Tôi xin kể lại câu chuyện của một người lính Mỹ trẻ sống sót trở về nhà từ chiến tranh Việt Nam. Anh trở về với hình hài không còn nguyên vẹn và tâm hồn chấn thương trầm trọng.
Câu chuyện của anh đã được hai ký giả Ted Koppel và Laura Palmer, kể lại bằng hình ảnh cho ABC News, sau 31 năm, vào năm 1969. (Laura là bạn tôi từ hồi còn ở Việt Nam, khi chị làm Freelancer và tôi làm cho The Associated Press.)
Trong tháng 11 vừa qua, Laura từ Philadelphia đến chơi Seattle với tôi 5 ngày. Tôi được may mắn cùng Laura tới thăm người Thương Phế Binh này tại nhà vợ chồng anh–Steve và Lisa.
Trong một ngôi nhà gỗ rất thơ mộng nằm ẩn vào một cánh rừng nhỏ ở Gig Harbor–Tiểu Bang Washington, ngôi nhà hai tầng treo đầy tranh mầu nước từ buồng ngủ, buồng khách, cầu thang, ngay cả dưới sàn cũng có rất nhiều tranh dựa vào tường vì đã hết chỗ treo.
Chủ nhân Lisa, người nữ họa sĩ đó chắc đang đợi một cuộc triển lãm mà chưa thực hiện được.
Mỗi bức tranh của chị đều gửi một thông điệp cho người thưởng ngoạn. Hội họa như một cứu cánh cho những thăng trầm đời chị. Những bức tranh đang phủ kín tường trên gác dưới nhà Chị vẽ trong thời gian cô lập vì dịch bệnh (Pandemic).
Bức tranh mới nhất hoàn thành đầu tháng 11/2023 của Lisa có vẽ một con rắn bơi trong một hồ sen như một thông điệp gửi cho chúng ta có tựa đề “Tất cả chúng ta chỉ là Tù Nhân Ngụy Trang”–We’re All just Prisoners in Disguise.
Trong ngôi nhà thơ mộng này có hai con người rất đặc biệt. Họ là cặp vợ chồng phải đối diện với những bi thảm kinh hoàng của chiến tranh ở một đất nước rất xa xăm. Chiến tranh đó đã đánh gục ngã họ và họ đã dìu nhau cùng đứng dậy, “Đứng dậy mạnh mẽ và hoàn hảo.”
We’re All just Prisoners in Disguise (Tất cả chúng ta chỉ là Tù Nhân Ngụy Trang) Lisa Tice
Người đàn ông ngoài 70 tuổi đứng ở phòng khách, nhìn ra chiếc hồ nhỏ sau khung cửa kính. Đầu năm dương lịch, khí hậu còn lạnh, lất phất cơn mưa nhỏ. Ông đứng đó lâu lắm, không vui cũng không buồn, nhưng thấy lòng bình thản. Tiếng động trong bếp nghe lao xao chén đĩa chạm vào nhau, ông biết là vợ đang lo bữa điểm tâm cho hai người. Vợ anh, người đàn bà ấm áp thân thiện đó đã là một cánh tay mặt của anh trong mấy chục năm nay.
Đúng, khi cánh tay anh bỏ lại trên ngọn đồi đó–Ngọn Đồi Thịt Bằm (Hamburger Hill) ở Việt Nam, thì chính nàng đã trở thành cánh tay đó của anh.
Nàng yêu anh từ năm 12 tuổi, rồi anh bị đăng lính đi Việt Nam, nàng vẫn đợi anh trở về. Anh trở về thật. Trở về với một thân xác không nguyên vẹn và một tâm hư trí loạn. Chị vẫn yêu anh, chia xẻ sự mất mát, rồi bằng lòng lấy anh. Khi họ lấy nhau, chị mới 16 tuổi và anh 22 tuổi.
Anh trở về trút tất cả tâm thân rối loạn, mất mát của anh lên người con gái yêu anh. (Anh mất nguyên cánh tay phải và một hố thịt sâu trên má). Bãi chiến trường ở đồi Thịt Bằm đó nằm thật sâu trong lồng ngực anh, nhưng nó lại là một chiến trường vợ anh phải đối mặt mỗi ngày. Anh nghe tiếng súng đạn, tiếng bom, tiếng hét trong đầu mình, nhưng chính vợ anh là người phải gánh chịu “tiếng dội” vô hình đó mỗi ngày.
Rồi một ngày sau 7 năm kết hôn, Chị không chịu nổi những cơn giận dữ, tiếng hét, tiếng gào của Anh nữa. Chị bỏ đi, bước ra khỏi cuộc hôn nhân đầy mảnh vỡ. Nhưng chưa đầy một năm sau, Chị lại nhớ đến Anh, nhớ đến người đàn ông Chị yêu từ năm 12 tuổi, và Chị yêu Anh và Anh yêu Chị. Chị biết Anh cần Chị và Chị quay lại với Anh.
Ngoài yêu Anh, Chị còn yêu hội họa. Chị dùng màu sắc như một liều thuốc an thần để giúp Chị đủ nghị lực cùng anh vượt qua những khó khăn hậu chiến.
Steve và Lisa
Để giúp Anh thay đổi cuộc sống hoảng loạn trở lại bình thường, Chị rủ Anh, cả Chị và Anh cùng quay lại trường học. Họ cùng đi học lại để giúp đỡ chính họ và giúp những người lính Mỹ từ mặt trận trở về. Những người lính Mỹ thì hầu hết nơi nào có chiến tranh trên thế giới thì nơi đó họ có mặt.
Cuối cùng qua bao nhiêu trường, lao vào sách vở Steve đã lấy được MA in Social History, 1981. Trong vòng 30 năm, Steve đã là phụ tá Giám Đốc cố vấn và trị liệu, 2 năm tại Trung Tâm Hội Chứng Tâm Thần của Thương Phế Binh ở Las Vegas và ở Montana, ở Oregon, ở New York và làm Giám Đốc 7 năm. Trong 10 năm cuối của công việc, anh đã đi nói chuyện gần như khắp nước Mỹ (NY, NM, CO, OH, WA DC, HAWAII) cho bệnh nhân PTSD.
Lisa cũng đi học lại, từ trường nọ tới trường kia. Chị đã lấy được LPN–License in Practical Nursing (LPN), MA in social Work (MSW), 1996.
Anh và Chị đã hơn 25 năm trong chức vị giáo sư, cố vấn, là người hướng dẫn cho những người trở về từ các mặt trận ở bất cứ nơi nào trên thế giới với hội chứng PTSD (Post Traumatic Stress Disorder–Hội Chứng Khủng Hoảng Sau Những Chấn Thương) do bất cứ hoàn cảnh nào.
Phải chăng những người đã từng bị chấn thương là những người chữa lành được vết thương cho người khác có hiệu quả tốt đẹp nhất? Đặc biệt là những vết thương tâm thần gây ra từ chiến tranh.
Thế mà đã mấy chục năm trôi qua. Anh và Chị đã cùng vào tuổi hưu trí. Chiến tranh Việt Nam nhìn ở một khía cạnh nào đó đã chấm dứt, không còn tiếng súng tiếng bom nữa. Anh Chị đã có 3 con trai, 4 đứa cháu nội.
Chị nói: Chúng là ánh sáng của đời sống vợ chồng tôi.
Anh vẫn đứng yên nhìn ra ngoài cửa sổ. Chị sắp gọi anh vào bếp ăn sáng rồi đấy. Anh vẫn còn đang quay lại thước phim có ngọn đồi mang tên là Hamburger Hill (Đồi Thịt Bằm).
Anh nhớ lại trong đầu những câu nói của những người lính tham dự vào trận đánh ở ngọn đồi này:
“Anh đã bao giờ ở trong một chiếc máy băm thịt chưa? Chúng tôi đã bị băm vụn thành từng mảnh bởi loại súng máy cực kỳ chính xác.”
“Tôi đã mất rất nhiều bạn bè ở đó. Không nhiều người có thể chịu đựng được lâu hơn. (1)
Bữa ăn sáng đã dọn trên cái bàn nhỏ gần bếp. Anh nhìn ngọn khói mỏng yếu đuối bốc lên từ tách cà phê, nói khe khẽ:
Các báo cáo thương vong đưa ra nhiều con số khác nhau, nhưng trong 10 ngày chiến đấu dữ dội, ước tính 630 lính Bắc Việt đã thiệt mạng. Thương vong được liệt kê của phía Mỹ là 72 người chết và 372 người bị thương. (2)
Chị nhìn miệng Anh thì thầm, không biết Anh đang nói gì, nhưng Chị quen rồi, Chị không hỏi lại nữa. Chị gắp một miếng bacon đặt vào đĩa của Anh. Anh cúi xuống nhìn miếng thịt mỡ chiên, ngẩng mặt lên nới với Chị rất rõ ràng như muốn để Chị nghe từng chữ một:
Nhưng không phải mọi binh sĩ và lãnh đạo quân sự đều đồng ý rằng Đồi Thịt Băm là một nỗ lực lãng phí. Trước những lời chỉ trích nhắm vào các chỉ huy Mỹ, tướng Zais nói, “Họ đang hành động như thể đây là một thảm họa đối với quân đội Mỹ. Đây là một chiến thắng to lớn, hào hiệp.” (3)
Người lính Mỹ trẻ 20 tuổi tham dự vào chiến tranh Việt Nam từ mùa thu năm 1968 đến nay đã là một Thương Phế Binh 75 tuổi. Anh nhớ rất rõ, mình đã bỏ lại 1 cánh tay, một hốc thịt trên má ở đất nước Việt Nam. Anh đã trải qua một thời gian dài hỗn loạn đầu óc và trầm cảm nặng, hiện tại Anh vẫn mang theo trong người bao nhiêu thương tích và bệnh tật.
Chị là y tá của anh, chăm lo thuốc men, thực phẩm cho Anh. Nhờ vào tình yêu của vợ, tâm hồn Anh đã gần như hoàn toàn hồi phục, cùng vợ trong nghĩa vụ người đi chữa trị cho những người bị trầm cảm sau những chấn thương, nhất là những người trở về từ chiến tranh.
Steve, chúng tôi cám ơn Anh, người đã bỏ lại một phần xương thịt trên quê hương Việt Nam.
Trần Mộng Tú
Dec. 2nd, 2023
________________________________________
1-2-3 (Trích từ Nghiên Cứu Quốc Tế)
Ngọn Đồi Thịt Bằm–Đồi này có cao độ 937 mét tính từ mặt biển), nằm giữa khu rừng rậm của thung lũng Ashau Valley (A Sầu), cách thành phố Huế khoảng 30 km và cách biên giới Lào khoảng 1,5 km. Dân địa phương gọi ngọn đồi này là Núi A Bia, tức núi muông thú ẩn mình.