Tưởng niệm Nhà văn Văn Quang (1933-2022) – Phan Tấn Hải

  Tưởng Niệm Nhà Văn Văn Quang (1933-2022)
Phan Tấn Hải

Nếu có ai hỏi tôi về một mùi hương Sài Gòn, nơi tôi đã ra đời và sống hơn ba thập niên trước khi ra đi, hẳn là tôi chỉ nhớ tới mùi cà phê. Cũng lạ, khắp thế giới, nơi nào mà chẳng có mùi cà phê? Nhưng mùi hương cà phê Sài Gòn với tôi rất khác, đó là kỷ niệm với tiếng cười của những tình bạn một thời Văn Khoa, với các góc phố ẩn khuất những ngày trốn học để làm thơ, với những gốc cây me lề đường nơi gió thổi thẹn thùng các tà áo trắng… Nhiều năm sau khi rời quê nhà, được đọc một bài viết của nhà văn Văn Quang về cà phê Sài Gòn, tôi nghĩ rằng phải chi có ai đóng gói được mùi hương cà phê Sài Gòn cho người phương xa.

Một phần mùi hương đó đã bay đi hôm nay: Nhà văn Văn Quang đã từ trần lúc 10:20 sáng thứ Ba 15/3/2022 vì tuổi già sức kiệt, tại nhà riêng ở Chung cư Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3, Sài Gòn, theo tin từ nhà thơ Nguyễn Quốc Thái. Tang lễ là ngày Thứ Năm 17/3/2022 lúc 9 giờ sáng sẽ động quan và hỏa táng tại Bình Hưng Hoà.

 Nhà văn Văn Quang tên là Nguyễn Quang Tuyến, sinh năm 1933 tại Thái Bình, được biết đến qua một số tiểu thuyết cùng những tác phẩm văn học khác. Nhà văn Văn Quang giữ chức Trung Tá trong quân đội Việt Nam Cộng hòa, làm việc cho Cục Tâm lý chiến, từng làm Giám đốc Đài Phát thanh Quân đội VNCH và Chủ biên tờ báo Quân đội, sau đổi tên báo thành Chiến sĩ Cộng hòa.
 
 Đóng góp lớn nhất của ông là các tác phẩm văn chương. Trong số những tiểu thuyết của Văn Quang, có bốn tác phẩm được quay thành phim. Chân Trời Tím được Quốc Phong chủ hãng Liên Ảnh chọn quay. Hùng Cường và Kim Vui thủ diễn hai vai chính trong phim Chân Trời Tím với bài “Nửa hồn thương đau” của Phạm Đình Chương do Thái Thanh hát. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã lấy nguồn cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết này để sáng tác nhạc phẩm “Chân Trời Tím” cùng tên. Ngàn Năm Mây Bay thì do Thái Lai phim thực hiện với Hoàng Anh Tuấn làm đạo diễn và sĩ quan quân đội Phạm Huấn thủ diễn. Phim thứ ba là Đời Chưa Trang Điểm của hãng phim Giao Chỉ do ông Hoàng Vĩnh Lộc đạo diễn. Cuối cùng là phim Tiếng Hát Học Trò do Thái Thúc Nha của hãng Alpha thực hiện, Thanh Lan diễn vai chính.

Sau năm 1975 ông bị bắt giam hơn 12 năm tù cải tạo trước khi được thả. Ra khỏi tù Văn Quang không tị nạn sang Hoa Kỳ theo diện HO như hầu hết các tù nhân chính trị khác. Tuy không cầm bút như trước năm 1975 ông vẫn tiếp tục sáng tác với loạt phóng sự “Lẩm cẩm Sài Gòn Thiên hạ Sự” và “Lên đời” được phát hành trên báo chí và radio tiếng Việt ở hải ngoại. Năm 2009 ông được tạp chí Khởi Hành ở California trao tặng “Giải Văn chương Toàn Sự nghiệp Khởi Hành 2009”.

Tại sao nhà văn Văn Quang không rời bỏ Việt Nam sau nhiều năm tù? Qua bài phỏng vấn “Trò Chuyện Với Nhà Văn Văn Quang (Kỳ 1)” trên trang DuTuLe.com nhà văn Văn Quang trả lời độc giả John Trần như sau:

Bạn nói đúng, tôi biết cuộc sống ở nước ngoài, cụ thể như ở Mỹ, đầy đủ hơn ở VN. Thí dụ, ở Mỹ, bạn thất nghiệp hoặc già yếu sẽ được nhà nước hỗ trợ hàng tháng, còn ở VN thì không có chuyện đó. Sau hơn 12 năm đi “học tập cải tạo”, tôi cũng đã làm thủ tục để đi theo diện H.O.. Không những thế, tôi còn được đôn từ H.O. 22 lên H.O. 18. Nói cho rõ hơn là được đi trước những anh em khác chừng 5-7 tháng hay 1 năm gì đó. Lý do là tôi có thêm người bảo lãnh. Nhưng cũng chính vì sự bảo lãnh này mà nẩy sinh chuyện phức tạp. Vì thế nên khi ra phỏng vấn, tôi quyết định không đi nữa, tôi không muốn phải mang ơn bất kỳ một cá nhân nào. Thà chẳng ai bảo lãnh, tôi đi như những anh em khác, hầu hết họ có cần ai bảo lãnh đâu. Chuyện này hoàn toàn trong phạm vi chuyện riêng của gia đình. Tôi không muốn nhắc lại chứ không phải muốn tìm lối đoạn trường đâu bạn ơi. Có ai dại thế bao giờ. Phần khác có lẽ lại là do số mệnh chăng?(ngưng trích)

 Văn Quang ở lại Sài Gòn là một hy sinh lớn, vì môi trường sau 1975 không còn thích nghi cho ngòi bút tự do. Văn Quang đã ghi nhận trong “Sài Gòn – Cali 25 năm gặp lại“ (được nhà văn Nguyễn Mạnh Trinh ttrích lại trong bài “Văn Quang với ‘Những Người Muôn Năm Cũ'”) hình ảnh Sài Gòn:

“… Có lẽ tình hình ấy cũng giống như ở Sài Gòn thôi. Chỉ khác là ở Sài Gòn lóp người hoạt động văn nghệ trước năm 1975 hầu hết đã yên lặng thậm chí có một số nhiều, độc giả ở đây không còn biết đến tên tuổi họ nhưng ở nước ngoài thì lại có nhiều người biết đến tên tuổi họ. Đó là một sự thật. Nhưng có những tên tuổi vẫn còn sống được giữa hai thời kỳ, đó là những người vì lẽ này hay lẽ khác vẫn còn đất dụng võ, dù là sống vất vưởng chứ cũng chẳng làm nên trò trống gì. Hay nói cách khác là những người cần kiếm cơm ăn áo mặc hàng ngày. Còn những vị sống được giữa hai thời kỳ mà vẫn cơm no rượu say thì có thể đếm trên đầu ngón tay.

Nhưng với những anh em đã từ xưa cùng sống với nhau ở Sài Gòn thì với người ở nước ngoài về, tinh thần vẫn còn đó, sự gần gũi vẫn như xưa nếu không muốn nói là hơn xưa. Hồi đó có những người chưa từng gặp nhau chỉ biết tên nhau nhưng bây giờ trở về người ta đi tìm nhau, đôi khi là sự tương trợ rất đầm thắm. Đó là sự thông cảm ngày càng sâu sắc càng thấy thương nhau yêu quý nhau hơn. Anh Thái Tuấn hỏi về tình hình những anh em còn ở lại đây. Tôi kể:

– Không nhiều lắm nhưng cũng đủ để vui chơi những lúc nhàn rỗi. Bây giờ có tuổi cả rồi nên nhiều lúc ngại di chuyển.Thỉnh thoảng có dịp nào đó gặp nhau, cái đám ma như đám ma Trần Lê Nguyễn thì đông đủ cả, đám giỗ như giỗ anh Chu Tử thì cũng vài ba chục người do gia chủ Chu Vị Thủy và Đằng Giao chọn lựa, tiễn người ra đi như tiễn Uyên Thao, Thanh Thương Hoàng có đến trên 40 người. Lâu lâu có một ông về chơi như ông Phan Diên thì lại cơm gà ngồi túm tụm trong một căn phòng nhỏ. Sinh hoạt chẳng có nơi chốn nào nhất định và làm thế nào có nơi chốn nhất định được ! tuy nhiên những hoạt động của anh em ở hải ngoại thường được anh em ở đây rất chú ý. Nhưng báo chí sách vở thì khó lòng về được đến nơi. Đến ngay mấy số báo Kịch Ảnh vô thưởng vô phạt gửi qua bưu điện năm lần đều mất tăm cả năm. Vài anh em có computer, chơi e-mail nói chuyện cà kê dê ngỗng với nhau hàng ngày nên hầu như những sinh hoạt lặt vặt thì chuyện gì cũng biết ngoại trừ những chuyện mà anh em ở bên đó cho rằng có hại cho những người ở đây thì họ không gửi. Tuy vậy đôi khi cũng lạc lõng một vài cái e-mail lạ hoắc vừa đọc vừa lo chẳng biết có chuyện gì xảy ra hay không..” (hết trích)

Nhà văn Lê Thị Huệ qua bài “Gió O phỏng vấn nhà văn Văn Quang” trong đoạn vấn đáp ghi lời của nhà văn Văn Quang như sau:

“Lê Thị Huệ:  Tại sao ông lại chọn lối viết “Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự” . Qua cách viết này, ông viết rất sung sức, rất khoẻ, rất bén nhạy. Tại sao ông không chọn lối sáng tác tiểu thuyết như trước 1975?

Văn QuangVề câu hỏi thứ hai, tôi chọn lối viết “lẩm cẩm Sài Gòn thiên hạ sự” bởi mỗi đề tài, tôi chọn một lối viết khác để độc giả dễ dàng chia sẻ những cảm xúc, những ý tưởng của mình. Trước đây tôi cũng thường viết nhiều loại. Tiểu thuyết, tiểu thuyết phóng sự, phóng sự, truyện ngắn. Tiểu thuyết để diễn tả những đề tài về nội tâm, sâu sắc hơn, về tính thời đại chứ không phải thời sự. Tính thời đại có thể nói về những sự việc, những tâm trạng, những hình ảnh cách đó 5- 10 năm. Nhưng thời sự thì chỉ diễn tả những sự kiện xảy ra gần nhất trong tuần hoặc trong tháng.

“Lẩm cẩm” là một lối viết có tính thời sự. Bởi tính cách “đặc thù” của thời hiện tại nơi tôi đang sống, nên buộc phải viết theo một cách nào đó để không bị gây phiền lụy. Tôi “xông” vào những đề tài xã hội “nóng” nhất, có tính điển hình nhất mà người dân đang chú ý. Một nhu cầu khác nữa là hướng đến độc giả hải ngoại, đang quan tâm tới điều gì? Nói cho rõ hơn, Việt kiều của chúng ta đang muốn biết điều gì đang xảy ra tại quê hương mình. Chắc ai cũng muốn có những thông tin chính xác, không bị vo tròn bóp méo bởi bất cứ lý do nào, đôi khi chỉ là sự “tam sao thất bản” nên thông tin thiếu độ trung thực. Tôi chọn lọc những sự kiện ấy, tìm kiếm thông tin chi tiết và làm thế nào càng chính xác được càng tốt. Nó không phải là một bản tin thuần túy mà đưa vào những nhận định, quan điểm của riêng mình như một lời bàn bạc, nói chuyện với độc giả một cách bình thường chứ không là lý luận. Từ đó bạn đọc có thể hiểu rõ vấn đề hơn và có thể suy luận, nhận định riêng. Do đó, người ở xa quê hương, vẫn có thể biết rõ những sự việc xảy ra tại quê nhà.

Tuy nhiên như chị đã thấy, “lẩm cẩm Sài Gòn” không chỉ là những chuyện lẩm cẩm. Nó có cả những mặt trái, mặt phải của xã hội, chuyện khôi hài và chuyện đau thương, những bản tường trình thẳng thắn vượt qua mọi áp lực. Miễn là chuyện xảy ra có thật. Cái nhìn xoáy về phía sau những sự việc đã và đang xảy ra chứ không phải chỉ có “bề mặt” sự việc, tôi nghĩ đó mới thực sự cần thiết cho bạn đọc ở nước ngoài vốn không có nhiều thì giờ theo dõi.

Tóm lại, “lẩm cẩm Sài Gòn thiên hạ sự”, nếu tổng kết lại, nó sẽ là một bức tranh toàn cảnh của xã hội tôi đang sống. Nó phản ảnh được trung thực mọi vấn đề ở bề mặt đời sống của người dân thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội. Từ một anh nông dân “lừa được cả nước” đến một đại gia lương  thiện và bất luơng, từ lớp thanh niên đến các quan chức, từ cô gái tỉnh lẻ đến các cô gái chân dài thành thị. Từ nỗi đau thương cơ cực của “những người bị bỏ quên” như anh em thương phế binh VNCH đến những cảnh trác táng cùng cực, hoang phí vô cùng của lớp người ăn trên ngồi trước… Cái khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, những điều phi lý bất công, những điều cần nói mà người dân không nói được…

Tất nhiên, trong hoàn cảnh của tôi, có những hạn chế mà ai cũng hiểu được. Cho nên viết và “lách” vẫn là điều phải nghĩ tới. Tôi làm cái gì mà luật không cho phép cũng không cấm. Tôi làm với lương tâm của một người cầm bút. Dù ở đây chẳng ai công nhận, tôi vẫn là người cầm bút. Người làm báo có thẻ làm báo, nhưng tôi chẳng có gì ngoài những tìm tòi của mình, tự mình lựa chọn thông tin. Còn những “rủi ro” bao giờ tới và tới lúc nào, đành chấp nhận như một số phận an bài. Nếu cứ nghĩ tới những thứ đó thì chẳng làm được việc gì đáng làm. Tôi không tham gia bất kỳ tổ chức nào, tôi không thích “làm chính trị” như bản tính tôi từ xưa tới nay. Tôi chỉ biết cầm bút, độc lập và hành xử theo tiếng gọi của lương tri.

Mặt khác, tôi cũng không quên viết tiểu thuyết hoặc tiểu thuyết phóng sự. Tiểu thuyết tôi dành cho những đề tài thuộc về tâm tư, tình cảm sâu sắc hơn. Như “chân trời tím” trước những năm 75 và sau khi đi tù cải tạo về, tôi đã hoàn thành “Ngã tư hoàng hôn” vào năm 1990. Đó là một thời kỳ “nửa đóng nửa mở” cánh cửa sắt. Hoặc trước kia, phóng sự tiểu thuyết “những ngày hoa mộng” đăng trên báo Kịch Ảnh, “Sài Gòn tốc” đăng trên nhật báo Chính Luận những năm 60-70. Gần đây nhất là tiểu thuyết phóng sự “Lên đời” về “mặt nổi” những khung cảnh nháo nhác giữa Sài Gòn – Hà Nội của cái cảnh “đổi đời” rất đặc trưng của những nhà “tư sản mới” trong xã hội Việt Nam. Nó được hình thành như thế nào, bắt đầu từ đâu và sự cấu kết “thâm cung bí sử” cùng với cánh giang hồ khét tiếng một thời. Tôi nghĩ đó cũng là hình ảnh sống động nhất của một giai đoạn lịch sử trong xã hội Việt Nam. Đó là “thiên chức” của người cầm bút, chứ không phải viết lia viết lịa, viết “văng tê bạt mạng” mà chẳng nói được điều gì đáng nói.

Có những đề tài trong phạm vi cuộc sống tâm tư, tình cảm của những thành thị cũng như nông thôn, tôi dành để viết tiểu thuyết. Như một cô gái tỉnh lẻ trong thời đại này đã và đang sống như thế nào, ước vọng thầm kín nhất của họ là gì? Tiến tới một “xã hội công bằng giàu đẹp” như khẩu hiệu hay một cái gì khác? Lớp “đại gia” và lớp nông dân khác nhau như thế nào? Cái khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ước chừng bao xa?  Nền kinh tế phát triển mang lại lợi ích thiết thực gì cho mọi con người. Cái gì đang phá sản và cái mới đang hình thành trong con người như  thế nào? Trước hết phải là trong tận cùng ý thức, nó có tính quyết định cho toàn xã hội. Nếu không mọi sự chỉ là giả tạo. Vấn đề khá tế nhị và sâu sắc nên tôi viết tiểu thuyết hoặc tiểu thuyết phóng sự là thích hợp. Thật ra đề tài tôi đang hướng tới là sự tiếp nối của “lên đời”, nhưng chú trọng vào chiều sâu. Nhiều độc giả cho tôi biết “lên đời” vẫn còn thiếu một cái gì đó, chưa tròn vai. Nhận xét đó rất đúng. Đó cũng là dụng ý của tôi. Một cuốn truyện đã lên tới 100 kỳ, hơn 1500 trang A4, đã là quá dài. Đề tài sẽ tiếp tục dưới một dạng khác. Có thể ví von như “Lên Đời” chỉ là cái áo mới của cô dâu, cái “mặt nổi” của thời cuộc. Tiểu thuyết tiếp theo sau là những rung động, những biến chuyển tâm lý của sự thay đổi từ đêm tân hôn và trở thành thiếu phụ.. Nhưng quá bận rộn với những công việc khác nên chỉ có thể hoàn thành trong một vài tháng sắp tới.

Tôi hy vọng trả lời như thế cũng là tạm đầy đủ cho những điều độc giả Gio- O muốn biết về cách viết của tôi. Mỗi đề tài thích hợp với một lối diễn tả. “Lẩm Cẩm” là một tổng hợp về những tin tức thời sự “nóng”, những điều trông thấy và những dư luận cùng quan điểm của người viết. Làm thế nào để người đọc dễ dàng chia sẻ được với những gì mình muốn nói.” (hết trích)


Trong bài viết “Cà phê Saigon xưa và nay!” nhà văn Văn Quang ghi lại một phần hình ảnh cà phê Sài Gòn — và cũng là kỷ niệm của rất nhiều người, trong đó có tôi, về một mùi hương Sài Gòn — cà phê:

Một số bạn bè ở nước ngoài thường hẹn tôi “Mong về Sài Gòn uống với nhau ly cà phê”. Hình ảnh ấy quả là đẹp. Xa nhau vài chục năm hoặc quen nhau qua thư từ, qua người quen giới thiệu, gặp nhau ở một quán cà phê nào đó ngồi tâm sự vụn về đủ thứ chuyện “bên này bên kia” thật lý thú.

Sài Gòn, không phố nào, không hẻm nào vắng bóng quán cà phê. Đi đâu cũng có thể gặp một quán cà phê với những cái tên rất gợi cảm như Cà phê Chiều Tím, Chân Mây, Tình Đầu, Thiên Thai… hoặc không thiếu những cái tên quái đản như Cà phê Thằng Bờm, Thằng Mõ, Tích Tắc, Đen, Lặng, Phê… và nay lại có vài cái tên “ăn có” vào những nghệ sĩ nổi danh như “Cà phê Văn Cao” – và chắc chắn còn nhiều vị được trưng tên tuổi lên những quán cà phê khác.
Nhưng quán cà phê “có thể ngồi được” với bạn bè không nhiều. Nói đến cà phê Sài Gòn là phải kể đến những quán cà phê được gọi là quán cóc, quán vỉa hè, quán bụi, quán bốn bề là gió, “quán ba không” (không mái, không gái, không nhạc). Những quán cà phê ấy chính là nét đặc biệt của Sài Gòn. Có thể khẳng định không thành phố nào ở Việt Nam có nhiều quán cà phê đến thế và hầu như không thành phố nào nhiều người uống cà phê như Sài Gòn. Từ lao động chân tay lam lũ, đàn bà buôn thúng bán bưng đến “dân quý tộc” đều uống cà phê. Cà phê ly, cà phê tách, cà phê đĩa.

Thứ cà phê đĩa nặng mùi Chợ Lớn chỉ có ở những quán ngã ba, ngã tư đường phố với những ông chủ Tàu, mỗi buổi sáng tinh mơ, bác tài xế taxi, xích lô và cả những bà sồn sồn chạy chợ ghé vào làm một ly cà phê sữa, có khi đựng bằng cái bát nhỏ hoặc cái ly tràn đầy để cà phê sóng ra ngoài chiếc đĩa đặt bên dưới. Thoạt tiên khách uống thứ cà phê ở đĩa trước để “tráng miệng” mùi cà phê buổi sáng mở đầu cho một ngày rồi sau đó mới thưởng thức đến cà phê trong ly. Tiếc rằng những quán như thế ngày nay không còn nữa. Những cửa hiệu ở ngã ba ngã tư đã được “đô thị hóa”, nâng cấp, tu bổ thành siêu thị, “shop” bảnh chọe, nhà hàng năm bảy tầng. Sài Gòn mất đi một nét xưa nguyên thủy. Còn chăng là ở một góc nào đó nơi những ngõ Tàu trong tận cùng Chợ Lớn còn rải rác cố thủ được nền “văn-hóa cà-phê đĩa”.

Tùy thời kỳ, có những quán cà phê rất nổi danh, dù chỉ là một quán bụi. Những “thổ công” Sài Gòn biết rất rõ quán nào có cà phê kiểu gì, có “người đẹp” cỡ nào và giá cả một ly cà phê thường không khiến bận tâm. Nhưng thời gian đã thay đổi tất cả.

Đối với tôi, quán cà phê ngon nổi tiếng, cổ kính nhất Sài Gòn là quán trà và cà phê ở đầu con phố nhỏ gọi là phố “Phô-côn” về sau đổi tên là đường Nguyễn Phi Khanh, bên cạnh rạp Casino Dakao. Tôi biết quán này hồi mới bỡ ngỡ vào Sài Gòn khoảng tháng 11 năm 1953. Nửa thế kỷ qua rồi, đến nay nó vẫn tồn tại. Từ xưa nó không bao giờ có bảng hiệu nên không có tên và ít ai biết tên quán Thái Chi cũng là tên bà chủ quán thời đó. Người quen thường gọi là “Quán Cô Chi”. Bà chủ từng có một thời vàng son lừng lẫy. Bà là phu nhân một vị “phụ mẫu chi dân” đứng đầu một phủ, vì thế bà pha trà rất ngon và cà phê cũng rất tuyệt. Có một đặc điểm là bà không bao giờ bán cà phê đá. Theo bà, uống cà phê đá là… không biết uống cà phê. Bà mất trước 1975, con cháu tiếp tục giữ truyền thống gia đình bán cà phê cho đến nay. Mọi đổi thay chẳng ảnh hưởng gì tới quán này. Suốt nửa thế kỷ, khách vẫn ngồi với những bộ bàn ghế thấp lè tè kê trên mảnh vỉa hè hẹp téo chừng năm bảy mươi phân bên hông những ngôi nhà, chạy dài theo con phố nhỏ như sợi chỉ uốn cong. Đối với tôi, nơi này vẫn như cái “bảo tàng cà phê Sài Gòn”. Nếu có dịp về thăm, xin hãy ghé qua, nhìn một tí thôi để thấy chút Sài Gòn xưa.

Nơi rang xay cà phê khét tiếng Café Martin pha tí rượu Rhum trên đường Hai Bà Trưng xưa ai cũng ghé mua, nay không còn nữa. Nhãn hiệu Martin cũng… đã là nhãn hiệu xe đạp. Biết bao đổi dời, mỗi thời một khác. Ngày nay uống cà phê ngon nhưng khó thể chọn được nơi rang xay cà phê ngon. Rang xay cà phê cũng là một nghề chuyên môn có bí quyết riêng chẳng khác “bí kíp võ công thượng thừa”. Ngày nay các “môn phái” rang xay cà phê, chẳng ai chịu ai, mỗi môn phái đều có bí quyết gia truyền và… truyền miệng. Ai cũng tự phụ về ngón nghề của mình. Hết rượu Rhum đến Vodka, hết ruột cau đến vỏ lựu và chưa biết còn những thứ lá quỷ quái gì nữa làm cho cà phê có “màu sắc độc chiêu”. Ngay loại cà phê đóng gói chỉ cần đổ nước sôi vào cũng được quảng cáo om sòm. Nhưng dân “ghiền” và “sành điệu” chẳng ai chấp nhận được cái gu đóng gói, dù cho đóng hộp từ bên Tây bên Ý cũng không thể đưa lên hàng “nghệ thuật pha cà phê”. Muốn có nghệ thuật bắt buộc phải pha, phải chế mới xứng là cà phê thứ thiệt.” (ngưng trích)

Tôi cảm thấy bản thân mình gần với phong cách nhà văn Văn Quang hơn nhiều người khác. Trong bút pháp của Văn Quang có chất nhà báo, một điều tôi gần như không rời được, kể cả khi tôi viết truyện ngắn. Nghĩa là, nhiều khi, viết cho kịp đưa báo xuống nhà in. Nhìn lại, văn phong nhà báo là không thể nhìn ngó từng chi tiết nhỏ trong đời, không có thì giờ viết kỹ từng chữ như nhà văn Võ Phiến. Trong bút pháp của Văn Quang có chất thời sự, cũng là một thói quen của tôi, hình như mình không thể tách rời ra khỏi cõi này và trong thời này, bất kể là nhiều khi nhin xa hơn để suy nghĩ là, tự nhiên, dòng nước mắt ứa ra vì thương cho dân mình, nước mình. Nơi đó, ẩn tàng trong bút pháp của Văn Quang chính là những mảnh hồn đã tan vỡ, chỉ vì quá yêu thương cuộc đời này — nơi đó, chỉ còn chữ là chiếc bè mong manh để nắm chặt giữa thác lũ của đời.

Trân trọng từ biệt nhà văn Văn Quang. 

15-3-2022

Nguồn: https://vietbao.com/a311465/tuong-niem-

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *