Vài Nét Về Khóa 6 Đốc Sự Quốc Gia Hành Chánh – Nguyễn Đắc Điều

Học viện Quốc Gia Hành Chánh ( 1963-1975)

(Đôi dòng giới thiệu:)

Ngày 26.10. 1955, sau cuộc Trưng Cầu Dân Ý, Thủ tướng Ngô Đình Diệm được chính thức tín nhiệm thành lập nền Cộng Hòa tại miền Nam và trở thành vị tổng thống đầu tiên của nước Việt Nam Cộng Hòa. Song song với việc cải tổ, phát triển Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt thành Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam nhằm đạo tạo những sĩ quan hiện dịch mẫu mực, có đủ năng lực văn võ hầu cung ứng những cấp chỉ huy cho Quân Lực, ông cũng cho cải tổ, phát triển Trường Hành Chánh Quốc Gia tại Đà Lạt thành Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, (chuyển về Sài gòn, địa điểm cuối cùng tọa lạc tại số 10 đường Trần Quốc Toản), nhằm đào tạo các cấp chỉ huy hành chánh chuyên nghiệp với trình độ đại học để trở thành những nhà kỹ trị có đầy đủ năng lực và đức độ, phục vụ hữu hiệu tại hầu hết các cơ quan công quyền từ địa phương (cấp quận, tỉnh) đến trung ương. Đối tượng chính được đào tạo gồm những Tham Sự Hành Chánh, Đốc Sự và Cao Học Hành Chánh.

Từ ngày thành lập cho đến tháng 4/1975, Học Viện đã đào tạo được:
8 khóa Cao Học với 299 sinh viên tốt nghiệp (và 2 khóa chưa tốt nghiệp.)
20 khóa Đốc Sự với 1.630 sinh viên tốt nghiệp (và 3 khóa chưa ra trường.)
5 khóa Tham Sự Hành Chánh với 622 sinh viên tốt nghiệp.
5 khóa Tham Sự Đặc Biệt Cao Nguyên với số 189 sinh viên tốt nghiệp (và 1 khóa chưa ra trường.)

Ngoài ra, từ năm 1955 đến năm 1975 Học Viện đã liên tục tổ chức nhiều khóa Năng Lực Hành Chánh cho các công chức đương nhiệm.

Các sinh viên QGHC, sau khi tốt nghiệp đã phục vụ đắc lực trong Chính Quyền từ  địa phương (Phó Quận Trưởng, Trưởng Ty, Phó Thị Trưởng, Phó Tỉnh Trưởng, Phó Đô Trưởng), đến trung ương (Chánh Sự Vụ, Giám Đốc, Tổng Giám Đốc, Tổng Thư Ký, Đổng Lý Văn Phòng, Phụ Tá Bộ Trưởng , Phụ Tá  Tổng Trưởng, Bộ Trưởng, Tổng Trưởng, Thủ Tướng). Ngoài ra, các cựu sinh viên còn tham gia rất thành công trong ngành Lập Pháp (Dân Biểu, Nghị Sĩ, Chủ Tịch Hạ Viện, Giám Sát Viên).

****

Bài viết ” Vài Nét Về Khóa 6 Đốc Sự QGHC” của tác giả Nguyễn Đắc Điều, như là một cuốn phim quay lại sinh hoạt của những sinh viên trong thời gian học tập cho đến sau khi tốt nghiệp, và điểm danh xem ai còn ai mất sau cuộc thăng trầm lưu lạc, gặp lại nhau trên đất lạ quê người.

Tác giả Nguyễn Đắc Điều, sau khi tốt nghiệp Khóa 6 Đốc Sự đã được điều động đến phục vụ tại Tỉnh Quảng Đức, sau đó là Tỉnh Tuyên Đức (Đà Lạt) trước khi về Bộ Nội Vụ, đảm trách nhiều phần hành quan trọng cho đến tháng 4/75.

************************

Vài Nét Về Khóa 6 Đốc Sự Quốc Gia Hành Chánh

Nguyễn Đắc Điều 

1/-Nhập học và tốt nghiệp:

Khóa 6 nhập học vào tháng 2 năm 1959 gồm có 51 sinh viên trúng tuyển so với 100 sinh viên dự tuyển. Đây là cuộc thi concours d’examen nên có lẽ không đủ số sinh viên có khả năng hội đủ điều kiện để trúng tuyển.Sinh viên đậu thủ khoa nhập học là Nguyễn Mạnh Huyên thi tại trung tâm Huế.

Thời tôi học, Học viện tổ chức tuyển sinh tại 2 trung tâm, một tại Sài Gòn và một tại thị xã Huế. Tôi không biết việc tổ chức này khởi đầu và kết thúc vào năm nào. Sau khi thi năm thứ nhất có 17 sinh viên phải xuống học khóa 7, và có 3 sinh viên từ khóa 5 xuống học khóa 6 là Nguyễn Văn Tiên, Trần Thanh Sử và Nguyễn Hữu Các. Tháng 1 năm 1962 có 36 sinh viên tốt nghiệp gồm 21 ban Hành Chánh và 15 ban Kinh Tài, trong số đó có 3 sinh viên gốc công chức, anh Nguyễn Hữu Các không tốt nghiệp.

-Ngoài anh Nguyễn Ngọc Châu, sinh viên công chức, các sinh viên tốt nghiệp ban Hành Chánh xếp theo thứ tự như sau: Triệu Huỳnh Võ (thủ khoa), Trần Huỳnh Thanh, Nguyễn Minh Quân, Nguyễn Đắc Điều, Phạm Đức Nhuận, Lê Minh Quang, Nguyễn Văn Tiên, Trương Minh Nhuệ, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Quí, Nguyễn Trọng Can, Đoàn Nghĩa, Ngô Đức Lưu, Nguyễn Thành Long, Lê Văn Thêm, Nguyễn Thành Nhơn, Nguyễn Văn Nho, Nguyễn Công Khanh, Trần Thanh Sử, Nguyễn Khai Sơn.

(Hình chụp trước thềm Học Viện QGHC – 4 Alexandre de Rhodes)
Hàng 3: Quang, Điều, Sử, Trần Huỳnh Thanh, Nho (đeo kính đen), Nguyễn Công Khanh (áo ca rô).  Hàng 2: Các, Trực, Quí, Triệu Huỳnh Võ, Đức, Nguyễn Khai Sơn (đeo kính trắng). Hàng đầu: Thêm, Quân, Ngô Đức Lưu (đeo tang trước ngực), Đoàn Nghĩa, giáo sư Nguyễn Quang Quýnh, Tiêu Ngọc Ninh, Lâm Văn Mẫn, Trương Minh Nhuệ. 

-Ban Kinh Tài ngoài hai anh sinh viên công chức Trương Quang Sáng (thủ khoa)Nguyễn Văn Tri, các sinh viên tốt nghiệp theo thứ hạng : Hoàng Ngọc Diệp, Nguyễn Ngọc Vỵ, Bùi Xuân Thích, Nguyễn Như Ky, Thái Hà Chung, Hà Ngọc Nghinh, Trần Nhật Ưng, Nguyễn Văn Thâu, Trần Ngọc Bình, Huỳnh Văn Báu, Nguyễn Vịnh, chị Thái Thị Minh Nghiêm và Trần Công Toàn.

2/-Bổ nhiệm:

Sau khi tốt nghiệp ngoài chị Thái Thị Minh Nghiêm được bổ nhiệm riêng, và 17 sinh viên được bổ nhiệm phục vụ tại Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo, số còn lại được gửi ra Đồng Đế (Nha Trang) để thụ huấn quân sự.

Trong lúc phải ôm súng gác đêm hay đi di hành hàng 50,60 cây số khi thì lội suối băng rừng, khi thì đi trên đường tráng nhựa của quốc lộ 1 dưới nắng gay gắt của mùa hè Nha Trang làm lột da chân trong giầy botte de saut, hay đi giây tử thần, hay thực tập những bài học tấn công bắn bằng đạn thật thì không sao tránh khỏi những ghen tỵ với các bạn được bổ nhiệm làm việc trong văn phòng tại Phủ Đặc Uỷ; nhưng sau này trong một bài viết anh Tiêu Ngọc Ninh cho biết các anh được chọn sang Phủ Đặc Uỷ do một tờ trình của Sở Nghiên cứu Chính trị của bác sĩ Trần Kim Tuyến thì mới ngộ ra các bạn được tuyển chọn là xứng đáng. (Tờ trình có nội dung trình bày sự tuyển chọn và thủ tục điều tra an ninh kỹ lưỡng về quá trình hoạt động của các đương sự và nó đã được chính Cố vấn Ngô Đình Nhu đệ trình Tổng thống với bút phê “ Kính bẩm anh: đã duyệt xong và kính đề nghị cho bổ nhiệm”. Cùng thời gian này, tôi chợt nhớ khi trình diện để nhận nhiệm sở mới, nhóm Phó Đốc sự khóa 6 chúng tôi được vị Đặc Uỷ trưởng đầu tiên là Đại tá Nguyễn Văn Y tiếp kiến và thân mật cho biết: “Các bạn là những viên ngọc quí được Thượng Cấp tuyển chọn về đây phục vụ…“ [Trích bài viết “Những chuyện ít ai biết” của tác giả Tiêu Ngọc Ninh trong Đặc san Nửa Thế Kỷ Hội Ngộ].)

(Nghị Định khóa 6 QGHC tốt nghiệp Khóa 3 Chuẩn úy Hiện Dịch Đồng Đế)

18 sinh viên được theo học khóa 3 Đào tạo Chuẩn úy Hiện dịch tại Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế-Nha Trang có biệt danh “Lò luyện thép” hay “Trường Đồng Đế đánh giầy cả đế” dưới quyền chỉ huy của Đại tá Đỗ Cao Trí.  Sau khóa học chỉ có 13 người tốt nghiệp Chuẩn úy xếp theo thứ tự : Nguyễn Ngọc Vỵ (thủ khoa), Thái Hà Chung, Lê Văn Thêm, Nguyễn Vịnh, Nguyễn Đắc Điều, Nguyễn Công Khanh, Nguyễn Văn Tiên, Nguyễn Khai Sơn, Trần Thanh Sử, Hà Ngọc Nghinh, Trương Minh Nhuệ, Nguyễn Văn Nho và Trần Nhật Ưng. Hai anh Ngô Đức Lưu và Nguyễn Trọng Can không đủ sức khỏe: anh Lưu được trả về bộ Nội Vụ từ đầu khóa học nhưng anh Can bị quân trường giữ lại cho đến hết khóa. Các anh Trần Ngọc Bình, Trần Công Toàn và Phạm Đức Nhuận không tốt nghiệp khóa quân sự Đồng Đế.

Sau khi tốt nghiệp khóa Đồng Đế vào tháng 12 năm 1962, các sinh viên ban Kinh Tài được bổ nhiệm làm Trưởng ty Thanh Niên thuộc Tổng Nha Thanh Niên gồm có: Nguyễn Ngọc Vỵ (Bình Định), Trần Nhật Ưng (Pleiku), Thái Hà Chung (Đà Lạt), Nguyễn Vịnh (Bình Thuận), Hà Ngọc Nghinh (?).

(Đi thăm Ký nhi viện Khánh Hội)
Hàng đứng: Nguyễn Minh Quân, Lê Văn Thêm, Nguyễn Văn Đức, Tiêu Ngọc Ninh, Trần Huỳnh Thanh, Nguyễn Văn Quí (Dân biểu), Điều, Lê Bỉnh Trực. 
Hàng ngồi: Nguyễn Văn Nho, Đoàn Nghĩa, Nguyễn Thành Long, Trần Thanh Sử, Lê Minh Quang, Lâm Văn Mẫn.

Riêng sinh viên ban Hành Chánh được bổ nhiệm tại bộ Nội Vụ như sau: Nguyễn Đắc Điều (Quảng Đức), Lê Văn Thêm (Chương Thiện), Nguyễn Văn Tiên (Phú Bổn), Trần Thanh Sử (Long Khánh), Trương Minh Nhuệ (Gia Định), Nguyễn Công Khanh (Kiên Giang), Nguyễn Khai Sơn và Phạm Đức Nhuận (Phước Long), Nguyễn Trọng Can (Phước Tuy), Nguyễn Văn Nho (An Xuyên), Trần Công Toàn (?); riêng Trần Ngọc Bình bị chậm bổ nhiệm một năm.

3/-Lễ tốt nghiệp:

Theo thông lệ những khoá đàn anh trước thì Lễ tốt nghiệp được ông Viện trưởng dẫn toàn thể sinh viên mặc complet trắng vào trình diện Tổng thống Ngô Đình Diệm tại dinh Độc Lập và đồng thời nghe Tổng thống huấn dụ; nhưng kỳ này nhân dịp làm Lễ Khánh thành trụ sở mới của Học viện nên Lễ tốt nghiệp được tổ chức chung cho cả 3 khoá 5,6 ,7 và được diễn ra tại Đại giảng đường toạ lạc tại số 10 đường Trần Quốc Toản, dưới quyền chủ toạ của Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông Cố vấn Ngô Đình Nhu, bác sĩ Trần Kim Tuyến cùng một số Bộ trưởng. Tất cả mọi sinh viên tốt nghiệp đều mặc complet mầu trắng. Riêng chúng tôi, các sinh viên đang thụ huấn quân sự tại trường Đồng Đế-Nha Trang thì mặc đồ đại lễ cũng mầu trắng. Các anh thủ khoa ban Hành Chánh khóa 5 Tô Tiếng Nghĩa, khóa 6 Triệu Huỳnh Võ, khóa 7 Phan Công Tâm được đích thân Tổng thống phát văn bằng tốt nghiệp. Đặc biệt nữa là các sinh viên thụ huấn quân sự tại Đồng Đế-Nha Trang lại được Tổng thống Ngô Đình Diệm chủ toạ lễ tốt nghiệp Chuẩn Uý khóa Ấp Chiến Lược: như vậy chúng tôi vinh dự được Tổng thống chủ toạ lễ tốt nghiệp cả Văn lẫn Võ. Sinh viên sỹ quan thủ khoa Nguyễn Ngọc Vỵ được Tổng Thống Ngô đình Diệm trao cung tên để bắn đi bốn phương trời.

Khóa 6 ĐS từ quân trường Đồng Đế về Học Viện QGHC lãnh văn bằng tốt nghiệp- (Hình chụp trước Đại giảng đường Học Viện)
Hàng sau: Nguyễn Vịnh, Nguyễn Văn Tiên, Lê Văn Thêm, Trần Nhật Ưng, Trương Minh Nhuệ, Nguyễn Công Khanh, Trần Thanh Sử. 
Hàng trước: Nguyễn Đắc Điều, Trần Công Toàn, Trần Ngọc Bình, Nguyễn Khai Sơn, Nguyễn Ngọc Vỵ, Hà Ngọc Nghinh, Nguyễn Trọng Can.

4/-Nhân vật nổi trội:

-Về ban Hành Chánh có:

*anh Triệu Huỳnh Võ từng giữ nhiều chức vụ Phụ tá Bộ Trưởng và Phụ tá Tổng trưởng;
*anh Lê Văn Thêm giữ nhiều chức vụ Phó Tỉnh trưởng HC tại miền Tây, sau anh đắc cử do Hạ nghị viện bầu làm Giám sát viên của Viện Giám Sát.
*anh Phạm Đức Nhuận đã đỗ Thủ khoa năm thứ nhất Luật khoa và có bài viết đăng trong Nguyệt san Quê Hương là tập san chỉ đăng bài của các giáo sư Đại học Luật khoa.
*anh Nguyễn Văn Quí đã đắc cử Dân biểu nhiều nhiệm kỳ tại đơn vị Hậu Nghĩa.
*anh Trần Thanh Sử nổi tiếng là đẹp trai “đàn giỏi hát hay” nên có rất nhiều bóng hồng . Khi nghe được tin anh Sử gặp rắc rối về tình sử trong khi đi tập sự tại tỉnh Phước Tuy, nghiêm trọng đến độ Tỉnh trưởng phải viết báo cáo mật về Học viện, chị Thái Thị Minh Nghiêm đã cười nói: “ Trần Thanh Sử bị rắc rối là phải, sinh như nghệ, tử ư nghệ mà.” [Trích bài viết “Tưởng niệm Đoàn Nghĩa” của tác giả Trần Huỳnh Châu trong Đặc san Mùa Thu Nhớ Bạn.]
*anh Nguyễn Thành Nhơn, sau khi tốt nghiệp anh làm một thời gian ngắn tại Phủ Đặc Uỷ và tỉnh Chương Thiện, rồi thuyên chuyển phục vụ tại tỉnh Biên Hoà từ Trưởng ty Nội an, Hành chánh, Chánh văn phòng và Phó Tỉnh trưởng cho tới ngày 30 tháng 4-1975. Đi tù Cải tạo từ Nam ra Bắc rồi định cư tại San Jose cùng vợ và 4 con. Anh là một mẫu người công chức gương mẫu, trung thành với lý tưởng quốc gia trước sau như một. Anh đã xuất bản 2 tuyển tập  “Một thời” và “Thao thức” tập hợp những bài viết đã đăng trên báo địa phương và những bài phát biểu trong các buổi biểu tình chống Việt cộng và bè lũ tay sai.

Điều, Nguyễn hữu Các (không tốt nghiệp), Trần Huỳnh Thanh, Nguyễn Minh Quân, Lê Bỉnh Trực(Bàng thính viên), Trần Thanh Sử, Đoàn Nghĩa (mất tích khi vượt biên), Tiêu Ngọc Ninh, Nguyễn Văn Nho, Nguyễn Thành Nhơn. (Đi thăm hãng Shell- Nhà Bè)

-Về ban Kinh Tài có:

*anh Nguyễn Ngọc Vỵ là một trong 5 Quận Trưởng dân sự tại tỉnh Bình Định. (Trần Dược Vũ, khóa 3, Nguyễn Ngọc Vỵ, khóa 6, Trần Hồng, Trương Văn Tuyên và Phạm Gia Định cùng khóa 8).
*anh Thái Hà Chung làm Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao. (Hồi đó có 3 Phát ngôn viên: Đại tá Lâm đại diện cho bộ Quốc Phòng, Bùi Bảo Trúc đại diện bộ Dân Vận, Thái Hà Chung đại diện bộ Ngoại Giao tổ chức họp báo tại Trung tâm Báo Chí Quốc gia trên đường Tự Do để giải thích đường lối và chính sách của Chính Phủ cho ký giả trong và ngoài nước).
*anh Nguyễn Văn Tri là sinh viên cao tuổi nhất của khoá. Anh có người em ruột là anh Nguyễn Văn Nhi tốt nghiệp khoá 4 Đốc sự.

-Giữ chức Phó Tỉnh/Thị Trưởng HC:

Trần Huỳnh Thanh (An Xuyên, Darlac, Phong Dinh, Sa Đéc)
-Nguyễn Văn Tiên (Phú Bổn, Bình Thuận, Bình Dương)
-Trương Minh Nhuệ (Long Khánh)
-Nguyễn Trọng Can (Bình Long, Đà Lạt)
-Lê Văn Thêm (Chương Thiện, Kiên Giang, Định Tường)
-Nguyễn Thành Nhơn (Biên Hoà).
-Trần Thanh Sử (Quảng Đức, Bình Tuy)
-Nguyễn Khai Sơn (Phước Long)
-Nguyễn Ngọc Vỵ (Quảng Đức, Cam Ranh, Darlac).
-Bùi Xuân Thích (Bình Định, Quy Nhơn)
-Nguyễn Vịnh (Chương Thiện, Phong Dinh).

Hàng đứng: Can, Nho, Khanh, Điều, Quang, Lâm Văn Ty (nhân viên HV/QGHC),Nghĩa, Mẫn, Nguyễn Ngọc Châu, Quân, Các, (thân hữu),Thiện (y tá HV/QGHC) cúi đầu ở giữa: Bùi Xuân Thích (ban KT). 
Hàng ngồi: Quí, Thanh, Nhơn, Trực, Thêm, Nguyễn Văn Đức. (Đi thăm Khu Trù mật Vị Thanh-Hoả Lựu)

5/-Những đồng môn quá vãng:

-Ngô Đức Lưu 35 tuổi (7-4-1972, tại Sài Gòn khi đang làm Trưởng ty Tài Chánh-Kiến Phong)
-Đoàn Nghĩa (1978) và Hà Ngọc Nghinh (1979): trên đường vượt biên.
-Thái Thị Minh Nghiêm (1988, tại Việt Nam).
-Nguyễn Văn Tiên (30-10-2009, tại Canada)
-Lê Minh Quang (2005, tại Little Sài Gòn, Nam Cali)
-Trần Huỳnh Thanh (2011, tại Sacramento)
-Nguyễn Như Ky (7-2010, tại Texas).
-Thái Hà Chung (10-3-2014, tại Little Sài Gòn, Nam Cali).
-Huỳnh Văn Báu (2014, tại Canada)
-Trương Minh Nhuệ (17-12-2014, tại Đức quốc).
-Nguyễn Văn Thâu (? tại Sài Gòn).
-Tiêu Ngọc Ninh (6-12-2017, tại Oxnard, Nam Cali).
-Bùi Xuân Thích (31-1-2022, tại Boston).
-Trần Thanh Sử (2022, tại Pháp quốc).
-Nguyễn Thành Long (18-4-2023, tại Michigan).
-Nguyễn Thành Nhơn 85 tuổi (28-4-2023, tại San Jose).

-Nguyễn Văn Tri 96 tuổi (6-5-2023, tại Sacramento)

Tính từ người quá vãng đầu tiên 35 tuổi năm 1972 Ngô Đức Lưu đến người quá vãng mới đây 85 tuổi năm 2023 Nguyễn Thành Nhơn thì khoảng cách vừa đúng nửa thế kỷ cho cả tuổi thọ lẫn thời gian. Đúng theo ý thơ của Khoa Nghi: “Đứa đã ra đi về cõi trước/ Đứa còn chậm bước xếp hàng sau”. Mà hàng sau của khóa 6 Đốc sự bây giờ ngắn lắm rồi. (Tỷ lệ 18/36).

6/-Trụ sở và Ban giảng huấn:

-khóa 6 học từ ngày khai giảng tới ngày thi mãn khóa tại số 4 đường Alexandre de Rhodes. Khóa 6 là khóa Đốc sự cuối cùng thi tốt nghiệp tại địa chỉ này; và cũng là khóa cuối cùng nhập học vào đầu năm. Các khóa tiếp theo nhập học vào tháng 9 hàng năm.

-ban Giảng huấn gồm các giáo sư cơ hữu của Học viện và các giáo sư thỉnh giảng từ Đại học Luật khoa. Sau đây là danh sách các giáo sư xếp theo vùng miền:

* Giáo sư sinh trưởng tại miền Nam và miền Trung:  Tôn Thất Trạch, Cao Hữu Đồng, Nguyễn Xuân Khương, Trần Ngọc Liên, Trương Ngọc Giàu, Trần Văn Phò, Trần Văn Binh, hai Đốc phủ sứ  có bằng Cử nhân Luật: Lê Văn An và Bùi Quang Ân, Phan Tấn Chức, Châu Tiến Khương và Nguyễn Tấn Thành (giáo sư đại học Luật khoa).

*Giáo sư sinh trưởng miền Bắc: Vũ Quốc Thông, Nghiêm Đằng, Trần Văn Đỉnh, Trần Văn Kiện, Nguyễn Quang Quýnh, Nguyễn Mạnh Tư, Vũ Uyển Văn, Lê Đình Chân, Nguyễn Lê Giang, Nguyễn Cao Hách và Nguyễn Độ (giáo sư đại học Luật khoa).

{Sở dĩ tôi ghi rõ thành phần giáo sư theo vùng miền vì tôi có đọc một bài mới đây nhận xét trước năm 1963 từ Viện trưởng tới lao công tài xế đều là người miền Bắc}.

7/- Lời đồn đoán và Thực tế

18 sinh viên tốt nghiệp khóa 6 ĐS được bổ nhiệm đãi lệnh tại Tổng nha Công vụ chờ đi thụ huấn quân sự. Trong lúc không có công việc gì làm chỉ có sáng đến tụ tập nghe ngóng tin tức,  rồi đi lang thang trên đường Tự Do, Nguyễn Huệ, Lê Lợi…trưa lại trở về Tổng nha trên đường Tự Do gần nhà thờ Đức Bà. Lúc “vô công, rồi nghề” như vậy, có một bạn tỏ ra “am hiểu tình hình” đưa ra lý do tại sao chúng tôi phải đi học quân sự:”Trong bảng đúc kết kế hoạch Kinh tế Hậu Chiến của phái đoàn Stanley-Vũ quốc Thúc có đưa ra giải pháp dân sự hóa nền hành chánh địa phương bằng cách thay thế các Quận trưởng quân đội bằng các Đốc sự, nhưng các Đốc sự này phải tham dự một khóa huấn luyện quân sự tại một quân trường như Đà Lạt hay Thủ Đức”. Sở dĩ có ý kiến này vì nếu đưa các Quận trưởng đi học hành chánh thì mất nhiều thời gian hơn là đưa các Đốc sự học quân sự. Khi học tại Học viện cứ mỗi năm, vào dịp hè, các nam sinh viên phải theo học lớp quân sự lúc thì tại vườn cao su Phú Thọ, lúc thì tại xa lộ Biên Hoà, lúc thì tại Trung tâm huấn luyện Quang Trung của chương trình huấn luyện cấp Trung đội trưởng. Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ làm tờ trình lên Tổng thống Ngô đình Diệm đề nghị chúng tôi theo học khóa 12 Thủ Đức cùng với các sinh viên và công, tư chức bị động viên. Nhưng Tổng thống bút phê trên tờ trình “Gửi tham dự khóa Chuẩn úy Hiện dịch tại Đồng Đế-Nha Trang”. Thế là 18 chúng tôi ra trình diện trường Hạ sĩ quan Đồng Đế-Nha Trang để theo học khóa 3 Chuẩn úy Hiện dịch cùng với hơn 400 khóa sinh hạ sĩ quan được tuyển chọn học khóa này.

(Khóa sinh Nguyễn Đắc Điều và Nguyễn Ngọc Vỵ
sau khi trình diện Quân trường Đồng Đế)

Khi tới quân trường chúng tôi mới được sĩ quan cán bộ cho biết, Tổng thống Ngô Đình Diệm có ra kinh lý quân trường Đồng Đế vào hè năm 1961; và Chỉ Huy Trưởng quân trường đã dẫn Tổng thống quan sát các lớp học “Trung đội qua sông”, “Trung đội tấn công thực tập với đạn thật không phải đạn mã tử (đạn giả)”, “Kỹ thuật tuột núi”; và khi đoàn xe của Tổng thống di chuyển trên đường thì bắt gặp một trung đội vượt cầu khỉ (cấu tạo bởi 3 sợi dây) đi từ đồi này sang đồi kia. Tổng thống ấn tượng nhất khi chứng kiến cảnh các khóa sinh đi dây tử thần. Lúc đó chúng tôi mới biết mục đích của Tổng thống gửi chúng tôi ra Đồng Đế để học kinh nghiệm thực hành tác chiến chứ không phải học nhiều về lý thuyết chỉ huy như tại quân trường Thủ Đức. Khi khóa 3 Chuẩn úy Hiện dịch mãn khóa Tổng thống Ngô đình Diệm đã đến chủ tọa và đặt tên cho khóa là “Ấp Chiến Lược” cùng tên với khóa 16 tốt nghiệp tại trường Võ Bị Đà Lạt và Khóa 12 trường Võ Khoa Thủ Đức mãn khóa cùng năm.

(Hình chụp khi thi hành lệnh phạt 15 ngày trọng cấm vì lý do về Học Viện nhận bằng tốt nghiệp “ra trình diện quân trường trễ vì không có máy bay”)
Hàng đứng: Lê Văn Thêm – Thái Hà Chung – Nguyễn Đắc Điều – Trần Ngọc Bình – Hà Ngọc Nghinh – Trần Thanh Sử. Hàng ngồi: Nguyễn Vịnh – Nguyễn Ngọc Vỵ – Nguyễn Khai Sơn – Trương Minh Nhuệ – Trần Nhật Ưng

      Thế nhưng, sau khi 13 Đốc sự tốt nghiệp khóa 3 Chuẩn úy Hiện dịch Đồng Đế, đa số được bổ nhiệm phục vụ tại các Tỉnh thuộc loại “rừng thiêng, nước độc”, và chúng tôi cũng không thắc mắc gì về lời đồn đoán dân sự hóa trong kế hoạch” Kinh tế Hậu chiến Stanley-Vũ Quốc Thúc”.

     Khi Trung tướng Đỗ Cao Trí làm Tư lệnh Quân đoàn II kiêm Đại biểu Chính phủ Vùng 2 Chiến thuật đã ra chỉ thị “ Những Đốc sự nào đã tốt nghiệp các khóa 3, 3 phụ và khóa 4 Chuẩn úy Hiện dịch tại Đồng Đế khi giữ chức vụ Phó Quận trưởng đều được (và phải) mang cấp bậc Trung úy”. Chỉ có 3 khóa ĐS 6,7 và 8 tham dự các khóa huấn luyện quân sự này trước năm 1963 (Quân trường Đồng Đế chỉ tổ chức có 4 khóa đặc biệt đào tạo Chuẩn úy Hiện dịch ).

      Cũng trong thời gian Trung tướng Đỗ Cao Trí giữ chức vụ Tư lệnh Quân đoàn II, có 5 Đốc sự được Bộ Nội Vụ đề cử giữ chức vụ Quận trưởng thay thế cho các Quận trưởng quân đội và mang cấp bậc Trung úy tại tỉnh Bình Định, đó là các anh: Trần Dược Vũ (khóa 3), Quận trưởng An Túc, Nguyễn Ngọc Vỵ (khóa 6), Quận trưởng Bình Khê, Trương Văn Tuyên (khóa 8), Quận trưởng Hoài Ân, Phạm Gia Định (khóa 8), Quận trưởng An Nhơn, và anh Trần Hồng (khóa 8) thay thế anh Nguyễn Ngọc Vỵ trong cương vị Quận trưởng Bình Khê. (Anh Trương Văn Tuyên đã được đặc cách thăng cấp Đại úy tại mặt trận trong trận chiến thắng đẩy lui cộng quân đánh vào trụ sở quận Hoài Ân).

      Có phải việc bổ nhiệm các Đốc Sự giữ chức vụ Quận trưởng tại tỉnh Bình Định là sự thử nghiệm thi hành khuyến cáo dân sự hóa nền hành chánh địa phương chăng? Nếu vậy, cũng là một sự thử nghiệm muộn màng và đoản kỳ chỉ có tính cách “cục bộ tượng trưng” nên không có ảnh hưởng dây chuyền trong tổng thể nền hành chánh địa phương. Dù các Quận trưởng dân sự này làm việc rất thành công và được Cấp trên tưởng thưởng cho thuyên chuyển nắm giữ chức vụ cao hơn trong ngành hành chánh như anh Trần Dược Vũ làm Phó Thị trưởng thị xã Cam Ranh, anh Nguyễn Ngọc Vỵ làm Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đức và anh Phạm Gia Định làm Phó Tỉnh trưởng tỉnh Kontum, nhưng kế hoạch “dân sự hóa Quận trưởng” cũng dần dần chấm dứt. Chức vụ Quận trưởng vẫn do các quân nhân đảm nhiệm như cũ dù tại các Thị xã rất an ninh.

 Báo chí thời đó đã gọi nền hành chánh công quyền của nền đệ Nhị Cộng hòa là quân đội trị dưới sự chỉ huy của “đảng kaki”.

Tượng chiến sĩ VNCH trên đỉnh núi Hòn Khô/ Trường HSQ Nha Trang
(Tượng chiến sĩ VNCH trong tư thế thao diễn nghỉ trên đỉnh núi Hòn Khô do khóa 3 Chuẩn úy Hiện dịch xây dựng theo sáng kiến của Tiểu đoàn phó sinh viên sĩ quan gốc QGHC (K.6) Thái hà Chung. Sau năm 1975, loan truyền mấy vần thơ sau : “Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ/ Em nằm xõa tóc đợi chờ ai?”. Hay: “Em nằm đấy, ngàn năm còn xõa tóc/ Ta muôn đời, thao diễn giữa trời mây/ Nghe nhung nhớ, rụng rời trên sườn núi/ Đá núi buồn, trăn trở với cỏ cây”.
Rất tiếc tượng người lính VNCH trong tư thế thao diễn nghỉ nay đã bị đập phá, không còn dấu tích gì nữa).
Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Khóa 3 Chuẩn Úy HD của Đốc sự (K.7) Trần Thiện Tích

8/-Hội ngộ:

Khóa 6 ĐS đã liên kết với khóa 7 và 8 để tổ chức 2 buổi hội ngộ:

-Hội Ngộ 40 năm khóa 6 & 7 ĐS vào ngày 4 và 5 tháng 9 năm 1999 tại Little Sài Gòn.
Bích chương 40 năm Hội ngộ “Trai khôn tìm vợ chợ đông/ Gái khôn kiếm chồng Quốc Gia Hành Chánh”. Trong ngày cuối của buổi Hội ngộ, MC Thái Hà Chung đã nói: “Xin cám ơn, lẽ ra nói cám ơn chúng mày nhưng vì có vợ chúng mày nên phải nói cám ơn các anh các chị đã cho nhau một ngày để nhớ”.

-Nửa Thế kỷ Hội ngộ khóa 6 & 7 & 8 tại Little Sài Gòn vào các ngày 25, 26, 27 tháng 9 năm 2009. Nguyễn Ngọc Vỵ kết thúc một bài viết bằng nhận xét: “Những ai tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành Chánh là những người suy nghĩ như một ông Hoàng, nhưng phục vụ lại là một đầy tớ”.

(Từ trái) Nguyễn Thành Nhơn, Nguyễn Văn Tri (KT), Triệu Huỳnh Võ, Nguyễn Huy Lãng, Nguyễn Đắc Điều, Nguyễn Văn Nho, Nguyễn Văn Phước (KT)

-Đặc san Mùa Thu Nhớ Bạn, xuất bản năm 2010 phối hợp với các khóa Đốc sự 5,6,7 và 8. Đặc san gồm có 33 bài dầy 401 trang.

Trước đây Học viện QGHC là nơi đào tạo cán bộ cao cấp cho quốc gia. Khi ngồi trên ghế nhà trường, người sinh viên chỉ học và học với một lý tưởng là bảo vệ tổ quốc và chống cộng. Từ Viện trưởng sáng lập Học viện là Giáo sư Trần Cửu Chấn, tới Giáo sư Vũ Quốc Thông, đều là khoa bảng, không đảng phái nên nhờ đó sinh viên từ khi vô tới khi ra trường không bị móc nối vô đảng phái nào. Nhưng đến thời Giáo sư Nguyễn Văn Bông làm Viện trưởng thì tình trạng “trung lập giữa các đảng phái” không còn nữa. Nhiều sinh viên được kết nạp vô đảng của Giáo sư Bông là Phong trào Quốc gia Cấp tiến. Các đảng phái khác thấy thế cũng mở chiến dịch kết nạp trong Học viện. Thành ra không khí Học viện đang bị đảng phái hóa và địa phương hóa. Rất may là 3 khóa 6,7 và 8 của chúng tôi không rơi vào  trường hợp này vì đến khi chúng tôi tốt nghiệp, vẫn còn Giáo sư Vũ Quốc Thông làm Viện trưởng.
[Trích bài viết “Bốn mươi năm” của tác giả Đỗ Tiến Đức trong Đặc san Mùa Thu Nhớ Bạn].

9/-Thay cho lời kết:

Khởi đi cho bài viết là nghe được tin buồn 2 đồng song Nguyễn Thành Long và Nguyễn Thành Nhơn ra đi vào tháng 4 năm 2023, nên tôi tìm những hình ảnh thời sinh viên ra coi lại thì ngộ ra đời sống thật vô thường : “Sắc bất thị không, không bất thị sắc/ Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Ngẫm ra đôi khi những học vị, chức tước như là một đám mây che nắng cho ta, hưởng được bóng mát; nhưng đôi khi đám mây đó lại trở thành mưa to gió lớn hay những trận bão cuồng phong lôi cuốn tất cả vợ con và tài sản mà chúng ta trong bao năm mới tạo dựng ra được. Đang loay hoay không biết kết thúc bài viết ra sao, thì ngày mùng 3 tháng 5 năm 2023, tôi nhận được thư của chị Nguyễn Thị Ngoan, hiền thê của anh Nguyễn Thành Nhơn, chuyển lá thư không ghi ngày của anh Nhơn viết cho tôi nhưng chưa gửi. Nguyên văn lá thư:

(Thư Nguyễn Thành Nhơn viết trước nhưng nhận sau khi quá vãng)

Điều thân,
Đọc bài DUYÊN TU, cảm thấy thương bạn. Bao nhiêu công phu, kỳ vọng rốt lại hoàn không !. Đó là không phải nói chuyện bây giờ. Ngay cả ngày xưa ấy, e rằng địa phương cũng không đáp ứng lòng mong mỏi cải tiến công vụ của bạn được bao nhiêu. Nhưng bạn cũng đừng trách họ, bởi vì các anh, em cán bộ xã, ấp hồi ấy tất bật trăm công, ngàn việc. Nào là việc làng, việc ấp, nào lo an ninh bản thân, lại còn bươn chải lo sinh kế vì đồng lương đâu có bao nhiêu. Cho nên, “việc làm” đã hết hơi, hết sức làm sao nghĩ đến “việc TU” (nghiệp). Việc đời là như thế, xin bạn chớ buồn. Bằng như vẫn thấy lòng buồn man mác thì cứ gọi TOÀN KHÔNG Đỗ Đăng Tiến gửi cho bài VÔ THƯỜNG đọc chơi là hết chuyện.
Chúc Anh chị và bửu quyến MÙA GIÁNG SINH AN BÌNH.

Thân,
Nhơn”.

Xin mượn lời thư của đồng môn Nguyễn Thành Nhơn làm lời kết cho bài viết.

Nguyễn Đắc Điều 

(San Diego, California 5-5-2023)
& (Cập nhật 28-5-2023)

11 thoughts on “Vài Nét Về Khóa 6 Đốc Sự Quốc Gia Hành Chánh – Nguyễn Đắc Điều

  1. Yem Lai

    Đọc bài viết, thấy tác giả cho biết khóa Đốc Sự của tác giả có 36 vị tốt nghiệp, nhưng đã có đến 17 vị được bổ nhiệm sang cơ quan Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo.
    Xin phép được hỏi: Viện Quốc Gia Hành Chánh có dạy về Tình Báo? và với trình độ nào để được phục vụ tại một cơ quan tình báo cao cấp của miền Nam (Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo)? Và có phải cơ quan Tình Báo này trực thuộc Bộ (Tổng Nha?) Cảnh Sát? Như vây ngành Cảnh sát có các lớp đào tạo Tình Báo hay không? Tổ chức Nữ Tình Báo có tên Thiên-Nga, được cơ quan nào đào tạo?
    Xin cám ơn tác giả
    Lại Văn Yêm

    Reply
  2. Điều Nguyễn

    1/-Học viện QGHC chỉ dạy tổng quát việc quản trị mọi cơ quan công quyền để khi tốt nghiệp các Đốc sự có đủ kiến thức chỉ huy trong mọi chức vụ kể cả những chức vụ cấp cao như Tổng, Bộ trưởng hay Thủ Tướng. (Khi một Đốc sự được cử làm Giám đốc nha Điện Ảnh là phải có khả năng hoạch định chính sách và đường lối phát triển điện ảnh trong lãnh vực công lẫn lãnh vực tư, chứ không phải Đốc sự đó có khả năng quay một cuốn phim.)
    2/-17 Đốc sự được bổ nhiệm phục vụ tại Phủ Trung Ương Tình Báo do Sở Nghiên cứu Chính trị của bác sĩ Trần Kim Tuyến tuyển chọn với sự đống ý của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu và được Tổng Thống Ngô Đình Diệm chấp thuận. Đại tá Nguyễn Văn Y, vị Đặc ủy đầu tiên, đã coi các Đốc sự này là những “viên ngọc quý”. Trong khi thi hành chức vụ chỉ huy của một Trưởng cơ quan các Đốc sự này sẽ được cử tham dự các khóa học chuyên môn.
    3/-Từ khi thành lập cho tới ngày 30-4-1975, Phủ Đặc Uỷ TƯTB trực thuộc Phủ Tổng Thống. Có vài vị Đặc Uỷ trưởng kiêm nhiệm thêm chức vụ Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia, nhưng 2 cơ quan này hoạt động ĐỘC LẬP, không phụ thuộc và không liên hệ với nhau.
    4/-Xin được miễn trả lời câu hỏi liên quan đến cơ quan Cảnh sát Quốc gia

    Reply
  3. Thao Le

    Xin cám ơn bài viết. Lâu nay tôi chỉ biết về việc đào tạo các sĩ quan (từ một số quân trường khác nhau), nhưng chưa được biết tường tận về việc đào tạo những cán bộ công chức VNCH. Nhờ bài viết này tôi được lĩnh hội, học hỏi thêm về phương pháp “thụ nhân” dưới chế độ VNCH. Rất tiếc khi một nền Cộng Hòa non trẻ nhựng hứa hẹn một tương lai đầy xán lạn cho dân tộc Việt lại bị sớm bức tử bởi quyền lợi giữa các đại cường cùng với sự tráo trở của đồng minh. Đau lòng thay!

    Phương Thảo (Sydney)

    Reply
  4. Tran Xuan Thời

    Cám ơn bài viết cúa anh Điều, K.6 vào hoc năm 1959 khi tôi còn học lớp Đệ Nhị Quốc học Huê. Khi đổ Tú Tài 2 năm 1961, môt sô ban thi vaò khoá 9, tội ghi danh theo học PCB và Văn Khoa , rôt cuộc cũng vaò HC. Cám ơn baì viết của anh thât đầy dủ chi tiét giúp ich cho anh em có một cái nhín khái quát vê những khoá đàn anh. qua web của HT Phạm Tin An NInh . Sau nầy tội gặp anh Nguyễn Mạnh Huyên, Nguyễn Trọng Can, V ũ Khiêm , ….. tại Phước Tuy thời TT Lê Đức Đạt làm TT.,

    Trần Xuân Thời

    Reply
  5. Điều Nguyễn

    Thưa bà Phương Thảo,
    1/-Cám ơn bà đã đọc bài viết khô khan của tôi về cuộc hành trình phục vụ với phương châm “lo cái lo trước, vui cái vui sau của thiên hạ”, nhiều khi còn mang nghiệp “nhiệm lao thời nhiệm oán”.
    2/-Tôi chỉ phổ biến bài viết trong phạm vi “đồng môn, đồng nghiệp” để tìm về một thời được đam mê phục vụ, nhưng không ngờ được nhà văn Phạm Tín An Ninh “để mắt” mang về Trang nhà nên có duyên được biết bà.
    3/-Đọc nhận xét của bà, tôi phỏng đoán chắc bà cũng từng học tại Viện Đại học Đà Lạt.

    Thưa anh Trần Xuân Thời, khóa 12 Đốc sự,
    1/-Tôi cũng có học nửa năm Dự bị Y khoa PCB đầu niên học 1958, trước khi nhập học QGHC. Sau khi học thực tập vẽ con sam, mổ con cóc đến mổ con ốc thì tôi dời y khoa vì không đủ tiền mua bộ đồ mổ. Bà giảng nghiệm viên Tiếng kiểm soát bằng cách rút các đinh ghim để coi sinh viên mổ có làm dứt ruột con ốc hay không, giáo sư Phạm Hoàng Hộ dậy Botanique. Thời tôi học PCB không có thi tuyển nhưng học bằng tiếng Pháp, giáo sư Hộ là giáo sư Việt duy nhất nhưng dùng Pháp ngữ để diễn giảng, những giáo sư khác đến từ Pháp và Hung Gia Lợi.
    2/-Anh Vũ Khiêm (ĐS 7), Phó Tổng thư ký bộ Tài Chánh định cư tại Mountain View, Bắc Cali đã quá vãng chỉ vài năm sau 1975. Anh Nguyễn trọng Can (ĐS 6) sau khi dời chức vụ Phó Thị trưởng Đà Lạt về bộ Nội Vụ giữ chúc vụ Trưởng đoàn Chuyên viên Phân tich viên Quản trị, còn anh Nguyễn mạnh Huyên (ĐS 7) tôi mất liên lạc mấy năm nay.
    3/-Cám ơn anh Thời vẫn thường xuyên chuyển những bài viết có giá trị của anh về giáo dục và nghệ thuật dụng nhân trong nền hành chánh hiện đại,
    Điều

    Reply
  6. MVT

    Cháu sinh trưởng sau năm 1975. Bố mẹ cháu đều là giáo viên dưới chế độ cũ. Phía bên nội hầu hết theo chế độ Sài gòn, có hai ông bác trong quân đội, 1 ông hiện đang sống ở Mỹ, nhưng phía bên mẹ hầu hết theo kháng chiến, nên sau này, lúc đã lớn, học cấp 2, cháu cứ trăn trở mãi, không biết mình thuộc bên nào, nhưng dù sao dựa theo bên thắng lúc ấy thì vẫn có lợi hơn. Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp đại học, đi làm, cháu nghiên cứu tìm hiểu khá nhiều về chính quyền miền Nam, đặc biệt từ lúc được nghe nhiều bản nhạc vàng và đọc nhiều tác phẩm của người cầm bút miền Nam, cháu mới “ngộ” ra được nhiều điều. Đã đọc các bài hồi ký của bác Phạm Tín An Ninh (cháu là big fan) và hôm nay đọc bài viết về Học Viện Hành Chánh của bác Nguyễn Đắc Điều, với cả hình ảnh, cháu tin là lời bố cháu kể lúc trước về chế độ Sài gòn là đúng; từ nhạc vàng, thơ văn của miền Nam mang đầy tình nhân văn. Và cách đào tạo những sĩ quan và cán bô hành chánh cũng rất đẳng cấp, hầu hết có trình độ đại học. Có lẽ vì vậy mà tình trạng tham nhũng, hống hách cửa quyền ở miền Nam, có thể cũng có, nhưng ờ tầm không đáng kể, còn bây giờ tại Việt Nam, hầu hết từ quân đội, công an cho tới chính quyền đều do đảng đào tạo và bổ dụng, không biết với trình độ nào, mà từ cấp nhỏ đến cấp lớn, từ cấp địa phương đến cấp trung ương, từ tướng quân đội, công an, đến bí thư, chủ tịch tỉnh, kể cả mấy ông thứ trưởng và bộ trưởng cũng tham nhũng hàng trăm, vài ngàn tỷ. Vì vậy mà Lò của bác TBT đốt mãi mà chưa hết, mà chắc chắn sẽ không bao giờ hết!

    Reply
  7. Điều Nguyễn

    Chào cháu MVT,
    Bài viết của tôi được phổ biến cho đồng môn cùng trường nên không viết chi tiết, nay để giúp cho thế hệ sinh sau 1975, và các bạn không sống dưới chế độ miền Nam trước 1975, tôi xin viết chi tiết hơn:
    1/-Các môn học: đa số môn học giống như đại học Luật khoa gồm: Dân luật, Hình luật, luật Hiến pháp, Kinh tế học…nhưng thêm một số môn học riêng cho ngành hành chánh như : Chế độ Công vụ (nói về quy chế công chức), Soạn thảo Công văn
    (Soạn thảo văn kiện Lập pháp như Luật, Sắc Lệnh, hay Lập quy như Nghị Định, Chỉ Thị, Thông Tư…),Tổ chức cơ quan Hành Chánh {theo công thức POSDCoRB “Planning, Organizing, Staffing, Developing, Coordinating, Reporting, Budgeting của hành chánh gia Luther Gulick năm 1935 hay cập nhật hóa năm 1970 của hãng Westinghouse phối hợp với Harvard Business School theo 3TKH “Tổ chức, Trù hoạch, Thông đạt, Kiểm soát, Huấn Luyện”. Mỗi chữ là một bài học}, Luật Ngân sách, Luật Thuế vụ, Luật Quan thuế, Các vấn đề Hành Chánh (Trưng dụng đất, Cơ quan Tự trị, Cơ quan Quốc doanh,…); và một số môn khác mà với số tuổi 85 tôi không còn nhớ hết. (Chính vì đại học Luật khoa và Học viện QGHC học giống nhau nhiều môn nên có một số Đốc sự đã tốt nghiệp Cử nhân Luật và Đốc sự cùng một năm)
    3/-Tổ chức căn bản của một cơ quan: ngoài Trưởng cơ quan {Tổng/Bộ trưởng; hay Tổng Giám đốc (cơ quan tự trị)} có 2 phần vụ rõ ràng:
    -phần vụ hành chánh chuyên môn: do một Tổng thư ký đứng đầu để điều hợp các cơ quan: Nhân viên, Tài Chánh, Hành Chánh, Huấn luyện…Những chức vụ này do các công chức đảm nhiệm nên vẫn tồn tại dù có thay đổi Trưởng cơ quan, danh từ chuyên môn gọi là “để có sự liên tục hành chánh” (vì thế khi có những vụ lộn xộn về chính trị, thay đổi Trưởng cơ quan nền hành chánh vẫn ổn định để lo những nhu cầu căn bản cho dân chúng).
    -phần vụ chính trị : do một Đổng lý Văn phòng chỉ huy Chánh Văn phòng, Công cán Uỷ viên, Tham Chánh Văn phòng, Bí thư…Nhân sự của phần chính trị này do Trưởng cơ quan mang “người của mình” vào cơ quan (có thể là công chức, có thể là cán bộ…) nên sẽ ra đi khi có sự thay đổi cấp Trưởng cơ quan (điều này giúp cho vị Tân Trưởng cơ quan có nhân sự của mình thực hiện chính sách/đường lối theo cách riêng của mình).
    4/-Các cơ quan Công quyền được tổ chức theo một khuôn mẫu chung gồm có bộ phận thi hành chính sách, bộ phận thanh tra, … bị giám sát bởi luật lệ tròng chéo với ĐẠO ĐỨC&TINH THẦN PHỤC VỤ nên việc làm SAI ÍT (chứ không phải KHÔNG xẩy ra), và nếu có thì được sửa chữa kịp thời, không trở thành một “TỆ TRẠNG BỀN VỮNG”.
    Hơn nữa, các công chức hay các Đốc sự coi “công việc hành chánh” như là một “nghề” cho cả cuộc đời nên không thể coi “quyền lợi nhất thời” để đánh mất nghề của mình, không như hiện nay làm theo “nhiệm kỳ khóa 5 năm” nên phải “hốt nhanh, rút lẹ để hạ cánh an toàn”.
    5/-Học viện QGHC thời đệ Nhất Cộng Hoà tuy là cơ quan “chủ quản”, nhưng không dùng quyền lực để “kết nạp đảng viên” mà giữ tính cách trung lập. Các học thuyết chính trị như Maxist, Nhân vị, Tư bản… được học nhưng không hướng dẫn sinh viên phải lựa chọn một học thuyết nào cả. Khi tốt nghiệp, các Đốc sự được tự do gia nhập các Đoàn thể Chính trị phù hợp với sở thích và nguyện vọng của minh. Đa số Đốc sự
    không theo một đảng nào cả, kể cả đảng của chính quyền.
    Đây là một sự khác biệt lớn nhất của chính quyền miền Nam và chính quyền miền Bắc.
    6/-Viện Quốc Gia Tu nghiệp: vào năm 1973 để hỗ trợ cho công việc cách mạng hành chánh, giản dị hóa thủ tục, Chính phủ đã thành lập Viện Quốc gia Tu nghiệp để huấn luyện các kỹ năng mà Học viện QGHC không có đủ thời gian huấn luyện cho sinh viên, hay cập nhật những phương pháp quản trị mới như “Phân tích quản trị” (job analysis, job description). Chính nhờ một phần vào những cải tiến này mà người dân được phục vụ mau lẹ hơn trước nên giảm bớt sự sách nhiễu, có thể xẩy ra. (Cá nhân tôi có đóng góp một phần nhỏ cho sự ra đời của Viện Quốc gia Tu nghiệp được mô tả trong bài DUYÊN TU nên anh bạn đồng môn Nguyễn Thành Nhơn có nhắc trong bức thư ở cuối bài viết).
    Những chi tiết bổ túc này để minh chứng bất cứ một Đốc sự nào cũng có thể thích ứng phục vụ với một cơ quan dù chuyên môn như tình báo hay ngoại giao; hay những chức vụ thuộc về cấp cao như Tổng/Bộ trưởng hay Thủ tướng Chính phủ.
    Mong rằng tôi đã giải đáp được một phần nào những thắc mắc/suy tư của cháu MTV.
    Điều

    Reply
  8. Ha Cao

    Xin tác giả vui lòng cho biết:
    1- Những vị nào tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Sài gòn đã làm thủ tướng và tổng, bộ trưởng trong chính quyền miền Nam.
    2- Theo bài viết, tất cả sinh viên Hành Chánh đều tốt nghiệp Khóa sĩ quan hiên dịch. Vậy cấp bậc cao nhất của họ là gì? Có ai mang cấp Tướng không?
    Xin cám ơn.

    Cao Minh Hà

    Reply
  9. Điều Nguyễn

    Thưa ông Cao Minh Hà,

    1/-Có một số cựu sinh viên QGHC giữ các chức vụ:
    A- Tại Trung Ương:
    * Thủ Tướng: Nguyễn Bá Cẩn
    * Các Phủ, Bộ trong Nội các:
    -Phủ Thủ Tướng. Bộ Trưởng tại Phủ Thủ Tướng: Bửu Viên, Nguyễn Long Châu.
    (Tên xếp theo thứ tự nhận lãnh chức vụ theo thời gian trước sau nhưng không nhất thiết là kế vị, và có trường hợp là nhận lãnh chức vụ cùng một lúc).
    -Bộ Nội Vụ. Tổng Trưởng: Bửu Viên.
    -Bộ Tài Chánh. Tổng Trưởng: Châu Kim Nhân.
    -Bộ Lao Động. Tổng Trưởng: Vũ Công.
    *Phụ Tá (PT) Bộ Trưởng tại Phủ Thủ Tướng: Nguyễn Đình Liễn, Triệu Huỳnh Võ, Trương Thới Lai.
    -PT Tổng Trưởng bộ Tài Chánh: Cao Văn Hở.
    -PT Tổng Uỷ Trưởng Công Vụ: Lê Công Truyền, bà Trương Hoàng Lem.
    -PT Tổng Trưởng Thương Mại và Tiếp Tế: Nguyễn Thanh Bạch.
    -PT Tổng Trưởng bộ Quốc Phòng: Bửu Viên, Châu Kim Nhân, Tôn Thất Chước.
    -PT Tổng Trưởng bộ Kế Hoạch: Nguyễn Duy Phước.
    -PT Tổng Trưởng bộ Dân Vận và Chiêu Hồi: Triệu Huỳnh Võ, Nguyễn Quốc Thụy.
    -PT Tổng Trưởng bộ Phát Triển Sắc Tộc: Châu Văn Mỗ.
    (Trong 2 Nội Các Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Bá Cẩn).

    B-Địa Phương:
    -Tỉnh Trưởng: ông Nguyễn Đình Xướng giữ chức Tỉnh Trưởng Vĩnh Bình thời đệ Nhất Cộng Hoà, và ông Nguyễn Trung Thoại Tỉnh Trưởng Quảng Trị thời đệ Nhị Cộng Hoà.

    2/-Bên Quân Đội có 2 ngạch riêng biệt: “HIỆN DỊCH” dành cho thành phần quân nhân tình nguyện và “TRỪ BỊ” dành cho thành phần không tình nguyện, nhưng nhập ngũ theo lệnh gọi động viên/tổng động viên
    Tất cả các Đốc Sự đều thuộc ngạch TRỪ BỊ dù được gởi thụ huấn tại trường Võ Bị Đà Lạt (từ khóa Đà Lạt đến khóa 5), tại trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế-Nha Trang (khóa 6,7 và 8), tại trường Võ Khoa Thủ Đức (từ khóa 9 trở về sau).[Lưu ý: Khoá QGHC đầu tiên gọi là khóa Đà Lạt, các khóa kế tiếp gọi theo thứ tự khóa 1, khóa 2 … khóa 20].
    Các Đốc Sự khi tốt nghiệp tại các quân trường đều có cấp bậc Chuẩn Uý Trừ Bị (xin xem Nghị Định tốt nghiệp Chuẩn Uý Trừ Bị của khóa 6)
    [từ Chuẩn úy đương nhiên lên Trung úy trung bình là 2 năm.Từ Trung úy lên Đại úy không có thời hạn nhất định : 1 năm, 5 năm hay 10 năm tùy theo sự đề nghị của cấp trên].
    Theo sự hiểu biết giới hạn của tôi, cấp bậc cao nhất trong quân đội của Đốc Sự là Đại Uý (chỉ có một số ít) cho tới ngày 30-4-1975.
    Đa số (hơn 99%) Đốc Sự mang cấp bậc Trung Uý Trừ Bị biệt phái.
    [Cá nhân tôi biết: Đại Uý Trương Văn Tuyên giữ chức vụ Tỉnh Đoàn Cán bộ Xây Dựng Nông Thôn tại Thị xã Đà Lạt, và Đại Uý Nguyễn Văn Luận phục vụ tại Phòng Nhất bộ Tổng Tham Mưu đặc trách hồ sơ Tù Binh, được cử tham dự hội nghị Hoà Đàm Paris 1972].
    Như vậy, có nghĩa, KHÔNG có Đốc Sự nào mang cấp bậc từ cấp TÁ trở lên.
    Xin cám ơn câu hỏi của ông Cao Minh Hà, và mong ông tạm thời thỏa mãn câu trả lời của tôi cho tới khi tôi tìm kiếm được những tài liệu chính xác khác.
    Và cũng kính mong các huynh trưởng hay các đồng môn QGHC bổ túc cho sự hiểu biết hạn hẹp mà một cá nhân không thể nào nhớ hết những dữ kiện trên nửa thế kỷ của một thời đã qua.
    Điều

    Reply
  10. Le Phuong Mai

    Kính thưa quí bác,
    Năm 1975 cháu chỉ mới 10 tuổi, nhưng sau này có điều kiện nên cháu muốn tìm hiểu và học hỏi về thời VNCH. Về các vị Viện Trưởng HV Quốc Gia Hành Chánh mà cháu được nghe nói đến nhiều nhất là GS Nguyễn Ngọc Huy và đặc biệt là GS Nguyễn Văn Bông (người chồng quá cố của Bà Jackie Bong), không chỉ vì ông bị CS ám sát chết mà về khả năng của ông nữa. Nghe nói ông đã được dề nghị làm thủ tướng, trước khi ông chết. Nhưng hôm nay bất ngờ đọc bài viết, trong đó có đoạn Bác Đỗ Tiến Dức viết:
    “đến thời Giáo sư Nguyễn Văn Bông làm Viện trưởng thì tình trạng “trung lập giữa các đảng phái” không còn nữa. Nhiều sinh viên được kết nạp vô đảng của Giáo sư Bông là Phong trào Quốc gia Cấp tiến. Các đảng phái khác thấy thế cũng mở chiến dịch kết nạp trong Học viện. Thành ra không khí Học viện đang bị đảng phái hóa và địa phương hóa”
    Như vậy, GS Nguyễn Văn Bông cũng không phải là người tốt vì mang nặng tình cách đảng phài? Nếu ông không bị CS ám sát và trở thành thủ tướng, liệu ông có thành công trong vai trò quan trọng này không?
    Kính mong qui Bác chỉ giáo để cháu được học hỏi thêm, Xin cám ơn.
    Mai Phương (Calgary/Canada)

    Reply
    1. Nguyen Dac Dieu

      Thưa cô Lê Mai Phương,
      Trong câu hỏi của cô có 3 phần: phần GS Nguyễn Ngọc Huy và GS Nguyễn Văn Bông là Viện Trưởng Học viện QGHC; phần GS Nguyễn văn Bông bị ám sát vì được đề nghị làm Thủ Tướng và nếu GS Bông làm Thủ Tướng liệu có thành công không? Tôi xin được trả lời theo sự hiểu biết hạn hẹp của tôi:
      1/-Danh sách Viện Trưởng Học viện QGHC:
      *Thời trụ sở Trường tại Đà Lạt: Chức vụ là Giám Đốc gồm có:
      -Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Quí 1952-1954.
      -Tiến sĩ Trần Cửu Chấn 1954-1955.
      *Thời trụ sở Trường tại Sài Gòn: Chức vụ là Viện Trưởng gồm có:
      -Giáo sư Vũ Quốc Thông 1955-1964.
      -Giáo sư Nguyễn Văn Bông 1964-1971.
      -Giáo sư Trần Văn Binh (quyền Viện Trưởng) 1971-1972.
      -Giáo sư Nguyễn Quốc Trị 1972-1975 (Hiện cư ngụ tại Virginia-Hoa Kỳ).
      Ông Nguyễn Ngọc Huy chỉ là Giáo sư môn Chính trị học và Luật Hiến pháp tại Học viện QGHC từ năm 1965.
      2/-Nghi vấn Giáo sư Nguyễn Văn Bông bị ám sát và được đề cử làm Thủ Tướng:
      *Nghi vấn lý do Giáo sư bị ám sát:
      -Tại thời điểm bị ám sát: kỳ thị Nam-Bắc, tranh chấp quyền lực giữa dân sự và quân đội (dù chính quyền đưa ra bằng chứng là do Cộng sản ám sát nhưng dư luận không tin). Cộng sản đã thành công không những trong việc ám sát mà còn tạo thêm tình trạng chia rẽ chính trị của người quốc gia vốn sẵn có tinh thần không tin vào chính quyền.
      -Sau năm 1975: Chính Cộng sản công khai không những thừa nhận ám sát GS Bông, mà còn vinh danh hành động giết người và được đảng Cộng sản khuyến khích thủ phạm viết bài tường thuật chi tiết kế hoạch ám sát đăng trên báo và được phổ biến nhiều lần.
      *Nghi vấn được đề cử làm Thủ Tướng: cho tới nay vẫn
      chỉ là ”nghi vấn” và do phía giết người là đảng Cộng sản đưa ra để biện minh cho sự ám sát có lý do chính đáng vì đã thủ tiêu được một nhân vật quan trọng.
      Phía Chính quyền VNCH, không có một viên chức nào kể cả Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hay Toà Đại sứ Hoa Kỳ có một lời tuyên bố nào, hay một tài liệu nào, về việc đề cử này cả.
      3/-Nếu được làm Thủ Tướng, Giáo sư Nguyễn Văn Bông có thành công không?:
      -Giáo sư Nguyễn Văn Bông có văn bằng Thạc sĩ Công pháp Quốc tế, và nổi tiếng trong bài Khai Giảng đầu niên học tại Đại học Luật khoa với đề tài “Đảng phái và Đối lập Chính trị”, vì vậy trong thời Đệ Nhị Cộng Hoà, Giáo sư được bổ nhiệm làm Viện Trưởng Học viện QGHC, nơi đào tạo cán bộ Trung (Tham sự) và Cao cấp (Đốc sự) cho nền hành chánh quốc gia.
      Theo tôi, Giáo sư Nguyễn Văn Bông là một lý thuyết gia chứ không phải là một chính trị gia.
      -Năm 1968 với sự cộng tác của một Chính trị gia hoạt động từ thời niên thiếu là GS Nguyễn Ngọc Huy Tổng Thư ký đảng Tân Đại Việt, GS Nguyễn Văn Bông đã thành lập Phong trào Quốc gia Cấp tiến, một tổ chức chính trị đối lập với Tổng Thống Thiệu với thành phần nòng cốt đa số là học trò của ông, mà ông là Chủ tịch của Phong Trào và GS Huy là Tổng Thư ký.
      Phong trào Quốc gia Cấp tiến là một tổ chức Ngoại vi của đảng Tân Đại Việt.
      (Năm 1945 ông Nguyễn Ngọc Huy đã tham gia vào đảng Đại Việt Quốc dân đảng. Sau Hiệp định Geneve ông được đảng đề cử đi theo Lãnh tụ Nguyễn Tôn Hoàn sang Paris mở quán ăn Sông Hương và đồng thời để đi học lấy các bằng Cử nhân Luật, Khoa học Kinh tế, Khoa học Chính trị, Cao học Chính trị năm 1959 và Tiến sĩ Chính trị năm 1963 tại Viện Đại học Paris (Universite de Paris). Hai ông Nguyễn Tôn Hoàn và Nguyễn Ngọc Huy về lại Việt Nam sau Cách Mạng 1-11-1963. Năm 1964, khi Lãnh tụ Nguyễn Tôn Hoàn được Tướng Nguyễn Khánh cử làm Phó Thủ Tướng đặc trách Bình Định thì GS Nguyễn Ngọc Huy làm Đổng Lý Văn phòng cho ông Nguyễn Tôn Hoàn. Năm 1964 GS Huy đã quy tụ một số đảng viên trẻ của Đại Việt ở vùng Lục Tỉnh để lập ra đảng Tân Đại Việt mà GS Huy là Tổng Thư ký).
      -Một số Đảng viên của Phong trào Quốc gia Cấp tiến giữ chức vụ Quận trưởng tại Đô thành Sài Gòn và có 21 Dân biểu thuộc hai đảng Tân Đại Việt và Phong trào Quốc gia Cấp tiến tại Hạ Nghị viện.
      -GS Nguyễn Ngọc Huy được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cử làm Thành viên trong phái đoàn VNCH tại Hội Đàm Paris.
      {-Trong khi Hoà Đàm Paris đang họp hay đã kết thúc, chỉ có Tổng Thống Thiệu là người lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ bán đứng đồng minh VNCH mà không thấy thành viên Đối Lập Nguyễn Ngọc Huy tuyên bố một lời gì về Hoà Đàm Paris cả}
      Tuy chưa chính thức thực sự nắm quyền bính, nhưng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã giao cho các GS Nguyễn Văn Bông chức vụ Viện Trưởng QGHC và GS Nguyễn Ngọc Huy chức vụ Thành viên trong Phái đoàn
      Hội Đàm Paris là những chức vụ tương đối quan trọng trong chính quyền VNCH.
      -Rất khó để lượng giá kết quả một sự việc chưa xẩy ra nên câu trả lời cho câu hỏi “Nếu GS Nguyễn Văn Bông được cử làm Thủ Tướng, liệu ông có thành công trong vai trò quan trọng này không?”, tôi nhường cho mọi độc giả cùng lượng giá.
      Và cũng rất khó để xét đoán sự tốt/xấu của một nhân vật chính trị, chúng ta phải nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau. {Riêng cá nhân tôi chỉ gặp GS Nguyễn Văn Bông có một lần. Chả là, vào năm 1968 sau Tết Mậu Thân, khi tôi tham dự xong khóa Đào tạo Giảng viên “Quản trị Hành Chánh căn bản” tổ chức tại Học viện QGHC thì nhận được lệnh gọi tái ngũ. GS Bông gọi tôi lên văn phòng Viện Trưởng và đề nghị xin hoãn nhập ngũ cho tôi, để tôi tiếp tục tham gia chương trình giảng huấn, nhưng tôi đã cám ơn GS Viện Trưởng để tôi nhập ngũ theo như lệnh gọi. GS Bông đã đưa tiễn tôi đến thềm chính của Học viện, rồi bắt tay từ giã}
      (Năm 1951, khi tôi thi vấn đáp văn bằng Tiểu học tôi đã đọc bài thơ “Anh hùng vô danh” của tác giả Đằng Phương. Mãi hơn 20 năm sau tôi mới biết Đằng Phương là bút hiệu của GS Nguyễn Ngọc Huy).
      Xin cám ơn câu hỏi của cô Lê Mai Phương và không biết cô Mai Phương có biết một đệ tử ruột của GS Nguyễn Ngọc Huy đã hoạt động năng nổ tại vùng Edmonton-Canada kể từ năm 1975?
      Điều

      Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *