trang bạn hữu -Vĩnh Chánh- tự truyện “Đằng Sau Mặt Trăng”

Đằng Sau Mặt Trăng

Vĩnh Chánh

Đôi dòng giới thiệu:

Tác giả là một bác sĩ, tốt nghiệp Y Khoa Huế năm 1973. Do nhu cầu thời chiến tranh, được lệnh trưng tập vào Quân Y, ông đã tình nguyện vào Binh chủng Nhảy Dù, và trở thành Trung Úy Y Sĩ Trưởng của Tiểu Đoàn 1, sau đó là Tiểu Đoàn 15 Nhảy Dù , cùng gắn bó với đơn vị chiến đấu cho tới giờ phút cuối tại vành đai Sài Gòn đến ngày 30 tháng Tư 75. Sau khi ra tù, ông vượt biên cùng gia đình, đến định cự tại Hoa Kỳ năm 1980, vừa đi làm vừa học lại chuyên môn, và năm 1982 được hành nghề bác sĩ tổng quát tại một bệnh viện ở Louisiana. Hiện đã về hưu và là cư dân Mission Viejo, California.
Với bài “Không Bỏ anh em, không bỏ bạn bè” viết vào Tháng Tư 2013, Bác sĩ Vĩnh Chánh đã nhận giải danh dự Viết về nước Mỹ cùng năm do Việt Báo tổ chức

Đây là câu chuyện thật cuộc đời của tác giả. Giống như những bí ẩn “đằng sau mặt trăng,” bài viết kể về ba thế hệ thuộc một gia tộc hoàng phái quyền chức, với những mảnh vỡ trôi dạt từ trong ra ngoài nước. Chuyện người cha bị cộng sản thủ tiêu, với nhiều tình tiết bị lịch sử khuất lấp trong vụ án ‘Tân Việt Cách Mệnh Đảng’ tại Huế đầu thế kỷ 20. Chuyện hơn 40 năm nhìn lại từ đất Mỹ là phần hồi ký đầy biến động và xúc động.

*****

Thế giới tuổi thơ ấu của tôi ở cố đô Huế là xóm Đường Đá, bên hông Toà Khâm Mạng Phủ Cam. Đây là khu điền trang của Ông Nội tôi, trải dài từ phía dưới Đồn Girard / Lăng Mả Tây cho đến gần bờ sông Bến Ngự. Dinh cơ chính là một  tòa lầu ba tầng trắng toát bề thế, kế bên có tòa nhà thư viện hai tầng, chứa đầy sách cổ Hán Nôm, nơi làm việc của ông nội. Xa xa, khu nhà đất dành cho ba măng tôi, vườn trước vườn sau đều thông sang vườn lớn.
Từ tuổi học vỡ lòng, biết trèo cây hái trái, khi chạy chơi trong khu vườn lớn của ông bà nội, tôi đều đi ngang qua khu mộ đại gia đình, trong đó có mộ phần của Ba tôi, nằm riêng một mình giữa tầng đất thứ hai. Tôi thường ngồi trên cột đá bên mộ, cố đọc những hàng chữ khắc trên tấm bia, nhưng hình như càng đọc càng không hiểu tại sao mình không bao giờ được thấy mặt ba. Cũng không hiểu tại sao Ông Bà Nội được các chú bác kêu là “Thầy, Mạ” mà anh chị em tôi lại kêu thầy mạ mình là “Ba, Măng”. Nhiều thắc mắc vẩn vơ đôi khi theo tôi vào giấc ngủ.
Trong nhà thời ấy có bộ ván kê sát bên cửa sổ, tôi được nằm giữa Măng và Chị Băng Tâm. Vào những đêm trăng, tôi nằm nghiêng hướng ra phía vườn, theo dõi mặt trăng khi sáng trong, khi lu mờ vì mây. Bóng cây bên ngoài song cửa có lúc bỗng thình lình xoay chuyển. Nhiều hình ảnh kỳ dị nhảy múa, chập chờn. Có chuyện gì vậy, đằng sau mặt trăng nằm nghiêng kia? Giống như đằng sau những bia mộ trong vườn, đó là những bí ẩn mà tôi không thể hiểu.
Từ ngày khôn lớn, vừa nghe chuyện nhà vừa học hỏi thêm, tôi dần dần biết thêm về thân thế gia tộc mình, hoàn cảnh đất nước loạn ly, và chuyện Ba tôi bị đột tử khi tôi còn nằm trong bụng mẹ.
Chỉ mới là biết thêm. Không phải là thấu hiểu.
Nhiều bí ẩn đằng sau mặt trăng vẫn còn bị khuất lấp.

 I.
Theo phả tộc triều Nguyễn, tập gia phả phòng 15, Ông Sơ tôi là Hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Thanh, tự Gián Trạng, hiệu Quân Đình, tước Trấn Biên Quận Công, là con thứ 51 của Đức Thánh Tổ Minh Mạng và quí nhân Lê Thị Lộc. Ông Cố Nội tôi là công tử Nguyễn Phúc Hường Điệp (tức Vĩnh), từng là Tri Phủ huyện Phú Vang năm 1877, sau đó là Đại Sứ Chánh Tế, thay Vua cúng lạy lăng tẩm các tiên vương.
Ông Nội tôi là Hoàng thân Nguyễn Phúc Ưng Đằng, làm quan coi Ký Lục, cơ quan phiên dịch Hán – Nôm và Pháp ngữ của triều đình. Bà Nội tôi là em ruột của bà cố Ngô Đình Khả, mẹ của anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Khu đất của dòng họ Ngô Đình – nơi có phần mộ ông Ngô Đình Khả và người con lớn là ông Ngô Đình Khôi – nằm kế khu đất của Ông Nội tôi, chỉ cách một con đường nhỏ, cũng phía bên dưới Đồn Girard, và cách chùa Linh Quang khoảng 400 thước. Anh em nhà Ngô Đình kêu Bà Nội tôi bằng Dì, thường cho người đem sang quà biếu trong các dịp lễ tết.
Sang đời Ba tôi, Ông Nguyễn Phúc Bửu Tiếp, sinh năm 1904, được Ông Nội cho theo Tây học. Đầu thập niên hai mươi, khi ra Hà Nội học trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương (École Supérieure de Pédagogie), ông Tiếp có người bạn thân cùng lớp là Ông Đặng Thái Mai, sinh năm 1902, lớn hơn ông hai tuổi. Cả hai cùng tham gia các hoạt động sinh viên.
Tuy là trường Tây nhưng hội sinh viên tại đây tự xưng là “Hưng Nam Phục Việt,” hàm ý chống lại ách lệ thuộc người Pháp. Năm học cuối, ông Đặng Thái Mai chọn chuyên khoa văn chương. Ông Bửu Tiếp chọn ngành khoa học. Cả hai cùng tốt nghiệp năm 1926, sau đó cùng nhau về Huế làm giáo sư Quốc Học, giao tình ngày càng thân thiết hơn.

Huế đầu thế kỷ 20, và vụ án “Tân Việt Cách Mệnh Đảng”

Đầu thế kỷ 20, dù triều đình bất lực trước giặc Pháp xâm lược, nhưng tại kinh đô Huế cũng như khắp nơi, tinh thần quốc gia dân tộc vẫn mạnh mẽ chống lại ách lệ thuộc, phong trào Đông Du phục quốc do các bậc sĩ phu phát động được hưởng ứng rộng rãi. Sau vụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt cóc từ Thượng Hải mang về nước kết án chung thân, tình hình càng sôi sục.
Năm 1927, Huỳnh Thúc Kháng từ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ để phản đối Pháp, cùng Đào Duy Anh về Huế mở báo Tiếng Dân, nhà xuất bản Quan Hải Tùng Thư, rồi thành lập Tân Việt Cách Mệnh Đảng, do Đào Duy Anh là Tổng Thư Ký Sáng Lập. Sẵn tinh thần “Hưng Nam Phục Việt” và là bạn nhà giáo đồng trang lứa, hai ông Đặng Thái Mai và Bửu Tiếp thường lui tới sinh hoạt với ông Đào Duy Anh.
Cùng năm 1927, trong số học trò Quốc Học tham gia bãi khóa có Võ Giáp, 16 tuổi, bị viên giám thị người Pháp đuổi học. Giáp được các ông thầy thu xếp đưa vào tập việc tại báo Tiếng Dân và Quan Hải Tùng Thư. Ngoài trụ sở tòa báo trên đường Đông Ba, căn nhà của ông bà Đặng Thái Mai tại Huế trở thành nơi tụ hội.
Sau khi đảng Tân Việt được thành lập, số người tụ hội lui tới ngày càng đông hơn, gồm cả các thầy giáo và học trò. Tổ chức “Học Sinh Đoàn” của Tân Việt Cách Mệnh Đảng, ngoài Võ Giáp, còn có thêm hai cô nữ sinh Đồng Khánh tham gia rải truyền đơn, là Huỳnh Thị Liễu, 14 tuổi, và Nguyễn Thị Quang Thái, 13 tuổi. Kiểu tụ họp “cách mệnh” tài tử này tất nhiên không thể qua mắt mật thám Pháp.
Tháng Bẩy 1929, Đào Duy Anh bị bắt, đảng Tân Việt tan hàng. Các thầy trò Quốc Học Đồng Khánh liên hệ lần lượt vào nhà lao Thừa Phủ. Mấy ông  thầy giáo Lê Viết Lượng, Đặng Thái Mai, Bửu Tiếp lãnh án tù ba năm, nhưng đám học trò vị thành niên được thả ra sớm. Huỳnh Thị Liễu về quê Đồng Hới ở với mẹ. Nguyễn thị Quang Thái và Võ Giáp cùng nhau ra Hà Nội.
Theo sử sách cộng sản được phổ biến trong bách khoa toàn thư Wickipedia,  Võ Giáp chính là tên khai sinh của  Võ Nguyên Giáp, sinh năm 1911. Người vợ đầu tiên của Giáp là Nguyễn thị Quang Thái, sinh năm 2015. Đảng Tân Việt được thành lập tại Huế  ngày 14 tháng 7 năm 1928. Vẫn theo Wickipedia, đảng Cộng Sản Đông Dương thì mãi tới tháng 3 năm 1930 mới được thành lập ở… Hồng Kông. Thêm mười năm sau, Võ Nguyên Giáp mới gia nhập đảng này. Đây cũng là lúc Nguyễn Ái Quốc đang là hội viên của “Việt Nam Đồng Minh Hội” ở Quảng Châu, do Nguyễn Hải Thần là chủ tịch sáng lập (Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh làm phó, được Quốc Dân Đảng Trung Hoa hỗ trợ). Năm 1941, chính hội này đề cử Nguyễn Ái Quốc về nước hoạt động.
Chỉ cần đối chiếu niên biểu các nhân vật – sự kiện trên đây, sẽ thấy mọi  phong trào yêu nước như Duy Tân, Phục Quốc  hoặc các đảng phái, từ Quốc Dân Đảng, Đại Việt, tới Tân Việt đều hoàn toàn xuất phát từ tinh thần quốc gia dân tộc. Ngay danh xưng “Tân Việt Cách Mệnh Đảng” (kị húy tên vua Minh Mạng) cũng cho thấy chất bảo hoàng phong kiến. Sau khi rã đám, các thành viên còn lại của Đảng Tân Việt đã thành lập “Liên Đoàn Quốc Gia”. Thời ấy chưa hề có đảng Cộng sản, mọi liên hệ kể công sau này chỉ là ăn có hoặc ăn cướp. Như họ đã cướp danh nghĩa Việt Minh (tên gọn của Việt Nam Đồng Minh Hội) và cướp công cuộc kháng chiến chống Pháp của cả dân tộc.

Sau khi ra tù, năm 1934, ông Đặng Thái Mai mang gia đình ra Bắc. Riêng ông Bửu Tiếp vào Nam, có thêm cô học trò Huỳnh thị Liễu trốn mẹ đi theo. Chàng là hoàng phái con quan mà đi tù, rồi tự ý thành hôn. Nàng – sinh tại Đồng Hới năm 1914, kém chàng 10 tuổi – bỏ học rồi bỏ nhà bỏ quê theo chàng. Đó là sơ lược thân thế về Ba và Măng tôi. Chuyện phiêu lưu ái tình cách mạng của họ, nhìn lại có vẻ giống tiểu thuyết tiền chiến như chàng Dũng trong Đôi Bạn của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam hay cô Loan trong trong Đoạn Tuyệt của Khái Hưng.
Tại Saigon, Ba tôi dạy Vật Lý và Hóa Học cho các trường tư thục. Năm anh chị của tôi đều ra đời ở Saigon. Mãi tới khi người Pháp hết quyền hành tại Huế, Ba tôi mới có thể công khai trở về. Ông nội tôi, tuy từng phải nói là không nhìn nhận đứa con ngỗ ngược tù tội, nhưng trong điền trang ở Phủ Cam, vẫn có phần đất dành riêng cho Ba tôi làm nhà, và Măng tôi vẫn được Ông Bà Nội nhìn nhận là con dâu chính thức.

Sau Cách Mạng tháng Tám 1945, vua Bảo Đại từ chức, trong Chính phủ Liên Hiệp tại Hà Nội, có Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ Tịch, Nguyễn Tường Tam làm Bộ Trưởng Ngoại Giao, Cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Bộ Trưởng Nội Vụ, Giáo sư Đặng Thái Mai làm Bộ Trưởng Văn Hóa. Ông Bửu Tiếp được mời giữ chức vụ Giám Đốc Bình Dân Học Vụ ba tỉnh Bình Trị Thiên. Tuy chức Giám Đốc Học Vụ được chen thêm hai tiếng “bình dân” cho ra vẻ cách mạng, nhưng dân trong vùng Phủ Cam thời ấy vẫn gọi ba tôi là “Quan Đốc Tiếp.”
Ngày 24 tháng 7, 1946, sau khi người y tá vừa rút mũi kim chích thuốc khỏe ra khỏi mạch máu ở tay là Ba tôi đứng tim chết, khi Măng tôi vừa bước chân vào nhà.
Măng tôi kể là ngay khi ôm xác Ba trong tay, bà đã cảm thấy có điều gì bất thường. Ba tôi lúc đó đang khỏe mạnh, việc chích thuốc bổ chỉ là để gìn giữ sức lực. Người chích thuốc là một y tá bà con xa, và thường chích thuốc khỏe Huile de Camphre vào thịt mông Ba tôi. Tại sao lần này ông ta lại chích vào mạch máu? Vì đó chính là mũi thuốc được thi hành theo một “lệnh xử lý” – theo từ ngữ cộng sản, có nghĩa là “giải quyết hoặc thủ tiêu.” Chi tiết việc này được kể ở phần sau.
Vậy là Ba tôi bị đột tử khi mới 42 tuổi. Măng tôi trở thành góa phụ ở tuổi 32, với 5 đứa  con thơ, tuổi từ 10 đến 3 và một bào thai 4 tháng trong bụng. Là tôi, đứa con út không biết mặt cha.
Tang lễ ba tôi nghe nói được tổ chức rất lớn. Lễ di quan có đội quân danh dự của  “vệ quốc quân” dàn chào, hộ tống. Số người đưa linh cữu từ nhà thờ Chánh Tòa Phủ Cam về nghĩa trang đại gia đình dài cả cây số. Câu chuyện về đám tang sau này còn được thầy tôi ở trường Y Khoa Huế là Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh nhắc đến mỗi khi tôi có dịp gặp ông. Ông nói đám tang Ông Bửu Tiếp là một biến cố lớn ở Huế năm 1946.
Thời cầm quyền của Việt Minh ở Huế không đầy năm. Quân Pháp trở lại. Lệnh  toàn quốc kháng chiến được công bố ngày 19 tháng 12, 1946. Măng tôi mang lũ con về vùng quê lánh nạn.

Ngày 30 tháng 12 năm 1946, tôi được sinh ra trong lúc đang chạy loạn tại Mỹ Chánh nên tên tôi là Chánh. Măng tôi kể là ngay sau khi sinh, Măng đang còn nằm nghỉ thì thấy bóng Ba hiện về và từ từ bước đến nơi tôi đang nằm, đưa tay vuốt vuốt đầu tôi rồi xoay lưng bước ra . .

II.

Trong những năm chiến tranh Pháp-Việt, măng tôi một mình tần tảo lo liệu nuôi đàn con 6 đứa.
Dù hoàn cảnh khó khăn, Măng tôi kể là bà vẫn hằng cầu nguyện đọc kinh, nương dựa vào đức tin công giáo, và rất may mắn nhận được sự giúp đỡ tinh thần từ các cha Dòng Thiên An và Dòng Chúa Cứu Thế tại Huế.

Năm 1954, đất nước bị chia đôi. Người Pháp ra đi. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu một vận hội mới tại miền Nam. Măng tôi chính thức được nhận vào làm cô giáo trong trường nữ trung học Đồng Khánh. Bà dạy môn Nữ Công Gia Chánh, cùng với cô Hoàng Kim Cúc. Sau đó, măng tôi được phép đem cả gia đình vào cư trú trong khu gia cư giáo chức ngay trong khuôn viên trường. Tất cả các anh chỉ em tôi đều được các cha dòng Thiên An lưu tâm trợ giúp cho cơ hội học hành.
Mấy năm sau, anh đầu của tôi là Vĩnh Toàn tốt nghiệp bác sĩ và bị động viên, chị thứ hai là Băng Tâm, tốt nghiệp dược sĩ và lấy chồng là bạn cùng lớp, ở luôn trong Saigon. Anh thứ ba là Vĩnh Anh được học bổng Plan Columbo du học tại Canada. Hai người chị sinh đôi, Liên Tâm và Mai Tâm thì một chị vào Saigon làm việc, một chị lên Đà Lạt học rồi lấy chồng là một Tiểu Đoàn Trưởng Biệt Động Quân.

Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ năm 1963. Miền Bắc cộng sản công khai xâm chiếm miền Nam, chiến tranh lan rộng, người Mỹ. Tết Mậu Thân, trong khi học Y Khoa Huế năm thứ nhất, tôi tiếp tục ở với Măng tôi trong trong khu lầu ba trường Đồng Khánh. Chính từ đây tôi đã chứng kiến cảnh quân cộng sản nổ súng mở màn cuộc tàn sát tại Huế. Trong số hàng ngàn nạn nhân của cộng sản, có các vị Giáo Sư người Đức của trường Y Khoa Huế.

Sau Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, Măng tôi di chuyển vào Saigon và được anh đầu tôi mua cho căn nhà trong Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa. Qua năm 1973, tôi tốt nghiệp y khoa Huế và chọn về Quân Y Nhảy Dù.
Năm 1975, chị Băng Tâm và chị Mai Tâm, một trong hai chị sinh đôi của tôi, cùng gia đình của họ may mắn rời nước trong mấy ngày cuối cuộc chiến. Ngày 30 tháng Tư 1975, là y sĩ trưởng của một tiểu đoàn dù lãnh phần bảo vệ cầu Bình Triệu, tôi ở lại với đơn vị tới giờ chót. Sau lệnh buông súng rồi tan hàng, như trong cơn mê sảng, tôi tìm về được tới nhà vị hôn thê.

Ba ngày sau, một đám cưới đơn giản được cử hành tại nhà nguyện Dòng Chúa Cứu Thế. Sau đó, tôi đi “trình diện học tập”, để lại người vợ mới cưới sau khi mất nước, ở chung với Măng tôi và bà chị sinh đôi còn lại.

Lễ cưới chạy tang “mất nước”, được Cha Laroche của Dòng Chúa Cứu Thế chủ hôn (3.5.75)


Năm 1977, anh Vĩnh Anh, ông anh thứ ba, từ Canada về nước thăm gia đình, có vào thăm tôi trong trại tù cải tạo ở Trảng Táo. Trước đây, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ Canh Nông, vì chống chiến tranh Việt Nam, anh phải trốn và sống bất hợp pháp tại Canada một thời gian khá dài. Sau chuyến thăm này, Măng tôi mừng hết lớn khi được thư anh báo nay đã là “công dân Canada,” có nghĩa là không còn mơ về Việt Nam phục vụ đất nước.

Về anh Vĩnh Toàn, ông anh đầu của tôi, tuy hai anh em cùng ở trong nước nhưng vì hoàn cảnh, chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Tôi chỉ được biết, sau khi tốt nghiệp Bác sĩ, thời VNCH, anh từng là Trưởng Ty Y Tế Quảng Nam. Mùa xuân 1975, khi miền Trung thất thủ, anh đang là Giám Đốc Bệnh Viện Hội An. Sau đó, được chế độ mới thuyển chuyển về làm việc tại bệnh viện toàn khoa tại Đà Nẵng.  Mãi sau ngày đi tù cải tạo về, hai anh em mới gặp lại lần đầu, khi anh vào Saigon thăm măng tôi. Nghe anh nói đã quyết định tiếp tục sống trong nước, không đi đâu cả, tôi hiểu là anh em chúng tôi sẽ đường ai nấy đi.
Cũng sau khi từ nhà tù về nhà, tôi mới biết là trong thời gian tôi đi tù, có người quen xưa là “dì” Bích Hà, con gái đầu của “bác” Đặng Thái Mai, đồng thời là người vợ sau của ông Võ Nguyên Giáp, đến tận nhà thăm Măng tôi hai lần, do hỏi thăm địa chỉ từ ngoài trường Đồng Khánh.
Măng tôi cũng nói thêm, thời Ba và măng tôi lui tới với gia đình ông Đặng Thái Mai tại Huế trước ngày bị Pháp bắt, Bích Hà chỉ mới một hai tuổi, chưa kịp có thân tình riêng. Việc “Bà Đại Tướng” cất công tìm địa chỉ, tới tận nhà thăm hẳn là do hai ông Đặng Thái Mai và Võ Nguyên Giáp quyết định. Ngay trong lần gặp đầu, Măng tôi kể là bà có nói việc con mình là bác sĩ mà cũng bị bắt ở tù. Miền Nam ngày càng đói khổ, mà ngoài Bắc vô đây cái gì cũng tha ra ngoài đó. Khi chia tay, tưởng sẽ đi luôn. Không ngờ Bích Hà còn trở lại thăm lần thứ hai, và khi ra về, còn vui vẻ mang theo tất cả những sách quý bằng tiếng Pháp do Măng tôi tặng lại.
Có thể nhờ hai cuộc viếng thăm đặc biệt này mà các anh công an khu vực có phần nương tay với ngôi nhà của măng tôi trong cư xá Bắc Hải, khi đi tù về, tôi cũng không bị làm khó dễ.
Măng tôi còn nhắc tới câu chuyện một cặp vợ chồng mà gia đình hai bên từng quen biết trước đây ở Huế, là anh chị Phục và Vịnh Thủy, từng hoạt động với anh Vĩnh Anh tôi trong tổ chức “Trí thức Việt Kiều Yêu Nước” tại Montreal. Sau khi nghe tuyên truyền đất nước  đã hòa bình độc lập, anh chị đã hăng hái tiên phong về nước phục vụ sớm sủa, để rồi chỉ vài năm sau, phải âm thầm mang hai con nhỏ vượt biển trở lại Canada. Câu chuyện anh chị Phục – Vịnh Thủy liều chết để tìm lại tự do khiến tôi không còn chút do dự.
Khi vợ chồng tôi quyết định tìm đường ra đi, Măng tôi đã lặng lẽ góp phần.
Lần vượt biển đầu tiên thất bại. Tháng 6 năm 1978, vợ chồng tôi cùng cả nhóm vượt biển bị bắt tại Vũng Tàu đưa về trại giam Cần Giờ. Tôi bị chuyển trại về khám Chí Hòa, nhưng vợ tôi nhờ mang bầu sắp sinh nên được thả ra sớm.
Chính măng tôi đã lo liệu chăm sóc khi con gái chúng tôi được sinh ra. Tên khai sinh của cháu là Hoài Anh, tên ở nhà là Bồ Câu do bà Nội đặt. Lần đầu  thăm nuôi, vợ tôi đứng cách tôi khoảng 20 thước và đưa Bồ Câu lên cao cho tôi nhìn thấy con. Chỉ nhìn từ xa thôi. Phải gần một năm sau,  tôi mới có thể ôm con khi được thả ra khỏi khám Chí Hòa.
Măng tôi rất thương yêu cháu Bồ Câu, vì như lời bà nói, ngay khi còn là thai nhi, cháu đã cùng mẹ đi tù vượt biên. Khi cháu vào đời,  bố còn tiếp tục nằm trong khám Chí Hòa. Bà thường cầm tay, vuốt tay cháu và khen Bồ Câu có bàn tay rất đẹp, giống như bàn tay của người “chirurgien”. Bà còn nói, chắc con bé sau này sẽ thành một y sĩ giải phẫu như “thằng bố của nó.”


Saigon 1978, Mẹ con Bồ Câu. Khi cháu vào đời, ba còn trong tù.

III.

Ngọn lửa nến bé bỏng lung linh trên bánh sinh nhật. Cháu Bồ Câu đầy tuổi, tươi cười trong tay mẹ, như muốn nhoài cả người về phía ngọn lửa.
Ngay sau khi thổi nến, Bà nội và cả nhà bắt đầu phút cầu nguyện trang trọng. Tất cả đều căng thẳng trước những ngày sắp tới: Bà nội đã quyết định ở lại nhà chờ tin, nhưng Bồ Câu sẽ cùng cha mẹ và các dì và cậu bên mẹ đi vượt biển.
Tháng 9 năm 1979, ra đi lần thứ hai, suốt ba ngày ba đêm trên biển, Bồ Câu thật ngoan, ngồi yên trong vòng tay của mẹ, không la khóc hay trở chướng. Sau chuyến vượt thoát đầy hung hiểm, tránh được tàu hải tặc rượt bắt nhờ đêm tối, rồi thuyền bị chìm gần bờ biển Thái Lan, chúng tôi may mắn được cứu vớt. Trong 10 tháng tại trại tị nạn Liem Ngot, Thái Lan và trại Bataan, Phi Luật Tân, cháu Bồ Câu được thương yêu, vui vẻ ca hát mừng sinh nhật hai tuổi.
Nhờ sự bảo lãnh của chị tôi và anh rể, chúng tôi được chấp thuận cho định cư tại Hoa Kỳ. Chuyến bay tới Nam Cali đúng vào ngày kỵ giỗ của Ba tôi: 24 tháng 7, 1980.

Bắt đầu lại cuộc sống từ hai bàn tay trắng, nhưng với lòng hăng hái quyết chí và tự tin. Tin Ơn Trên phù hộ. Tin vào khả năng tự lập của mình. Tin Bồ Câu rồi đây sẽ đi học và hấp thụ một nền giáo dục tốt đẹp. Cả nhà đều cật lực làm việc. Hai chị lớn nhận hàng may tại nhà. Các cậu em, sau giờ đến trường, cùng xúm xít phụ xỏ chỉ, đơm khuy.

Phần tôi thì vừa lãnh phần việc đi nhận và giao hàng may, vừa đến lớp học về chuyên môn y khoa. Với vốn liếng chuyên môn hạn hẹp và lỗi thời, để có thể bắt kịp những tiến bộ y khoa tối tân của nước Mỹ, tôi hiểu mình phải thức khuya dậy sớm và tận lực học hỏi.
Đó là thời gian căn nhà thuê bé nhỏ tràn ngập hạnh phúc, bé Bồ Câu lăng xăng vui đùa trong nhà và ngoài sân, được cha mẹ, dì câu cưng chìu thương yêu. Rồi những thùng quà đầu tiên được gửi về bên nhà ở Saigon. Tiếng máy may điện chạy hầu như liên tục, hòa với tiếng cười đùa giữa cậu cháu, tiếng ê a tập đọc tập hát của Bồ Câu. Cháu mới 3 tuổi đã hát múa đúng điệu, theo chương trình giáo dục con nít Big Bird trên truyền hình.
Sau khi may mắn đậu liền cả hai chứng chỉ y khoa quan trọng gồm bằng FLEX và ECFMG, tôi tập trung lo gởi đơn xin học thêm đến các trung tâm Giáo Dục Y Khoa, chờ cơ hội trở lại nghề y sĩ. Đúng lúc ấy cả nhà còn có thêm tin vui, mẹ có bầu và Bồ Câu sẽ sớm có em bé.

Một buổi sáng cuối tháng 10, 1981, cha mẹ đem Bồ Câu đến bệnh viện South Coast Medical Center ở thành phố Laguna Beach cho Bác sĩ Nha Khoa bọc bảy cái răng bị siết trong cùng một lần. Bé vui vẻ nói bye bye bố mẹ khi theo y tá vào phòng mổ.
Trước khi nha sĩ bọc răng, phải gây mê toàn diện, thủ thuật sẽ mất khoảng một giờ rưỡi, chúng tôi được cho biết. Chờ quá hai giờ. Rồi ba giờ. Bốn giờ. Nôn nóng hỏi thăm, chỉ được bảo phải tiếp tục chờ.

Mãi xế chiều, một y tá đưa chúng tôi vào phòng hồi sinh cấp cứu. Bồ Câu nằm bất động trên giường, phủ chăn trắng. Không mở mắt, không hay biết. Bố mẹ sững sờ. Mới hồi sáng, bé tươi tỉnh, không một lo sợ, vẩy tay bye bye cha mẹ trước khi y tá đẩy xe vào phòng mổ, mà giờ đây như một xác không hồn. Y tá giải chỉ giải thích ngắn gọn là em bé bị phản ứng thuốc nên tạm thời hôn mê.

Sự thật không như lời người y tá giải thích. Qua thủ tục pháp lý, chúng tôi nhận được phó bản của toàn bộ hồ sơ chữa trị. Riêng hồ sơ liên hệ đến giải phẫu và gây mê cho thấy chính bác sĩ gây mê đã gây ra tai họa. Thay vì phải đặt ống bơm dưỡng khí vào phổi, ông ta đưa ống đó vào bao tử, khiến bé hoàn toàn không nhận được dưỡng khí để thở trong 10 phút, gần như bị chết ngộp.
Hồi tưởng lại buổi sáng định mệnh ấy, khi ngồi trong phòng chờ, tôi nghe tiếng loa loan báo “code blue” nhiều lần, cứ ngỡ là cho ai, sau này mới biết lệnh cấp cứu đó chính là cho con mình. Đau đớn thay. Nhờ hô hấp nhân tạo, Bồ Câu sống lại, được nuôi qua ống chuyền sữa ensure từ mũi xuống bao tử, nhưng não bộ bị tổn thương trầm trọng.

Sau gần 2 tháng chữa trị tại Children Hospital of Orange County với cha mẹ túc trực cạnh giường ngày đêm, bác sĩ cho biết Bồ Câu bị chứng Cerebral Palsy – Liệt Não – nên dù sống sót nhưng cả hai phương diện thể xác và tâm lý đều sẽ phát triển chậm (both severe physical and mental retardation).
Vì đòi hỏi săn sóc đặc biệt, đành phải chấp nhận chuyển bé qua một trung tâm phục hồi chức năng. trong một thời gian vô hạn định, nhưng không có ngày nào mà chúng tôi không ghé thăm Bồ Câu, cho dù bụng thai của vợ càng ngày càng nặng nề.

Một ngày trời mưa sau Tết năm 1982, khi đến thăm, vừa vào bên trong tòa nhà của trung tâm phục hồi, chúng tôi bắt gặp trên chiếc giường đẩy, ngay giữa hành lang, một thân hình bé nhỏ đang quằn quại trong cơn co giật. Đến gần, hình hài ấy chính là con mình, miệng nghiến chặt trong cơn động kinh liên tục, mình mẩy ướt mèm. Ôm con mà xót xa đắng cay. Còn cảnh cùng cực nào nào lớn hơn thử thách này, Chúa ơi! Tất cả chỉ còn một nguyện cầu duy nhất là xin cho con mình được sống và sống chung với cha mẹ và gia đình, chứ không trong một trung tâm chăm sóc xa lạ.

Từ đó, không ngày nào chúng tôi không tới thăm Bồ Câu. Điều nguyện cầu cho con được sống và sống bên cha mẹ trở thành một quyết tâm thôi thúc hai vợ chồng sát cánh, tiến hành mọi thể thức với trợ giúp từ các cơ quan xã hội để chuẩn bị đem con về nhà.

Đứa con thứ hai ra đời ngày 10 tháng Tư, 1982. Dù phải chịu đựng quá sức khi mang thai, nhưng cháu Bea vào đời bình an, xinh xắn, khỏe mạnh. Ngay ngày thứ hai sau khi rời bệnh viện sản khoa, chúng tôi đến thẳng trung tâm phục hồi, ký giấy đón Bồ Câu về nhà.

Sau tai họa, ơn trên cho chúng tôi được hưởng nhiều phép lạ, trên cả mức chờ đợi.

Đầu tiên, là từ ngày về lại nhà, Bồ Câu vĩnh viễn thoát khỏi chứng động kinh co giật. Con mắt bắt đầu có thần hơn dù vẫn chưa di chuyển lên xuống qua về.
Nhờ từng được hướng dẫn và thực tập, vợ tôi đã có thể một mình đặt ống naso–gastric tube thông từ mũi xuống bao tử cho con trong suốt cả năm, sau đó còn tập cho Bồ Câu uống qua đường miệng, từ 1 giọt, tăng lên 2 giọt, 3 giọt rồi kiên nhẫn tập cho bé nuốt từng chút nhỏ đồ ăn nghiền đến 1 hột cơm, 2 hột cơm.
Tiếp theo, là chỉ vài tuần sau khi có Bồ Câu về nhà, cuối tháng Tư 1982, tôi được nhận vào làm bác sĩ tổng quát cho bệnh viện tư Leesville General Hospital, thuộc tiểu bang Louisiana.
Leesville là một thị xã nhỏ của vùng Southern, nơi dân bản xứ có tiếng là kỳ thị. Với tôi, thay vì tiếp tục học lên, cơ hội trở lại hành nghề bác sĩ tại đây phù hợp hơn với hòan cảnh thực tế. Tuy nhiên, cơ hội này cũng là một thử thách sinh tử, đòi hỏi sự bén nhậy khi định bệnh, tận tụy khi trị liệu. Khi giao thiệp bằng tiếng Mỹ, dù chưa thể thuần thục, vẫn cần sự chính xác, tinh tế trong ngôn từ. Đó là thời kỳ phải vừa làm vừa học, vừa gìn giữ nhân cách của một bác sĩ người Việt duy nhất trong vùng.
Rất may mắn, chỉ một thời gian sau, tôi chính thức được bệnh viện chấp nhận như một bác sĩ chính ngạch, tăng lương thêm 50% cộng bonus cuối năm. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình mau chóng được ổn định. Số lượng bệnh nhân đến khám với tôi nhiều hơn. Trong những lần gia đình ra bên ngoài, nhiều cư dân bản xứ dừng lại bắt tay tôi, chào hỏi vợ con tôi.


Sau trên một năm được kiên trì tập luyện, Bồ Câu tạm thời đã có thể uống sữa, ăn cháo, ăn cơm với luôn cả rau cải thịt cá cắt nhỏ, khi được mẹ đút vào miệng. Phản xạ nuốt tốt dần. Phép lạ lại xẩy khi đến chúng tôi quyết định rút ống chuyền mũi – bao tử, Bồ Câu giữ khả năng ăn, nuốt bằng miệng, thân thể dần mạnh hơn, tay chân cứng cáp dần, miệng bắt đầu biết cười và bập bẹ ư ê như em Bea, khi hai chị em ở cạnh nhau.
Nhờ thu nhập khá dần, căn nhà mới có phòng tập lớn với đầy đủ tiện nghi, ngày ngày luôn có người thay phiên đến nhà làm việc, luyện tập cho Bồ Câu, nào là physical therapist, occupational therapist, speech therapist, sức khỏe của bé hồi phục dần.
Từ tuổi Mẫu Giáo, Bồ Câu được học chương trình giáo dục đặc biệt (Special Education), có xe đón rước tận nhà. Các thầy cô giáo làm việc rất công tâm và tận tụy, nhiều bà giáo trong ngành Giáo Dục Đặt Biệt thường lui tới nhà chỉ bảo, giúp đỡ. Chúng tôi luôn biết ơn họ. Không có họ, chúng tôi không thể nào có đủ hiểu biết, trong tiến trình từng bước giúp Bồ Câu khôi phục và phát triển chức năng. Khi nhà có hồ tắm với nước ấm quanh năm, Bồ Câu cũng biết tỏ ra rất thích và thoải mái nằm ngửa trong phao hoặc trên tay cha mẹ.
Gia đình đông dần với sự ra đời thêm của 2 đứa con sinh sau. Dù bận rộn tất bật hơn, chúng tôi luôn cố gắng sinh hoạt chung với các con, từ trong nhà cho đến ra bên ngoài, ở đâu có cha mẹ là có đầy đủ 4 đứa con. Nếu cha không đẩy kịp xe lăn cho Bồ Câu thì Bea đẩy chị. Nếu mẹ chưa đút kịp cho chị ăn, thì Betty lo giùm.
Dù ở nơi xa lạ, không thân thích, không một bóng đồng hương, nhưng đúng là lời chúng tôi cầu xin cho con được sống và sống với cha mẹ đã được bề trên lắng nghe. Các linh mục trong nhà thờ giáo xứ đặc biệt cho phép Bồ Câu chịu phép rước lễ vỡ lòng ở tuổi 16 (first holy communion) dù Bồ Câu không qua lớp giáo lý căn bản.

IV.

Khi tin cháu Bồ Câu gặp nạn được báo về Saigon, măng tôi bị tai biến mạch máu não khá nặng, nhưng bà cố tập luyện giữ gìn sức khỏe, nói muốn sang Mỹ chăm sóc cháu.
Sau khi được anh chị tôi bảo lãnh sang Cali, vào đầu thập niên 90, Măng tôi dời qua Louisiana ở với gia đình “thằng con út” và cháu Bồ Câu.
Trong khoảng 3-4 năm, các anh chị bên Cali thay phiên nhau qua thăm Măng, có khi rủ nhau đi chung cho vui thêm. Anh Vĩnh Anh cũng từ Montreal cũng qua thăm mẹ được 2 lần. Vậy là trừ ông anh lớn Vĩnh Toàn còn ở lại Việt Nam, anh chị em tôi có nhiều dịp sum họp. Nhờ vậy, nhiều chuyện được thổ lộ giúp tôi hiểu thêm về sự thức tỉnh của mọi người trước sự tráo trở, tàn tệ của Cộng sản.

Đầu tiên là do anh Vĩnh Anh kể lại chuyện chính anh vừa trải qua. Năm 1990, các thành viên chủ chốt của nhóm Việt Kiều Yêu Nước (VKYN) tại Montreal, trong đó có ông anh tôi, được Ban Việt Kiều của chính phủ CSVN mời về nước với mục đích, góp ý cho Đảng CSVN làm cách nào tránh được hiện tượng Thiên An Môn /Tiamen Square xẩy ra tại Trung Quốc năm 1989, sẽ không thể xẩy ra tại Việt Nam.

Theo kế hoạch của nhóm Montreal, anh Vĩnh Anh nằm chờ tại Saigon, 4 người kia bay ra Hà Nội; Một anh ở chờ trong khách sạn, 3 anh còn lại vào họp, mang theo văn bản góp ý của nhóm Việt Kiều Yêu Nước ở Montreal: bãi bỏ chế độ độc đảng, cho thành lập chế độ đa đảng càng sớm càng tốt.
Sau hai ngày không thấy các bạn mình trở lại khách sạn, và cũng chẳng nhận tin nhắn miệng nào, người chờ bên ngoài khách sạn Hà Nội điện thoại báo tin cho anh tôi. Đoán chuyện không hay xẩy ra, anh tôi tức tốc bay ra Hà Nội, đến tư gia “bác Võ Nguyên Giáp,” xin vào gặp với tư cách là “con trai của ông Bửu Tiếp”, người thầy giáo Quốc Học Huế thời xưa. “Bác” Võ Nguyên Giáp lắng nghe, lắc lắc đầu, rồi bảo anh tôi về chờ tại khách sạn.
Thêm 2 ngày căng thẳng chờ đợi trong lo âu. Bỗng trong đêm thứ hai, cả anh tôi và người bạn kia được chở vào bên trong một cơ quan, nhìn thấy ba người bạn mình đang có mặt tại chỗ, mặt mày người nào cũng xám xịt, căng thẳng, một người lại có băng trắng ở cổ tay. Không dài dòng giải thích, cả 5 người được lệnh ký tên vào một tờ giấy cam kết đủ thứ, kể cả việc không bao giờ được về lại Việt Nam.
Sau khi đồng loạt ký tên, cả 5 người được chở thẳng ra phi trường lên chuyến bay sớm nhất về Canada. Trên máy bay, anh tôi được các bạn cho biết, sau khi phát biểu ý kiến chủ trương đa đảng của nhóm Việt kiều yêu nước ở Montreal, cả 3 người bị bắt, đưa ngay vào nhốt trong một bệnh xá tâm thần. Anh bạn tổng thư ký của nhóm quá tức giận nên quyết tự sát bằng cách rạch cứa cổ tay mình, nhưng được cứu thoát. Chính vì vậy mà chúng mới thả cho về vì e ngại sẽ có khó khăn với bộ ngoại giao Canada.
Vậy là nhóm Việt Kiều Yêu Nước Montreal, trước đây đã từng bị rúng động bởi hiện tượng vợ chồng Phục & Vịnh Thủy vượt biên trở về lại Canada, nay lặng lẽ tan rã, mỗi thành viên mỗi mang một nỗi niềm riêng.
Câu chuyện anh Vĩnh Anh và nhóm bạn Montreal làm Măng tôi trầm ngâm rất lâu, sau đó bà mới kể lại một bí ẩn mà bà dấu kín trong lòng từ nhiều năm.

Sau khi Ba tôi mất, suốt thời kháng chiến chống Pháp, chi hội phụ nữ nằm vùng tại Huế cố lôi kéo Măng vào tổ chức của họ, nhưng Măng đã nhiều lần thoái thác với lý do góa phụ bận rộn nuôi bầy con, mươi lần bị kêu đi họp thì chỉ đến một lần cho có lệ.

Vào thời gian chia đôi đất nước của hiệp định Geneve 1954, Măng tôi thình lình đến nơi họp, và đến trễ. Đang đứng bên ngoài cửa căn nhà họp trong chiều tối, tình cờ Măng nghe tiếng các người bên trong phòng đang bàn tán về mình “Thằng Tiếp không chịu ra ngoài Bắc làm việc theo chỉ thị cấp trên, nên chúng ta đã xử lý nó rồi. Cái thứ công giáo đó chỉ làm hư danh cách mạng thôi. Nay còn con Liễu (tên của Măng tôi), ráng chờ coi nó có chịu tập kết hay không, rồi sẽ quyết định”. Nghe vậy, Măng tôi lạnh cả xương sống, từ từ rời căn nhà họp không một tiếng động. Từ đó, bà dứt khoát cắt đứt mọi liên lạc.


Khi nghe kể chuyện này, tôi hỏi Măng phải chăng Ba chết do cộng sản ra lệnh thủ tiêu, rồi sau đó lại dàn dựng một lễ an táng long trọng kiểu nhà nước để mà mắt thiên hạ, Măng tôi trả lời đúng như vậy. Bà cũng xác nhận ông bà chỉ là những người quốc gia chống Pháp vì yêu nước, chưa bao giờ là đảng viên cộng sản. Bà cói thêm, càng về sau Măng càng nghiệm ra những giả dối của Cộng Sản và từng lo ngại khi thấy hai con trai lớn không có kinh nghiệm này.
Nhân dịp này, tôi hỏi Măng thương đứa con nào nhất trong nhà, Măng bảo trước đây, chính tôi là đứa Măng thương nhất, vì tôi mồ côi cha ngay khi còn nằm trong bụng mẹ, lớn lên lại khốn đốn vì chiến tranh, tù tội. Nhưng giờ đây, người được Măng thương nhất lại là anh Vĩnh Toàn. Anh sinh trước tôi cả chục năm, lớn lên bên cạnh ba măng và các bạn toàn là những người chống lại sự xâm lược của người Pháp, do đó anh dễ có cảm tình với cuộc kháng chiến của Việt Minh. Măng tôi nói anh Vĩnh Anh và tôi, dù sao cũng đang sống trên một đất nước tự do. Còn anh Vĩnh Toàn đã lỡ ở lại với cộng sản, lại không hề có kinh nghiệm về họ, chắc anh sẽ là người có cuộc đời bị thua lỗ nhất, nay lui cui sống đạm bạc một mình.
Đúng là tình mẹ bao giờ cũng đổ xuống cho đứa con yếm thế nhất, ít hạnh phúc nhất. Tôi biết gia cảnh anh chị Vĩnh Toàn đã ly thân từ lâu. Anh chị chỉ có một con gái duy nhất. Cháu ở với mẹ, không có người dẫn dắt và một tai họa khủng khiếp đã xẩy ra. Năm 1987, khi đang theo học Nha Khoa Saigon năm thứ Hai, không hiểu vì chuyện gì, cháu nhảy cầu quyên sinh ban đêm trên sông Saigon.
Thật đau lòng khi nghe tin cháu, một cô sinh viên trẻ đẹp, học giỏi bị đẩy tới mức tuyệt vọng đến nỗi phải tự kết liễu cuộc sống! Cho tới nay, chính Măng tôi và anh chị em chúng tôi, vẫn không thể hiểu được nguyên nhân đã đưa tới cái chết bi thảm của cháu.


Từ khi cả nhà đã ra hải ngoại sống, anh Vĩnh Toàn cũng rất ít liên lạc. Bất ngờ, chúng tôi nhận được tin về anh nhờ một lá thư khác thường do chú Bửu Phát, em của Ba tôi, gởi từ trong nước ra. Thư cho biết có người từng là học trò của Ba tôi trước đây ở trường Quốc Học, nay làm lớn tại Hà Nội, có ý muốn thu xếp chuyện mua bán khu nhà đất của ông Nội tôi ở Phủ Cam. Anh Vĩnh Toàn, con trưởng của ba tôi hiện vẫn ở Đà Nẵng, được yêu cầu đứng tên đại diện cho toàn gia đình phía các anh chị em chúng tôi, nhưng anh thẳng thừng bác bỏ, không chịu ký tên. Vì vậy, chú Bửu Phát kêu gọi bà con bên Mỹ ký tên ủng hộ ý kiến bán khu nhà đất của Ông Nội.
Lời kêu gọi của chú Bửu Phát dĩ nhiên không được ai hưởng ứng. Ngay chú Bửu Bình, con trai út cưng của Ông Bà Nội, định cư tại Dallas qua chương trình HO, cũng không màng, thì còn ai lên tiếng. Sau năm 95, có người trong nước báo tin chú Bửu Phát đại diện gia đình đã nhận tấm bằng tổ quốc ghi ơn cho “Liệt Sĩ Bửu Tiếp” và chưng tại nhà của Chú. Hư thật ra sao cũng chẳng ai bận tâm.

Sau tin anh Vĩnh Toàn không chịu ký tên bán đất tổ tiên cho quan lớn cộng sản, có thêm tin công việc y sĩ của anh cũng không còn suông sẻ. Không hiểu vì bất mãn với chế độ hay với chính mình, anh phải tìm quên trong rượu chè, cuộc sống càng ngày càng cô quạnh. Sau một tai nạn lưu thông, anh suy yếu dần. Chị Mai Tâm cùng chồng về thăm anh tại Đà Nẵng, cho biết là tuy sức khỏe suy yếu nhưng sau cùng anh đã trở lại một tín đồ công giáo, đi lễ nhà thờ hằng tuần với vợ chồng Linh và Oanh. Oanh là bà con xa bên Nội, đã tới ở luôn trong nhà để săn sóc anh tôi trong những năm cuối đời.
Mấy tháng trước khi hoàn toàn mất trí nhớ và từ trần vào năm 2010, anh tôi nhận được tất cả các phép bí tích của người công giáo từ cha chánh sở giáo xứ. Đám tang anh được làm tại nhà thờ. Rất đơn chiếc. Không vợ con, anh chị em. Chị dâu tôi cũng qua đời chỉ một năm sau đó.

Sau vài năm ở Louisiana với chúng tôi, Măng tôi trở về California sống với các con gái. Thị xã Leesville là nơi hẻo lánh, Măng tôi không có dịp gặp được người đồng hương để nói chuyện tiếng Việt. Năm 1997, Măng bị tai biến mạch máu não trầm trọng, sau gần 7 năm được săn sóc chu đáo tại nhà của chị tôi và chồng, măng tôi qua đời năm 2004.

V.

Dù thế nào, vẫn phải có một lần về đứng trước mộ phần Ông Bà Nội và Ba tôi, một lần nhìn lại mảnh đất tổ tiên, thăm lại khu vườn kỷ niệm thời thơ ấu. Đây là điều tôi hằng tự nhủ ngay khi vừa qua tuổi hưu trí, nhưng mãi tới tháng 12 năm 2013, bốn mươi năm sau khi rời Huế và 34 năm rời bỏ quê hương, vợ chồng chúng tôi mới có dịp về nước lần đầu.
Trên đường về Huế, chúng tôi ghé Đà Nẵng và hẹn trước với vợ chồng Linh Oanh để nhờ đem chúng tôi đến viếng mộ của anh Vĩnh Toàn tôi trong một nghĩa trang rộng lớn tại Hòa Vang.
Cháu gái con anh chị cũng đã được bốc mộ rồi hỏa thiêu tại Hội An trước khi đem vào Saigon từ mươi năm trước. Chúng tôi có đến thăm nơi cất giữ di cốt của cháu trong một ngôi chùa nhỏ nghèo nàn tại Thủ Đức. Rất khó tìm thấy hũ tro của cháu vì nằm lẫn lộn với hàng trăm hũ, trong một ngăn phòng chật hẹp tăm tối. Chúng tôi thắp nén hương, cầu ơn trên cho cháu được siêu sanh tịnh độ. Trong một ngôi chùa khác tại Gia Định rộng lớn và tân kỳ, chị dâu tôi được chôn cất riêng trong một khuôn viên đẹp đẽ sáng sủa sang trọng. Anh, chị và cháu, cho tới phút cuối đời, vẫn ở xa cách nhau. Chúng tôi chỉ còn biết cầu mong cho vong linh cả ba người, vợ, chồng, con được gần gụi thương yêu nhau dù giờ đây thân xác thì ngàn trùng xa cách.
Trước ngày trở lại Huế, tôi còn gặp thêm một điều mai mỉa: Dù đã đổi chủ từ lâu, khu đất của ông nội tôi cho tới nay vẫn còn được mấy ông lớn cộng sản theo đuổi.
Chú Bửu Phát cũng đã mất từ lâu, nhưng vẫn có người giao tận tay tôi tờ giấy “Tổ Quốc Ghi Công” mang tên Ba tôi mà chú Bửu Phát từng nhận, kèm theo mảnh giấy ghi địa chỉ một ông lớn cộng sản tại Hà Nội, nói đang chờ đợi liên lạc với tôi về chuyện giúp mua bán vườn và nhà cửa của Ông Nội. Tôi liên tưởng ngay đến câu chuyện chú Bửu Phát từng đề cập mấy chục năm trước, nhưng bị bỏ giở nữa chừng. Nay biết tôi về, nên phải chăng người đó lại muốn liên lạc về chuyện cũ này. Chẳng hiểu chuyện muốn giúp mua bán vườn đất Ông Nội tôi và chuyện cấp tấm bằng tổ quốc ghi công có liên hệ đến nhau không?
Tôi từ chối nhận tờ giấy ghi số điện thoại cùng tên tuổi ông ta từ tay người liên lạc.

Sau cùng, một ngày Huế mùa đông, chúng tôi đã tới được mảnh đất tổ tiên. Khu điền trang cũ của Ông Nội tôi đã bị chiếm đoạt, đổi chủ từ lâu. Tòa nhà ba tầng xưa trắng toát, bề thế, nay nhếch nhác, thảm hại. Cây cối vườn xưa tươi tốt nay xơ xác điêu tàn. Khu nghĩa trang gia đình xưa trang nghiêm, thứ tự, nay cỏ tranh rậm rạp.
Đứng trước phần mộ của Ba tôi, nay bị chính quyền mới bắt dời đến núi Thiên Thai cùng chung với các mộ phần của đại gia đình, ôn lại lời Măng tôi kể việc ông bị chi bộ đảng của cộng sản ra lệnh “xử lý”, tôi thấm thía nỗi đau của những người quốc gia bị cộng sản sát hại.
Thời Việt Minh vừa nắm quyền tại Huế năm 1946, nhiều vị nhân sĩ trí thức quốc gia một lòng vì nước cũng đã bị thủ tiêu. Học giả Phạm Quỳnh có người con lớn là Phạm Tuyên thoát ly gia đình theo Việt Minh. Ông Phạm Quỳnh bị Việt Minh bắt mang vào rừng xử tử.
Phạm Tuyên sau thành nhạc sĩ nổi tiếng, từng kể lại là “Bác Hồ” có lần nói với ông rằng Phạm Quỳnh là một học giả yêu nước, một nhân vật lịch sử đáng được tôn trọng. Sau 30 tháng Tư 1975, Phạm Tuyên chính là tác giả bài ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng!” Trong khi ấy thì tại miền Nam, có tin người ta đã tìm được hài cốt của hai ông Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi bị vùi chung một hố trong xó rừng gần Huế. Các dấu hiệu từ hài cốt cho thấy hai ông bị chôn sống.
Như thời còn thơ ấu, tôi cũng đã cúi xuống cố đọc tấm bia mộ ba tôi. Ông sinh năm 1904, bị “xử lý” năm 1946, lúc khởi đầu những tháng ngày tao loạn. Đó cũng là năm sinh của tôi, đứa con được ông hiện hồn về trong mơ vuốt vuốt cái đầu nó. Từ đó, biết bao nhiêu tang thương dâu bể. Măng tôi, cô nữ sinh Đồng Khánh 14 tuổi mê ông thầy giáo độc thân, ôm truyền đơn của Tân Việt Cách Mệnh Đảng vô trường học năm 1927, nay cũng không còn nữa. Sau gần 60 năm ở góa nuôi con, Bà đã mãn phần tại California đúng năm 90 tuổi.

Trong khi ấy thì cả nước Việt Nam, số phận không khác vườn nhà ông nội tôi là bao. Mảnh đất tổ tiên bị cướp đoạt, mồ mả ông cha bị đào bới.
Hơn một thế hệ cùng thời với cha tôi đã trở thành dĩ vãng. Những người từng kề cận ông thời tuổi trẻ như Giáo sư Đặng Thái Mai hay cậu học trò Quốc học Võ (Nguyên) Giáp cũng đã không còn nữa, nhưng đất nước thì vẫn tiếp tục bị hủy hoại bởi cái chế độ phi nhân mà họ từng phục vụ.
Ngày tôi trở lại Huế, cuối tháng 12 năm 2013, cũng là lúc nhà nước cộng sản vừa rềnh rang quốc táng Võ Nguyên Giáp, chết trước đó vài tháng. Còn nhớ, trang nhà của đài BBC Luân Đôn thời ấy có bài viết về ông, nói là từ lâu Đại tướng Giáp đã bị phe cánh trong Đảng loại bỏ, tước hết mọi chức vụ, tư dinh bị đặt trong tình trạng quản chế, mọi việc đi lại, gặp gỡ, ăn nói, đều phải theo lệnh. Vậy mà khi ông mất hồi tháng Mười, 2013, hai tháng trước khi chúng tôi đi Việt Nam, vẫn rềnh rang đánh bóng tuyên truyền.

Sự tráo trở, tàn bạo của cộng sản đã đẩy nhiều thế hệ vào cảnh tương tàn chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Ba tôi bị thủ tiêu, như bao người quốc gia khác, như những bà con Huế bị tàn sát thời Tết Mậu Thân, đều là nạn nhân của cộng sản.
Nhiều thế hệ đã và sẽ còn tiếp tục đi qua, kể cả thế hệ chúng tôi. Nhiều tội ác đã bị khuất lấp hoặc sẽ được quên đi. Nhưng quên không có nghĩa là tha thứ, vì tha thứ là quyền của những người đã chết, những nạn nhân cộng sản.

VI.

Bằng cái biết hạn hẹp của mình, tôi đã cố sơ lược truyện “truyện trăm năm” của gia tộc từ những năm 20 của thế kỷ trước. Nhưng lịch sử cũng như chuyện “Đằng Sau Mặt Trăng” hẳn nhiên còn nhiều tầng bí ẩn, khuất lấp.

Xin được trở lại với phần đời bé nhỏ của gia đình chúng tôi.
Theo dòng thời gian, khi gia đình di chuyển về Nam Cali, Bồ Câu vừa bước qua tuổi teen. Biết chào hello, biết nói vài chữ bằng song ngữ, biết đòi hỏi, biết hỷ nộ ái ố, biết đi chập chững với walker, biết ăn bốc và tự xúc ăn bằng muỗng, uống với ống hút…Tuy nhiên vẫn hoàn toàn không tự lập được trong vấn đề vệ sinh cá nhân, đánh răng rửa mặt, tắm rửa, thay áo quần, vào giường, ra khỏi giường… Tất cả đều cần sự trợ giúp.
Sau khi được “cho” tốt nghiệp trung học ở tuổi 22, Bồ Câu được gởi đến Vocational Visions, là một trung tâm giáo dục giúp đỡ người khuyết tật lớn tuổi, dưới sự quản trị của Orange County Regional Center (OCRC). Có xe bus sáng chở đi chiều chở về. Tại trung tâm, có ngày Bồ Câu ở chơi tại chỗ, có ngày được xe chở đi ra bên ngoài, gọi là community trips, đôi khi hai ba lần mỗi tuần. Cứ mỗi năm, có cuộc họp giữa cha mẹ với cán sự xã hội đại diện OCRC và đại diện Vocational Visions để đánh giá tiến triển của Bồ Câu trong năm qua và chọn phương án cho năm tới. Qua đó, chúng tôi được biết chỉ riêng OCRC đã chi tiêu khoảng 38 ngàn đô cho sinh hoạt và di chuyển của Bồ Câu mỗi năm. Ngoài ra, còn nhiều phúc lợi xã hội khác, khi Bồ Câu được ưu tiên cấp thẻ Medicare, nhưng chỉ sau khi mẹ Bồ Câu chính thức nhận an sinh xã hội khi về hưu.

Nhìn lại, dù là nơi tối tân như Hoa Kỳ, tai nạn do sự lầm lẫn, sai sót trong ngành y, đặc biệt trong khoa gây mê mà nạn nhân thường là các em bé 3, 4 tuổi như Bồ Câu, là chuyện cho tới nay vẫn không thể tránh khỏi. Nhưng bù lại, hệ thống phúc lợi xã hội của nước Mỹ trong việc chăm sóc luôn vận hành hữu hiệu. Nhờ vậy, trên 56 triệu người bị khuyết tật, gồm đủ loại, chiếm 19 phần trăm dân số nước Mỹ, không ngừng được trợ giúp.
Chúng tôi luôn biết ơn và vinh dự được chu toàn bổn phận của một công dân Mỹ.


Sự sống tự nó là phép lạ.

Sau tai nạn năm 1982, các bác sĩ chuyên môn cho biết trường hợp của Bồ Câu sẽ sống không quá 25 tuổi. Bây giờ cháu đã gần 41 tuổi.
Các em Bồ Câu nay đã lần lượt xa nhà, Bồ Câu tiếp tục làm nhân, nhụy trong gia đình còn lại ba mống với nhau. Cô học trò Bồ Câu 41 tuổi nay là niềm vui cho cha mẹ trong tuổi già, khi vẫn còn có một đứa con trong nhà để coi ngó, săn sóc, vui chơi, đi đâu cũng có nhau.

Đêm đêm, chúng tôi vẫn cùng nhau cầu nguyện, tạ ơn trên cho con được sống và sống bên cha mẹ, như điều từng nguyện ước. Xin được kết bằng lời hát tạ ơn:

“Người đưa tay nâng con dậy
cho con đứng lại trên đỉnh núi
Người đưa con ra đại dương,
giúp con vượt giông bão trùng khơi
Con mạnh lại khi tựa vào vai Người,
để từ đó vượt lên hơn cả chính mình…

(Josh Groban – You Raise Me Up, https://youtu.be/uyEokxi2hWY)



06 tháng 4, 2019
Vĩnh Chánh

1 thought on “trang bạn hữu -Vĩnh Chánh- tự truyện “Đằng Sau Mặt Trăng”

  1. Leslie Nguyen Occhipinti

    Wow. Wow. Wow. Bài viết quá hay! Những lời tâm sự quá chân thành!
    Xin cám ơn bác sĩ Vĩnh Chánh đã chia sẻ chuyện riêng của ông với chúng tôi. Cầu xin ơn trên cho ông và gia đình luôn đựoc bình an.

    Nay Kinh,
    Leslie Nguyen Occhipinti

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *