Lê Chí Nam
Đôi lời phi lộ:
Môt buổi chiều chúa nhật, trong một lán nhỏ giữa rừng Phước Long, một ông bạn tù, nặng hơn tôi một mai nhưng trẻ hơn chừng nửa con giáp, vừa nắn dây cây ghi ta tự chế, vừa rên:
“…
Còn đâu những chiều vui xưa
Còn đâu những chiều say sưa
Ngồi nơi biển buồn trông ra khơi mênh mông.
Còn đâu Tháp Bà êm mơ
Còn đâu đá Chồng bơ vơ
Còn đâu bến Cầu Đá nên thơ.
..”
Nhatrang thì tôi không lạ, nếu không nói là quá quen qua ba đoạn đời, nhưng biết nhau từ Tây Ninh lên đây, tôi rành sáu câu ông ca sĩ hát không tròn nhịp gốc Phước Tỉnh này, học trung học ở Vũng Tàu rồi đi lính ĐPQ mút chỉ dưới miền Tây, mắc mớ gì mà bây giờ da diết với “Nha Trang là miền quê hương cát trắng” nên hỏi:
– Mày có bồ Nhatrang ???
Nó trả lời gọn bâng:
– Chưa ra ngoài Trung bao giờ nhưng có cha nội nào viết nhạc về Vũng Tàu đâu, nên tui mượn Nhatrang để nhớ bồ, nhớ biển cho đở buồn dzậy mà!
Tôi mới làm thầy khôn:
– Dễ ợt: Mày thay Tháp Bà bằng Phật Đài; đá Chồng bằng bãi Dâu, bãi Dứa; Cầu Đá bằng Bến Đá, Bến Đình là có Vũng Tàu biển xanh, cát trắng cho mày liền chớ khó gì đâu ??
Nói cho cùng, biển nào không xanh, cát nào không trắng, nhưng có nơi nào ban đêm có tiếng rao: “Ai bánh ú, dzịt lộn khôôông?”, “Ai đậu hủ nóng khôôôông”, hay dưới ánh sáng đèn đường vàng vọt, vài ba đứa học trò xúm lại học thi đến 2-3 giờ sáng để lại đôi ba chổ trên lề đường Duy Tân đầy phương trình viết nhanh bằng phấn trắng (***) như Nhatrang ???
Chữ “tôi” trong câu chuyện về vị linh mục trẻ dưới đây cũng như những lời rao hàng đứt quảng chìm vội trong tiếng sóng, những kỷ niệm tuổi học trò từ quê lên phố trọ học; đến không ai chờ, đi chẳng ai nhớ, nhưng thiếu đi thì cũng … khó tròn câu chuyện!
Cha Nhị:
Sau khi ra tù, tôi về lại quê, lúc đầu làm thợ mộc, loại thợ mộc lắp cửa dựng kèo ngoài nắng chứ không phải suốt ngày đục đẻo trong mát. Sau đâu gần năm, có thằng em kết nghĩa từ Saigon ra thăm, thấy sân nhà Má tôi đủ rộng và mát nên xúi tôi … đóng chuồng nuôi gà công nghiệp! Trước 75, nó học khóa đầu kỹ sư Nông nghiêp Viện Đại Học Minh Đức bên Gia Định, chưa kịp ra trường thì Miền Nam sập tiệm, VĐH Minh Đức cũng sập theo luôn! Kiến thức học được, nó truyền lại cho tôi, cộng thêm mấy cuốn sách dạy nuôi gà nó lùng được ở chợ trời Nguyễn công Trứ.
Rồi cứ cách năm ba tuần, nó theo xe lửa mang gà con chừng 1 tuần, 10 ngày ra cho ông anh.
Nhờ nó, tôi có thêm việc: Sáng sớm thay thức ăn, châm nước uống cho gà, chiều về tẩy chuồng, rửa máng. Ngày chúa nhật thì lu bu hơn: Xay thức ăn, hái lá khuynh diệp trôn với rơm rải đáy chuồng để trừ mạt (ký sinh trùng ngoài da chỉ có ở gà), nhét cau tươi chẻ nhỏ vô miệng gà để ngừa sán, … Những năm đầu 80, người còn phải xài Xuyên tâm liên trị bá bịnh, gà làm gì có trụ sinh nước, trụ sinh bột như trước kia nên khi nào sắp trái gió trở trời, tôi cho gà uống nước gừng pha loãng, ăn thêm tỏi sống.
Một buổi chiều, tôi có hai người khách tìm đến nhà. Người trẻ hơn giới thiệu người kia là Cha Nhị (*).
Hôm đó là lần đầu tiên trong đời tôi được môt linh mục đến thăm. Cha trông rất trẻ, đâu chừng 30 ngoài, lại mặc thường phục, nói dại, ra đường lỡ đụng xe, không chừng có đứa dám …. chưởi thề với Cha!
Ý Cha hôm đó muốn nhờ tôi góp ý về chuyện nuôi gà. Tuy ngoại đạo, nhưng vốn trọng người tu hành nên mấy hôm sau, tôi đến thăm khu nuôi gà của Cha. Khác với cách tôi nuôi gà, chỉ nuôi đến 2-3 tháng là bán cho người mua đem về làm giống rồi lo lứa khác gối đầu sẳn; khu nuôi gà của Cha gà lớn nhỏ đủ loại, vừa khó về thức ăn, vừa tốn nhiều công chăm sóc!
Không biết sau này Chúa có ban phước gì cho tôi không, chớ hôm đó và nhiều tuần kế tiếp tôi làm “thầy gà” cho Cha rất tận tình, cả việc vẽ cho Cha sơ đồ máy xay thức ăn (nhu cầu lớn hơn máy tôi đang dùng nên phải vẽ lại), công thức biến chế thức ăn tùy theo tháng tuổi của gà, và nhất là nguồn vỏ sò, bắp Thượng, bánh dầu (phần bả còn lại của đậu phọng sau khi ép ra dầu), ….
Tuy không đến nổi chậm tiêu, nhưng mãi sau nhiều lần tiếp xúc với Cha, dễ cũng đến nửa năm, tôi mới hiểu chuyện làm “kinh tế” (thuôc da, làm vỏ banh đá, banh bóng chuyền, nuôi gà …) của Cha không phải để làm ra tiền (**) mà là phương tiện tạo công ăn việc làm cho lớp trẻ trong giáo xứ. Cha không nói ra, nhưng tôi hiểu là không tạo cơ hội gần gũi sao giúp được các em cả về đạo lẫn đời? cả kinh tế lẫn tinh thần? tránh được chuyện đứa lớn trong gia đình hư, kéo theo mấy đứa nhỏ … hư luôn?
Dấn thân với đời, nếu so với những linh mục, nữ tu, chăm lo các trại mồ côi, trại cùi, … bề ngoài chuyện làm của Cha Nhị có vẻ dễ dàng như chuyện bình thường hàng ngày trong đời nhưng ở vào hoàn cảnh những năm đầu 80, búa rìu dư luận không là chuyện nhỏ:
– Có một lần, ở một quán cà phê kho, nơi buổi sáng dân thất thời lỡ vận bọn tôi gặp nhau trước khi tiếp tục bươn chải kiếm sống; một người còn trẻ, ăn mặc khá tươm tất, áo bỏ dô thùng, qua bàn tôi nhỏ nhẹ:
“Anh Nam cho em mời anh điếu thuốc” và tự giới thiệu là gia đình có biết tôi từ trước 75.
Sau vài câu trên trời dưới đất, anh chàng mới hỏi:
“Nghe nói anh chơi với Cha Nhị ?”
Tôi nghĩ bụng, đúng là thằng này hổn! Cha nhà thờ chớ phải bạn bè bida, xập xám gì đâu mà xài chữ “chơi”? Nhưng thây kệ, quỡn đâu mà dạy con người dưng nên tôi đưa đẩy:
“Đúng, tôi có biết Cha Nhị, mà có gì không”
“Em nghe mấy anh trong Sở nói Cha Nhị vô Sàigòn hủ hoá”
Tôi giả bộ ngu:
“Hủ hóa là sao”
“Dạ, là …… ăn nhậu, gái gú”
Tôi khá bực:
“Cha Nhị đi Saigon lo việc tiêu thụ vỏ banh lúc nào cũng có kế toán đi theo với lại chú mày có thấy lần ký hợp đồng nào mà sau đó không dắt nhau vô tiệm ăn không? Uống vì phải uống khác xa với uống vì muốn uống chớ??
Còn chuyện “gái gú”, hôm nào chú mày rủ “mấy ảnh” đi “tham quan” khu nuôi gà của Cha Nhị, mấy con nhỏ quét chuồng gà, cho gà ăn, xúc cát cho gà tắm, … đẹp dàn trời, mặt mũi sáng trưng mà Cha lâu nay có tai tiếng gì ở địa phương đâu? Bây giờ nói chuyện gái gú Saigon ai tin cho dô ???
Anh chàng chắc gia đình có biết tôi thiệt nên lể phép dạ dạ cho có lệ rồi đi.
Quán cà phê nhỏ xíu, mái lá, một bên tựa vào tường một căn phố, một bên là con hẻm nhỏ, chị chủ quán nảy giờ nghe rỏ hết trơn, nên giả bộ đến thay bình trà mới để chọc quê:
“Anh Nam bửa nay được cán bộ mời thuốc cán (****), oai thiệt !”
Để khỏi mất lòng, tôi nửa đùa, nửa bịa:
“Chị không biết chớ hồi xưa trong xóm; chị hai, chị ba, cô tư, dì út nó …đều khoái tui hết ráo!”
***
Từ xưa, câu “Cái áo không làm nên thầy tu” thường được nhắc đến khi người tu hành làm những điều trái lời Phật hay Chúa dạy.
Cảm ơn Cha Nhị đã cho tôi, một người ngoại đạo, thấy được điều ngược lại: “Người tu hành chân chính đâu nhất thiết phải có áo chùng, xâu chuỗi trên người ?”
LCNam
(Noel 2017)
(*) Cha Nguyễn Nhị, thụ phong linh mục đầu năm 75. Sau đâu chừng 5-6 năm làm cha Phó nhà thờ Tấn Tài ở Phan Rang thì địa phương không cho hành lễ trong hơn 10 năm. Sau đó Cha làm cha Sở giáo xứ Hộ Diêm cũng thuộc tỉnh NinhThuận.
Tôi được biết Cha Nhị khá đặc biệt như vậy nên có lần tôi hỏi một thằng bạn cùng lớp, con chiên ngoan đạo nhiều đời:
“Mày kêu cha Nhị bằng Cha, xưng con; tao kêu cha Nhị bằng Cha xưng tui, vậy mày kêu tao bằng gì?”
Nó biết tui muốn làm anh hai nên phang luôn:
“Bằng thằng ông nội !”
– Nghe đâu, hiện Cha Nhị đang lãnh đạo tinh thần một họ đạo thuộc tiểu bang Maryland.
(**) Thân mẫu Cha Nhị là nguồn “bù lỗ” thường xuyên.
(***) Hai trong mấy ông học trò vỉa hè Duy Tân này chắc có nhờ ma da biển Nhatrang phù hộ nên đường thi cử êm ru! Một ông sau tốt nghiệp ĐHSP làm thầy, một ông áo rằn ri mang hoa mai có gạch đít từ năm tôi bắt đầu mang quai chảo !
(****) thuốc đầu lọc