều chuộng tôi hết mực. Anh ấy cũng thương yêu các con tôi. Anh ấy chơi đùa thân thiện với chúng, cõng chúng trên vai, chăm sóc chúng như con ruột. Anh ấy mang lại cho tôi không chỉ hạnh phúc mà còn niềm tin. Tôi đã bật dậy với tình yêu của Lacy…” – bà kể…
Dù bà không nói nhưng dường như sau mỗi lần “bounce back” bà đều bật dậy cao hơn. Từ năm 1999, bà làm chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Hội cử tri người Mỹ gốc Việt chuyên vận động giúp cử tri Mỹ gốc Việt đi bầu. Bà tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa cho cộng đồng nói chung. Năm 2003, bà được tạp chí Washingtonian chọn là “nhân vật Washington DC trong năm” (“Washingtonian of the Year”) với thành tích 27 năm cống hiến cho cộng đồng trong khu vực. Trước đó hai năm, năm 2001, bà ấn hành hồi ký Autumn Cloud: From Vietnam War Widow to American Activist.
Chưa hết, bà còn là nhà báo, viết cho tờ Asian Fortune News; và là người dẫn chương trình cho một số chương trình phát thanh phục vụ người Mỹ gốc Việt. Cũng chính từ việc viết báo và làm phóng sự nên bà có dịp biết đến cuộc thi Hoa hậu Cao niên tiểu bang Virginia 2004 (dành cho người từ 60 tuổi trở lên). Bà được bạn bè khuyến khích đi thi. Họ thuyết phục mãi bà mới nhận lời và chỉ bắt đầu tập luyện vỏn vẹn một tháng trước ngày khai mạc. Bà là thí sinh gốc Á duy nhất. Bà là thí sinh duy nhất có bằng cao học quan hệ quốc tế. Bà là thí sinh duy nhất tham gia nhiều nhất các hoạt động xã hội và đóng góp giá trị văn hóa và nhân bản cho cộng đồng. Bà là “cánh bướm” duy nhất từng bay khắp nơi và góp nhặt nhiều mẫu văn hóa thế giới, từ châu Á đến châu Âu; từ Việt Nam, Campuchia, Lào, Pháp, đến Ý…
Bà cũng là phụ nữ Việt duy nhất ở thời điểm đó có thể chứng minh cho người Mỹ thấy rằng phụ nữ Việt Nam không chỉ là những người chỉ dựa dẫm vào hệ thống phúc lợi nước Mỹ, chỉ biết việc nội trợ hoặc làm những nghề đơn giản, không có khả năng và ý chí “bounce back” và cũng gần như không mang lại được gì xứng đáng cho xã hội – như cách đánh giá phổ biến. Kết quả: Jackie Bong-Wright là người được trao vương miện. Chiến thắng đó không chỉ cho thấy thêm một sự bật dậy của bà. Sự kiện này nói riêng, cũng như cuộc đời bà Jackie Bong-Wright nói chung, còn có thể được xem là một cảm hứng bật dậy cho nhiều người khác, rằng muốn đi vào “dòng chính” của Mỹ thì cần phải biết làm gì và làm như thế nào, chứ không phải ồn ào xuất hiện vẫy cờ nhốn nháo để rồi những tiếng la hét cuối cùng cũng chỉ nhanh chóng trôi lạc và chìm khuất vào cái bóng đen của dòng thời sự…