Huynh Đệ Chi Binh – ( viết về Nhà văn Huy Phương và những chiến hữu của ông) – Nguyễn Hoàng Quý

Nguyễn Hoàng Quý
(Nha Trang)

 Trong giòng nhạc lính ở Miền Nam VN trước 1975 có một bản nhạc tôi không thích mấy vì ca từ phần nhiều đơn điệu, dễ dãi, không làm người nghe suy nghĩ, nhạc điệu không đánh động đến thế hệ chúng tôi như nhạc Văn Cao, Đoàn Chuẩn&Từ Linh, Phạm Duy, Cung Tiến… Đó là bản “Huynh Đệ Chi Binh” của nhạc sĩ Anh Bằng, có lẽ vì…viết cho lính! Dĩ nhiên, không ít người ngày ấy thích bản nhạc này và đây chỉ là cảm nhận cá nhân của người theo một giòng nhạc khác. Mở đầu nhạc phẩm có mấy câu sau: “Huynh đệ chi binh là gì đó anh Hai ? Huynh đệ chi binh là là huynh đệ chi binh… a la la Huynh đệ chi binh là mình cùng chung đời lính Thương nhau khác chi nhân tình Từ người deuxième cùi bắp Và rồi đi lên thượng cấp đều là huynh đệ chi binh”.

Tôi nghĩ đến bài này vì một sự kiện rất gần đây: Nhà văn Phạm Tín An Ninh sau khi đăng lên trang web của anh một bài viết: “Huy Phương – trên sân ga cuối đường tàu” (http://phamtinanninh.com/?p=5423) liền gửi qua email cho tôi đọc. Đây là lần đầu tiên tôi được biết đến nhà văn, nhà thơ đã cao tuổi Huy Phương, mà nói theo anh PTAN: Trong binh nghiệp, anh cầm bút nhiều hơn cầm súng. Tôi đã buông súng, nhưng anh thì chưa hề buông bút. Anh là một trong những người lính chiến đấu bằng ngòi bút cho đến giây phút cuối cùng, đã để lại cho đời, cho chiến hữu, bạn bè cùng thế hệ con cháu những “chiến tích” rất đáng được trân trọng, tự hào . . . .”.

Đọc bài viết của anh PTAN tôi thật sự xúc động và ngưỡng mộ những người lính VNCH ngày xưa, kể cả những người đã ngã xuống cho công cuộc chiến đấu bảo vệ Miền Nam VN. Tôi cũng quý trọng tình cảm của các anh với nhau tuy không cùng đơn vị, không cùng binh chủng. Điều này thể hiện trong suốt hai tập truyện ngắn do tác giả PTAN tặng và một số truyện rời trên trang web của anh. Tôi cũng như Phan Nữ Lan, bạn tôi, thật sự trân trọng tình cảm giữa anh PTAN và nhà văn Huy Phương, trân trọng những gì anh Huy Phương để lại cho đời, ít nhất trong những bài viết cộng tác với các báo Trẻ, Người Việt Dallas, Thời Báo hay Chương Trình Huynh Đệ Chi Binh do chính nhà văn đảm trách, đó là chưa kể những đóng góp khác với đài Truyển hình SBTN, Vietnam Radio, Người Việt Daily. . . Cách đây hơn 3 năm (tháng 4.2018) nhà văn Huy Phương cho trình làng “Tuyển tập 80 – Ga Cuối Đường Tàu”. Trong “Thay lời tựa”, anh viết: “Nếu cuộc đời là những chuyến tàu thì cuối cùng, chúng ta ai cũng có một nhà ga để xuống, có điều sớm hay trễ mà thôi. Và đến một tuổi, một lúc nào đó, chúng ta phải nghĩ là đã đến lúc sắp xuống tàu. Vì vậy tác phẩm này, hôm nay đến tay bạn đọc. được xem như là một nhà ga cuối, cuộn chỉ thời gian đã kéo gần hết, quỹ thời gian chẳng còn được bao nhiêu!”. Rõ ràng là nhà văn đã gửi cho người thân, bạn bè, độc giả những tâm huyết của mình đi kèm thông điệp nhắc nhỡ tất cả chúng ta (trong đề tựa) rằng ai rồi cũng sẽ đến “Ga cuối đường tàu”. Chuỗi liên tưởng trong tôi được khơi dậy ồ ạt, rõ ràng, sắc nét và nghĩ ngay đến cụm từ “huynh đệ chi binh” như tên bản nhạc lính mà tôi đã chép lại mấy câu ở đầu bài viết này. “Huynh đệ chi binh là mình cùng chung đời lính, thương nhau khác chi nhân tình. Chỉ câu này thôi đã lột tả tất cả tình đồng đội của những người lính ngày xưa!

Những năm bao cấp ở VN, đứa cháu gọi tôi bằng cậu có cấp bậc cuối cùng là đại úy SĐ 2 Bộ binh sau khi ở tù về, ốm yếu, vợ con nheo nhóc, phải về SG xin làm xã viên cho một HTX tái chế lốp xe. Chịu không nổi áp lực công việc, cháu bị bịnh lao phải bỏ việc. Vậy là anh em đồng môn Khóa 25 VBQGVN biết tin đã rủ nhau góp tiền để hỗ trợ cháu và gia đình. (Tôi biết điều này từ một người cùng khóa với cháu ở cùng thị trấn với tôi kể lại). Tôi cũng có đứa em họ vừa học xong Đại Học CTCT Đà Lạt đúng vào tháng 4.1975, về quê làm ruộng, không may bị bệnh phải mổ đầu gối đầu vào năm 2010. Nhà nghèo, không có tiền trang trải. Vậy mà những cựu đồng môn của em trong và ngoài nước đã rủ nhau đóng góp để giúp em qua đợt giải phẫu thành công. Rõ ràng, đây là những thứ tình chiến hữu bao la, to tát mà tôi biết được dù rằng đâu đó trên đất nước này vẫn không thiếu những trường hợp tương tự và có lẽ còn hơn thế nữa!

Trong email vừa gửi đến tôi hai ngày trước, anh Phạm Tín An Ninh kể rằng: “Tình trạng sức khỏe của anh Huy Phương rất yếu, lúc này chỉ biết tính từng tháng, từng ngày, thật tội nghiệp và thương anh quá! Có điều là anh ấy và cả chị đều đã “ngộ” lẽ đất trời, nên chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận số phận được an bài một cách thanh thản. Cả tuần nay, tôi cùng với Gs Trần Huy Bích ( nguyên giáo sư Văn Hóa Vụ Trường VBQGVN), Nhà văn KQ Võ Ý (nguyên Tr. Tá Phi đoàn trường Phi đoàn 118 Quan Sát Pleiku) và Nhà văn TQLC Tô Văn Cấp ( nguyên Th.Tá thuộc Phòng 3/BTL/TQLC)) gợi ý và phối họp với Ban Chủ Nhiệm Nguyệt San KBC ( qua Chủ bút Nguyễn Đình Hiếu, con rể của Giáo sư/Nhà văn Doãn Quốc Sỹ), kêu gọi những bạn văn có quen biết anh Huy Phương viết bài, để ấn hành một Nguyệt San KBC số đặc biệt “Huy Phương – Chúc Thư Của Một Ngưởi Lính Già“, như một món quà dành cho anh Huy Phương, cũng thay lời tri ơn và (có thể) chia tay anh”. Chắc chắn đây là niềm an ủi đối với gia đình và những người ngưỡng mộ anh Huy Phương và cũng sẽ tạo xúc cảm cho giới văn nghệ trong và ngoài nước. Anh Huy Phương xứng đáng được nhận những tình cảm quý hóa này.

Từ tấm lòng một người bạn vai em của anh Phạm Tín An Ninh (nếu anh cho phép như vậy), từ tấm lòng của cô bạn Phan Nữ Lan, tôi viết những dòng này như một lời cám ơn những tình cảm trên với lòng mong ước nhà văn Huy Phương sẽ qua cơn nguy kịch để có thể ngồi điềm nhiên ký tặng người thân và bạn bè “Chúc thư” mà Nguyệt San KBC đã góp tay thực hiện để tác phẩm được ra mắt. Vì biết tôi ở trong nước, không thuận tiện để có thể nhận được Nguyệt San KBC đặc biệt này, nên anh PTAN đã ưu ái gởi cho tôi và cô bạn Phan Nữ Lan bản layout. Đọc qua từng trang, từng dòng, chúng tôi thấy lòng chùng xuống, ngậm ngùi trước hình ảnh của những người lính già và ngưỡng mộ các anh khi cả một đời cầm súng, rồi cầm bút và đặc biệt là cái tình “huynh đệ chi binh” mà quí anh đã sống, hành xử với nhau cho tới những giờ phút cuối của cuộc đời.

Thành thật cám ơn quí anh, cám ơn Nguyệt San KBC và xin Ơn Trên ban bình an cho tất cả.

Nha Trang, 06.6.2021

Nguyễn Hoàng Quý

2 thoughts on “Huynh Đệ Chi Binh – ( viết về Nhà văn Huy Phương và những chiến hữu của ông) – Nguyễn Hoàng Quý

  1. Phan Nữ Lan / Thái Lan

    Cám ơn anh Hoàng Quý với những lời lẽ thật chân tình, cảm động…Trong nhiều tháng này khi được làm việc với anh Phạm Tín An Ninh- thật là một cơ duyên rất đáng trân trọng – và từ sau 75, đọc được những tác phẩm, những hồi ký của quý chú, quý bác, quý anh về những thảm cảnh sau cuộc chiến của các anh, và quý phu nhân- L không khỏi đau lòng xót xa…trước những sự thật quá phũ phàng – đó là một lý do để L đang tiến hành việc để hậu thế có thể hiểu được phần nào những đắng cay nhục hình của những vị đã hy sinh xương máu để bảo vệ lá cờ vàng…nhưng rồi…kết quả là đâu…?
    Cám ơn anh Huy Phương với bao nhiêu tuyệt tác vạch trần mọi khía cạnh của cuộc sống… và cầu xin Ơn Trên để anh vẫn sẽ còn ký tặng những bài viết của anh, hoặc những thành phẩm của tình Huynh Đệ Chi Binh.
    Và nhất là thưa anh Huy Phương, lúc anh qua Dallas (xứ cao bồi Texas) để ra mắt “Ga Cuối Đường Tàu”, L phải qua Úc làm bổn phận cao cả (giữ cháu), nên lúc về chỉ được nhận lời đề tặng sách của anh qua bưu điện, rứa là anh còn “nợ” L mục này, và trực tiếp đó thưa anh.
    Mong anh thật khoẻ lại để “trả nợ” cho một “quạt bự” Big Fan của anh, cũng như tất cả quý vị trong QLVNCH.
    Nhân tiện đây cho L xin cám ơn công lao và sự hy sinh to lớn của quý anh. Thương kính.

    Reply
  2. Phan Nữ Lan

    Và xin cám ơn chị Huy Phương cũng như tất cả quý vị phu nhân đã thật can đảm vượt bao truân chuyên đắng cay trong nhiều năm tháng dài đăng đẳng…

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *