Chân dung Phạm Tín An Ninh – (Ts Nguyễn Phụng)

CHÂN DUNG PHẠM TÍN AN NINH

Nguyễn Phụng

Từ lâu, tôi định viết một bài ngắn về nhà văn Phạm Tín An Ninh (PTAN) nhưng cứ dần dà hoài. Nhiều năm trong cuộc chiến, dù nhiều lần bị tiếng hỏa tiễn làm ù tai và khói lửa làm cay mắt, nhưng tôi chỉ là một người hậu phương, với kinh nghiệm chiến trường quá ít ỏi, suy nghĩ về cuộc chiến chỉ chạy vòng vòng qua năm ba câu chuyện bạn bè kể lại, mấy tờ nhật báo, mấy bút ký chiến trường của vài cây viết nổi tiếng và vài tác giả ngoại quốc quen thuộc. Với kinh nghiệm đó, tôi nghĩ tôi thiếu hẳn sự đồng cảm với PTAN — một chiến sĩ gan dạ, thao lược, từ tâm và chiến đấu gian khổ nhiều năm — để nói lên hết những điều đáng nói về tác giả. Mấy trang tôi viết dưới đây là những dòng phụ đề của bức hình PTAN tôi vẽ lên trong trí. Bức hình này chắc không rõ và không đầy đủ các góc cạnh vì sự thiếu đồng cảm đó; ước mong độc giả coi bức hình và những dòng phụ đề này như một lời cảm ơn muộn màng gởi đến người lính chiến Miền Nam PTAN và chiến hữu của tác giả*.  

1

Hồi cầm súng đánh giặc, PTAN là người lính chiến bền bĩ và gan dạ như bao nhiêu người lính Việt Nam Cộng Hòa khác; PTAN chiến đấu và chiến đấu; PTAN không ngang tàng, không bất cần đời như người lính Nguyễn Bắc Sơn:

Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui
Ngày vui đời lính vô cùng ngắn
Mặt trời thoáng đã ở phương Tây
Nếu ta lỡ chết vì say rượu
Linh hồn chắc sẽ thành mây bay

(Mật khu Lê Hồng Phong, Nguyễn Bắc Sơn)

PTAN cũng không lừng khừng như người lính Cao Tần nhưng yêu nước chẳng kém gì người lính tài hoa này:

Hai mươi tuổi ta đi làm chiến sĩ
Bước giày đinh lạng quạng một đời trai
Vừa đánh giặc vừa lừng khừng triết lý
Nhưng thằng này yêu nước chẳng thua ai

(Cảm Khoái, Cao Tần)

Tình yêu nước đó là máu huyết và hơi thở của PTAN dù chưa được tác giả trực tiếp nhắc đến, dù chỉ một lần, trong tác phẩm của mình. Điều đó dễ hiểu. Xông pha trong vòng lửa đạn, lý tưởng cao quý đó trở thành mục tiêu gần gũi nhất, thân cận nhất, ngay trước mặt: chiến đấu để sống còn và bảo vệ đồng đội. Lý tưởng cao quý đó là linh hồn của hầu hết các truyện và là sức sống và tình thương chan hòa nơi nhiều nhân vật của tác giả.

Tàn cuộc chiến, PTAN phải làm kẻ thua cuộc và bị đày đọa nhiều năm trong lao tù cộng sản. Tuy vậy, PTAN không hề mang mặc cảm nặng trĩu của kẻ bất tài hay không làm tròn bổn phận như Hà Huyền Chi “Giữ quê quê mất, giữ nhà nhà tan”. PTAN hiểu mình và hiểu sự đóng góp nhỏ nhoi của mình trong hoàn cảnh hẩm hiu của đất nước Việt Nam trước các mưu mô mua bán, đổi chác của các cường quốc. Rồi khi may mắn vượt thoát khỏi sự kiềm kẹp của người cộng sản để tìm lại “tự do của ngày nào” trên quê hương thứ hai Na Uy, PTAN không cay đắng như Thanh Nam; dù đã hít thở không khí tự do của nước Mỹ, Thanh Nam vẫn thường cứ tưởng như còn “Nằm giữa sa trường nát gió mưa”.

Hơn bốn mươi năm trôi qua, vết thương trên thể xác, vết chém trong tâm hồn, nỗi đau vì tù tội và nỗi buồn chiến bại vẫn còn đó nhưng chúng không băng hoại tâm tình trong sáng của PTAN, không gây chứng bệnh tâm thần hay ung thư như trường hợp Nguyễn Bắc Sơn:

Ta mắc bệnh ung thư thời chiến
Thoi thóp còn một trái tim khô
Sợ hãi con người hơn thú dữ
Nhìn nơi nào cũng thấy hư vô
Mai kia trong những ngày ngưng chiến
Ta chắc rằng không thể yêu ai
Nhà thương điên nếu còn chỗ trống
Xin chiếc giường cho xác tàn phai.

(Căn Bệnh Thời Chiến, Nguyễn Bắc Sơn)

Độc giả quen thuộc với truyện Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh (À l’Ouest, rien de nouveau) của Eric M. Remarque, thấy ngay rằng người lính PTAN khác hẳn với anh chàng lính Đức, Paul Bäumer. Paul bị hủy hoại thể xác, tình cảm, tâm linh, phải vất bỏ cảm xúc, lý trí để sống như súc vật và rồi kết thúc bằng cái chết hững hờ vì muốn nhìn một cành hoa dại ngoài miệng hầm. Trong cách nhìn đó, PTAN cũng cách xa người lính Pháp Bardamu trong truyện Cuộc Hành Trình khi Trời Tảng Sáng (Voyage au bout de la nuit) của Louis-Ferdinand Céline. Chiến tranh biến Bardamu thành người cay chua, bi quan về cuộc sống, oán trách xã hội, thù ghét loài người…

Mang thương tích trên thể xác và tâm hồn, nhưng PTAN không kết án hay bào chữa; hình ảnh cuộc chiến với hầm hố, mìn bẫy và tiếng bom đạn còn in sâu trong tâm trí, nhưng PTAN không thù hận; tiếc thương bạn bè ngã xuống và dân chúng chịu lầm than nhưng PTAN không đem sự đau thương đó làm nặng lòng người đọc. Và giờ đây, khi chia sớt tâm tình bằng ngòi bút, PTAN không tặng người đọc một món quà chua cay, một hàng rào kẽm gai — như A Gift of Barbed Wire của Robert S. McKelvey — một loại hàng rào làm bằng dây leo thời đại, loại dây leo đậm màu máu khô và thèm khát máu tươi

2

Ký sự chiến trường là một đặc điểm của văn học Miền Nam trước 1975, dồi dào đa diện và nhiều màu sắc cá nhân. Lý do chính của hiện tượng đó là người viết không phải viết theo đơn đặt hàng của chính phủ, không phải ca tụng một lãnh tụ hay một chủ nghĩa chính trị nào hết; tác giả viết theo tâm tình và nhận xét của mình, về một biến cố hay một trận chiến nào đó tùy theo cơ hội và sở thích. Đó là lý do tại sao bút ký của Phan Nhật Nam, Nguyên Vũ, Trang Châu… tuy cùng quy về cuộc chiến đấu mất còn để bảo vệ Miền Nam nhưng mỗi tác giả một vẻ riêng. PTAN nối tiếp truyền thống bút ký chiến trường đó nhưng đứng ở một góc riêng biệt.

PTAN là một sự trái ngược tuyệt đối của Phan Nhật Nam. Phan Nhật Nam viết với nỗi bất bình đang sôi sùng sục và hận thù mênh mông tiềm ẩn trong lòng. Phan Nhật Nam “viết bút ký như là một thứ cầu kinh trong niềm cô đơn đen đặc, viết bút ký để thấy những giọt nước mắt vô hình tha hồ tuôn chảy sau bao nhiêu lần nín kín, viết bút ký như một tiếng nức nở được thoát hơi sau hàm răng nghiến thật chặt thấm máu tươi từ đôi môi khô héo”. Phan Nhật Nam viết với một thái độ rõ rệt như khi cầm súng bắn vào giặc, người đọc tưởng như Phan Nhật Nam có thể bay theo viên đạn về phía địch và hét to vào tai quân thù: “Tại sao chúng mày bỏ vợ con, bỏ vườn ruộng vào đây để đốt làng xóm, để giết hại chúng tao? Tại sao? Tại sao? Tại sao?” Đó là thời Phan Nhật Nam tay cầm súng tay cầm viết; giờ đây, hơn bốn mươi năm trôi qua, Phan Nhật Nam trong Phận Người Phận Nước năm 2013 chẳng khác mấy Phan Nhật Nam của Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972.

PTAN không hò hét, không nghiến răng, không bặm môi; khi viết tác giả bình tâm, để cuộc sống lắng xuống thật sâu và lắng nghe tiếng nói của con tim — con tim của cả ngàn người lính chiến đã ngã xuống hay đang sống đâu đó trên xứ lạ quê người và con tim của bao nhiêu mẹ già, vợ hiền, trẻ thơ thổn thức vì đau thương do cuộc chiến gây nên mà tác giả đã gặp. PTAN không ồn ào; dòng chữ của tác giả là dòng nước mắt vô hình và lời an ủi vô thanh chia sớt và thoa dịu nỗi đau triền miên của cuộc chiến.

Hồi còn đánh giặc, chỉ trong bảy năm cầm súng, Nguyên Vũ cho ra đời hơn hai mươi tác phẩm nhưng ông cho việc viết lách đó chỉ là một “trò chơi”. Có lẽ Nguyên Vũ nói trong lúc cao hứng nhưng xét cho cùng, trong cuộc sống mà nỗi chết ám ảnh từng phút từng giờ, chiến tranh quả là một trò chơi quái ác, phi lý của con người, viết lách thành ra là một trò của cuộc sống — trò chơi để quên đời, như bao nhiêu trò chơi khác, rượu bia bài bạc…  

PTAN không viết để chơi hay quên đời mà viết để hít thở lại bầu không khí thơm mùi hoa cỏ của những miền đất nước mến yêu tác giả ngày nào đã đi qua, miền đất nước nay xa xôi, quá mịt mờ vì ai đó quá vô tình… PTAN viết để nhận định sự sống và chết của người lính chiến. Chết vì trái mìn, mảnh đại bác hay viên đạn không có mắt là cái chết tình cờ, không chờ đợi; chết vì không bỏ rơi đồng đội hay xông vào lằn đạn để cứu đồng đội là một hành động có ý thức, một lựa chọn, một lựa chọn mang ý nghĩa đích thực của sự sống. PTAN viết để tìm lại một thứ cảm giác mênh mang — cảm giác được sống còn nhờ cái chết có chọn lựa của đồng đội. PTAN viết để sống, sống trọn vẹn cuộc sống của người giã từ vũ khí; đó là cuộc sống không cần ý thức làm quen với nỗi chết để sống, một cuộc sống không có sự xung đột giữa hai ý tưởng đối nghịch — quyết tâm tiêu diệt con người và đem tình người đến cho con người. Xa rời bản năng tự vệ tác hại của con người, PTAN chỉ nhìn thấy tình người và viết để hâm nóng lại tình người chan chứa nơi các chiến hữu đã nằm xuống hay đang phiêu bạt đâu đó và nơi những người dân vô tội chịu đau thương vì cuộc chiến. 

3

Trước đây hơn nửa thế kỷ, qua tác phẩm Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử Nguyễn Mạnh Côn đem tình yêu nước thiết tha của một người trai trẻ để viết những trang sử đen tối của lịch sử Việt Nam, những trang sử đau thương do người cộng sản gây ra: Họ lừa gạt và giết hại những người Quốc Gia yêu nước, họ tuyên truyền mị dân để ru ngủ dân chúng, dùng đấu tranh giai cấp để giết hại dân lành vô tội, làm tay sai cho ngoại bang Nga, Tàu…

Lịch sử viết bằng tâm tình sẽ thiếu sót hay thiên lệch, vài người e ngại như vậy. E ngại đó quen thuộc nhưng gò bó vì nhà văn là sử gia của thời hiện tại và sử gia là nhà văn của thời quá khứ — Le romancier est l’historien du présent, alors que l’historien est le romancier du passé. Nhiều sự việc các nhà văn mô tả trở thành sử liệu quý báu, chân thật và chân thật hơn những trang “chính sử” viết để phục vụ một lãnh tụ hay một chế độ chính trị. Ngoài ra, diễn tả sự việc với tâm tình, nhà văn đem lại sự linh hoạt cho sự việc; và trong nhiều trường hợp, nhà văn phô bày sự thật toàn diện hơn sự thật chính nó. Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn là một sử gia đáng kính và đáng đọc.

Cuộc chiến Việt Nam bị bóp méo và trình bày sai lạc; người lính chiến Miền Nam bị chê bai một cách bất công và bị bức tử. Hơn bốn mươi năm qua rồi từ ngày tàn cuộc chiến, lớp cát bụi chiến trường đã lắng xuống, những lời khoác lác của kẻ thắng cuộc trở thành lố bịch, và nhiều nhân chứng của cuộc chiến đã lên tiếng; sự thật của cuộc chiến vì thế phơi bày thêm rõ ràng. PTAN góp một phần nhỏ trong việc phơi bày đó. PTAN nối gót Nguyễn Mạnh Côn đem tâm tình viết lịch sử. Nhưng khác với Nguyễn Mạnh Côn, PTAN chỉ nhắm vào một góc cạnh, đó là người lính chiến Miền Nam — người lính chiến đấu trong hoàn cảnh nghiệt ngã, khó khăn và chiến đấu để bảo vệ giá trị con người của chính mình và của mọi người khác. Giá trị này vượt lên trên lẽ thắng bại và sẽ không bao giờ bị mờ nhạt dù kẻ thắng cuộc đang bóp méo và bôi xóa lịch sử.

Vì bản tính khiêm nhường PTAN chỉ nhận mình là một người kể chuyện chứ không phải là nhà văn. Sự từ chối này có lý do thực tại, vì dù sao PTAN cũng chỉ là một người lạc vào lịch sử và nghệ thuật vì thời cuộc, nhưng đó là dấu hiệu của sự khiêm tốn và nhã nhặn của tác giả. Từ thuở sơ khai và trong nhiều xã hội, văn chương bắt nguồn từ kể chuyện; và khi chữ viết thịnh hành, người biết sắp xếp câu chuyện cho thứ lớp và trình bày các diễn biến lôi cuốn được người nghe thường là những nhà văn lớn.  

Dù PTAN không nhận mình là một nhà văn cầm bút chủ yếu vì nghệ thuật (écrivain) như chúng ta thường hiểu thì tác giả là một nhà văn viết lách với một sứ mệnh (écrivant) nghĩa là dùng văn chương như một phương tiện để nói lên những điều cần nói. Tuy chưa một lần nói lên điều cần nói đó (và chắc sẽ chẳng bao giờ nói lên với cường điệu hay thậm xưng), nhưng PTAN đã nói rất nhiều: những dòng chữ chân tình của tác giả đẫm ướt tình yêu quê hương đất nước. Cuộc chiến phi lý vừa qua chẳng dạy chúng ta phân biệt kẻ mạnh người yếu hay điều đúng điều sai, mà chỉ nhắc nhở chúng ta một điều: tình yêu quê hương đất nước trên hết. Và giờ đây, Mẹ Việt Nam đang trên giường bệnh, đang chiến đấu mỏi mòn với cơn bạo bệnh ngặt nghèo. Mẹ Việt Nam sẽ chóng bình phục và may ra sống còn nếu ai đó tập nói lại tiếng nói tình yêu quê hương đất nước.  

4

Chân dung của chiến sĩ PTAN trong cuộc chiến bi thảm vừa qua khó nắm bắt hơn nghệ thuật kể chuyện và dựng truyện và của tác giả. Với ký ức phi thường, PTAN ghi nhớ nhiều chuyện để kể cho nhiều lớp người nghe; nhưng ký ức tự nó không đủ, nếu câu chuyện không được ghi nhớ bằng sự tế nhị và chiều sâu của tâm hồn. “Chuyện Người Lính Trinh Sát”, “Chuyện Một Người Bạn Học”, “Chuyện Cái Nón Lá”, “Câu Chuyện Từ Một Bộ Quân Phục”là một chuỗi dài những mảnh vỡ thương tâm của cuộc sống, những mối ân tình, những tâm hồn cao thượng… Đó là những sự việc cần biết, những sự việc cần được kể lại cho hậu thế. Mỗi sự việc mang một giá trị nội tại đặc thù của nó: để riêng biệt, mỗi chuyện là lời tâm tình thi vị, văn vẻ; xếp vào nhau, chúng thành một tập tài liệu lịch sử giá trị; trải ra kế cận bên nhau, chúng tạo thành một bức tranh hiện thực linh động.

Bên cạnh các chuyện kể là các truyện ngắn với nhiều sự việc, diễn biến, xung đột, và kết thúc bất ngờ. Truyện “Ở Cuối Hai Con Đường”, “Ba Dòng Nước mắt”, “Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân”… mang đầy đủ các yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật để đi sâu vào tâm tư và ký ức người đọc. Truyện “Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân” đi xa hơn chút nữa, gây một âm vang xa xôi, một dư vị buồn vui lẫn lộn trong lòng người đọc.

Truyện “Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân” làm sống lại một cảnh đau thương của cuộc chiến, đó là cuộc di tản kinh hoàng trên đường số 7b từ Pleiku xuống Tuy Hoà giữa tháng 3 năm 1975 trong kế hoạch triệt thoái Cao Nguyên. Nhân vật chính là người vợ lính di tản theo chồng, một sĩ quan Biệt Động Quân. Chị bế đứa con gái, Lê Thùy Dương, giao chồng đứa con trai, Lê Cao Nguyên bốn tuổi. Bị cộng quân tấn công bốn bề, người chồng lưng cõng con, tay cầm súng điều động binh sĩ chiến đấu. Những người lính Biệt Động Quân chiến đấu tới cùng rồi tự sát. Trong cảnh chém giết đó, chị lạc chồng nhưng may mắn trốn được về Nha Trang. Một tuần sau, chị trở lại chỗ cũ tìm kiếm nhưng không được tin tức gì về chồng và con. Sau cùng, theo lời kể của một người lính, chị được biết chồng chị bị thương và cố lết đến nơi có dân cư. Mười năm sau chị vượt biên được tàu Na Uy vớt và định cư tại nước Bắc Âu này.

Hai mươi năm sau Thùy Dương lấy chồng, chị đưa con về thăm Nha Trang và trở lại Cao Nguyên tìm chồng và con. Chị gặp một anh bán gà người Thượng tên Tlang, anh ta có vết sẹo trên cánh tay y như con trai của chị. Chị tìm tới nhà cha mẹ Tlang, và được biết rằng hồi tháng 3 năm 1975, một người lính bị thương nặng, lưng cõng đứa trẻ, lết vào dưới nhà sàn rồi chết ở đó; vợ chồng bà đã chôn người lính dưới một gốc cây gần đó rồi nuôi dưỡng đứa trẻ và đặt tên là Tlang… Đứa trẻ ấy chính là Lê Cao Nguyên nay đã một vợ hai con. Chị mời Tlang về Nha Trang sống, Tlang từ chối vì không muốn từ bỏ núi rừng; chị làm cho con một căn nhà sàn và từ bỏ ý định cải táng chồng về Nha Trang vì muốn ông ở lại với đứa con trai.

Đọc truyện “Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân”, người đọc bị tác giả nắm chặt lấy tay dẫn đi trên con đường uốn khúc với nhiều biến đổi thương tâm, hãi hùng và oai hùng; người đọc hoàn toàn bị tác giả thu hút qua hết các chặng đường nhưng được chuẩn bị để trở lại với chính mình và suy tư về những gì đã trải qua ở cuối con đường. PTAN tạo ra một khung cảnh sinh động dựa vào lịch sử, thực tại, tình cảm và hoài cảm, một khung cảnh mà người đọc dù vô tâm cũng dễ cảm nhận và hòa nhập. Trong khung cảnh đó, câu chuyện không phải là một độc thoại của tác giả mà là cuộc đối thoại giữa tác giả và lương tri người đọc về đất nước, chiến tranh, ý nghĩa của cuộc sống và sự lựa chọn.

Hình ảnh đậm nét của câu chuyện là thảm cảnh chiến tranh, mối tình thơ mộng giữa một sĩ quan oai hùng và một người đẹp xứ Huế, sự chiến đấu anh dũng của người lính Biệt Động Quân, lòng chung thủy của người vợ trẻ và sự lựa chọn của Tlang, người con rơi rớt vì chiến tranh. Tuy mang máu huyết oai hùng và nét thanh lịch của cha và mẹ nhưng Tlang lớn lên với núi rừng; lựa chọn của Tlang không về sống tại Nha Trang là âm vang của tiếng gọi linh thiêng của rừng núi Cao Nguyên. Nghe theo tiếng gọi đó là một lựa chọn hồn nhiên, nhưng lựa chọn nào cũng bao hàm ít nhiều từ chối. Sự từ chối ở đây, vì hoàn cảnh đau thương của đất nước và éo le của gia đình, là một niềm vui nho nhỏ và nỗi ngậm ngùi khôn nguôi cho người mẹ — người mẹ khắc khoải chờ đợi bao nhiêu năm để vượt ngàn dặm tìm chồng, tìm con.  

* * *

Thời cầm súng, PTAN sống toàn vẹn cuộc sống lính chiến. Dù tâm thức giao động nhưng tác giả luôn luôn biết vị trí của mình tại từng thời điểm khác nhau và nhìn đủ bốn phương để ghi nhận; và cuối cùng, không quên nhìn lại suốt đoạn đường đã đi qua để suy ngẫm. Thời giã từ vũ khí và phải viết để sống, PTAN chuyển đoạn đường lịch sử đã đi qua thành một tâm tư thời đại và giải bày sự việc ghi nhận bằng tình thương yêu của những người mang hệ lụy của cuộc chiến hòa nhịp theo tâm tư thời đại đó. Với cách ghi nhận, giải bày và dàn dựng truyện đó, truyện PTAN xao động mãnh liệt tâm tư người đọc, đi sâu vào ký ức họ và sẽ trường tồn qua nhiều thế hệ.

Nguyễn Phụng

Raleigh, North Carolina 5/2017  

Tác giả Nguyễn Phụng, xuất thân từ trường trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, tốt nghiệp Đốc sự & Cao Học tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Sài Gòn, Tiến sĩ tại Duke University North Carolina, nghỉ hưu sau ba mươi năm giảng dạy tại NC A&T State University.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *