thư về trường cũ – nguyễn thị hoàng

Thư về trường cũ

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng
(cựu học sinh Võ Tánh – Nha Trang 1957 – 1959)

Trường đã xa xưa.

Nhiều bạn ngỏ ý muốn tôi góp vài trang vào tập san “Lưu bút ngày xanh” của cựu học sinh Võ Tánh. Viết gì trong khoảnh khắc cái khinh khí cầu đã trút bỏ hết tổng lượng cát xuống đồng bằng hạ giới, mong ước bay về cõi mới riêng tư. Trích gì trong mớ bản thảo ngổn ngang như rong rêu sỏi đá một đời mình.

Đành thử thu góp phân thân, bé nhỏ lại như thời mười mấy tuổi lần đầu tiên găp bạn, giả tưởng một mùa hè viết lưu bút cho nhau, chia tay và hẹn gặp. Như chỉ là một năm học qua đi. Mà cả cuộc tử sinh mấy mươi năm từ ấy đến giờ. Cuộc đời vội vã như mới sáng sớm đã chiều hôm, mỗi người làm chưa xong kịp phần việc chung riêng, mà kỳ thực đã ngàn muôn năm trôi qua, bởi vượt thoát khỏi khổ nạn truân chuyên soi sáng dẫn dắt được bản thân mình chúng ta đã chết sống từng giây phút, mỗi hồi sinh là một chuyển kiếp bàng hoàng.

Nên, chẳng còn lại dấu tích nào trên bãi bờ hiện tại bình an, sau cơn đóng tàu thể tính. Chỉ đôi khi, từ khi một tiếng gọi, một dư vang xa xôi trong thiên nhiên, như thời gian không gian của nắng và không gian – thời gian của gió, ta cảm nhận được buổi trình chiếu lại êm đềm và lặng lẽ của hồi ức tưởng đã đóng băng, về tâm cảnh những buồn vui đã mất.

Đâu đó, lướt thướt hiện về từng sắc bóng cũ, như nhìn từ khung toa xe lửa biển trời, cây cối nhà cửa trôi ngược chiều dưới khói trăng xanh. Biết đâu chúng ta đang vô hình ngắm lại bầy hữu hình không bao giờ có thật ấy. Không có thật vì đã có rồi không. Cái không ấy tương tự hoặc chính là từng tâm ảnh ta phóng hóa từ ảo – niệm mà ngắm nhìn ân cảm.

Phân định để thanh thản cùng nhau: buồn vui gì đời cũng qua rồi và mỗi một cùng tất cả trong buổi trình chiếu khoảnh khắc hay thiên niên chỉ là ác mộng hay huyển mộng bên kia bờ dĩ vãng. Cái huyễn mộng dịu dàng thân thuộc ấy, dù sao thì cũng có thật hơn ta, vì giờ đây ta thấy nó mà không nhìn ra ta nữa. Có phải không nào cả bạn và tôi. Vầng cây thâm u phủ bóng đi về năm ấy và nhiều năm sau trước, bây giờ biến mất nơi đâu. Nếu phải thấy phơi mình trơ trọi trước nắng mưa cũng đừng xót xa gì phù thế. Bởi những gì đã mất phải còn, còn hoài thì còn được đến bao lâu trong cuộc hóa sinh trùng phùng phải luôn luôn thay đổi. Cái trường tồn vĩnh cửu không gắn kết được vào vật chất hình hài vôi gạch thì tìm về trong cảm niệm vô tận chôn sâu.

Tôi quên đã làm gì năm trước, đã ra sao ngày hôm qua, nhưng nhớ về một thuở bất cứ là thuở nào trong quá khứ trường thiên ấy, thì rõ như xem phim, những khúc phim lung linh từ đạo diễn định mệnh một đời người. Bọn họ gặp lại thường cãi cọ nhau vì trí nhớ lu mờ, kẻ này lớp nọ, lớp kia, sai sai đúng đúng. A, B, C gì cũng những lớp cùng thời, chia nhau chung thời gian, không gian trong lòng trường là bạn, quen lạ gì, cũng đã biết đến nhau, thân sơ ít nhiều tùy theo góc độ và sắc tính mỗi hiện diện. Tôi đã có một chỗ ngồi đặt định mà không hề đoán biết trước, trong tấm lòng trang trải hồn nhiên của bạn, lúc chuyển trường từ Huế đến Nha Trang, 1957, thuở rặng tóc dừa còn mượt mà phủ xuống bờ cát vắng chưa dấu chân người. Một thứ học trò vẫn nghe tiếng thầm vô thinh từ mình hơn lời giảng, bất kể bài gì và thầy nào. Nhìn lên mà chẳng thấy. Không nhìn ra mà vẫn thấy ngoài kia. Sân sau, cát trắng nhấp nhô hàng loạt dấu chân người như sóng dợn, dưới một vòm trời miền biển phơi phới cao xanh sắp sửa vào hè. Lớp học có bao nhiêu bàn không biết. Mỗi bàn có những ai không biết, chỉ như chút hắt bóng những đốm đèn lắt lay tương cảm, vài nét mặt, vài dáng điệu trên bình thường một tính-cách-cần-thiết-phải-học-trò. Con gái chỉ chừng năm bảy đứa. Phần còn là con trai. Quá ít nên ghét thương gì cũng nhớ. Đôi mắt thường mở lớn một ngạc nhiên cuốn hút của Thanh Tiềm chuyển niềm vui vừa hớp hồn đâu đó từ ngắm nhìn bắt gặp xuống đôi môi tròn rõ nét cái mỉm cười làm xiêu đổ dáng đi. Cái nhìn thẳng và trong rất Pier Angeli của Mộng Hoàn chiếu xuống ngấn mũi xinh ngon kẹo tây và gò má trắng mát thạch xoa gờn gợn hình thánh nữ trong tranh nhà thờ. Một vẻ gì luôn luôn sáng mát linh động trên khuôn mặt tưởng là đằm thắm với răng môi tươi dòn như lời đùa nghịch trêu nhau của Ngọc Đàn. Tóc mắt đen muồi và dáng người lướt thướt của Ngọc Trai. Vẻ đẹp toàn thể thuần hậu dịu dàng rất Bắc-ngày-xưa của Thủy, cái nhìn sáng tỏa, gửi trao, thăm thẳm mà vội vã như chỉ kịp cảm nhận cái thoáng qua rồi cất dấu xuống đáy lòng.

Còn cái đám con trai chưa bao giờ quen, nói chuyện hoặc ngó nhìn trực tiếp ấy. Vậy mà lại nhớ nhiều và nhớ kỹ vì lắm điều gây chú ý. Kỳ và Tâm đọc tiếng Anh trầm lướt như đài, giọng Đạt lại yếu mềm như con gái. Quế đỏ mặt mỗi lần bị gọi lên bảng. Minh nghịch phá nghênh ngang bất kể. Cuối lớp là Vinh, Chuyết, Sơn. Vinh đi mau, đầu cúi, hơi nghiêng về một phía như nặng trĩu mộng tưởng và hoài bão, kỳ thực là cúi xuống chỉ để chuẩn bị nhìn lên khi trực giác đánh hơi thấy đối tượng trong cự lý ưu đãi. Cái nhìn dù vậy vẫn khúc xạ trong khoảng cách im hơi, nên chợt bối rối, bàng hoàng. Phải nói là không phải về phía tôi mà cô bạn bên cạnh tôi. Chuyết thì thẳng và im như một loài tượng đẽo từ khúc cây tươi, nên ẩm ướt và khó cháy, nín lặng chịu đựng một bất công nào từ trời, không phản kháng – Bích Nô Cô đâu cần gì ý thức và vô thức, chỉ tấm lòng chan chứa ngây ngô qua trạm ải đời. Sơn thì đúng là núi, chỉ là núi mà chưa kiếp nào là rừng, trơ trọi, đơn độc, lúi húi như nhím, thoăn thoắt như cheo, hoẵng, xốc xếch như bụi gai, khát suối như sơn dương, phá phách như loài thất chí, ngất ngưỡng như gã cao sư – hình như họ là bộ ba những bộ tam, bộ tứ thường có trong mỗi lớp, mỗi người một tính cách, một phương hướng, nhưng vẫn theo dõi tìm kiếm cho ra nhau suốt cả đời còn. Con trai thì trung nghĩa còn con gái vì đa đoan nên thường ích kỷ, đó kỵ và bội phản nhau với lý cớ nọ kia như tấm khiên phòng thủ.

(NV Nguyễn Thị Hoàng thời trẻ)

Thế còn tôi, tôi là gì là ai trong bọn họ, ngày ấy, hôm nay. Bạn Trường thân mến, bạn đã đổi tên Võ Tánh rồi Lý Tự Trọng và ngày sau sẽ còn gì nữa, còn tôi thì ngoài cái tên và hồn tính bất biến dịch ngàn muôn năm, mỗi phút đều phải đổi thay đến không còn kịp nhận ra mình. Như tên thám tử ngốc tôi quan sát và theo dõi dấu vết kẻ ngoài mà hoàn toàn quên phần sống – chết mình. Tôi ra sao, là gì tôi hoàn toàn không thấy biết gì tôi, chỉ cảm thấy. Cảm thấy này, cảm thấy nọ, cảm thấy kia. Tôi rượt bắt và đấu kiếm với cái cảm để chết vì chính nó. Mỗi con người, từng giai đoạn hay trọn đời mình, phải có ai đó trong trường giao như là một tấm gương soi để nhìn ngắm thấy được mình trong đó. Một người theo một người, nhiều người theo một người, giữa bọn họ, tôi lưu lạc, chênh vênh, một màu tím Huế đơn độc giữa gió cát Nha Trang lao xao, đâu biết nơi đây bão tố đi qua, sóng thần trốc gốc cây đại thụ mấy nghìn năm còn để dấu trên tổ chim nào.

….Một người bạn lâu năm gặp lại vừa nhắc hồi ấy Thầy Thạch Trung Giả – giảng say sưa văn học Lý Trần, bắt học trò ban B toán ngồi nghe ông đọc bài luận văn tôi thuộc C văn chương. Thầy và Cô, có ai còn ai để nhớ? Phảng phất trong gió biển chiều màu hồng phấn, vàng chanh, xanh trời áo lụa cô Trâm và cái dáng cao uy nghiêm mà thân ái khiêm tốn của Thầy Dủ. Cái miệng mở ra mà không thấy khép lại của Thầy Quỳnh Anh văn khi đọc chữ gì “hâm râm cờ lấp”, giờ học dễ ngủ của Thầy Ngũ, kiểu giảng nói tiếng Pháp triền miên bất tận của Thầy Nguyên như đang đối diện với một rừng Tây quá khứ nào.

Tôi về đâu, đi đâu những tháng ngày nhớ Huế xa vời, chỉ có con đường đi học từ Bạn đến nhà trong Ty tiểu học cạnh trường Nam, nơi căn phòng nhỏ có cửa chấn song nhìn ra khung sân trường hắt hiu mấy cây bàng non lá. Ngoài kia là con đường Hàn Thuyên, nhà hàng La Frégate, Bưu điện, rồi bãi biển ngày đêm tiếng sóng vỗ buồn.

Tôi đến đó, để đi qua và về nơi khác hoàn thành cuộc trầm luân nguyện-nghiệp mình. Những năm đi xa trở về nhìn lại bạn, tôi chợt thấy mình xưa, tóc áo ngu ngơ, hồn vía sa đà lang thang mộng mị. Rồi những năm tháng phải gánh gồng qua đời dâu biển, xuống núi lên rừng long đong năm mươi con xuống biển năm mươi con lên non bởi chu kỳ khởi sử. Người ta ra đi, trở về, nhập dòng. Còn tôi thì không. Không ở không đi, không về, không đến, vì tôi là khách, mãi mãi là người khách của bạn. Chỉ để ngồi vào cái ghế định mệnh gài bẫy số rồi lên đường tiếp tục cuộc hành trình không cùng tận của kẻ tuần du qua trái đất ưu tư. Chẳng có gì để nhớ. Chẳng có gì để quên. Oán yêu gì, đời cũng đã qua đi, chỉ còn lại, lớp này rồi lớp khác như sóng trào, hoàn thành cuộc nối truyền bất tận ngàn xưa đến ngàn sau của biển biếc muôn trùng.

Sài Gòn, 19-02-2001

Nguyễn Thị Hoàng

(Nhị C/ VT 58-59)

—-
Trích từ “Lưu bút ngày xưa” của BAN LIÊN LẠC CỰU HỌC SINH TRƯỜNG TRUNG HỌC VÕ TÁNH NHA TRANG
.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *