trang bạn hữu – Sơn Núi (tác giả Nguyễn Hoàng Quý)

SƠN NÚI.

Nguyễn Đức Sơn (18.11.1937 – 11.6.2020)

( nhân ngày giỗ lần thứ 2 của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn 11.6.2022)

Khi dừng lại để anh xuống xe, chào từ giã và quay xe để trở về Đà Lạt, nhìn dáng anh nhỏ bé chậm chạp bước lên đường dẫn về Phương Bối Am, tay cầm mấy bịch thức ăn, vai đeo “túi càn khôn” (chữ dùng của Cường) lòng tôi bỗng có một chút ngậm ngùi và có lẽ đó cũng là tâm trạng của tất cả anh em cùng đi. Anh là Nguyễn Đức Sơn…

Tuần trước, khi vợ ở Sài Gòn, Cường rủ đi Bảo Lộc. Máu giang hồ vặt nổi dậy, từ lâu tôi vẫn mong có nhưng lần đi chơi xa ngắn ngày như đã đọc trong “Tây hành ký” mà nhóm anh em này đã từng thực hiện. Hôm đó, tôi hỏi Cường có những ai đi cùng, em trả lời là có anh Cước và hai người bạn (tôi nữa là vừa vặn một xe). Khi xe đến đón ở nhà, tôi nhận ra có Dũng Nôbita và Quỷ Tịnh đều là những người anh em tôi đã từng gặp gỡ nhiều lần, quen biết và mến mộ. Thật là thú vị!

Khi hỏi về nơi sẽ đến ở B’Lao tôi được Phù Vân trả lời là sẽ thăm một người anh đồng nghiệp của Cường và anh Nguyễn Đức Sơn. Tôi buột miệng đọc 2 câu thơ của anh Sơn mà tôi đã từng nghe:

Đù mẹ hoa hồng

Mầy đứng giữa đồng, mày không lao động.

và nói với anh em những nghe biết rất nghèo nàn của mình về Nguyễn Đức Sơn dầu rằng tên tuổi anh tôi đã từng rất hâm mộ từ thời sinh viên. Thời sinh viên nghèo nàn nhưng dễ thương và đầy ắp kỷ niệm ấy, do không có năng lực làm thơ và khả năng cảm nhận môn này rất hạn chế, lại phải lo học, còn lại là âm nhạc, sách dịch, biên khảo và thời trang chiếm khá nhiều nên thơ chỉ là món đồ trang điểm cho trí tuệ để có thứ mà nói chuyện mỗi khi anh em – trong câu chuyện – mở ra đề tài này, nhưng về sau, những gì biết về anh đã làm tôi thực sự khâm phục…

Xe rời Phương Bối Am một đoạn, tôi không thể không nói với anh em những suy nghĩ của mình và mở đầu bằng một câu nửa đùa nửa thật: “Hằng năm, cứ vào những ngày sắp đến Nouvel l’an, báo chí thường hay tổng kết mười sự kiện lớn trong năm trong nước và trên thế giới, nếu tôi cũng làm thế cho mình thì chắc chắn chuyến đi này được đánh giá là một trong mười sự kiện lớn của năm 2008”. Và đó là một suy nghĩ rất thật lòng.

Lên đến Đà Lạt thì trời bắt đầu đổ mưa mà những cơn mưa mùa này cứ… dai nhách! Xuống đèo Prenn chưa tới 16 giờ mà trời cứ tối sầm do mưa. Qua khỏi Tùng Nghĩa mưa mới giảm và trời sáng lại. Lại qua Bảo Lộc, xuống đèo chạy đến Đạ Hoai tìm một chút thì đến nơi chúng tôi muốn đến, “một cõi đi về” của kiến trúc sư Võ Thành Lân. Trước đây anh là giảng viên Đại học kiến trúc Sài Gòn, nay nhảy ra làm ngoài, vợ con đã định cư ở Mỹ. Cứ chiều thứ năm, anh lại chạy xe lên trên này (cách Sài Gòn 154km) để nghỉ ngơi thư giãn. Trừ tôi và Quỷ Tịnh chưa gặp anh bao giờ còn Phù Vân và Dũng Nôbita thì đã. Anh giới thiệu khu đất, rủ chúng tôi xuống giòng suối trước nhà mà anh làm chủ một đoạn khoảng 300m vì 3 hecta đất của anh nằm 2 bên suối. Nhà xây cất đã 4 năm nhìn ra suối và lưng là quốc lộ 20, khá đầy đủ tiện nghi, có sách vở, truyền hình cáp, bàn billard, bộ sưu tập mô hình máy bay, thiết giáp, tàu chiến và kết nối intemet ADSL… Thật là một chốn thật bình yên để giải tỏa những áp lực trong cuộc sống và những xô bồ náo nhiệt của Sài Gòn…

Anh dành cho chúng tôi sự tiếp xúc chừng mực nhưng rất thân tình với một buổi tối bia rượu nghe tiếng suối chảy, tiếng ếch nhái, côn trùng, tắc kè, nhìn thấy đom đóm bay, đàn hát, đọc thơ, đàm đạo mãi đến khuya. Mưa cả đêm thật lớn, sáng dậy nhìn nắng lên bên kia suối, núi rất xanh và vắt ngang đỉnh mấy cụm mây nhỏ, cái không gian và âm thanh mà chúng tôi ít được nghe thấy ở đồng bằng! Có một phát hiện thật lý thú mà mãi khi thức dậy sau cùng để uống café với nhau buổi sáng Cường mới nói là đã hơn 10 năm trước, Lân đã nói đại để là “chúng ta thật sự không sở hữu được bất cứ một thứ gì trừ thời gian” và vì thế anh rất quý thời gian mình được hưởng (một tiên cảm gì chăng?).

Hồi chiều trên đường xuống Đạ Hoai, Phù Vân lôi từ trong túi ra một mẩu giấy có địa chỉ anh Sơn do một người bạn ghi lại – Thôn 3 xã Lộc Châu, còn cẩn thận ghi cả câu: từ thị xã về phía nam khoảng 10km hỏi ông Sơn Núi. Chúng tôi chú ý hai bên đường để đoán chừng nơi ngày mai sẽ đến. Vốn liếng anh Phù Vân chỉ có thế cùng với những chuyện anh kể về kỷ niệm ngày xưa học với thầy Nguyễn Đức Nhơn là cha đẻ anh Sơn. Quỷ Tịnh thì nhớ và đọc một số câu trong vài bài thơ của tập “Thơ Nguyễn Đức Sơn” nhờ thời đi tu đã mua được và lén lút đọc, có lẽ do máu mê thơ nhưng sợ vi phạm những quy định nhà chùa (vì thơ “khứa lão” này tục quá) và cũng có lẽ đọc “chụp giựt” như vậy nên câu được câu mất. Dũng Nôbita biết nhiều một chút do đọc trên internet. Cường là “cán bộ đường lối” nên thi thoảng chỉ chêm vào phụ họa dăm ba câu cho vui đường dài nên không rõ công lực em thế nào. Riêng tôi là hiểu biết về thơ anh Sơn rất thiếu nhưng biết khái quát về tính cách và con người anh thì thừa (dù cũng chỉ nghe nói lại).

Tìm hỏi nhà “ông Sơn Núi” quả thật không khó. Từ trẻ em đến người già đều biết nhưng trước tiên tôi nghĩ nhà không thể nằm ngay quốc lộ vì ngày xưa dọc Nẻo về của ý hay Nói với tuổi hai mươi của Nhất Hạnh, tôi mường tượng đường lên Phương Bối Am là dốc núi cheo leo. Từ quốc lộ 20 đi vào cũng dễ lạc vì nhiều ngã ba nhưng hình như Cường rất nhạy cảm nên chỉ lố đôi chút chứ không sai.

Cuối cùng vẫn tìm đến nơi, phải dừng xe để đi bộ vào. Bên một căn nhà cũ cửa đóng (gần như bỏ hoang đã lâu) tôi gặp một người tầm ngoài ba mươi, ăn mặc xuềnh xoàng, nói chuyện có vẻ như người abnormal để hỏi. Thì ra anh ta là con trai của anh Sơn. Anh Sơn vừa mới ra khỏi nhà và các cháu không biết lúc nào sẽ về?

Phù Vân phải gọi điện, tự giới thiệu và anh hứa sẽ về ngay dầu rằng đã rời nhà hơn 30 cây số. Anh Phù Vân kể lại, đầgiây bên kia hỏi: “Việc này có thật không? Tổ cha đứa nào nói láo đấy nhé!”. Tôi liền nghĩ, đây đúng là khẩu khí của “khứa lão” này!

Vậy là “võ lâm ngũ hiệp” (từ dùng của Quỷ Tịnh) đành phải ngồi chờ. Các cháu đem nước trà, mít chín mời và trả lời những câu hỏi của khách thật nhiệt tình, lễ phép! Chờ lâu thật lâu nhưng cũng không nản lòng. Rồi thì trên chiếc xe dị dạng thâu tóm ngũ hành – mà tôi, dân chuyên dùng xe cũ cũng không hiểu là thứ gì, cả Phù Vân cũng chưa hề thấy xe có kiểu bình xăng này – Sơn Núi ồ ạt đổ bộ vào nhà.

Sau vài lời chào hỏi xã giao, anh bắt đầu mở máy và thế là “ngũ quái” (từ dùng của anh Sơn) chỉ biết nghe và cười…

Chuyện của anh bắt đầu từ những trăn trở về thực trạng lộn xộn, cãi vã, đánh nhau ngay địa phương nơi anh đang sống rồi mở rộng dần ra cả nước và luôn trên thế giới với những sự vụ, những con người, những gặp gỡ, tiếp xúc cụ thể. Anh bảo anh đã được sống đến hôm nay đã gần bảy mươi là “lời quá rồi”! Và cứ thế từ văn học nhảy qua nhân văn, từ triết học nhảy qua thần học thao thao bất tuyệt, từ quái nhân này sang yếu nhân khác, từ Buddhist qua Catholic đến Islamic, anh lên án Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo nhưng cũng không đồng tình với Hồi Giáo!

Có hai điều tôi thật tâm đắc và cảm kích (mà có lẽ đó cũng là tâm trạng của tất cả chúng tôi) là anh không hề hoặc rất ít khi nói về thơ – thơ mình, thơ người, chỉ lướt qua vài ý thơ hay, thơ dở, rất khái quát, rất chung chung trong mạch chảy của câu chuyện hoặc là như một cách “minh họa”. Anh tập trung nói về một tác phẩm – có lẽ là tâm huyết một đời – những công án thiền xây dựng từ những điều nghe, thấy, tiếp xúc, mà anh, đôi lúc là chứng nhân, nhiều khi là nạn nhân trong đời sống hằng ngày! Anh đang viết dần trên cell phone, anh dự định đặt tên tác phẩm là “Lão Lú”. Mong cho anh toại nguyện!

Điều thứ hai là anh vẫn mong dầu rằng đó là việc bất khả thi là được tiếp xúc với những người gây ra các vụ án xã hội để nói với họ dăm điều – mà khi ngồi với chúng tôi – anh kể ra hai người của hai vụ! Anh Sơn ơi, anh có quá ảo tưởng về mình, về con người và cuộc đời hay anh cũng biết chắc là nói chỉ để mà nói, để giải tỏa những trăn trở nội tâm của chính mình?

Dưới căn chái lợp ngói cao không đầy 3m, rộng chưa quá 10m2 bên hông ngôi nhà gỗ có gác, lớn không hơn hộp diêm quẹt mà cửa trước đã được niêm phong, một bàn vuông, một ghế nhựa thấp, một cái võng dù, trời B’Lao hôm ấy dịu mát, không nắng, nhiệt độ khoảng 30 – 32 độ C, chung quanh là thông, tre, trúc, chúng tôi ngồi, có lẽ quên cả không gian và chừng như luôn cả thời gian nghe anh say sưa nói, thao thao nói với một lượng từ ngữ và nội dung cũng như cường độ âm thanh khủng khiếp (anh nói lớn, nhanh, cười ha hả!). Tôi tự hỏi có phải anh không có ai để nói chuyện nên buồn quá muốn tiêu hóa những suy nghĩ từng nung nấu? Không phải thế, qua câu chuyện, anh kể anh đi nhiều, tiếp xúc nhiều, vậy hay là anh ngỡ mình là đấng tiên tri đang rao giảng trước bầy chiên mới nhập đạo? Cũng không, có lẽ vì tính anh vốn thế và nhất là anh trân trọng tình cảm của những hậu bối ở xa, nghe, biết và cất công lặn lội thăm anh. Có lẽ thế phải không Phù Vân, Cường, Dũng Nôbita và Quỷ Tịnh?

(từ trái) Dũng Nobita,Trần Thanh Cường, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Hoàng Quý–

Khi đã khá trưa, anh mời chúng tôi đi ăn cơm chay và nói rằng, nếu không đủ tiền trả thì chúng tôi bù. Vậy là chúng tôi cùng đi xuống một quán cơm cách chân đèo Bảo Lộc khá xa. Trên xe tôi hỏi về 2 câu thơ mà tôi đã ghi lại ở trên, anh bảo có rất nhiều dị bản, mấy câu đó vốn từ một vở kịch. Tôi đề nghị anh chép lại cho để gọi là có “thủ bút” của anh. Mấy câu đó như sau:

Đù mẹ

cây bông

Hắn không

lao động

Ai trồng

chật chỗ

Mày nhổ

xem sao

Máu trào

thiên cổ

Và trong khi chờ thức ăn, anh cũng đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ anh làm trước 1975 khi chứng kiến ở đâu miệt Đồng Xoài, Bình Phước nơi vùng xôi đậu có biển đề Vùng tác xạ tự do, mà một người dân tộc thiểu số do không đọc được cứ mang gùi đi qua đã bị máy bay bắn chết, anh nghĩ về sự bất lực của trí thức trước cuộc chiến đầy máu lửa này:

Giữa khu rừng cháy đen thui

Một ông lão Thượng mang gùi qua mau

Máy bay rà thấp đằng sau

Tôi nhìn mây nổi trắng phau lưng đồi.

Nói gì thì nói, điều chúng tôi bâng khuâng và thấy buồn là cuộc sống hiện tại của anh, con cái và gia đình anh, họ đã làm gì để sống qua mấy chục năm từ khi về nơi này trong khi thơ anh không hề có báo nào chịu đăng, như anh kể về trường hợp Đỗ Trung Quân, Nguyễn Công Khế, ca ngợi anh, tâng bốc anh hết từ nhưng khi anh bảo nhờ đăng thơ thì họ tìm đường nói lảng sang chuyện khác! Vợ con anh đã sống như thế nào trong khi không dám trồng trọt bất cứ một thứ gì vì chưa đến thời điểm thu hoạch thì đã bị vặt hết? Họ đã sống như thế nào trong khi anh vẫn thường nói: “Tôi đếch làm gì kể cả làm chủ gia đình từ giải phóng đến giờ”? Và còn nữa, anh bảo khi một ai đó được hỏi đường tới nhà Sơn Núi, hỏi tìm Sơn Núi làm gì? Nếu câu trả lời là: “để bắt” thì họ sẽ chỉ dẫn tận tình nhưng nếu trả lời “để thăm” thì họ từ chối. Hy vọng đó không là sự thật! Và điều quan trọng nhất là anh bảo anh có thể có một vài hợp đồng văn học nếu thực hiện thì không khó khăn vẫn có thể có từ 5.000 – 10.000 USD và rất thường xuyên nhưng anh vẫn từ chối. Tôi thực sự tin điều đó.

Trên đường về, tôi miên man nghĩ, cái đáng để tôi trân trọng anh là sự khiêm ái trong giao tiếp, đức kham nhẫn trong cuộc sống và độ lượng nhưng cũng rất dữ dội và khắt khe khi phê phán hoặc chỉ trích một ai – cái mà nhiều trường hợp tôi muốn tranh luận nhưng e rằng bất nhã trong sơ giao – và trên cái nền cuộc sống đầy gian truân khổ ải ấy của gia đình, anh đã sống “an bằng lạc đạo”. Anh Nguyễn Đức Sơn, có phải anh là một vị Bồ tát theo nghĩa tương đối nhất?

Nguyễn Hoàng Quý

==============

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *