Cuốn sách “Au bout de la nuit” (tạm dịch: Tận cùng của màn đêm) là hồi ký viết bằng tiếng Ý của bà Ngô Đình Lệ Quyên, người con gái út của ông cố vấn Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Nhu và bà Trần Lệ Xuân. Cuốn sách được người thân và bạn bè của bà Lệ Quyên tập hợp từ những kỷ niệm thời thơ ấu, lúc trưởng thành, và suốt quá trình công tác của bà.
Sinh thời, bà từng được Tổng thống Cộng hòa Italia Giorgio Napolitano trao tặng danh hiệu công dân danh dự vì những cống hiến xuất sắc của bà cho nước Ý nói riêng và châu Âu nói chung vào năm 2008. Đáng tiếc thay, chính tác giả cũng không có dịp chứng kiến đứa con tinh thần của mình ra đời vào năm 2014, bởi vì bà ra đi trong một vụ tai nạn giao thông thảm khốc vào năm 2012, chỉ một năm sau cái chết của mẹ bà.
Tác phẩm được bắt đầu viết vào năm 2007. Phần một (Infanzia – Thời thơ ấu) bắt đầu từ những ngày Lệ Quyên cùng mẹ và ba anh chị em đặt chân tới Ý theo diện tị nạn chính trị, ngay sau khi cha và bác ruột – Tổng thống Ngô Đình Diệm – bị ám sát năm 1963. Phần hai (L’adolcenza – Thời niên thiếu) thuật lại quá trình trưởng thành của tác giả tại nhiều quốc gia trên thế giới. Phần ba (La Giovinezza – Thời thanh xuân) kể lại những tháng ngày học tập gian nan để trở thành một luật sư trên quê hương thứ hai. Phần cuối (Per amore di patria acquisita – Tình yêu với quê hương thứ hai) nói về công việc của bà với những người tị nạn tại châu Âu.
Phải tiến về phía trước
Ngày bác và cha bị ám sát và cũng là bà ngày bước vào đời sống lưu vong, lúc này Lệ Quyên mới chỉ bốn tuổi. Từ Dinh Tổng thống Sài Gòn, gia đình được cha xứ Ngô Đình Thục tại Vatican (trước đó ông là Tổng Giám mục Giáo phận Huế) hỗ trợ và đưa đến miền Nam nước Ý.
Ngay từ nhỏ, Lệ Quyên đã học cách kiên cường trong những ngày tháng khó khăn nhất của cuộc đời: “Lúc này không phải là lúc để kể lể than vãn: chỉ mấy ngày trước thôi anh em tôi vẫn còn lang thang trong rừng chẳng có gì vào bụng, đến tính mạng còn khó giữ. Lúc đấy trong tôi chỉ có một ý nghĩ: Phải tiến về phía trước và kiên trì lên.”
Chưa kịp thích nghi với Roma thì bà cùng mẹ, chị, và hai anh trai phải lên đường sang Paris, tại đây bà chủ yếu kiếm sống bằng nghề trả lời phỏng vấn. Từ những ngày đầu tiên đến trường, Lệ Quyên đã bị bạn cùng trường bắt nạt vì bà là đứa trẻ da vàng. Gia đình bà nằm trong số những tị nạn nhân chính trị đầu tiên ở đất nước hình chiếc ủng. Lệ Quyên không muốn chuyện của mình làm mẹ buồn, nên đã tìm cách làm bạn với tri thức.
Tại Paris, nơi ông Ngô Đình Nhu từng sống và làm việc, cả nhà được những người bạn cũ của ông Nhu cưu mang giúp đỡ. Lệ Quyên phát hiện những khác biệt văn hóa giữa Việt Nam và các nước châu Âu, trong lòng bà vẫn hoài niệm văn hóa Việt. Rất nhiều trang viết chứa chan tình cảm với Huế, nơi bà gắn bó lúc còn thơ, là nơi bà gần gũi với bà ngoại, và là nơi mà bà vĩnh viễn không thể quay trở lại trước khi qua đời.
Khi ở Việt Nam, Lệ Quyên hiếm khi được gần gũi với mẹ do bà Lệ Xuân quá bận rộn với công việc điều hành đất nước, do vậy cuộc đoàn tụ gia đình ở Ý là một sự tụ họp đau đớn. Bà viết trong sách: “Mẹ tôi luôn giữ tôi bên cạnh bà càng nhiều càng tốt, khác với những gì xảy ra ở Việt Nam, nơi chúng tôi sống cách biệt. Nỗi sợ mất tôi đã đánh thức bản năng bảo vệ con cái mạnh mẽ mẹ trong bà.”
Lấy tri thức làm bạn
Lúc Lệ Quyên lên mười tuổi, mẹ dẫn anh trai và chị gái đến Paris học còn bà quyết định ở lại Roma để tự lực cánh sinh. Bà đã học cách trung thực với cảm xúc của mình: “Tôi không đồng ý và tôi nói thẳng: tôi có ký ức tồi tệ về trường mẫu giáo Pháp và tôi thích ở Rome. Hơn nữa, tôi không dám hoặc không cố gắng đủ để nói ra một điều, rằng tôi muốn trưởng thành độc lập, tôi muốn người ta biết về tôi hơn là thân phận con gái của Madame Nhu. Tôi cảm thấy cần một không gian riêng của mình, dù cho điều đó có thể là một ước muốn viển vông ở tôi khi mới mười tuổi.”
Tuy nhiên, bất ngờ là người mẹ đã tôn trọng ý kiến của con gái, giúp bà tìm được một ngôi trường tốt và ở lại Roma một mình. Ở đó, một tu viện đã cho Lệ Quyên đến học tập miễn phí vì thành tích học tập nổi trội. Bà kể: “Tôi không biết bao nhiêu người mẹ sẽ làm như bà ấy và tôi mãi mãi biết ơn bà ấy vì đã cho phép tôi, ở tuổi mười, bước vào quá trình giải phóng bản thân.” Đó cũng chính là thời điểm mà Lệ Quyên lần đầu tiên “tiếp xúc với thực tế phương Tây toàn thời gian”, bởi lẽ trước đó, bà và mẹ cùng các anh chị em vẫn ăn đồ Việt và suy nghĩ như người Việt. Đó cũng là khi bà tự rèn luyện kỷ luật cho chính bản thân.
Chính bà đã thừa nhận, một phẩm chất quan trọng được thừa hưởng từ cha và mẹ đó là niềm say mê tri thức và tính kỷ luật trong học tập. Bà luôn nhấn mạnh những giá trị truyền thống châu Á: kính lão đắc thọ, hiếu thuận, hiếu học. Và nhờ người mẹ mà bà đã hình thành tính yêu sách, say mê khám phá những tác phẩm kinh điển thế giới và các tài liệu về quan hệ quốc tế. Bà được mẹ khuyến khích học, thi, và thưởng thức nghệ thuật. Lệ Quyên chia sẻ: “Ban ngày tôi là một chiến binh, và vào buổi tối tôi là một nghệ sĩ. […] Trong thơ ca, tôi đã và vẫn luôn tìm thấy sự an ủi cho những bất hạnh của cuộc đời.”
Phải thông minh lên
Nhờ mối quan hệ của gia đình mà Lệ Quyên được trải nghiệm nhiều nền giáo dục khác nhau. Bà học tập cách giao tiếp của nam giới, thẳng thắn, khách quan, tập trung, và đi vào đúng vào chủ đề. Bà Trần Lệ Xuân, mỗi lần thăm con gái Lệ Quyên, đều quan sát và huấn luyện con mình cách trả lời câu hỏi và bày tỏ ý kiến của mình. “Câu trả lời không được ngờ nghệch hay nhạt nhẽo, mà phải thông minh. Không có định nghĩa chính thức thế nào thông minh, nhưng một câu trả lời thông minh có thể được nhận biết ngay lập tức.”Trong ký ức của bà, lời dặn của người mẹ Trần Lệ Xuân lúc nào cũng văng vẳng bên tai: “Lệ Quyên, phải thông minh lên con!”
Học giỏi với Lệ Quyên, không phải là vấn đề của tố chất hay thành tích, mà đó là một quyết định. “Tôi đã quyết định trưởng thành ở Roma, tôi phải diễn đạt mình như thế và tốt hơn người Ý. Đó là một quyết định của trí óc giống như nhiều quyết định khác trong cuộc đời.” Bà tập trung vào ghi nhớ bằng cách phát biểu độc thoại qua nhiều ngôn ngữ, tập thói quen cầu nguyện bằng năm ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Latin, và tiếng Anh).
Bà tâm niệm, không điều gì là miễn phí, không tin tưởng bất cứ ai ngoài bản thân và Chúa.
Bà cũng lý giải niềm đam mê thần thoại Hy Lạp và lịch sử vì muốn được sống trong thế giới của người hùng, cũng như người cha của bà. “Nếu cha tôi không phải là một người hùng, ông sẽ đầu hàng với áp lực của người Mỹ và chúng tôi sẽ sống trong một cuộc lưu vong vàng son. Giống như nhiều người lưu vong xa xỉ khác, đang chờ đợi sự trở lại chẳng thể có được.”
Hướng về phương Đông
Tự kiểm soát là từ khóa trong văn hóa Đông phương, nó cũng đúng cho những người không phải là người Đông phương, để đối mặt với nhiều thách thức của thế giới hiện đại, từ sinh thái đến xung đột dân sự. Sự ưu tiên của cộng đồng so với cá nhân được xác định rõ ràng, cá nhân phải hòa hợp và đưa ước mơ của mình vào trong ước mơ của cộng đồng chứ không phải ngược lại. Bà chia sẻ: “Chúng tôi đã sâu sắc tiếp thu được mô hình văn hóa này và trước hết là giá trị, dù nó cách xa thực tế phương Tây – nơi mà chúng tôi đã sống trong suốt mười lăm năm qua.”
Trong trái tim của bà luôn có chỗ cho đất nước Việt Nam, mặc dù bà chưa một lần định nghĩa đầy đủ cái tên đó có nghĩa là gì. “Tôi vẫn nghĩ và luôn nghĩ đến Việt Nam, nhưng tôi quyết tâm có được kiến thức về đất nước của tôi từ vị trí của tôi, thu thập dữ liệu 360 độ rồi sau đó xử lý chúng, kiểm tra với mẹ khi bà ở Roma hoặc với anh Trác.”
Bà tâm sự trong qua những trang sách: “Tôi sống đầy đủ nhưng phân chia rạch ròi: trường học là một chương, gia đình là chương khác, những mối quan hệ là chương thứ ba và Việt Nam là một cuốn bách khoa toàn thư để đọc và viết về. Và vẫn luôn như thế.
Cuộc sống lưu vong đã làm tôi trở nên mạnh mẽ, đặc biệt là trong việc tận dụng nó để tiếp lực cho chính mình. Khác với cách mà một cô gái trong gia đình tử tế sẽ thường suy nghĩ, tôi không tin tưởng vào sự bảo vệ của bất kỳ ai khác ngoài Đấng tối cao. Tất nhiên, tôi không gọi Ngài ra để giải quyết những vấn đề vụ việc nhỏ nhặt.”
Trở thành luật sư
Bà Trần Lệ Xuân định hướng cho con gái mình theo ngành luật quốc tế. Bà Lệ Quyên sau này làm luận văn tiến sĩ với đề tài: “Các hiệp ước ‘hòa bình’ trong Chiến tranh Việt Nam: Hiệp định Genève 1954 và Hiệp định Paris 1973”. Những người giúp đỡ bà tiếp cận tài liệu ở Pháp là những người bạn cùng ngành lưu trữ chữ viết cổ của ông Ngô Đình Nhu.
Những ngày tháng miệt mài đèn sách tại Paris cũng thấm đậm nỗi nhớ người cha đã ra đi bi thảm. Bà nói về ông: “Đôi khi vào những lúc đi dạo trên các đại lộ lớn, tôi tự hỏi liệu cha tôi có từng ở đây vào những năm 1930 như tôi – một sinh viên nước ngoài đang mở rộng tương lai. Trước khi định mệnh và chính trị đã cướp đi tính mạng của ông.”
Lệ Quyên cũng kể lại những bất công của giới học thuật tại nước Ý, và sự im lặng của những người đồng nghiệp ngành luật xung quanh bà không dám đấu tranh cho những bất công. Ngay cả những người thầy về pháp luật trên bục giảng – những con người thuộc tầng lớp quý tộc có điều kiện để phơi bày cái xấu – cũng không dám bảo vệ một sự thật nhỏ nhất.
Hòa giải với phương Tây
Lệ Quyên không bao giờ dập tắt niềm hy vọng của mình, mà bà luôn nuôi dưỡng tri thức, bất chấp những rào cản của một người sống lưu vong. Lệ Quyên đã gặp những con người kỳ thị bà, nhưng cũng gặp những tấm lòng cao thượng. Đó là những người ở tổ chức Caritas đã truyền cảm hứng cho bà, những người đã mở rộng bàn tay và trái tim để giúp đỡ những người tị nạn – ngay khi chính phủ châu Âu và Bắc Mỹ không hào hứng và thậm chí thờ ơ với họ.
Thân phận người nhập cư sau hơn bốn thập niên mới có được tấm hộ chiếu đã khiến bà trở thành một nhà hoạt động xuất sắc. Bà nhìn nhận: “Không gì trong những gì tôi đã trải qua là bình thường. Những điều phi thường là kết quả của một hành trình dài, trong đó chúng ta cày, gieo, tưới, và chờ đợi. Một sự chờ đợi đầy niềm tin và hy vọng vào điều gì đó chúng ta chưa biết và có thể không xảy ra. Nhưng không có sự chờ đợi, không bao giờ có điều gì lớn lao xảy ra.”
“Tận cùng của màn đêm” là một cuốn sách đậm trí tuệ, lòng nhân ái, và đầy chất thơ. Qua cuốn sách, độc giả có thể thấy được những nét thấp thoáng miêu tả về hai nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Việt Nam Cộng hòa: Cố vấn Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân – người đóng vai trò như một đệ nhất phu nhân. Họ xuất hiện không phải với tư cách là những chính trị gia mà là người cha, người mẹ.
Tác phẩm là một cuốn hồi ký tràn đầy nghị lực sống và niềm lạc quan, qua đó ta thấy được tác giả sẵn sàng chuẩn bị cho những biến cố cuộc đời, như chính bà Lệ Quyên viết khi khép lại cuốn sách: “Lúc bình minh chưa tới, chúng ta chưa biết điều gì đang chờ đợi.”