Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn: Trọn đời mang theo “quê hương thu nhỏ”
November 29,
Kalynh Ngô/Người Việt
FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, tác giả bài hát nổi tiếng “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” và từng một thời phụ trách chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975, vừa qua đời lúc 7 giờ 15 phút tối Thứ Ba, 28 Tháng Mười Một, tại bệnh viện Fountain Valley, California, hưởng thọ 87 tuổi.
Nửa đêm về sáng Thứ Tư, 29 Tháng Mười Một, tin nhắn từ chị Nguyễn Đình Phượng Uyển, con gái của nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, cho hay: “Ông đã đi rất thanh thản.” Vậy là, sau 87 năm “bước lạc sa xuống trần,” “người tình không chân dung” (theo cách gọi của cố thi sĩ Du Tử Lê) của hàng triệu thính giả miền Nam Việt Nam trước 1975 đã trở về với “Quê Hương Thu Nhỏ” của ông.
Chương trình “Nhạc Chủ Đề”
“Tình ca, những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người, bao giờ cũng được bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau. Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta. Em đâu ngờ, anh còn nghe vang tiếng em, trong tất cả tiếng động ngù ngờ nhất, của cái ngày sung sướng đó, tiếng gió mây thổi trên những cành liễu nhỏ, tiếng giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố…”
Lời giới thiệu trên rất quen thuộc với những ai đã lớn lên ở Sài Gòn, sống và thở với khói lửa chiến tranh, tâm hồn được sưởi ấm bằng nền văn học nghệ thuật miền Nam. Tiếng nói trầm ấm ấy là của nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn, một thời phụ trách chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975.
“Mỗi tuần, tôi và nhóm bạn nữ của trường Gia Long lại tụ họp nhau ở nhà của một người, háo hức chờ đón nghe chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài phát thanh Sài Gòn. Đó là một trời hoa mộng của chúng tôi,” bà Thảo Hà Nguyễn, từ Maryland, nói về ký ức thời áo trắng của bà dưới sân trường miền Nam ngày cũ.
Những ngày tháng đó, cứ mỗi tối Thứ Năm, trên đài phát thanh Sài Gòn, tiếng nói của ông lại vang lên, ru thính giác người nghe vào những ca khúc trữ tình bằng lời nói ngọt ngào, tình tứ về những cuộc tình được ươm mầm, sinh ra, lớn lên, rồi… chết, chết trong bất tử, trên chính mảnh đất quê hương. Ông chuyển đến thính giả các ca khúc với lời giới thiệu truyền cảm, tình tứ và nhẹ như tơ.
Thơ và Văn
Nhà văn Nguyễn Đình Toàn sinh ngày 6 Tháng Chín, 1936, tại huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1954, ông di cư vào Nam.
Ông đóng góp nhiều sáng tác văn học nghệ thuật dưới nhiều dạng như tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, và bút ký. Tác phẩm “Áo Mơ Phai” của ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Cộng Hòa năm 1973.
Ông cũng viết nhiều truyện dài đăng thành nhiều kỳ trên các báo miền Nam Việt Nam như tạp chí Văn, Văn Học và các nhật báo như Tự Do, Chính Luận, Xây Dựng, và Tiền Tuyến.
Nhà văn Nguyễn Đình Toàn có bút hiệu ban đầu là Tô Hà Vân nhưng thành danh với tên thật và cũng là bút hiệu của ông sau này. Lời giới thiệu của ông trong chương trình Nhạc Chủ Đề luôn cuốn hút thính giả, truyền tải đến người nghe bằng những ngôn từ trau chuốt, êm như thơ, như nhạc. Đó là vì ông vốn là một nhà thơ, nhà văn.
Giới yêu thơ của những năm 1960 say mê nhân vật Phạm Thái và Trương Quỳnh Như trong bài thơ “Khúc ca Phạm Thái,” một bài thơ phổ thành kịch thơ, nằm trong tập thơ “Mật Đắng” mà sau này, vì một lý do riêng, ông đã đốt hết.
Ngày gặp lại ông ở Little Saigon, trong căn nhà nhỏ chứa đầy sách vở, ông kể lại, năm vừa ngoài 20 tuổi, ông bị lao phổi nặng. Khi ấy, ông và người vợ tào khang, “Tú Xương” Nguyễn Thị Thu Hồng vừa có người con đầu lòng. Ông bị ho ra máu, sức khoẻ suy yếu và thường bị ám ảnh bởi cái chết.
“Lúc đó, tôi sợ lắm rồi, tôi thật sự không muốn theo công việc (viết) ấy nữa. Tôi đốt hết những gì tôi viết. Cuối cùng có một người bạn mang đi được đoạn cuối cùng của vở kịch. Phạm Thái và Trương Quỳnh Như là mối tình không thành. Họ yêu nhau nhưng không lấy nhau.”
Thời ấy, giới yêu văn học miền Nam biết đến ông với tác phẩm nổi tiếng “Áo Mơ Phai” đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Cộng Hòa năm 1973, còn gọi là giải thưởng Tổng Thống Thiệu.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn di cư vào Nam năm 1954. Hơn 300 trang của “Áo Mơ Phai” là dự cảm của một người yêu Hà Nội nồng nàn về một thành phố sắp không còn nữa.
Chính tác giả đã nói về tác phẩm của mình trên một Tạp Chí Văn Học năm 1974: “Nhân vật chính trong tác phẩm không phải là những nhân vật được nhắc tới trong sách mà chính là thành phố Hà Nội. Ai sống ở nơi này thường có cái cảm tưởng đang sống trong một giấc mơ, có lẽ là giấc mơ không bao giờ phai nhạt với sương mù cơn mưa sướt mướt hơi lạnh của mùa thu… Áo Mơ Phai thoát ra từ cơn mơ đó từ khi tôi xa Hà Nội mới 17 tuổi.”
Sau năm 1975, ông bị bắt và “tù cải tạo” 10 năm mới được thả. Năm 1998, ông cùng gia đình xuất cảnh sang Mỹ, định cư ở Nam California, và tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Hơn 30 năm sau khi Áo Mơ Phai ra đời, tại Đài Á Châu Tự Do (RFA) ở Washington DC, nhà văn Nguyễn Đình Toàn chia sẻ: “Tôi viết cuốn sách đó chỉ dựa trên những dự cảm đối với hoàn cảnh lịch sử cho một người chịu đựng hoàn cảnh lịch sử như chịu đựng sự đổi thay của thời tiết.”
Chính ông cũng không ngờ, khoảng 30 năm sau, Áo Mơ Phai lại mang đến cho ông “giải thưởng thứ hai” trên quê hương thứ hai. Có lẽ giải thưởng này, ý nghĩa hơn rất nhiều với ông, người đã chịu 10 năm “tù cải tạo,” nhiều lần “bước chân xuống thuyền bỏ lại quê hương,” theo lời ông nói.
Một buổi sáng Tháng Tư của năm 2019, ngay tại Little Saigon, nơi ông định cư từ năm 1988 theo diện đoàn tụ gia đình, người nghệ sĩ kể lại.
“Năm 1975 vào, họ bắt hết những nhà văn, tịch thu hết sách vở. Tôi cũng bị như thế. Huy chương này, khi họ làm biên bản thì họ mang theo. Tôi nghĩ là họ sẽ cất làm tài liệu về hoàn cảnh đất nước lúc đó. Tôi không ngờ sau đó, hơn 10 năm sau, có một người, không biết ở đâu, chỉ biết là ở Mỹ, gọi điện thoại cho tôi, nói là ‘cháu có mua được một huy chương từ một chỗ bán đồng nát. Cháu thấy tên của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà nên cầm lên xem, khi lật ra mặt sau thì thấy tên của bác.’ Anh ấy xin tôi địa chỉ và đến vào đúng ngày lễ của Cha (Father’s Day). Anh ấy đến tận đây, đưa tôi cái này và nói ‘coi như cháu trao giải này lần thứ hai cho bác’.”
‘Quê Hương Thu Nhỏ’
Những lần mà người nghệ sĩ Nguyễn Đình Toàn phải đau đớn tìm cách bước chân xuống tàu, tách lìa ra khỏi quê hương mình, ông thú nhận mình đã mang theo nỗi sợ hãi khôn cùng vì đối diện với sương đêm. Ông sợ cái chết và sợ cả phải dứt bỏ cái gì rất thiêng liêng.
“Khi sống với cảm giác ấy, tôi có cảm tưởng như mình đứng không vững nữa, tức là mình chênh vênh trên một cái gì đó. Từ đó trở đi chắc là mình đứng không vững nữa, mà quả thật là như vậy,” ông nói.
“Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ như vậy. Như cái cây mà bị bứng ra khỏi đất của nó đó, thì mang sang trồng sang chỗ nào khác thì nó cũng có thể sống được, nhưng hoa trái của nó sẽ không còn mang cái vị của nó nữa. Thành ra, khi người ta ước mơ người ta đi thì có nghĩa là cái đất nó đã chua rồi. Chỉ có đi thì may ra còn nuôi được, chứ tình cảm trong đó thì đã chết hết.”
Và từ đó, ông không viết văn nữa. Không viết nữa vì: “Tôi gọi là đất đã chua cành đã chết rồi, không có cây nào mọc được nữa rồi. chỉ có một giống nào đó cấy với nhau thì nó mới mọc được.”
“Nó giống như người không có chỗ trú thân. Tách rời ra khỏi quê hương, từ bỏ quê hương thật của mình thì chỗ khác không thể nào thay thế được đâu.”
Trong nhạc phẩm, và cả thơ ca của nghệ sĩ Nguyễn Đình Toàn, ông chưa bao giờ tách lìa tình yêu trai gái ra khỏi tình đất nước. Hai lần, ở hai thời điểm, hai địa điểm khác nhau, ông đều nói: “Tình yêu quê hương và tình yêu trai gái gần như là một. Khi thu nhỏ lại thì là tình của hai người, nhưng cũng cái tình ấy khi phóng lớn lên thì nó là tình hoài hương.”
“Quê Hương Thu Nhỏ là ca khúc ông viết sau năm 1975. Lúc đó, “không còn cách nào khác,” theo cách diễn đạt của ông về Sài Gòn không còn nữa. Ông muốn tìm một hình ảnh nào đó mà có thể trọn vẹn ôm gọn ý nghĩa một “quê hương thu nhỏ.”
“Tôi nhớ hình ảnh một người phụ nữ, kiếm sống bằng cách hằng đêm, bà thắp đèn hột vịt, bày ra chiếc bàn nhỏ, bán thuốc lá. Cho dù lúc đó tiền ăn không có, ai hút thuốc lá làm gì,” ông kể.
“Hình ảnh đó tôi cho là quê hương thu nhỏ của mình, để người viễn xứ mang cho vừa đó mà.”
Không cần lớn lao, không cần vĩ đại. Tình yêu quê hương của người nghệ sĩ chỉ cần là một ánh đèn dầu heo hắt bên xa lộ, với cuộc sống mưu sinh cơ hàn trên chính mảnh đất quê hương, nay đã không còn.
Người nghệ sĩ hơn 80 tuổi, mắt ông đã nhoà hơn xưa rất nhiều, tay đã run, nhưng những gì thuộc về quê hương của ông thì bất tử trong tâm trí.
Ông nói: “Người nghệ sĩ là cuống rốn của quê hương. Nếu tách lìa nhau thì người nghệ sĩ không còn là nghệ sĩ nữa.”
35 năm trước, ông đã đi để giữ quê hương trong sâu thẳm một góc cuộc đời mình. Ông đi để nhớ mãi những đêm hè, quán nhạc. Ông đi để còn có thể gọi tên “người tình” của mình, “người tình” mà ông gọi là Sài Gòn.
35 năm sau, ngày 28 Tháng Mười Một, ông lại ra đi một lần nữa.
Chị Nguyễn Đình Phượng Uyển, người kịp từ nước Úc bay về bên cạnh ông những ngày cuối cùng, nói rằng: “Ông đã chiến đấu cho cuộc đời mình. Ông rất dũng cảm. Đã ba, bốn lần thập tử nhất sinh, nhưng ông đều vượt qua. Hôm nay, ông đã nhẹ nhàng, thanh thản đi gặp mẹ của tôi.”
Hành trang của ông lần này, chắc chắn ông vẫn mang theo “Quê Hương Thu Nhỏ” của mình. [kn]
Kalynh Ngô 29.11.2023
Nguồn: Người Viêt
––
Xin cúi đầu tiễn ông NGUYỄN ĐÌNH TOÀN – (Nguyễn Gia Việt)
Nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn vừa qua đời lúc 7 giờ 15 phút tối thứ ba, 28/11/2023, tại bịnh viện Fountain Valley, Huê Kỳ
Thiệt là khó khăn khi viết vài dòng tiễn biệt một người mà cá nhân tôi rất thích, về thơ văn, về suy nghĩ, về lịch sử Miền Nam và Sài Gòn, có chút ảnh hưởng tới suy nghĩ của tôi
Mà nói thiệt, thơ văn, nhạc của Nguyễn Đình Toàn không phải người nào nghe cũng thích, mà không phải nhà văn, nhà thơ hay nhạc sĩ nào cũng được địa vị như ông
Cám ơn ông Nguyễn Đình Toàn đã xuất hiện trên cuộc đời này!
Nói tới Nguyễn Đình Toàn thì nhiều người biết và cũng không nhiều bạn sẽ thích, vì ông đa tài, từ viết văn, làm thơ, viết kịch và nhạc đều có, nhưng nhạc ông kén người nghe, nhưng nghe quen sẽ thấm và ghiền
Câu nhạc “Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên” là của Nguyễn Đình Toàn
Nghe nhạc ông sẽ phảng phất cái buồn thân phận, bừng tỉnh lương tâm, hừng hừng khí thế
Nguyễn Đình Toàn là một người gốc Bắc nhưng gắn với Sài Gòn Việt Nam Cộng Hòa một thời, ông là một trí thức tiểu biểu của Miền Nam
Những câu chữ của ông thể hiện sự tài hoa và hào khí của một thời, kể cả sau những ngày 30/4 câu chữ của ông vẫn hiên ngang vững chắc
Có hai bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Đình Toàn mà ai cũng nhớ vì được Vũ Thành An phổ nhạc
“Tình khúc thứ nhất” làm người ta thổn thức/;
“Thần tiên gẫy cánh đêm xuân Bước lạc sa xuống trần Thành tình nhân đứng giữa trời không Khóc mộng thiên đường Ngày về quê xa lắc lê thê Trót nghe theo lời u mê Làm tình yêu nuôi cánh bay đi Nhưng còn dăm phút vui trần thế” Ôi! Tình vui theo gió mây trôi…….!
“Em đến thăm anh đêm 30” cũng là một bài thơ tình diễm lệ của đất Sài Gòn
“Em đến thăm anh đêm ba mươi Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi Anh nói với người phu quét đường Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em”
Những ngày Tết của cái năm xa xăm nào đó ở tại đô thành Sài Gòn, một chàng trai giữa đất trời sắp giao mùa,chuyển qua thời khắc quan trọng đã hân hạnh dược “em” ghé thăm trong niềm vui bất tận và chuyện tình của họ có người phu quét đường làm chứng
Câu “Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?” là một câu hay không bút mực nào diễn tả
Người phu quét đường mộc mạc, hồn quê cùi cụi, cái đất Sài Gòn hồn nhiên của chúng ta
Qúa là thương Sài Gòn, nhớ hồi đó, cái thời xưa thiệt xưa!
Khi thấy mệt hãy nghe nhạc đặng giữ lòng cho thanh thản, cho lòng mình thả ra, bay về mọi thứ mà mình thấy bình an, vùng vẫy trong mọi niềm vui
Tôi có thói quen nghe nhạc Nguyễn Đình Toàn từ hồi còn xuân xanh , những năm còn là sinh viên, nghe lần đầu thấy chát chát, lần sau thấy ngại ngần nhưng thấm rồi thích, như ăn sấu riêng, ăn bún mắm vậy, ghiền đó !
“Gió trời xin ngủ bình yên Coi như giấc mộng ưu phiền đấy thôi Mây cao với mắt trông vời Soi gương trán bỏng, quên người tôi đi. “
Đêm nghe Nguyễn Đình Toàn để thả lòng mình ra, bung ra, buồn thì cứ dãn mình ra, thất vọng chất ngất gì đó để rồi hãy vui lại, có niềm hy vọng trong những lời cuối của ca từ
“Tình ca, những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người, bao giờ cũng được bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau.
Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta. Em đâu ngờ, anh còn nghe vang tiếng em, trong tất cả tiếng động ngù ngờ nhất, của cái ngày sung sướng đó, tiếng gió mây thổi trên những cành liễu nhỏ, tiếng giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố.
Ngần ấy những tiếng động ngân nga trong trí tưởng anh, một thưở thanh bình nào, bây giờ đã gần im hơi, nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức làm vang lên trong ký ức một mùa hè háo hức, một đêm mưa trở về, gió cuốn từng cơn nhớ, anh bỗng nhận ra, anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hai thành phố.”
Bạn thử vừa uống trà vừa nghe nhạc Nguyễn Đình Toàn đi, nghe rỉ rả , nghe tỉ tê, bạn sẽ thấy yêu quê mình nhiều lần hơn nữa
“Đêm thao thức mây đưa Đêm rưng rức sao thưa Quanh mình nghe đã lạ Ai xa đã xa chưa Ai quên đã quên chưa Thôi nặng lòng chi nữa”
Không thương quê, không thương dân tộc mình không được vì nó quá đáng thương, nó đã trầy vi tróc vẩy nhiều lắm rồi
“Ngày đau thương kia ta còn nhìn thấy mình Trong tấm gương đầy nước mắt”
Đứng giữa trời đất này đôi lúc tiếc, cái phận người Việt của mình sao quá là truân chuyên, lận đận, lao đao tan nát
Vậy tương lai nào cho xứ Việt của chúng ta?
Chúng ta phải làm sao cho quê mình bớt đau thương, bớt rên xiết? Câu hỏi này nhiều người đã hỏi , vậy ai trả lời cho chúng ta?
“Có tay nào che nổi trời mưa Cho vai đừng ướt nặng bơ vơ Hãy nói với đêm khuya Một lời nói nhỏ Tình là chi mà nhiều khi chôn được ở lòng ta Tình là chi mà nhiều khi chôn lại nở thành hoa”
Đâu có dễ, định lòng “chôn” chặt rồi, nhưng rồi tình sẽ bung ra, mở ra muôn hướng, tình riêng còn có tình chung, gói trọn quê nhà trong đó,không ai chọn được nơi mình sanh ra hết, đã trót là sẽ đeo bám trọn đời
“Có chăng một ngày Quê hương ta không còn hận ngăn ghét trói Đớn đau sẽ nguôi Đói no cũng vui Biết buông sầu oán vơi thương đầy Nhìn nhau ra người cũng một đời thôi”
Tôi thích nhạc Nguyễn Đình Toàn hơn cả Phạm Duy, Trịnh Công Sơn vì ông Toàn cứ nhét quê hương của tôi vào mấy bài ca của ông, như xát muối vào lòng dạ người Việt khắp nơi, cuối mỗi bài nhạc ông lại nhen nhúm sự hy vọng về một ngày nào đó
Người Việt trong nước càng đau nhiều hơn ông ơi!
“Thèm miếng khoai ngày đói Hỏi áo xưa mòn vai Và từng đêm nghe gió lay Khi nao ta về tới Soi trong gương sầu ấy Có còn ta nữa hay là ai?”
Có những nỗi buồn thân phận, đời người những bước ngoặt của lịch sử, đó là nghịch cảnh quê hương mà không có cuốn sách nào,dòng chữ nào, ,ý tưởng nào diễn tả hết
Thời gian cứ trôi mà người thì cứ già, không sợ chết mà chỉ sợ chẳng làm gì được đã chết rồi
“Tháng ngày đã trôi qua Tình đã phôi pha Người khuất xa Chỉ còn chút hương xưa Rồi cũng phong ba Rụng cùng mùa…”
Đời phức tạp nhưng suy ra quá đơn giản, chỉ có sống và chết thôi, hơn thua một hơi thở, như cái bóng đèn gió qua cái vèo tim tắt,lửa mất…đèn tối tui
Hoa tươi, hoa đẹp có ngày hoa héo, hoa tàn, hoa rụng
Nhưng hãy giữ lòng với quê hương mình dù mình có vô danh, có buồn bực,có tả tơi ước mơ, có phút nào đó muốn quên mọi thứ
“Ở đó có lá cuốn dây ngoài song, có giếng nước soi trời trong, có gió mát đêm bình yên, có những tiếng chuông gần lắm……”
Cái cảnh “Ngày về quê xa lắc lê thê” hay”Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai” đã hiện diện trên quê hương Việt Nam này rồi
Nhưng có lẽ rồi cũng sẽ qua,sẽ có một cánh cửa khác, con đường sẽ từ từ mở ra, còn người là còn mọi thứ, chúng ta “khốn khó quyết nuôi tình duyên đã trốn thoát qua nhiều phen”
Nhớ hoài hai câu:
“Vì còn đây câu nói yêu em Âm thầm soi lối vui tìm đến”
Nguyễn Đình Toàn, một nhân cách vẹn toàn đã giữa lửa, giữ niềm tin , nhắc cho người Việt chữ “thân phận” và “quê hương” qua những dòng thơ, nhạc
Xin cám ơn ông nhiều lắm! Xin tiễn biệt nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn !
Nguyễn Gia Việt 29.11.2023
Nguồn: Thụy My RFI
Nhà văn Nguyễn Đình Toàn trong cuộc trò chuyện cuối/
Nguyễn Tuấn Khanh
Trong cái chớp mắt của cõi nhân gian, lại bàng hoàng nhận ra một cái tên lừng danh văn hoá và báo chí miền Nam nữa đã ra đi. Nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã rời bỏ nơi trần thế, ra đi vào lúc 7 giờ 15 phút tối Thứ Ba, 28 Tháng Mười Một, tại bệnh viện Fountain Valley, California, hưởng thọ 87 tuổi.
Năm 1998 nhà văn Nguyễn Đình Toàn đến Mỹ, góp vào khung trời ký ức mang theo của người Việt hải ngoại về một thời thi ca nhạc hoạ lẫy lừng miền Nam, có Nguyễn Đình Toàn như người kể chuyện âm nhạc độc đáo Sài Gòn, qua sóng phát thanh. Nhà thơ Du Tử Lê từng gọi ông là một nghệ sĩ như người tình không chân dung của người yêu nhạc, vì người nghe mê say cách ông trình bày một ca khúc, diễn đạt một ý niệm, mô tả về hình ảnh như du vào mộng, mở cửa vào khu vườn bí mật của mỗi tối thứ Năm, chương trình nhạc chủ đề.
Vào giai đoạn đó, nhà văn Nguyễn Đình Toàn như một người dẫn chương trình độc đáo, nâng bước cho nhiều nghệ sĩ. Về sau, nhiều bài hát hay album của những ca sĩ từng được ông giới thiệu trên đài, vẫn hay chép lại những mô tả của ông để in trên bìa băng , bài nhạc như khẳng định uy tín. Chẳng hạn, Nguyễn Đình Toàn đã từng giới thiệu về Khánh Ly, mà về sau câu nói của ông luôn được dùng lại trong các giới thiệu: “Khánh Ly – người đàn bà hát những bài tình ca không hạnh phúc”.
Nói về nghề phát thanh viên, Nguyễn Đình Toàn đã mở ra một cách thức mới mẻ, bằng tiếng nói nhỏ nhẹ, giọng Bắc 1954 êm nhẹ như ru ngủ, cộng với văn tài của ông mà về sau gần như không có ai có thể thay thế. Nhiều người vào nghề sáng tác, ca hát đã bỗng chốc quen thuộc với khán giả. Trong một cuộc trò chuyện, có người đã ví ông tài năng như Oprah Winfrey. Nhưng xét cho cùng, Nguyễn Đình Toàn còn vượt qua ngưỡng ấy, vì ông không là show diễn, mà dùng tiếng nói của mình chải chuốt lòng người Việt trong những giai đoạn chiến tranh điêu tàn, vượt qua những giằng co khác biệt chính trị, mở ra một khung trời thơ mộng trong đêm tối, mang hy vọng cho ngày mai.
Nhưng nói gì thì nói, Nguyễn Đình Toàn cũng không vượt qua được con mắt soi xét của chính quyền mới. Sau năm 1975, ông cùng với những bạn văn, bạn thơ, bạn nhạc… lần lượt đi vào trại giam vì bị coi là thành văn hoá đồi truỵ, những tên biệt kích văn hoá. Công an ập đến tổng cộng hai lần và đi tù cải tạo một thời gian gần sáu năm. “Họ dọn đi tất cả sách vở, tài liệu, huy chương, giải thưởng… nói là để nghiên cứu tội của tôi”, nhà văn Nguyễn Đình Toàn nói, giọng nhỏ nhẹ như kể chuyện trong một tiết mục trên đài. Các tác phẩm của ông bị truy vết từng con chữ để lần ra chuyện, trong ý niệm của các điều tra viên. Sau cùng thì các tác phẩm của ông bị đốt làm gương, và một số được giữ lại trong Bảo tàng Tội ác Mỹ Nguỵ như chứng tích, trong một thời gian.
Một trong những kỷ vật bị lấy đi, mà ông nhớ tiếc trong nhiều năm, đó là chiếc kỷ niệm chương Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 1972-1973, trao cho tác phẩm Áo Mơ Phai – tiểu thuyết nhiều kỳ đăng trên nhật báo Xây Dựng. Tác phẩm dày 300 trang, câu chuyện qua ánh mắt của một người Hà Nội về nơi chốn của mình. Cứ tưởng đó là một câu chuyện đời, mà đó lại là câu chuyện của một Hà Nội muôn thuở sắp mất, mất mãi mãi. Một người trẻ Hà Nội đọc tác phẩm này vào năm 2021, và để lại lời nhận xét “Mỗi tác phẩm đã viết ra như que diêm đã được đốt cháy. Nhân vật chính trong tác phẩm không phải là những nhân vật được nhắc tới trong sách mà chính là thành phố Hà Nội. Ai sống ở nơi này thường có cái cảm tưởng đang sống trong một giấc mơ, có lẽ là giấc mơ không bao giờ phai nhạt với sương mù cơn mưa sướt mướt hơi lạnh của mùa thu”.
Vào Nam, mang theo trong mình ký ức một thành phố yêu thương của mình, Nguyễn Đình Toàn dựng lại trong ngôn từ, dựng lại trong tiếc nhớ và dựng lại cho những người đọc về sau. Mà Không chỉ Áo Mơ Phai, trong nhiều tác phẩm khác của mình, ông đều dựng nên một không gian lạ lùng định danh Nguyễn Đình Toàn như vậy.
Nhắc về Giải Văn học Nghệ thuật, mà người ta còn gọi là tắt là giải thưởng Tổng thống Thiệu, tuyên ngôn của giải này được ghi rằng “Mục đích Giải chính là nhằm tuyên dương các nỗ lực chấn hưng văn hóa Việt Nam trong hoàn cảnh thế giới mới có những chuyển biến hết sức phức tạp, cũng là nêu cao chính nghĩa và khát vọng hòa bình, có nhiệm vụ quảng bá đặc sắc truyền thống nước Việt ra bằng hữu khắp năm châu”. Vì ý nghĩa này nên ngoài tấm kỷ niệm chương, người đoạt giải còn nhận được tiền thưởng là 600,000 đồng. Nhà văn Ngô Thế Vinh có nhắc là vào lúc ông Nguyễn Đình Toàn nhận được số tiền đó, nhà văn Nhật Tiến mua một xe hơi Renault 4CV, là xe được coi là ngon lành lúc đó, với giá có 400.000 đồng.
Nhà văn Nguyễn Đình Toàn kể, khi lục soát mọi thứ mang đi, viên công an mang ra tấm Kỷ Niệm Chương bằng đồng, lớn như miệng chén, trên đó có in nổi dòng chữ “Việt Nam Cộng Hòa – Tổng Thống”, hỏi cái này là cái gì. Ông giải thích đó là giải thưởng văn học. Không nói không rằng, viên công an đưa tấm Kỷ niệm chương vào hồ sơ tang vật.
Trải qua lần tù thứ hai, ông được về và phải trình diện với công an khu vực mỗi tuần, và không được viết cho đến lúc đi. Kỳ diệu thay, nhiều năm sau, một người Bắc rành rẽ chuyện văn chương thi hoạ miền Nam chợt nhận Kỷ Niệm Chương có khắc tên ông nằm ở hè bán hàng lạc-xoong. Mua lại với giá bằng hai chai bia, người này tìm cách gửi lại cho ông. Nghe đâu, những tang vật như vậy, sau năm 1995, người ta tìm thấy được bán rải rác ở các nơi bán đồ cũ, sưu tầm ở miền Bắc khá nhiều.
Đưa tấm Kỷ Niệm Chương cho chúng tôi xem, ông cười nói “Nó như định mệnh, mà đã là định mệnh dường như là ta dễ từ bỏ”. Lần cuối, tháng Năm 2023, đến thăm ông, lúc này ông đã yếu và quên nhiều nhưng vẫn giới thiệu lại chuyện Tấm Kỷ Niệm Chương.
Gọi con trai mình, anh Nguyễn Đình Thư, mang ra bộ sách cuối cùng của mình để ký cho chúng tôi, ông không còn giữ vững được cây bút, Chữ viết và chữ ký chồng lên nhau ngọn xanh như núi, nhìn không còn được chữ. Ký xong, nhìn lại, ông lại cười “Ừ thì đó là tôi, chữ loạng choạng như người rồi”.
Trò chuyện những giờ cuối với nhà văn Nguyễn Đình Toàn, hỏi ông nhớ gì Việt Nam. Ông thừ người chốc lát rồi nói “chỉ nhớ con đường làng”. Không biết được là ông nhớ con đường làng nào, rồi hỏi ông có buồn hay giận gì về những điều đã mất của mình ở Việt Nam không, ông lắc đầu cười nhẹ như đứa trẻ, không giận không buồn, người như đã chuẩn bị sẵn hành trang cho mình là một chuyến đi xa thật thảnh thơi.
Và rồi khi hay tin ông mất ở miền Nam Cali, mới chợt nhận ra rằng ông là người đã tạo ra khu vườn bí mật, cũ kỹ mà nao lòng, xa xôi mà rộng lớn vô cùng trong thời đại của chúng ta – những người miền Nam với mãi mãi văn hoá miền Nam. Nhưng hụt hẫng biết bao, là ông – cây cổ thụ to lớn, thâm sâu nhất trong khu vườn bí mật của ký ức của chúng ta, đã vẫy tay lìa bỏ địa đàng.