Nghe đọc truyện PHẠM TÍN AN NINH – Nguyễn Ngọc Vỵ

 

Nguyễn Ngọc Vỵ

Phải nói đây là lần đầu một mình ngồi ‘NGHE’ đọc truyện (trong computer) của nhà văn Phạm Tín An Ninh (PTAN). Qúa khứ cũng có nghe đôi lần nhưng là nghe ké bà xã khi bả nghe đọc truyện gì đó của nhà văn Nguyễn ngọc Ngạn, nhưng chỉ nghe câu đựoc câu chăng chứ không chú tâm nghe như khi chính mình cố tìm cho ra truyện để mà nghe thì nó khác nhiều.

Thật ra thì tôi đọc (sách báo,tin tức, truyện…) nhiều lắm, đọc hằng ngày, thường những bài viết được mở ra trong computer, ‘truyện’ và ‘chuyện’… đủ thứ, chỉ cần banh mắt ra mà đọc, nhưng lần này thì khác, không phải đọc mà là…NGHE đọc.

Đúng là…đổi đời! Với tuổi này mà đời còn đổi, nhất là kiểu đổi lại rất hợp với cõi ‘cổ lai…’ xem ra cũng…hạnh phúc! Cũng bởi thế mà tự động nó phát sinh ra một vài chuyện … ‘đổi đời’ nho nhỏ khác:

Chuẩn bị thế ngồi, bánh kẹo, đậu phụng, thuốc bổ, thuốc cao máu, nước uống, mở quạt nhè nhẹ…v.v.v. Tịên liệu là…rất có thể sẽ NGHE lâu thì nằm ngả người ra cho thỏai mái, dãn xương cốt! Chí lý!

Nhờ những chuẩn bị đó mà …’cuộc’ NGHE rất ư là thú vị, tự thưởng cho mình hai chữ… ‘khôn ngoan’. Đã thế…tự nhiên … ‘buột cười’ thành tiếng: Phải chăng mình…méo mó nghề nghiệp? Mấy chục năm bỏ nghề (hành chánh) rồi mà sao nay còn ám ảnh, vấn vương! Cười xong…bùi ngùi…’tôi nghiệp’! Ai chẳng biết ‘Hành Chánh’ là…tiên liệu! Khốn nỗi, nó thấm vào não trạng mất rồi, làm sao mà mờ phai, dứt bỏ cho được!

Liên miên NGHE đọc một hơi, tưởng chừng như cảm giác khoan khóai đang len lén ru mình vào cõi …mộng, bỗng “Giật mình”!

Giật mình vì …Sao mà nghe cái ‘khúc này’…nó lại giống cái…‘khúc ấy’ của đời mình?

Ngồi dậy, xoa tay cho nóng, áp vào thái dương, giúp cho máu huyết dễ thông, mau tỉnh người…Nhận ra ngay: Không phải chỉ mình mình…’giật mình’ đâu, nội dung truyện kể kiểu này…tin rằng ai đó mà có dịp nghe hay đọc (những truyện của PTAN’), thế nào cũng có một khúc…không khúc nọ thì khúc kia, không cảnh này thì cảnh khác, chắc chắn phải có một lần…bạn phải…’bật ngửa’ người ra mà thú nhận rằng…’Ôi sao lạ…thế, y như cảnh ấy của đời mình!

Bằng chứng: Người bán sách trên bãi biển Nha Trang…’ đã vô tình gợi lại cho tôi biết bao kỷ niệm nơi Thành phố này. 15 năm sau ngày vượt biên, tác giả mới trở về Nha Trang, chứ tôi, tính tới 2012 là chẵn nữa thế kỷ,(1962-2012) chưa một lần trở lại Nha Thành lận! Lý do cũng gần như tác giả, sợ cô đơn! Sợ ngày trở lại cũng lại … lơ láo, trơ trọi một mình như tác giả trong ngày trở về từ ngục tù cộng sản!

Như đã nói, với tôi, Nha Trang còn có nhiều điều để nói:

Thân phận là những sinh viên dân sự, bị tống vào Đồng Đế,(đã có lệnh đi Thủ Đức, nhưng bị thâu hồi, gửi đi Đồng Đế), học chung với những Trung, Thượng Sĩ, kẻ 10, người 15 năm quân ngũ, từ chiến trường về học…Nghĩ đã ớn, làm sao mình đủ sức theo họ! Đã thế, nguyên một năm dài 1962, sống khép mình theo kỷ luật thép cùng chương trình huấn luyện của ‘Quân trường Đồng Đế’, nhiều lúc thấy…không đau gan (ăn xong là ra chạy), hộc máu (phơi mình trên cát nóng, lặn ngụp trong biển mặn, đọan đường chiến binh với những buổi ‘đi dây tử thần’, trượt núi, chết hay gẫy cẳng là thừơng) mới là lạ! Còn kỷ niệm nào đẹp, hào hùng hơn khi 4 đại đội khóa sinh của Tiểu đòan III Sĩ Quan hiện dịch, đã ngày đêm (sau giờ huấn luyện), luân phiên nhau, thứ hai…48(số hiệu các đại đội), thứ ba…49. thứ tư…50 và thứ năm…51, phân công nhau, đem sắt, cement, gạch, đá, gay nhất là nước, ráng trèo dốc Hòn Khô, nỗ lực xây đắp cho được bức tượng một quân nhân, cao 10m, đứng thế thao diễn nghỉ, ngay trên đỉnh đồi. Từ Thành Nha Trang hay du khách qua đèo Rù Rì, có thể thấy rõ bức tượng này, uy nghi, ngạo nghễ vô cùng, vậy mà, sau gần một năm chiếm đóng, chúng đập phá mất rồi!

Buồn thế đấy, về làm chi!

Nghĩ … thở dài, ngồi nghe tiếp, vẫn buồn, bèn bay lên Đà Lạt…

Không ngờ…Trời mưa Đà lạt’ , chỉ giúp cho sảng khóai những giây phút đầu, tuy mầu sắc chan hòa, hương hoa thơm ngát, cảnh trí nên thơ, tình tứ thật, nhưng chẳng được lâu, lắng nghe tiếp, chết lịm cả người! Thật đấy, không ngoa đâu!

Đúng là trớ trêu…Còn gì xót xa, khổ đau hơn khi hai kẻ yêu nhau mà chẳng được gần nhau! Thông thường thì vì hòan cảnh gia đình, nghề nghiệp hay tôn giáo…chẳng thể hợp hôn, phải chia ly…! Nhưng trường hợp của Thống và Nhất Anh lại khác. Lại là do hậu quả của chiến tranh, thời cuộc! Những tưởng Sĩ Quan Thống cô nhân tình Nhất Anh, trẻ trung, duyên dáng, thì đời … dễ thương, còn chi đẹp hơn nữa, nhưng thời thế đã không chiều người, thời cuộc đã…đấy Thống vào tuốt trại tù cộng sản, nơi có cái tên gian dối là ‘trại cải tạo’! Để rồi ngày phải đến, đã đến với Thống, những bạn tù, được phép âm thầm đem vùi xác anh nơi một hố chôn đầy nước! Chết thảm thế mà lâu lắm sau này…Nhất Anh mới biết!

Thương quá đi thôi!

Ai cũng biết, Đà Lạt vốn đã đẹp, nên thơ, phảng phất cảnh trời mưa nữa, nó càng thêm e ấp, trữ tình! Nhưng…‘Trời mưa Đà lạt’ bây giờ, ngay lúc ngồi nghe đây, không còn chi mơ mộng, nóđã vô tình khơi lại trong tôi một nỗi buồn tưởng chừng đã quên từ lâu, 45 năm rồi!

Năm 1967, Trung Tá Nguyễn hữu Mân, Tỉnh Trưởng Quảng Đức, Tỉnh tân lập dưới thời Tống Thống Ngô Đình Diệm, hôm ấy, chiều thứ bảy, trong lúc vội vã ra trực thăng, đứng ngay nơi cửa văn phòng tôi, nói vào:

-Anh coi nhà, tôi đi Đà Lạt bây giờ.

-Trung tá đi…Đi thăm Cô giáo phải không?

Không nghe ông nói gì, sau đó, người tùy phái nói cho tôi hay:

-Ông Phó hỏi, Trung Tá chỉ…cười.

Sáng thứ hai, trước giờ chào cờ đầu tuần, lần này ông ra sân sớm hơn mọi khi, cử chỉ thân mật, có vẻ ông đang vui, tôi hỏi:

-Anh đi Đà lạt…Cô Giáo khỏe?

-Cám ơn anh, vui vẻ lắm.

-Đích thị là cô Giáo Bùi thị Xuân phải không?

-Đúng vậy.

-Thế khi nào …anh cho anh em uống rượu đây?

-Chưa đâu, mau cũng phải mấy tháng nữa, phải chờ…xong ngôi nhà đã…

Đó là chuyện anh Mân tính…nhưng…đúng là…người tính, không bằng Trời tính!

Trong thời gian tôi đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ thì ở nhà…Anh ‘Tử nạn trực thăng’ trong chuyến viếng thăm Quận, xã và các đồn biên giới!

Cũng từ ngày đó, không chút tin tức gì về…Cô Giáo Bùi thị Xuân Đà lạt! Chẳng ai biết tên mà cũng chẳng biết người ‘bạn đời’ hụt của Anh Mân sau này ra sao? Mong rằng ‘Anh Linh’ Anh an nghỉ, còn người ‘Chị’ hụt, nếu còn sống, cũng có cuộc đời an lành, hạnh phúc, bằng như đã ‘Đi’ cùng Anh , nguyện ‘Hương Linh’ Chị…về ‘Cõi phúc’!

Lởn vởn trong đầu chuyện sống, chết, bỗng nghe có người...thay tên đổi họ trong ‘Những điều mơ ước‘. tỉnh người ngay.

Chuyện này ngày nay xem ra không mấy ai ngac nhiên, bởi thực tế có nhiều trăm ngàn người bỏ nước sống tại quê hương mới, thường đổi họ, thay tên mới khi đổi Quốc tịch. Ngay tại xứ sở mình, nhất là thời gian 1954, rất nhiều người từ Bắc vào Nam, cũng đã làm như thế, tăng, giảm một vài tuổi, bởi những lý do…cá nhân, thời cuộc!

Chính vì vậy mà chuyện Cô Dần trong ‘Những điều mơ ước’ mang tên mới ‘Mẫu Đơn’, vừa thơm vừa đẹp, có sao đâu, nên lắm chứ.

Đó là chuyện nhỏ, chứ…‘Những điều mơ ước’, còn có chuyện khác, khiến tôi ‘giật mình’ hơn: Mẫu Đơn là ‘Cô út’ thì tôi đâu có khác…cũng là ‘Cậu út’. Điều khác …là ‘Cô út’ còn có ‘Bà Nội’ chứ ‘ Cậu út’ (CU) thì chẳng còn Bà. Bà Nội ‘CU’ mất trước khi ‘CU’ ra đời! Buồn!

Ấy thế mà…dù mình không có Bà nhưng thấy ‘thằng nhà quê’ (không nghe rõ tên) trong…‘Nỗi buồn mùa thu’ cô đơn, vẫn thương nó nhiều lắm, nhất là khi biết nó chẳng còn được Má nắm tay giắt đi mãi trên đừờng làng Phú Hội! Mẹ nó…Qui Tiên rồi!

Ngẩn ngơ…thì ra mình còn thua nó! Mẹ Bắc, con Nam, mình làm chi có cảnh Mẹ nắm tay giắt đi đây đó, như nó từng có những giây phút hạnh phúc này! Mình thì…thậm chí Mẹ mất còn không biết nữa kìa!

Ngậm ngùi, vừa ngả người, chưa kịp nhắm…thì mắt đã hoa lên vì lá vàng rơi đầy phòng, nhìn quanh, chẳng thấy…nai, chỉ thấy mình ngơ ngác…!

Không biết phải nói sao, quanh quẩn mãi chốn ‘Mùa thu buồn’…cảnh nào cũng… ‘quyện’ vào mình thế này, chịu sao nổi, vội tìm tới ‘Xuân’.

Nhưng … Xuân này cũng chẳng khá! Cả một rừng Xuân nhưng sao chẳng phải xuân xanh, xuân mộng mà lại là xuân đầm đìa nước mắt! ‘Rừng khóc giữa mùa Xuân’!

Kiểu này thì trông chờ gì nữa, định mệnh oan nghiệt! Thân là một nữ sinh Võ Tánh ngày xưa, ngây thơ, xinh đẹp, biết bao giấc mơ đẹp đã và đang xây, chưa kể nhiều chàng trai chết mê, chết mệt, từng theo nàng trên…biển cát Nha Thành, rã chân rã cánh mà vẫn không bỏ cuộc. Thế mà…kết cuộc…mộng ấy chỉ một nửa thành! Vì đâu mà vành trăng lại nỡ…’Nửa in suối tóc, nửa soi sương rừng’!

Cuộc sống hôn nhân chẳng dài lâu, mới đó mà đã thành ‘góa phụ’, nay chỉ biết âm thầm dưỡng dục bé Thùy Dương, với tâm nguyện sống trọn được 4 chữ ‘Phu tử tùng tử’ là mãn nguyện, còn chuyện cháu Cao Nguyên, lúc nào ‘góa phụ’ cũng canh cánh bên lòng, thương nhớ con, nhưng…Nó và cả Cha Mẹ nuôi Nó (người sắc tộc), đều nhất mực từ chối lời yêu cầu cho Nó về sống chung. Thật không ngờ, thời cuộc đã đưa đẩy thằng Cao Nguyên, trai đầu lòng, anh trai bé Thùy Dương, trở thành một người…’sắc tộc’ chỉ sau mười mấy năm…lạc cha, lạc mẹ! Họ từ chối…vì…thực tế nhân sinh!(Nó không nói sõi tiếng Việt, quen đời sống du mục… không muốn xa Cha Mẹ nuôi…Cha Mẹ nuôi cũng không muốn mất Nó!). Xem ra chọn lựa của Cao Nguyên là hợp tình, hợp lý!(đồng ý với tác gỉa đấy nhá).

Thật ra chẳng mấy ai để ý tới cái tên Cao Nguyên này lắm đâu, nhưng tôi thì khác, nghe 2 tiếng cao nguyên là không thể quên những gì đã từng xảy ra tại vùng đất ‘chiến lược’ này.

Cứ NGHETrên chiến trường xưa’thì rõ: Không kể hàng trăm, hàng ngàn chiến sĩ’Vô Danh’, còn có nhiềutên tuổi lẫy lừng, xông pha chiến trận để bảo vệ Giang san, Tổ Quốc như Sĩ Quan Tài, Đức, Lâm, Mạnh cả Công Minh với Trung Tá Lý, Tướng Trần văn Hai...ngay tại chiến trường Ban mê Thuột, trận chiến mở màn cho thảm trạng mất miền Nam, 10/3/75 , bảo vệ phi trường Phụng Dực có Võ Ân, Trung Tá, quân số không nhiếu lắm, vậy mà…đã tử thủ đến viên đạn cuối cùng! Xứ đạo Châu Sơn, hầu hết giáo dân gốc di cư từ Bắc vào Nam 1954, chỉ với súng trường, lựu đạn do đòan thanh, thiếu niên nam nữ, dưới sự chỉ huy của Cha Tâm, đã kiên trì chiến đấu, cầm cự nhiều ngày. Sau khi cs chiếm được Tiểu khu, tòa hành chánh tỉnh, phi trường trực thăng, kho đạn và… nhất là khi Bộ Chỉ Huy Sư Đòan 23 bị chính ‘Bom’ ta bỏ ngay cửa hầm, đành phải rút trưa ngày 11 tháng 3, thì xứ đạo nhỏ bé này, mãi tới ngày 13/3, mới thấy chúng giải vào trại …’tù’ biên giới, những…xâu(10 người một xâu) thanh thiếu niên của xứ đạo! (đòan thanh thiếu niên áp dụng ngay chiến thuật du kích để chống cự, đêm đến, từng người, từng nhóm, dùng lưu đạn diệt các ổ tăng, bắn sẻ…!).

Phải nói, cuộc chiến ‘Quốc+ Cộng…quá tàn nhẫn! Cay đắng mà nhận rằng: Thực tế, chúng ta có hàng ngàn, hàng vạn…Kinh Kha, bước chân ra đi là biết…sẽ không về! Ngàn, Vạn cán bộ, quân nhân các cấp, chết trong tinh thần ấy, Họ……làm chi có mồ, có mả! Đã không có, làm sao tìm! Ông anh ruột bà xã tôi, tháng 7/1966, lái trực thăng chở phái đòan hỗn hợp Mỹ Việt từ Đà nẵng về Sài Gòn dự Lê Quốc Khánh của Hoa Kỳ, ngang qua vùng Đỗ xá, bị rớt…(chẳng thấy nói là bị cs bắn hay lý do kỹ thuật), 5 ngày sau, gia đình ra tận phi trường Tân sơn Nhất, nhận một ‘thùng sắt, cỡ thùng đạn Garant M1, bảo đó là hài cốt! Thương con quá, dù không được phép, Ông Nhạc vẫn cứ mở…! Xỉu luôn! Người ta không cho mở là đúng, vì…đó chỉ là một…’hộp đất bùn’ mà thôi!

Tới đây, đầu óc tòan…chết chóc, mệt quá, bèn ‘click’ vào hai chữ ‘Tiểu thơ’ , hy vọng may ra tìm được mơ và mộng.

Nhưng…ai ngờ, cái dụ…‘Tiểu thơ’ này còn hành hạ tâm trí hơn cả những …dụ đề cập tới ở trên! NGHE câu nào cũng đụng đến quá khứ của mình’ mới lạ! Từ chuyện chiếc ‘VeloSolex’ (phương tiện chở em từ lúc quen tới khi cưới), đến hai chữ ‘Gia sư’,(1957-1958- vẫn chưa quên ít cũng 2 lần cùng gia đình…tiểu thơ học trò đi tắm biển Vũng Tàu).

Thầu khóan...Những địa danh BMT(sống ở đó gần 5 năm) đến hai tiếng Nha Trang và tên Đại Tá Đỗ cao Trí, Chỉ Huy Trưởng Quân Trường Đồng Đế .v.v.v. Nhắc tới tên Đại Tá, chẳng phải mình tôi mà cả khóa 6 Quốc gia Hành chánh (18 mạng) cười với nhau mỗi khi nghe nói tới cái pharmacy...Vũ Huy Tân gì đó và bà Kim Chi, lâu ngày không nhớ rõ, nằm trên đường Độc lập Nha Trang, trong năm 1962.

Nhắc một chút vậy thôi chứ chẳng phiền trách chi ‘Tiểu thơ’. Xét cho cùng, chàng ‘Ngự Lâm pháo thủ’ này vẫn là người may mắn! Qua bao nhiêu lưu lạc, thăng trầm của cuộc sống, vẫn gặp lại được ‘Tiểu thơ’ của mình, tuy rằng không thể…nhưng vẫn…còn gặp lại để mà thương. “THƯƠNG CÔ NHƯ MỘT NGƯỜI EM GÁI”. Xứng đáng, ngọt ngào!

Một kết cấu đẹp, chân tình! NGHE mà vui, vui lây. Không vui sao được, dù không quen biết ‘Tiểu thơ’ nào từ trước, nhưng giờ tôi cũng có người…’EM MUỘN’, muộn còn hơn không! Em ở tân Oslo, bèn mượn luôn câu nói của ‘Tác giả’:…Thương Cô như một người EM GÁI’, để nói với em, hy vọng tác giả OK.

***

Quả thật, tham thì thâm…Ông bà nói không sai. Nghe lâu, mệt nhòai, sực tỉnh: Bỗng thấy tâm trí không ổn? Sao vậy? Áy náy chuyện chi? Chuyện riêng tư, thầm kín thì việc chi mà áy náy, cứ giữ cho riêng mình là yên chuyện. Tuy trực giác bảo thế nhưng lý trí thì…không! Thôi … thà cứ cởi mở, thú thiệt thì hơn:

Tôi bị nhiễm…’độc’!

Trời Đất!

Xin nói ngay…Chất độc đó không phải là…’poison-gas’ hay ‘poison-nut’ mà chính là…lối viết ‘truyện kể’ rất ‘thật’, sống động và rất là chi tiết của PTAN. Ôi…thật là…

Lối viết truyện này rất dễ gây cảm xúc cũng như tạo được ‘ấn tượng’ mạnh cho người nghe, người đọc (nếu như có xuất bản)! Nghe mà cứ như thấy được sự việc xảy ra ngay trước mắt, thấy được, sờ được, hỏi được, cào cấu, đấm đá được!

Tới đây, tưởng hết, nhưng thật ra, còn chuyện này, cũng nên nói ra một lần:

Thọat nghĩ tới chuyện NGHE đọc truyện của PTAN, cũng tưởng chỉ cần lắng nghe là đủ, thoải mái, khỏe, nhưng NGHE rồi, kết cuộc, không phải vậy. Sao mà nội dung câu chuyện nó cứ thôi thúc đầu óc mình…có thể nói…tất cả đểu là những ‘cảnh sống’ thường xảy ra, đúng với hòan cảnh trên quê hương mình chứ không phải chỉ là giả tưởng hay chiêm bao, nên cảm nghĩ có phần thay đổi.

Không muốn bỏ mất những nhận xét hiếm hoi này, nên…ngồi dậy…bắt đầu ‘gõ’.

‘Gõ’ một hồi, bỗng lại nảy ra thêm nhận xét khác:

Qua mười mấy truyện (11) mà bạn Nguyễn đắc Điều gửi cho, suốt mấy ngày, vừa ngồi, vừa nằm, có cả lúc vừa nghe vừa ăn vì …bà xã đem cho bát phở đúng ngay lúc nghe tới đọan khá hồi hộp, không nỡ…không thể ngưng, mà không ăn thì phở nguội, đành phải vừa nghe vừa ăn.

Mải kể lể, chút nữa quên cái nhận xét vừa trờ tới:

Mỗi truyện của PTAN quả thực là mỗi cảnh riêng, nó có cả một quá trình riêng, một ảnh hưởng, một số phận riêng, một gia tài riêng…Tất cả: Sâu sắc, da diết, oan nghiệt, đắng cay, đau, xót! Có truyện NGHE mà khoan khóai trong lòng, mát ruột, mát gan…Có truyện NGHE… nóng lòng, điên tiết, bầm gan, tím ruột nữa đấy! Hậu quả là…không khí bị ‘đấm’ oan mấy lần mới thở phào nhẹ nhõm được!

Nhận xét như vậy, không phải là để khen tác giả PTAN đâu, bởi những khen ngợi của một người chưa bao giờ việt truyện, dù thực tâm đi nữa cũng chẳng làm cho nhà văn ‘nở nang’ mặt mủi hay ‘nổi danh’ thêm. Tôi nói ra chỉ vì nghĩ…những thổn thức của mình cần được buông thả, nhân tiện, cũng muốn mách cho…bà con thiên hạ, ai vẫn tha thiết với đời mình, muốn tìm lại…mảnh nào đó trong quá khứ, cứ tìm sách, tìm truyện của Phạm Tín An Ninh mà đọc. Gặp liền.

Nguyễn ngọc Vy
4/2012.

Cước chú:

-Những chữ nghiêng là…Trích từ những truyện của nhà văn Phạm Tín An Ninh.-Những chữ… in đặm, gạch dưới và nghiêng là ‘chủ đề’ những truyện của tác giả Phạm Tín An Ninh.

Ghi chú của người chuyển bài viết :

Nguyễn Ngọc Vỵ tốt nghiệp khóa 6 Đốc sự QGHC, thủ khoa khóa Đào tạo Chuẩn úy hiện dịch tại Quân trường Đồng Đế-Nha Trang (1962),Quận Trưởng quận Bình Khê – Bình Định, Phó Tỉnh trưởng Hành Chánh các tỉnh Quảng Đức, Darlac và Phó Thị trưởng HC Thị xã Cam Ranh. Bị VC bắt khi tấn công Thị xã Ban Mê Thuột tháng 3,1975, trốn khỏi trai giam gần biên giới Việt-Miên và thoát khỏi Việt Nam di tản sang Hoa Kỳ cùng gia đình vào năm 1975. Một vợ và 9 con.

Hiện có một cháu nội gái theo học trường Võ Bị Quốc Gia West Point.

Định cư tại Houston,Texas

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *