1- Bị Chôn Mà Không Chết (Đỗ Trung Quân) – 2- Đi Bộ Qua Mỹ (Tuấn Khanh) – 3- Ly Hương, Sự Lựa Chọn Nghiệt Ngã (Nguyễn Thị Oanh)

(Youtube – Theo Dấu Giày Sô thực hiện)

1- Bị chôn mà không chết


Đỗ Trung Quân

Mấy năm trước, một nhóm nhạc sĩ Hà Nội dự định làm một cuộc cách mệnh lật đổ một thể loại âm nhạc đại chúng của Sài Gòn: BOLERO. Khởi đầu bằng những phát biểu có tính mỉa mai và không xem đó là âm nhạc, hầu hết những nhạc sĩ ấy đều là người tôi có quen biết, từng cụng ly uống rượu và thậm chí tôi từng tham gia xuyên việt với tư cách Mc. Tôi biết rõ “đại ca lãnh đạo“ là ai. Thế nên, trong bài viết này sẽ trên tinh thần đối thoại thẳng thắn nhưng không khiêu kích, bôi bác cá nhân ai, nó sẽ hiếu hòa nhưng không nhượng bộ điều gì không thể nhượng bộ.

Chôn không chết

Sau 1975, toàn bộ nền âm nhạc miền nam nói chung Sài Gòn nói riêng được liệt kê vào loại phản động cấm phổ biến, trong đó bolero cách gọi chung một thể loại nhạc đại chúng uỷ mị không có giá trị, nấm mồ được
đào và bolero cũng được chôn xuống chờ xanh cỏ…

Nhưng người miền Nam trong thời chiến, trước 1975 không có thông tin để biết rằng tại Hà Nội miền Bắc thập niên 1970 có một vụ án bi thương: vụ án “Toán xồm – Lộc vàng“ (xin tra google), hai chàng trai trẻ tuổi mê nhạc tiền chiến, nước ngoài, ”nhạc vàng“ của Sài Gòn dù đi hát chui cũng bị dong ra vành móng ngựa tội tuyên truyền phổ biến nhạc đồi truỵ – phản động. Toán xồm 15 năm tù. Lộc vàng 10 năm tù. Nhờ án tù cao nên hai người tù không phải đi lính, bộ đội, không phải đi qua chiến tranh.
Năm 1982, mãn án tù trở về khi tới ga Hàng Cỏ, từ những chiếc cassette chiến lợi phẩm mang từ miền nam về ầm ĩ toàn những thứ “nhạc vàng uỷ mị“ thứ âm nhạc lấy đi mỗi người trên dưới 10 năm trong lao tù. Toán xồm vài năm sau đó chết trước cửa ngôi nhà cũ bị chiếm dụng của mình đúng ngày 30 tháng tư, Lộc vàng còn sống đến hôm nay, mở một quán cà phê ven Hồ Tây đêm đêm vẫn hát… nhạc vàng.

Thứ âm nhạc đã bị chôn mà không chết, mãi mồ không xanh cỏ…
Thêm 40 năm nữa , một ngày kia bỗng thấy trên truyền hình quốc gia VTV tràn ngập loại âm nhạc “uỷ mị bolero“. Những cuộc thi đủ màu sắc tưng bừng diễn ra, những gương mặt ca sĩ trước đây chỉ thấy ở những chương trình hải ngoại nay nghiễm nhiên xuất hiện trên hàng ghế quyền lực lệch trời với thí sinh: BAN GIÁM KHẢO! Thứ âm nhạc “uỷ mị – bình dân –sến súa !“ ấy chiếm lĩnh sóng truyền hình hơn mọi game chơi nào khác.
Một cách tự nhiên cuộc “phục thù ngọt ngào“ không đổ máu, không có tiếng súng đạn – chỉ thí sinh – ban giám khảo và bolero: sứ mệnh hoàn tất.…�những ca khúc đỏ một thời bỗng lui vào viện bảo tàng, chỉ đưa ra
trong vài ngày “giỗ chạp“.
Đấy! chết mà chưa chôn, chưa kể âm nhạc “hường hường“ của các anh…

Trịnh Công Sơn
Hôm nay, dù yêu hay ghét Trịnh thì một sự thật không thể phủ nhận đây là nhạc sĩ có khối lượng người hâm mộ trong và ngoài nước khổng lồ. Người được công chúng quan tâm hàng đầu trong nền âm nhạc đương đại Việt nam.

Con người có vẻ ngoài gầy gò, gương mặt phảng phất vẻ trầm mặc của một “thiền sư“, có một cuộc đời tưởng như êm ả với quá nhiều thành công lại không phải vậy, trong niềm tin ngây thơ của một người thiên tả, ông phạm một vết hằn khó phai trong lời kêu gọi trên đài phát thanh trưa ngày 30 tháng 4 – 1975. Nhưng buồn thay cũng chính ông sau đó chịu nhiều đối xử, phân biệt hệt như những văn nghệ sĩ khác của Sài Gòn thời đó cho đến khi được một “nhà bảo trợ lớn“ Võ Văn Kiệt đỡ đầu.
Trịnh Công Sơn qua một trang sử khác bắt đầu dễ thở hơn dù nhiều ca khúc danh tiếng của ông trước 1975 vẫn bị cấm phổ biến. Loạt “ ca khúc da vàng” là một ví dụ, thập niên 80 – 90 mỗi khi viết một ca khúc mới Trịnh Công Sơn vẫn phải đến hát trước cho một vài anh chị em báo Tuổi Trẻ nghe, trong ấy có tôi để tìm sự khen ngợi, ủng hộ cho ca khúc mới của mình. Báo Tuổi Trẻ luôn đăng những ca khúc ấy của ông “Chiều trên quê hương tôi – Bốn mùa thay lá …”  trừ “Em còn nhớ hay em đã quên“ vẫn bị kiểm duyệt buộc gỡ xuống trong đêm chuẩn bị in báo từ một nhận định kiểu tuyên giáo “em ra đi nơi này phải đổi mới, phải khác chớ sao vẫn thế? cách mạng đã về rồi Sài Gòn phải khác…”

Cuối đời, khi mọi khó khăn đã qua, nhìn lại mình trong nỗi cô đơn Trịnh Công Sơn viết ca khúc u uẩn như dành riêng cho mình “Tiến thoái lưỡng nan – tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận… ngày xưa lận đận không biết về đâu… về đâu cuối phố về đâu góc trời… xa xăm tôi ngồi tôi tìm lại tôi…”
Trịnh Công Sơn mất, một đám tang vô tiền khoáng hậu với số lượng người Sài Gòn đưa tiễn! hơn 10 năm sau, ông được đặt tên đường. Trịnh Công Sơn, kẻ bị nghi kỵ, phân biệt đối xử bỗng một hôm có không chỉ một mà đến hai con đường mang tên mình, một ở Hà Nội, một ở Huế. Cái mà bao nhiêu nhạc sĩ cách mạng cả đời thèm muốn, đến chết vẫn thèm thì Trịnh thong dong từ cõi vĩnh hằng hoàn tất cuộc “phục thù ngọt ngào“: Trịnh Công Sơn có tên đường như Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi…

Cũng thập niên 90, Trần Long Ẩn một nhạc sĩ xuất thân phong trào sinh viên đô thị kênh kiệu tuyên bố “Nhóm những người bạn (Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Thiện, Vũ Hoàng, Nguyễn Văn Hiên, Từ Huy) đã đẩy lùi “âm nhạc hải ngoại“.
Tuyên giáo nghe sướng nhưng người nghe nhạc thì cười mỉm “thật không?“.

Khoảng sân nhỏ nhà tôi một buổi tối cúp điện, những năm ấy, điện cúp một tuần 2 ngày 3 đêm. Tôi tiếp anh trong khoảng sân nửa sáng nửa tối của ngọn đèn dầu hắt ra, anh đến chào tạm biệt về lại Bắc Ninh. Giọng anh buồn rầu “tôi phải về chốn cũ thôi, ở đây họ không chấp nhận nhạc của tôi…”.
Tôi nói “anh cứ về đi tôi tin rằng chỉ 5 năm sau khi anh quay lại Sài Gòn, sẽ là câu chuyện khác, họ sẽ phải nghe ca khúc của anh. Anh là người có kiến thức rộng nhiều lãnh vực, có tài năng tôi tin như thế”.
Tôi không rõ khi anh quay lại Sài Gòn có đúng 5 năm không, nhưng ca khúc của anh đang rất nổi tiếng “cho em một ngày, hoạ mi hót trong mưa, nghe mưa v.v…” tên anh đã được nhắc tới.

Giờ thì anh đã có tên tuổi dù âm nhạc của anh ít dần trong công chúng. Anh bắt đầu có những nhận định khác. Khi anh và nhóm của mình coi thường một thể loại âm nhạc được các anh xem là “sến“ của công chúng Sài Gòn nghĩa là cùng lúc các anh giới thiệu một lỗ hổng lớn, một cái nhìn cục bộ hẹp hòi mà âm nhạc, nghệ thuật không nên có. Các anh có người sang tận Hoa Kỳ học hành trở về với nhiều tự hào vẫn quên một điều căn bản, nền giáo dục nghệ thuật nước Mỹ cho mọi người ngay từ lớp học phổ thông hiểu biết về mọi thể loại, hình thái âm nhạc: rock, funk, jazz, country v.v… và ai chọn lựa hình thái âm nhạc nhạc nào là quyền yêu thích riêng của họ, không có chuyện Mozart, Beethoven… sang hơn anh mù Ray Charles hay John Denver của country music là sến. Các anh phạm vào điều cao ngạo, trịch thượng trong nghệ thuật.     

Những cuộc “phục thù ngọt ngào“ đang và đã diễn ra. Khán giả chọn lựa nó, thứ âm nhạc chôn mà không chết. Muốn nó chết, dễ thôi! Các anh hãy làm nhạc hay hơn nó, có tài năng hơn nó để vĩnh cửu như nó…
Dèm pha, mai mỉa, xúc phạm nó vô nghĩa! Nó càng bất tử!
Chỉ vậy thôi!
 
Đỗ Trung Quân


2- Đổ bộ qua Mỹ

Tuấn Khanh

Mình chỉ ngẫm nghĩ, không biết dư luận viên bị bỏ lại sẽ ra sao ta…
Trên con đường dài dẫn ra biển Hungtington Beach, Quận Cam, có những khu nhà rất đẹp mà chủ hầu hết là người Việt. Họ là những người rất trẻ, hoặc đó là những gia đình bình thường nhưng sống khép kín. Bạn tôi, một người đã sống ở nơi này, gần bằng thời gian của thế hệ người Việt đầu tiên đặt chân đến Mỹ sau tháng 4/1975, nói rằng đó là những khu định cư mới của “Việt cộng”.
Những ngôi nhà đó được mua rất nhanh trong khoảng vài năm gần đây – mỗi căn từ 450.000 cho đến hơn 1 triệu USD, cho thấy có một nguồn ngoại tệ khổng lồ được chuyển ra khỏi nước Việt Nam, để xây dựng một ước mơ thầm kín và khác biệt bên ngoài tổ quốc của mình.
Phần lớn những người này đều nói giọng miền Bắc, mới. Họ có một lối diễn đạt thời thượng thật dễ gây ấn tượng. Anh bạn tôi, một người làm real estate – môi giới mua bán bất động sản ở Mỹ – kể lại cuộc trò chuyện với một khách hàng như vậy, và được biết nhà được mua ngay bằng tiền mặt, mà người khách dằn giọng “tiền tươi!”.

Không chỉ ở nơi đó, nhiều năm gần đây, cộng đồng Việt Nam ở Texas cũng hay nói với nhau rằng khu Bellaire đang ngày càng nhiều những người chạy khỏi Việt Nam hợp pháp như vậy. Thậm chí, không chỉ xuỳ tiền nhanh để mua nhà – lớp người này rất nhiều tiền – họ mua luôn các cơ sở thương mại. Từ các tiệm nail với giá vài chục ngàn cho đến các siêu thị giá trên chục triệu USD, một thế hệ khác chính kiến, khác tư duy đang len lỏi vào các cộng đồng Việt Nam chống Cộng để mong an cư và sinh tồn. Nơi quần cư cho tiếng Việt, văn hoá Việt không chấp nhận chế độ cộng sản mà nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng từng gọi là “một Việt Nam bên ngoài Việt Nam”.
Có lẽ vì vậy, mà ở các khu người Việt như vậy, biển quảng cáo của các luật sư di trú ngày càng nhiều. Trên đài phát thanh hay truyền hình cũng ra rả các lời mời tư vấn tìm hiểu cách lấy thẻ xanh để được ở lại nước Mỹ.

Sẽ là một điều chua chát, nếu nhìn lại lịch sử. Dù nước Mỹ vẫn bị gọi là thua trận và bị “đuổi” khỏi Việt Nam theo các văn bản tuyên truyền, nhưng đích đến giờ đây của nhiều quan chức Việt Nam vẫn là nước Mỹ chứ không là đồng minh số một Trung Cộng. Thậm chí các quan chức, giới tư bản đỏ hiện tại của Việt Nam còn bỏ ra rất nhiều tiền để được trụ lại quốc gia thù địch đó, cho mình là cho con cái của mình.
Nhiều người Việt Nam sống bằng đồng tiền lương thiện ít ỏi của mình tại Mỹ đã ngạc nhiên hỏi rằng “họ là ai, sao giàu vậy”. Thật không dễ trả lời. Trong những người đến Mỹ hay bất kỳ quốc gia phương Tây thù địch nào khác, có những người làm mọi cách như một cuộc tỵ nạn về an sinh, giáo dục… nhưng cũng có những người chạy đi, để âm thầm đào thoát khỏi lý tưởng của mình.

Anh Mến, một người sống ở Kansas chỉ hơn 10 năm, trong một cuộc gặp ngẫu nhiên đã thảng thốt kể rằng anh chứng kiến những người Việt đến Mỹ mua một lúc 2,3 căn nhà. Thậm chí họ còn luôn đón mua hàng chục chiếc Iphone đời mới nhất để gửi về, so với anh đến nay vẫn còn mắng con khi thấy chúng xài viết chì được phân nửa đã vứt đi. “Việt Nam bây giờ dễ kiếm tiền lắm hả anh?”, anh Mến ngơ ngác hỏi.
Thật khó mà giải thích với anh Mến, dù cùng là người nói tiếng Việt với nhau. Vì ngay ở quê hương lúc này, hàng triệu người đang nuốt các bữa ăn công nhân hàng ngày tệ bạc đến mức như công khai bào mòn tuổi xuân của họ. Những vùng quê đói nghèo phải xin gạo trợ cấp mỗi năm, nhưng đầy dẫy các quan lớn vẫn lên nhà cao, tậu xe to và viết các dự án xây tượng đài hàng ngàn tỉ.

Trường St Polycarp ở thành phố Stanton, Quận Cam, là một trong những trường tư thục Công giáo mà nhiều gia đình người Việt dù tốn tiền nhưng vẫn hay gửi con vào vì mong chúng học kiến thức, và học được cả đức tin. Thỉnh thoảng, cũng có những gia đình đem con đến và cho con cái làm quen với Jesus thay cho học tin vào một lãnh tụ. Năm ngoái, chiếc xe đỗ trước cửa trường đưa đứa trẻ vào học, có cả ông bà theo để xem nơi học thế nào. Đó là những người vẫn còn mang đậm phong thái cán bộ với quần áo, giày dép vả cả giọng nói.
Khi gia đình này bước qua sân trước, vòi nước tự động tưới cây bất ngờ bị hư, nên làm tràn ra một vũng nước. Người phụ nữ lớn tuổi bước qua, càu nhàu “Thế này là không được. Phải nói nhà trường xem lại coi chứ thế này thì đi hư hết cả giày”. Thấy tôi là người Việt, đang đứng gần ở nơi bán hàng gây quỹ cho trường, nên bà nói luôn “Anh có làm ở đây không, anh nên nói với ban giám hiệu”.

Tôi nhớ đến Sài Gòn, Hà Nội… nhớ những ngày nước ngập lụt lội đến tận giường. Nhớ đến những mùa nhập học hàng ngàn phụ huynh vật vã, lê lết khắp nơi chạy trường cho con mình, dù phải gửi lót tay. Có lẽ người Việt đã quen sống vất vả và chịu đựng nên mọi thứ quen dần, đến khi tiếp cận với một đời sống tự do và dân chủ, ai cũng hăng hái tìm và thể hiện quyền của mình. Dĩ nhiên vòi nước được sửa ngay sau ấy không lâu, mà ban giám hiệu không đổ thừa cho biến đổi khí hậu hay thiếu tiền ngân sách.
Gia đình đó khi quay lại hôm sau, chắc sẽ hài lòng và nghĩ mình được tôn trọng, khác với những ngày tháng mà bao nhiêu người dân ở quê hương giận dữ với hiện trạng nhưng thấy mình luôn bị biến thành trò hề. Bài học của cuộc sống đơn giản hiện rõ trên gương mặt của gia đình đó, mà tôi thấy, là sự tự tin và quyền của con người, có thể rất khác khi họ ở Việt Nam, bị cảnh sát giao thông ngoắc xe vào vô cớ, đã vội móc túi tìm vài trăm ngàn để lướt qua nan đề thật nhanh.

Một trong những câu nói nổi tiếng của nhà văn, diễn thuyết gia John Mason, cũng là tựa đề một quyển sách nổi tiếng của ông, có tựa đề “Bạn được sinh ra như một nguyên bản, vậy đừng chết như một phiên bản” (You were born an original. Don’t die a copy) có lẽ là một trong những động lực thúc đẩy âm thầm nhưng mãnh liệt trong lòng người Việt từ nhiều đời nay. Đã có rất nhiều người ra đi, để được thấy mình và con cái của mình được sống như là chính mình, như một nguyên bản. Nhiều năm sau 1975, vẫn có những dòng người ra đi rất xa khỏi quê hương để tìm lại phần nguyên bản của mình.
Nghèo khó, họ có thể thành người rơm ở Anh hay bị xua đuổi ở Campuchia. Giàu có, họ trở thành những kẻ lưu vong hoặc nhấp nhổm với cuộc sống mới mà mắt vẫn đau đáu về quê nhà. Lịch sử thế giới chắc sẽ lại phải ghi thêm một chương kỳ lạ. Con người và muông thú lên thuyền ông Noah để gột sạch mình cho một thế giới mới, nhưng người Việt hôm nay lại lặng lẽ lên chiếc thuyền mong cứu chuộc nguyên bản của đời mình, cứu chuộc một cuộc sống đơn giản, thật thà và tự do.

Nhưng tại sao chúng ta không thể là nguyên bản ở quê hương mình?
Vì sao chúng ta phải sống không là mình nơi chôn nhau cắt rốn của mình?
Tôi đang hình dung người đàn ông có xe hơi đắt tiền không bỏ xe giữa con đường ngập nước ở Sài Gòn mà ông ta cùng nhiều con người nữa đang ướt sủng sẽ đi thẳng đến cơ quan nhà nước để hỏi rằng vì sao? Tôi hình dung gia đình Việt Nam di cư đến Mỹ đó sẽ không chất vấn một ban giám hiệu ngoại quốc về của công, mà sẽ cất tiếng nói như vậy trên chính đất nước mình? Một cuộc sống thật và đơn giản – nguyên bản vì sao đang phải bị đánh tráo bằng những phiên bản vô hồn và nhạt nhẽo?

Chúng ta được dặn dò hãy chỉ nên lo làm ăn, và đừng quan tâm đến chuyện gì khác. Và nhiều người Việt đã rất mất rất nhiều thời gian để làm được điều đó rồi giật mình nhìn thấy thế giới này không chỉ no đủ là tất cả. Không ít người giàu có, thậm chí quan chức đã dồn tất cả để ra đi và đổi một cuộc sống khác. Thậm chí đó là cuộc sống mà trước đây họ bảo vệ và coi những kẻ từ bỏ, ra đi là thù nghịch.
Cuộc sống đang như vậy. Rất hiện thực. Khi viết một bài trước đây, một bạn trẻ, có khuynh hướng dư luận viên, đã nhắn cho tôi “vậy cứ nghèo đi, nghèo hoài đi”. Dĩ nhiên, đó lại là một khái niệm khác, mà nếu hiểu những gì tôi viết ắt bạn trẻ ấy sẽ không nói như vậy. Vì câu hỏi của tôi rất rõ rằng chúng ta – người Việt, đang cố giàu lên và sau đó là gì?

Tuấn Khanh


3- Ly hương, sự lựa chọn nghiệt ngã


Nguyễn Thị Oanh

Cuộc di cư thầm lặng đến bao giờ chấm dứt…

Cuối cùng cũng đến ngày em gái út cùng chồng và con sang Mỹ định cư. Thế là lại thêm một gia đình người thân nữa của tôi rời bỏ đất nước này.
43 tuổi, em đang có việc làm ổn định ở một doanh nghiệp nhà nước với mức thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng. Hai vợ chồng có biệt thự, xe hơi và chồng còn sở hữu một cơ ngơi làm ăn riêng, tuy nhỏ nhưng cũng đáng để cho nhiều người phải mơ ước. Vậy mà điều gì đã khiến các em bỏ hết mọi thứ và dắt díu ba đứa con nhỏ dại từ giã quê hương để bắt đầu làm lại cuộc sống nơi xứ người cách đây nửa vòng trái đất? Câu trả lời nghe vẫn quen thuộc như nhiều lần tôi đã từng nghe: “Vì tương lai con cái!”

Vâng! Đó là lý do mà rất nhiều người Việt trong dòng chảy nhập cư nước ngoài những năm gần đây thường nêu lên để giải thích cho việc ra đi của mình. Thật chua chát khi hơn 48 năm sau ngày 30-4-1975, ký ức “thuyền nhân” lại trở về dưới một dạng thức khác. Lần này, các “thuyền nhân” ra đi không phải trong tâm thế trốn chạy hoảng loạn, vội vã mà là được cân nhắc, chuẩn bị cẩn thận. Không phải trên những chiếc thuyền lênh đênh đầy bất trắc mà là trên những chuyến bay tiện nghi, an toàn. Không phải lén lút, vô định mà là công khai và được chuẩn bị sẵn mọi thứ cho đến khi cầm visa trong tay mới lên đường. Các công ty tư vấn nhập cư dạo này nhan nhản khắp nơi với những chương trình mời gọi đi định cư châu Âu, Mỹ, Canada, Úc
Giờ gặp nhau, người ta hỏi thăm đã có PR (permanent resident) của nước nọ nước kia chưa, như một điều bình thường! Người có tài tìm đường đi theo dạng skill worker hoặc doanh nhân khởi nghiệp. Người có tiền thì bỏ tiền ra mua quốc tịch hoặc “thẻ xanh” cho nhanh. Người ít cả tiền và tài thì hy vọng kiếm được một suất đi lao động nước ngoài rồi tìm đường ở lại bằng đủ cách. Lớp trẻ đi du học hầu hết cũng không muốn trở về. Năm 2014, báo chí thông tin có 12/13 quán quân của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” không trở về nước sau khi kết thúc thời gian du học ở Úc với học bổng toàn phần cho người chiến thắng chung cuộc. Con số đó đến nay chắc đã tăng thêm sau bốn năm.

Tháng 7-2017, Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ công bố báo cáo hằng năm cho thấy Việt Nam đứng trong top 10 nước hàng đầu mua nhà tại Mỹ. Trả lời BBC, tổ chức này cho biết chỉ trong thời gian từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017, công dân Việt Nam đã mua bất động sản tại Mỹ trị giá lên tới 3,06 tỷ USD. Đó là mới tính số tiền chuyển đi để mua nhà tại Mỹ chứ chưa tính ở các nước khác và tất nhiên, đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng! Đất nước như một bao gạo bị thủng để trí lực, tài lực cứ chảy dần ra nước ngoài cho đến khi rỗng ruột. Quê hương chôn rau cắt rốn ở đây mà dường như chỉ là chốn dừng chân tạm bợ với rất nhiều người Việt bây giờ…


Làm sao có thể trách em tôi cũng như hàng triệu người dân khác đã và đang tính bỏ nước ra đi? Bởi cái lý do “vì tương lai con cái” nghe nhẹ bâng vậy mà trĩu nặng quá chừng! Sự lo toan và hy sinh vô bờ cho con cái vốn là nét văn hoá đặc trưng của người Việt. Những bậc cha mẹ thuộc nhiều thế hệ đã trải qua các cuộc chiến tranh trên đất nước nhỏ bé này, càng khổ cực nhiều ở đời mình lại càng thấm thía sâu sắc ước mơ về một cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho đời con cháu. Nhưng nỗi lo bây giờ không còn là chuyện cơm ăn áo mặc hàng ngày cho phần “CON”, như trong thời kỳ phải thắt lưng buộc bụng vì chiến tranh và sự mông muội. Nỗi lo bây giờ là về chất lượng cuộc sống cho nhu cầu của phần “NGƯỜI”. Có thể nào sống an yên khi môi trường bị phá hoại tàn khốc, tài nguyên đất nước bị khai thác tới cạn kiệt, thực phẩm bẩn tràn lan khắp nơi và tham nhũng thì như ổ dịch bệnh hoành hành từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài? Có thể nào sống hạnh phúc khi nền giáo dục và y tế ngày càng xuống cấp, các phúc lợi xã hội không chỉ kém chất lượng mà còn tiếp tục giảm sút, các giá trị văn hoá – đạo đức bị tha hoá và đảo lộn?

Bây giờ, bước ra đường là thấy lo: Lo nạn cướp giật, móc túi; lo tai nạn giao thông; lo ăn uống bị ngộ độc thực phẩm; lo hít khói bụi bị ung thư; lo bọn trẻ bị dụ dỗ sa vào ma túy hoặc bị xâm hại, bắt cóc… Cứ thế mà ngút ngàn triền miên lo. Thà chỉ phải lo cơm áo như ngày xưa còn dễ hơn bội phần! Xã hội càng bất ổn, lòng người càng bất an. Làm sao có thể yên tâm để con cái lớn lên trong một môi trường sống như vậy? Chưa kể, những lời đồn đoán về một tương lai xám xịt của đất nước gắn với những thỏa thuận của Việt Nam và Trung Quốc trong Hội nghị Thành Đô năm 1990 cũng là một trong những nguyên nhân gây hoang mang khiến cho nhiều người phải tính đường tháo chạy trước. 33 năm qua, Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam vẫn giữ bí mật, nhất quyết không công khai những nội dung đã ký kết với Đảng cộng sản và Nhà nước Trung Quốc trong Hội nghị Thành Đô. Vì thế, những đồn đãi càng ngày càng lan rộng, bất chấp mọi nỗ lực trấn an dân chúng của chính quyền. Và dù đã bước sang thế kỷ 21, thế nhưng nhà nước Việt Nam vẫn chủ trương quản lý, định hướng về tư tưởng và bưng bít thông tin không khác gì ở trong thế kỷ trước.

Hôm biết tin Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, một người quen của tôi là tiến sĩ trong lĩnh vực tài chính từng hăm hở từ Mỹ trở về nước cách đây 10 năm ngậm ngùi chia sẻ: “Em đã hoàn tất thủ tục cho cả gia đình trở lại Mỹ cách đây mấy tháng, nhưng vẫn còn cố nấn ná… Giờ thì phải ra đi thôi chị ạ, không thể để bọn trẻ lớn lên trong bầu không khí ngày càng ngột ngạt thế này…”. Bao nhiêu người trẻ có tri thức và nặng tình với quê hương đã “vội vã trở về, vội vã ra đi” như thế?

***

Hồi đi thăm Israel, tôi thường đứng lặng thật lâu trước hình ảnh những con tàu hồi hương hiện diện khắp mọi nơi, như một niềm kiêu hãnh trong lịch sử lập quốc của đất nước này. Đó là những chuyến tàu từ châu Âu, châu Mỹ… đưa hàng triệu người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới trở về xây dựng quê hương sau khi Israel chính thức được thành lập vào năm 1948. Những gương mặt người Do Thái hồi hương khi ấy còn vương nét nhọc nhằn sau Thế chiến, nhưng vẫn bừng sáng niềm hy vọng vào tương lai và ý chí quyết tâm kiến thiết quốc gia. 75 năm sau khi lập quốc, ngày nay Israel đã trở thành một trong số các quốc gia phát triển hàng đầu và là nền kinh tế lớn thứ 34 thế giới (tính theo GDP danh nghĩa năm 2016). Những chuyến tàu hồi hương ngày đó đã mang về cho quốc gia này vốn liếng quý nhất là những con người tinh hoa để xây dựng thành công một đất nước đã từng không có tên trên bản đồ thế giới.
Còn chúng ta?
Sau ( 1945 ) 78 năm thành lập và thống nhất đất nước (dài hơn thời gian lập quốc của Israel), những chuyến tàu (cả tàu thuỷ và tàu bay) sao lại chỉ mang dân ta ra đi mà không có trở về? Lịch sử dân tộc Việt Nam dường như gắn liền với các cuộc di dân, nhưng chua xót hơn là cho tới tận bây giờ, những cuộc di dân ra nước ngoài vẫn chưa biết bao giờ mới dừng lại? Bao câu hỏi cứ quay quắt trong tôi khi nghĩ đến em gái. Ngoài kia, trời Sài Gòn vẫn vần vũ mưa. Tiếng hát Thái Thanh vọng từ nhà ai đó nghe nức nở: “Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi…”.
Và trong tôi, không hiểu sao cứ thấp thoáng khôn nguôi hình ảnh những con tàu hồi hương về Israel cùng những con tàu ly hương rời Việt Nam.

Nguyễn Thị Oanh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *