Trang “Những Năm Tháng Cũ” của Nguyễn Hoàng Lưu = Tản mạn …..

Tản mạn những năm tháng cũ

Nguyễn Hoàng Lưu

“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”

(V.Đ.L.)

Vụ đánh đắm thông báo hạm Amyot d’Inville và đảng Đại Việt. Nguyễn thị Lợi, người mang va-li chất nổ là phụ nữ đầu tiên trong lịch sử ôm bom tự sát (suicide bomber)
Các trí thức theo Hồ-chí-Minh về nước trên tàu Dumont d’Urville 1946.
Vai trò của giai cấp tiểu tư sản trong cách mạng tháng 8 và cuộc kháng chiến chống Pháp.
Phùng Quán, Hoàng Đình Luyện…(Nhân văn Giai phẩm)
Mai Đình nữ sĩ, người yêu của Hàn Mặc Tử

Lời trang chủ – Nguyễn Hoàng Lưu là bút hiệu của một nhân vật đã sống tại Liên khu 4 thời kháng chiến chống Pháp (1945-54). Bài viết dưới đây rút từ hồi ức của ông.

Năm 1952 tôi bị Công an Liên Khu 4 bắt giữ dưới tội danh “gián điệp Pháp”. Bấy giờ tôi là bộ đội giải ngũ và đang sửa soạn vào trường y khoa ở Việt Bắc. Trước đó một tuần lễ Công An đã bắt giữ ông H.T.C. (Hoàng Thúc Chính*) Hiệu trưởng trường cấp 3 duy nhất của Liên Khu 4 (trường trung học Khải Định di tản) là người đã du học Pháp và Anh, có bằng Cử Nhân Văn chương, và một số giáo sư khác dưới tội danh “nằm trong tổ chức dinh tê của gián điệp Pháp”. Tất cả được công an dàn dựng, xếp chung vào một nội vụ để chứng minh phong trào dinh tê do Pháp chủ động: xúi dục, tổ chức, hổ trợ và như vậy có nghĩa là các phần tử dinh tê hay toan tính dinh tê đều được Pháp móc nối – đều là thành phần Việt gian, phản động. Vụ bắt bớ này có tính cách khủng bố nhằm chặn đứng phong trào dinh tê của giới trí thức bỏ kháng chiến về thành (vùng Pháp chiếm đóng) đang lan rộng với cường độ gia tăng sau khi đảng cộng sản ra công khai đầu 1951 dưới tên đảng Lao Động Việt Nam. Phong trào dinh tê chính do cộng sản mở cửa trước đó như quả bóng chính trị cần được xì hơi và nay đã đến lúc cần được đóng lại như một trong các biện pháp chấn chỉnh, xiết chặt nội bộ chuẩn bị cho công cuộc phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức vào cuối 1953. Họ cần những con vật tế thần.

Người ký lệnh bắt giữ tôi là Trần Việt Châu, Trưởng ty Công an Thừa Thiên kiêm Phó Giám đốc Công an Liên khu 4 gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, tên thật là Trần Văn Cháu, đảng viên cộng sản, nguyên thư ký lục lộ Huế trước năm 1945; là người đã tổ chức các vụ ám sát Phó Thủ Hiến Hà Văn Lan (cha của Đại Sứ Hà Vĩnh Phương thời đệ I Cộng Hòa và chú ruột của Đại Tá Hà Văn Lâu phân khu trưởng Bình Trị Thiên thời kháng chiến chống Pháp), và bác sĩ Bửu Hiệp xứ ủy Đại Việt Trung Phần, nguyên ủy viên Hội Đồng chấp chánh lâm thời của Pháp; và cũng là người đã ra lệnh xử tử bạn học cùng trường Providence là Ngô Hân, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, giáo sư trường trung học Khải Định Huế. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của giáo sư Ngô Hân sau này được đề cập trong hồi ức của Tôn Nữ Ngọc Toản, học sinh kháng chiến (Việt Minh)  ở trường Khải Định bấy giờ:

“…chúng tôi cũng không quên những người làm nghề “trồng người” nhưng lại bán học sinh cho giặc. Chúng tôi còn nhớ đầu đề bài văn đệ nhất chuyên khoa (năm thứ nhất bậc tú tài chương trình Hoàng Xuân Hãn) của thầy H. (Ngô Hân): “Sĩ khí của thanh niên trong thời đại ngày nay”. Tuy nguyên tắc hoạt động nội thành là phải “dấu mình” nhưng vì thiếu kinh nghiệm và còn non nớt nên nhiều bạn đã nổi máu anh hùng cá nhân, hiếu thắng, để lộ mình qua giấy trắng mực đen. Kết quả, một số bạn đã bị phòng nhì (Pháp) và an ninh mời vào khám. Trần Hậu bị địch thủ tiêu, Long bị tra tấn đến chết đi sống lại, tôi (Ngọc Toản) bị bắt ra tù bị trục xuất khỏi Huế…”

Tôn Nữ Ngọc Toản là con gái ông Tôn Thất Ðàn (Thượng Thư Bộ Hình), đảng viên cộng sản, về sau là Đại Tá Bác Sĩ, vợ Trung Tướng Cao Văn Khánh, Tổng tham mưu phó quân đội Bắc Việt trong “đại thắng mùa xuân 1975” (em cùng cha khác mẹ với các ông Cao Văn Chiểu, Cao Văn Tường, dân biểu, bộ trưởng thời đệ nhị cộng hòa). Tôn Thất Đàn, Thượng Thư Bộ Hình và Nguyễn Khoa Kỳ, Tổng Đốc Nghệ An là những người đã ra lệnh đàn áp phong trào Sô Viết Nghệ An 1930 một cách dã man. Tôn thất Đàn đã ra lệnh đốt phá, triệt hạ toàn huyện Nghi Lộc sau khi tri huyện Tôn Thất Hoàn bị nông dân nổi dậy chặt đầu trôi sông, với câu nói bất hủ: “hữu Nghệ Tĩnh bất phú, vô Nghệ Tĩnh bất bần”. Tôn Thất Hoàn là cha vợ của ông Hà Thúc Ký, Chủ tịch đảng Đại Việt Cách mạng sau này.

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam chưa có cuộc chiến nào mà người Việt đã tận tình chém giết nhau như cuộc chiến 1945-1975, tính cách tương tàn đã đi vào từng mỗi một gia đình ruột thịt.

Bây giờ thành phố Vinh đã tiêu thổ, cơ quan công an liên khu 4 di tản về vùng quê miệt núi trong tỉnh Nghệ An. Tôi bị giam trong một căn nhà của dân chúng có cảnh vệ canh gác và thường phải di chuyển địa điểm về đêm để giữ bí mật và tránh máy bay Pháp oanh kích. Trong thời gian thẩm cung, tôi bị cô lập hoàn toàn – nơi giam giữ chỉ có mình tôi, nhưng vào thời gian nghỉ cung để điều tra bổ túc thì thường có thêm một thường phạm được giam chung. Họ thuộc nhiều thành phần: bộ đội đào ngũ, đi phép quá hạn, cán bộ tham ô, hủ hóa, thường dân buôn lậu….và có lần một người Tàu Hải Nam đánh cá bị bão dạt vào hải phận Việt Nam. Những người này chỉ bị tạm giữ một thời gian ngắn, có người vài ngày, có người vài tuần rồi được thả hoặc dẫn giải đi nơi khác; người này đi thì vài ngày sau có người khác đến trám chỗ. Trong số này có một cán bộ văn nghệ can tội hủ hóa (nôm na là trai gái), người Huế, tuổi trạc trên ba mươi, có mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ và bộ ria mép con kiến bất cần đời. Sở dĩ hôm nay tôi còn nhớ đến anh ta vì anh là một người tài hoa và vì những liên hệ của anh với những người và việc đặc biệt lúc bấy giờ.

Cảnh vệ gọi tên anh là anh K. Tôi không biết đó là tên thật của anh hay tên giả vì trong trường hợp của tôi thì công an cho tôi một tên khác với tên thật với mục đích che dấu căn cước của nghi can trong thời gian thẩm tra và biết đâu để khi cần…“phi tang” thì về sau khó thể truy tầm dấu vết! Anh K. cho tôi biết người anh yêu và yêu anh là một người đàn bà đã có chồng được anh hướng dẫn về diễn xuất kịch, người chồng ghen tức nên đã nhờ công an can thiệp. Khi anh nói tên người chồng thì tôi biết ngay người đàn bà này vì đó là một người đẹp nổi tiếng của thành phố Vinh trước ngày tiêu thổ kháng chiến. Chị là con của một gia đình bần nông, thuở nhỏ cha mẹ phải cho đi ở đợ (ở thuê), chăn bò, lớn lên được một người con trai nhà giàu mê sắc đẹp lấy về làm vợ. Trong một thành phố nhỏ nên hầu như ai cũng biết chuyện này. Hai vợ chồng có một cửa tiệm bán thuốc nam (ngày nay gọi là thuốc dân tộc) xế góc ngả tư khu phố chính. Lúc mới lên trung học, tôi vẫn còn là một đứa con nít vừa từ giả các trò chơi đánh khăng, đánh đáo. Hàng ngày đi học qua cửa tiệm của hai vợ chồng và cái lai lịch của người đàn bà đứng sau quày hàng đã gợi sự tò mò khiến tôi thường nhìn vào như cố tìm dấu vết của đứa con gái chăn bò qua người thiếu phụ đài trang. Đối với tôi, bà là hình ảnh cô bé lọ lem trong Contes de Perrault ngày thơ ấu. Tôi không biết tên con gái của  bà, có thể là “cái hĩm” hay “cái tèo” gì đó; dân trong khu phố gọi là bà Trang. Trang là tên của người chồng. Cùng dãy phố của ông bà Trang, ngay góc ngã tư là ngôi nhà ba tầng của tiệm kim hoàn Bảo Nguyên, có người con gái khoảng 16, 17 tuổi tên M.K.( Mai Khanh*) là hoa khôi của thành phố, nhiều chàng trai mê mệt, trong số có nhạc sĩ Lê Yên, tác giả bài Ngựa phi đuờng xa, và một thanh niên đẹp trai, con nhà giàu tên là Nh., chơi piano, em ruột của Bác Sĩ Phạm Khắc Hy (đại sứ VNCH tại Pháp dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm); về sau chị Mai Khanh lấy kỹ sư Võ Quý Huân, một trí thức ở Pháp theo Hồ Chí Minh về nước sau hội nghị Fontainebleau 1946 – ông này xấp xỉ tuổi của bố chị. Bấy giờ những kẻ xấu miệng rêu rao: ai có thuốc mọc râu thì bán cho ông Bảo Nguyên và ai có dao cạo râu thì bán cho Kỹ sư Huân. Em chị Mai Khanh là bạn học cùng lớp với tôi.   

Khi anh K. nghe tôi nói tôi có biết về người yêu của anh là người đẹp nổi tiếng của thành phố Vinh thì anh lấy làm tâm đắc, có người để trút bầu tâm sự. Tôi là người chịu nghe và ít nói. Sở dĩ tôi ít nói vì tôi đang bị quy chụp tội gián điệp, là loại tội chết người, không thể phân bua với bất cứ ai nên tốt hơn hết là cố thu nhỏ người lại, che dấu “cái tôi” xem như không hề hiện diện. Tôi tựa như cái thùng rỗng không đáy để chứa hết tất cả những thứ anh muốn nhét vào, tất cả những điều anh muốn bộc lộ cho khuây khỏa nỗi lòng.

Lệnh cấm tù giam chung không được tương thông, không được nói chuyện với nhau. Có khi tôi và anh bị bắt ngồi bó gối trên bộ ván gổ đâu mặt vào nhau, có khi được đi lại trong buồng giam, có khi được ra sân tập thể dục hoặc phơi nắng. Anh ta chỉ chờ dịp cảnh vệ vắng mặt là trút bầu tâm sự về người yêu của anh cho tôi nghe, những bài thơ anh làm cho “en” và vì “en” (elle), những lần hướng dẫn diễn xuất, những lần đóng kịch chung, những cuộc hẹn hò tình tự…; tất cả chỉ như mới hôm qua mà nay đã biến thành kỷ niệm. Nếu không nói về người yêu thì anh ngâm thơ, hát và diễn xuất kịch mà tôi là người nghe và còn là khán giả duy nhất. Tôi nghĩ “en” mê anh cũng vì những thứ này. Có anh bị giam chung làm cho tinh thần tôi được thư giản phần nào trong khi chờ đợi đợt thẩm cung tới sẽ là truy cung có tính cách quyết định. Anh thuộc nhiều thơ, nhạc  thời tiền chiến mà sách báo liên hệ trước 1945 đã bị tiêu hao cùng cuộc tiêu thổ kháng chiến. Qua anh, lần đầu tiên tôi biết bài Hồ Trường của dịch giả Nguyễn Bá Trạc và bài hát Tạ Từ của Tô Vũ. Giọng hát và lối ngâm thơ của anh vô cùng truyền cảm. Đặc biệt là bộ môn kịch nghệ thì phải nói là anh rất có biệt tài diễn xuất. Có lần đang say mê độc diễn thì cảnh vệ vào bắt gặp nhưng thường thì họ bỏ qua hoặc yêu cầu anh nói khẻ kẻo cấp trên có thể bất thần kiểm tra, hơn nữa đều là những vở kịch tuyên truyền kháng chiến. Họ cũng bị anh cuốn hút, thường rình nghe. Nhiệm vụ chính của cảnh vệ là giữ tù khỏi trốn và đều được huấn luyện nghiệp vụ tình báo, thường thì dễ dãi nhưng khi có lệnh của thẩm vấn viên áp dụng các biện pháp kỷ luật đặc biệt đối với can phạm thì họ thi hành một cách chặt chẽ, không khoan nhượng.

Một hôm, anh ngâm bài thơ “Sao anh không về chơi thôn Vỹ?” (thôn Vỹ Dạ) của Hàn Mạc Tử với hình bóng thấp thoáng của các cô “Tôn Nữ” phủ Tuy Lý (Tuy Lý Vương*):

“Áo em trắng quá nhìn không ra,
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà!”

Anh kể cho tôi nghe những giai nhân xứ Huế thời anh. Những người con gái đa tình, bề ngoài đoan trang, thùy mị nhưng bên trong có thể là cả một hỏa diệm sơn. Cô nữ sinh Khải Ðịnh Minh Trang (tên sau này khi trở thành nữ danh ca) đã gấp thơ tình vào bài tập nộp cho giáo sư Ưng Quả (góa vợ). Khi cô thưa với cha là cụ thượng H. (Nguyễn Hy*) về thầy Ưng Quả sẽ đến nhà hỏi cô làm vợ thì cụ thượng Hy đã hỏi lại cô con gái: “…ông Ưng Quả đến hỏi “mi” hay hỏi “mạ mi” làm vợ? (Về sau sống ở Huế, tôi mới biết lối ăn nói móc máy, chua cay này là một đặc trưng văn hoá của đất Thần kinh, không phân biệt giai cấp, trình độ học vấn – phải chăng là phản ảnh của một triều đại suy tàn nay chỉ còn lại những thành quách, miếu đài hoang phế! Tôi có người mợ, chồng làm tỉnh trưởng trong Nam, mang một lồng chim yến ra Huế biếu “Cậu Cẩn”, vừa bước xuống sân bay Phú Bài thì gặp ông Phạm văn Nhu một nhà mô phạm bấy giờ là Chủ tịch Quốc hội – Ông Phạm văn Nhu: “xin chào bà tỉnh (tỉnh trưởng), giống chim này chắc hót hay lắm!” Bà mợ tôi giận thâm gan tím ruột, suốt đời không quên. Một người bạn tôi bị cô vợ Bắc ly hôn cũng chỉ vì lối ăn nói móc máy độc địa mặc dầu đôi khi chỉ do đùa bởn).  Anh K. tiếp tục kể cho tôi nghe những nơi chốn cùng kỷ niệm của anh về xứ Huế một cách say sưa. Xứ có sông không sâu, núi không cao, đất đai nghèo nàn – theo phong thủy không phải là nơi địa linh nhân kiệt nhưng được nhà Nguyễn chọn làm kinh đô. Tôi sinh ở Nghệ An, cha mẹ gốc Huế ra Vinh làm việc, bà con thân thích đều ở Huế. Huế đang thuộc vùng tạm chiếm của Pháp và tôi vừa trong ấy đi ra. Một thoáng cảnh giác lóe trong đầu, tôi đặt nghi vấn: dám “thằng cha” này là người của công an gài vào giam chung? phải coi chừng! phải đề phòng!.

Đầu năm 1952, tôi từ Nghệ An dùng đường Trường Sơn vào chiến khu Thừa Thiên. Sau chiến dịch biên giới Cao Bắc Lạng (1950), quân Pháp phải tăng cường cho mặt trận Bắc Việt nên tại đây vùng kiểm soát của Pháp càng ngày càng thu hẹp. Nhiều đơn vị của trung đoàn 101 (trung đoàn chủ lực Thừa Thiên) đã rời miền núi về đồng bằng, thấp thoáng bóng dáng bộ đội trải dài từ Phong Điền, Kế Môn, Đại Lược, Lê Xá, Tây Hồ; ủy ban hành chánh kháng chiến thị xã và nhiều cơ quan đã rời chiến khu về Lê Xá, cán bộ nội thành, cán bộ tình báo liên khu 5 ra vào tấp nập. Ban đêm đứng ở các động cát Lê Xá có thể nhìn thấy ánh đèn điện của thành phố Huế phản chiếu lên vòm trời và ban ngày các máy bay vận tải dân sự Cosara, Aigle d’Azur với hàng chữ rõ in trên thân máy bay xà thấp trên ngọn cây đáp xuống sân Phú Bài. Lê Xá là vùng đồng chua nước mặn lại bị Pháp càn qua, quét lại, giết chóc, hãm hiếp, đốt phá nhiều lần, nhà cửa chỉ là các túp lều tranh dựng tạm, dân chúng xơ xác, cơ cực. Tôi ở trong túp lều của một cặp vợ chồng còn trẻ, anh chồng là cán bộ công an hoạt động nội thành có tên là “Sơn thợ điện” trước kia ở Vỹ Dạ làm thợ điện. Sáng sáng anh đi về cùng một người nữa, đội chiếc thuyền thúng, mặc độc chiếc quần đùi đen, một tay cắp mái chèo và bó quần áo, khẩu súng Colt 12 buộc bằng sợi dây dù tròng qua cổ lủng lẳng trước ngực. Anh đi công tác diệt tề trong đêm. Tuần vừa qua anh không trở về. Anh đã bị lính bảo vệ bắn chết vào lúc chập choạng tối ở khu đất mới gần sân vận động Bảo Long, xác vô thừa nhận được gia đình Phật tử Huế chôn cất. Chị vợ đang mang thai đứa con đầu lòng, bụng đã vượt mặt. Tôi không biết phải an ủi chị ta như thế nào, trong hoàn cảnh này, những lời an ủi suông dù chân thành cũng trở nên lố bịch. Tôi cặm cụi làm thay chị các công việc lặt vặt trong nhà, vào rú bứt bổi, bó củi về nấu cơm để tránh không phải nghe chị khóc than, kể lể. Chị sẽ trở về vùng Pháp kiểm soát vì ở đây không có bà con. Chúng tôi góp gạo thổi cơm chung, gạo chôn dưới hầm đã ẩm và mục, nấu thành cơm có mùi thối nồng nặc tệ hơn cả phân người, ăn cơm với nước ruốc, không có vị cơm cũng không có vị tanh của nước ruốc, chỉ có mùi thối, có cảm tưởng như nhai đất.

Đi từ đầu làng Lê Xá đến cuối làng, tôi nghe tiếng hát lặp đi lặp lại của đàn ông, đàn bà, con nít, một bài hát mới phổ biến của nhạc sĩ Trần Hoàn (Nguyễn Tăng Hích 1928 – 2003), lời ca và điệu nhạc buồn trong khung cảnh điêu tàn của chiến tranh trở nên ai oán – ngày nay tôi còn nhớ chỉ vì tiếng hát được cất lên từ những người dân vùng tạm chiếm, những người đã hy sinh nhiều nhất cho kháng chiến và đang lãnh chịu tất cả đau thương, tang tóc. Họ hát một cách hồn nhiên và bình thản ngay trên nổi thống khổ của chính mình khiến lòng tôi se lại:

Một chiều anh bước đi, em tiễn chân anh tận cuối đồi,
Nghe dặn lời, rằng: kháng chiến còn trường kỳ,
Rằng kháng chiến còn trường kỳ và còn gian khổ!
Máu còn rơi! Xương còn rơi!
Bao lớp người tiền tuyến xông ra
Ngăn quân thù dày xéo dân ta
Xây cuộc đời mới!…
Như dòng sông qua đại dương
Qua bao ghềnh và thác cheo leo
Đấu tranh này còn dài em ơi,
Mới đến ngày toàn thắng!
Và xa xôi em nhớ lời
Rằng muốn có một ngày về
Thì chiến đấu đừng sờn lòng, đừng nề gian khổ!

(Trần Hoàn sáng tác bài này trong thời gian công tác ở Trị Thiên, chỉ thấy phổ biến ở vùng tạm chiếm; bị Hải Triều Nguyễn Khoa Văn phê phán kịch liệt trong một hội nghị văn nghệ Liên khu 4).

Với sự đồng ý của thị ủy thành phố Huế, một nữ cán bộ nội thành làm công tác giao liên đưa tôi vào vùng địch hậu – về Vỹ Dạ để lên Huế. Chúng tôi phải vượt qua một số đồn bót đúng giờ và đến địa điểm trước khi chiều xuống nhọ mặt người. Mùa nước nổi, từ Lê Xá chúng tôi dùng xuồng đi Tây Hồ rồi lên bộ, băng qua nhiều cánh đồng, làng mạc. Khi đến một bìa làng, người nữ giao liên cho biết đã vào địa phận làng Ngọc Anh là vùng địch kiểm soát hoàn toàn và bây giờ phải đi tách. Chúng tôi tấp vào nhà một quần chúng cơ sở. Cả nhà đi vắng. Chị đến vại nước rửa tay chân; đi vào gian phòng ngăn vách kề cận, chốc lát trở ra đã biến thành một cô gái thị thành: bộ áo cánh quần đen được thay thế bằng áo dài trắng quần trắng, đầu tóc búi được thả xuống, kẹp lại sau lưng với cái nơ nhung đen, đôi guốc cao gót…Chị chỉ cho tôi con lộ trước nhà sẽ dẫn ra đường cái tráng nhựa, ngay bên kia đường là nhà bác tôi – địa điểm đến. Chị dặn tôi chỉ ra đi sau khi chị đã đi khuất rồi vội vàng bỏ ra sau hè nhà, biến mất theo một lối khác. Con lộ đất xuyên qua xóm, nhiều nhà ngói lẫn với nhà tranh, có vài lối rẽ, cuối cùng tôi ra được con đường cái tráng nhựa nhưng bị lệch hướng. Bên kia đường là một ngôi chợ quê đã vắng người. Chiều nắng tàn, người đi đường thưa thớt. Tôi cố nhớ lại địa thế vừa đi qua, định hướng và quyết định rẽ trái theo lề đường cái, chỉ một khoảng ngắn thì hiện ra một cái lô cốt ngay bên đường với người lính bảo vệ ôm súng trên chòi. Bị lọt vào tầm quan sát của người lính, không thể thối lui, tôi tiếp tục rảo bước theo người bộ hành phía trước và may mắn nhận ra phủ Ba Cửa dựa vào ký ức mơ hồ ngày nhỏ – nơi đây Bác tôi đã gửi tôi cho một cô giáo dạy vở lòng, ngày hai buổi đi theo các anh chị con Bác đến lớp. Dùng phủ Ba Cửa làm điểm chuẩn và lần mò theo những mãnh vụn ký ức cũ, tôi bước qua một cổng vòm xây gạch, bên trái con đường rải sỏi là cái am nhỏ mà bà nội tôi vẫn hàng ngày ra thắp nhang, rồi đến ngôi nhà lầu và con chó đá trên thềm. Cảnh vật gần như không thay đổi, chỉ khác ngày xưa tôi thấy lớn rộng mênh mông và bây giờ thì nhỏ lại. Bác tôi đang đi dạo trên hàng hiên, thấy tôi ông hỏi nhỏ vừa đủ nghe: “thằng Ng. (tên tôi) đó hả!”  Chắc chắn ông không thể nhận ra tôi, đứa con nít còn mặc quần xẻ đít ngày nào nhưng vì ông đã được báo trước tôi về.

Vài ngày sau tôi lên Huế, một tuần sau với giấy tờ của chính quyền vùng tạm chiếm tôi đi máy bay của hãng Aigle d’Azur ra Hà Nội, xuống Nam Định, vượt vùng no man’s land giữa Phát Diệm – Tam Tổng (Nga Sơn-Thanh Hóa), vào Liên khu 4. Tôi có thể ở lại Huế với người thân nếu tôi muốn, sẽ có cuộc sống vật chất không đói rét, có những cơ hội học hành tốt và những điều kiện để phát triển cá nhân gần như không hạn chế của xã hội này nếu tôi biết cố gắng và đừng đụng chạm vào cơ chế của nó. Nhưng tôi không thể phản bội kháng chiến, phản bội đồng đội cũ. Tôi muốn đóng góp và phục vụ, hơn nữa cha tôi còn ở ngoài đó và cũng cần đến tôi; đó là lý do tôi đã trở lại Nghệ An. Và bây giờ, tôi đang phải trả lời những cáo buộc của công an liên khu 4 về thời gian ở vùng địch hậu. Sự có mặt trong vùng địch chiếm tự nó đã đưa tôi vào tư thế phải chứng minh những điều tôi không hề làm và những cáo buộc của công an không cần phải có bằng chứng. Tôi bị đặt mình vào tình trạng phải tự vệ và luôn luôn cảnh giác.

Anh K. vẫn tiếp tục độc thoại về xứ Huế đẹp và thơ của anh. Tôi kín đáo quan sát thái độ, sắc diện anh và thầm kiểm điểm xem mấy ngày sống chung với anh có ăn nói điều gì hớ hênh không. Tôi hướng anh qua câu chuyện những người tình của Hàn Mạc Tử: Mộng Cầm, Thương Thương, Mai Đình… theo những gì tôi biết qua cuốn Hàn Mạc Tử của Trần Thanh Mại. Anh cũng sôi nổi như khi nói về xứ Huế. Thương Thương có chồng là giáo sư Phạm Q. đang dạy trường trung học Phan Đình Phùng bên Hà Tĩnh, có lẽ đã dinh tê. Khi tôi gọi Mai Đình là “Mai Đình nữ sĩ” thì anh bỉu môi có vẻ coi thường sự hiểu biết của tôi, giọng khinh miệt: “…nữ sĩ cái gì? Con đĩ rạc trăm thằng! nó hiện ở đây nè! (tôi và anh đang bị giam ở Nam Đàn), nó lấy một chú chệt ve chai!…”  Tôi không biết Mai Đình ngoài đời nên im lặng, cũng không hiểu vì sao anh có giọng khinh miệt chị ta như vậy. Tôi thấy thái độ sôi nổi, vui buồn của anh rất tự nhiên, cởi mở, không thuộc loại người gian trá, không có dấu hiệu gì là người của công an gài vào – nhưng ý thức tự vệ và cảnh giác vẫn mạnh hơn cảm tính, tôi tự nhủ: “thằng cha” này là tài tử đóng kịch thượng thặng, cẩn thận vẫn hơn!

Thời gian ở bộ đội, tôi đã nhiều lần xem vở kịch “Trên nớ” của Bửu Tiến ca ngợi lòng yêu nước của các nhân sĩ thuộc thành phần quan lại theo kháng chiến nhưng ngày nay chỉ còn nhớ mỗi một câu do tài diễn xuất độc đáo, giọng Huế đặc sệt rất “mệ” của anh trong vai cụ Ưng Úy (Thượng Thư bộ Lễ, thân sinh bác học Bửu Hội, phủ Tuy Lý), lúc sửa soạn rời Huế lên chiến khu đã hỏi nàng hầu: “…trên nớ (trên chiến khu) không biết có cá lẹp mà kẹp rau mưng không?” Cha mẹ tôi người Huế nhưng tôi chưa bao giờ được nghe đến món đặc sản này. Cuối 1953, lúc cụ Ưng Úy đã trở về Huế (vùng Pháp chiếm) và cộng sản đang lúc phát động cải cách ruộng đất thì câu nói trên được cán bộ văn hóa, tư tưởng diễn dịch là phản ảnh bản chất “tham ăn, bóc lột” cố hữu của bọn quan lại phong kiến không bao giờ cải hóa được.

Anh K. chẳng những là một diễn viên xuất sắc, một đạo diễn có tài, mà còn là một nhà soạn kịch. Anh đọc cho tôi nghe một kịch bản do chính anh viết và rất lấy làm ưng ý – nhằm đề cao thành tích ngành điệp báo của Việt Minh và gương hy sinh của một phụ nữ tên Nguyễn Thị Lợi. Đây là câu chuyện có thật đã được cộng sản viết thành một cuốn sách nhỏ phổ biến tại Liên Khu 4 bấy giờ, gọi tắt là “vụ Amyot d’Inville” – tên của một thông báo hạm Pháp bị điệp viên Việt Minh đặt chất nổ ngoài khơi cửa biển Sầm Sơn vào cuối năm 1950. Kịch bản của anh đã dựa vào cuốn sách này.

Người thực hiện và chỉ huy điệp vụ là Hoàng Đạo, tên thật là Nguyễn văn Hoàng, Trưởng ty Công an Thanh Hóa. Với sự chấp thuận và hoạch định của Tổng Nha Công An Trung Ương phối thuộc với Nha Công An Hà Nội, Hoàng Đạo trong vỏ “gián điệp hai mang” đã liên hệ với Duprat, trưởng phòng phản gián Pháp với tư cách đại diện đảng Phục Việt (đảng quốc gia “ma”) có chiến khu (chiến khu “ma”) ở Thanh Hóa, sẵn sàng làm nội ứng khi Pháp đổ quân vào khu 4 (Thanh Nghệ Tĩnh). Khi có dấu hiệu cho thấy phòng nhì Pháp nghi ngờ, Hoàng Đạo quyết định làm chuyến tàu vét với kế hoạch bắt sống một số yếu nhân của đảng Đại Việt và đánh chất nổ chiến hạm Pháp ngoài khơi cửa biển Sầm Sơn. Qua Duprat, Hoàng Đạo tiếp xúc và mời đại diện Đại Việt vào Thanh Hóa tham quan chiến khu Phục Việt. Một chiến hạm Pháp đưa phái đoàn Đại Việt đến cửa biển Sầm Sơn và dùng ca – nô đổ bộ lên bờ; được Hoàng Ðạo đón tiếp và sau đó họ được đưa thẳng vào trại tù Lý bá Sơ. Để đánh đổi mạng sống, các tù nhân Đại Việt đã viết thư cho trùm phản gián Duprat theo nội dung chỉ định của Hoàng Đạo: thông báo kết quả mỹ mãn và thắng lợi của cuộc tham quan, yêu cầu gửi điện đài, thuốc men cho chiến khu Phục Việt, và chuẩn bị đón hai ông bà Hoàng Ðạo vào Hà Nội. Đúng hẹn, thông báo hạm Amyot d’Inville trên đường sang chi viện cho mặt trận Triều Tiên (chiến tranh Triều Tiên 1950-53) được lệnh ghé vào cửa biển Sầm Sơn đón vợ chồng Hoàng Đạo đi bằng thuyền ra tàu. Một phụ nữ tên Nguyễn Thị Lợi được bố trí đóng vai vợ Hoàng Đạo tình nguyện mang va-li hành lý chứa chất nổ lên tàu. Lấy lý do bận công tác sẽ vào sau, Hoàng Ðạo gửi “bà vợ” nhờ Hạm trưởng săn sóc giùm rồi cùng đoàn tùy tùng xuống thuyền. Họ vừa vào đến bờ thì một tiếng nổ long trời từ ngoài khơi vọng vào: Thông báo hạm Amyot d’Inville bị đánh đắm và Việt Nam đã góp phần vào nghĩa vụ Cộng sản quốc tế, giúp đỡ người anh em Bắc Triều Tiên. Nữ Liệt Sĩ Nguyễn Thị Lợi được truy tặng danh hiệu Anh Hùng Lực Lượng Võ Trang Nhân Dân, với lý lịch: người Nam bộ, có chồng đi giải phóng quân, đã hy sinh trong những trận đánh đầu lúc Pháp khởi hấn ở Sài Gòn; trong một trận càn, chị bị giặc Pháp hãm hiếp, nhà cửa bị đốt cháy, đứa con ba tuổi bị xé xác vứt vào lửa; thù nhà, nợ nước, chị tình nguyện mang chất nổ lên chiến hạm Amyot d’Inville và ở lại để chết theo tàu.

Trong kịch bản “Amyot d’Inville”, anh thủ vai viên quan năm hạm trưởng. Anh xin cảnh vệ xuống bếp đồng bào uống nước và kiếm đâu được một đoạn hóp (loại tre lóng nhỏ) giả làm ống vố (pipe). Bộ râu con kiến và cái ống vố giả gắn vào miệng làm khuôn mặt anh vừa oai lại vừa có vẻ “đểu giả”. Bị tôi phê bình, anh giải thích “đểu giả” là bản chất của bọn thực dân đế quốc, diễn như vậy mới gọi là đạt, đúng theo yêu cầu của quần chúng.

Bị giam giữ nhưng anh K. vẫn có thái độ ung dung tự tại vì tự coi là không có tội – “yêu nhau không phải là cái tội”, anh khẳng định với tôi như vậy. Nhưng một hôm anh đi cung về, tôi thấy anh hoàn toàn bị mất tinh thần, nằm vật xuống tấm ván cửa trên nền nhà, thở dốc, rũ rượi như tàu chuối héo, không nói năng gì hết. Người cảnh vệ áp giải lặng lẽ bỏ ra ngoài, một lát trở vào với những sợi chạc trên tay (loại giây thừng bện lớn, chắc, dùng để buộc trâu đi cày) trói gô chân tay anh lại như người nhà quê trói lợn trước khi đem thọc huyết. Anh co quắp người như con tôm, mặt xoay vào vách, hai vai rung từng chặp rồi bật khóc lớn không kềm được nữa. Mới hôm qua anh còn lạc quan, oai phong trong vai quan năm, hạm trưởng tàu thủy ngậm ống vố mà nay thì lại quá thảm hại. Tôi vội xua đuổi ngay cái hình ảnh khôi hài, tương  phản “kịch” và “đời”, vì tiếng khóc của anh làm tôi cảm thấy bất nhẫn; “thố tử hồ bi” (thỏ chết cáo cũng buồn), huống hồ cùng thân phận tù, tai họa xảy cho anh cũng có thể xảy cho tôi.  Đợi lúc người cảnh vệ bỏ đi và cơn khóc của anh đã dịu, tôi hỏi cớ sự. Anh cho biết là cán bộ thẩm vấn đã nhục mạ anh thậm tệ, chửi anh là thằng điếm đực, ma cô, lợi dụng chút tài còm để quyến rủ đàn bà, bòn rút tiền bạc. Anh trả lời: “pauvreté n’est pas vice!” (nghèo đâu phải tội!). Thế là họ đùng đùng nổi giận, đập bàn, gọi cảnh vệ áp giải anh trở về và ra lệnh xiềng tay chân anh. Bấy giờ tôi mới vở lẽ vì thiếu xiềng nên cảnh vệ đã phải dùng chạc trâu của đồng bào để thay thế. Tôi nói với anh: tại anh nói “tiếng Tây” nên họ cho là anh ngạo họ. Nghe tôi nói như thế anh lại tức tưởi khóc. Tôi cố tìm cách an ủi anh: “anh đâu có tội gì, yêu đâu phải là cái tội! chẳng qua anh chồng có tiền nên nhờ cánh  công an dằn mặt anh đó. Dằn mặt xong thì họ sẽ thả anh về chứ giữ lại để nuôi cơm sao! Anh được người đẹp như chị ấy yêu là diễm phúc lắm rồi, có khổ một chút thế này có ăn thua gì! Chị ấy mới là người thật khổ, một bên là chồng con, một bên là anh, thiên hạ đàm tiếu. Chị ấy vì anh có thể mất tất cả, còn anh bất quá chỉ mất cái quần xà lỏn … Hơn nữa, người ta nói “trai tân gái góa thì chơi, đừng nơi có vợ, đừng nơi có chồng”.  May mà anh chồng chỉ nhờ công an dằn mặt chứ nếu nhờ bọn cướp lụi anh một dao thì rồi đời…” Thật ra lúc bấy giờ tôi không có kinh nghiệm yêu đương, chưa hiểu được tình đời éo le, nghĩ sao nói vậy. Anh K. không giận tôi, trái lại từ đó anh có vẻ tin cậy tôi nhiều hơn. Nhưng cũng từ đó, anh mất đi thái độ lạc quan đã có trước đây, không ca hát, không diễn kịch và cũng không nhắc đến người yêu. Anh thầm thì kể cho tôi nghe những chuyện cung đình của cán bộ lãnh đạo, tham ô, hủ hóa, lãng phí … như muốn phản biện về trường hợp trai gái của anh là chẳng đáng tội gì cả. Nhiều chuyện anh nói tôi đã biết như vụ đại tá Trần dụ Châu, cục trưởng quân nhu can tội tham ô hủ hóa bị xử bắn. Ngoài ra còn những câu chuyện khác thuộc lãnh vực cấm kỵ mà trong hoàn cảnh này anh không nên nói và tôi cũng không nên nghe nhưng tôi không thể bịt miệng anh được.

Một câu chuyện anh tiết lộ hết sức nguy hiểm là vụ Nguyễn Thị Lợi mang chất nổ đánh đắm thông báo hạm Amyot d’Inville. Vào lúc xảy ra vụ Amyot d’ Inville, anh ở trong nhà của Nguyễn Văn Hoàng (tức Hoàng Đạo), Trưởng ty Công An Thanh Hóa. Anh chơi thân với bên vợ của Hoàng Đạo, chị là người Huế, thuộc hoàng phái. Hai vợ chồng có đứa con đặt tên là Đạo nên Nguyễn Văn Hoàng lấy biệt danh là Hoàng Đạo (trùng với biệt hiệu của Nguyễn Tường Long trong Tự Lực Văn đoàn). Vì ở trong nhà Hoàng Đạo nên anh quen và thường gặp Nguyễn Thị Lợi. Đúng là người phụ nữ có tên Nguyễn Thị Lợi mà anh quen biết đó đã mang chất nổ lên chiến hạm Amyot d’ Inville nhưng cái lý lịch có chồng tử sĩ, bị giặc Pháp hãm hiếp, nhà cửa bị đốt, con bị xé xác vứt vào lửa…rồi vì thù nhà nợ nước nên đã tình nguyện mang chất nổ v.v. đều là những điều bịa đặt tuốt luốt!  Anh K. nói với tôi các chi tiết sau:

  • Nguyễn Thị Lợi là gái điếm ở Cầu Bố (Thanh Hóa), có sắc đẹp và trở thành “gái bao” của Hoàng Đạo lúc y làm Trưởng ty Công An Thanh Hóa;
  • Nguyễn Thị Lợi bị Hoàng Đạo đánh lừa, bị mê hoặc bởi cuộc sống giàu sang và tin vào lời hứa hẹn sống chung vợ chồng cho nên bằng lòng ra tàu Pháp để vào Hà Nội, sửa soạn nhà cửa chờ Hoàng Đạo thu xếp công việc vào sau.
  • Ðể củng cố lòng tin của Nguyễn thị Lợi, Hoàng Đạo đưa cho Nguyễn Thị Lợi một số lượng lớn thuốc phiện mang theo trong vali quần áo, nói là để vào Hà Nội bán lấy tiền mua nhà cửa và để hai người sinh sống sau này nhưng sau đó thì chuyên viên chất nổ đã bí mật gài chất nổ vào dưới các bánh thuốc phiện.
  • Đề phòng trường hợp bị lộ bởi giác quan thứ sáu (trực giác) của Nguyễn thị Lợi, lúc thuyền cập mạn tàu, Hoàng Đạo đã cho chị uống nước giải khát có pha sẵn liều thuốc ngủ cực mạnh, nếu không chết vì chất nổ thì cũng chết vì thuốc ngủ;
  • Lên đến tàu thì Nguyễn Thị Lợi đã lảo đảo, Hoàng Đạo yêu cầu hạm trưởng cho “bà vợ” vào ngay cabin riêng nghỉ ngơi, lấy cớ đi thuyền nhiều giờ trên biển nên bị say sóng. Chuyên viên chất nổ trong vai phục dịch viên vác vali quần áo của “bà Hoàng Đạo” có chứa 40 ki-lô chất nổ vào cabin và gắn ngòi nổ định giờ.

Trong thời gian bị giam chung, con người nghệ sĩ của anh K. đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt, đặc biệt là sự thành thực. Một hôm anh được lệnh thu xếp đồ đạc cá nhân đi theo người công an dẫn giãi. Tôi đoán là anh được trả tự do.

Trong cuộc đời có nhiều chuyện ngẫu nhiên xảy ra tựa như đã được sắp xếp trước. Anh K. ra đi độ vài hôm thì công an dẫn đến một người đàn bà và một đứa con nít chừng 4, 5 tuổi giao cho người cảnh vệ. Người đàn bà mình dây, nước da bánh mật, có dáng bương chải, tháo vát của dân buôn chạy hàng xách, tuy vào tù nhưng điệu bộ bình thản như đã quen thuộc nhiều lần. Đứa con nít xấu xí, trên đầu lơ thơ vài sợi tóc như râu ngô, mắt ti hí một mí. Có lẽ khi công an bắt người mẹ thì đứa con không ai trông nom nên cả hai mẹ con cùng vào tù. Người cảnh vệ chỉ cho chị ta cái sạp tre trống của anh K. trước đây. Chị bỏ gói quần áo xuống sạp rồi lân la đến tôi hỏi chuyện, một lúc sau chị tự giới thiệu là “nữ sĩ Mai Đình”, người yêu của Hàn Mạc Tử. Lúc chị vừa mới đến tôi đã ngờ ngợ khi cảnh vệ gọi tên chị là Mai và thấy mặt thằng nhỏ đúng là con chú chệt bán ve chai. Tôi chỉ hơi ngạc nhiên về việc cảnh vệ gọi tên chị là Mai trống lổng và tỏ thái độ rất thân thiện. Có thể chị bị chuyển chỗ giam chứ không phải mới bị bắt vì họ như đã biết nhau. Cảnh vệ được hoán đổi thường xuyên và công an có nhiều địa điểm giam người như chỗ giam tôi. Chị ta cũng giả dại qua ải, vui vẻ với anh cảnh vệ còn nhỏ tuổi, gọi “anh” và xưng Mai ngọt xớt. Ngày trước đọc cuốn Hàn Mạc Tử của Trần Thanh Mại, tôi có cảm tình với Mai Đình vì chị là một cô gái nghèo, ở tầng lớp thấp, đến với Hàn Mặc Tử lúc thi sĩ đã bị phong cùi, không đòi hỏi, cam phận và chỉ được Hàn Mạc Tử đáp lại bằng thứ tình thương hại. Bây giờ là một Mai Đình khác hẳn. Tôi tránh không muốn tiếp xúc với chị vì cảm thấy không an toàn. Tôi cũng không hỏi chị bị tội gì nhưng tôi nghĩ là tội thường phạm thường được gọi là tội kinh tế, khác với tội phản động là tội chính trị.

Khí hậu Nghệ An thuộc loại khí hậu khắc nghiệt, mùa hè nóng như thiêu  đốt, gió Lào thổi như tạt lửa vào người, mùa đông mưa dầm, lạnh thấu xương đến trâu bò cũng chết rét. Tôi bị công an bắt vào mùa hè, tưởng đâu khai báo chừng mươi hôm thì được về nên chỉ mang thêm một bộ quần áo để thay đổi, bây giờ đã sang đông, ban đêm chỉ đắp một chiếc chiếu cói rách mượn của đồng bào, hở đầu, hở chân – lạnh chịu không nổi, tôi bắt đầu tập hút thuốc lào, có cảm tưởng hít khói thuốc vào phổi thì ấm. Một buổi sáng thức dậy, tôi xin cảnh vệ cho xuống bếp hút thuốc. Người nhà quê trước khi ra đồng thường ủ lửa bằng trấu và trên bếp trấu đặt ấm nước chè xanh, có cái điếu cày bên cạnh. Tôi lui cui thổi trấu đốt đóm, thuốc ngon và đậm, bụng đói lại hít sâu nên bị say, chúi đầu đập vỡ ấm nước. Vừa lúc đó có người vực tôi dậy, thì ra Mai Ðình ở sau lưng tôi tự lúc nào. Cũng như nhiều người bị say thuốc, thường không nhận mình say, tôi gở tay chị, miệng nói: Không sao! Không sao! rồi chúi đầu vào bếp lần nữa, may nhờ chị đỡ kịp. Đó là kỷ niệm duy nhất để tôi còn nhớ đến người tình một thuở của Hàn Mạc Tử.

Hai mẹ con Mai Đình giam chung với tôi chừng tuần lễ, rồi chuyển đi nơi khác. Chỗ giam chỉ còn mình tôi và bắt đầu vào đợt thẩm cung mới sau khi công an thu thập thêm các dữ kiện ở vùng địch hậu. Các cuộc thẩm vấn được thực hiện ban đêm, liên tiếp, bắt đầu từ chập choạng tối hoặc nửa đêm. Luôn luôn có sự hiện diện của hai thẩm vấn viên truy cung, luân phiên đóng vai ông Thiện, ông Ác và mớm cung. Khi tôi được giải trở về chổ giam thì trời đã sáng, lệnh cấm ngủ ban ngày được áp dụng triệt để. Cảnh vệ giám sát thường trực: cấm mọi vận động có tính cách thể thao, không được ra sân, không được đi lại trong phòng, mọi di chuyển cho nhu cầu cần thiết bị hạn chế ờ mức tối thiểu, luôn luôn phải ngồi trên bộ ván, bước xuống đất phải xin phép, tuyệt đối cấm nằm và cấm ngủ. Ðợt thẩm vấn kéo dài hai tháng thì bế tắc: tôi không còn gì để khai thêm và tài liệu thu thập của công an không đủ yếu tố buộc tội. Người thẩm vấn đã đi vào từng chi tiết nhỏ để trắc nghiệm sự thành thật của lời cung khai: anh khai ở Hà Nội nhà số …phố hàng Giấy, nhà số … phố Huế, vậy bên phải, bên trái, đối diện là cái gì? Công an nội thành đã cung cấp sơ đồ vẽ tay chi tiết các khu phố tôi ở và các địa chỉ ghé lại. Lời khai của tôi và tài liệu của công an không có mâu thuẩn. Bây giờ các thẩm vấn viên kêu gọi lòng yêu nước, sự tự giác, thành khẩn, họ nói: “chúng tôi không hề xem anh là kẻ địch, anh là người yêu nước, còn trẻ, tương lai còn dài, trường hợp của anh chỉ vì tình cảm gia đình nên thiếu cảnh giác; chúng tôi kêu gọi sự tự giác và thành khẩn của anh vì chính tương lai lâu dài của anh… Tôi nói với các thẩm vấn viên: “cơ quan đã bắt giữ tôi 8 tháng và đã tổn phí nhiều nhân lực, phương tiện, thì giờ cho cuộc điều tra thay vì những nổ lực này phải được dành cho mục tiêu kháng chiến. Tôi không cộng tác với địch, tôi đã cung khai tất cả không còn gì dấu diếm, nếu cơ quan còn nghi vấn và buộc tôi vào hoàn cảnh phải tiếp tục cung khai thì chỉ là những sự việc bịa đặt, dối trá khiến cho cuộc điều tra dựa trên những sự kiện không đúng sự thực, có thể dẫn đến những hậu quả tác hại cho công cuộc chung. Vì vậy, tôi xin chấp nhận mọi biện pháp kỷ luật mà cơ quan xét cần để cuộc điều tra có thể kết thúc tại đây và tôi tự coi đây là một hành động hy sinh cho kháng chiến”. Các thẩm vấn viên phản đối đề nghị của tôi và cuộc ép cung tiếp tục…

Cấm ngủ là một kỹ thuật tra tấn tinh vi và thâm độc được Cộng sản Việt Nam tiếp nhận từ cố vấn Trung Cộng, có tác dụng tích cực đối với các tội phạm chính trị  trong việc hủy diệt ý chí đề kháng của nghi can – thời gian cấm ngủ tích lũy làm gia tăng cường độ hủy diệt mà không để lại dấu vết trên cơ thể hay gây tử vong; trái với kỹ thuật tra tấn nhục hình (thể xác) thường được áp dụng đối với các can phạm hình sự mà động cơ thường do bản năng. Sau khi Hồ Chí Minh bí mật công du Bắc kinh và Mạc tư khoa đầu năm 1950, các đoàn cố vấn quân sự, chính trị Trung Cộng nhập Việt. Đoàn cố vấn chính trị do Lã quý Ba lãnh đạo làm việc trực tiếp với trung ương đảng Lao động Việt Nam (đảng Cộng sản) trong việc hoạch định đường lối , chính sách, cùng với các tổ cố vấn chuyên ngành: tài chánh, thuế, ngân hàng, giao thông vận tải, công an, tình báo v.v. Kỹ thuật tra tấn “cấm ngủ” đã được áp dụng từ lâu trong ngành an ninh, tình báo của cộng sản Trung Hoa; có thể họ đã tiếp nhận trực tiếp qua tình báo của Nga hoặc qua Quốc dân đảng Trung hoa (tình báo Mỹ). Dưới đây là câu chuyện của Mao Trạch Đông nói với bác sĩ Lý phục Hy là bác sĩ riêng của Mao, cho thấy hiệu ứng kỹ thuật tra tấn “cấm ngủ” (The private life of Chairman Mao, tác giả Lý phục Hy; Trần ngọc Dung chuyển ngữ): 

Mao có người cần vụ tên Vương Huệ, là đảng viên cộng sản trung kiên được tổ chức (đảng) chọn làm thợ hớt tóc cho Mao từ thập niên 1930. Năm 1942 trong chiến dịch thanh trừng của đảng, Vương Huệ bị bắt giữ và bị buộc nhiều tội chống đảng. Đương sự khai có nhận mât lệnh để giết Mao bằng dao cạo. Mao nói với bác sĩ Lý phục Hy: “Tôi (Mao) nghi ngờ chuyện này vì y cắt tóc cho tôi từ lâu, không hề có dấu hiệu gì. Nếu y có ý giết tôi thì đã làm từ lâu nên tôi đòi y đến gặp tôi. Khi thấy tôi, y quỳ xuống, khóc và khai có kế hoạch ám hại tôi. Tôi mới hỏi: tại sao chưa giết? Y khai: đợi Quốc dân đảng đến rồi mới ra tay. Tôi vỗ về y để y khai sự thật; Tôi bảo y: nếu họ đến thì họ giết tôi chứ cần gì đến anh? Bây giờ y mới khai rằng các nhân viên điều tra bắt y thức suốt ngày đêm, không cho ngủ, chừng nào khai hết sự thật mới cho ngủ. Vậy là y khai tuốt!”  Mao tiếp: “sau đó tôi cho ngưng chiến dịch…” Ngày nay phương pháp tra tấn “cấm ngủ” được hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng, đặc biệt với cơ quan tình báo Mỹ, được xem là phương pháp điều tra hữu hiệu nhất khi phối hợp với các phương pháp cổ điển khác trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Irac, Afghanistan.

Hai tháng gần như không được ngủ, tinh thần kiệt quệ, tôi chỉ muốn có một giấc ngủ đầy đủ rồi ngày mai đem ra xử bắn cũng được. Thực sự tôi không còn gì để khai nữa, khai thêm chỉ là bịa đặt, dối trá. Cuộc ép cung không có hiệu quả. Đòn khủng bố mà tôi luôn luôn lo sợ kể từ khi bị bắt giữ, nay các thẩm vấn viên nói thẳng, không úp mở: “nếu anh không cung khai đúng yêu cầu thì chúng tôi sẽ cho lệnh bắt giữ cha anh.” Qua các cuộc thẩm vấn, họ đã nhận rõ nhược điểm sinh tử này của tôi và nay xử dụng như đòn cân não cuối cùng để dứt điểm.

Sau cách mạng tháng 8, cha tôi bị liệt vào thành phần thân Pháp, nhà cửa bị khám xét và sau ngày toàn quốc kháng chiến thì bị Công an Liên Khu 4 bắt giữ dưới tội danh “tình nghi gián điệp Pháp”. Mẹ tôi và tôi trở về thành phố Vinh đang tiêu thổ để tìm tông tích cha tôi. Một buổi chiều mùa đông đầu năm 1947, trời vừa xẩm tối có một người đến bảo mẹ tôi vào bệnh viện gấp. Tôi chạy theo mẹ, trời đang mưa lạnh buốt. Trong phòng mổ của bệnh viện, dưới ánh sáng của ngọn đèn bão hiu hắt, một nhóm người quây quanh chiếc băng ca đặt trên nền nhà, cha tôi nằm trên đó hôn mê, máu me đầy người và đóng thành vũng. Cha tôi cắt mạch máu cổ tay tự tử, công an đưa vào bệnh viện cứu cấp nhưng máu ra nhiều quá, nhân viên của bệnh viện thấy không hy vọng cứu sống nên để mặc nằm đó. Mẹ tôi chắp tay, vừa khóc vừa lạy, cuối cùng họ đưa cha tôi lên bàn mổ, may vá, dùng những ống tiêm lớn chuyền dịch vào bụng. Ba ngày sau cha tôi hồi tỉnh, bệnh viện lập hồ sơ y chứng. Toàn thân cha tôi đen tím, đầy những thương tích do tra tấn. Việt Minh vừa mới cướp chính quyền, dùng lại các nhân viên mật thám Pháp cũ nên đã áp dụng tối đa các phương pháp tra tấn chính trị phạm trước đây. Một tháng trời tôi và mẹ thường trực bên cha tôi, đút thức ăn lỏng, lo vệ sinh, trở mình vì cha tôi không cử động được và cũng không nói được; khi chỉ có mình tôi, ông thường đưa tròng mắt ra hiệu cho tôi đến bên, nhìn tôi như muốn trăn trối, nước mắt trào ra rồi cả hai cha con cùng khóc. Công an gác ngay cửa phòng bệnh, tôi cố nén khóc không thành tiếng sợ họ nghe được sẽ đem cha tôi đi mất hoặc không cho tôi ở cạnh cha tôi nữa. Tình cốt nhục và viễn ảnh đen tối của gia đình nếu cha tôi có mệnh hệ nào đã làm cho tôi vô cùng sợ hãi khi thấy cha tôi khóc. Sau này, mỗi khi hồi tưởng lại tôi vẫn còn nhớ như in nổi sợ hãi khủng khiếp đó – một thứ cực hình tra tấn quá sức chịu đựng đối với một đứa con nít mới 12 tuổi. Giá như bấy giờ tôi có thể đánh đổi tất cả kể cả mạng sống để làm cho cha tôi đừng khóc thì tôi cũng bằng lòng. Hình ảnh cha tôi hôn mê trên chiếc băng ca đầy máu với thân thể trần truồng đen tím đầy thương tích tra tấn đã theo tôi suốt cuộc đời. Từ đấy tôi đã mất đi sự hồn nhiên và vô tư của tuổi thơ. Trong cuộc sống tôi thường tránh bộc lộ các cảm xúc thật cho người khác thấy, luôn luôn đặt mình trong tình trạng đề phòng, cảnh giác. Tôi căm thù sự bất công dưới mọi hình thức và khinh bỉ sự phản bội. Cha tôi không có án nhưng bị giam giữ đến năm 1949 mới được phóng thích nhờ có người bảo lãnh, bị chỉ định cư trú và an trí. Cũng năm 1949, vừa lên năm thứ 4 trung học, chưa đầy 15 tuổi, tôi tình nguyện vào bộ đội vì ý thức nghĩa vụ đối với đất nước, đồng thời muốn quên đi những ngày đen tối cũ của gia đình và đỡ cho gia đình một miệng ăn. Gia đình tôi có 10 miệng ăn sau khi đã cho những người giúp việc nghỉ; kể từ ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/46 hoàn toàn không có một nguồn thu nhập nào – ngồi ăn không, núi cũng lở: cha tôi ở tù và mẹ tôi không thể đi làm việc vì phải săn sóc một bầy con và bà ngoại tôi đã già. Năm 1950, mẹ tôi mở một tiệm thuốc tây nhỏ (trử dược viên) ở xã Bạch Ngọc, nơi các anh chị em tôi theo học trường Huỳnh Thúc Kháng. Qua năm 1951, nhà nước ban hành chính sách thuế nông nghiệp và công thương nghiệp nhằm triệt hạ tư sản, bần cùng và vô sản hoá toàn dân. Trong cuộc bình thuế tại đình Phúc Hậu, mẹ tôi chỉ biết khóc – phương tiện sinh sống duy nhất của gia đình đã bị tước đoạt. Năm 1952, gia đình tôi phải trở vào vùng Pháp chiếm đóng (về Huế) ngoại trừ cha tôi và tôi.

Tôi biết các thẩm vấn viên không đe dọa suông và nếu cha tôi bị vào tù lần nữa thì chắc chắn ông sẽ chết trong tù sau thời gian ngắn. Tôi không còn một sự lựa chọn nào khác. Cuộc thẩm vấn được kết thúc hai tuần sau đó; phúc đức ông bà là tôi đã không khai bậy làm người khác bị bắt oan – tôi không tự hào nhưng điều đó làm tôi không phải ân hận. Tôi ký vào bản cung không cần đọc lại, đút tay vào xiềng và được dẫn giải lên nhà tù. Sau tám tháng thẩm cung, tinh thần căng thẳng đầy lo âu, nay tôi cảm thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản. Tôi không còn gì phải suy nghĩ, không còn gì vướng bận; cuộc đời bắt đầu một giai đoạn mới – buông xuôi mặc cho giòng đời đưa đẩy, như chiếc lá rụng trên dòng lũ không cần biết sẽ trôi giạt về đâu, không mong cả ngày về. Trong tù, tôi và một số chính trị phạm làm khổ sai trong hầm đá sâu, khai thác quặng phốt phát, suốt ngày ở trần đóng khố, quần quật đánh búa trong ánh sáng chập choạng của đèn dầu – một thế giới gần như cách biệt, không nghe tiếng vọng của cuộc đời bên ngoài.

Cuối 1953, tôi và các đồng phạm được đưa ra trước Tòa án Quân sự Liên khu 4, họp ở Diễn Châu, Nghệ an. Công tố viên Hồ Đắc Bằng (ông này có bằng Cử nhân Luật) yêu cầu tòa đình xử vì lời cung khai trước tòa của các bị can và hồ sơ công an có mâu thuẩn, cần được điều tra bổ túc. Bấy giờ, cuộc cải cách ruộng đất đang phát động, một số “địa chủ cường hào ác bá” bị đưa vào nhà tù và ra trước tòa án quân sự dịp này. Nhưng, trong khi chờ xét xử thì dân quân được gửi đến “dẫn độ” họ về địa phương để ra trước tòa án nhân dân cải cách ruộng đất. Họ không bao giờ trở lại nhà tù: các bản án tử hình của tòa án cải cách ruộng đất có tính cách chung thẩm, thi hành ngay tại chỗ. Trong số này có ông Hàn Dzu, người giàu nhất tỉnh Nghệ An, nguyên thầu khoán ở Lào, đã đóng góp nhiều công của cho kháng chiến.  Tháng 9 năm 1954, chúng tôi lại được áp giải ra trước Tòa án Quân sự, lần này họp ở thị trấn Đô Lương. Phiên tòa được sửa soạn kỷ lưỡng. Trước đó, loa phóng thanh đã kêu gọi dân chúng, học sinh, giáo sư trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng tham dự đông đảo. Các bản án đã được dự liệu rất nặng có tính cách điển hình nhằm khủng bố và ngăn chận phong trào dân chúng đòi đi Nam theo điều 14 Hiệp định Genève vừa được ký kết. Nhưng một trận lụt rất lớn chưa từng có trong vòng vài chục năm trở lại khiến các viên chức tòa án không đến kịp và sau khi nước rút thì có lẽ vì e ngại dư luận quốc tế nên phiên tòa bị hủy bỏ. Cuối tháng 10 năm 1954, chúng tôi được đưa đi học tập và phóng thích tại chỗ với lý do: thi hành lệnh “đại xá” của Hồ Chủ tịch nhân lễ Độc lập 2 tháng 9/1954.

Do hiệp định Genève 20/7/1954, Hà nội đưọc Việt Minh tiếp quản từ người Pháp ngày 9/10/1954 và Hải phòng được xử dụng làm vùng tập kết 300 ngày kể từ ngày ngừng bắn. Cuối tháng 11/54 tôi ra Hà nội, trúng tuyển vào trường Kỹ thuật và trường Đại học Văn khoa.

(Đại học Hà nội vào niên khóa 1954-1955 những người có Tú Tài toàn phần hoặc tốt nghiệp hệ 9 năm đều được ghi danh thẳng vào các phân khoa, ngoại trừ văn khoa phải qua một kỳ thi tuyển. Đề tài sát hạch năm đó như thế này: “Trong lịch sử Việt Nam, anh hay chị yêu thích vị anh hùng nào? Lý do?” Đây là một trắc nghiệm chính trị. Tất cả các thí sinh không chọn Hồ chí Minh đều bị đánh rớt. Đa số thí sinh đều nghĩ vị anh hùng đề cập trong đề thi phải là những vị đã được lịch sử đánh giá, có nghĩa là những vị này đã chết (cái quan định luận); do đấy nhiều nữ sinh viên đã chọn hai Bà Trưng và nam sinh viên  chọn Quang Trung Nguyễn Huệ. Số bị rớt rất đông trong đó có nhiều đảng viên cộng sản nên đảng ủy nhà trường phải họp cứu xét để vớt. Khoa trưởng văn khoa bấy giờ là Đặng thái Mai.)

Tình cờ tôi gặp lại chị Mai Khanh ở trường kỹ thuật bấy giờ do chồng là kỹ sư Võ Quý Huân làm hiệu trưởng; gia đình chị ở ngay trong trường. Gặp tôi, chị rất vui như ngày xưa tôi đến nhà chơi với em chị ở Vinh. Chị vẫn còn giữ được vẻ đẹp trẻ trung, tươi mát của thời con gái. Rất lâu về sau tôi gặp anh Nguyễn Sỹ Th. ở Mỹ (người tù vượt ngục cùng linh mục Nguyễn Hữu Lễ và dân biểu Đặng văn Tiếp), hỏi thăm về những người quen biết cũ ở Liên khu 4, anh cho biết M.K. sau khi chồng chết (Võ quý Huân) đã trở thành “nàng Kiều quốc tế”, khách làng chơi thuộc giới ngoại giao đoàn. Anh Th. nguyên là giáo sư dạy Toán em gái tôi và em gái chị M.K. Đúng là “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. Tôi tự hỏi đây là công tác điệp vụ của cộng sản giao chị hay chỉ vì túng quẩn? Người con gái “cành vàng lá ngọc” này nếu sinh trưởng trong miền Nam thì chắc hẳn đã có một cuộc sống êm ấm, giàu sang phú quý, đâu đến nổi phải “đem thân cho thiên hạ mua cười”. Các trí thức ở Pháp theo Hồ chí Minh về nước năm 1946 ngoại trừ Phạm quang Lễ (tức Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, tên do Hồ chí Minh đặt) còn tất cả đều có cuộc sống tầm thường nếu không muốn nói là bị trù dập. Ngay Thiếu tướng Trần đại Nghĩa, Cục trưởng cục Quân giới, có công chế tạo súng SKZ và cải tiến SAM2 đạt độ cao bắn rơi B52, là một trong số ít người được phong cấp tướng cùng Võ nguyên Giáp năm 1948 nhưng đến cuối đời vẫn cấp Thiếu tướng (các tướng lãnh đầu tiên, đại tướng: Võ nguyên Giáp, trung tướng: Nguyễn Bình, thiếu tướng: Nguyễn Sơn, Lê thiết Hùng, Hoàng văn Thái, Hoàng Sâm, Chu văn Tấn, Trần tử Bình, Văn tiến Dũng, Trần đại Nghĩa). Trong số các trí thức theo Hồ chí Minh về nước, ngoài Trần đại Nghĩa, Võ quý Huân (kỹ sư luyện kim), Trần hữu Tước (bác sĩ tai mũi họng), Vũ đình Huỳnh (kỹ sư mỏ và luyện kim) còn có một kỹ sư người Nam, có khả năng như Trần đại Nghĩa, nhưng khi đến cảng Hải Phòng thì ông ta chào các bạn “vĩnh biệt bọn bay!” rồi bỏ đi không tăm tích. Có lẽ một tháng lênh đênh trên con tàu Dumont d’Urville ông ta đã thấy rõ chân tướng của Hồ chí Minh.

Trong thời gian ở Hà nội, một hôm Phùng Quán và Hoàng đình Luyện rủ tôi đi thăm chị Trúc Quỳnh ở đoàn văn công trung ương. Chị Trúc Quỳnh là một kịch sĩ tài tử nổi tiếng ở Hà nội trước 1945 trong vai Phồn Y của vở kịch Lôi Vũ (tác giả Tào Ngu); chị và chồng là anh Hoàng nguyên Dực đều là cán bộ trong đơn vị bộ đội cũ của chúng tôi.  Đến nơi trời đã xẩm tối, qua khung cửa lớn và dưới ánh đèn điện sáng trong phòng, tôi thấy Trúc Quỳnh đang đứng chuyện trò với Trương thị T.N., một số nữ văn công lố nhố xung quanh cười đùa lớn tiếng. Họ sống tập thể và đang say men chiến thắng Điện Biên Phủ. Hàng đêm đoàn văn công trình diễn ở sân khấu lộ thiên gần bệnh viện Đặng vũ Lạc cũ, dân chúng Hà nội, vùng phụ cận và cả vùng tập kết nô nức đi xem như trẩy hội. Tôi nói với Quán và Luyện: “thôi các cậu vào đi, moa chờ ngoài này”. Là người tù với tội danh gián điệp Pháp, tôi hiểu thân phận của mình, không nên và không có quyền xía phần vào niềm vui chiến thắng của họ – sự hiện diện của tôi sẽ làm nhiều người bất bình, khó chịu. Lúc ở tù chúng tôi có an toàn vì số phận đã được an bài, ra khỏi tù tiếng là tự do nhưng vẫn là một nghi can  bị theo dõi chặt chẻ, có thể trở lại nhà tù bất cứ lúc nào, nhất là trong giai đoạn Hà nội vừa tiếp thu và Hải phòng còn trong thời hạn 300 ngày tập kết; giới chức hữu trách đại học đã gọi tôi lên cảnh cáo: “trong thành phần sinh viên ở lại Hà nội và thành phần sinh viên tập kết có rất nhiều gián điệp Mỹ-Diệm, anh là đối tượng đầu tiên để bọn chúng móc nối…”. Tôi sống khép kín, hạn chế giao thiệp, tránh mọi đám đông và nếu không tránh được thì cố chìm xuống như không hề có mặt; tôi đã nhủn như con chi chi thế mà vẫn xảy “sự cố”. Một giáo sư có lẽ cảm thấy mất mặt trước đám đông vì tôi không chào, đã sừng sộ: “tại sao anh không chào tôi?” và “anh có biết anh là thành phần bất hảo không?” Vừa ở tù ra còn chất chứa trong lòng nhiều nổi cay đắng, nay bị đàn áp một cách bất công kiểu lấy thịt đè người – tôi phản ứng: “ông không phải là giáo sư dạy tôi, tôi biết ông nhưng tôi nghĩ có thể ông không biết tôi, lại nữa tôi là người tù vừa đuợc phóng thích, không hiểu ông có vui lòng để tôi chào ông không, nhưng ông phải hiểu “chào” hay “không chào” là quyền của tôi; tôi được phóng thích do lệnh đại xá của Hồ chủ tịch, lúc phóng thích đã được giới hữu trách giải thích “đại xá có nghĩa là xoá bỏ hết các tội trạng đã có và không ai có quyền nhắc đến”, huống hồ tôi chỉ là một nghi can không có án tiết – ông có biết ông đã vi phạm vào chính sách của Hồ chủ tịch không?” Trong suốt đời tôi, có hai điều tôi căm thù, đó là bất công và phản bội. Ông này thuộc đảng ủy nhà trường, về sau có thời gian làm viện trưởng viện ngôn ngữ học. Từ ngày ra tù, tôi chỉ còn vài người bạn cũ thời bộ đội tỏ ra thông cảm, xem sự việc ở tù của  tôi chỉ là một tai nạn, còn đa số lớp bạn dân sự thì giữ thái độ lãnh đạm, xa lánh. Quán, Luyện và tôi đều cùng một đơn vị bộ đội trước đây, cùng gốc Bình Trị Thiên. Sau Cách mạng tháng 8, Quán và Luyện gia nhập Vệ quốc đoàn, thuộc lớp lính thiếu niên được xử dụng làm các công tác liên lạc, trinh sát, quân báo, Quán thuộc trung đoàn 101 (Thừa Thiên) và Luyện thuộc trung đoàn 18 (Quảng Bình). Giữa năm 1947, mặt trận Bình Trị Thiên vỡ, các đơn vị chủ lực bị thất tán, tướng Nguyễn Sơn, Tư lệnh Liên khu 4, tập hợp lớp lính trẻ này về khu bộ ở Thanh hoá để bồi dưỡng dài hạn về văn hoá, quân sự, chính trị nhằm cung cấp cho quân đội một lớp cán bộ khung. Chương trình văn hoá là chương trình Tú tài toàn phần. Các học viên được sắp xếp ăn ở, sinh hoạt theo trình độ văn hoá. Quân số năm 1949 khoảng hơn một tiểu đoàn, gồm 18 trung đội. Tôi học trên Quán 3 năm và trên Luyện 1 năm. Tôi không thân với Quán nhưng Quán thân với Luyện và Luyện thân với tôi. Quán lớn tuổi, lúc nhỏ bị thất học, mất căn bản nên không theo kịp chương trình văn hoá, đã cùng một số anh em đồng tình trạng xin trở về đơn vị chiến đấu. Tướng Nguyễn Sơn nói: “các cậu tưởng đánh giặc dễ lắm sao? phải có trình độ tú tài!”. Cùng trung đội với Quán bây giờ có Trần tấn Hậu (nhạc sĩ Y Vân sau này với bài Lòng Mẹ). Luyện với tôi thân nhau vì sinh hoạt chung trong tổ kịch dưới sự hướng dẫn của chị Trúc Quỳnh. Năm 1950 lúc Quán chưa có tác phẩm thì Luyện đã được giải thưởng đầu về bộ môn kịch trong một đại hội văn nghệ Liên khu 4, vở “con dao năm” nói về tình quân dân cá nước. Cùng trung đội với Luyện có Nguyễn ngọc Minh (nhạc sĩ Thanh Bình sau này với Lá thư về làng), Hồ thanh Minh (thiếu tướng tư lệnh phó không quân), Vũ Tuấn (khoa trưởng Đại học Sư phạm Hà nội), Võ Hàm (sau này đổi tên Vũ ngọc Hải, Bộ trưởng Năng Lượng, người thực hiện đường điện cao thế Bắc Nam 500 kv), Trần Khải (Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch nhà nước)… Các cán bộ văn hoá được tướng Nguyễn Sơn tuyển chọn trong số trí thức các nơi di tản về Liên khu 4, không phân biệt thành phần, khuynh hướng chính trị miễn cùng mục tiêu kháng chiến chống Pháp: nhóm đệ tứ có Trương Tửu (phụ trách Việt văn), Nguyễn đức Quỳnh (Sử địa); quốc dân đảng: Trần quốc Nghệ (nguyên giáo sư Quốc học Vinh), Trần văn Thứ (Cử nhân Vật lý); quan lại cũ: Nguyễn tiến Lãng (bí thư Toàn quyền Robin, Ngự tiền văn phòng của vua Bảo Đại); các khoa bảng tân học: Bạch văn Ngà (Cử nhân Lý hoá), Đinh văn Vinh (tức Minh Chi, Cử nhân Luật), Nguyễn thị Kim (điêu khắc gia, chồng là Họa sĩ Phạm văn Đôn), Phạm Sửu (giáo sư âm nhạc) v.v. Là một người cộng sản nhưng tướng Nguyễn Sơn chủ trương một nền giáo dục khai phóng, chống chủ nghĩa giáo điều; là uỷ viên ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Trung hoa nhưng ông không đồng ý nhận viện trợ Trung cộng. Năm 1950, ông bị Hồ chí Minh trả về cho Mao trạch Đông, bị quy trách là thành phần hữu khuynh, anh hùng cá nhân. Sau này, nhiều người nhận định, nếu có quyền lực Nguyễn Sơn sẽ là một Tito của Việt Nam. Ông chết năm 1956 vì ung thư phổi, thọ 48 tuổi.

Tháng 6 năm 1951, đon vị chúng tôi bị giải thể với lý do chính thức để tiết giảm ngân quỷ nhưng lý do thực sự vì đa số thành phần đơn vị thuộc tầng lớp tiểu tư sản; toàn thể đơn vị bị phân tán: tôi và một số anh em được chuyển sang trường sĩ quan Quân Chính để đáp ứng nhu cầu khẩn trương của chiến trường bây giờ, một số được gửi về các ngành chuyên môn của quân đội, và một số đi thụ huấn ở Trung cộng, Liên sô. Trường sĩ quan quân chính chỉ tuyển chọn học viên từ các đơn vị quân đội, đa số là đảng viên thuộc thành phần cơ bản của chế độ, nhiều người chỉ mới biết đọc, biết viết sau khi vào quân đội; tôi gặp lại Phùng Quán ở đây do phân khu Bình Trị Thiên gửi ra thụ huấn. Cũng cùng một lý do, trường sĩ quan lục quân Trần quốc Tuấn Liên khu 4 bị đóng cửa sau khi khoá 6 tốt nghiệp vì điều kiện tuyển sinh trước đó hoàn toàn dựa vào thành phần trí thức, sinh viên, học sinh tiểu tư sản, nhiều sĩ quan tốt nghiệp lang thang không được chỉ định đơn vị đáo nhậm, nhiều người dinh tê; từ nay trí thức, sinh viên học sinh vào bộ đội phải đi từ cấp bậc thấp nhất (lính trơn). Tôi nhớ trong kỳ thi Tú tài toàn phần niên khoá 1949-1950 (năm học cuối của chương trình Hoàng xuân Hãn trước khi chuyển sang hệ 9 năm) ở Liên khu 4, giáo sư Trần bá Thuyên hỏi một thí sinh vào vấn đáp môn Sử địa: anh có biết giai cấp nào lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng 8? Thí sinh: thưa giáo sư, giai cấp tiểu tư sản. Giáo sư Th.: anh trả lời đúng, bần cố nông dốt nát làm sao lãnh đạo! Thí sinh được điểm tối đa. Giáo sư Th. đã phải trả giá bằng cái chết của chính mình trong trại tù cộng sản năm 1954. Cũng chính giai cấp tiểu tư sản là thành phần nòng cốt có tính cách quyết định trong cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến khi giải tỏa vòng vây bằng chiến dịch Cao Bắc Lạng, thông thương biên giới Việt Trung để nhận trực tiếp viện trợ Trung cộng; kể từ đó, họ bị đám tiểu tư sản lãnh đạo “cai thầu” Hồ chí Minh, Trường Chinh, Võ nguyên Giáp, Phạm văn Đồng…(xuất thân từ gia đình quan lại, địa chủ, tư sản) “đóng cửa rút cầu” thanh lọc qua các chiến dịch cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức…để thực hiện “vô sản chuyên chính” – một tiến trình cổ điển trong mọi cuộc cách mạng vô sản, điển hình là cuộc cách mạng tháng 10/1917 của Nga.

Sau hiệp định Genève 1954, Phùng Quán vẫn còn ở bộ đội, vừa được giải thưởng văn nghệ cuốn tiểu thuyết Vượt Côn đảo; Hoàng đình Luyện theo học năm thứ 2 đại học văn khoa, cùng lớp với Trần quốc Vượng, Phan huy Lê, Phạm hoàng Gia, Phan kế Hoành (con Khâm sai Phan kế Toại)…là lớp cử nhân văn khoa đầu tiên của cộng sản (1956). Cuối 1956, Phùng Quán dính vào Nhân văn Giai phẩm và Hoàng đình Luyện dính vào Đất Mới của Bùi Quang Đoài. Phùng Quán bị khai trừ ra khỏi Hội nhà văn, ra khỏi quân đội, long đong hơn 30 năm; Hoàng đình Luyện bị ra khỏi biên chế (đang là Hiệu trường trường cấp 3 ở Thái Nguyên), trở về làng cũ ở Lệ thủy, Quảng bình, làm một nông dân mãn đời. Trường hợp Phùng Quán là một trường hợp đặc biệt: lúc nhỏ bần hàn, cha mất sớm, phải chăn trâu, cắt cỏ, thất học, nhờ cách mạng tháng 8 giải phóng, vào Vệ quốc đoàn rồi trưởng thành từ đó; khác hẵn với các nhà văn khác của Nhân văn Giai phẩm thuộc thành phần trí thức, tư sản thành thị. Trên chiếu văn học và tuổi tác, Phùng Quán không được Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm…xem ngang hàng nhưng về nhân cách, tấm lòng son sắt, chung thủy thì Phùng Quán vượt trội lớp đàn anh.

Tôi biết Trương t.T.N ( Trương thị Tân Nhân*) lúc chị vừa tốt nghiệp cấp 3 trường Huỳnh Thúc Kháng (tương đương Tú tài), bấy giờ là người tình của nhạc sĩ H.T.T. (Hoàng Thi Thơ*) (tên thật là Hoàng Hữu Ngạnh), T.N. gọi H.T.T. bằng cậu, H.T.T. là em mẹ T.N., luật cấm vì trong vòng thân thích trực hệ. Thói đời khi anh giúp đở một người nào hay lỡ biết quá nhiều về người đó thì có thể là điều bất lợi hoặc nguy hiểm cho anh. Khi mà họ đạt được chút thành công, phú quý, vì không ai muốn hào quang của mình hôm nay bị che mờ bởi những bóng mây trong quá khứ –  tốt hơn anh nên tránh mặt, không gặp. Cuối năm 1951 trên đường đi phép từ đơn vị về thăm nhà ở xã Bạch Ngọc, tôi và T.N. cùng đi trên tuyến ca nô chạy đêm từ Đức thọ về Đô lương. Đến bến chợ Sỏi vào lúc quá nửa đêm, chúng tôi lên bộ và còn hơn 10 cây số đường đất về xã Bạch ngọc. Đáng lẽ chị xin ngủ lại nhà đồng bào gần bến ca nô để chờ trời sáng nhưng vì có tôi đi chung đường về nên chị cùng đi. Đường vắng không người, chúng tôi mò mẩm đi trong đêm tối. Đến bến đò Hai Quai trời vẫn còn tối chưa có đò sang sông, tôi tháo mền trấn thủ ở ba lô, trải trên vệ cỏ cho chị ngồi nghỉ. Trên suốt chuyến ca nô chị bị lên cơn sốt rét nay vừa dứt. Tôi ngồi cạnh, nhìn các vì sao nhấp nháy trên trời, nghe chị hát và nói chuyện. Cảnh vật tĩnh lặng, thỉnh thoảng có tiếng cá quảy dưới nước, tiếng chim ăn đêm…Chị hát những bài hát Pháp, Việt thời tiền cách mạng: Đêm đông, Con thuyền không bến, Sérénades, Tant qu’il y aura des étoiles…, giọng trầm buồn, xa vắng như vang vọng của một thời thanh bình với những vùng trời kỷ niệm cũ. Chị là một văn công nghiệp dư, chưa qua một trường lớp chính quy, múa hát là năng khiếu bẩm sinh từ khi còn là nữ sinh trường Đồng khánh trình diễn trong các lễ lạc. Năm rồi chị theo đoàn văn nghệ do nhà soạn kịch Bửu Tiến (tác giả vở kịch Trên Nớ) và nhạc sĩ Cao xuân Hạo (về sau là nhà ngữ học hàng đầu của Việt Nam) chỉ huy, hoạt động ở chiến trường Bình Trị Thiên. Chị may mắn thoát chết trong trận càn Phong Lai, bị thất lạc vào núi xanh nhiều ngày nên có tin bị giặc Pháp bắt, hãm hiếp và giết chết. Trường Huỳnh Thúc Kháng làm lễ truy điệu và HoàngThi Thơ. người cậu của chị đã sáng tác bài hát “Xuân chết trong lòng tôi” để khóc chị. Bài hát khá phổ biến trong giới học sinh H.T.K., lời và nhạc tha thiết:

            Ôi chim xa đàn, bướm lìa hoa!
                Trùng phùng xa lắm!
                Ngày mai khi nhớ xuân,
                Ôi mấy cung tơ phím chùng!
            …Chiều buồn nhạt nắng đưa hồn về nơi đâu!  

Nhưng chị không chết. Chị trở về trường H.T.K. theo học năm cuối. Bài nhạc trên đã khởi đầu mối tình “cậu cháu” từ đấy. Bây giờ chị và H.T.T. đều đã ra trường nhưng vì không có việc làm nên vẫn phải sống quanh quẩn ở trường H.T.K. để được hưởng trợ cấp quy chế học sinh Bình Trị Thiên. Cuộc sống hiện tại của chị hoàn toàn bị bế tắc cũng như mối tình của chị với H.T.T. Chị cho biết H.T.T. đang về thăm nhà ở Quảng Trị để xin tiếp tế và sẽ trở ra, tuy nhiên chị đã quyết định sẽ trở về Huế sống với gia đình, chị sẽ đi học trở lại,  chưa đầy 20 tuổi chị có đủ thì giờ làm lại từ đầu. Cha chị là một doanh nhân có tài sản, chỉ mong chị trở thành luật sư, bác sĩ và chính chị cũng không có ý định chọn “xướng ca” làm nghề nghiệp sau này (Báo chí trong nước nói T.N. xuất thân từ một gia đình quan lại, con của “docteur Hy” là không đúng. “Docteur Hy” Quảng Trị là Phan văn Hy hiệu Kỉnh Chi, y sĩ Đông Dương, có vợ là “Mệ Mười Bốn” con gái vua Thành Thái, ông có vài người con theo kháng chiến chống Pháp và là cha của tiến sĩ Phan văn Thính, cố vấn Tòa Đại sứ VNCH tại Mỹ trước 1975. Cha của T.N. là Trương công Hy có hảng xe đò chạy Huế và vùng phụ cận, mẹ họ Hoàng, chị của H.T.T.) Tôi hiểu chị cũng như thông cảm với những người trí thức tiểu tư sản đã và đang bỏ kháng chiến về thành (vùng Pháp chiếm). Sau khi biên giới Việt Trung giải tỏa (chiến dịch Cao Bắc Lạng 1950) và đảng cộng sản ra công khai dưới tên đảng Lao động, cuộc kháng chiến chống Pháp giải phóng dân tộc dành độc lập lúc ban đầu đã bị đưa vào quỹ đạo cộng sản quốc tế dưới sự chỉ đạo và kiểm soát của Trung cộng, ách nô lệ thực dân sẽ được thay thế bằng ách nô lệ cộng sản. Thái Thị Tố Lan, người bạn văn công cùng đoàn với chị đã theo gia đình vào Hà nội (và sau này định cư ở Pháp). Đơn vị tôi đã có sự hiện diện của cố vấn Trung cộng, chế độ chính ủy được thay thế bằng đảng ủy quyết định tối hậu. Tôi đang thụ huấn sỹ quan nhưng không thuộc thành phần cơ bản của chế độ, không phải đảng viên; cái lý lịch có cha phản động (kẻ thù của nhân dân) như cái thòng lọng tròng vào cổ không biết sẽ xiết lại lúc nào và tôi đang tìm cơ hội giải ngũ trở về đời sống dân sự. Hoàn cảnh của tôi không thể giải bày với bất cứ ai nên tôi chỉ im lặng nghe chị nói và hoàn toàn không góp ý. Tuy nhiên chị đã để lại trong tôi ấn tượng không bao giờ quên: là một người con gái khiêm tốn với một tâm hồn trong sáng, cởi mở, thẳng thắn và can đảm và tôi chỉ biết cầu mong cho chị được toại nguyện.

Không ai có thể tự hào làm chủ được vận mạng của mình. Cuộc đời có những may mắn và rủi ro nhiều khi chỉ như sợi tóc nhưng đã làm thay đổi hoàn toàn số phận. Thời gian nghỉ phép ở xã Bạch Ngọc tôi thấy chị hàng ngày chích thuốc Quinine với một liều lượng rất mạnh, loại thuốc ngoại hóa từ vùng tề gửi ra. Tôi bị sốt rét kinh niên nhưng cũng chưa bao giờ dùng liều lượng như vậy, về sau tôi mới biết chị bấy giờ đang mang thai với H.T.T. Trong chuyến về thăm nhà ở Quảng Trị để xin tiếp tế, H.T.T. đã ở lại vùng bị chiếm, vào Huế rồi Sài gòn lập nghiệp, và lập gia đình với ca sĩ Thúy Nga. Cuối hè 1952 tôi trở lại xã Bạch Ngọc, chị đã di chuyển sang Hà Tĩnh, được gia đình một người bạn trai cùng trường H.T.K. cưu mang, sinh một bé trai và sau đó đã lập gia đình với người bạn trai này (Lê Khánh Căn). Trong cuộc chiến Việt Nam giai đoạn 2 (sau 1954), qua bản tin kiểm thính của cơ quan tình báo VNCH tôi biết tiếng ca giọng hò Quảng Trị của chị nhiều lần phóng thanh qua bờ nam Hiền lương (Bến Hải) trong các chương trình địch vận. Chị là một nghệ sĩ thành công dưới chế độ cộng sản: được đào tạo thanh nhạc ở Moscou, Sofia, được nhà nước phong danh hiệu “nghệ sĩ ưu tú”, được tưởng thưởng huy chương chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, thông gia với nhà thơ Tố Hữu (Phó Thủ tướng, ủy viên bộ chính trị)…Nhưng tôi vẫn thầm tự hỏi một người có tâm hồn phóng khoáng, thành thực và “dám sống” vượt ngoài khuôn phép thường tình của xã hội như chị, liệu có thể tìm được hạnh phúc đích thực dưới chế độ cộng sản hay không (?), mặc dầu đó là điều tôi vẫn cầu mong cho chị. Con trai duy nhất của chị với người chồng chính thức đã xa chị để định cư ở quốc gia tư bản Tây Đức cùng vợ là con gái của Tố Hữu, nhà thơ nổi tiếng về những bài thơ ca tụng Staline; cũng như con gái của Staline là Svetlana Staline đã xin tá túc tại Mỹ vào thập niên 60. Tôi có đọc một bài ký của chị đăng trong đặc san Quốc học Vinh-Huỳnh thúc Kháng về cuộc tình không thành với H.T.T., mở đầu bằng lời thơ của Lamartine: Hãy về đây: “những ký ức buồn, tôi muốn nhớ mà không muốn khóc!” cùng thân phận của người con gái “Thân em như giọt mưa sa…” Đọc hồi ức của chị, tôi nhớ đến đêm khuya ở bến đò Hai Quai năm xưa, chờ trời sáng sang sông được nghe chị hát và tâm sự; phải chăng chị đã dùng cuộc tình cấm kỵ (taboo) dang dỡ để nói lên những nỗi bất hạnh của người nghệ sĩ dưới chế độ cộng sản với những mộng ước không thành? Gần đây tôi được tin chị mất và được đọc nhiều bài báo trong nước về các thành công của chị trong lãnh vực nghề nghiệp cùng những câu chuyện rỉêng trong đời sống tư…Đó cũng là lý do tôi viết những giòng trên để tưởng niệm và cầu nguyện hương hồn chị được thanh thản nơi vĩnh hằng. Phùng Quán, Hoàng đình Luyện, vợ chồng chị Trúc Quỳnh, Hoàng Thi Thơ… nay cũng đã thành người thiên cổ.

Tháng 4/1955 tôi vượt tuyến vào Nam.

Năm 1956, tình cờ tôi gặp lại anh K. ở Huế. Anh mời tôi ghé nhà. Anh và bà mẹ già sống trong một ngôi nhà tranh ở thành nội, không vợ con. Bấy giờ tôi mới biết tên họ thật của anh. Anh tên là Lê Mạnh Kỳ, bạn thân của Vĩnh Khuê  em ruột vợ Hoàng Đạo, đã ở trong nhà Hoàng Ðạo vào thời gian xảy ra vụ Amyot d’ Inville, do đấy anh quen biết Nguyễn Thị Lợi và tường tận nội vụ. Anh được công an Liên khu 4 thả ra sau khi ký giấy cam kết cắt đứt mọi quan hệ với vợ ông Trang, người đàn bà đẹp của thành phố Vinh. Trong đợt giảm chính, anh bị ra khỏi biên chế như một biện pháp kỷ luật. Mối tình bẻ bàng chỉ còn lại dư vị cay đắng, lòng nhiệt thành thuở ban đầu theo kháng chiến tan thành mây khói. Anh trở về Huế sau Hiệp định Genève 54 với tâm trạng não nề của một kẻ thất bại, bị lường gạt và phản bội. Vốn liếng học hành dở dang trước cách mạng tháng 8 chỉ đủ để anh được tuyển dụng làm nhân viên phù động tại Nha Thông tin Trung phần. Sau vài năm không gặp tôi thấy anh già hẳn, tóc hoa râm, bộ ria mép đã cạo nhẵn, mệt mỏi, ít nói. Từ đó tôi không còn gặp lại anh mặc dầu hàng ngày tôi vẫn đi vào thành nội dạy ở trường kỹ thuật trong khi chờ đợi giấy tờ xuất ngoại du học. Chúng tôi không còn gì để nói chuyện với nhau.

Thời gian sống ở miền Nam, tôi biết thêm một số chi tiết về vụ Amyot d’ Inville và có gặp một số nhân vật liên hệ.

Năm 1945, Hoàng Đạo là cán bộ cộng sản nằm vùng trong đảng Đại Việt ở Huế nên nắm vững tổ chức, cơ cấu, nhân sự của các phe phái quốc gia. Sau hiệp định sơ bộ 6/3/46 một số cán bộ quan trọng của Đại Việt bị Hoàng Đạo sập bẫy, bị công an Trung bộ bắt và dẫn giải ra Nghệ an; trong đó có Bửu Viêm (em ruột bác sĩ Bửu Hiệp – xứ ủy Đại Việt Trung phần), Tôn Thất Tần (anh ruột vợ Hà Thúc Ký – Chủ tịch Đại Việt Cách mạng sau  này), Trọng què (bạn thân của Hoàng Đạo, có vợ hoàng phái, bị Hoàng Đạo cướp vợ). Sau đó, Hoàng Đạo được chuyển ra hoạt động ở địa bàn Thanh Hóa để tiêu diệt quốc dân đảng tại đây và làm Trưởng ty Công An Thanh Hóa.

Năm 1950, Hoàng Đạo trong vỏ điệp viên hai mang, qua Duprat, trưởng phòng phản gián Pháp đã liên hệ Bác sĩ Đặng Văn Sung, xứ bộ Đại Việt Bắc phần tổ chức phái đoàn Đại Việt tham quan chiến khu (ma) Phục Việt Thanh Hóa. Bác sĩ Sung cũng là người có liên hệ chặt chẽ với cơ quan tình báo Mỹ (CIA) từ năm 1950, đã tổ chức mạng lưới tình báo gài lại miền Bắc sau Hiệp định Genève 54, bị cộng sản xâm nhập ngay từ đầu, được cộng sản nuôi dưỡng trong hai năm và sau đó hốt trọn ổ.

Duprat đã có mặt tại Việt Nam từ  1945 trong bộ Tổng Tư Lệnh của Tướng Leclerc, bấy giờ Thiếu Úy Trần Văn Đôn (về sau là Trung Tướng) phục vụ dưới quyền của Duprat ở cơ quan nghiên cứu lịch sử (Service des études historiques) bí danh của cơ quan phản gián Pháp.

Tuần dương hạm Annamite của Pháp đã đưa ba yếu nhân của Đại Việt vào cửa biển Sầm Sơn, dùng ca-nô đổ bộ lên bờ, được Hoàng Đạo đón tiếp và đưa thẳng vào trại tù Lý Bá Sơ, đó là Nguyễn Văn Hướng, Đinh Xuân Cầu và Lê Quang Thiện (tức Minh). Ông Nguyễn Văn Hướng, nguyên xứ bộ trưởng xứ bộ Đại Việt Nam phần (còn có tên mười Lễ, mười Hướng) được cộng sản trao trả qua cầu Hiền Lương sau Hiệp định Genève 54, giữ chức vụ Tổng Thư Ký Phủ Tổng Thống (1968 – 69) dưới thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu; sau 30 tháng 4 năm 1975 chết trong tù cộng sản.

Cuối năm 1970, cơ quan an ninh VNCH bắt được một cán bộ tình báo Bắc Việt xâm nhập tên Nguyễn Tài, giữ chức vụ Ủy viên ban an ninh Trung Ương cục miền Nam, đặc trách khu vực Sàigon-Chợ lớn, được cơ quan CIA và tình báo VNCH nhận diện do nội phản và bởi các tấm hình chụp lúc đương sự tháp tùng Hồ chí Minh công du Nam Dương. Đương sự là giới chức tình báo cao cấp nhất của Bắc Việt bị bắt trong cuộc chiến Việt Nam. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp (1945-1954) đương sự thuộc Thành ủy Hà nội phụ trách công an, có liên hệ trong tổ chức đánh đắm thông báo hạm Amyot d’Inville. Gần đây tạp chí Studies in Intelligence của Mỹ, khi đề cập đến các phương pháp tra tấn áp dụng trong các cuộc chiến chống khủng bố ở Irac, Afghanistan có nhắc đến Nguyễn Tài và vụ Amyot d’Inville, có nhận định: Nguyễn thị Lợi, người đàn bà mang chất nổ đánh đắm chiến hạm Amyot d’Inville là người đàn bà đầu tiên trong lịch sử ôm bom tự sát để thực hiện các công tác phá hoại, khủng bố (Studies in Intelligence, Vol 8, No.1). Thực ra như đã nói trên, Nguyễn thị Lợi chỉ là “người bị Việt Minh gài chất nổ” chứ không phải là người tự nguyện mang chất nổ. Những tiết lộ của Lê Mạnh Kỳ hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc căn bản về kỹ thuật và tổ chức nghiệp vụ tình báo.

(Tháng 4/1975, cơ quan CIA khuyến cáo cơ quan tình báo Việt Nam thủ tiêu Nguyễn Tài và theo Frank Snepp, phân tích gia CIA và thẩm vấn viên trong vụ Nguyễn Tài, thì Nguyễn Tài đã bị tình báo VNCH vất từ trực thăng xuống biển. Sự thực là sau khi các giới chức cao cấp tình báo VN được Mỹ di tản, các nhân viên thừa hành bị kẹt lại đã không dám thi hành lệnh vì Cộng sản đã tiến quân sát Sàigòn. Trưa 30/4/75, một nhân viên tình báo Việt Nam ở số 3 Bạch Đằng tức Phủ Đặc Ủy Trung ương Tình báo VNCH đã giải thoát cho đương sự. Năm 1976, Nguyễn Tài giữ chức vụ Thứ trưởng Công An…)

Cũng cần nói rõ: thông báo hạm Amyot d’Inville không bị đánh đắm, chỉ bị hư hại, được đưa về cảng Hải phòng sửa chữa và sau đó chi viện cho mặt trận Triều Tiên.

Nguyễn Hoàng Lưu

Tháng 11/2010

GHI CHÚ:

(*) Tên một số nhân vật do tác giả viết tắt (ví dụ H.T.T) được trang chủ ghi chú rõ đủ tên ngay phía sau =(Hoàng Thi Thơ*)

Trường Huỳnh Thúc Kháng, nguyên là trường trung học Khải Định-Huế di tản ra Hà Tĩnh, Nghệ An sau ngày 19 tháng 12-1946 (ngày toàn quốc kháng chiến)

Ưng Uý (1889-1954) Thượng Thư thời vua Bảo Đại, thân phụ bác học Bửu Hội.

Ưng Quả (1905-1951) giáo sư, nhà nghiên cứu văn học, cháu nội Tuý Luý Vương.

Nguyễn Hy, cha ca sĩ Minh Trang, con trai Quận Công Nguyễn Thân (Nguyễn Thân được Pháp phái ra Hà Tĩnh diệt nghĩa quân Phan Đình Phùng, đã đào mả Phan đình Phùng tán với thuốc súng bắn xuống sông La).

Hà Thúc Chính, nguyên Hiệu trưởng trường Huỳnh Thúc Kháng, anh ruột ông Hà Thúc Ký, chủ tịch đảng Đại Việt cách mạng.

-Phạm văn Nhu, giáo sư trường Khải Định-Huế, Chủ tịch Quốc hội đệ Nhất Cộng Hoà.

Phạm Quỵ, nguyên giáo sư trung học Phan Đình Phùng Hà Tĩnh, về sau là luật sư nổi tiếng của văn phòng Jacquemart trước 1975.

Thương Thương, Trần thị Thương Thương, con gái Thượng thư bộ Học Trần thanh Đạt, người tình trong mộng của Hàn Mặc Tử, về sau là vợ giáo sư Phạm Quỵ.

Trần Dụ Châu (1906-1950) đảng viên đảng cọng sản, nguyên thư ký Hoả xa, sau 1945 Đại tá cục trưởng cục Quân nhu, thuộc bộ Quốc phòng (Việt Minh) bị xử bắn năm 1950 vì tội tham nhũng.

Lê Khánh Căn, nguyên học sinh trường Huỳnh Thúc Kháng, về sau là thư ký riêng của Tố Hữu.

Thái thị Tố Lan, con gái giáo sư Thái Nguyên Đào, nguyên hiệu trưởng College Thanh Hóa, em ruột của Thái thị Chi Lan (mẹ của ca sĩ Thanh Lan).

Nguyễn Tài, con trai của nhà văn Nguyễn Công Hoan, cháu ruột Lê văn Lương (Nguyễn công Miều, em ruột Nguyễn công Hoan)

1 thought on “Trang “Những Năm Tháng Cũ” của Nguyễn Hoàng Lưu = Tản mạn …..

  1. Vân Huỳnh

    Xin cám ơn tác giả tiền bối Nguyễn Hoàng Lưu. Bài viêt có nhiều chi tiết mới mẻ và cũng rất thú vị về một số nhân vật vang bóng một thời. Đặc biệt về mối tình của Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ với cô cháu Tân Nhân, trước khi ông rước nàng ca sĩ Thúy Nga về dinh, …và cuộc đời trôi nổi. “thân phận Thùy Kiểu” của ca sĩ Mai Khanh!
    Giờ thì tất cả đều đã trở thành người thiên cổ!
    RIP!

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *