Rồi anh, đi theo đường đã vạch rồi, đường trên không gian ủ ấp hình hài,
Từ anh lên cao anh là Nắng, là Trăng hay Sao, anh nhìn xuống,
Nhìn nước non nhà, đẹp xinh như gấm như hoa… (PD)
Trường Sơn Lê Xuân Nhị
Hôm nay, 9 giờ sáng ngày 4 tháng 11 năm 2021, tôi nhận được một tin rất là buồn qua email. Anh Năm, đại tá Không Quân Nguyễn Hồng Tuyền, không còn trên cõi đời này nữa…
Đã biết từ lâu rằng anh Năm đã già yếu, đã phải đi lọc thận từ lâu, hình như trên 20 năm thì phải, và theo luật sinh tử của trời đất, anh Năm, cũng như tất cả mọi người, như anh em chúng ta, sớm muộn gì thì cũng phải rũ áo ra đi mà thôi. Làm sao tránh được. Nhưng nghe tin anh Năm từ giã cõi đời, tôi đau đớn bồi hồi. Đau đớn thật tình, đau đớn trong tâm hồn. Đau đớn trong đầu óc. Đau đớn trong trái tim.
Có người sẽ hỏi, tại sao một anh thiếu uý phi công quèn, vô danh tiểu tốt như tôi, chẳng có họ hàng rể má gì đến một đàn anh Không Quân cấp đại tá, không phải Đại Tá thường mà là một Đại Tá nổi danh của Không Quân, lại đau đớn đến như thế? Có đau đớn thật chăng, hay vì thấy người sang… chết, nên muốn bắt quàng làm họ, giả vờ đau đớn bố láo này kia?
Xin thưa, câu nói ấy có phần đúng, bởi vì, ngày xưa, lúc anh Năm đã là một Đại Tá căn cứ trưởng căn cứ Không Quân Phù Cát, tôi chỉ là một anh thiếu uý Không Quân quèn, chẳng hề quen biết, chẳng hề có bà con gì cả với anh Năm. Điều này đúng. Nhưng tất cả những gì còn lại là sai, bởi vì, Đại Tá Tuyền và tôi, hai người phi công đánh giặc, một già một trẻ, đã vô tình gặp nhau… trên tần số UHF trong một trận đánh ở phi trường Phù Cát…
Hồi đó, tôi biệt phái Phù Cát, và Việt Cộng đem quân tới tấn công căn cứ. Tôi làm bổn phận, lên trời, tham dự đánh đấm. Một phi vụ như hàng trăm phi vụ tôi đã bay, có máu đổ, có người chết, bom đạn nổ tum lum, chẳng có gì đáng nói ở đây. Tôi không còn nhớ nhiều, chỉ nhớ rằng chiến trường lúc đó găng lắm vì chúng tôi hướng dẫn đánh bom gần sát phi trường. Tôi không nhớ rõ, không hiểu vì một lý do nào đó, (có thể vì khu trục đánh trật lất, có thể vì pháo binh bắn như hạch, cũng có thể vì bị chúng nó bắn … teo chim quá) tôi đã chửi thề tùm lum trên vô tuyến, một điều cấm kỵ. Số tôi xui cho nên Thiên Phong, danh hiệu truyền tin của anh Năm, tư lệnh mặt trận, đang bay C & C, cũng đang theo dõi trên tần số. Nhưng anh Năm không nói gì trên tần số, có lẽ vì anh thấy tôi bay quá đẹp, quá hết lòng. Nhưng nửa chừng, có người trong phi đoàn gọi tôi qua tần số giải tỏa nói chuyện gấp. Ở tần số giải tỏa, một đàn anh phi đoàn xài xể tôi, cho tôi biết có tư lệnh chiến trường trên tần số, chú coi chừng cái miệng của chú, nếu không muốn ăn 15 ngày trọng cấm. Tôi dạ thưa ngon lành rồi tiếp tục bay, lâu lâu lại… tiếp tục chửi thề. Đại úy Huy bay với tôi bực mình phán, “Mẹ, thằng nhóc này chưa thấy quan tài chưa đổ lệ.”
Sure enough, buổi tối, biệt đội trưởng phi đoàn 114 nhận được cú điện thoại của anh Năm. Anh hỏi chiếc Mustang (hồi Mùa Hè Đỏ Lửa phi đoàn còn mang danh hiệu Mustang, chưa đổi qua Sao Mai) gì đó, ai bay vậy. Còn ai trồng khoai đất này, thiếu uý Nhị đó, thưa trung tá. Xếp tôi trả lời rồi quay lại nhìn tôi, mặt mày hầm hầm làm như chỉ muốn ăn tươi nuốt sống, chờ đợi những lời quở trách sỉ vả của anh Năm. Nhưng hình như anh Năm đã không sỉ vả, vì tôi không nghe đại úy Huy nói gì, lâu lâu lại cười nhẹ. Cuối cùng anh nói cám ơn trung tá rồi cúp máy, mặt mày tươi tỉnh. Đại úy Huy nhìn tôi bảo: “Ông Tuyền khen em bay đẹp, biết đánh giặc, nhưng trên tần số từ này về sau phải ráng giữ phép lịch sự. Chừng đó thôi.”
Mọi người thở phảo nhẹ nhỏm. Mẹ, hú cả hồn.
Nhưng tôi thương nhớ anh Năm không phải vì chút kỹ niệm nhỏ ấy. Tôi có nhiều lý do hơn. Trước hết, hãy nói đến cái căn cứ Không Quân Phù Cát.
Hồi đó, khi quân đội Mỹ rút, họ để lại cho chúng ta rất nhiều căn cứ quân sự với đầy đủ những trang bị. Và trong tất cả những căn cứ quân sự, căn cứ Không Quân là mắc tiền nhất, có thể nói gấp trăm lần những căn cứ khác. Đừng nói gì đến những ụ phi cơ xây bằng hàng ngàn triệu tấn xi măng, hãy nói đến những dãy nhà BOQ (Bachelor Officer Quarters), một loại cư xá độc thân dành cho phi công. Mỗi một BOQ khoảng vài chục phòng, mỗi phòng đều có điện thoại riêng, giường nệm, bàn tủ, đèn, vân vân, nhưng quan trọng hơn cả, máy lạnh. Mỗi BOQ còn có những nhà tắm với máy nước nóng, một giấc mơ của mọi người. Đấy là chưa nói đến những phòng giải trí có bàn bi da, có Ti-vi màu, ghế sa lông vân vân.
Căn cứ Phù Cát rất lớn, coi như một thành phố nhỏ, đầy đủ với bệnh xá, tổng đài điện thoại, nhà máy phát điện, nhà máy lọc nước vân vân.
Nước Mỹ giàu sang hùng mạnh, người Mỹ đi đến đâu cũng ăn ở như vua chúa, dù ngay cả trong rừng. Vì thế, căn cứ Phù Cát là một thiên đường nhỏ với những tiện nghi đầy đủ như một thành phố của Mỹ là một chuyện thật, chẳng có gì đáng nói ở đây. Cái đáng nói là, hổi đó, thường thường, những căn cứ đồ sộ và vĩ đại của Mỹ để lại, giao cho Việt Nam ta thì, đa số, chỉ trong vòng vài ngày, nó biến thành… một dãy đất hoang với những cột kèo nằm chỏng gọng và trơ trụi bởi vì quân dân ta đã làm thịt nó sạch sẽ. Thật ra, ngay cả những cái cột kèo kia, bởi vì bị chôn xuống nền xi măng nên thiên hạ không lấy được, nếu bứng đi được thì chúng nó cũng biến mất tiêu rồi. Ngay cả cuộn hàng rào dây thép gai, bóng đèn điện mà còn bị ăn cắp thì nói gì đến những cái ti-vi, máy lạnh, tủ giường, những máy nước nóng trị giá hàng trăm ngàn đồng Việt Nam thời đó. Chuyện này xảy ra hàng ngày khi người Mỹ rút, ngày nào báo chí chẳng loan tin. Và chẳng ai làm được gì cả.
Nhưng Không Quân Việt Nam được may mắn hơn nhiều. May mắn là bởi chúng tôi có những người chỉ huy trong sạch như tư lệnh Không Quân, trung tướng Trần văn Minh, như Đại Tá Nguyễn Hồng Tuyền và nhiều vị khác nữa…
Đại Tá Nguyễn Hồng Tuyền nhận bàn giao căn cứ Phù Cát, Mỹ giao như thế nào thì mọi thứ vẫn còn y nguyên như vậy, không thiếu một con bù lon, một sợi dây điện. Thậm chí, có vài anh lính Mỹ, có lẽ nghe lời xúi quẩy của vợ Việt Nam, chở máy lạnh ti-vi ra ngoài cho vợ, đã bị anh Năm cho Quân Cảnh Mỹ-Việt chận bắt tại ngoài cổng phi trường. Còn lính Việt Nam thì khỏi nói, anh Năm ra cho một toán an ninh nằm canh thường trực ngoài cổng hàng rào 24/24, tất cả xe cộ, không cần biết của ai, ra vào đều bị khám xét kỹ càng. Tôi nghe nói là cả xe của anh Năm cũng bị xét luôn. Thế là chẳng có ai còn dám nghĩ đến chuyện ăn cắp đồ đem ra ngoài bán.
Nhờ sự thanh liêm và tài giỏi của anh Năm, anh em Không Quân chúng tôi, mỗi khi đi biệt phái Phù Cát, đều được ở phòng máy lạnh, tắm nước nóng, coi tivi màu, đánh bi da, hưởng mọi đầy đủ tiện nghi như một phi công Mỹ.
Rồi Mỹ rút, miền Nam Việt Nam mất nguồn đô la vĩ đại, bước vào tình trạng kinh tế suy tàn, lạm phát phi mã. Mãi lực đồng lương của một triệu người lính QLVNCH, vốn đã ít ỏi khiêm nhường, bây giờ lại càng trở nên teo tóp nhỏ hẹp lại, gây khổn khổ cho họ và gia đình họ. Cả nước Việt Nam lầm than khốn khổ…
Lính đói, lính nghèo, chuyện này ai cũng biết, nhưng chẳng ai làm được gì, từ ông tổng thống xuống tới ông phi đoàn trưởng Không Quân, ông đại đội trưởng bộ binh.
Nhưng anh Năm lại làm được, đó là chuyện thứ hai tôi muốn nói ở đây…
Anh Năm thương lính, biết anh em quân nhân và gia đình nghèo khổ, cần được giúp đỡ. Anh nẩy ra một sáng kiến độc đáo, những sáng kiến chỉ có thể nẩy sinh ra trong đầu óc những người chỉ huy tài giỏi, biết yêu dân thương lính thật tình. Thấy đất phi trường rộng rãi, cỏ mọc khắp nơi, anh liền cho nuôi một đàn dê. Thả dê có nhiều cái lợi. Lợi thứ nhất là dê gặm cỏ, khỏi mất công lái máy cày cắt cỏ, phi trường được sạch sẽ và an ninh. Thứ hai, dê lớn, lâu lâu thịt một con, ăn cả đại đội. Nuôi dê xong, anh Năm còn cho nuôi bò, khuyến khích anh em tự lực cánh sinh. Chưa hết, anh Năm còn theo dõi kiểm soát để câu lạc bộ trong phi trường bán giá vừa phải nhưng đồ ăn thức uống ngon lành, đỡ túi tiền những người lính nghèo như chúng tôi.
Những chuyện này hổi đó không ai thấy, đến chừng thấy ra được thì đất nước không còn nữa. Than ôi, thương anh quá đi anh Năm yêu dấu ơi.
Rồi mất nước, rồi lưu lạc…
Khoảng năm 99, tôi đang tạm cư ở San Jose, trong một Đêm Không Gian, đang ngồi trong bàn rượu bỗng có một mâm bia Heineken đem tới bàn tôi ngồi. Người bồi chỉ tay nói của cái ông ngồi ở cái bàn xa tuốt bên kia mời. Tôi không biết ông ta là ai nên đứng lên đi tới để cám ơn. Chưa đến gần thì tôi đã nhận ra người tặng cho tôi chầu bia là anh Năm. Tôi cảm động vô cùng, ngồi xuống bàn anh, cám ơn anh Năm. Chúng tôi tâm sự khá lâu, nhắc nhở nhiều chuyện ngày xưa, chuyện bây giờ. Có những chuyện nhỏ, tôi tưởng anh không nhớ nhưng anh lại nhớ. Đó là chuyện ông thiếu uý du côn, bay rất đẹp, đánh giặc rất tới nhưng chửi thề tùm lum trên tần số. Anh Năm còn kể, hồi đó mặt trời của vùng 2, tức tướng Toàn cũng có trên tần số, nghe tôi chửi thề nên bực mình lắm. Tư lệnh vùng mà bực mình thì nhất định phải có thằng bị nhốt, anh Năm phải khéo léo để đỡ đạn cho thằng em phi công mà anh không hề quen biết. Chuyện này hổi đó anh không nói, không kể, bây giờ mất nước rồi, anh kể lại cho vui.
Sau lần gặp gỡ vui vẻ đó, chúng tôi chẳng còn có dịp gặp nhau. Chuyện này dễ hiểu, bởi cuộc đời chúng ta luôn luôn bị chìm đắm bởi đủ thứ chuyện lẩm cẩm nhưng quan trọng, như chuyện cơm áo, chuyện gia đình, vân vân, ít ai có thì giờ để nghĩ đến ai. Nhưng anh Năm thì khác. Anh vượt lên trên tất cả những chuyện đó. Thỉnh thoảng, cỡ vài tháng một lần, anh Năm bỏ thì giờ để gọi điện thoại thăm từng đứa em một. Anh thường gọi cho tôi, hỏi thăm thằng Út phi đoàn 114 dạo này ra sao. Tôi biết lúc đó anh bị đau thận đã lâu, mỗi tuần phải vào nhà thương để lọc thận, thế mà anh không bao giờ nói hay than thở về bệnh tình của anh, chỉ hỏi thăm đàn em và nói chuyện Không Quân, rồi bắt qua chuyện văn chương thi phú.
Đầu năm nay, tôi bị ung thư xém chết, phải vào nhà thương điều trị. Anh Năm nghe tin, liền gọi và email tới tấp hỏi thăm. Tôi cảm động lắm, nhưng mệt quá, nói điện thoại cũng không đủ sức, không suy nghĩ được nhiều, nên nói chuyện với ai cũng trả lời nhát gừng, có khi bị gián đoạn nửa chừng. Rồi một ngày tháng Sáu, anh Năm lại gọi. Tôi đã khỏe nhiều và bắt đầu nói chuyện lai rai được. Anh Năm hỏi, chú út mở “Facetime” để anh nói chuyện và coi mặt mày chú út lúc này ra sao. Tôi xài Samsung Android nên không có facetime, lại đang mệt mõi, nên nói với anh Năm để lần sau…
Nhưng chẳng bao giờ có lần sau để cho chú út gọi anh Năm nữa…
Sau đó, vợ chồng tôi bận rộn chuyện dọn nhà, rồi cơn bão Ida tràn vào thành phố, điện bị cúp gần tháng trời, rồi hàng trăm ngàn thứ chuyện để lo toan. Đùng một cái, một buổi sáng, đọc trên email, anh em Không Quân thông báo anh Năm đã ra đi. Tôi giật mình đau đớn.
Đau đớn bởi vì, đáng lẽ ra, tôi là người phải đi trước anh Năm. Tôi là người khi còn nằm trong nhà thương đã nhận được điện thoại của anh Năm, khuyên tôi ráng giữ gìn sức khỏe, chúc tôi đủ mọi thứ, cầu nguyện cho tôi. Nhưng tôi vừa lành bệnh, chưa kịp nói một lời cám ơn, chưa kịp… facetime với anh thì anh đã ra đi…
Đối với những người mình quý mến hay quen biết, nghe tin ai đó ra đi đều là một chuyện buồn. Nhưng anh Năm ra đi làm cho tôi đau đớn vô cùng. Đau đớn vô cùng, không nói quá, bởi tôi nợ anh Năm nhiều món nợ ân tình. Nợ anh ngày xưa đã cho anh em chúng tôi được hưởng một căn cứ Không Quân đầy đủ tiện nghi, nợ anh ngày xưa đã không nhốt tôi khi tôi lầm lỗi, nợ anh khi được ăn uống câu lạc bộ với một giá rẻ với đồ ăn ngon… Anh ngày xưa làm lớn, mình nhỏ thì chuyện nợ anh cũng là chuyện thường. Nhưng mất nước rồi, qua Mỹ, vẫn còn nợ anh thêm nữa. Nợ anh khi anh đã tặng tôi một mâm bia Heineken trong một Đêm Không Gian ở San Jose, nợ anh với những cú điện thoại anh đã bỏ thì giờ thăm hỏi, và cuối cùng, nợ anh vì một facetime anh muốn xem mặt tôi mà không xem được…
Chú út xin gập đầu quỳ lạy trước hương hồn anh Năm, ứa hai hàng lệ. Như em đã viết, nợ tiền nợ bạc thì dể trả, nhưng nợ ân tình thì khó trả vô cùng. Và có thể, sẽ không bao giờ trả được…
Sáng hôm đó, buồn quá, tôi gọi cho đại úy Thành, trưởng phòng nhân viên của sư đoàn 6 Không Quân, để tâm sự. Đâu biết rằng, anh Thành lại gọi anh Năm là cậu. Hai anh em tâm sự một lúc…
Vẫn biết rằng, số phận của con người, kể từ thuở xa xưa, là Sinh Ly Tử Biệt. Sinh ra là chia lìa, chết đi là từ biệt. Đứa trẻ sinh ra đời là chia lìa xác thân với người mẹ, đó là Sinh Ly. Con người lớn lên, nhắm mắt chết đi là từ biệt cuộc đời, đó là Tử Biệt. Sinh Ly Tử Biệt, nghe sao đau đớn và thấm thía trong những giây phút này. Ai trong chúng ta rồi cũng đến giây phút đó, khác nhau chỉ là sớm hay muộn mà thôi…
Thôi nhé anh Năm, vùng trời nào đó anh đã bay qua, như lời một bài hát, sẽ còn lại đây những sáng bao la, trong lòng tụi em. Mãi mãi trong lòng tụi em, những người lính Không Quân của QLVNCH. Anh hãy yên nghỉ trong lòng yêu thương kính mến của anh em Không Quân, của quân dân miền Nam.
Khóc Thương Anh
Trường Sơn Lê Xuân Nhị
Chú út phi đoàn 114
11/16/21